KARL JASPERS HAY LÀ THẢM TRẠNG CỦA TRI THỨC TRONG THÂN PHẬN CON NGƯỜI
THÂN VĂN TƯỜNG
Ngay từ những bước đầu trên con đường nghiên cứu triết-lý, nghĩa là ngay từ lúc ông vừa dạy học vừa học hỏi thêm, từ năm 1921-1937, ông Jaspers đã thắc-mắc về vấn-đề đi tìm một phương-pháp nhận-thức thực thụ. Với ông, triết lý đến thời ông cũng vẫn chưa cho ta có “một nhận thức về thực tại”. Thắc mắc trên càng trở nên gay gắt trước những kinh nghiệm đau đớn ông thâu lượm được trong cuộc thế chiến thứ nhất. Ông viết: “Vì những biến cố lịch-sử ấy, mọi vấn đề đều đạt đến một chiều sâu mới mẻ. Những đảo lộn tàn bạo trong lúc ấy đã làm xuất hiện một cách minh thị những gì trước đây vẫn bưng bít về nền tảng và điều kiện của mỗi vật hiện hữu. Đời sống hoan lạc thời tiền chiến, chất phác cả ở lãnh vực tinh thần cao siêu nhất, không còn mong có ngày trở lại nữa. Triết lý ở căn bản của nó trở nên một cái gì quan trọng hơn bao giờ hết”. Các tác phẩm của ông Karl Jaspers có tính cách triết lý đều xoay quanh thắc mắc nói trên. Cứ đọc nhan đề các tác phẩm ấy ta sẽ thấy rõ. Triết lý (1932); Lý trí và Hiện-hữu (1935); Triết học hiện sinh (1938); Chân-lý (1947); Lòng tin tưởng triết lý (1948). * * * Với ông Karl Jaspers, triết lý không phải là tri thức về một hình ảnh nào đó của vũ trụ, cũng không phải là một lý-thuyết về tri thức hay một nghiên-cứu về các hệ thống và môn phái triết học. Triết lý là sự ngạc nhiên của con người trước chính đời sống của mình. Vì thế, tư tưởng triết lý phải là một tư tưởng thực tế, nghĩa là không nhằm vào một khách thể mà tôi không liên quan gì đến, nhưng nhằm vào chính hữu thể và bản thân tôi. Như vậy, làm triết lý không phải là tìm hiểu-vũ trụ, nhưng là tìm hiểu về chính cuộc sống hiện sinh của ta. Người có óc triết lý nghi vấn về tự chính mình và đặt chính thân phận mình ra mà nghiên-cứu. “Triết lý đưa đến chính bản thân ta”. Nó không được bày đặt nên điều gì mới lạ, nhưng phải là ý thức của mỗi người chúng ta về hiện hữu và đời sống của mình. Vì thế nên triết lý bao giờ cũng đưa con người đến lo âu vì nó làm ta nhận thấy mình luôn luôn bị lệ thuộc vào thời gian và cảnh huống: tôi sinh ra ở một dòng giống trong một quốc gia, ở một thời đại… nói tóm lại, tôi không có quyền lựa chọn vị trí tôi có trong vũ trụ. Còn có thể nói được rằng: tôi là chính vị trí của tôi. Thực vậy, tôi chỉ hiện hữu vì tôi đã sát nhập vào một hoàn cảnh lịch sử nhất định. Dù tôi có gồm chứa mọi khả thể (possibilités), nhưng nếu tôi chưa tham dự vào một khả thể nào một cách cụ thể thì tôi cũng vẫn chưa là gì trong vũ trụ hết. Tôi chỉ hiện hữu khi tôi là anh A hay anh B với những hạn định rõ rệt. Cuộc hiện sinh không những lệ thuộc vào cảnh huống, nó còn xuất hiện như một đảo lộn trong thực tại nữa, vì nó làm cho sinh ra mọi thứ mâu thuẫn trong vũ trụ. Không có sự thiện nếu không có sự ác, không có sự chân nếu không có sự giả dối, không có sự sống nếu không có sự chết. Hạnh phúc nối liền với đau khổ, sự thành công nếu liền với hiểm nguy và thua thiệt… bất cứ ở một vị trí nào, tôi cũng thấy có một giới hạn đứng chận lên trước mắt tạo nên bởi một trạng thái mâu thuẫn. Chính vì thế mà hữu thể toàn diện và thuần tuý thì không bao giờ ta có thể nhìn thấy được. chính cũng vì thế mà mọi suy tư siêu hình đều thất bại trước Hữu thể. Nhưng nhờ có sự thất bại trên nên con người mới ý thức được cuộc hiện sinh của mình. Triết lý đặt nền tảng ở ý thức của con người về cuộc hiện sinh của mình, vì thế nguồn gốc của triết lý là con người. Tất cả những gì có thể hiện hữu cũng chỉ có thể trở nên thực tại trong và qua con người: lãng quên con người, tất yếu người ta phải bước đến hư vô. Nhưng con người là gì? Là một hữu thể không tự túc và không đóng kín. Vì thế, con người không thể tách biệt với siêu việt được, và cũng vì thế, khi hỏi con người là gì thì cũng phải hỏi: siêu việt là gì? Như vậy thái độ duy nội tại chối bỏ mọi siêu việt và thái độ thần bí chối bỏ mọi giá trị nhân loại đều phải gạt bỏ. Nhưng con người chỉ có thể nói về siêu việt bằng ngôn ngữ nhân loại, vì thế nên Thượng đế với con người cũng chỉ hiện hữu theo như những trạng thức (modes) mà ngài xuất hiện trong vũ trụ và cũng chỉ được diễn tả theo như ngôn ngữ của nhân loại. Nói khác đi, với con người, Thượng đế chỉ xuất hiện trong những trạng thái mà con người có thể quan niệm được. Những trạng thức ấy vừa giúp ta lĩnh hội phần nào về Thượng đế, vừa che giấu ngài đi phần nào, vì Hữu thể bao quát hết mọi vật nhưng không có vật nào bao quát được hữu thể, nên mọi ngôn ngữ loài người đều bất lực để diễn tả đầy đủ về Thượng đế. Chính vì thế mà Hữu thể không có thể khách quan hoá được, vì có thể khách quan hoá được tức là có thể hiểu biết, mà đã có thể hiểu biết được một cách khách quan thì không còn là hữu thể nữa. Chúng ta chỉ có thể tri thức về từng giai đoạn và về từng phương diện của hữu thể thôi. Mỗi giai đoạn và mỗi phương diện mà ta hiểu biết về hữu thể là một nhãn giới của tri thức ta. Sinh hoạt của tư tưởng là tiến từ một nhãn gới chật hẹp đến một nhãn giới rộng rãi hờn với hy vọng một ngày kia sẽ đạt đến một nhãn giới bao quát được cả hữu thể. Nhưng nếu tư tưởng vượt bực chính mình luôn luôn, tư tưởng không bao giờ ra được ngoài nhãn giới Hữu thể. Vì thế, trong cố gắng tiến tới mà không bao giờ tới đích, con người có thể chán nản rồi bỏ không chịu tìm hiểu xa hơn cuộc hiện sinh của mình nữa. Sự đầu hàng này làm cho con người rơi vào một đời sống tầm thường nông cạn không còn cho họ có ý thức về chính đời sống của họ là gì nữa. Vì thế, sống cuộc hiện sinh của ta là cố gắng tiến tới gần hữu thể. Nhưng ta càng tiến sâu trong cuộc hiện sinh thì Hữu thể lại càng lánh xa khỏi ta, vì vô cùng thì dẫu ta có tiến xa đến đâu cũng không đạt tới được. Trong lúc tiến lên chinh phục vô cùng, bao giờ con người cũng vẫn thấy mình bị tù hãm trong một cảnh huống. Con người luôn luôn thất bại trong công cuộc chinh phục Siêu-việt. Lý do là Hữu thể bao giờ cũng siêu thăng trí tuệ tư tưởng (la pensée pensante). Vì thế nên khi trí tuệ tư tưởng thì nó phải luôn luôn tự phủ nhận mình vì nó luôn luôn vượt khỏi mình. Hữu thể luôn lánh xa ở trước mặt là động lực kích thích tư tưởng hoạt động. Kết quả là: trong lúc tư tưởng tự phủ định lại là lúc nó khẳng định về sự hiện hữu của mình. Sống cuộc sinh tồn là sống tấn kịch nói trên của trí tuệ và nhận biết rằng tư tưởng luôn luôn bị thất bại. Nói khác đi, sống cuộc sinh tồn của mình là ý thức rằng nhãn giới của mình cũng bao la như nhãn gới của Hữu thể nếu ta lật đổ được cảnh huống hiện tại nó giới hạn ta. Tư tưởng gắn liền với cuộc sống hiện sinh trong bước tiến đến Siêu-việt, nhưng trong cuộc hiện sinh, con người không thể gặp được Siêu-việt, vì mỗi vật hiện sinh là một nhãn giới có cùng và một cảnh huống nhất định trước vô cùng: mỗi vật hiện sinh đều khép kín trong cô liêu của mình trước Siêu-việt. Nguyện vọng của con người là hiểu biết quán triệt Hữu thể; nguyện vọng ấy sâu xa không có mãnh lực nào xoá nhoà đi được, nhưng cũng sẽ không bao giờ được phỉ nguyền. Vì thế một nền triết-học chân chính không thể là những lời giải đáp sẵn có như triết học giáo điều, nhưng là những vấn đề; hay nói đúng hơn, là chính vấn đề vì nó là một mời gọi sưu tầm chân lý, mà chân lý thì không ai có thể quả quyết rằng mình đã có được. Như vậy, triết lý biểu hiện cho tấn kịch của con người cố gắng vươn lên một Siêu việt luôn luôn lánh xa ở trước mặt mình. Cái gì thúc đẩy con người chính là sự thất bại của mình. Các triết gia bác học dù có thu lượm được những kết quả rực rỡ đến đâu trong sưu tầm của mình, khám phá của họ cũng chỉ là những khám phá về từng phần từng mảnh của một toàn thể: không bao giờ con người có thể nhốt vào trong một công thức trọn vẹn cả Hữu thể được. Vì thế làm triết lý là ý thức về sự thất bại luôn luôn của tư tưởng trước Siêu việt; ý thức ấy trái hẳn với thái độ nhóm duy tâm muốn “thượng đế hoá bản ngã” và coi “ego cogito” như nguồn mạch của mọi chân lý. Ta không được lẫm lẫn tri thức khoa học với tri thức triết học. Khoa học không cho ta biết gì về chính vũ trụ, nó chỉ cho ta biết một hình ảnh về vũ trụ thôi. Lý do là: nhãn giới của vũ trụ cũng vẫn chính là nhãn giới của Hữu thể, vì thế mọi nhận thức con người có về vũ trụ cũng vẫn ở ngoài vũ trụ như nó ở ngoài hữu thể. Ta không thể biết được rằng hữu thể là gì nên ta cũng không thể biết được rằng vũ trụ là gì. Vả lại, trong phương pháp khoa học, không ai chú ý tới cái “tôi” đang nghiên cứu và đời sống của cái “tôi” ấy. Nói tóm lại, khoa học không nhìn toàn diện vũ trụ, nhưng chỉ nhìn từng phần từng mẩu. Khoa học chỉ chú ý đến bản tính sự vật còn những vấn đề liên quan đến con người và cuộc hiện sinh của họ thì khoa học không đả động đến. Khoa học tự nó cũng không có một ý nghĩa và không quả quyết gì rằng nếu ta nghiên cứu khoa học hay không thì ta có thêm bớt một giá trị nào không. Mà cả về bàn tính sự vật, khoa học cũng không đem lại được một lời giải đáp tối hậu. Bất lực trên thêm vào bất lực chuyển thông tư tưởng giữa người này với người khác đặt con người vào một tình trạng ngu muội khá thảm khốc. Để ra khỏi tình trạng ấy. không phải viết vâng theo một phương pháp và những qui luật luận lý là đủ; để đạt tới chân lý, người ta không có thể nhờ ở các khoa học về chân lý được; chân lý không phải là một thực tại khách quan. Nhưng nếu trước những vấn đề muôn đời thiết yếu, khoa học hoàn toàn bất lực thì làm sao khoa học lại có thể lôi cuốn nhiều người hâm mộ đến thế và lại ảnh hưởng sâu rộng vào đời sống hiện đại như vậy? Ông Jaspers công nhận rằng: trong tình trạng phức tạp của thế giới chúng ta, nhất là từ một thế kỷ nay, khoa học và kỹ thuật đã chi phối sâu xa cuộc sống nhân sinh; thái độ nội tâm của con người lệ thuộc vào nội dung tri thức họ có: họ chỉ có thể hiểu biết vận mệnh thế giới khi họ hiểu biết khoa học. Vì thế, ngày nay, miễn cưỡng ta phải hiểu khoa học nếu ta không muốn thoái hoá. Sự kiện trên chứng tỏ chỉ có thể có một ý thức sâu sắc về cảnh huống lịch sử qua và trước khoa học. Nhờ có hiểu biết khoa học ta mới thực thụ sống trong cảnh huổng tinh thần của thời đại ta. Dẫu sao, cuộc hiện sinh quan niệm như một bước tiến không ngừng đến hữu thế không thể nhận biết được nhờ ở cách tư tưởng theo khoa học. Khoa học không phải triết lý. Tuy nhiên ta phải thêm ngay rằng: khoa học luôn luôn đi liền với triết lý như một công cụ, vì thế, nếu triết lý và khoa học biệt lập, bao giờ chúng cũng có một tương quan chặt chẽ. Thái độ trên của ông Karl Jaspers về khoa học bao hàm một bình luận đối với hai nhóm triết gia thực chứng nghiệm và duy tâm. Với nhóm thực chứng nghiệm, vì họ coi tư tưởng như một cái gì hoạt động máy móc và tri thức như một cái gì hoàn toàn khách quan. Với nhóm duy lý vì họ coi cuộc hiện sinh như một sự vật có thể lĩnh hội được và hữu thể như một cái gì có thể quán triệt và chứng minh được. Với ông Jaspers, bản ngã không có khách thể tính của sự vật. Hiện hữu là tiến từ hữu thể mình có đến Hữu thể, nhưng hữu thể của ta có thể nhận biết được không? Theo ông Jaspers, thì hữu thể của ta có thể nhờ trực gíac mà nhận biết theo ba cách: a) Theo hiện sinh bên ngoài (Dasein). Tôi biết tôi có thể xác, cơ quan, ý thức, sự sống… Đã rõ là cách hiểu biết này không làm cho hữu thể tôi trùng với Hữu thể được. Theo cách tri thức này, nhận biết tôi đồng nghĩa với khách quan hoá bản thân tôi, phản tĩnh (re-flexion) về bản thân tôi và nhìn hình bóng nó như ở trong một tấm kiếng. Làm như vậy, vô tình tôi đã biến bản thân tôi thành một đối tượng cho chính tôi. Tất cả những gì thuộc về tôi đều trở nên những sự thật (res) mà tôi nghiên cứu, nghĩa là những sự vật ở ngoài tôi, ẩn sau bản ngã của tôi đã trở nên khách quan vì hoạt động nhận thức của mình. Theo cách tri thức này, tư tưởng là “chiếu sáng vào cuộc hiện sinh” (Existenzerhellung). Nhưng sự “chiếu sáng” ấy không bao giờ giải thấy đến thực tại phổ sinh vì chiếu sáng vào cuộc hiện sinh đã bao hàm một hoạt động khách quan hoá rồi. Thực vậy, cuộc hiện sinh mà tôi đang tìm hiểu cho tôi đã vì việc tôi tìm hiểu mà không còn phải là cuộc hiện sinh cụ thể của tôi trong lúc này nữa. Cuộc hiện sinh của tôi không có bao giờ trở nên dối tượng tư tưởng cho tôi được, vì thế tuy nó là nguồn mạch mọi tư tưởng và hoạt động của tôi, khi tôi nói về nó thì mọi từ ngữ tôi quen dùng đều vô nghĩa. Tôi chỉ là tôi khi tôi không biến thành một đối tượng, nhưng như vậy tôi không nói được rằng tôi là vật gì cả. Nói tóm lại, nhận thức theo khách quan hoá về hữu thể của tôi không làm cho tôi khám phá ra Hữu thể. b) Theo ý thức chung (Bewusstsein ueberhaupt). Ông Jaspers phân biệt ý thức làm hai loại: 1) Ý thức cá nhân hay là cách nhận thức và ước lượng giá trị sự vật của riêng mỗi người chúng ta. Đã rõ là cách nhận thức này không có thể đạt đến toàn diện của Hữu thể. 2) Ý thức chung hay cách nhận thức trong đó con người coi sự vật như những đối tượng của kinh nghiệm và tư tưởng. Chính ý thức này đã tạo nên một tri thức có giá trị chung cho hết mọi người và vì đó đã làm xuất hiện khoa học. Nhưng vì trong ý thức này, thực tại trở nên đối tượng của kinh nghiệm và tư tưởng nên không còn là thực tại thực sự nữa, nhưng đã biến thành những mô thức nghĩa là những lăng kính trong đó ta nhìn thực tại. c) Theo tinh thần (Geist). Cách tri thức này bao gồm tất cả các cách nói trên, nhưng đã thăng siêu các cách ấy. Nhất là nó đã tránh được tính cách trừu tượng và siêu thời gian của ý thức chung để nhận biết sự vật trong biến đổi lịch sử cụ thể của chúng. Nhưng tuy có hoàn bị hơn, cách tri thức thứ ba này cũng vẫn chưa cho phép ta nhìn thấy “bao bọc toàn diện” (das Umgreifende). Thực vậy, cái nhìn của tinh thần tuy đã bao la, nhưng vẫn là một cái nhìn, vì thế vẫn phải có một cảnh tượng thấy ở trước mặt. Để nhìn thấy cảnh tượng ấy, tôi phải hoà mình vào cảnh tượng ấy, vì thế tôi không còn thấy chính mình tôi nữa. Trình bày về ba cách nhận thức của trên tuy sơ lược nhưng cũng đủ để ta nhận thấy đó là bình luận về ba cách quan niệm tri thức của nhóm thực chứng nghiệm, của ông Kant và của ông Hegel. Ông Jaspers coi ba cách ấy là ba “ngộ giác” của tri thức tuyệt đối. Với ông Jaspers, tri thức hoàn bị nhất là cuộc hiện sinh (Existenz). Tri thức ấy vừa là một tìm hiểu về mình vừa là một đảm nhận tự ý. Tri thức ấy không phân chia chủ thể khách thể, vì thế không có đối tượng, nên ta không thể đo lường và thí nghiệm được. Nhưng nó có tính cách hoàn toàn tự do vì nó chỉ lệ thuộc vào lịch sử, nghĩa là nó chỉ thành hình với thời gian. Lịch sử tính của nhận thức này vừa đặt nó ở trong và ở ngoài thời gian vì lịch sử tính tổng hợp cả vô cùng và thời gian. Chính vì thế mà ta không có thể tư tưởng về cuộc hiện sinh được. Nhưng không có thể tư tưởng được không đồng nghĩa với phi lý vì phi lý là một cái gì tiêu cực mà lịch sử tính lại là một cái gì tích cực. Cuộc hiện sinh của con người bao giờ cũng đặt vào trong một cảnh huống; cảnh huống ấy dồn con người vào trong những giới hạn như sự chết, sự bệnh tật, sự thất vọng… những giới hạn ấy là như những bức tường định mệnh đã dựng nên cho ta vấp phải. Nhưng không vì thế mà cuộc hiện sinh mất tự do vì tự do ở đây là tự do phổ sinh, khôg liên hệ gì đến vấn đề lệ thuộc hay không vào những qui tắc, giới hạn. Nhưng tự do ấy cũng không chứng minh được vì nó không có thể khách quan hoá được. Con người chỉ ý thức về tự do ấy trong lựa chọn phổ sinh, nghĩa là trong quyết định trở nên chính mình. Cuộc hiện sinh là một nghịch lý gồm đầy mâu thuẫn. Những phản đề nối tiếp nhau và thu hút lẫn nhau: tự do đi liền với tất yếu, vô cùng đứng cạnh thời gian, hữu thể sánh đôi với phi hữu thể, thông cảm gần gũi cô đơn… nói tóm lại, cuộc hiện sinh thật là bi đát; nhưng chính sống cuộc bi đát ấy mới làm cho ta hiện sinh thực thụ. Trái lại, nếu ta để cho các mâu thuẫn nói trên san bằng một cách giả tạo nhưu hình ảnh vũ trụ trong một tấm kiếng thì lúc đó cuộc hiện sinh không còn đích thực nữa. Nhưng cũng vì thế, để thấu hiểu phần nào cuộc hiện sinh, ta phải đặt nó đối diện với Siêu việt. Lý do là vì ta chỉ thấy xuất hiện tự do nguyên thuỷ và thực thụ trước Siêu việt. Con người cần phải siêu thăng cảnh huống bên ngoài và thu hồi bản ngã tản mác trong vũ trụ khách quan để lựa chọn hiện hữu bất khả khách thể hoá của mình và đảm nhận thân phận của cá nhân mình. Nói tóm lại, để có một tri thức thực thụ, ta phải khám phá ra mình là hiện hữu. Khám phá ấy cũng cho ta khám phá ra tự do vì tự do chỉ xuất hiện trong cuộc hiện sinh. Sau hết, khám phá ấy cho ta thấu hiểu cảnh huống nguyên thuỷ của ta là ta không được định đoạt gì về cuộc hiện sinh của ta, nhưng ta chỉ đảm nhận một cái gì đã định đoạt rồi như một định mệnh (destin). * * * Để có thể thấu hiểu được những cách hiện hữu của hữu thể của tôi, tôi cần phải nghiên cứu sự cảm thông (communication), vì tôi chỉ thực thụ là tôi trong tương quan với tha thân. Ông Jaspers cho rằng một cá nhân đơn độc không có thể nhờ ở tự mình mà thành người được. Nhờ có cảm thông, tôi có thể bộc lộ với tha nhân, và tha nhân có thể bộc lộ với tôi về bản thân của mình, sự trao đổi trên bắc cầu nối liền tôi với tha nhân. Như vậy, cảm thông là một cái gì thiết yếu ở vật hiện sinh; nhưng cũng như có ba cách nhận thức, ông Jaspers cũng chia cảm thông làm ba cách: a) Cảm thông theo thực tại là lối cảm thông bề ngoài trong những hoạt động để phục vụ một xã hội khách quan: mọi người đều nhận biết và đồng ý về những sự tiện lợi cho họ. b) Cảm thông theo ý thức chung là có cùng một mô thức chung để nhận biết sự vật: mọi người đều đồng ý về giống loại phân chia trong khoa học nhờ ở hoạt động trừu tượng và tổng quát hoá của trí tuệ. c) Sau hết cảm thông theo tinh thần. Nhờ có cảm thông này, mỗi cá nhân hoà mình vào toàn thể và cảm thông như là những cơ quan trong cùng một thân thể. Ba hình thức cảm thông trên đều không hoàn hảo vì mỗi hình thức chỉ làm xuất hiện được một chân lý; không hình thức nào có thể cho ta chân lý trọn vẹn, nghĩa là làm cho ta hiểu về cuộc hiện sinh trước Siêu việt. Chân lý thứ nhất gọi là sự ích lợi, chân lý thứ hai gọi là chân lý khoa học và chân lý thứ ba gọi là duy nhất tinh thần, nhưng ba chân lý ấy đều không phải là chân lý tuyệt đối. Những lý do trên giải thích tại sao chân lý chúng ta có luôn luôn bị phân chia ra làm nhiều quan điểm, trong mỗi quan điểm ta có thể quả quyết là đúng một phần nào nhưng chân lý trọn vẹn thì ta không bao giờ đạt đến được. Vì thế nên không có một chân lý nào có thể coi như một tín điều. Ông Jaspers cho rằng: nếu bỏ được óc tín điều cố chấp thì con người sẽ hiểu nhau hơn. Dẫu sao, ông Jaspers cũng vẫn tưởng rằng người ta có thể có một cách cảm thông đích thực: đó là sự cảm thông phổ sinh hay quá trình để xuất hiện và thực hiện của bản ngã trong đó vật hiện sinh phải chiến đấu để trung thành với chính mình. Trong cuộc chiến đấu nói trên, mỗi vật hiện sinh đều cống hiến cho kẻ khác. Chiến đấu ở đây không phải là để thống trị hay thắng trận, nhưng là để làm nảy nở cuộc hiện sinh của mình nhờ ở sự cởi mở và hiến dâng cho tha nhân. Vì thế, ta không thể lợi dụng tha nhân, coi họ như những dụng cụ để ta dùng mà đạt đến một địa vị ích kỷ; trái lại, ta phải coi tha nhân như một cái gì ở tự nó có một giá trị ta phải tôn trọng và một mục đích ta có bổn phận giúp đỡ họ thực hiện. Các nhân vị tuy có nhiều nhưng vẫn giữ được tính cách độc nhất, đặc biệt. Dẫu sao, các nhân vị ấy không cô đơn vì cùng có một ý hướng là tiến đến Hữu thể duy nhất. Sự đồng tâm nói trên làm cho các nhân vị tách biệt có một mối liên lạc làm cho chúng duy nhất phần nào. Mối liên lạc ấy mỗi lúc một siết chặt khi các nhân vị tiến gần tới Hữu thể là duy nhất tinh thần thăng siêu (Einzigallgemeine). Nhưng theo ông Jaspers thì rút cuộc cả hình thức thông cảm sau này cũng thất bại vì thất bại là yếu tố thiết yếu không tách khỏi bản tính của cuộc hiện sinh được: trước Hữu thể, vật hiện sinh bao giờ cũng còn cá tính của mình. Trong cô liêu, vật hiện sinh luôn luôn đi tìm vật nó không thấy được. * * * Lý thuyết về cảm thông của ông Jaspers sẽ dễ hiểu hơn nếu ta biết phân biệt ông có về tri năng (Intellect) và lý trí (Vernunft). Ông Jaspers cho rằng chân lý có một ý nghĩa bao hàm hơn là những điều ta biết chắc là thật vì sự chân xác khoa học không phải là tất cả chân lý. Sự chân xác trên có một giá trị phổ quát thực đấy, nhưng sự phổ quát ấy chỉ dành riêng cho một loại trí tuệ nhất định chứ không phổ biến cho khắp mọi người. Với loại trí tuệ trên thì chân lý ở như sự chân xác, còn các yếu tố khác như tâm tình, bản năng, chủ quan tính… thì đều là phi lý. Phân biệt trên đưa đến kết quả này: tuỳ theo trường hợp màu sắc triết lý, người ta có thể cho cũng một điều là sai hay đúng. Nhóm duy lý tôn sùng sự chính xác, trái lại nhóm duy sinh tôn sùng tâm tình và chủ quan tính. Nhưng chân lý đâu có phải chỉ là sự chân xác khoa học hay chủ quan tính: con người chỉ ý thức được rõ ràng nhờ ở những từng trải vừa nhiều vừa dị biệt về cuộc hiện sinh. Vì thế, ngoài sự chân xác khoa học, để có chân lý, còn phải có sự cảm thông nữa. Hữu thể không phải là một đối tượng, vì thế ta không thể căn cứ ở khách quan tính mà tìm hiểu nó được. Tri thức khách quan cống hiến cho ta những sự vật có một nhãn giới đóng kín, nhưng tổng số các sự vật có nhãn giới đóng kín cũng vẫn không làm cho ta thoát khỏi nhãn giới để đạt đến toàn diện Hữu thể. Cần phải Siêu việt xuất hiện trong viễn tượng của vật ta tri thức, thì ta mới thấu hiểu phần nào về nó. Nhưng tri năng và khoa học không tạo được điều kiện trên, chỉ có triết lý mới hướng vật tri thức về Siêu việt. Nhờ có triết lý, ta mới có sự cởi mở cần thiết để đón nhận lời nói của tất cả những gì hiện hữu và thu hút về ta những gì xa lạ để có một tương quan thực thụ với muôn vật. Hoạt động cởi mở trên, ông Jaspers gọi là “lý trí” (Vernunft). Như vậy, “lý trí” khác hẳn với “tri năng” và là điều kiện để đi đến nhân lý. Nói như trên không phải là quả quyết rằng chân lý của “lý trí” phi bác chân lý của “tri năng”. “Lý trí” cũng phải căn cứ vào chân lý của “ tri năng” nhưng “lý trí” phải vượt lên trên mọi nhãn giới đóng kín để có ý thức rằng chân lý không lệ thuộc vào một hệ thống nào. “Lý trí” bao giờ cũng sẵn sàng đón nhận mọi hình thức kinh nghiệm về hữu thể, kể cả nhưunxg hình thức phi lý thuộc đam mê, cảm tình. “Lý trí” cũng không chối từ đức tin tôn giáo, nhưng nó không riêng khép kín ở một hình thức nào; thái độ nó có là sự khoan hồng, sẵn sàng chấp nhận những sự hoà hợp cũng như những điều phản trái. Vì thế, “lý trí” là một sức thu hút tương tự như nam châm tụ tập được những gì lẻ loi rải rác. “Lý trí” xuất hiện cả ở nhữg nơi duy nhất xem ra bị đổ vỡ để làm cho nó một chân lý ngay ở sự đổ vỡ ấy, vì nó không muốn để cho sự đổ vỡ trên biến nên một sự đổ vỡ siêu hình. Lý trí không bao hàm được siêu việt, nhưng nó cũng làm cho Siêu-việt hiện diện trong cuộc hiện sinh nhờ ở những biểu hiện nó cống hiến về hữu thể. Vì lý do vừa nói nên “lý trí” và cuộc hiện sinh có liên hệ mật-thiết với nhau. “Cuộc hiện sinh chỉ có thể thấu hiểu được nhờ ở lý trí và lý trí chỉ có một nội dung nhờ ở cuộc hiện sinh”. Nhưng trình độ nhận thức sáng sủa nhất mà cuộc hiện sinh thực hiện được nhờ ở “lý trí” chỉ có một giá trị thực sự vì nó cho ta thấy rõ sự bất lực của “lý trí” ở trước Siêu-việt. Ý thức về sự bất lực nói trên đã làm cho cuộc hiện sinh trở nên thực thụ là chính mình một cách rứt khoát hơn. Nói khác đi, ý thức ấy làm cho vật hiện sinh biết rằng mình thất bại trước Siêu-việt, và ở vị trí của mình, chỉ còn một cách là nhắm mắt “nhảy vọt”. Bước nhảy vọt ấy không làm ta rời vào nhưng rơi trước Hữu thể. Như trên, ta thấy rõ con đường đi đến chân lý khác với con đường vạch ra bở khoa luận lý sẵn có. Ông Jaspers công nhận khoa luận lý của ông khác hẳn khoa luận lý của nhóm chủ lý, vì trong khoa luận lý của ông, các nguyên lý là những nghịch lý và mâu thuẫn; nói kahsc đi, khoa luận lý của ông là phi luận lý vì với ông con người chỉ hữu lý khi nào lý trí “căn cứ ở phi lý” và chỉ đi đến kết quả khi nào suy luận thất bại. Thực vậy, một nền triết học phổ sinh phải kết thúc bằng sự thất bại vì tri thức phổ sinh ở tại nhìn biết thất bại của ta trước Hữu thể. Luận lý phi lý trên đưa đến kết quả đầy nghịch lý này là: tôi và tha nhân cảm thông ở những sự hiểu biết ít hơn ở những sự không hiểu biết, vì sự không hiểu biết mới chính là hữu thể. Chính ở như ý thức chung về sự không hiểu biết nói trên mà ta có cảm thông phổ sinh: mọi người đều cảm thấy hợp nhất trước Siêu việt vì ai ai cũng biết rằng mình cũng thất bại như người khác. Nhưng giây liên lạc trên cũng vẫn là một cô liêu: thực vậy, trong cuộc hiện sinh, chỉ có cảm thông thực sự trước hữu thể, nhưng trước hữu thể con người đã phải kinh nghiệm cô liêu rồi. Như vậy, ta chỉ nhận thấy ý nghĩa sâu xa của cuộc hiện sinh khi ta đứng trước hữu thể, nhưng đứng trước hữu thể thì mọi tri thức đều bị cắt đứt, kể cả tri thức theo “lý trí”. Bao lâu tôi còn tư tưởng, tôi chỉ đứng trước một cách xuất hiện của hữu thể; để đạt đến hữu thể toàn diện, tôi phải rứt bỏ mọi tư tưởng. Thực vậy, để vật hiện sinh có thể vừa đứng trước chính mình vừa đứng trước siêu việt, chỉ có một cách là cắt đứt mọi tư tưởng, vì hễ có tư tưởng là có tương quan chủ thể đối tượng. Như vậy, chính là nhờ ở tư tưởng thất bại mà tôi thực hiện được chính bản thân tôi và tôi khám phá ra định mệnh của tôi. Chính lúc tôi đã mất hết mọi khả thể để đạt đến Tuyệt đối với cách hiện hữu của hữu thể tôi mà tôi đã khám phá ra khả thể duy nhất để đạt đến Toàn thể. “Tư tưởng đặt ềnn móng ở sự bất lực của mọi cảm thông trở nên tư tưởng hoàn hảo, và tư tưởng đặt nền móng ở sự thất bại của mọi hình thưc chân lý trong vũ trụ đến thực sự Siêu-việt và là một chứng minh về Thượng-đế. Trước Siêu-việt, vật hiện sinh mới nhận thấy mình chỉ là một khả thể thuần tuý và vì đó là sự tự do hoàn toàn. Nói khác đi, trước Siêu-việt, vật hiện sinh mới biết mình có thể là tất cả vì chưa là gì hết. Ở tình trạng khả thể hoàn toàn như vậy, cuộc hiện sinh mới thực thụ là chính mình và mới biểu lộ đầy đủ lịch sử tính của mình. Trước Siêu-việt, mọi chân lý đều xuất hiện trong tính cách tương đối của chúng và cuộc hiện sinh là một cố gắng không ngớt để đạt đến duy nhất nguyên thuỷ. Nỗ lực trên, con người biết rằng không bao giờ thành công. Nhưng họ vẫn cứ kiên gan theo đuổi. Vì thế, ta không hiện hữu trong nhưng vì hữu thể, nghĩa là ta luôn luôn cảm thấy mình đối diện với Hữu thể. Đứng trước Siêu-việt, tôi vừa hiện hữu lại vừa không, vừa tìm thấy tôi, lại vừa mất tôi; vì trong hoàn cảnh đặc biệt này, tôi thấy loé ra trong nháy mắt toàn thể không phân chia được. Nhưng Toàn thể ấy chỉ loé ra rồi lại biến mất nên nó vẫn là cái gì không thể cảm thông được. Vả lại, nếu cảm thông được, nó sẽ ở trong nhãn giới của ta và sẽ không còn phải là Toàn thể nữa. Tính cách chớp nhoáng trên làm nên khả thể tính và lịch sử tính của nó. Siêu việt đã làm cho con người khám phá ra ý nghĩa sâu xa của thân phận con người. * * * Theo ông Jaspers thì “lý trí” không thể giải đáp được câu hỏi: Hữu thể là gì? Câu hỏi ấy chỉ có một lời giải đáp gián tiếp trong cuộc hiện sinh. Vì kinh nghiệm sống ta sẽ tháy dạng dần vấn đề ở trên. Những giới hạn gặp thấy trong cuộc hiện sinh sẽ cho ta nhận thấy có một bên ngoài cũng như có một bên trong; những mâu thuẫn vấp phải trong tư tưởng sẽ cho ta kinh nghiệm rằng không phải mọi điều ta biết đều có lý do ở tự ta vì nếu nó có thì cũng có thể có một hiện tượng mâu thuẩn với nó thay vì nó. Những giới hạn và sự bất tất của các vật là một tang chứng có Siêu-việt. Nói tóm lại, tư tưởng không chứng minh được sự hiện hữu của Siêu-việt, vì các phạm trù của trí tuệ chỉ có thể áp dụng vào tri thức sự vật. Nhưng chứng nhân cho Siêu-việt là những thất bại của tư tưởng và những mâu thuẫn trong cuộc hiện sinh. Cũng một lý do, ta không chứng minh được có Thượng đế, ta chỉ gặp ngài trong cuộc hiện sinh, vì hiện sinh là thất bại trước Siêu-việt. Như vậy, cuộc hiện sinh vừa khia quang cho ta vừa che giấu ta Siêu-việt: mỗi một nhãn giới là một hạn định, nhưng chính hạn định ấy cũng chứng thực rằng có cái gì ở bên kia giới hạn. Vì thế vũ trụ không thể chỉ nhìn theo như nó xuất hiện ở trước mặt ta, nhưng cũng phải nhìn ở cái gì sâu xa hơn sự hiện diện phơi bày; hữu thể hữu hạn và bất toàn cso một tiếng nói huyền nhiệm về Hữu thể; tiếng nói ấy biểu lộ ra ngay trong cơ cấu của sự vật. Ông Jaspers gọi tiếng nói trên là tiếng nói bằng số (langage chiffré), nói khác đi, tiếng nói ấy không thể hiểu ngay được, nhưng phải có “thìa khoá” thì mới đọc được. Mỗi sự vật đều là một con số nhiệm mầu ta phải biết tìm ra ý nghĩa sâu xa. Làm triết lý, chính là công việc tìm hiểu ở trên. Theo nghĩa này, thì triết lý thật là khoa siêu hình học vì nó hoàn toàn đối lập với tri thức khách quan. Vì nhóm chủ lý muốn có một siêu hình học khách qua mà họ đã biến Siêu-hình học nên một thần truyện thoại. Trong Siêu hình học, người ta chỉ có thể dùng một ngôn ngữ hình bóng. Ta không có thể hiểu biết bằng tư duy ý nghĩa sâu xa của ngôn ngữ bằng số, mà lời nói sau cùng là im lặng. Các hệ thống triết lý vì thế chỉ có một giá trị tiêu cực: chúng chỉ có thể hướng về một cái gì không có thể tư tưởng bằng trí tuệ thuần tuý được. Nhưng nếu như vậy, triết lý chỉ còn ba con đường: a)Con đường siêu-việt hình thức: theo con đường này thì ta sẽ siêu thăng các phạm trù của trí tuệ và chính cuộc hiện sinh của ta nữa. b)Con đường tương quan phổ sinh với siêu việt: con đường này gồm hai định luật sau đây: 1) Định luật về ngày: định luật này làm cho ta nhìn thấy trong cuộc hiện sinh sự trật tự, sự tin tưởng và sự hợp lý. Định luật này không giấu ta có sự chết, nhưng nó cho ta lòng say mê sự sống đến nỗi ta không còn lưu ý đến sự chết nữa và ta hành động như là ta không chết vậy. 2) Định luật về đêm: Định luật này cho ta nhìn cuộc hiện sinh như một vực sâu đầy tăm tối và huyền nhiệm vì nó chiếu dài lên đời ta hình bóng hãi hùng của sự chết sẵn sàng chờ đón ta ở cùng con đường đời. Hai định luật trên chi phối cuộc hiện sinh của ta và làm cho ta vừa có can đảm để xây dựng những gì bền bỉ trong biến đổi của lịch sử vừa có ý thức sâu xa rằng mọi sự đều giả trá hư vô. c)Con đường ngôn ngữ bằng số: trong ngôn ngữ này, ta không thể phân biệt hình bóng với sự nó ám chỉ được. Siêu việt ở trong con số, nhưng ta không đạt đến nó được. Cuộc hiện sinh chính là quyển sách để đọc ngôn ngữ bằng số. Ngôn ngữ ấy là một ánh sáng tối tăm chỉ báo điểm (annoncer) chứ không mạc khải (révéler) cho ta về Siêu-việt. Nó không phải là một chứng minh về hữu thể, nhưng nó làm cho hữu thể hiện diện với ta. Trong ngôn ngữ bằng số, lịch sử, nghệ thuật, siêu hình… đều là những con số, nghĩa là đều là những chứng nhận chứ không phải là những chứng minh. Siêu hình là con số trên nhất, nhưng cũng vẫn chưa phải là con số định đoạt. Con số định đoạt là sự thất bại của siêu hình và của cuộc hiện sinh khi con người nhìn thấy tư tưởng là ngu muội và cam nhận thất bại trong im lặng. Chính ở thất bại cuối cùng này mà con người đã gặp thất thắng trận cuối cùng: thất bại của siêu hình đã cho họ khám phá ra những khả thể thục thụ trong cuộc hiện sinh. Thất bại (Scheitern) đã được đề cập đến ngay từ những tác phẩm đầu tay của ông Jaspers trong lý thuyết về “cảnh huống giới hạn” (Grenzsituationen). Hữu thể chỉ xuất hiện trong những cảnh huống đặc biệt, nhưng cuộc hiện sinh không phải là một chuỗi vô tận những cảnh huống. Nó đã có một khởi điểm thì nó cũng sẽ có một cùng tận: bó buộc con người phải bước đến sự chết. Sự chết với con người là cảnh huống tối hậu (situation ultime). Nhưng tuy nó là cảnh huống tối hậu, nó đã hiện diện trong mỗi cảnh huống rồi vì thế mọi cảnh huống khác đều tương đối đối với sự chết. Sự chết là chứng thực siêu hình về sự thất bại của mọi cảnh huống có cùng không có thể bao bọc được toàn diện của hữu thể. Thực vậy, mỗi cảnh huống chỉ cho ta biết một quan điểm về hữu thể thôi mà một tri thức thực thụ về hữu thể phải bao quát cả toàn diện của hữu thể. Tri thức toàn diện nói trên bao giờ cũng vấp phải giới hạn hoặc là của hữu thể trong thế gian hoặc là của hữu thể của chúng ta. Nói tóm lại, chân lý tìan diện về Hữu thể mà chúng ta có thể đạt đến được chỉ có thể là: lý trí phải mở rộng thênh thang để đón nhận hữu thể đến từ mọi ngã đường. Như trên, ông Jaspers không công nhận một thái độ khép kín nào. Chỉ chấp nhận cso đức Tin mạc khải (la Foi révélée) hay chối bỏ Thượng đế cùng đều là những trạng thái đóng kín vì đều đặt một giới hạn giả tạo cho cuộc sinh hoạt của trí tuệ. Triết gia phải sống với tin tưởng riêng của mình (aus eigenem Glauben) và phải giữ cho trao đổi giữa cuộc hiện sinh và siêu việt không bao giờ gián đoạn. Ông Jaspers định nghĩa tin tưởng triết lý trên như sau: “tin tưởng là sức mạnh căn bản của con người, nó làm cho con người vượt lên chính mình để đạt đến nguồn gốc của hữu thể”. Như vậy, ông Jaspers đã đặt nền tảng của cuộc hiện sinh ở lòng tin tưởng này cxung như ông Kant đã đặt nền tảng của “lý trí thực tế” trong “tin tưởng thuần lý”. Với ông, chính tin tưởng ấy sẽ đem lại cho con người sự tự do, vì đối tượng của nó là Thượng đế và Siêu việt vừa có tính cách tuyệt đối miễn cưỡng mà lại vượt lên trên khả năng hiểu biết của chúng ta, nến chúngt a pảhi chấp nhận với ý chí. Nhờ có lòng tin tưởng ấy, con người sẽ có thể đạt đến hữu thể ở bản chất của nó, vì thế công việc của triết lý là làm cho lòng tin ấy dạng ra một ngày một hơn. * * * Chúng ta đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: với ông Jaspers, Siêu-việt là một khả thể tuyệt đối và cũng là một bất lực của cuộc hiện sinh. Nhãn giới của hữu thể không phải alf một nãhn giứoi mà một chủ thể tìm được một vị trí nhưng là một nhãn giới mà chủ thể thất vọng không có chỗ đứng. Siêu việt ấy vừa là siêu việt duy tâm coi chủ thể như trung tâm duy nhát để thực hiện sự đồng nhất hoàn hảo giữa nhận thức và thực tại.Nhưng ông Jaspers đã biến siêu việt trên thành khả thể tuyệt đối nơi vật hiện sinh; kinh nghiệm phổ sinh chứng tỏ khả thể ấy không thực hiện được gì và chỉ là khả thể bất khả thể (possibilité impossible). Với ông, nhãn giới của tri thức nội tại trong bản ngã của nhóm duy tâm đã biến thành nhãn giới của Siêu-việt là một thả thể của vật hiện sinh. Nhưng vì nhãn giới ấy siêu việt, nghĩa là luôn luôn tiến ở trước, nên nó cũng là thất bại của vật hiện sinh để trở nên bao bọc toàn thể hay là nãhn giới của Siêu việt trong bản ngã duy tâm. Theo ông Jaspers thì nãhn giới bao bọc chưa phải là hữu thể tại sự (l’être en soi), nhưng hữu thể tại sự có thể đạt đến được nếu ta theo con đường sưu tầm của ông Kant đến cùng. Con đường ấy, chính ông Kant đã bỏ lững, nhưng Jaspers đã đi đến cùng nhờ nghiên cứu của ông về “ý thức chung” và về “lý trí”, hay nói theo từ ngữ của ông Kant, về “trí tuệ” và “lý trí” trong hệ thống “ ba Ý niệm siêu hình”. Thực vậy, trước tiên ta hãy xét qua về “ý thức chung”. Nó chính là mô thức của các vật ta kinh nghiệm, mô thức ấy làm cho tri thức của ta có một giá trị tổng quát. Nhưng “ý thức chung” cũng vẫn chưa là “bao bọc toàn thể” vì mô thức tiên nghiệm là phương tiện để ta nhận biết đối tượng của kinh nghiệm đáng lẽ ra cũng phải là mô thức để ta nhận biết nhãn giới bao bọc, thì lại chính vì là mô thức nhờ đó ta có nhận thức mà không có thể là “bao bọc toàn thể” được nữa; lý do là mô thức của một nội dung không có thể bao hàm được nhãn giới bao bọc của nội dung ấy. Nói khác đi, hoạt động siêu thăng của lý trí theo ông Kant chưa phải là nhãn giới của toàn thể, nhưng bao giờ cũng vẫn còn là mô thức ở bên này nhãn giới của Siêu-việt. Nghiên cứu sơ lược ở trên cho ta thấy quan niệm của ông Jaspers về nhận thức khác xa quan niệm của nhóm duy thực chứng nghiệm và duy khoa học. Với các nhóm trên, không có một phân chia nào giữa tri thức khoa học và tri thức triết học; trái lại, với ông Jaspers, tri thức về sự vật theo khoa học chưa phải là tri thức về hữu thể vì thế nhãn giới của khoa học không thể sát nhập vào nhãn giới của triết học được. Ông viết: “trí thức khoa học không biết được hữu thể là gì”. Nhưng với con người hiện hữu, ngoài “ý thức chung” còn có “lý trí” nữa. Ông Kant cũng đã nói đến ngoài “trí tuệ” một “lý trí” là hoạt động thuần lý không lệ thuộc vào cảm giác và là cơ năng để con người có nhận thức siêu hình. Nhưng lý trí của ông Kant cũng vẫn không đạt được mục đích mong muốn. Ba ý niệm siêu hình của ông cũng vẫn lẩn quẫn trong nhưunxg mâu thuẫn và nguỵ biện của lý trí thuần tuý và cũng vẫn chỉ có vai trò nhỏ bé là làm tiêu chuẩn cho lý trí thôi. Còn Hữu thể thì bao giờ lý trí cũng vẫn bất lực không đạt đến được vì hữu thể bao giờ cũng vẫn là các gì tự tại (ease in se). Lý trí ở ông Jaspers, vì xuất hiện trong con người hiện sinh, nên là một kinh nghiệm phổ sinh và mội mối thắc mắc trước hữu thể; nó đặt một tương quan biện chứng giữa con người hiện sinh và Siêu việt: con người hiện hữu, vì hiện hữu nên phải xuất hiện trước Siêu việt; và Siêu việt vì là Siêu việt nên phải đứng trước con người hiện hữu. Nói khác đi, vật hữu hữu bởi hữu thể, nhưng hữu thể có tính cách siêu việt vì vật hiện hữu bao giờ cũng bất lực để đạt đến trọn vẹn hữu thể. Như thế là ông Jaspers đã biến thể tại sự cô đơn của ông Kant thành hữu thể đứng trước on người hiện sinh nhưu là một khả thể tính không bao giờ thực hiện được (possibilité impossible). Với ông Jaspers, con người không những có lý trí nhưung còn có “tinh thần” nữa, vì thế không những con người hiểu biết khoa học nhưng cũng ý thức về lịch sử nữa. Nhưu thế là con người, theo ông Jaspers, ngoài lý trí theo kiểu Kant, còn có tinh thần theo kiểu Hegel nữa. Nhưng trái với ông Hegel coi tinh thần như một cái gì tuyệt đối tự tạo nên mình và tự hoàn bị mình theo luật tiến triển của biện chứng, ông Jaspers tuy có nhận rằng tinh thần là hình thức cao nhất của tri thức nhân loại, nhưng vẫn không tin rằng tinh thần sẽ không thất bại. Cái nhìn của tinh thần cũng đã đật đến phần nào “bao bọc toàn thể”, nhưng vẫn còn là một quan điẻm về hữu thể chứ chưa phải là sự thấu hiểu trong toàn diện. Vì thế nhận thức bằng tinh thần cũng vẫn chưa duy nhất được chủ thể và đối tượng để có Toàn thể tại thân và vị thân. Nói khác đi, theo ông Jaspers thì triết học của ông Hegel cũng vẫn chưa diễn tả được toàn diện sự thật. Vì sao? Vì rằng khi mà tham vọng hiểu được toàn diện hữu thể chỉ là một cuống vọng thì con người sẽ bất lực để thực hiện mọi tổng hợp tối hậu và vì đó mọi tổng hợp trong các ngành nhận thức đều không có nghĩa lý gì nữa: sự thất bại ở nền tảng trong tổng hợp tối hậu đã ảnh hưởng vào các tổng hợp khác và làm cho mọi bước tiến của biện chứng mâu thuẫn trở nên vô hiệu. Trong một triết lý duy nội tại như triết lý của Hegel, quả quyết như Jaspers rất hợp lý: tính cách tích cực của các phương thức suy luận khác đều lệ thuộc vào phương thức suy luận tối hậu, vì thế một khi đã không công nhận tính cách tích cực của tổng hợp tối hậu thì các bước tiến của tinh thần trong biện chứng lịch sử cùng đều vô nghĩa hết. Nói khác đi, nếu đã không công nhận con người có thể thấu hiểu được hữu thể, thì kết luận rằng quan niệm nội tại về tri thức có giá trị là sai lầm. Nhưng Jaspers vẫn đứng ở lập trường duy nội tại khi ông biện luận như trên, vì thế ông đã không phân biệt được rằng: sự thất bại của triết lý ông Hegel chưa phải là thất bại của triết lý nói chung và của cuộc hiện sinh nói riêng. Chính vì lập trường bế tắc ấy mà ông Jaspers đã tạo ra với Heiddeger và các triết gia hiện sinh một truyện thần thoại mới để giải quyết: đó là coi triết lý và cuộc hiện sinh như một sự tan vỡ, một cơn khủng hoảng, một điều phi lý, một sự thất bại. Như vậy, rút cuộc chỉ còn sự thất bại của con người hiện sinh trước Siêu việt. Thất bại ấy không đưa ông Jaspers đến một đức Tin như trường hợp xảy ra đến ông Kierkegaard: suy tư của ông không vượt qua được giới hạn nội tại của trí tuệ và triết lý của ông không vượ qua được phạm vi thuần nhân loại, vì thế có lúc ông đã có những tư tưởng đầy đen tối. “Anh sẽ hoài theo đuổi Siêu việt để chiếm đoạt và thay thế cho nó; con người bao giờ cũng thất bại trước hoài bão muốn trở nên Thượng đế. Nhưng ý nghĩa cuộc hiện sinh là ở như cuồng vọng muốn chiếm đoạt trên và luôn luôn cố gắng để rồi thất bại”. Nói khác đi, ý nghãi cuộc hiện sinh là khám phá ra rằng thân phận con người chỉ là một “cuồng vọng vô ích” (passioon inutile). Chính trong viễn tượng này mà ông Jaspers đã viết với một giọng đầy bi đát: “Mọi sự đều tan rã vì thế cũng không có thể làm lại từ đầu vì không có gì có ý nghĩa cả”. Nhưng, cũng có lúc ông mang máng nhìn thấy một giải quyết và coi thất bại không còn như một điều vô lý nhưng ký hiệu và con số của Siêu việt. “Người nhìn thấy rõ cuộc hiện sinh là người nhìn thấy mọi khả thể và mọi cảnh huống đều không có một lối thoát nào ngoài sự chết gửi đến bởi Thượng đế”. Trong bi cảnh của tri thức trong thân phận con người này, thất vọng đưa ta đến nhận biết có Thượng đế: “Khi mọi sự đều đổ vỡ, thì chỉ còn điều này: Thượng đế hiện hữu”. Ông Jaspers không có tín ngưỡng tôn giáo như ông Kierkegaard, vì thế cùng ở trên một con đường, hai ông đã trải qua hai chiều ngược nhau. Ông Kierkegaard nhận rằng chân lý vô hạn có thể hiểu biết nhờ ở một hoạt động hữu hạn là giây phút tin tưởng, còn ông Jaspers thì lại cho rằng không có một biến cố lịch sử nào mà lại thâu gồm cả lịch sử được, vì thế một tri thức lịch sử về hữu thể không bao giờ bao hàm được cả Hữu thể. Ông Kierkegarrd tin ở Thượng đế và đặt ngài làm nguyên lý cho lịch sử và định mệnh của mình; còn ông Jaspers tin ở trí tuệ con người và tìm hiểu lịch sử và định mệnh mình trong ánh sáng của lý trí, nhưng đã nhìn thấy bất lực của trí tuệ loài người trong công việc trên. Vì thế, trong triết lý của ông Jaspers, không những gồm có một bình luận gay gắt quan niệm duy tâm về tri thức, mà còn bao hàm một kinh nghiệm bi đát về sự phi lý của cuộc hiện sinh nếu không chấp nhận có một siêu việt. Đó là lý do giải thích tại sao, trong triết lý ấy, người ta không thấy Chân lý hiện diện, nhưng cũng cảm thấy một cách bi đát sự khiếm diện của nó. Và như vậy, cũng là một “phán quyết” về chân lý. THÂN VĂN TƯỜNG
Cước chú Vì trong triết lý của Jaspers, một vài danh từ có một nghĩa riêng biệt, nên sau đây chúng tôi sẽ định nghĩa một vài danh từ mà những độc giả không quan sẽ lấy làm khó hiểu. Hữu thể - Trước vấn đề hữu thể là gì? Ông Jaspers trả lời rằng: câu hỏi ấy cũng tương tự như câu hỏi: làm thế nào để biết và phải biết như thể nào về hữu thể? Rồi ông trả lời câu hỏi trên trong ba điểm sau đây: 1) Trong nhận thức khách quan, tất cả cái gì có thể trở nên đối tượng của tri thức đều có thể xác định. Nó không phải là hữu thể vì nó không phải là toàn thể sự vật ở chính bản tính của nó. 2) Một hữu thể người ta có thể kinh nghiệm được, nhưng như vậy, nó sẽ là một hiện tượng (Erscheinung), và vì là một hiện tượng nên, theo bản tính, nó chỉ có thể làm biểu hiện cho hữu thể tại sự thôi. 3) Một hữu thể người ta có thể nhận biết gián tiếp, nhưng như vậy, nó sẽ không còn là đối tượng cho kinh nghiệm nữa. Nói tóm lại, hữu thể là cái gì ta không có thể nhận biết một cách khách quan được vì nó bao giờ cũng siêu thăng nhãn giới tri thức của con người. Nhãn giới. - Nhãn giới là toàn thể tri thức có thể bao quát được về hữu thể. Theo ông Jaspers thì để trở nên đối tượng, sự vật phải có thể thu lại trong một giới hạn tương đối của vũ trụ chúng ta, nghĩa là, trong phạm vi của nhận thức loài người. Vì thế, hữu thể không thể có một nhãn giới vì nó không thể đóng kín được (das Sein bleibt fuer uns ungeschlosse). Bao bọc toàn diện. - Bao bọc toàn diện có thể định nghĩa: hữu thể thực thụ không phải là đối tượng hay chủ thể nhưng xuất hiện nhờ ở kinh nghiệm trong toàn diện của phân chia chủ thể và đối tượng. Như vậy, bao bọc toàn thể không phải là một cơ cấu trọn vẹn trong một nhãn giới vì nó không thể trở nên hữu tình trong một nhãn giới được. Nó là một môi trường trong đó có thể xuất hiện những nhãn giới mới, hay nói khác đi, nó là báo hiệu của sự hiện diện khách quan trong nhãn giới, nhưng chính nó thì không bao giờ trở nên một đối tượng trong nhãn giới được. Toàn thể, Hữu thể, Siêu việt: Có nhiều lúc ba từ ngữ này có một ý nghĩa tương tự. Toàn thể nhấn mạnh vào khía cạnh hữu thể có nhiều nhãn giới; hữu thể nhấn mạnh đến hai phương diện hiện - tượng và hữu thể tại sự của hữu thể, còn Siêu việt cũng chú ý đến hữu thể nhưng chỉ nhấn mạnh trên phương diện hưuuwx thể tjai sự bao giờ cũng vẫn ử ngoài tri thức của con người. (Đại học, số 3, tháng 7.1961, tr. 5-24.) |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC