TUỔI THƠ DẰN VẶT BÙI VĂN NAM SƠN
Thưa Ông, "Les Mots" chắc chắn là một trong những quyển viết hay nhất của Ông. Ông xem đó như nỗ lực biện minh cho sự hiện hữu của mình. Tại sao ta lại có nhu cầu biện minh việc mình có mặt trên đời?
J.P.S: Tôi dùng hình ảnh người lữ khách không có vé tàu! Ta cần cái gì đó như chiếc vé để có thể du hành vào cuộc đời. Chiếc vé của tôi, sau cùng, là người cầm bút. Như một nghề nghiệp, một sự biện minh. Vả chăng, đó chỉ là một hình ảnh thôi, bởi cuộc đời không phải là chuyến tàu, không có ai soát vé! Tôi vẫn tự hỏi tại sao mình chọn hình ảnh ấy. Tại sao gần như là một "đức lý" (ethos) của sự lao động miệt mài như nơi Calvin, Luther, dù tôi công khai nhìn nhận mình là một nhà "hiện sinh vô thần"!
Vì... Ông thấy mình "quá thừa thãi", "quá vô tích sự" ("être de plus") ngay từ tuổi ấu thơ!
J.P.S: Đó đúng là trải nghiệm đầu đời của tôi. Các trải nghiệm khác sẽ chồng chất lên đó, khiến tuổi thơ tôi mất ngủ. Nhưng cảm giác ấy đúng là đầu tiên: quá đông rồi, quá thừa rồi, thật vô dụng!
Ông không hề giấu giếm cảm giác ấy…
J.P.S: Không! Cha tôi mất sớm. Hai mẹ con dắt díu nhau về nương tựa nhà ngoại. Chúng tôi được chứa chấp, nhưng chẳng ai thật sự cần đến hai mẹ con cả. "Chúng tôi thật ra là kẻ không nhà". Một cảm giác trống trải, thiếu hụt, không chằng không buộc. Lý do chỉ vì cha mất sớm. "Một người cha chắc hẳn đè nặng lên mình một số cảm giác cưỡng chế kéo dài. Sắc mặt cha trở thành nguyên tắc; hành vi cha trở thành luật lệ (...) Sự kính trọng khiến ta thấy có lý do tồn tại. Người sinh ra tôi sẽ quyết định về tương lai tôi: ngay từ lúc lọt lòng đã định trước sẽ học ĐH Kỹ thuật, đâu vào đấy. Nay cha mất rồi, mẹ chỉ còn nhớ lời dặn lờ mờ: "Không cho con đi lính thủy". Lờ mờ như thế nên chẳng ai, bắt đầu từ tôi, biết tôi có mặt trên đời này để làm quái gì".
Trải nghiệm tiếp theo mới quan trọng, như Ông sẽ triển khai sau này trong "Tồn tại và Hư vô": phải làm chủ "tồn tại", phải "có", phải "sở hữu"..
J.P.S: Với cậu bé 5, 7 tuổi là tôi lúc đó, nôm na chỉ là có của, có tiền! Nói văn chương, nó sẽ mang nội dung lấp đầy cái tôi trống rỗng. "Nếu cha tôi để lại chút gia tài, tuổi thơ tôi đã khác: tôi sẽ không thành nhà văn. Mà thành thứ gì khác! Có nhà có ruộng cho thuê, cậu chủ nhỏ sẽ có hình ảnh chắc chắn về mình. Khi sờ đống gạch ngói của mình, bậu cửa mái hiên của mình, là sờ thấy chính mình, và nhờ mấy cái "vật tính" ấy mà dựng lên cái "thực chất" bất tử của mình. Mấy ngày trước, trong một quán ăn, thằng nhóc bảy tuổi, con chủ quán, quát cô thu ngân: "Ba không có mặt, "moa" là ông chủ ở đây"! Thế mới là đàn ông chứ! Khi tôi bằng tuổi hắn, tôi chưa bao giờ được làm ông chủ, chẳng làm chủ cái quái gì hết! Nhớ mãi lời thì thầm của mẹ: "Cẩn thận đó con! Mình đâu phải ở nhà mình!" (...) Của cải phản ánh hiện hữu của người sở hữu nó, còn tôi: không có "thực lực"gì hết, không kế tục sự nghiệp của cha, không ai cần tôi cho ngành sản xuất thép cả. Nói gọn: “tôi mất sạch hồn cốt".
Dựa vào cha hay vào của cải, được làm số phận "ông chủ" là cột mình vào sự sở hữu, còn đâu tự do của dự phóng? "Ông chủ" là hình ảnh Ông ghét nhất đời! "Ông chủ" có "thực lực, thực chất". Nhưng, dưới mắt Ông, chính cái chết của cha đã mang lại cho Ông sự tự do... Còn hình ảnh Monsieur Simonnot?
J.P.S: Me xừ này lại càng khác hẳn tôi. Ông ta hay ở chỗ là luôn "yên vị", vắng mặt một cái là người khác nhắc đến liền. Đó chính là chỗ khác với câu bé Sartre, chẳng ai thèm lưu ý tới. Me xừ này "là không thể thiếu được trong cõi trần hoàn". Cậu bé Sartre ghen tức! Nhân bữa tiệc, ông ngoại chợt hỏi: "Simonnot đâu? Thiếu ông ấy rồi!". Câu hỏi làm nhói lòng Sartre này! Nhưng nghĩ lại, me xừ này có khác gì cái cây, cái chỗi, hòn đá mấy đâu! Sartre này, ngược lại, không bị cột chặt, không cứng đờ thành cái gì hết. Là hư vô! Nhưng, "hư vô" này không muốn là con số không, không muốn trở nên thừa thãi, mà phải có thể làm cho mọi người thấy "thiếu". "Chỗ ngồi" ấy là của Sartre, vắng mặt là thiên hạ biết liền!
Hư vô! Khái niệm cực quan trọng nơi Ông! Việc "có thể-thiếu" tiền giả định một sự chờ mong, một quan hệ của ý thức với thế giới. Sartre, mà sự hiện diện luôn tỏ ra quá đông, quá thừa, lại thích được chờ mong, khao khát. Như là sự vắng mặt! Như là "hư vô"! Nhưng, thưa Ông, tại sao lại phải "đóng kịch" trong gia đình?
J.P.S: Để tạo nên chính mình! Người lớn - ông ngoại, cậu Emile, dì Anne-Marie - nắm "sự thật" của tôi, tính cách của tôi, tên tuổi tôi trong tay. Tôi nhìn tôi bằng con mắt của người lớn. Chính họ "chế tạo" ra tôi. Dù vậy, tôi biết tôi đang đóng kịch: "làm sao đóng kịch, khi ta không biết rằng mình đóng kịch?". Tức, trong ý thức, ta giữ một khoảng cách với chính mình, quan sát rằng mình đang nói dối, đóng kịch. "Tôi là một đối tượng thuần túy [trong tay người lớn], tiền định là phải đi vào nẻo khổ dâm, nếu tôi không thành công trong việc có thể tin vào trò đóng kịch trong gia đình". "Ông ngoại nằm ngủ (...) dưới hàm râu rậm, tôi nhận ra hai môi ông trần trụi đỏ hồng, rất khó chịu. May quá, cặp kính rơi xuống đất, tôi cúi xuống lượm lên. Ông choàng tỉnh, ẳm tôi lên, lại diễn cảnh âu yếm, nhưng đó không còn là điều tôi muốn nữa. Tôi muốn gì? (...) Tôi là thằng bé dối trá. Tôi cảm nhận những hành động của tôi chỉ là những cử động. Màn kịch tước bỏ thế giới và con người ra khỏi tôi: tôi chỉ thấy toàn những vai tuồng và đạo cụ"!
Ông khiến tôi nhớ đến những trang trong "Buồn nôn"! Vì không ai cần mình, Ông càng đi đến quyết định phải làm cho mọi người không thể thiếu Ông được! Cảm giác ấy thế nào?
J.P.S: Cảm giác như người soát vé! Tôi phải tìm lý do cho sự hiện hữu chính đáng của mình: "tôi phải trở thành nguyên nhân của chính mình"!
Ông làm tôi nhớ đến Suy niệm thứ ba của Descartes: một hữu thể tự tạo chính mình, tất yếu tự tạo một cách hoàn hảo. Hữu thế ấy không có ước muốn, không nghi ngờ, không thiếu thốn gì, có mọi sự hoàn hảo trong mình: đó ắt là... Thượng Đế!
J.P.S: Tôi thấy mình có lỗi, vì đã hiện hữu, nên cần một chiến lược để thoát khỏi cảm giác tội lội ấy. Phải đi từ "khổ dâm" sang "bạo dâm", từ nạn nhân sang thủ phạm! Nghĩa là, trở thành nguyên nhân của chính mình! Tôi đối lập mình với chính mình, biến thằng bé được nuông chiều thành một trang nam tử!
Bằng phương tiện gì, thưa Ông?
J.P.S: Bằng văn chương chữ nghĩa!
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC