VỚI MARTIN HEIDEGGER "SONG HỒ MỞ KHÉP CÁNH MÂY..." TRẠC TUYỀN
Trạc Tuyền (TT): Thưa Thầy, giở các sách lịch sử triết học hay các sách giới thiệu về triết học của Thầy, thường thấy có... hai Heidegger, một "sơ kỳ", một "hậu kỳ", phân cắt đâu đó vào khoảng 1936-38 với bản thảo "Các đóng góp cho triết học"[1] với tiểu tựa bí hiểm "Về Sự biến". Có sách thì bảo đó là vào năm 1946 với "Lá thư về thuyết nhân bản"[2], nơi lần đầu tiên "khúc quanh" (Kehre) nổi tiếng được trình bày hoàn chỉnh. Một cách tiếp cận tốt, rành mạch, thưa Thầy? Martin Heidegger (M.H): (cười) Hãy nhìn cây tùng sân trước. Có hai cây tùng sơ kỳ và hậu kỳ? Một người bạn thay đổi ý kiến chính trị hay tín ngưỡng, có hai người bạn? Nước Pháp quân chủ năm 1782 và nước Pháp cách mạng năm 1792, có hai nước Pháp trong tâm tình và trí tuệ? TT: Thưa, nghĩa là... M.H: Triết học cũng thế thôi! Tìm hiểu một nền triết học không phải là giải thích ý kiến của triết gia vào từng thời điểm. Mà là hãy tiếp cận sự thức nhận trung tâm sẽ dẫn dắt cả cuộc đời suy tưởng, dù qua bao thăng trầm và điều chỉnh... TT: Hay là, thưa Thầy, tiếp cận theo kiểu có... hệ thống, từng mảng một? Nhận thức luận Heidegger? Triết học Heidegger về nghệ thuật? Về chính trị? Hoặc cách nữa, theo từng chủ đề, khái niệm: Tồn tại? Thời gian? Siêu hình học? Phê phán siêu hình học? Đạo đức học? Mỹ học? Ngôn ngữ? Kỹ thuật? Suy tư? "Thi ca"?... M.H: Tại sao không? Nhưng đừng quên: triết học không thể bị quy giản vào nội dung của nó. Triết học không phải là một danh mục những ý kiến, những định nghĩa chắc nịch về những chủ đề nhất định, mà hể bứt dây thì động rừng... TT: Tiến thoái lưỡng nan, khó quá, thưa Thầy? M.H: Khó? Có gì dễ? Và tại sao khó khi đã có "hạt dẻ" trong tay? Như đã nói, mỗi triết gia thường chỉ có một ý tưởng lớn, một tư tưởng lớn, chứ đâu phải có nhiều tư tưởng rời rạc rồi được phân loại, xếp hạng dưới những chủ đề quen thuộc. Thứ hai, triết học là một cơ thể sống. Giống như mọi sinh thể, nó chỉ chào đời khi rời khỏi lòng mẹ. Không ai không có mẹ! Ban đầu mong manh, yếu ớt, thừa hưởng máu huyết của tổ tiên, cái thức nhận cốt lõi ban đầu ấy lớn dần lên theo nhiều hướng phát triển bất ngờ, sau cùng trở nên lớn mạnh, độc lập, có khi khác hẳn cha mẹ và cái nôi đã sinh ra mình. Spinoza là như thế với Descartes, Hegel là như thế với Kant, đạo Phật là như thế với Ấn Độ giáo, nước Mỹ là như thế với "mẫu quốc" Anh... TT: "Hạt dẻ" khô, cứng, phải làm mềm đi, đập vỡ nó ra mới ăn được, Thầy ạ! M.H (cười): Đúng thế, nói theo thuật ngữ triết học, là "làm cho nó trôi chảy" (Verfluessigung) và "hủy (tạo)" (De(kon)struktion) nó! Làm trôi chảy và hủy tạo cái gì? Những tín điều triết học cổ truyền! Hạt dẻ chứa đựng "chân lý". Nhưng phải mạnh tay, gọi là "tư duy triệt để" để biết đập vào đâu! Đó là: hãy biết đặt câu hỏi về Chân lý như là câu hỏi về ý nghĩa của Tồn tại. Giải câu hỏi ấy cần nhiều công sức, tới lui, như tôi đã thử làm một "khúc quanh" hay một "bước ngoặt chữ U" khi cần thiết mà Trạc Tuyền nhắc đến ở trên. Gọi nó là một cuộc "cách mạng " tư duy cũng không sai lắm! Này nhé, ngay từ 1919 cho đến cuối những năm 1960, ưu tư lớn nhất của tôi là cách khẳng định của triết học truyền thống về Chân lý là gì. Truyền thống trả lời: Chân lý - và, cùng với nó, Tồn tại - phải được hiểu là cái gì vĩnh cửu và bất biến. Thế nhưng, lại không thấy rằng: Chân lý và Tồn tại phải được suy tưởng cùng với Thời gian! Hai hệ quả: - Câu hỏi về Chân lý và Tồn tại không chỉ đã bị đặt sai mà còn bị lãng quên. Từ Platon! Ta tưởng ta biết những gì ta làm, khi ta suy tư, đó là khi khẳng định Chân lý và Tồn tại, nhưng ta bị sự lãng quên ấy che mắt. Tệ hơn, ta đã quên mất sự lãng quên này, vì nó làm cho việc bị che mắt trở nên bí hiểm. - Khi suy tưởng Tồn tại là vĩnh cửu, bất biến, chứ không phải trong chân trời của Thời gian, thì không chỉ cái được ta suy tưởng mà cả sự suy tưởng cũng bị xơ cứng, ngưng đọng. Chân lý của tư duy chỉ còn được đo lường, liệu nó có thể mang lại những khẳng định và định nghĩa chắc nịch không, và liệu có thể mang ra áp dụng không. Thế là bản thân tư duy cũng bị xác định chết cứng và bất động. Vậy, phải làm cho chúng vận động, thoát khỏi những khẳng định và định nghĩa. TT: Thưa Thầy, Hegel cũng từng nêu yêu cầu phải làm cho các khái niệm "trôi chảy", bằng cách "quan sát" chính tiến trình biện chứng "thống nhất, đấu tranh, chuyển hóa" của các mặt đối lập. Xin hỏi chỗ mới mẻ của Thầy? M.H: Đường còn dài lắm! Mới hẳn thì không, nhưng có chỗ khác. "Chân lý" và "Vô-chân lý" là ví dụ về hai đối cực, vốn cứng nhắc, chỉ chọn một bỏ một ("hoặc là-hoặc là") trong tư duy truyền thống. Khi tôi nói rằng Chân lý "đồng thời" là cái Vô-chân lý, thì câu này chỉ có nghĩa khi ta suy tưởng rằng, tự mỗi cái, Chân lý và Vô-chân lý là "cái đồng thời" của việc "khai mở" và "ẩn giấu". Sự khai mở ẩn giấu và sự ẩn giấu khai mở! Cái "đồng thời" của những quy định mâu thuẫn làm cho tư duy lẫn cái được tư duy "vận động", và ngăn ngừa việc ta xem cái làm cơ sở cho tư duy của ta là cái gì nhất phiến, đơn nghĩa, có thể xác định được và sẳn sàng đem ra sử dụng. Nó cho ta một sự "mở ngỏ" hay"cởi mở" tối đa trước câu hỏi về chân lý. Không ít người phê bình rằng đó là mảnh đất cho sự hàm hồ, đa nghĩa. Tôi thì thấy trong đó sự "đồng nhất", chứ không chỉ sự "thống nhất", của những cái đối lập, giữa tồn tại và hư vô, giữa chân lý và vô-chân lý... TT: Thưa Thầy, Hegel cũng nói về tư duy như một vòng tròn... M.H: Rồi ta sẽ còn bàn sâu! Với tôi, tư duy "quay vòng trong chính mình", "tự-quy chiếu" nơi chính mình, nơi đó người hỏi, cái được hỏi và nơi để hỏi không còn phân biệt với nhau. Vận động ấy dẫn ta trở lại với cái khởi đầu, và, nghe có vẻ mâu thuẫn, ta cần ở lại nơi cái khởi đầu, hay, nói khác đi, thường trực có cái khởi đầu trước mắt mình. Vận động ấy liên tục xoay vòng, không loại trừ cái gì, kể cả tư duy của chính mình. Không ngừng nghỉ, không ngừng tự vấn và tự xét lại. Nhưng thôi, ..."nicht alles auf einmal!", không nên nuốt trộng mọi thứ một lúc! TT: Thưa Thầy, như Thầy nói, đứa bé ra đời khi thoát khỏi lòng mẹ. Lòng mẹ ở đây là... M.H: Hiện tượng học!
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC