Chủ nghĩa Marx

Bản ghi cuộc nói chuyện của Karl Marx với phóng viên báo "Sun"

BẢN GHI CUỘC NÓI CHUYỆN CỦA KARL MARX 

VỚI PHÓNG VIÊN BÁO “SUN”

JOHN SWINTON[1]

JOHN SWINTON[2]

 

Một trong những người xuất sắc nhất của thời đại chúng ta là Karl Marx, người đã đóng vai trò bí ẩn nhưng chắc chắn là hùng mạnh trong nền chính trị cách mạng 40 năm qua. Một con người không màng ấn tượng bên ngoài, cũng không màng tiếng thơm, không mảy may quan tâm đến lời huênh hoang thế tục lẫn tham vọng nắm quyền lực, một người ung dung, không biết mệt mỏi, có trí tuệ mạnh mẽ, rộng lớn và cao cả, hoàn toàn đắm mình trong những ý định cao xa, những phương pháp lô-gích, những mục tiêu thực tiễn – Karl Marx cả đến hôm nay đã và vẫn đang đứng sau một số những tai biến làm rung chuyển các dân tộc, làm đổ các ngai vàng và giờ đây đe dọa và gây khủng khiếp cho những nhân vật đội vương miện và những kẻ bịp bợm giữ những cương vị nhà nước nhiều hơn bất cứ người nào khác ở châu Âu, không loại trừ cả chính Giuseppe Mazzini[3].

Ông thể hiện trí tuệ và các phẩm chất của mình khi còn là sinh viên ở Béc-lin, phê phán phái Hegel, biên tập các báo và có một thời đã cộng tác với báo “New-York Tribune”. Là người sáng lập và là trí tuệ lỗi lạc của Quốc tế có hồi đã gây sợ hãi và là tác giả bộ “Tư bản”, Mác bị trục xuất khỏi một nửa số nước châu Âu và bị đặt ra ngoài pháp luật hầu như ở tất cả các nước, 30 năm qua nơi cư trú của ông là Luân Đôn.

Ông đến Ram-xghết, khu an dưỡng nổi tiếng ở bờ biển của người Luân Đôn khi tôi ở Luân Đôn; chính ở đấy tôi đã tìm thấy ông ở một biệt thự cùng với gia đình gồm hai thế hệ. Người phụ nữ kiều diễm với khuôn mặt thánh thiện, với giọng nói du dương, lịch sự một cách thanh tao đón tôi ở ngưỡng cửa, rõ ràng bà là chủ nhà và vợ của Karl Marx. Còn con người nhã nhặn và đôn hậu sáu mươi tuổi ấy, với cái đầu to lớn, với những nét cao thượng và khối tóc bạc bướng bỉnh rậm dài, chẳng lẽ là Karl Marx ư?

Cung cách đàm đạo của ông giống cung cách của Socrates – cung cách ấy thật thoải mái, thoáng rộng, sáng tạo, sắc sảo và chân thành, hay giễu cợt châm chọc pha những cơn bột phát hài hước và vui sôi nổi. Ông nói về các lực lượng chính trị và các phong trào nhân dân ở nhiều nước châu Âu - về phong trào tinh thần rộng lớn ở Nga, về những tiến triển trí tuệ ở Đức; về phong trào ở Pháp và sự trì trệ ở Anh. Ông nói với niềm hy vọng về nước Nga, nói một cách triết lý về nước Đức, nói vui vẻ về nước Pháp, và nói nhăn nhó về nước Anh, nhắc đến một cách khinh bỉ về “các cuộc cải cách nguyên tử luận” mà phái tự do trong Nghị viện Anh đã bỏ thời gian của mình vào đó. Quan sát thế giới châu Âu hết nước này đến nước khác, mô tả những nét tiêu biểu, những sự kiện và những cá nhân – trên bề mặt và ẩn giấu trong sâu thẳm, - ông chỉ ra rằng diễn biến của sự việc dẫn tới những mục đích chắc chắn sẽ được thực hiện.

Tôi thường phải ngạc nhiên khi ông nói. Hiển nhiên là con người ấy ít xuất đầu lộ diện, nhưng lại hiểu sâu sắc thời thế và từ sông Nê-va đến sông Xen, từ núi U-ran đến núi Pi-rê-nê, đâu đâu ông cũng chuẩn bị miếng đất cho ngày giáng thế mới. Lao động của ông cả giờ đây cũng không uổng phí, cũng như cả trong quá khứ, khi có nhiều thay đổi đáng mong muốn đến thế, cũng như đã xảy ra biết bao nhiêu trận chiến đấu anh hùng và tòa nhà Cộng hòa Pháp đã được dựng lên trên những điểm cao đã chiếm lĩnh.

Ông càng nói, người ta càng thấy hiển nhiên rằng câu hỏi tôi đặt ra – “Vì sao giờ đây ông không tiến hành việc gì cả?”, - là câu hỏi của một người không am hiểu, hơn nữa, là câu hỏi không thể trả lời trực tiếp được. Khi tôi muốn biết vì sao tác phẩm vĩ đại của ông, quyển “Tư bản”, mà từ hạt giống của nó đã mọc lên mùa màng dồi dào đến vậy, chưa được dịch ra tiếng Anh, như nó đã được dịch từ nguyên bản tiếng Đức sang tiếng Nga và tiếng Pháp, có lẽ ông không thể trả lời, nhưng ông nói là ông đã nhận được đề nghị dịch ra tiếng Anh từ New York. Ông nói rằng quyển sách ấy chỉ là một đoạn, một phần trong số các phần của một tác phẩm gồm ba phần mà hai phần trong số đó chưa được công bố. Toàn bộ bộ sách ba phần – “Ruộng đất”, “Tư bản”, “Tín dụng”; phần cuối, Mác nói, được minh họa một cách rộng rãi bằng ví dụ của nước Mỹ, nơi mà tín dụng đã phát triển một cách đáng kinh ngạc.

Ông Marx quan sát sự phát triển của các sự kiện ở Mỹ, một số nhận xét của ông về những lực lượng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành đời sống Mỹ khiến ta phải suy ngẫm. Vả lại, khi nhắc đến quyển “Tư bản” của mình, ông nói rằng người nào muốn đọc nó đều sẽ thấy bản dịch tiếng Pháp về nhiều mặt cao hơn bản gốc tiếng Đức. Ông Marx nhắc đến một người Pháp tên là Henri Rochefort[4], còn khi ông nói về một số học trò đã mất của mình, về Bacunin[5] sôi nổi, về Lassalle[6] sáng chói và những người khác, tôi có thể thấy ông suy nghĩ sâu sắc dường nào về những người mà trong hoàn cảnh ấy có thể lái bước đi của lịch sử.

Trong khi Marx đang bàn luận thì ngày sắp hết và hoàng hôn dài của buổi chiều tối mùa hạ ở nước Anh đã tới; ông đề nghị đi dạo trên phố biển, dọc bờ tới bãi tắm trên đó chúng tôi thấy hàng nghìn người đang vui chơi, chủ yếu là trẻ em. Ở đây, trên bãi cát, chúng tôi đã tìm thấy cả hội gia đình ông: vợ, người đã chào tôi, hai người con gái của ông cùng các con và hai người rể2*, một trong hai người là giảng viên Trường trung học hoàng gia ở Luân Đôn, người kia hình như là nhà văn. Đó là một hội đáng phục - khoảng mười người – cha của hai người phụ nữ trẻ, hạnh phúc với các con mình và bà của những đứa trẻ ấy, đầy niềm yêu đời và vẻ yên bình của phái nữ. Karl Marx không mảy may thua kém bản thân Victo Hugo trong nghệ thuật làm ông, nhưng Mác hạnh phúc hơn, vì những người con đã lấy chồng của ông đang tô điểm cho những năm luống tuổi của ông.

Đến tối Marx và hai chàng rể của ông tách khỏi gia đình để tiếp vị khách Mỹ chừng một giờ đồng hồ. Cuộc đàm luận đề cập đến thế giới, con người, thời đại và tư tưởng, ly rượu của chúng tôi chạm leng keng trên biển.

Tàu hỏa không bao giờ đợi ai, mà đêm thì đã gần. Trên những điều suy ngẫm về sự bận rộn và những đau khổ của thế kỷ chúng ta và những thế kỷ trước, trong thời gian những cuộc nói chuyện ban ngày và những cảnh tượng buổi tối, trong đầu óc tôi nảy sinh một vấn đề - vấn đề quy luật tồn tại, một quy luật có tính chất quyết định, mà tôi muốn nhận được câu trả lời từ nhà thông thái ấy. Trong lúc vừa bắt đầu im lặng tôi phải lặn lội xuống tận đáy sâu ngôn ngữ và trèo lên đến đỉnh sức biểu đạt, rồi mới dám ngắt lời nhà cách mạng và nhà triết học bằng những từ hóc búa sau đây: “Cái gì là cái hiện hữu?”

Và hình như trong nháy mắt, trí óc của ông hướng vào nội tâm khi ông nhìn biển đang gầm rú trước mắt chúng tôi và đám đông nhốn nháo trên bờ. “Cái gì là cái hiện hữu?” – tôi hỏi, và ông trả lời nghiêm trang và trịnh trọng:

“Đấu tranh!”

Lúc đầu tôi tưởng là tôi nghe thấy hồi âm của sự tuyệt vọng, nhưng có thể, đó là quy luật của cuộc sống.

 

Đã đăng trên báo “Sun” ngày 6 tháng Chín 1880 và trong cuốn sách: John Swinton “Current views and notes of forty days in France and England”. New-York, 1880

In theo bản công bố trong tạp chí “Masses and Mainstream”, Vol. 8, số 3, tháng Ba 1955

Nguyên văn là tiếng Anh

In bằng tiếng Nga lần đầu

 


Nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 45. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 895-899. Phiên bản điện tử: http://www.cpv.org.vn


 

[1] Cuộc nói chuyện của Marx và John Swinton, lúc đó là chủ bút tờ báo tiến bộ ở New York “Sun”, diễn ra vào tháng Tám 1880. Sau cuộc gặp ấy, Marx duy trì việc trao đổi thư từ một thời gian với Swinton. Đặc biệt, theo đề nghị của Swinton, Mác đã gửi cho ông bản dịch tiếng Pháp quyển “Tư bản”. Nhân việc công bố bản ghi cuộc nói chuyện, ngày 4 tháng Mười một 1880, Marx viết cho Swinton: “Tôi xin bày tỏ với ngài lời cảm ơn của tôi về bài viết đầy tinh thần thân ái của ngài đăng trên báo “Sun” (Toàn tập, t. 34, 1998, tr. 653).

[2] Swinton, John (1830-1901) – nhà báo Mỹ, gốc Scotland, chủ biên nhiều tờ báo lớn của New York, trong đó có tờ “Sun” (1875-1883); người sáng lập và chủ biên tuần báo “Swinton’s Paper” (trước năm 1887).

[3] Mazzini, Giuseppe (1805-1872) – nhà cách mạng Italia, nhà dân chủ tư sản, một trong những thủ lĩnh của phong trào giải phóng dân tộc ở Italia, nhà hoạt động nổi tiếng của cách mạng 1848-1849 ở Italia, năm 1849 đứng đầu chính phủ lâm thời của nước Cộng hòa La Mã, năm 1850 là một trong những người tổ chức ra Ban chấp hành trung ương của phong trào dân chủ châu Âu ở Luân Đôn, trong những năm 50 chống sự can thiệp của nước Pháp Napoléon vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Italia, khi Quốc tế I được thành lập năm 1864, ông cố tìm cách làm cho tổ chức này chịu ảnh hưởng của ông, năm 1871 ông lên tiếng chống Công xã Paris và Quốc tế, cản trở sự phát triển của phong trào công nhân độc lập ở Italia.

[4] Rochefort, Henri (1830-1913) - nhà báo, nhà văn và nhà hoạt động chính trị người Pháp; theo phái cộng hòa cánh tả, thành viên chính phủ quốc phòng, sau khi Công xã Paris bị đàn áp ông đã bị đày sang New Caledonia, đã chạy trốn sang Anh; sau khi được ân xá năm 1880, ông trở về Pháp, xuất bản báo "Intransiegent"; cuối những năm 80 ông chạy sang phe phản động giáo quyền quân chủ; do tham gia phong trào Boulanger năm 1889 ông bị kết án tù giam và để thoát án tù, trước năm 1895 ông đã sống ở Luân Đôn.

[5] Mikhail Bakunin (1814-1876) – nhà cách mạng và nhà chính luận Nga, tham gia cách mạng 1848 – 1849 ở Đức; một trong những nhà tư tưởng của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa vô chính phủ; ông tham gia Quốc tế I với tư cách là kẻ thù cuồng bạo của chủ nghĩa Mác, tại Đại hội La Hay ông bị khai trừ khỏi Quốc tế vì hoạt động phân liệt.

[6] Lassalle, Ferdinand (1825-1864) – nhà chính luận tiểu tư sản Đức, luật gia, trong những năm 1848-1849 tham gia phong trào dân chủ của tỉnh Ranh, vào đầu những năm 60 gia nhập phong trào công nhân và là một trong những người sáng lập ra Liên đoàn công nhân toàn Đức (1863); người ủng hộ chính sách thống nhất nước Đức “từ trên xuống” dưới bá quyền của Phổ; ông đặt cơ sở cho khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong phong trào công nhân Đức.

2* - Jenny và Charle Longuet, Laura và Paul Lafargue, cùng các con của Jenny và Charler Longuet và Jean, Henri và Edga.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt