Chủ nghĩa hiện sinh

Huyền nhiệm ý thức

 

HUYỀN NHIỆM Ý THỨC

 

ANDRÉ NIEL

TÔN THẤT HOÀNG dịch

 


André Niel. Jean-Paul Sartre anh hùng và nạn nhân của "ý thức khốn khổ". Tôn Thất Hoàng dịch. Nxb. Ca Dao, Sài Gòn, 1968.


 

Tự nội thể và tha quy thể: một huyền thoại triết học mà nhà tâm lý xem là có giá trị mặc khải của một "giấc mộng do dn khởi" (rêve éveillé)

 

HUYỀN thoại của Sartre đã đem lại một tên gọi cho cái Vật Thể đáng kinh hãi và nhầy nhụa, cái vật thể ù lì bất động, đó là vật tự nội, hay Hữu Thể. Vật tự nội thì dầy đặc, không có một khoảng rỗng không nào, mờ đục với chính nó, nghĩa là không có ý thức về mình, (ý thức là một hữu thể này ngược về mình, xét như là chủ thể khác biệt và xa cách với chính mình, tự nhìn mình như một đối tượng).

Các nhà tư tưởng chủ trương thuyết tiến hóa đôi khi trình bày cho trí tưởng tượng của ta phong cảnh một Địa Cầu nguyên thủy, nơi chỉ ngự trị thuần là những yếu tố tự nhiên, những cây cối và thú vật; trên mặt Địa Cầu đó, ta không gặp thấy bất cứ vết tích nào của tư tưởng: chẳng có lấy một mái nhà, một khí cụ, một làn khói bốc lên. Cái thế giới không ý thức về mình trên đây đúng là hình ảnh trung thực nhất của Hữu Thể theo quan niệm Sartre, Hữu Thể dầy đặc và phi nhân. Người ta đọc thấy trong cuốn Buồn Nôn :

"Khi thành phố chết đi, thì Thảo Mộc sẽ xâm chiếm tràn lan, Thảo Mộc sẽ bò leo trên các tảng đá... trám kín các lỗ hồng”[1]

Thế có nghĩa là vật tự nội, đồng danh với khối vật chất ù lì, bất động, sẽ chiếm lại chỗ của con người và của ý thức.

Sự so sánh vật tự nội của Sartre với một Địa Cầu thuần túy vật chất lại càng thêm phần vững chải khi Sartre tự nhận mình là người "duy vật” như Karl Marx, là người chủ trương con người tư tưởng (homo sapien) đã xuất sinh từ vật chất do một quá trình biện chứng nào đó. Tuy nhiên, đối với Karl Marx, sự xuất hiện của con người và của ý thức chẳng đem lại điều gì trọng đại và mới mẻ cho cõi nhiên giới vật chất, vì xuyên qua con người nhiên giới cứ vẫn tiếp tục theo đuôi tiến trình biện chứng của mình, và ý thức con người chỉ có một con đường duy nhất là tùy thuận phù hợp theo tiến trình biện chứng ấy. Trái lại, đối với Sartre, sự xuất hiện của ý thức là một biến cố phi thường trong nhiên giới, vì lẽ trong cõi dầy đặc khít khao của Hữu Thể ù lì bất động, ý thức đưa vào một yếu tố mới là khoảng không (với khoảng cách từ chủ đến đối tượng). Chẳng phải chỉ từ khi ý thức xuất hiện trong nhiên giới, ta mới có thể cùng với Sartre bảo rằng «vô thể tới lui với hữu thể» ? Ở đây, ta có thể hình dung ra cái nguyệt cầu với những miệng hỏa sơn bao la của nó: nếu sự hoàn hảo hình cầu tròn đầy của Hữu Thể bị tổn phạm thì nguyên nhân là do khoảng hư vô ý thức đã đưa vào.

Tôi có thể nghĩ được: «Tôi là Paul”, là vì cái tư tưởng - ý thức đã đưa vào một khoảng cách, một khoảng hư không, ở giữa cái tôi chủ thể và Paul đối tượng. Không có khoảng không nầy, không có vô thể đó, tôi không còn là một ý thức về chính mình nữa (cũng không phải là một ý thức, một tư tưởng, dưới bất cứ hình thức nào). Điều đó khiến Sartre kết luận rằng tư tưởng là một phi-thể. Phi thể này xuất hiện nơi đứa trẻ ngay từ những biểu lộ đầu tiên của ý thức, ngay khi đứa trẻ có thể tự phân biệt ra khỏi thế giới và những hữu thể khác: lúc bấy giờ, đứa trẻ đặt vào giữa bản thân mình và các hữu thể trong thế giới, cái khoảng cách của phi thể của ý tưởng nó. Sự ly cách của với sự chia lìa với thế giới. Bản Ngã, đồng thời không bao giờ xảy ra nơi con vật. Một con chó không khi nào tự đặt mình ra như một Bản Ngã khác biệt với thế giới, vì lẽ nó không phải là hữu thể mang chứa mầm mống của ý thức - vô thể. Con chó không hiện hữu theo nghĩa là xuất hữu (d’ex-sister), hiện thể ở bên ngoài (d’être hors de)... ở bên ngoài cõi dày đặc của ý thức.

Tất cả những điều đó hiển nhiên là thuộc về thứ tiểu thuyết siêu hình, trong văn thể cổ truyền của triết học tây phương, thứ triết học vẫn hằng chủ trương chủ thể (Ngủ Thể) và đối tượng (Vật Thể) đều cùng nhằm đến chỗ thâm nhập đồng hóa và thủ tiêu lẫn nhau.

Nhưng trong thực tế, sự việc diễn ra như thế nào ? Hiển nhiên là trên bình diện thực tiễn, ý thức tách rời một thế giới với một Bản Ngã Cơ thể; nhưng ta cũng nhận thấy rằng cũng ý thức ấy lại chủ động đứng ra tái hợp cái Bản Ngã đó với thế giới (nhờ vào sự cộng tác của các giác quan) — trong tri giác, ngôn ngữ trong tình bạn và tình yêu (hình 1). Mà, nếu ta giả thiết một tiến trình chia biệt thường xuyên như thế giữa cái Tôi-chủ thể và giữa những tổng hợp luôn luôn mới mẻ của cái Tôi và của thế giới (khí cụ, ngôn ngữ, phát minh, tri thức, tình liên đới, thì ta nhận thấy rằng không còn chỗ cho một vật tự thể tuyệt đối, có tính chất bí ẩn, cũng như cho một ý thức vô thể. Ý-thức về mình xuất hiện vừa như một tự thức đồng nhất với mình (trong tự thể của và của cái Tôi khách thể), vừa hình thức của một sự phân ly sống động của Ngã Thể và thế giới (hình I). Nhưng Sartre không nhận ra được tính chất phức tạp đầy sống động này, vì Sartre luôn luôn muốn có một tranh chấp, dẫu với bất cứ giá nào: ông đã tưởng tượng ra cuộc tranh chấp đó giữa tự thể tuyệt đối của những vật thể với ý thức vô thể mà ông mệnh danh là tự-quy-thể (le pour-soi).

Đối với nhà tâm lý học, tất cả huyền thoại của tự quy thể ý thức và hữu thể tự nội đều có giá trị như những hình ảnh mà các nhà tâm phân học gợi ra trong “giấc mộng do dẫn khởi”. Trong giấc mộng nhân tạo này, các bệnh nhân biểu lộ cho ta những cơ chế bí ẩn của tâm hồn họ; như thể huyền thoại do Sartre dựng nên về Hữu Thể và Vô Thể tỏ lộ cho ta thấy những bí ẩn của một ý thức thường xuyên kẹt vướng vào tranh chấp, vào tình trạng bất ổn của nó - ý thức mà chính Sartre định danh là “ý thức khổn khổ". Vậy, chúng ta hãy biết ơn Sartre về phương diện này: nhờ ông, ta có được một mô tả kỳ dị về các cơ chế của cái «ý thức khốn khổ” ấy.



[1] Buồn Nôn, trang 219

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt