Triết học xã hội

Triết học chính trị của Rousseau

 

TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ CỦA ROUSSEAU

 

JONATHAN WOLFF

(Giáo sư, Đại học University College London)

BÙI XUÂN LINH dịch

 


Jonathan Wolff.  An Introduction to Political Philosophy. Oxford Oxfordshire: Oxford University Press. 2015. | Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Bùi Xuân Linh gửi cho triethoc.edu.vn


 

Tất cả những triết gia từng nghiên cứu nền tảng của xã hội đã cảm thấy nhu cầu đi ngược trở lại đến tận trạng thái Tự nhiên, nhưng không ai trong số họ đã đến được đấy. … tất cả bọn họ, trong khi liên tục nói về nhu cầu, lòng tham, áp bức, ham muốn, và kiêu hãnh, đã chuyển đến trạng thái Tự nhiên những ý tưởng lấy từ xã hội; Họ nói về Con người Hoang dã nhưng lại mô tả Con người Văn minh.  

Rousseau, Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng ([1755]. Cambridge: Cambridge University Press, 1997), 132

 

Một cách để tránh những kết luận bi quan của Hobbes về trạng thái tự nhiên là khởi đầu từ những tiền đề khác. Đặc biệt, cuộc sống không có nhà nước có vẻ là một khả năng hấp dẫn hơn nhiều nếu chúng ta chấp nhận một lý thuyết khác về bản chất và động lực thúc đẩy của con người. Hobbes biện luận rằng con người liên tục đi tìm hạnh phúc: sức mạnh thỏa mãn bất cứ ham muốn nào họ có thể có trong tương lai. Điều này, cùng với sự lo sợ và nghi ngờ đối với những người đồng loại, trong một tình trạng thiếu thốn, đã thúc đẩy lập luận về trạng thái chiến tranh. Nhưng giả dụ như Hobbes đã hoàn toàn sai. Giả sử rằng con người, một cách tự nhiên và tự phát, muốn giúp đỡ lẫn nhau khi nào họ có thể. Có lẽ, thay vì cạnh tranh trong một cuốc đấu tranh để sinh tồn, con người lại đề nghị giúp đỡ nhau, và hành động vì mục đích an ủi nhau. Nếu vậy, thì trạng thái tự nhiên sẽ nhìn rất khác. 

Mặc dù Rousseau không đưa ra những giả định lạc quan này về tính thiện tự nhiên của con người, quan điểm của ông đã đi một bước quan trọng trong chiều hướng này. Giống như Hobbes và Locke, ông cho rằng con người chủ yếu bị thúc đẩy bởi lòng ham muốn tự bảo tồn. Nhưng ông cũng tin rằng đây không phải là kết thúc câu chuyện. Hobbes và Locke không chú ý tới một khía cạnh trung tâm của động lực thúc đẩy con người – lòng thương hại hay trắc ẩn – và do đó đánh giá quá cao khả năng xung đột trong trạng thái tự nhiên. Rousseau tin rằng mọi người đều có “một sự ghê tởm khi thấy đồng loại của mình đau khổ” (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 152). Điều này, ông nói thêm, “tự nhiên đến mức ngay cả thú vật đôi khi cũng cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của nó.”

Rousseau biện luận, lòng trắc ẩn hoặc thương hại hành động như một sự kềm chế mạnh mẽ đối với những động lực vốn có thể dẫn đến tấn công hoặc chiến tranh.

Chính lòng thương hại đưa chúng ta đi mà không suy nghĩ đến chỗ giúp đỡ những ai chúng ta thấy đang đau khổ; lòng thương hại mà, trong trạng thái Tự nhiên, chiếm địa vị của Pháp luật, đạo đức, và đức hạnh, với lợi thế là không ai bị quyến rũ không nghe theo tiếng nói dịu dàng của nó: lòng thương hại sẽ ngăn không cho bất kỳ kẻ dã man Mạnh khỏe nào cướp đi phương tiện sinh sống mà phải khó nhọc lắm mới kiếm được của một đứa trẻ yếu ớt hoặc một ông già hom hem nếu hắn ta có thể hy vọng tìm được cho mình ở nơi khác. (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 154).

Rousseau không nghi ngờ rằng nếu các công dân hiện đại, được xã hội hun đúc và làm cho suy đồi, được đặt vào trong một trạng thái tự nhiên, họ sẽ hành động cũng như Hobbes đã mô tả. Nhưng cả Hobbes và Locke đã chiếu những phẩm chất của con người-trong-xã hội (hay thậm chí con người-trong-xã hội-trưởng giả) lên con người dã man. Đó là, họ đã mô tả các đặc điểm xã hội hóa như thể chúng là tự nhiên.

Rousseau theo đuổi quan điểm này với một lời tuyên bố thứ hai. Khi chúng ta biết được “con người hoang dã” hành xử như thế nào – bị thúc đẩy bởi cả ý thức tự bảo tồn và lòng thương hại, trạng thái tự nhiên sẽ khác xa trạng thái chiến tranh của Hobbes, và thậm chí về một số phương diện còn đáng được yêu thích hơn là một tình trạng văn minh hơn. Như thế không có nghĩa là Rousseau đang biện minh cho một sự trở về với trạng thái tự nhiên, vì điều ấy là bất khả đối với chúng ta, vốn bị xã hội làm cho hư hỏng và yếu đuối. Ngoài ra, đối với Rousseau, thật là một điều tiếc nuối khi chúng ta trở nên văn minh. Vì Rousseau có một cái nhìn cực đoan, và cực kỳ ảm đạm, về tiến bộ của con người. Chuyên luận của ông về giáo dục, Émile (1762), bắt đầu như thế này: “Thượng Đế tạo nên mọi thứ tốt đẹp; con người can thiệp vào chúng và chúng trở nên xấu xa.” Và luận văn trước đấy của ông, Luận về Nghệ thuật và Khoa học (1750), biện luận rằng sự phát triển của nghệ thuật và khoa học đã gây nên nhiều sự đồi bại cho con người hơn là thanh tẩy đạo đức.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải làm rõ rằng tuyên bố của Rousseau rằng con người được thúc đẩy một cách tự nhiên bởi lòng thương hại hay trắc ẩn rất khác với quan điểm mà chúng ta gán cho Locke trong phần trước: rằng con người trong trạng thái tự nhiên sẽ thường tôn trọng các quyền của nhau. Giống như Hobbes, Rousseau biện luận rằng những khái niệm về luật pháp, quyền, và đạo đức không có chỗ trong trạng thái tự nhiên, và do đó, một cách rõ ràng, ông không thể cho là chúng ta có một thôi thúc tự nhiên phải tuân theo một luật đạo đức. Nhưng không như Hobbes và Locke, ông tuyên bố rằng chúng ta thường cố tránh làm hại người khác, không phải bởi vì chúng ta nhận thấy việc làm hại là vô đạo đức, mà bởi vì chúng ta có cảm giác gớm ghiếc đối với việc tổn hại, ngay cả khi nó không phải là của chính chúng ta. Chúng ta có cảm tình với những người khác một cách tư nhiên, và lo ngại vì sự đau khổ của họ. Do đó chúng ta thực hiện những bước nhằm tránh nó nếu có thể được.

Chắc chắn là rất hợp lý khi về bản chất con người thường có sự thông cảm cho nhau. Nhưng liệu điều này có đủ để ngăn chặn chiến tranh khi không có chính phủ? Điều rắc rối là Rousseau đã cho con người tự nhiên hai động lực – sự tự bảo vệ và lòng trắc ẩn – và dường như giữa hai thứ này thể xảy ra xung đột. Nếu một người khác có thứ mà tôi tin là thiết yếu đối với sự bảo tồn của tôi, mà tôi chỉ có thể lấy được nó bằng cách gây hại, tôi – hay đúng hơn là con người hoang dã – sẽ làm gì? Chắc chắn là sẽ hiếm có chuyện một người đặt phúc lợi của một người xa lạ lên trước sự tồn tại của chính mình, và do đó nếu hàng hóa khan hiếm thì ảnh hưởng của lòng thương hại phải phai nhạt. Rousseau ít nhiều công nhận việc này. Lòng thương hại ngăn cản con người hoang dã cướp bóc kẻ yếu đuối hay bệnh tật, miễn là có hy vọng kiếm được phương tiện sinh sống ở nơi khác. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu như chỉ có ít ỏi hay nhỏ nhoi hy vọng về việc này? Lúc ấy, có lẽ, trong một hoàn cảnh khan hiếm chúng ta sẽ đau khổ gấp đôi. Chúng ta không chỉ ở trong một trạng thái chiến tranh, mà còn cảm thấy kinh khủng về tất cả mối hại mà chúng ta sắp gây ra cho những người đồng loại của mình. Nhưng điểm chính yếu là trong điều kiện khan hiếm, lòng trắc ẩn tự nhiên dường như không đủ để ngăn chặn mối đe dọa của chiến tranh.

Rousseau cố né tránh loại vấn đề này bằng cách giả định rằng con người hoang dã có ít ham muốn, và, cân đối với những ham muốn này, hàng hóa có nhiều khả năng kiếm được bằng cách săn bắn và hái lượm hơn là lấy chúng từ tay người khác. Đây không phải vì tính hào phóng của tự nhiên, mà là vì người hoang dã, Rousseau tuyên bố, là một kẻ cô đơn, hiếm khi tiếp xúc với những kẻ khác.Thật vậy, thậm chí sẽ không có gia đình. Rousseau suy đoán rằng những đứa trẻ sẽ xa rời mẹ chúng ngay khi chúng có thể tự tồn tại được, và rằng giữa những người hoang dã sẽ không có sự kết hợp thường xuyên của đàn ông với đàn bà. Lòng trắc ẩn là một tình cảm không đủ mạnh để tạo nên mối ràng buộc gia đình.

Một phần lời giải thích của Rousseau về cuộc sống cô đơn của người hoang dã là tự nhiên đã trang bị cho anh ta để sinh tồn một mình. Bàn chân mạnh mẽ và nhanh nhẹn, không chỉ sánh ngang với các động vật hoang dã mà nói chung còn ít bệnh tật (mà Rousseau cho là hậu quả của những thói quen nuông chiều bản thân và bệnh hoạn), người hoang dã chỉ ham muốn thức ăn, thỏa mãn tình dục, và ngủ, và chỉ sợ cái đói và đau đớn.

Cảnh cô đơn trong tự nhiên loại trừ mọi ham muốn đối với “vinh quang” hoặc danh tiếng, vì người hoang dã không quan tâm đến ý kiến của người khác. Thật vậy, như Rousseau biện luận, ở giai đoạn này người hoang dã chưa phát triển ngôn ngữ, những cơ hội hình thành và bày tỏ ý kiến dường như bị hạn chế đáng kể. Tương tự, người hoang dã không có ham muốn đối với quyền lực. Hobbes, như chúng ta đã thấy, định nghĩa quyền lực như là “phương tiện hiện tại để thỏa mãn những ham muốn tương lai”. Nhưng, Rousseau biện luận, người hoang dã ít có tầm nhìn xa, và thậm chí hầu như không lường trước được những ham muốn trong tương lai, chứ chưa nói đến việc tìm kiếm các phương tiện để thỏa mãn chúng. Rousseau so sánh người hoang dã với thổ dân vùng biển Caribbean hiện nay là những người, theo Rousseau, “bán chiếc giường Bông vải vào buổi sáng, và vừa đi vừa khóc mua lại nó vào buổi chiều, vì không thấy trước anh ta sẽ cần nó vào đêm đang tới (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 143). Vì vậy mọi động lực chiến tranh của Hobbes – những ham muốn lợi ích, an toàn, và tiếng tăm – đều bị làm cho lắng dịu hoặc vắng bóng trong trạng thái tự nhiên của Rousseau.  

Tuy nhiên, mặc dù tính cách tương đối hòa bình của nó, trạng thái tự nhiên của Rousseau hầu như không có vẻ gì là một triển vọng đáng hoan nghênh. Con người hoang dã của Rousseau có lẽ là vua của các loài dã thú, nhưng, như được mô tả, dường như không khác gì những con dã thú khác bao nhiêu. Con người hoang dã, Rousseau nói, là “một con vật ít mạnh hơn vài con khác, ít nhanh nhẹn hơn những con khác; nhưng, nhìn chung, là sinh vật được tổ chức một cách thuận lợi nhất trong tất cả” (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 134). Cứ cho rằng đây là tất cả những gì chúng ta muốn lấy làm kiêu hãnh về trạng thái tự nhiên, tại sao Rousseau lại lấy làm tiếc là giờ đây chúng ta đã bước sang một kỷ nguyên văn minh hơn? Ngoài ra, khó mà thấy được một sự chuyển hóa như vậy thậm chí đã có thể được thực hiện như thế nào. Động lực nào khiến cho sự thay đổi xảy ra trong bức tranh của Rousseau? Thật không rõ ràng là làm thế nào, ngay cả về mặt giả thiết, chúng ta đã có thể từ đấy đi đến đây. 

Chính Rousseau cũng công nhận những điều ông nói không hơn gì “lời phỏng đoán có khả năng xảy ra”, vì sự chuyển tiếp có thể đã xảy ra theo nhiều cách. Và phải công nhận rằng không phải luôn dễ dàng lắp ghép lại cho vừa mọi điều Rousseau nói về đề tài này. Tuy nhiên, điều then chốt là tư tưởng cho rằng con người, không như thú vật, có hai thuộc tính đặc biệt: ý chí tự do và khả năng tự cải thiện. Như chúng ta sẽ thấy, khả năng sau này, theo Rousseau, là nguồn gốc của mọi tiến bộ và mọi nỗi bất hạnh của con người.

Trạng thái tự nhiên như được trình bày cho đến nay nằm sâu trong thời tiền sử của loài người: tình trạng của “con người chưa thành niên”, tiêu tốn thì giờ “đi lang thang trong rừng, không nghề nghiệp, không lời nói, không chỗ ở cố định, không chiến tranh và không ràng buộc, không có nhu cầu gì với những đồng loại và không có ý muốn làm tổn thương họ, thậm chí có lẽ không bao giờ nhận ra bất kỳ ai trong số họ một cách riêng lẻ” (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 157). Chúng ta bắt đầu con đường đi đến văn minh thông qua việc thực hành đầu tiên khả năng tự cải thiện: sự phát triển các công cụ trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, một cuộc đấu tranh phát sinh bởi, Rousseau dự đoán, việc gia tăng dân số. Đáng chú ý là Rousseau xem sự đổi mới, chứ không phải sự cạnh tranh theo kiểu của Hobbes, như là phản ứng đầu tiên đối với sự khan hiếm. Ở đây có lẽ Rousseau đã dựa trên ý tưởng rằng, do người hoang dã có một mối ác cảm tự nhiên đối với việc làm hại người khác, đa số sẽ thích có được cái họ cần bằng cách làm việc để có nó, hơn là lấy từ kẻ khác. Và chính sự đổi mới – tức việc chế tạo ra dụng cụ – giúp cho công việc dễ dàng hơn đã lần đầu tiên đánh thức niềm kiêu hãnh và trí thông minh của con người.

Một sự đổi mới khác là ý tưởng về sự hợp tác: lợi ích chung thúc đẩy các hoạt động theo đuổi tập thể, chẳng hạn, trong việc hình thành các nhóm săn bắn. Với thời gian những lợi ích của cuộc sống hợp quần, và dựng lên những túp lều và chỗ trú ẩn chung trong những hoàn cảnh mới này “đã làm phát sinh những cảm xúc ngọt ngào nhất mà con người từng biết, tình vợ chồng và tình cha con” (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 164).

Trong tình trạng này phát sinh một điều mới mẻ: thời gian rỗi rảnh. Sự hợp tác và chế tạo dụng cụ đã chinh phục sự khan hiếm đủ để mang lại cơ hội tạo nên những hàng hóa vượt lên khỏi nhu cầu tồn tại đơn thuần. Người hoang dã giờ đây bắt đầu tạo nên những mặt hang tiện lợi hoặc xa xỉ mà những thế hệ trước đấy chưa hề biết. Tuy nhiên, “Đây là cái ách đầu tiên mà, trong khi không nghĩ đến nó, họ đã mang vào cổ chính mình, và là nguồn gốc đầu tiên của những cái xấu họ chuẩn bị cho Hậu thế của mình” (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 164). Tại sao? Bởi vì giờ đây con người phát triển điều họ có thể gọi là những nhu cầu đồi bại”. Rousseau kể lại điều giờ đây là một câu chuyện quen thuộc và đáng tin. Chúng ta trở nên lệ thuộc vào những gì trước tiên bị xem là xa xỉ. Sau khi sự tân kỳ không còn nữa, việc có được chúng chỉ mang lại cho chúng ta chút ít hoặc không có gì thú vị, nhưng đánh mất chúng lại là thảm họa – mặc dù chúng ta đã từng xoay sở rất tốt mà không có chúng.

Từ đây một số yếu tố tiêu cực được đưa vào: vì xã hội phát triển, nên ngôn ngữ cũng vậy, cùng với cơ hội so sánh các tài năng. Điều này làm phát sinh lòng kiêu hãnh, xấu hổ, và đố kỵ. Lần đầu tiên một sự tổn thương bị xem như một sự sỉ nhục, một dấu hiệu của sự khinh miệt thay vì chỉ đơn giản là một thiệt hại, và những kẻ bị tổn thương bắt đầu tìm cách báo thù. Khi bản thân trạng thái tự nhiên bắt đầu biến đổi, những nguyên nhân chia rẽ và tranh chấp cũng bùng phát. Nhưng, mặc dù vậy, Rousseau nói về giai đoạn này rằng nó hẳn là hạnh phúc nhất và ổn định nhất trong các thời kỳ, “thời thanh xuân thực sự của Thế giới” (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 167): ở giữa chừng của sự đần độn và biếng nhác tự nhiên của con người hoang dã, và niềm kiêu hãnh cháy bỏng của con người văn minh.

Mặc dù đây là một thời kỳ ổn định, nó không thể tồn tại vĩnh viễn, và sự mục nát thực sự đã bắt đầu với sự phát triền lâu dài và khó khăn của nông nghiệp và thuật luyện kim. Từ đây chỉ là một bước ngắn tiến tới chỗ khẳng định quyền tư hữu và những luật lệ của công lý. Nhưng quyền tư hữu dẫn đến sự lệ thuộc lẫn nhau, sự ghen tị, bất bình đẳng, và cảnh nô lệ của người nghèo. Cuối cùng: 

Việc phá vỡ sự bình đẳng được tiếp nối bằng cảnh rối loạn đáng sợ nhất: do đó, sự chiếm đoạt của người giàu, cướp bóc của người nghèo, những đam mê không thể kềm chế của tất cả, lòng thương hại tự nhiên bóp nghẹt và tiếng nói công lý vẫn còn yếu ớt, khiến con người trở nên tham lam, tham vọng và độc ác. Một cuộc xung đột muôn thuở giữa quyền của kẻ mạnh hơn và quyền của kẻ chiếm giữ đầu tiên nổi lên, và chỉ dẫn đến những cuộc chiến đấu và giết chóc. Xã hội non trẻ nhường chỗ cho trạng thái chiến tranh kinh khủng nhất (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 171-2).

Và do đó rốt cuộc chúng ta đi đến chiến tranh: không phải như một phần của trạng thái ngây thơ đầu tiên mà là kết quả của việc tạo nên những xã hội phôi thai đầu tiên. Ở điểm này, “Người giàu dưới áp lực của nhu cầu, cuối cùng đã nhận ra dự án được xem xét kỹ lưỡng nhất  từng đi vào tâm trí con người; thậm chí sử dụng các lực lượng của những kẻ tấn công hắn để có lợi cho mình (Luận về Nguồn gốc của sự Bất bình đẳng, 172). Dĩ nhiên, đây là một kế hoạch nhằm thiết lập các quy tắc công bằng xã hội để bảo đảm hòa bình: các quy tắc ràng buộc tất cả mọi người như nhau, nhưng lại có lợi rất nhiều đối với người giàu, vì xét cho cùng, họ là những người có tài sản để bảo đảm. Cuối cùng, những xã hội dân sự đầu tiên – xã hội có luật pháp và chính phủ – ra đời. (Chúng ta sẽ xem ở Chương 3 Rousseau còn xa so với lý tưởng bao nhiêu nữa để cho các xã hội đầu tiên này có thể tồn tại.) Và một lần nữa chúng ta thấy sự xuất hiện của xã hội dân sự được coi là phản ứng đối với tình huống chiến tranh hoặc cận chiến tranh trong trạng thái tự nhiên.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt