Triết học xã hội

Triết học chính trị của thuyết công lợi

 

TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ CỦA THUYẾT CÔNG LỢI

 

JONATHAN WOLFF

(Giáo sư, Đại học University College London)

BÙI XUÂN LINH dịch

 


Jonathan Wolff.  An Introduction to Political Philosophy. Oxford Oxfordshire: Oxford University Press. 2015. | Bản dịch tiếng Việt do dịch giả Bùi Xuân Linh gửi cho triethoc.edu.vn


 

Các thần dân phải tuân lời Vua chúa … trong chừng mực mà những sự tổn hại có thể có của việc tuân lời ít hơn là những tổn hại có thể có của việc phản kháng.

Jeremy Bentham, Tản mạn về Chính quyền, nxb. Ross Hamilton ([1776], Cambridge: Cambridge University Press, 1988) 56.

 

Sự thất bại của các luận cứ về khế ước, kết hợp với tính cách thiếu hấp dẫn của chủ nghĩa vô chính phủ, khiến cho việc khảo sát thuyết công lợi càng thêm cấp bách. Ý tưởng cơ bản của thuyết công lợi là rằng hành động đúng đắn về mặt đạo đức trong mọi tình huống là hành động mang lại tổng số lợi ích cao nhất có thể. Lợi ích được hiểu một cách khác nhau theo từng trường hợp như là hạnh phúc, lạc thú, hay sự thỏa mãn các ham muốn hay sở thích. Vì mục đích của cuộc thảo luận của chúng ta, những sự lựa chọn này không quan trọng lắm, do đó để cho thuận tiện chúng ta hãy nói về sự tối đa hóa hạnh phúc. Một cách đơn giản, thuyết công lợi[1] đòi hỏi bạn phải thực hiện hành động nào sẽ tạo nên nhiều hạnh phúc (hoặc ít bất hạnh hơn) trong thế giới hơn bất cứ hành động nào khác có giá trị trong cùng thời gian.

Lưu ý rằng để xem xét thuyết công lợi một cách nghiêm chỉnh chúng ta cần có khả năng đo lường và định lượng hóa hạnh phúc, sao cho chúng ta có thể xác định được cái nào trong số những hành động khả dĩ sẽ tạo nên nhiều nhất. Việc này thường được cho là một khó khăn nghiêm trọng. Sau cùng, nếu cần phải so sánh các tình huống, chúng ta dường như cần đến một chiếc cân nào đó để có thể đo lường: những đơn vị hạnh phúc, có lẽ. Chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Lý thuyết không chỉ yêu cầu chúng ta so sánh hạnh phúc của người này với người khác, và nói rằng ai có nhiều hơn, mà còn nói hơn bao nhiêu. Chúng ta dường như còn phải giải thích những lời tuyên bố kiểu như: “Hôm nay Fred sung sướng gấp đôi Charlie, mặc dù hôm qua anh ta sung sướng gấp ba lần.” Nhiều người sẽ nghĩ đây là chuyện vô lý. Cố gắng định lượng hóa hạnh phúc theo kiểu này thường có vẻ trẻ con.

Vấn đề tìm cách so sánh mức độ hạnh phúc được gọi là vấn đề “so sánh lợi ích liên cá nhân”. Thật lạ lùng, không ai trong số những người sáng lập ra chủ nghĩa công lợi ở thế kỷ 19 dường như thấy được sức mạnh của vấn đề này, mặc dù trong vài thập kỷ qua, một số giải pháp kỹ thuật khéo léo đã được đề xuất. Không có giải pháp nào được chấp nhận rộng rãi và chúng ta sẽ mất quá nhiều thời gian để đưa ra vấn đề xem xét thích hợp ở đây. Tuy nhiên, chúng ta không nên mù quáng đến mức không bao giờ hoàn toàn thua thiệt khi được kêu gọi thực hiện các so sánh. Chẳng hạn, chúng ta biết về những người khác, những người dường như thưởng thức một số món ăn hoặc hình thức giải trí nhất định, nhiều hơn hoặc ít hơn chính chúng ta. Nghiêm trọng hơn, hàng ngày chúng ta nhìn thấy những người sống trong cảnh khốn khổ, trong khi chúng ta biết có những người khác sống cuộc đời vui thú kỳ diệu. Chúng ta tin tưởng có thể làm những so sánh, ngay cả nếu chúng ta không biết chính xác làm như thế nào. Để cho những mục đích hiện tại, chúng ta sẽ đơn giản giả định rằng những so sánh lợi ích giữa các cá nhân với nhau có thể được thực hiện, trong khi nhớ rằng con người theo thuyết công lợi nợ chúng ta một lời giải thích về việc, một cách chính xác, điều này đã được thực hiện như thế nào. 

Quay lại vấn đề chính, giờ đây chúng ta cần hỏi một lý thuyết công lợi của bổn phận chính trị sẽ trông ra sao. Theo Jeremy Bentham, như chúng ta thấy trên đây, chúng ta nên vâng lời các nhà cai trị của mình chừng nào mà những lợi ích của việc làm như thế có trọng lượng hơn là các chi phí. Do đó, điều này nghe giống như lý thuyết rằng tôi nên tuân thủ luật pháp nếu, nhưng chỉ nếu, sự tuân thủ của tôi sẽ dẫn đến hạnh phúc của xã hội lớn hơn việc tôi bất tuân.

Nhưng nếu đây là học thuyết của Bentham, thì một giây lát suy nghĩ cũng cho thấy nó là một chương vi phạm luật pháp. Vì rốt cuộc, hạnh phúc của tôi là một phần của hạnh phúc chung. Do đó nếu vi phạm một luật lệ – chẳng hạn như qua việc ăn trộm một cuốn sách của một tiệm sách lớn – sẽ gia tăng hạnh phúc của tôi, và tôi có thể chắc chắn rằng không ai sẽ nhận ra hay chịu bất cứ sự mất mát hay thiệt hại đáng kể nào, thì dường như thuyết công lợi không những chỉ cho phép tôi, mà còn yêu cầu tôi, thực hiện hành vi trộm cắp. Thông điệp tổng quát hơn là lý thuyết công lợi này sẽ rất thường khuyến khích việc vi phạm pháp luật.

Liệu đây có phải là điều mà người theo thuyết công lợi muốn? Có vẻ như không phải, và thực ra đã có một câu trả lời sẵn sàng. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng ta đều vi phạm pháp luật trong khi nghĩ rằng làm như thế sẽ dẫn đến một sự gia tăng hạnh phúc chung. Trong trường hợp ấy bạn có thể lấy bất cứ tài sản nào của tôi bất cứ khi nào bạn thấy làm vậy sẽ gia tăng hạnh phúc của mình hơn là giảm bớt hạnh phúc của tôi. Của cải sẽ trở thành vô cùng mất an toàn, có lẽ không chắc chắn tới mức cuối cùng không ai muốn làm việc để sản xuất thứ gì nếu một kẻ khác có thể lấy mất nó vào bất cứ khi nào mà tính toán vị lợi chiếm ưu thế. Sự mất an toàn này sẽ đưa đến tình trạng bất hạnh chung, khá giống với sự bất an trong trạng thái tự nhiên. Thật là nghịch lý, khi mỗi người trong chúng ta cố gia tăng hạnh phúc chung một cách riêng rẽ, thì cuối cùng chúng ta sẽ cùng nhau mang lại cảnh khốn khổ chung. Đây là một ví dụ khác về thế tiến thoái lưỡng nan của người tù đã được thảo luận trong Chương 1: hành động nhằm gia tăng hạnh phúc của từng cá nhân sẽ làm giảm bớt hạnh phúc của tập thể.

Vì vậy, người theo chủ thuyết công lợi có thể biện luận rằng chúng ta cần nhiều luật pháp được kính trọng, thậm chí khi vi phạm một trong các luật lệ này vào một dịp cụ thể cũng sẽ, nếu được cho phép, dẫn tới một sự gia tăng hạnh phúc. Điều này có thể được gọi là thuyết công lợi gián tiếp. Ý tưởng là nếu tất cả chúng ta đều lý luận dựa trên thuyết công lợi mọi thứ sẽ trở nên tệ hại. Do đó chúng ta cần tuân theo lối lý luận phi thực dụng – tuân thủ luật pháp – để tối đa hóa hạnh phúc.

Việc ấy sẽ giúp minh họa quan điểm so sánh với việc tìm kiếm hạnh phúc của một cá nhân. Một khám phá đã được thực hiện lặp đi lặp lại bởi những kẻ hưởng lạc ở khắp nơi là nếu bạn đặt ra mục tiêu duy nhất là trở nên hạnh phúc và làm mọi thứ có thể để trở nên hạnh phúc, thì có nhiều khả năng bạn sẽ thất bại. Nhưng nếu bạn nhắm đến một điều gì đó khác – hình thành và theo đuổi một tham vọng, có một sở thích, kết giao với vài người bạn tốt – bạn có thể thấy hạnh phúc chỉ là một tác dụng phụ hoặc hậu quả gián tiếp. Vì vậy, người ta khẳng định rằng, việc trực tiếp tìm kiếm hạnh phúc, cả về mặt cá nhân và xã hội, có thể tự chuốc lấy thất bại. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là tự đặt ra các mục tiêu khác, hoặc tuân theo các qui định khác, với hy vọng hoặc mong đợi rằng hạnh phúc sẽ theo sau như một kết quả. Triết gia chính trị công lợi nên khuyến cáo một hệ thống các luật lệ để mỗi người tuân theo, ít nhất trong những hoàn cảnh bình thường. Do đó, cá nhân không cần phải xem xét đến ảnh hưởng của việc tôn trọng luật pháp đối với mức độ hạnh phúc trong xã hội.

Đây có lẽ là quan điểm thực sự của chính Bentham: “xét chung về mọi người, nghĩa vụ của họ là chỉ tuân thủ khi đó là lợi ích của họ” (Tản mạn về Chính quyền, 56). Phần mở rộng của đoạn văn này cung cấp một số ý tưởng:

1. Luật pháp nên được thông qua nếu, và chỉ nếu, chúng đóng góp thêm vào hạnh phúc của nhân loại hơn là luật lệ (hoặc không có luật lệ) cạnh tranh nào khác.

2. Luật pháp cần được tuân thủ vì chúng là luật pháp (và sẽ được tuân thủ vì nếu bất tuân sẽ có nghĩa là bị trừng phạt), và chỉ nên bị bất tuân để tránh tai họa.

3. Các luật lệ cần được bãi bỏ và thay thế nếu chúng không phục vụ được chức năng ích lợi phù hợp.

Thông điệp của thuyết công lợi về bổn phận chính trị giờ đây dường như rõ ràng. Nhà nước, với tư cách là người cung cấp và thực thi các luật lệ, được biện minh nếu, và chỉ nếu, nó đóng góp thêm vào hạnh phúc nhân loại hơn bất cứ sự sắp xếp cạnh tranh nào khác. Nếu chúng ta nghĩ về sự tương phản cơ bản giữa nhà nước và trạng thái tự nhiên, và chúng ta chấp nhận những lập luận – đặc biệt là của Hobbes – từ Chương 1, thì dường như sự biện minh của chủ thuyết công lợi đối với nhà nước trông rất hợp lý. Về mặt đóng góp cho hạnh phúc chung, nhà nước dường như làm tốt hơn trạng thái tự nhiên rất nhiều. Như thế, đối với các nhà chủ trương thuyết công lợi, sự biện minh cho nhà nước là trọn vẹn.

Tuy nhiên, mặc dù thành công này, có rất ít triết gia chính trị dường như bị thuyết phục bởi sự bảo vệ của những người chủ trương công lợi đối với nhà nước. Nhiều người nhìn nhận rằng lập luận tỏ ra rất vững vàng trong những lời lẽ của nó, nhưng cũng chỉ trích những giả định hoặc tiền đề của lập luận. Bản thân lập luận rất đơn giản. Chủ yếu, nó chỉ có ba tiền đề:

1. Xã hội tốt nhất về mặt đạo đức là xã hội mà hạnh phúc được tối đa hóa.

2. Nhà nước thúc đẩy hạnh phúc tốt hơn trạng thái của tự nhiên.

3. Nhà nước và trạng thái tự nhiên là những lựa chọn thay thế duy nhất mà chúng ta có.

Do đó:

4. Chúng ta có bổn phận đạo đức phải tạo dựng nhà nước và ủng hộ nó.

Chúng ta đã thấy nơi Chương 1 rằng các loại người vô chính phủ khác nhau sẽ đặt câu hỏi về những tiền đề 2 và 3, nhưng vì những mục đích của lập luận này, chúng ta hãy giả định rằng các tiền đề này là đúng. Lập luận này dường như cũng có giá trị trong ý nghĩa hình thức rằng nếu các tiền đề là đúng, thì kết luận cũng phải đúng (giả sử chúng ta có một bổn phận đạo đức phải tạo dựng và ủng hộ xã hội tốt nhất về mặt đạo đức). Do đó phần dễ bị tổn thương nhất của lập luận là tiền đề đầu tiên: nguyên lý cơ bản của sự ích lợi.

Và vấn đề nằm ở đây. Nhiều triết gia bác bỏ lý luận của các nhà công lợi, vì họ nghĩ nó có những hậu quả không thể chấp nhận về mặt đạo đức. Đặc biệt, người ta thường cho rằng đạo đức công lợi cho phép, hoặc thậm chí đòi hỏi, những sự bất công nghiêm trọng. Chẳng hạn, một khó khăn tai tiếng là sự phản đối “con dê tế thần”: chủ nghĩa công lợi sẽ cho phép những sự bất công to lớn trong khi theo đuổi hạnh phúc chung.

Việc phản đối con dê tế thần là thế này. Giả sử một số tội ác ghê tởm đã bị phạm phải – có thể là một vụ nổ bom khủng bố trong đó nhiều người đã bị giết và nhiều người hơn nữa bị thương. Trong những hoàn cảnh như vậy cảnh sát phải chịu áp lực căng thẳng tìm ra thủ phạm. Dân chúng nói chung tìm cách báo thù, và sự trấn an rằng một vụ tấn công tương tự sẽ không xảy ra lần nữa. Hạnh phúc chung chắc chắn sẽ được đáp ứng nếu những bên có tội bị đưa ra trước công lý. Nhưng những người chống đối thuyết công lợi đã ghi nhận rằng hạnh phúc chung cũng sẽ được tăng tiến nếu những cá nhân được dân chúng tin là có tội bị bắt và bị kết án. Chừng nào họ còn là những kẻ tình nghi hợp lý – có những lời lẽ, trông hơi giống, và đại loại như vậy – thì lúc ấy ít nhất sự đòi hỏi trả thù sẽ được thỏa mãn, và tất cả chúng ta sẽ ngủ ngon hơn trên chiếc giường của mình (thậm chí nếu chúng ta làm thế chỉ vì tin tưởng sai lầm của chúng ta). Dĩ nhiên là người vô tội sẽ phải chịu thiệt hại. Nhưng có vẻ hợp lý là sự gia tăng cảnh hạnh phúc (hay sự suy giảm cảnh khốn khổ) của phần lớn dân chúng sẽ  có nhiều giá trị hơn sự đau khổ của người vô tội và do đó khiến cho việc dùng làm vật hy sinh đã thành công theo ngôn ngữ của các nhà công lợi. Do đó, người ta cho rằng, chủ nghĩa công lợi dẫn đến hậu quả là việc trừng phạt người vô tội có thể đúng về mặt đạo đức. Những ví dụ khác cùng loại như vậy – chẳng hạn, sự biện minh cho chế độ nô lệ theo phép công lợi có thể được dựng lên dễ dàng.

Vấn đề không phải là tốt hơn là nên trừng phạt người vô tội; chắc chắn sẽ sòn tốt hơn nữa theo tính toán của nhà công lợi khi tìm thấy và trừng phạt kẻ có tội. Nhưng khi mọi thứ được tính đến thì có vẻ như có khả năng một số sai lầm của công lý có thể được biện hộ theo ngôn ngữ công lợi. Phần lớn các cuộc tranh luận triết học đều dựa trên những ví dụ tưởng tượng, nhưng cũng có một số trường hợp có thực. Vấn đề đã được công chúng ở Vương quốc Anh chú ý liên quan đến vụ đánh bom một quán rượu của IRA.[2] “Nhóm Sáu người ở Birmingham” đã bị kết tội giết người vào năm 1975, nhưng khẳng định rằng lời thú tội của họ là do bị cảnh sát đánh đập. Họ đã cố gắng đưa ra một vụ kiện dân sự chống lại cảnh sát vì những vết thương phải chịu trong lúc bị giam giữ. Lord Denning, trong phán quyết của ông tại Tòa Phúc thẩm năm 1980, đã đưa ra câu hỏi liệu vụ kiện dân sự chống lại cảnh sát có nên được phép đem ra xét xử. Ông nói: 

 

Nếu sáu đương sự này thất bại, thì có nghĩa là nhiều khoản thời gian và tiền bạc đã được nhiều người chi phí vì mục đích không tốt. Còn nếu họ thành công, thì sẽ có nghĩa là cảnh sát đã phạm tội khai man, rằng những lời thú tội không phải là tự nguyện và đã được công nhận không đúng cách như là bằng chứng và rằng những lời buộc tội là sai lầm. Điều ấy sẽ có nghĩa là Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ phải hoặc đề nghị họ được ân  xá hoặc chuyển vụ việc lên Tòa phúc thẩm. Đây là một viễn cảnh kinh hoàng đến nỗi mọi người nhạy cảm ở vùng đất này sẽ nói: Nó không thể đúng, những hành động này nên đi xa hơn nữa. (Trích dẫn trong Chris Mullin, Sai lầm trong Phán xử (bản in được duyệt lại, Dublin: Poolbeg Press, 1990) 216).

 

Sau cùng, vào năm 1991, sự kết tội bị bãi bỏ. Lord Denning về sau công nhận rằng “với lợi ích của nhận thức sau khi sự việc xảy ra, những lời bình luận của tôi có thể bị chỉ trích một cách đúng đắn”. Nhưng vấn đề là, như những người chỉ trích chủ nghĩa công lợi sẽ nói, lập luận của ông tương đương với một ứng dụng hoàn hảo của lý luận công lợi. Nếu để những người vô tội ở trong tù sẽ tốt hơn là thừa nhận rằng cảnh sát đôi khi khủng bố các cá nhân để họ thú nhận sai sự thật. Và, hầu như không cần phải nói, càng nhiều càng tệ hơn đối với lý luận công lợi. 

Nhưng để tự vệ, có vẻ như những người theo chủ nghĩa công lợi có thể tránh những vấn đề như vậy bằng cách áp dụng chiến lược “chủ nghĩa công lợi gián tiếp” đã được phác thảo nên trước đây. Nếu chúng ta biết rằng mình sống trong một loại xã hội mà con người có thể bị đối xử tàn nhẫn và dùng làm con dê tế thần, và bị giam giữ trong tù ngay cả nếu vô tội, thì điều này sẽ dẫn đến tình trạng bất an tới mức làm suy giảm sâu sắc hạnh phúc của con người. Rốt cuộc, làm thế nào tôi biết được mình sẽ không phải là vật hy sinh kế tiếp cho chủ nghĩa công lợi? Vì vậy, nhà công lợi phải ban cho mọi người quyền không bị trừng phạt trừ khi họ có tội. Sự phản đối vật hy sinh và những hành vi tương tự khác, như người ta thường biện luận, có thể được tránh khỏi bằng cách tiếp cận mang tính công lợi tinh tế hơn này. Và, thực sự, một sự xem xét mang tính công lợi nhóm Sáu người ở Birmingham có thể khẳng định rằng – lập luận đầu tiên chống Denning – đã tạo nên lợi nhiều hơn hại đã được thực hiện bởi việc trả tự do cho họ. Hệ thống tư pháp Anh có thể bị mất uy tín, nhưng do kết quả của vụ việc và sự công khai của nó, những thủ tục tốt hơn để ghi lại lời thú tội đã được áp dụng, vì lợi ích lâu dài và sự an toàn của tất cả. 

Thành công của lập luận công lợi gián tiếp dường như mang tính sống còn đối với việc bảo vệ chủ nghĩa công lợi. Nếu lý thuyết công lợi có thể cung cấp một lý thuyết về những quyền của cá nhân – chẳng hạn, quyền chống lại việc bị bắt làm vật hy sinh – thì nhiều sự chống đối thông thường đối với nó sẽ biến mất. Chúng ta đã nhìn thấy một bản phác họa việc chủ nghĩa công lợi có thể hoàn thành nhiệm vụ này như thế nào, nhưng có những cách để phát triển sự phản đối hơn nữa. Ví dụ, có thể biện luận rằng sự an toàn chung sẽ chỉ còn là kết quả của hành động đổ lỗi cho vật tế thần nếu công chúng nhận biết việc gì đang diễn ra. Nhưng nếu công chúng không bao giờ khám phá ra sự thật, họ sẽ không có gì phải lo lắng. (Hay đúng hơn, họ sẽ có điều gì đó để lo lắng, nhưng vì không biết gì về điều ấy, trên thực tế họ sẽ không lo lắng gì. Và do đó sẽ không có thêm những đơn vị âm nào thêm vào số dư công lợi.) Như thế hành động đổ lỗi cho vật tế thần được biện minh, trên cơ sở công lợi, miễn là nó bí mật và có hiệu quả cao. Dĩ nhiên đây là một ý nghĩ làm cho người ta băn khoăn.   

Một sự phản đối sâu sắc hơn là, thậm chí nếu các tính toán mang lại kết quả như các hy vọng công lợi, kết quả đúng được đạt đến bằng lý do sai. Trên thực tế, có lẽ một chính sách dê tế thần bí mật sẽ không tối đa hóa hạnh phúc. Nhưng các đối thủ của chủ nghĩa công lợi biện minh rằng đây là điều không thích hợp: không ai nên bị bắt làm nạn nhân, mặc cho những lợi ích dưới dạng hạnh phúc chung. Nhóm Sáu người ở Birmingham nên được thả dù cho kết quả có như thế nào. Ngoài ra, nếu các nhà công lợi chỉ quan tâm đến việc tối đa hóa hạnh phúc, tại sao họ tiêu tốn quá nhiều năng lượng vào việc cố tạo nên một lý thuyết công lợi về các quyền? Điều này có vẻ như một sự thiếu tin tưởng vào lý thuyết của chính họ.

Vì những mục đích của cuộc thảo luận hiện tại chúng ta sẽ đưa ra một giả định – vốn có thể bị lật ngược về sau – rằng cuối cùng lý thuyết công lợi không thể được cứu thoát khỏi sự chỉ trích như vậy. Giờ đây tôi không muốn nói thêm nữa về vấn đề này, vì sẽ trở lại với nó một cách chi tiết trong Chương 4, ở đấy tôi sẽ xem xét cuốn Bàn về Tự do của John Stuart Mill, một cuốn sách thường được cho là cung cấp một lý thuyết công lợi về các quyền. Vấn đề hiện tại đơn giản là, mặc dù sự biện minh của chủ nghĩa công lợi gián tiếp đối với nhà nước có vẻ mạnh mẽ, chính chủ nghĩa công lợi lại tỏ ra đáng ngờ, ngay cả trong hình thức gián tiếp của nó. Có những lý do để không thỏa mãn với cách tiếp cận nhằm bảo vệ cho nhà nước này.

 



[1] Thuyết Công Lợi (Utilitarianism): Lý thuyết đạo đức do Jeremy Bentham và James Mill đề xuất cho rằng mọi hành động nên hướng tới việc đạt được hạnh phúc lớn nhất cho số lượng người nhiều nhất.

[2] IRA (Irish Republican Army – Quân đội Cộng hòa Ireland): Một tổ chức dân quân có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, đang đấu tranh cho một Ireland độc lập thống nhất thông qua các biện pháp ngày càng khủng bố; chịu trách nhiệm cho nhiều cái chết của dân thường cả ở Anh và Bắc Ireland.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt