DUY VẬT LỊCH SỬ
DUY VẬT LỊCH SỬ
VÀO ĐỀ
Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.
Chúng ta mở đầu năm 1954 với những bài về Duy Vật Lịch Sử. Duy Vật Lịch Sử nối tiếp Duy Vật Biện Chứng là bộ phận rất trọng yếu của Triết học Mác Lê. Duy Vật Lịch Sử là gì? Staline nói: “Duy Vật Lịch Sử triển khai những nguyên lý của Duy Vật Biện Chứng để nghiên cứu sự sinh họat xã hội, nó ứng dụng những nguyên lý ấy vào các hiện tượng sinh họat xã hội, vào sự nghiên cứu xã hội, vào sự nghiên cứu lịch sử của xã hội” Vậy Duy Vật Lịch Sử là ứng dụng nguyên lý Duy Vật Biện Chứng để nghiên cứu: - Xã hội - Hiện tượng sinh họat xã hội - Lịch sử của xã hội Những bạn học về khoa học tự nhiên thì cần thấm nhuần Duy Vật Biện Chứng. Những bạn về khoa học xã hội thì cần đăc biệt chú ý đến Duy Vật Lịch Sử. Cần học, hiểu Duy Vật Lịch Sử để làm Chính trị, để học Sử Ký, để phê phán Văn học nghệ thuật, để tin tưởng một cách sắt đá vào tiền đề của Cách Mạng, vào vai trò của quần chúng. Càng có công tác cách mạng thì càng có điều kiện để hiểu Duy Vật Lịch Sử một cách chín chắn; nếu khóa cửa buồng mà học là chắc không bao giờ nên. Càng học hiểu Duy Vật Lịch Sử, chúng ta càng tin tưởng vào sức lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chủ tịch; Ho Chủ tịch thấu hiểu quy luật của xã hội, quy luật của lịch sử, quy luật của kinh tế và dẫn dắt chúng ta đi tới phương hướng, đi tới thắng lợi cuối cùng. Chúng ta sống trong một thời đại mà theo lời của đồng chí Molotov “Tất cả các con đường đều dắt đến chủ nghĩa Cộng sản”. Cái mục đích vĩ đại này là kết luận tất nhiên của sự nghiên cứu lịch trình xã hội tiến hóa, nó tạo cho chúng ta một nghị lực vĩ đại để vượt mọi khó khăn, trên các bước đuờng chiến đấu lâu dài, vinh dự, càng hiểu biết càng có sức mạnh; mục đìch lớn sinh ra nghị lực lớn. Riêng về công tác của trường năm nay, thầy trò ta sẽ cùng hợp sức để góp phần nghiên cứu Việt Sử, Việt Văn; muốn nghiên cứu Sử và Văn, hai nhược điểm căn bản trong nhiều trường học của chúng ta ngày nay - nhất thiết phải thấm nhuần phương pháp Duy Vật Lịch Sử và chỉ khi nào chúng ta đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc nghiên cứu Việt Sử và Việt Văn, thì khi ấy chúng ta có quyền tự bảo rằng đã nắm được tinh túy Duy Vật Lịch Sử. Duy Vật Luận có ba đặc điểm chính; chúng ta đã biết biện chứng pháp có bốn quy luật căn bản chúng ta đã học thì Duy Vật Lịch Sử có bốn vấn đề căn bản sau đây: 1. Quy luật tương ứng tất yếu giữa lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất. 2. Quy luật tương ứng tất yếu giữa cơ sở và thượng tầng. 3. Giai cấp tranh đấu động cơ của lịch sử. 4. Vai trò sáng tạo của quần chúng trong lịch sử. Bốn vấn đề ấy, bốn quy luật ấy là giường cột, là tinh túy của học thuyết Mác-Lê về xã hội phát triển. Duy Vật Lịch Sử có liên hệ sâu xa với kinh tế học và chính trị học; ba môn này luôn tương trợ nhau mà không dẫm lên nhau. Quyển Duy Vật Lịch Sử mà tôi viết hồi 1950, có nhiều khuyết điểm, cả sai lầm nữa. Khuyết điểm chính là không sát với thực tế Việt Nam. Sai lầm chính là nói rằng cơ sở kinh tế gồm cả tương quan với lực lượng sản xuất. Từ đó đến nay của Staline được xuất bản: “Ngôn ngữ học và Chủ nghĩa Mác”. “Những vấn đề kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô,” lại có chỉnh Đảng, phát động quần chúng ở nước ta. Hơn nữa, bây giờ viết để làm gì, viết cho ai đọc, là hai câu hỏi mà khi chỉnh lý quyển Duy Vật Lịch Sử, tôi tự trả lời một cách dứt khóat, rõ ràng hơn là hồi năm 1950. Tôi bỏ hai chương: “Cội rễ xã hội lòai người” và “Lịch trình tiến hóa của xã hội” vì nó thuộc về vấn đề nhân lọai tiến hóa sử mà chúng ta đã học hồi cuối năm rồi, nó không thuộc về Duy Vật Lịch Sử, nghĩa là trong căn bản nó thuộc về Sử mà không thuộc về Triết.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC