Chủ nghĩa Marx

Giá trị cấu thành hay giá trị tổng hợp

SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC

 

CÁC MÁC

_______

 

SỰ KHỐN CÙNG

CỦA TRIẾT HỌC

 

CHƯƠNG MỘT

MỘT PHÁT KIẾN KHOA HỌC

 

§ II. GIÁ TRỊ CẤU THÀNH HAY GIÁ TRỊ TỔNG HỢP

 


C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn


 

 

 

"Giá trị" (trao đổi) "là hòn đá tảng của tòa nhà kinh tế". Giá trị "cấu thành" là hòn đá tảng của hệ thống những mâu thuẫn kinh tế.

Vậy cái "giá trị cấu thành" ấy, - mà đã tạo nên tất cả phát kiến của ông Pru-đông về khoa kinh tế chính trị - là cái gì?

Một khi sự hữu ích của sản phẩm này hay sản phẩm khác đã được thừa nhận, thì lao động là nguồn gốc của giá trị sản phẩm đó. Thước đo của lao động, chính là thời gian. Giá trị tương đối của các sản phẩm do thời gian lao động cần dùng để sản xuất ra chúng quyết định. Giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị tương đối của một sản phẩm. Cuối cùng, giá trị cấu thành của một sản phẩm chẳng qua chỉ là giá trị cấu thành bởi thời gian lao động bỏ vào đó.

Cũng giống như A-đam Xmít đã phát hiện ra sự phân công lao động, ông Pru-đông cũng thế, ông ta cho rằng mình đã phát hiện ra "giá trị cấu thành". Đương nhiên đó không phải là "một cái gì hoàn toàn mới mẻ" nhưng cũng phải thừa nhận rằng chẳng có cái gì là hoàn toàn mới mẻ trong bất cứ một sự phát hiện nào của khoa học kinh tế cả. Ông Pru-đông cảm thấy hết tầm quan trọng của phát kiến của mình, tuy nhiên, ông ta tìm cách giảm nhẹ ý nghĩa của nó, "để làm cho bạn đọc yên tâm đối với việc ông ta tự cho là độc đáo, và để điều hoà với những bộ óc ít dám tiếp thụ những tư tưởng mới do tính nhút nhát của mình". Nhưng khi đánh giá phần cống hiến của mỗi người tiền bối của ông ta về mặt xác định giá trị, ông ta buộc phải công nhận và lớn tiếng tuyên bố rằng, chính ông ta đã góp phần cống hiến lớn nhất, phần quan trọng nhất.

"Quan niệm tổng hợp về giá trị đã được A-đam Xmít nhìn thấy một cách lờ mờ... Nhưng ở A-đam Xmít quan niệm ấy về giá trị là hoàn toàn theo trực giác, thế nhưng, xã hội không thay đổi những tập quán của mình theo lòng tin vào trực giác; chỉ có uy lực của sự thật mới thuyết phục được nó. Phải diễn đạt sự mâu thuẫn một cách dễ thấy và rõ ràng hơn: Gi.B. Xây là người giải thích chủ yếu cho mâu thuẫn đó".

Đó là lịch sử đầy đủ về sự phát hiện ra giá trị tổng hợp: A-đam Xmít có cái trực giác mơ hồ, Gi.B.Xây có sự đối lập, ông Pru-đông có chân lý cấu thành và "được cấu thành". Và đừng ai hiểu nhầm đấy: tất cả những nhà kinh tế học khác từ Xây cho đến Pru-đông, chỉ làm cái việc lê gót trong vết xe cũ của sự đối lập mà thôi.

"Không thể tin được rằng bao nhiêu người rất có trí tuệ từ bốn mươi năm nay lại khổ tâm vì một quan niệm giản đơn đến thế. Nhưng không, tiến hành so sánh các giá trị với nhau mặc dầu không có một điểm chung nào và không có một đơn vị đo lường nào để so sánh với nhau cả, - đó là cái mà cái nhà kinh tế học của thế kỷ XIX đã kiên quyết khẳng định bất chấp tất cả và chống lại tất cả mọi người, chứ không phải là tiếp thụ lý luận cách mạng về sự bình đẳng. Hậu thế sẽ nói gì về điểm này đây?" (t. I, tr. 68).

Bị chất vấn bất thình lình như thế, hậu thế sẽ bắt đầu phải lúng túng về niên đại. Như thế hậu thế tất phải tự hỏi rằng: vậy thì Ri-các-đô và trường phái của ông ta không phải là những nhà kinh tế học của thế kỷ XIX hay sao? Học thuyết của Ri-các-đô dựa trên nguyên lý là "giá trị tương đối của hàng hoá chỉ do số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra chúng, quy định mà thôi" thì đã có từ năm 1817. Ri-các-đô là thủ lĩnh của cả một trường phái đã thống trị ở nước Anh từ thời kỳ Phục hưng43. Học thuyết Ri-các-đô tóm tắt lại một cách chặt chẽ, nghiêm khắc quan điểm của toàn thể giai cấp tư sản Anh, giai cấp này bản thân nó là hiện thân của giai cấp tư sản hiện đại. "Hậu thế sẽ nói gì về điểm này đây?". Hậu thế sẽ không nói rằng ông Pru-đông không hề hiểu biết Ri-các-đô, vì ông ta đã nói về Ri-các-đô, nói nhiều lắm, ông ta nói lui nói tới đến Ri-các-đô để rồi cuối cùng gọi học thuyết của Ri-các-đô là một "mớ lộn xộn". Nếu một lúc nào đó hậu thế can dự vào vấn đề này thì có lẽ hậu thế sẽ nói rằng ông Pru-đông, vì sợ đụng vào tâm lý ghét người Anh của các bạn đọc của ông ta, đã tình nguyện tự mình làm người phát hành có trách nhiệm những quan niệm của Ri-các-đô. Nhưng dù sao, hậu thế cũng sẽ thấy rằng thật là ngây thơ khi ông Pru-đông lấy cái mà Ri-các-đô đã trình bày một cách khoa học như là lý luận về xã hội hiện thời, về xã hội tư sản để cho đó là "lý luận cách mạng về tương lai", và khi ông ta lấy cái mà Ri-các-đô và trường phái của Ri-các-đô đã trình bày khá lâu trước ông ta như là công thức khoa học về một mặt duy nhất của sự mâu thuẫn, về giá trị trao đổi, để cho đó là cách giải quyết mâu thuẫn giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Nhưng chúng ta hãy thôi không nói đến hậu thế nữa, và chúng ta hãy đối chất ông Pru-đông với tiền bối Ri-các-đô của ông ta. Sau đây là vài đoạn của Ri-các-đô tóm tắt học thuyết của ông về giá trị:

"Sự hữu ích không phải là thước đo của giá trị trao đổi, mặc dầu nó là tuyệt đối cần thiết cho giá trị trao đổi" (tr. 3, t. I của "Những nguyên lý của khoa kinh tế chính trị", v.v., do Ph. X. Công-xtăng-xi-ô dịch từ bản tiếng Anh, Pa-ri, 1835).

"Một khi các vật đã được thừa nhận tự bản thân chúng là có ích, thì các vật sẽ có giá trị trao đổi do hai nguồn gốc: do sự khan hiếm của chúng và do số lượng lao động cần thiết để có được chúng. Có những cái mà giá trị chỉ tuỳ thuộc vào sự khan hiếm của chúng mà thôi. Vì không một lao động nào có thể tăng thêm số lượng của chúng cho nên giá trị của chúng không thể giảm bớt do chúng có nhiều hơn được. Chẳng hạn như những pho tượng hay những bức tranh quý giá, v.v.. Giá trị ấy chỉ tuỳ thuộc vào sự giàu có, sở thích và hứng thú của những người muốn có những vật như thế" (tr. 4 và 5, t. I, s.đ.d.). "Tuy nhiên, những hàng hoá đó chỉ là một phần rất nhỏ trong số những hàng hoá mà người ta trao đổi hàng ngày trên thị trường. Vì số rất lớn những vật mà người ta muốn có là kết quả của lao động, cho nên hễ lúc nào mà người ta muốn sử dụng lao động cần thiết để tạo ra chúng thì người ta cũng đều có thể tăng số lượng của chúng lên, không những là trong một nước, mà là trong nhiều nước, đến một mức độ hầu như là không thể nào giới hạn được" (tr. 5, t. I, s.đ.d). "Vậy khi nào chúng ta nói đến hàng hoá, nói đến giá trị trao đổi của chúng và những nguyên tắc điều tiết giá cả tương đối của chúng, thì tức là chúng ta chỉ nói đến những hàng hoá mà số lượng có thể tăng lên do lao động của con người, mà việc sản xuất ra chúng được sự cạnh tranh kích thích và không bị một trở ngại nào ngăn cản cả" (t. I, tr. 5).

Ri-các-đô dẫn chứng A-đam Xmít, theo ông ta thì A-đam Xmít "đã xác định một cách rất chính xác nguồn gốc đầu tiên của mọi giá trị trao đổi" (xem Xmít, q.I, ch. 5(44)). Tiếp đó, Ri-các-đô nói thêm:

Học thuyết nói rằng chính cái đó (tức là thời gian lao động) "là cơ sở của giá trị trao đổi của mọi cái, trừ những cái mà lao động của con người không thể tha hồ làm tăng số lượng lên được, - học thuyết ấy cực kỳ quan trọng trong khoa kinh tế chính trị; bởi vì không có một cái gì lại sinh ra nhiều sự nhầm lẫn, và nhiều ý kiến khác nhau trong khoa học ấy,- như là tính không chính xác và ý nghĩa mơ hồ mà người ta gán cho chữ "giá trị"" (t. I, tr. 8). "Nếu như giá trị trao đổi của hàng hoá được quy định bởi số lượng lao động thể hiện trong hàng hoá thì mọi sự tăng thêm về số lượng lao động tất nhiên sẽ làm tăng thêm giá trị của hàng hoá mà lao động đã được hao phí để tạo ra, và mọi sự giảm bớt số lượng lao động ắt phải làm giảm bớt giá trị của nó" (t. I, tr. 8).

Sau đó Ri-các-đô chỉ trích A.Xmít:

1) "Là đã cho giá trị một thước đo khác với lao động, khi thì lấy giá trị của lúa mì, khi thì lấy số lượng lao động mà một vật có thể mua được", v.v. (t. I, tr. 9 và 10).

2) "Là đã chấp nhận nguyên tắc một cách không hạn chế nhưng lại hạn chế sự ứng dụng nguyên tắc ấy chỉ trong phạm vi xã hội ở trạng thái nguyên thủy và thô sơ, trước thời kỳ có tích lũy tư bản và thiết lập quyền sở hữu ruộng đất" (t. I, tr. 21).

Ri-các-đô cố chứng minh rằng quyền sở hữu ruộng đất, nghĩa là địa tô, không thể nào thay đổi giá trị tương đối của nông sản, còn tích lũy tư bản cũng chỉ có một ảnh hưởng tạm thời và không ổn định đối với những giá trị tương đối, những giá trị tương đối này do số lượng lao động so sánh được dùng để sản xuất ra chúng, quy định. Để chứng minh luận đề ấy, ông đã đưa ra học thuyết nổi tiếng của ông về địa tô, phân tích tư bản theo những bộ phận cấu thành của nó, và cuối cùng, chỉ thấy có lao động tích lũy ở trong tư bản mà thôi. Sau đó ông phát triển cả một học thuyết về tiền công và lợi nhuận, và chứng minh rằng tiền công và lợi nhuận tăng và giảm theo tỷ lệ nghịch với nhau, mà không ảnh hưởng gì đến giá trị tương đối của sản phẩm cả. Ông không coi thường ảnh hưởng của tích lũy tư bản và của sự khác nhau về bản chất của tư bản (tư bản cố định và tư bản lưu động), cũng như của mức tiền công, đối với giá trị tỷ lệ của các sản phẩm. Hơn nữa, đó cũng là những vấn đề chủ yếu mà Ri-các-đô quan tâm.

Ông nói rằng "mọi sự tiết kiệm lao động bao giờ cũng làm giảm giá trị tương đối1) của một hàng hoá, vô luận đó là sự tiết kiệm lao động cần thiết để chế tạo ra bản thân vật ấy, hay là sự tiết kiệm lao động cần thiết để làm ra tư bản dùng vào việc sản xuất vật ấy cũng vậy" (t. I, tr . 28). "Vì thế cho nên, chừng nào mà một ngày lao động tiếp tục cung cấp cho người này vẫn một số lượng cá như cũ và cung cấp cho người kia vẫn một số thú săn như cũ, thì mức tự nhiên của những giá cả trao đổi của cá và thú săn vẫn luôn luôn giữ nguyên như cũ, bất kể tiền công và lợi nhuận thay đổi như thế nào, và bất kể tất cả những hậu quả của tích lũy tư bản là như thế nào" (t. I, tr . 32). "Chúng ta đã coi lao động như là cơ sở của giá trị các vật, và coi số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra chúng như là mức quy định những số lượng hàng hoá tương ứng mà người ta phải trao đổi để lấy những vật khác; nhưng chúng ta đã không định phủ nhận rằng, trong giá cả thị trường của hàng hoá, có thể có sự lên xuống ngẫu nhiên và tạm thời của giá cả ban đầu và tự nhiên ấy" (t. I, tr . 105, s.đ.d.). "Suy đến cùng thì chính là những chi phí sản xuất quy định giá cả của các vật, chứ không phải là, như người ta thường nói, tỷ lệ giữa cung và cầu" (t. II, tr . 253).

Huân tước Lô-đéc-đan đã trình bày những sự thay đổi của giá trị trao đổi theo quy luật cung cầu, hay là quy luật về sự khan hiếm và sự dồi dào so với số cầu. Theo ông, giá trị của một vật có thể tăng lên khi số lượng của nó giảm bớt hay là số cầu về nó tăng lên; giá trị có thể giảm bớt vì số lượng của vật ấy tăng thêm hay vì số cầu giảm bớt. Như vậy, giá trị của một vật có thể thay đổi, vì tác dụng của tám nguyên nhân khác nhau, tức là của bốn nguyên nhân thuộc về bản thân vật đó, và của bốn nguyên nhân thuộc về tiền hay bất cứ hàng hoá nào khác dùng làm thước đo cho giá trị của nó. Sau đây là lý lẽ bác bỏ của Ri-các-đô:

"Giá trị của những sản phẩm mà một tư nhân hay một công ty giữ độc quyền, thay đổi theo quy luật mà huân tước Lô-đéc-đan đã đề ra: người ta càng cung cấp nhiều sản phẩm ấy hơn thì chúng càng giảm giá trị, và những người mua càng tỏ ra muốn mua những sản phẩm ấy thì giá trị của chúng lại càng tăng; giá cả của chúng không có một quan hệ tất yếu nào với giá trị tự nhiên của chúng cả. Còn như những vật mà giữa những người bán hàng có sự cạnh tranh lẫn nhau, và số lượng có thể tăng lên vừa phải thì giá cả của chúng cuối cùng là tuỳ ở sự tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chứ không phải ở tình hình cung cầu" (t. II, tr. 259).

Chúng tôi xin để cho bạn đọc tự so sánh lấy giữa lời văn rất chính xác, rất sáng rõ, rất giản đơn của Ri-các-đô với sự cố gắng hành văn khoa trương của ông Pru-đông, để đi đến chỗ quy định giá trị trao đổi bằng thời gian lao động.

Ri-các-đô vạch cho chúng ta thấy sự vận động hiện thực của sản xuất tư sản, sự vận động đó cấu thành giá trị. Ông Pru-đông thì bỏ qua sự vận động hiện thực ấy, ông ta "vắt óc" để tạo ra những biện pháp mới nhằm sắp đặt thế giới theo một công thức tưởng chừng như là mới lạ, kỳ thực nó chỉ là biểu hiện lý luận về sự vận động hiện thực đang tồn tại, mà Ri-các-đô đã trình bày rất rõ ràng rồi. Ri-các-đô xuất phát từ xã hội hiện thời để chứng minh cho chúng ta thấy xã hội hiện thời cấu thành giá trị như thế nào; ông Pru-đông thì lại lấy giá trị cấu thành làm điểm xuất phát để cấu thành một thế giới xã hội mới bằng giá trị ấy. Theo ông Pru-đông, thì giá trị cấu thành phải đi vòng quanh và lại trở nên nhân tố cấu thành đối với một thế giới đã được cấu thành xong xuôi theo phương thức đánh giá ấy. Đối với Ri-các-đô, sự quy định giá trị bằng thời gian lao động là quy luật giá trị trao đổi; đối với ông Pru-đông, nó là sự tổng hợp của giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Học thuyết về giá trị của Ri-các-đô là sự giải thích khoa học về đời sống kinh tế hiện thời; học thuyết về giá trị của ông Pru-đông là sự giải thích không tưởng về học thuyết của Ri-các-đô. Ri-các-đô nhận thức chân lý của công thức của ông bằng cách làm cho nó xuất phát từ tất cả mọi quan hệ kinh tế, và dùng cách đó để giải thích tất cả mọi hiện tượng, kể cả những hiện tượng mà, thoạt tiên, tưởng như là mâu thuẫn với công thức ấy, chẳng hạn như địa tô, tích lũy tư bản và tỷ lệ giữa tiền công và lợi nhuận; đó chính là điều làm cho học thuyết của ông trở thành một hệ thống khoa học; ông Pru-đông thì lại - hơn nữa chỉ bằng cách dùng những giả thiết hoàn toàn tùy tiện - là người đã tìm ra công thức ấy của Ri-các-đô, rồi sau đó ông ta mới bắt buộc phải tìm kiếm những sự kiện kinh tế riêng rẽ mà ông ta bắt bẻ và xuyên tạc đi, nhằm làm cho người ta coi đó là những thí dụ, những kiểu ứng dụng sẵn có, những bước đầu thực hiện tư tưởng tân tạo của ông ta. (Xem § 3 của chúng tôi "Sự ứng dụng giá trị cấu thành".)

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang những kết luận mà ông Pru-đông đã rút ra từ giá trị cấu thành (bởi thời gian lao động).

- Một số lượng lao động nào đó, trị giá bằng sản phẩm mà chính số lượng lao động ấy đã tạo ra.

- Bất cứ ngày lao động nào cũng trị giá bằng một ngày lao động khác, nghĩa là, với số lượng bằng nhau, lao động của người này trị giá bằng lao động của người khác: giữa chúng không có một sự khác nhau nào về chất lượng cả. Với số lượng lao động bằng nhau, sản phẩm của người này được trao đổi với sản phẩm của người khác. Tất cả mọi người đều là những người lao động làm thuê, và lại là những người làm thuê đều được trả công bằng nhau nếu làm trong một thời gian lao động bằng nhau. Sự trao đổi được tiến hành trên cơ sở bình đẳng hoàn toàn.

Những kết luận ấy có phải là những kết quả tự nhiên và tất nhiên của giá trị "được cấu thành", hay được quy định bởi thời gian lao động không?

Nếu giá trị tương đối của một hàng hoá được quy định bởi số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra nó, thì kết quả đương nhiên là giá trị tương đối của lao động, hay tiền công, cũng được quy định bởi số lượng lao động cần thiết để sản xuất ra tiền công. Vậy tiền công, nghĩa là giá trị tương đối, hay giá cả của lao động, được quy định bởi thời gian lao động cần dùng để sản xuất ra mọi cái cần thiết cho việc nuôi sống người công nhân.

"Anh hãy giảm bớt những chi phí sản xuất mũ đi, rồi giá cả của mũ cuối cùng sẽ giảm bớt tới mức giá cả mới tự nhiên của chúng, mặc dù lượng cầu có thể tăng lên gấp hai, gấp ba hay gấp bốn". "Anh hãy giảm bớt những chi phí để nuôi sống con người, bằng cách giảm bớt giá cả tự nhiên của thức ăn và quần áo là những cái duy trì cuộc sống, anh sẽ thấy rằng tiền công cuối cùng sẽ hạ xuống, mặc dù lượng cầu về lực lượng lao động có thể tăng lên rất nhiều" (Ri-các-đô, t.II, tr.253).

Cố nhiên, lối nói của Ri-các-đô thật là sống sượng. Đặt ngang hàng những chi phí sản xuất mũ với chi phí nuôi sống con người, tức là biến con người thành cái mũ. Nhưng chớ vội la lối về sự sống sượng đó! Chính hiện thực là sống sượng, chứ không phải những chữ diễn đạt hiện thực ấy. Những nhà văn Pháp, như ông Đrô-dơ, Blăng-ki, Rốt-xi và những người khác, tự hào một cách ngây thơ khi họ tỏ rõ sự hơn hẳn của họ so với các nhà kinh tế học Anh, bằng cách cố giữ lối nói "nhân đạo"; nếu như các nhà văn Pháp chỉ trích Ri-các-đô và trường phái của ông về lối nói sống sượng của họ, đó chính là vì các nhà văn Pháp phật ý khi thấy trình bày những quan hệ kinh tế với tất cả sự sống sượng của chúng, khi thấy những bí mật của giai cấp tư sản bị bóc trần.

Tóm lại: lao động tự nó đã là hàng hoá, với tư cách ấy, nó được đo bằng thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra lao động - hàng hoá. Thế cần phải có gì để sản xuất ra lao động - hàng hoá? Cần có thời gian lao động để sản xuất ra những vật phẩm cần thiết cho việc không ngừng duy trì lao động, nghĩa là làm cho người lao động sống được và có điều kiện duy trì giống nòi của mình. Giá cả tự nhiên của lao động không phải là cái gì khác mà là mức tiền công1) tối thiểu. Nếu như giá cả thị trường của tiền công cao hơn giá cả tự nhiên của nó, đó chính là vì quy luật giá trị, mà ông Pru-đông nêu lên thành nguyên tắc, đã bị hậu quả của những sự biến động trong quan hệ cung cầu làm cân bằng đi. Nhưng, dù sao mức tiền công tối thiểu cũng vẫn là trung tâm thu hút các giá cả thị trường của tiền công.

Như vậy, giá trị tương đối, đo bằng thời gian lao động, tai hại thay lại là công thức của chế độ nô lệ hiện đại của người công nhân, chứ không phải, - như ông Pru-đông muốn, - là "lý luận cách mạng" về sự giải phóng giai cấp vô sản.

Bây giờ chúng ta hãy xét xem trong bao nhiêu trường hợp, sự ứng dụng thời gian lao động, với tư cách là thước đo của giá trị, là không phù hợp với sự đối kháng tồn tại giữa các giai cấp và với sự phân phối sản phẩm lao động một cách không bình đẳng giữa người lao động trực tiếp và người chiếm hữu lao động tích lũy.

Chúng ta hãy giả định một sản phẩm nào đó, vải chẳng hạn. Sản phẩm này, vì là một sản phẩm bao hàm số lượng lao động nhất định. Số lượng lao động ấy vẫn luôn luôn như thế, không kể địa vị tương hỗ của những người đã góp phần tạo ra sản phẩm ấy đã thay đổi như thế nào.

Chúng ta hãy lấy một sản phẩm khác mà nói: dạ, giả sử nó đòi hỏi được sản xuất với một số lượng lao động giống như khi sản xuất vải.

Nếu có sự trao đổi giữa các sản phẩm ấy, thì tức là trao đổi những số lượng lao động bằng nhau. Khi trao đổi những số thời gian lao động bằng nhau ấy, người ta không hề thay đổi địa vị tương hỗ của những người sản xuất, cũng như người ta không hề thay đổi gì về mối quan hệ qua lại giữa những người công nhân và những người chủ xưởng với nhau. Nói rằng sự trao đổi ấy của những sản phẩm, mà giá trị của chúng được đo bằng thời gian lao động, đưa đến kết quả là sự trả công bình đẳng giữa tất cả những người sản xuất, - thì tức là giả định rằng sự tham dự bình đẳng vào sản phẩm đã tồn tại trước khi có sự trao đổi rồi. Hãy cho rằng dạ đã trao đổi xong với vải, thế thì những người sản xuất ra dạ sẽ dự phần chia vải theo một tỷ lệ ngang bằng tỷ lệ mà trước đây họ đã dự phần làm ra dạ.

Sự nhầm lẫn của ông Pru-đông là do chỗ ông coi là kết quả cái mà nhiều lắm cũng chỉ có thể là một sự giả định vô căn cứ.

Chúng ta hãy bàn tiếp.

Nếu ta coi thời gian lao động như là thước đo giá trị thì ít ra liệu có thể giả định rằng những ngày lao động đều ngang giá với nhau, và ngày lao động của người này trị giá bằng ngày lao động của người kia được không? Không.

Chúng ta hãy tạm thời cho rằng ngày lao động của một người thợ kim hoàn trị giá bằng ba ngày lao động của một người thợ dệt; trong trường hợp đó mọi sự thay đổi giá trị của đồ trang sức so với vải, - trừ phi đó là kết quả tạm thời của những biến động trong cung và cầu ra thì không kể, - bao giờ cũng là do thời gian lao động dùng vào việc sản xuất vải hay đồ trang sức giảm bớt hay tăng thêm. Giả sử ba ngày lao động của những người lao động khác nhau so sánh với nhau bằng tỷ lệ giữa 1, 2, 3 thì mọi sự thay đổi trong giá trị tương đối của sản phẩm của họ, sẽ là một sự thay đổi theo tỷ lệ 1, 2, 3 ấy. Như vậy, mặc dù giá trị của những ngày lao động khác nhau là không bằng nhau, người ta vẫn có thể đo giá trị theo thời gian lao động được; nhưng, để ứng dụng một thước đo như thế, chúng ta phải có một biểu so sánh giá trị của những ngày lao động khác nhau; chính sự cạnh tranh đã lập ra biểu ấy.

Giờ lao động của anh có giá trị bằng giờ lao động của tôi hay không? Đó là một vấn đề phải  giải quyết thông qua cuộc cạnh tranh.

Theo ý kiến một nhà kinh tế học Mỹ, cạnh tranh quy định có bao nhiêu ngày lao động giản đơn chứa đựng trong một ngày lao động phức tạp. Việc quy những ngày lao động phức tạp ra thành những ngày lao động giản đơn lại không giả định rằng người ta  lấy chính lao động giản đơn làm thước đo giá trị, hay sao? Nếu chỉ có số lượng lao động dùng làm thước đo cho giá trị, không kể gì đến chất lượng, thì đến lượt nó, điều này cũng giả định rằng lao động giản đơn đã trở thành mấu chốt của hoạt động sản xuất. Nó giả định rằng các hình thức lao động đã được cào bằng với nhau là do con người bị phụ thuộc vào máy móc hay do phân công lao động đạt đến cực điểm; rằng con người đã bị lao động đẩy xuống hàng thứ yếu; rằng quả lắc của đồng hồ đã trở thành thước đo chính xác của hoạt động đối sánh của hai người công nhân, cũng như nó là thước đo chính xác tốc độ của hai đầu tàu. Thế thì, không nên nói rằng một giờ lao động của một người trị giá bằng một giờ lao động của một người khác, mà đúng hơn nên nói là một người trong một giờ lao động trị giá bằng một người khác cũng trong một giờ lao động. Thời gian là tất cả, con người không là cái gì cả; nhiều lắm thì con người cũng chỉ là hiện thân của thời gian. Ở đây, không còn có vấn đề chất lượng nữa. Chỉ có số lượng quyết định tất cả: giờ đối với giờ, ngày đối với ngày; nhưng sự cào bằng lao động ấy quyết không phải là công trình của nguyên tắc công bằng vĩnh viễn của ông Pru-đông; chẳng qua nó chỉ là kết quả của công nghiệp hiện đại.

Trong công xưởng sử dụng máy móc, lao động của một người công nhân hầu như không còn phân biệt gì với lao động của một người công nhân khác; những người công nhân chỉ còn có thể phân biệt với nhau bằng số lượng thời gian mà họ dùng vào lao động. Tuy vậy, về một phương diện nào đó, sự khác nhau về số lượng ấy trở thành sự khác nhau về chất lượng, vì thời gian cần cho lao động tùy thuộc một phần vào những nguyên nhân thuần tuý vật chất, như là thể chất, tuổi tác, giới tính; một phần tùy thuộc vào những nguyên nhân tinh thần thuần tuý tiêu cực, như là tính nhẫn nại, tính bình thản, sự chuyên cần. Cuối cùng, nếu như có một sự khác nhau về chất lượng trong lao động của công nhân, thì nhiều lắm đó cũng chỉ là một phẩm chất thuộc loại phẩm chất xấu nhất, quyết không phải là một đặc tính được. Suy cho cùng, tình hình trong công nghiệp hiện đại chính là như thế. Chính là ở trên sự bình đẳng đã được thực hiện ấy của lao động cơ giới, mà ông Pru-đông đẩy lưỡi bào "bình quân hoá" của ông ta, sự "bình quân hoá" mà ông ta dự định thực hiện một cách phổ biến trong "thời đại tương lai".

Tất cả những kết luận "bình quân chủ nghĩa" mà ông Pru-đông rút ra từ học thuyết của Ri-các-đô đều dựa trên một sự sai lầm căn bản. Đó là vì ông ta lẫn lộn giá trị của hàng hoá đo bằng số lượng lao động bỏ vào hàng hoá, với giá trị của hàng hoá đo bằng "giá trị của lao động". Nếu hai cách đo giá trị hàng hoá ấy không khác gì nhau cả, thì người ta có thể nói một cách có căn cứ như nhau rằng: giá trị tương đối của một hàng hoá nào đó được đo bằng số lượng lao động bỏ vào trong đó; hay là: nó được đo bằng số lượng lao động mà nó có thể mua được; hay cũng có thể nói: nó được đo bằng số lượng lao động có thể mua được nó. Nhưng sự việc hoàn toàn không phải như thế. Giá trị của lao động không thể nào dùng làm thước đo cho giá trị cũng như là giá trị của bất cứ hàng hoá nào khác. Vài thí dụ cũng đủ để giải thích điều chúng ta vừa nói một cách rõ ràng hơn nữa.

Nếu một muy1* lúa mì trị giá bằng hai ngày lao động chứ không phải là chỉ có một ngày, thì nó sẽ có gấp đôi giá trị ban đầu của nó: nhưng nó không hề huy động một số lượng lao động gấp đôi, bởi vì nó không chứa đựng nhiều chất bổ hơn trước kia. Như vậy, giá trị của lúa mì đo bằng số lượng lao động dùng để sản xuất ra nó sẽ tăng gấp đôi; nhưng nếu được đo bằng số lượng lao động mà nó có thể mua được, hay là bằng số lượng lao động dùng để mua nó, thì nó quyết không thể nào tăng lên gấp đôi được. Mặt khác, nếu cùng một lao động ấy mà sản xuất ra được gấp đôi quần áo so với trước kia, thì giá trị tương đối của quần áo đồng thời sẽ giảm đi một nửa; nhưng dù sao, số lượng quần áo gấp đôi ấy cũng không vì thế mà chỉ còn dùng một nửa số lượng lao động mà thôi, hay nói khác đi, cùng một lao động như thế cũng không thể nào mua được một số lượng gấp đôi quần áo; bởi vì một nửa số quần áo đối với người công nhân vẫn luôn luôn có công dụng như trước kia mà thôi.

Cho nên, quy định giá trị tương đối của sản phẩm bằng giá trị của lao động là trái với các sự thật kinh tế. Như thế là vận động trong một cái vòng luẩn quẩn, là xác định giá trị tương đối bằng một giá trị tương đối khác, mà đến lượt nó, giá trị tương đối này cũng còn cần phải xác định nữa.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ông Pru-đông lẫn lộn hai cách đo lường: sự đo lường bằng thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá, và sự đo lường bằng giá trị của lao động. Ông ta nói: "Lao động của bất cứ người nào cũng có thể mua được giá trị mà lao động đó bao hàm". Như vậy là, theo ông ta, một số lượng lao động nào đó bỏ vào trong một sản phẩm trị giá bằng thù lao của người lao động, nghĩa là bằng giá trị của lao động. Đó cũng là lý do khiến ông ta có thể lẫn lộn chi phí sản xuất với tiền công.

"Tiền công là cái gì? Đó là giá thành của lúa mì, v.v., đó là giá cả đầy đủ của mọi vật. Chúng ta hãy đi xa hơn nữa. Tiền công là tính tỷ lệ của những yếu tố cấu thành ra của cải".

Tiền công là cái gì? Đó là giá trị của lao động.

A-đam Xmít khi thì lấy thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra hàng hoá, khi thì lấy giá trị của lao động để làm thước đo giá trị. Ri-các-đô đã bóc trần sai lầm ấy bằng cách nêu rõ sự khác nhau giữa hai cách đo lường ấy. Ông Pru-đông còn làm nghiêm trọng thêm cái sai lầm của A-đam Xmít bằng cách lẫn lộn hai cái làm một, mà A-đam Xmít thì chỉ đặt hai cái bên cạnh nhau mà thôi.

Sở dĩ ông Pru-đông đi tìm một thước đo của giá trị tương đối của hàng hoá, chính là để tìm ra một tỷ lệ đúng đắn, theo tỷ lệ đó những người công nhân tất phải dự phần chia sản phẩm, hay nói cách khác, để quy định giá trị tương đối của lao động. Để quy định thước đo của giá trị tương đối của hàng hoá, ông ta không nghĩ ra cái gì khác hơn là lấy tổng số những sản phẩm mà một số lượng lao động nào đó đã tạo ra để làm một vật ngang giá của số lượng lao động ấy, như thế tức là giả định rằng toàn thể xã hội chỉ bao gồm những người lao động trực tiếp, lĩnh sản phẩm của chính mình dưới dạng tiền công. Ngoài ra, ông ta coi tính chất ngang giá của ngày lao động của những người lao động khác nhau là sự thật tồn tại trên thực tế. Tóm lại, ông ta đi tìm thước đo của giá trị tương đối của hàng hoá, để tìm thấy sự trả công như nhau của những người lao động, và ông ta coi tiền công ngang nhau là một yếu tố hoàn toàn đã có sẵn, để từ sự ngang nhau này đi tìm giá trị tương đối của hàng hoá. Phép biện chứng ấy thật kỳ diệu biết bao!

"Xây và các nhà kinh tế học đi theo ông ta đã nhận xét rằng vì bản thân lao động là một đối tượng mà giá trị phải được xác định, là một hàng hoá như mọi hàng hoá khác, cho nên nếu lấy lao động làm nguyên tắc và nguyên nhân thực tế của giá trị thì đó chỉ là một cái vòng luẩn quẩn. Xin các nhà kinh tế học ấy cho phép tôi nhận xét rằng, nếu nói như vậy thì họ đã phơi bày một sự vô ý kỳ khôi. Lao động được coi là có giá trị không phải vì bản thân nó là hàng hoá, mà là vì hàm ý nói đến những giá trị mà người ta cho là bao hàm ở bên trong nó một cách tiềm tàng. Giá trị của lao động là một cách nói bóng bẩy, một cách đặt nguyên nhân lên trước kết quả. Đó là một điều tưởng tượng, cũng giống như năng suất của tư bản. Lao động thì sản xuất, tư bản thì có giá trị... Nói giá trị của lao động là một lối nói giản lược1*... Lao động cũng như tự do... xét về bản chất của nó, là một cái mơ hồ và không xác định, nhưng nó được xác định về mặt chất lượng trong đối tượng của nó, nghĩa là thông qua sản phẩm nó trở thành hiện thực".

"Thế nhưng, có cần phải nhấn mạnh không? Một khi nhà kinh tế học" (xin hiểu: ông Pru-đông) "đổi tên của sự vật, vera rerum vocabula 2*, thì chính ông ta hiểu ngầm sự bất lực của mình và tránh thảo luận vấn đề" (Pru-đông, t. I, tr. 188).

Chúng ta đã thấy ông Pru-đông biến giá trị của lao động thành "nguyên nhân thực tế" của giá trị sản phẩm, cho nên đối với ông ta, tiền công - tên chính thức của "giá trị của lao động" - làm thành giá cả đầy đủ của mọi cái. Vì thế lý lẽ bác bỏ của Xây làm cho ông lúng túng. Lao động - hàng hoá là một hiện thực đáng sợ, nhưng ông ta lại chỉ cho đó là một lối nói giản lược về văn phạm mà thôi. Vậy, toàn thể xã hội hiện thời xây dựng trên lao động - hàng hoá, từ nay về sau sẽ xây dựng trên một sự phá cách trong văn thơ, trên một cách nói bóng bẩy. Và nếu xã hội muốn "loại bỏ hết thảy mọi cái bất tiện" mà nó phải gánh chịu thì nó hãy loại bỏ những danh từ khó nghe đi, nó hãy thay đổi lối nói, và muốn thế nó chỉ cần nhờ đến Viện hàn lâm để yêu cầu Viện hàn lâm cho xuất bản một quyển từ điển mới của Viện là được. Căn cứ vào tất cả những điều chúng ta vừa thấy, chúng ta cũng hiểu được dễ dàng vì sao ông Pru-đông, trong một tác phẩm về môn kinh tế chính trị, đã phải lao vào trong những nghị luận dài dòng về nguồn gốc của từ ngữ và các phần khác của văn phạm. Chẳng hạn, ông ta còn đang tranh luận một cách uyên bác chống quan niệm cũ rích cho rằng chữ servus1* bắt nguồn từ chữ servare2*. Những nghị luận về chữ nghĩa ấy có một ý nghĩa sâu sắc, một ý nghĩa bí truyền3*, đó là một phần chủ yếu của lập luận của ông Pru-đông.

Lao động4*, vì nó được bán ra và được mua vào, nên nó là một hàng hoá như bất cứ một hàng hoá nào khác và, do đó, nó có một giá trị trao đổi. Nhưng giá trị của lao động, hay lao động với tư cách là hàng hoá, thì sản xuất ra được ở mức độ cũng ít như giá trị của lúa mì - hay lúa mì với tư cách là hàng hoá, - ít có thể dùng làm thức ăn được.

Lao động "có giá trị" nhiều hay ít, là tùy theo giá thực phẩm đắt hay rẻ, tùy theo lượng cung và lượng cầu về lực lượng lao động ở mức độ này hay mức độ khác, v.v. và v.v..

Lao động hoàn toàn không phải là một "cái gì không xác định"; cái mà người ta bán ra và người ta mua vào bao giờ cũng là một lao động nhất định, chứ không bao giờ là lao động nói chung. Không phải chỉ có lao động được xác định về mặt chất lượng bởi khách thể của nó, mà bản thân khách thể cũng được xác định bởi các đặc tính của lao động.

Lao động, vì nó được bán ra và mua vào, nên tự bản thân nó là hàng hoá. Tại sao người ta lại mua nó? "Vì những giá trị mà người ta cho là bao hàm ở bên trong nó một cách tiềm tàng". Nhưng nếu người ta nói rằng cái gì đó là một hàng hoá, thì vấn đề không còn là mục đích mà người ta mua nó nữa, nghĩa là không còn là công dụng mà người ta muốn nó mang lại và không còn là việc định sử dụng nó nữa. Nó là hàng hoá với tư cách là đối tượng mua bán. Tất cả những lý lẽ của ông Pru-đông chung quy chỉ là thế này: người ta không mua lao động như là đối tượng tiêu dùng trực tiếp. Không, tất nhiên người ta mua nó như là công cụ sản xuất, cũng như người ta mua một cái máy vậy. Vì lao động là hàng hoá, nên nó có giá trị, nhưng nó không sản xuất. Ông Pru-đông cũng có thể nói rằng không có hàng hoá gì cả, bởi vì bất cứ hàng hoá nào cũng chỉ được mua vào với một mục đích sử dụng nào đó, chứ không bao giờ vì bản thân nó là hàng hoá cả.

Khi đo giá trị hàng hoá bằng lao động, ông Pru-đông cũng cảm thấy một cách lờ mờ rằng, không thể nào không dùng cái thước đo chung ấy cho lao động, vì lao động cũng có một giá trị, tức là lao động - hàng hoá. Ông ta linh cảm thấy rằng như thế là lấy mức tối thiểu của tiền công làm giá cả tự nhiên và bình thường của lao động trực tiếp, rằng như thế là chấp nhận chế độ xã hội hiện tồn. Cho nên, để tránh khỏi kết quả tai hại ấy, ông ta xoay trở lại và cho rằng lao động không phải là một hàng hoá, rằng lao động không thể có một giá trị. Ông ta quên bẵng đi rằng ông ta đã tự mình lấy giá trị của lao động làm thước đo, ông ta quên bẵng đi rằng toàn bộ học thuyết của ông ta đều dựa trên lao động - hàng hoá, dựa trên lao động là đối tượng mua bán, được bán ra và mua vào, được trao đổi với các sản phẩm, v.v., cuối cùng là dựa trên lao động tạo ra nguồn thu nhập trực tiếp đối với người lao động. Ông ta quên hết thảy.

Để cứu vãn học thuyết của mình, ông ta đã đồng ý hy sinh cơ sở của học thuyết ấy.

Et propter vitam vivendi perdere causas !1*

Bây giờ chúng ta đi đến một sự xác định mới về "giá trị cấu thành":

"Giá trị là quan hệ tỷ lệ của những sản phẩm cấu thành của cải".

Trước hết, chúng ta hãy chú ý rằng chỉ riêng chữ "giá trị tương đối hay giá trị trao đổi" đã bao hàm ý niệm về một quan hệ nào đó, theo quan hệ này các sản phẩm được trao đổi với nhau. Nếu người ta cho quan hệ ấy cái tên là "quan hệ tỷ lệ", thì người ta  đã không thay đổi tí gì về giá trị tương đối cả, ngoài cái tên gọi mà thôi. Sự giảm giá trị cũng như sự nâng cao giá trị của một sản phẩm đều không làm mất đặc tính của nó là phải theo một "quan hệ tỷ lệ" nào đó với những sản phẩm khác cấu thành của cải.

Vậy thì tại sao lại có cái thuật ngữ mới ấy, nó không mang lại một khái niệm gì mới cả?

"Quan hệ tỷ lệ" làm cho người ta nghĩ đến nhiều quan hệ kinh tế khác, như tính tỷ lệ của sản xuất, tỷ lệ đúng đắn giữa cung và cầu v.v., và ông Pru-đông cũng đã nghĩ đến tất cả những cái đó khi ông ta đề ra cái lối giải thích kiểu sư phạm ấy về giá trị trao đổi.

Thứ nhất là, vì giá trị tương đối của các sản phẩm là do số lượng so sánh của lao động dùng vào việc sản xuất ra mỗi một sản phẩm quy định, nên quan hệ tỷ lệ, ứng dụng vào trường hợp đặc biệt này, có nghĩa là lượng tương đối của những sản phẩm có thể chế tạo ra trong một thời gian nhất định và, do đó, được trao đổi với nhau.

Hãy xem ông Pru-đông rút ra cái gì từ quan hệ tỷ lệ ấy.

Ai cũng biết rằng, khi cung và cầu cân đối với nhau, thì giá trị tương đối của một sản phẩm nào đó là do số lượng lao động bỏ vào đó quy định một cách chính xác, nghĩa là giá trị tương đối ấy biểu thị quan hệ tỷ lệ theo đúng nghĩa mà chúng ta vừa giải thích. Ông Pru-đông đã đảo lộn trình tự của sự vật. Ông ta nói: các anh hãy bắt đầu làm việc đo giá trị tương đối của một sản phẩm bằng số lượng lao động bỏ vào đó đi, thì tất nhiên cung và cầu sẽ cân đối với nhau ngay. Sản xuất sẽ phù hợp với tiêu dùng, sản phẩm sẽ luôn luôn có thể trao đổi được mà không gặp trở ngại gì. Giá cả thị trường của nó sẽ biểu thị giá trị thật sự của nó một cách chính xác. Đáng lẽ phải nói như mọi người rằng: khi trời đẹp, người ta thấy nhiều người đi dạo chơi, thì ông Pru-đông lại bảo người ta đi dạo chơi để có thể bảo đảm trời đẹp cho người ta.

Cái mà ông Pru-đông lấy làm kết quả của cái giá trị trao đổi, mà thời gian lao động đã quy định một cách tiên nghiệm, chỉ có thể chứng minh bằng một quy luật đại để như thế này:

Từ nay về sau các sản phẩm sẽ được trao đổi hoàn toàn theo thời gian lao động mà chúng đã hao phí. Mặc dù tỷ lệ giữa cung và cầu là như thế nào chăng nữa, sự trao đổi hàng hoá vẫn luôn luôn tiến hành như là chúng đã được sản xuất ra một cách tỷ lệ với số cầu. Ông Pru-đông hãy cứ đảm nhận lấy việc nêu lên và làm ra một quy luật như thế đi, trong trường hợp đó chúng ta sẽ không yêu cầu ông ta phải chứng minh. Trái lại, nếu như ông ta vẫn muốn chứng minh học thuyết của mình, không phải với tư cách là nhà lập pháp, mà là nhà kinh tế học, thì ông ta cần phải chứng minh rằng thời gian cần thiết để tạo ra một hàng hoá biểu thị một cách đúng đắn mức độ hữu ích của nó và chỉ rõ quan hệ tỷ lệ của nó với số cầu và, do đó, với toàn bộ của cải. Trong trường hợp ấy, nếu một sản phẩm được bán ra theo một giá cả bằng chi phí sản xuất của nó, thì cung và cầu luôn luôn sẽ cân đối với nhau; bởi vì giả định rằng chi phí sản xuất được coi như là biểu thị quan hệ thực giữa cung và cầu.

Thật ra, ông Pru-đông cố chứng minh rằng thời gian lao động cần thiết để tạo ra một sản phẩm biểu thị tỷ lệ đúng đắn của nó so với nhu cầu, thành thử những cái mà sản xuất hao phí ít thời gian nhất, là những cái trực tiếp có ích nhất, và cứ như thế mà tiếp tục. Theo học thuyết ấy thì chỉ việc sản xuất ra một xa xỉ phẩm nào đó cũng đã chứng minh được rằng xã hội có thời gian dư thừa cho phép nó thoả mãn một nhu cầu xa xỉ nhất định.

Về bằng chứng cho luận điểm của mình, ông Pru-đông có ngay bằng chứng ấy khi nhận xét rằng những vật có ích nhất đều đòi hỏi ít thời gian sản xuất nhất, rằng xã hội bao giờ cũng bắt đầu từ những ngành sản xuất dễ dàng nhất, và từng bước, xã hội "đi vào sản xuất những vật hao phí nhiều thời gian lao động nhất và phù hợp với những nhu cầu cao hơn".

Ông Pru-đông đã lấy thí dụ của ông Đuy-noay-ê về công nghiệp khai thác, - hái lượm, chăn nuôi, săn bắn, đánh cá, v.v., - đó là các ngành công nghiệp giản đơn nhất, ít tốn kém nhất và con người đã bắt đầu từ đó ngay "ngày đầu tiên của sự sáng tạo lần thứ hai ra nó". Ngày đầu tiên của sự sáng tạo lần thứ nhất ra nó được ghi trong Sáng thế ký. Sáng thế ký cho ta thấy rằng Thượng đế là nhà công nghiệp đầu tiên của thế giới.

Trên thực tế, sự việc đã diễn ra khác hẳn điều mà ông Pru-đông nghĩ. Ngay buổi đầu của nền văn minh, sản xuất đã bắt đầu xây dựng trên sự đối kháng giữa các đẳng cấp, các tầng lớp, các giai cấp, cuối cùng, trên sự đối kháng giữa lao động tích lũy và lao động trực tiếp. Không có đối kháng thì không có tiến bộ. Đó là quy luật mà nền văn minh đã tuân theo cho đến ngày nay. Cho đến ngày nay lực lượng sản xuất đã phát triển nhờ có chế độ đối kháng giai cấp ấy. Nếu bây giờ lại nói rằng, bởi vì tất cả mọi nhu cầu của tất cả những người lao động đã được thoả mãn, nên người ta có thể tiến hành công việc tạo ra những sản phẩm cao cấp hơn, tiến hành những ngành công nghiệp phức tạp hơn, thì như vậy tức là không đếm xỉa gì đến đối kháng giai cấp và là đảo lộn toàn bộ quá trình phát triển lịch sử. Chẳng khác nào người ta muốn nói rằng, bởi vì người ta nuôi cá chình trong những ao nhân tạo, dưới thời các hoàng đế La Mã, nên người ta đã có thực phẩm để nuôi sống một cách dồi dào toàn thể dân cư La Mã; thực ra thì trái hẳn lại, nhân dân La Mã không có đủ tiền để mua bánh mì, và những nhà quý tộc La Mã thì không thiếu người nô lệ để đưa họ làm thức ăn cho cá chình.

Giá cả thực phẩm đã tăng lên gần như một cách liên tục, còn giá cả công nghiệp phẩm và xa xỉ phẩm đã hạ xuống gần như một cách liên tục. Lấy bản thân nông nghiệp mà nói: những vật phẩm cần thiết nhất, như lúa mì, thịt v.v., đều tăng giá, còn bông, đường, cà phê, v.v., thì không ngừng hạ giá theo một tỷ lệ kinh người. Và ngay trong số những thực phẩm thực thụ thì những xa xỉ phẩm như rau ác-ti-sô, măng tây, v.v., ngày nay lại tương đối rẻ hơn những thực phẩm cần thiết nhất. Trong thời đại chúng ta, cái dư thừa dễ sản xuất hơn cái cần thiết. Cuối cùng, trong những thời đại lịch sử khác nhau, những quan hệ tương hỗ của giá cả không những là khác nhau, mà còn trực tiếp đối lập với nhau nữa. Trong suốt cả thời trung cổ, sản phẩm nông nghiệp tương đối rẻ hơn sản phẩm công nghiệp; trong thời cận đại, chúng theo tỷ lệ ngược với nhau. Phải chăng vì thế mà, từ thời trung cổ tính hữu ích của sản phẩm nông nghiệp đã giảm bớt?

Việc sử dụng sản phẩm là do những điều kiện xã hội của những người tiêu dùng quyết định, và bản thân những điều kiện ấy thì lại dựa trên đối kháng giai cấp.

Bông, khoai tây và rượu mạnh là những vật phẩm được dùng rộng rãi nhất. Khoai tây đã sản sinh ra bệnh tràng nhạc; bông đã đánh đuổi phần lớn lanh và len, mặc dù, trong nhiều trường hợp, len và lanh có một ích lợi lớn hơn bông, dù chỉ là về mặt vệ sinh; cuối cùng, rượu mạnh đã thắng bia và rượu vang, mặc dù rượu mạnh dùng làm thực phẩm được mọi người công nhận là một thứ thuốc độc. Trong suốt cả một thế kỷ, các chính phủ đã uổng công đấu tranh chống thứ thuốc phiện này của châu Âu; nhưng kinh tế đã thắng, - nó buộc sự tiêu dùng phải tuân theo những quy luật của nó.

Vậy thì tại sao bông, khoai tây và rượu mạnh lại là những cột trụ của xã hội tư sản? Bởi vì, để sản xuất ra chúng, cần dùng ít lao động nhất, và do đó giá cả của chúng cũng hạ nhất. Tại sao mức tối thiểu của giá cả lại quy định mức tối đa của sự tiêu dùng? Phải chăng là do tính hữu ích tuyệt đối của những vật phẩm ấy, tính hữu ích cố hữu của chúng, tính hữu ích của chúng về mặt chúng có thể thoả mãn đầy đủ nhất những nhu cầu của người công nhân với tư cách là con người, chứ không phải của con người với tư cách là công nhân? Không, đó chính là vì, trong một xã hội dựa trên sự khốn cùng, những sản phẩm khốn khổ nhất lại có cái ưu thế tất yếu là phục vụ cho tiêu dùng của đại đa số quần chúng.

Nếu bây giờ nói: vì những cái rẻ tiền nhất thì được sử dụng nhiều nhất, nên chúng phải có ích lớn nhất, thì cũng tức là nói: việc sử dụng rượu mạnh rất rộng rãi, do chi phí sản xuất ra nó ít, là bằng chứng xác thực nhất về tính hữu ích của nó; cũng như là nói với người vô sản rằng khoai tây đối với anh ta bổ hơn thịt; tức là chấp nhận tình hình hiện thời; cuối cùng, tức là, cùng với ông Pru-đông, ca tụng một xã hội mà không hiểu biết xã hội ấy.

Trong một xã hội tương lai, trong đó đối kháng giai cấp đã chấm dứt, giai cấp không còn nữa, thì sự tiêu dùng không còn do mức tối thiểu của thời gian sản xuất quyết định; ngược lại, thời gian sản xuất xã hội mà người ta dành cho những vật phẩm khác nhau sẽ do mức độ hữu ích cho xã hội của chúng quyết định.

Tuy nhiên, chúng ta hãy trở lại với luận điểm của ông Pru-đông. Nếu thời gian lao động cần thiết cho việc sản xuất ra một vật phẩm hoàn toàn không biểu thị mức độ hữu ích của nó, thì giá trị trao đổi của cùng một vật phẩm ấy, do thời gian lao động bỏ vào đó đã quyết định trước rồi, sẽ không bao giờ có thể điều tiết được tỷ lệ đúng đắn giữa cung với cầu, tức là quan hệ tỷ lệ theo nghĩa mà ông Pru-đông hiện gán cho chữ ấy.

Hoàn toàn không phải là việc bán một sản phẩm nào đó theo giá cả của những chi phí sản xuất của nó, cấu thành nên "quan hệ tỷ lệ" giữa cung và cầu, tức là phần tỷ lệ của sản phẩm đó trong toàn bộ nền sản xuất; mà chính là những biến động của cung và cầu đã chỉ cho người sản xuất biết số lượng phải sản xuất ra một hàng hoá nhất định để ít ra cũng có thể thu hồi lại được các chi phí sản xuất. Và vì những biến động ấy xảy ra liên tục, nên trong các ngành công nghiệp khác nhau, cũng liên tục diễn ra việc rút vốn ra và bỏ vốn vào.

"Chính là người ta chỉ căn cứ vào tình hình biến động như thế để bỏ tư bản vào việc sản xuất những hàng hoá khác nhau mà thị trường yêu cầu, theo tỷ lệ thích đáng, chứ không quá. Do giá cả tăng hay giảm mà lợi nhuận tăng lên quá mức phổ biến của nó hay hạ xuống dưới mức phổ biến ấy, và do đó tư bản được bỏ vào một ngành sản xuất cá biệt hay rút ra khỏi ngành đó tuỳ theo sự biến động này hay biến động kia xảy ra trong ngành sản xuất ấy". - "Nếu chúng ta xem xét thị trường của những thành phố lớn thì chúng ta sẽ thấy những thị trường ấy được cung cấp một cách đều đặn biết bao về đủ thứ hàng hoá ở trong nước hay của nước ngoài, theo số lượng cần thiết, dù số cầu về những hàng hoá ấy có khác nhau đến mấy chăng nữa, do hứng thú và sở thích khác nhau hay là do số dân thay đổi, mà không phải thường có nạn ứ hàng vì cung cấp quá nhiều, cũng như nạn đắt đỏ quá đáng vì cung không đủ so với cầu; người ta phải thừa nhận rằng nguyên tắc phân phối tư bản trong mỗi ngành công nghiệp, theo những tỷ lệ hết sức thích đáng, mạnh hơn là người ta thường tưởng" (Ri-các-đô, t. I, tr. 105 và 108).

Nếu ông Pru-đông thừa nhận giá trị sản phẩm là do thời gian lao động quy định, thì ông ta cũng phải thừa nhận rằng chỉ có sự vận động lên xuống trong những xã hội dựa trên trao đổi cá nhân là nhân tố duy nhất biến thời gian lao động trở thành thước đo của giá trị. Không có "quan hệ tỷ lệ" được cấu thành sẵn, mà chỉ có một sự vận động cấu thành quan hệ đó.

Chúng ta vừa thấy rằng phải nói đến "tính tỷ lệ" như là một kết quả của giá trị do thời gian lao động quy định, theo nghĩa như thế nào thì mới đúng. Bây giờ chúng ta sẽ thấy cái thước đo giá trị bằng thời gian ấy, mà ông Pru-đông gọi là "quy luật về tính tỷ lệ", chuyển hoá thành quy luật phi tỷ lệ như thế nào.

Bất cứ một phát minh mới nào cho phép người ta sản xuất trong một giờ cái mà trước đây sản xuất trong hai giờ, cũng đều làm giảm giá trị tất cả những sản phẩm cùng loại có trên thị trường. Cuộc cạnh tranh bắt buộc người sản xuất phải bán sản phẩm của hai giờ không được đắt hơn sản phẩm của một giờ. Cạnh tranh thực hiện quy luật theo đó giá trị tương đối của một sản phẩm là do thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra nó quy định. Như vậy thời gian lao động dùng làm thước đo cho giá trị trao đổi trở thành quy luật không ngừng giảm giá lao động. Không chỉ có thế mà thôi. Sự giảm giá phổ biến không những xảy ra với hàng hoá đưa ra thị trường, mà còn xảy ra với cả những công cụ sản xuất và với toàn bộ xưởng máy nữa. Điều đó đã được Ri-các-đô vạch ra khi ông nói:

"Bằng cách làm cho sản xuất không ngừng được dễ dàng hơn, chúng ta không ngừng làm cho giá trị của một vài vật phẩm sản xuất ra trước đây giảm xuống" (t. II, tr. 59).

Xi-xmôn-đi còn đi xa hơn nữa. Ông ta thấy "giá trị được cấu thành" bởi thời gian lao động ấy là nguồn gốc của tất cả những mâu thuẫn của công nghiệp và thương nghiệp hiện đại.

"Ông ta nói rằng, giá trị trao đổi, suy đến cùng, bao giờ cũng được quy định theo số lượng lao động cần thiết để có được vật phẩm đó; không phải số lượng lao động hiện được hao phí để làm ra vật phẩm mà là số lượng lao động từ nay được hao phí để làm ra vật phẩm với những tư liệu sản xuất có lẽ hoàn thiện hơn; và số lượng ấy, tuy là khó xác định chính xác, luôn luôn do cuộc cạnh tranh xác lập một cách sát đúng... Chính là dựa trên cơ sở đó mà người ta tính lượng cầu về giá cả của người bán cũng như lượng cung về giá cả của người mua. Người bán có lẽ quả quyết rằng vật phẩm đã tốn phí mười ngày lao động, nhưng nếu người mua cho rằng vật phẩm ấy từ nay có thể làm trong tám ngày lao động, nếu cuộc cạnh tranh đem lại được bằng chứng như thế cho cả hai người, thì giá trị sẽ giảm xuống còn tám ngày, và giá cả thị trường sẽ xác lập chỉ ở mức đó mà thôi. Quả là cả hai người giao dịch đều hiểu rõ rằng vật phẩm là có ích, người ta muốn có vật phẩm ấy, và nếu không có nhu cầu về vật phẩm ấy thì đã chẳng có việc bán ra, thế nhưng việc định giá vật phẩm không giữ một quan hệ nào với tính hữu ích của nó cả" ("Khái luận" v.v., t.II, tr.267, xuất bản ở Bruy-xen).

Một điều rất quan trọng cần phải chú ý là cái quy định giá trị của vật phẩm không phải là thời gian sản xuất ra nó, mà là thời gian tối thiểu có khả năng sản xuất ra vật phẩm ấy, và mức tối thiểu ấy do cuộc cạnh tranh xác định. Hãy tạm thời giả định rằng không còn có cạnh tranh nữa và do đó không còn có cách nào để xác định mức tối thiểu của lao động cần thiết cho việc sản xuất ra một vật phẩm, thì lúc đó tình hình sẽ như thế nào? Theo học thuyết của ông Pru-đông, chỉ cần bỏ ra sáu giờ lao động để sản xuất một vật phẩm là người ta có quyền đòi người khác đổi cho mình sáu lần nhiều hơn so với người chỉ bỏ ra một giờ để sản xuất ra cùng một vật phẩm ấy.

Chúng ta thấy một quan hệ phi tỷ lệ chứ không phải là một "quan hệ tỷ lệ" nữa, nếu chúng ta vẫn nhất thiết muốn ở trong lĩnh vực những quan hệ bất kỳ, tốt hay xấu.

Việc không ngừng giảm giá trị lao động chỉ là một mặt, một kết quả của sự đánh giá hàng hoá theo thời gian lao động. Tình trạng giá cả nâng cao quá đáng, sản xuất quá thừa và nhiều hiện tượng hỗn loạn khác trong sản xuất, đều có thể giải thích bằng phương thức đánh giá ấy.

Thế nhưng, việc lấy thời gian lao động làm thước đo cho giá trị - điều làm cho ông Pru-đông rất thích thú, liệu có sản sinh ra nhiều vẻ tỷ lệ khác nhau của các sản phẩm hay không?

Trái hẳn lại, đi theo sau tình trạng này, sự độc quyền với cả tính chất đơn điệu tẻ nhạt của nó đã đến xâm nhập trong lĩnh vực các sản phẩm, cũng giống như - cái mà ai cũng thấy và cũng biết - sự độc quyền đã xâm nhập trong lĩnh vực các công cụ sản xuất vậy. Chỉ có vài ngành công nghiệp, như công nghiệp vải bông, là tiến bộ rất nhanh chóng. Kết quả tự nhiên của sự tiến bộ ấy là sản phẩm của công nghiệp vải bông, chẳng hạn, hạ giá nhanh chóng; nhưng giá bông càng hạ xuống thì giá lanh lại càng lên cao so với giá bông. Kết quả sẽ như thế nào? Bông sẽ thay thế lanh. Như vậy lanh đã bị gạt ra khỏi hầu hết ở Bắc Mỹ. Thế là bông đã ngự trị, chứ không phải là nhiều vẻ tỷ lệ của các sản phẩm.

Vậy, về cái "quan hệ tỷ lệ" ấy còn lại cái gì nữa? Chẳng còn gì, ngoài nguyện vọng của một người lương thiện, muốn rằng các hàng hoá được sản xuất theo những tỷ lệ như thế nào đó để chúng có thể bán ra theo giá cả công bằng. Bao giờ cũng vậy, những người tư sản tốt bụng và những nhà kinh tế học từ thiện, cũng đều thích nói ra cái nguyện vọng ngây thơ ấy.

Ta hãy nhường lời cho ông già Boa-ghin-be:

"Ông ta nói, giá cả các hàng hoá phải luôn luôn theo tỷ lệ, vì chỉ có sự hoà hợp đó mới làm cho các hàng hoá có thể cùng tồn tại được, bất cứ lúc nào cũng trao đổi cho nhau được" (khả năng trao đổi không ngừng, theo ông Pru-đông, là như thế đó), "và mới làm cho các hàng hoá luôn luôn tái sản xuất lẫn nhau được... vì của cải không phải là cái gì khác ngoài sự trao đổi không ngừng giữa người với người, xí nghiệp với xí nghiệp, v.v., cho nên thật là mù quáng ghê gớm nếu như người ta muốn đi tìm nguồn gốc của sự khốn cùng ở chỗ khác chứ không phải ở việc phá vỡ sự trao đổi như thế, một sự phá vỡ xảy ra do các tỷ lệ của giá cả bị sai lệch đi" ("Luận văn về bản chất sự giàu có", Nhà xuất bản Đe-rơ(46)).

Ta hãy nghe một nhà kinh tế học hiện đại nữa:

"Một quy luật quan trọng mà người ta phải ứng dụng vào sản xuất là quy luật tỷ lệ (the law of proportion), chỉ có quy luật ấy mới có thể duy trì tính bất biến của giá trị... Vật ngang giá phải được bảo đảm... Trong những thời kỳ khác nhau, tất cả các nước đều dùng nhiều quy định và hạn chế về thương mại để cố thực hiện, đến một mức độ nào đó, quy luật tỷ lệ ấy; nhưng tính ích kỷ, vốn là bản tính của con người, đã xui khiến con người đảo lộn tất cả cái chế độ điều tiết ấy. Một nền sản xuất cân đối (proportionate production), đó là sự thực hiện của khoa học kinh tế xã hội chân chính", (U.Át-kin-xơn. "Những nguyên lý của khoa kinh tế chính trị", Luân Đôn, 1840, tr. 170 - 195(47)).

Fuit Troja1*! Cái tỷ lệ đúng đắn ấy giữa cung và cầu - bây giờ nó lại là đối tượng của bao nhiêu điều mong ước, - từ lâu đã không còn nữa. Nó đã trở thành cũ kỹ mất rồi. Nó chỉ có thể tồn tại vào những thời đại mà các tư liệu sản xuất rất có hạn, mà sự trao đổi tiến hành trong những phạm vi cực kỳ nhỏ hẹp. Với việc sản sinh ra đại công nghiệp, tỷ lệ đúng đắn ấy tất phải chấm dứt, và sản xuất tất nhiên buộc phải không ngừng lần lượt trải qua các giai đoạn phồn vinh, suy thoái, khủng hoảng, đình trệ, rồi lại phồn vinh, v.v., theo những quy luật của tự nhiên.

Những người, như Xi-xmôn-đi, muốn trở về tính tỷ lệ đúng đắn trong sản xuất mà vẫn duy trì những cơ sở hiện thời của xã hội, đều là phản động, bởi vì, để được triệt để, họ tất cũng muốn khôi phục lại tất cả những điều kiện khác của công nghiệp của thời đại đã qua.

Cái gì giữ sản xuất theo những tỷ lệ đúng đắn hay gần đúng đắn? Chính là cầu, cầu chi phối cung và đi trước cung. Sản xuất đi theo từng bước sự tiêu dùng. Chính những công cụ mà đại công nghiệp sử dụng bắt buộc đại công nghiệp phải sản xuất trên những quy mô ngày càng rộng lớn, cho nên đại công nghiệp không còn có thể chờ đợi cầu được nữa. Sản xuất đi trước cầu, cung cưỡng bức chế ngự cầu.

Trong xã hội hiện thời, trong nền công nghiệp dựa trên sự trao đổi cá nhân, trạng thái vô chính phủ của sản xuất là nguồn gốc của bao nhiêu sự nghèo khốn, đồng thời cũng là nguồn gốc của mọi sự tiến bộ.

Vậy thì chỉ có một trong hai điều:

hoặc là anh muốn có những tỷ lệ đúng đắn của những thế kỷ đã qua với những tư liệu sản xuất của thời đại chúng ta, như vậy thì anh vừa là phản động vừa là không tưởng.

hoặc là anh muốn có sự tiến bộ mà không có trạng thái vô chính phủ; như vậy thì, để duy trì các lực lượng sản xuất, anh hãy bỏ những việc trao đổi cá nhân đi.

Sự trao đổi cá nhân chỉ phù hợp với nền công nghiệp nhỏ của những thế kỷ đã qua, và với "tính tỷ lệ đúng đắn" của riêng nó, hoặc là chỉ phù hợp với nền đại công nghiệp và với cả cái bầu đoàn khốn cùng và trạng thái vô chính phủ đi theo nó.

Tóm lại, sự quy định giá trị theo thời gian lao động, tức là công thức mà ông Pru-đông đề ra cho chúng ta như là công thức tái tạo tương lai như vậy chẳng phải là cái gì khác, mà chỉ là biểu hiện khoa học của những quan hệ kinh tế của xã hội hiện thời, như Ri-các-đô đã chứng minh một cách rõ ràng và cụ thể trước ông Pru-đông khá lâu rồi.

Thế nhưng, phải chăng là ít ra thì sự ứng dụng "bình quân chủ nghĩa" công thức ấy cũng là công lao của ông Pru-đông ? Phải chăng ông ta là người đầu tiên đã nghĩ ra việc cải tạo xã hội bằng cách biến tất cả mọi người thành những người lao động trực tiếp, trao đổi cho nhau những số lượng lao động bằng nhau? Phải chăng chính ông ta là người có nhiệm vụ chỉ trích những người cộng sản - những người không hiểu biết tí gì ấy về khoa kinh tế chính trị, những "người ngu xuẩn không thể cải hoá được" ấy, những "người mơ mộng thiên đường" ấy - là đã không tìm ra được trước ông ta cái "giải pháp ấy của vấn đề giai cấp vô sản"?

Những ai đã hiểu biết ít nhiều về sự phát triển của khoa kinh tế chính trị ở nước Anh, đều không thể không biết rằng hầu hết những người xã hội chủ nghĩa ở nước ấy, trong những thời kỳ khác nhau, đã đề nghị áp dụng học thuyết Ri-các-đô một cách bình quân chủ nghĩa. Chúng ta có thể chỉ ra cho ông Pru-đông: "Khoa kinh tế chính trị" của Hốt-xkin, 1827(48), các tác phẩm: Uy-li-am, Tôm-xơn, "Nghiên cứu về những nguyên lý phân phối của cải góp phần lớn nhất cho hạnh phúc của con người", 1824; T.R.Ét-mơn-xơ "Kinh tế thực tiễn, đạo đức và chính trị", 1828(49), v.v., và còn bốn trang tên các tác phẩm loại đó. Chúng ta chỉ cần nhường lời cho một người cộng sản Anh là ông Brây cũng đủ. Chúng ta hãy rút ra những đoạn có tính chất quyết định của tác phẩm đáng chú ý của ông "Sự bất bình đẳng trong lao động và những biện pháp nhằm xoá bỏ nó", Lít-xơ, 1839(50), và chúng ta sẽ dừng lại ở đó khá lâu, trước hết là vì ở Pháp người ta ít biết đến ông Brây, sau nữa là vì chúng tôi tưởng đã tìm thấy trong những tác phẩm của nhà văn này cái thìa khoá của những tác phẩm trước đây, hiện nay và sau này của ông Pru-đông.

"Biện pháp duy nhất để đạt tới chân lý, trước hết chính là đề cập ngay đến những nguyên tắc cơ bản. Chúng ta hãy lập tức đi ngược trở về nguồn gốc sinh ra bản thân các chính phủ. Đi về nguồn gốc sự vật như thế, chúng ta sẽ thấy rằng mọi hình thức cai trị, mọi bất công xã hội và chính trị đều bắt nguồn từ chế độ xã hội hiện hành - từ chế độ sở hữu với hình thái hiện đại của nó (the institution of property as it at present exists). Bởi vậy, muốn vĩnh viễn chấm dứt những sự bất công và khốn cùng ngày nay, phải đánh đổ hoàn toàn chế độ xã hội hiện nay... Đả kích những nhà kinh tế học trên lĩnh vực riêng của họ và với những vũ khí riêng của họ, chúng ta sẽ tránh được sự nói suông vô nghĩa về những nhà mộng tưởng và những nhà khống luận mà họ luôn luôn sẵn sàng dùng tới. Nếu họ không muốn phủ nhận hay bác bỏ những chân lý và nguyên tắc đã được công nhận, mà họ dựa vào để làm cơ sở cho những luận cứ riêng của họ thì họ sẽ không thể nào gạt bỏ được những kết luận mà chúng ta đi đến bằng phương pháp ấy" (Brây, tr. 17 và 41). "Chỉ có lao động mới tạo nên giá trị (It is labour alone which bestows value)... Mỗi người đều có một quyền lợi không thể tranh cãi được đối với tất cả những cái gì mà lao động lương thiện của người đó có thể làm ra. Chiếm hữu kết quả của lao động của mình như vậy, người ấy không phạm một sự bất công nào đối với những người khác; bởi vì người ấy không hề xâm lấn vào quyền lợi của bất cứ người nào khác, mà người khác này cũng được hành động như thế... Tất cả những khái niệm về bề trên và bề dưới, về chủ và người làm thuê, đều sinh ra do chỗ người ta đã coi thường những nguyên tắc cơ bản, và do chỗ, vì lẽ đó mà nẩy ra tình trạng không bình đẳng về tài sản (and to the consequent rise of inequality of possessions). Chừng nào tình trạng không bình đẳng ấy còn được duy trì, thì sẽ không thể nào nhổ sạch được những tư tưởng như thế hay đánh đổ được những thể chế dựa trên những tư tưởng ấy. Từ trước đến nay, nhiều người vẫn có cái hy vọng hão là cứu chữa được một tình trạng trái với tự nhiên, như tình trạng ngày nay, bằng cách xoá bỏ tình trạng không bình đẳng hiện hành mà đồng thời không đả động gì đến nguyên nhân của tình trạng ấy; nhưng rồi đây chúng ta sẽ chứng minh rằng chính phủ không phải là một nguyên nhân, mà là một kết quả, chính phủ không tạo ra kết quả đó, mà ngược lại, cái được tạo ra - tóm lại, nó là kết quả của tình trạng không bình đẳng về tài sản (the offspring of inequality of possessions), và tình trạng không bình đẳng về tài sản gắn liền với chế độ xã hội hiện thời" (Brây, tr. 33, 36 và 37).

"Chế độ bình đẳng không những có tính ưu việt lớn nhất, mà còn có sự công bằng nghiêm ngặt nữa... Mỗi người là một mắt xích, và hơn nữa là một mắt xích không thể thiếu được trong dây chuyền những kết quả, dây chuyền ấy bắt đầu từ một quan niệm nào đó, để rồi có lẽ đưa đến việc sản xuất một tấm dạ. Vậy, không thể vì những sở thích của chúng ta không giống nhau đối với những nghề khác nhau mà kết luận rằng lao động của người này phải được thù lao hơn lao động của người khác. Ngoài phần thưởng chính đáng bằng tiền ra, người phát minh bao giờ cũng nhận cái phần thưởng là được chúng ta khen ngợi, sự khen ngợi mà chúng ta chỉ dành cho thiên tài...

Do chính bản chất của lao động và của sự trao đổi, lẽ công bằng nghiêm ngặt đòi hỏi tất cả mọi người trao đổi không những là cùng có lợi mà còn có lợi bằng nhau nữa (all exchangers should be not only mutually but they should likewise be equally benefited). Chỉ có hai cái mà người ta có thể trao đổi cho nhau được, đó là: lao động và sản phẩm của lao động. Nếu sự trao đổi tiến hành theo một chế độ công bằng, thì giá trị của tất cả các sản phẩm sẽ do toàn bộ những chi phí sản xuất của chúng quy định, và những giá trị bằng nhau luôn luôn trao đổi với những giá trị bằng nhau. (If a just system of exchanges were acted upon, the value of all articles would be determined by the entire cost of production, and equal values should always exchange for equal values). Nếu như, chẳng hạn, một người làm mũ bỏ ra một ngày lao động để làm một cái mũ, và người đóng giày cũng bỏ ra một thời gian như thế để làm một đôi giày (giả định rằng nguyên liệu mà họ dùng có một giá trị như nhau) và họ trao đổi với nhau những sản phẩm ấy, thì mối lợi mà họ thu được qua sự trao đổi sẽ là mối lợi mà hai bên cùng hưởng, đồng thời lại bằng nhau. Lợi ích mà mỗi bên nhận được qua sự trao đổi không thể nào làm thiệt cho bên kia, vì mỗi bên đã cung cấp một số lượng lao động bằng nhau và những vật liệu mà hai bên đã dùng có giá trị bằng nhau. Nhưng nếu người làm mũ đổi được một cái mũ lấy hai đôi giày - vẫn ở trong giả thiết trên của chúng ta - thì hiển nhiên sự trao đổi sẽ là bất công. Người làm mũ sẽ chiếm không một ngày lao động của người thợ giày; và nếu anh ta cứ làm như thế trong tất cả các cuộc trao đổi, anh ta sẽ nhận được sản phẩm của nửa năm lao động của mình bằng sản phẩm của cả một năm của người khác. Từ trước tới giờ, chúng ta luôn luôn làm theo chế độ trao đổi hết sức bất công ấy: những người công nhân đã cho nhà tư bản cả một năm lao động để đổi lấy giá trị của nửa năm mà thôi (the workmen have given the capitalist the labour of a whole year, in exchange for the value of only half a year). Và đó chính là nguồn gốc của tình trạng không bình đẳng về tài sản và quyền thế, chứ không phải nguồn gốc của tình trạng không bình đẳng này là sự chênh lệch giả thiết về mặt thể lực và trí lực của những cá nhân. Sự không bình đẳng trong việc trao đổi, sự chênh lệch về giá cả trong việc mua bán chỉ có thể tồn tại được trong điều kiện những nhà tư bản vĩnh viễn làm nhà tư bản và những người công nhân vĩnh viễn làm người công nhân, - bọn trước là một giai cấp bạo chúa, còn những người sau là một giai cấp những người nô lệ... Vậy, sự giao dịch ấy giữa các nhà tư bản và công nhân chứng tỏ một cách rõ ràng rằng, để trả công cho một tuần lễ lao động của người công nhân, những nhà tư bản và những người chủ sở hữu chỉ trao cho người công nhân một phần trong số những của cải mà anh ta đã làm ra cho chúng trong tuần lễ trước, nghĩa là chúng nhận được ở anh ta một cái gì đó, nhưng không trao lại cho anh ta cái gì cả (nothing for something)... Toàn bộ sự giao dịch giữa người công nhân và nhà tư bản chẳng qua là một trò hề: trên thực tế, trong nhiều trường hợp, nó chỉ là một việc cướp đoạt trắng trợn tuy là hợp pháp (The whole transaction between the producer and the capitalist is a mere farce: it is, in fact, in thousands of instances, no other than a barefaced though legal ised roberry)" (Brây, tr. 45, 48, 49 và 50).

"Lợi nhuận của nhà kinh doanh bao giờ cũng là một sự thiệt thòi đối với người công nhân - cho đến khi nào những cuộc trao đổi giữa hai bên đều bình đẳng; và chừng nào xã hội còn chia ra những nhà tư bản và những người sản xuất, và những người sản xuất sống bằng lao động của mình, còn bọn kia thì béo phị lên bằng lợi nhuận của lao động ấy, thì chừng đó những cuộc trao đổi vẫn không thể nào bình đẳng được...".

Ông Brây tiếp tục: "rõ ràng là anh sẽ uổng công vô ích để dựng nên hình thức chính phủ này hay hình thức chính phủ nọ... anh sẽ uổng công vô ích trong việc tuyên truyền đạo lý và tình hữu ái... tình trạng cũng có lợi không thể dung hoà được với sự bất bình đẳng trong trao đổi. Tình trạng không bình đẳng trong trao đổi là nguồn gốc của tình trạng không bình đẳng về tài sản, đó chính là kẻ thù giấu mặt đang xâu xé chúng ta. (No reciprocity can exist where there are unequal exchanges. Inequality of exchanges, as being the cause of inequality of possessions, is the secret enemy that devours us)" (Brây, tr. 51 và 52).

"Việc xem xét mục đích và nhiệm vụ của xã hội cho phép tôi kết luận rằng, không những tất cả mọi người đều phải lao động và do đó có thể trao đổi, mà, những giá trị bằng nhau còn phải trao đổi với những giá trị bằng nhau nữa. Hơn nữa, vì lợi nhuận của người này không thể là một sự thiệt thòi đối với một người khác, nên giá trị phải được quy định bởi chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta đã thấy rằng, dưới chế độ xã hội hiện thời, lợi nhuận của nhà tư bản và của nhà giàu bao giờ cũng là sự thiệt thòi của người công nhân - chừng nào mà tình trạng không bình đẳng trong việc trao đổi vẫn tồn tại thì kết quả ấy phải tất nhiên xảy ra và, dưới mọi hình thức chính quyền, người nghèo vẫn hoàn toàn bị phó mặc cho nhà giàu muốn làm gì họ thì làm. Còn sự bình đẳng trong việc trao đổi chỉ có thể được bảo đảm bằng một chế độ xã hội thừa nhận lao động là bắt buộc đối với mọi người... Sự bình đẳng trong việc trao đổi sẽ khiến cho của cải chuyển dần dần từ tay các nhà tư bản hiện nay sang tay giai cấp công nhân" (Brây, tr. 53 - 55).

"Chừng nào còn lưu hành chế độ trao đổi không bình đẳng ấy, thì những người sản xuất vẫn cứ nghèo đói, dốt nát, lao động quá sức như hiện giờ, dù người ta có xoá bỏ hết thảy mọi đảm phụ nhà nước, mọi thuế khoá chăng nữa thì cũng thế thôi... Chỉ có thay đổi toàn bộ chế độ, thực hiện sự bình đẳng về lao động và trao đổi, mới có thể cải thiện tình trạng ấy và bảo đảm cho người ta sự bình đẳng thật sự về quyền lợi... Chỉ cần những người sản xuất cố gắng - và mọi sự cố gắng để cứu vớt họ đều phải do họ làm lấy - thì những xiềng xích của họ sẽ vĩnh viễn bị đập tan... Với tính cách là mục đích, quyền bình đẳng về chính trị là một sai lầm; với tính cách là thủ đoạn, nó cũng là một sai lầm (As an end, the political equality is there a failure, as a means, also, it is there a failure).

Với sự bình đẳng về trao đổi, lợi nhuận của người này không thể là sự thiệt thòi của người khác: vì mọi sự trao đổi khi đó chỉ còn là một sự di chuyển một cách đơn giản lao động và của cải mà thôi, nó không đòi hỏi một sự hy sinh nào cả. Vậy, dưới một chế độ xã hội dựa trên sự bình đẳng về trao đổi, người sản xuất còn có thể trở nên giàu có nhờ sự dành dụm của mình; nhưng sự giàu có của anh ta chỉ còn là sản phẩm tích lũy của lao động của bản thân anh ta mà thôi. Anh ta sẽ có thể trao đổi của cải của mình hay cho người khác của cải của mình; nhưng khi anh ta thôi không còn lao động nữa thì với một thời gian kéo dài một chút, anh ta không thể nào vẫn cứ giàu có mãi. Do bình đẳng về trao đổi, của cải sẽ không còn năng lực như hiện thời là, tự nó, nó có khả năng tự đổi mới và có thể nói là tự tái sản xuất lấy được; nó sẽ không còn có thể lấp lỗ trống mà sự tiêu dùng gây ra nữa; bởi vì của cải một khi đã tiêu dùng rồi thì mất hẳn, trừ phi nó được lao động tái sản xuất thì không kể. Dưới chế độ trao đổi bình đẳng, cái mà bây giờ chúng ta gọi là lợi nhuậnlợi tức sẽ không thể tồn tại nữa. Trong chế độ đó, người sản xuất và người phân phối sẽ hưởng thù lao bằng nhau và chính tổng số lao động của họ sẽ được dùng để quy định giá trị của bất cứ hàng hoá nào làm ra và cung cấp cho người tiêu dùng...

Vậy, nguyên tắc bình đẳng trong việc trao đổi, do bản chất của nó, phải đưa đến lao động phổ biến" (Brây, tr. 67, 88, 89, 94 và 109 - 110).

Sau khi đã bác bỏ những ý kiến của các nhà kinh tế học phản đối chủ nghĩa cộng sản, ông Brây tiếp tục như sau:

"Nếu, một mặt, sự thay đổi về tính cách con người là cần thiết để có thể xây dựng thành công một chế độ xã hội dựa trên sự cộng đồng về tài sản trong hình thái hoàn thiện nhất của nó; nếu, mặt khác, chế độ hiện thời không có những điều kiện cũng như những phương tiện cần thiết để thực hiện sự thay đổi tính cách ấy và chuẩn bị cho người ta tiến tới một trạng thái tốt hơn mà tất cả chúng ta đều mong muốn, - thì rõ ràng là tình hình nhất định vẫn cứ phải tiếp tục tồn tại như bây giờ, trừ phi người ta tìm ra được và thực hiện một giai đoạn xã hội quá độ nào đó, - một quá trình vừa có quan hệ với chế độ hiện thời cũng như có quan hệ với chế độ tương lai (chế độ dựa trên sự cộng đồng về tài sản), - một giai đoạn dừng chân tạm thời mà xã hội có thể đi tới với tất cả những tệ lậu và những sự điên cuồng của nó, để rồi sau đó xã hội sẽ từ giã giai đoạn đó, mang theo nhiều phẩm chất và thuộc tính, là những điều kiện sinh tồn của chế độ cộng đồng ấy" (Brây, tr. 134).

"Toàn bộ quá trình sẽ chỉ đòi hỏi sự hợp tác dưới hình thái giản đơn nhất của nó mà thôi... Những chi phí sản xuất sẽ quy định trong bất cứ điều kiện nào, giá trị của sản phẩm, và những giá trị bằng nhau sẽ luôn luôn được trao đổi với những giá trị bằng nhau. Trong hai người, nếu người thứ nhất làm việc trong cả một tuần lễ, còn người thứ hai trong nửa tuần lễ, thì người thứ nhất sẽ nhận được gấp đôi phần thù lao của người kia, nhưng phần trả hơn cho người thứ nhất không làm thiệt hại cho người kia: phần thiệt thòi mà người thứ hai phải chịu quyết không có lợi cho người thứ nhất. Mỗi người sẽ trao đổi tiền công mà cá nhân mình nhận được với những vật phẩm có giá trị bằng tiền công của mình, và trong bất cứ trường hợp nào, lợi nhuận mà một người hay một ngành công nghiệp thực hiện được đều không thể làm thiệt thòi cho người khác hay ngành công nghiệp khác. Lao động của mỗi cá nhân sẽ là thước đo duy nhất của lợi nhuận và của sự thua lỗ của cá nhân ấy...

... Dựa vào những trạm mua bán (boards of trade) trung ương hay địa phương, người ta sẽ quy định số lượng những vật phẩm khác nhau mà tiêu dùng đòi hỏi, và giá trị tương đối của mỗi vật phẩm so với những vật phẩm khác (số công nhân cần dùng trong những ngành lao động khác nhau) tóm lại, tất cả những cái gì có quan hệ đến sản xuất và phân phối xã hội. Những công việc ấy sẽ tiến hành đối với một nước, cũng nhanh chóng và dễ dàng như, dưới chế độ hiện thời, đối với một công ty cá biệt vậy... Những cá nhân sẽ tập hợp lại thành gia đình, những gia đình sẽ tập hợp lại thành công xã, như dưới chế độ hiện thời... Người ta cũng sẽ không xoá bỏ một cách trực tiếp sự phân bố dân cư ở thành thị và nông thôn, dù sự phân bố ấy thật là không tốt gì. Trong tập đoàn ấy, mỗi một cá nhân vẫn tiếp tục có quyền tự do - như bây giờ - muốn tích lũy bao nhiêu cũng được, và sử dụng những tích lũy ấy như thế nào là tùy theo ý mình... Như vậy xã hội của chúng ta sẽ là một công ty cổ phần lớn, bao gồm vô số công ty cổ phần nhỏ hơn, tất cả đều lao động, sản xuất và trao đổi sản phẩm của họ trên cơ sở bình đẳng hoàn toàn... Hệ thống công ty cổ phần mới của chúng ta chỉ là một sự nhượng bộ đối với xã hội hiện thời để chuyển lên chủ nghĩa cộng sản, một sự nhượng bộ nhằm làm cho quyền sở hữu cá nhân về các sản phẩm có thể song song tồn tại với quyền sở hữu công cộng về lực lượng sản xuất, - hệ thống mới ấy làm cho vận mệnh của mỗi cá nhân tùy thuộc vào hoạt động riêng của mình, và đem lại cho mỗi cá nhân một phần hưởng thụ bằng nhau về tất cả những lợi ích do tự nhiên và sự tiến bộ của kỹ thuật mang lại. Vì thế, nó có thể ứng dụng vào xã hội trong tình trạng hiện nay và nó có thể chuẩn bị cho xã hội ấy cho những sự biến đổi tương lai" (Brây, tr. 158, 160, 162, 168, 194 và 199).

Chúng ta chỉ  còn phải trả lời ông Brây vài câu nữa thôi, ông ấy đã nghiễm nhiên thay thế ông Pru-đông, ngoài ý muốn của chúng ta và thậm chí trái với ý muốn của chúng ta, chỉ trừ một điểm là ông Brây không hề có ý định nói lên tiếng nói cuối cùng của loài người, ông ấy chỉ đề ra những biện pháp mà ông ấy cho là thích hợp đối với một thời kỳ quá độ giữa xã hội hiện thời và chế độ dựa trên sự cộng đồng về tài sản mà thôi.

Một giờ lao động của A trao đổi với một giờ lao động của B. Đó là định lý cơ bản của ông Brây.

Chúng ta hãy giả định rằng A lao động mười hai giờ và B chỉ lao động sáu giờ; thế thì A chỉ có thể trao đổi với B sáu lấy sáu. Do đó, A sẽ có dự trữ sáu giờ lao động. A sẽ sử dụng sáu giờ lao động này để làm gì?

Hoặc là A không sử dụng để làm gì cả, nghĩa là A đã lao động sáu giờ mà không được gì; hoặc là A sẽ ngồi không trong sáu giờ khác để lấy lại thăng bằng; hoặc là - và đây là biện pháp cuối cùng của A - A sẽ cho thêm B sáu giờ ấy mà A không biết dùng làm gì cả.

Vậy, tóm lại, A đã hơn B được cái gì? Những giờ lao động chăng ? Không. A chỉ hơn có những giờ nhàn rỗi mà thôi: A sẽ bắt buộc phải ngồi rỗi trong sáu giờ. Và muốn cho cái quyền mới về nhàn rỗi này không những được thừa nhận, mà còn được đề cao trong xã hội mới, thì xã hội mới phải tìm thấy hạnh phúc cao nhất của nó ở trong sự lười biếng và coi lao động là một gánh nặng đối với xã hội mà dù thế nào xã hội cũng phải vứt bỏ cho kỳ được. Để trở lại thí dụ của chúng ta, nếu quả những giờ nhàn rỗi mà A đã hơn B ấy là một điều có lợi thật sự ! Nhưng không, đầu tiên B chỉ làm việc sáu giờ, bằng cách làm việc thường xuyên  và đều đặn, B đã đi đến cái kết quả mà A chỉ thu được bằng cách bắt đầu làm việc quá mức. Ai cũng muốn làm như B cả, người ta sẽ ganh đua nhau để chiếm được địa vị như B, một sự thi đua lười biếng.

Vậy thì sự trao đổi những số lượng lao động bằng nhau, nó đã cho ta cái gì? Nạn sản xuất thừa, sự mất giá, lao động quá mức, tiếp theo đó là thất nghiệp, cuối cùng là những quan hệ kinh tế như chúng ta thấy trong xã hội hiện thời, trừ sự cạnh tranh lao động.

Không phải đâu, chúng ta nhầm rồi. Còn có một biện pháp nữa, nó có thể cứu vãn xã hội mới, xã hội của những người như A và B. A sẽ tiêu dùng một mình sản phẩm của sáu giờ lao động còn lại. Nhưng nếu A không cần phải trao đổi sản phẩm của mình nữa, thì A cũng không cần phải sản xuất để trao đổi nữa, thế là tất cả sự giả thiết về một xã hội xây dựng trên sự trao đổi và phân công lao động sẽ tan vỡ. Do chỗ trao đổi sẽ không còn nữa, nên người ta cũng cứu vãn được luôn cả sự bình đẳng về trao đổi: A và B sẽ trở về trạng thái của Rô-bin-xơn.

Vậy, nếu người ta giả định tất cả những thành viên của xã hội đều là người lao động trực tiếp, thì sự trao đổi những số lượng giờ lao động bằng nhau chỉ có thể tiến hành được với điều kiện là người ta thoả thuận trước với nhau về số giờ phải dùng vào sản xuất vật chất. Nhưng một sự thoả thuận như thế phủ định sự trao đổi cá nhân.

Chúng ta cũng sẽ đi đến kết quả như thế, nếu chúng ta xuất phát không phải từ sự phân phối những sản phẩm làm ra nữa, mà là từ hành vi sản xuất. Trong nền đại công nghiệp, A không thể tự ý mình ấn định lấy thời gian lao động của mình được, vì lao động của A sẽ không đi đến đâu nếu không có sự góp sức của tất cả những người như A và tất cả những người như B họp thành xí nghiệp. Điều đó giải thích rất rõ vì sao các chủ xưởng người Anh lại kháng cự một cách quyết liệt chống lại đạo luật ngày lao động 10 giờ. Chính là vì họ thừa hiểu rằng nếu giảm hai giờ  lao động cho phụ nữ và trẻ em(51) thì rồi nhất định sẽ phải giảm thời gian lao động cho cả đàn ông nữa. Xét theo tính chất của đại công nghiệp thì thời gian lao động phải bằng nhau đối với tất cả mọi người. Cái mà ngày nay là kết quả của tư bản và của sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau, thì ngày mai sẽ là - nếu người ta trừ bỏ quan hệ giữa lao động và tư bản - kết quả của một sự thoả thuận dựa trên quan hệ giữa tổng số lực lượng sản xuất và tổng số nhu cầu hiện có.

Nhưng một sự thoả thuận như thế có nghĩa là tuyên án tử hình sự trao đổi cá nhân, thế là chúng ta lại đi đến kết quả đầu tiên của chúng ta.

Trên nguyên tắc, không có trao đổi sản phẩm, mà chỉ có trao đổi những lao động góp phần vào sản xuất. Phương thức trao đổi sản phẩm phải tuỳ thuộc vào phương thức trao đổi lực lượng sản xuất. Nói chung, hình thức của trao đổi sản phẩm thích ứng với hình thức của sản xuất. Hãy thay đổi cái sau, thì hình thức trao đổi cũng sẽ thay đổi theo. Cho nên chúng ta thấy rằng trong lịch sử của xã hội, phương thức trao đổi sản phẩm do phương thức sản xuất sản phẩm điều tiết. Sự trao đổi cá nhân cũng phù hợp với một phương thức sản xuất nhất định, mà bản thân phương thức sản xuất này lại tương ứng với đối kháng giai cấp. Vì vậy, nếu không có đối kháng giai cấp thì cũng không thể có trao đổi cá nhân.

Thế nhưng, nhà tư sản tốt bụng lại phủ nhận sự thực hiển nhiên ấy. Chừng nào người ta còn là tư sản, thì người ta không thể không coi quan hệ đối kháng ấy là những quan hệ hoà hợp và công bằng vĩnh viễn, những quan hệ không cho phép ai được làm hại người để làm lợi cho mình. Đối với nhà tư sản, sự trao đổi cá nhân có thể tồn tại được mà không có đối kháng giai cấp: đối với hắn đó là hai cái hoàn toàn tách rời nhau. Sự trao đổi cá nhân, như là nhà tư sản hình dung, hầu như không giống với sự trao đổi cá nhân tiến hành trên thực tế.

Ông Brây lấy cái ảo tưởng của nhà tư sản tốt bụng làm lý tưởng mà ông ấy muốn thực hiện. Bằng cách làm cho sự trao đổi cá nhân trở thành trong sạch, bằng cách trừ bỏ hết thảy những yếu tố đối kháng ở trong đó, ông ấy tưởng là đã tìm thấy một quan hệ "bình quân chủ nghĩa", mà ông ấy muốn đưa vào trong xã hội.

Ông Brây không thấy rằng cái quan hệ bình quân chủ nghĩa ấy, cái lý tưởng có tác dụng sửa đổi ấy, mà ông ta muốn ứng dụng vào thế giới, chẳng qua chỉ là phản ánh của thế giới hiện thực, và do đó tuyệt đối không thể nào cải tạo xã hội trên một cơ sở chỉ là một cái bóng được tô vẽ của xã hội ấy mà thôi. Cái bóng càng trở thành hữu hình, thì người ta càng thấy rằng cái bóng ấy chính là cái cơ thể của xã hội hiện thời mà thôi1), chứ không phải là một xã hội được cải biến chỉ có trong các giấc mơ.

 

 



(44) A. Smith. "An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations" (A. Xmít. "Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của sự giàu có của các dân tộc"). Xuất bản lần thứ nhất ở Luân Đôn năm 1776

1) Như ta đã rõ, Ri-các-đô quy định giá trị của hàng hoá bởi "số lượng lao động cần bỏ ra để tạo ra hàng hoá đó". Nhưng hình thức trao đổi lại ngự trị trong bất kỳ phương thức sản xuất nào dựa trên sản xuất hàng hoá, bởi vậy trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thức này dẫn tới việc giá trị tương đối được thể hiện trực tiếp không phải trong số lượng lao động mà là trong số lượng hàng hoá khác nào đó. Giá trị của hàng hoá biểu hiện trong số lượng nhất định của hàng hoá khác (tiền hoặc không phải tiền cũng vậy) được Ri-các-đô gọi là giá trị tương đối của hàng hoá này. - Ph. Ă. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1885)

1) Luận đề nói rằng giá cả "tự nhiên" nghĩa là giá cả bình thường của sức lao động phù hợp với mức tiền công tối thiểu, nghĩa là tương đương với vật ngang giá của giá trị của các tư liệu sinh hoạt tất yếu cần  thiết cho người công nhân sống và duy trì nòi giống của anh ta - lần đầu tiên đã được tôi nêu ra trong "Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị" ("Deutsch-Französische Jahrbücher", Pa-ri, 1844) và trong "Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh". Như mọi người đã thấy trong bài này, khi đó Mác đã chấp nhận luận đề đó. Luận đề này của hai chúng tôi đã được Lát-xan kế thừa. Tuy nhiên, trên thực tế dù cho tiền công có xu hướng thường xuyên xích gần đến mức tối thiểu của nó thì luận đề trên vẫn không đúng. Việc trả công cho sức lao động thông thường ở mức trung bình thấp hơn giá trị của nó cũng không thể thay đổi được giá trị của nó. Trong bộ "Tư bản" Mác đã sửa luận đề nói trên (đoạn: "Mua và bán sức lao động"), đồng thời ông giải thích những điều kiện dẫn tới việc giảm giá cả sức lao động thấp hơn giá trị của nó ngày càng mạnh trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa (chương XXIII: "Quy luật phổ biến của tích lũy tư bản chủ nghĩa"), - Ph. Ă (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1885).

1* - đơn vị đo dung tích ở Pháp thời cổ; tương đương với 18 héc-tô-lít khi đong đo hạt.

1* - vắn tắt, bằng cách bỏ đi một số khâu

2* - những tên thật của các vật

1* - nô lệ

2* - duy trì

3* - thầm kín, chỉ dành cho những người nào đó biết

4* Trong bản Mác viết tặng N.U-ti-na năm 1876, sau chữ "lao động" còn có thêm: "sức lao động". Phần thêm này có trong lần xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1896.

1* - Và vì muốn sống, mà bỏ đi cái cội rễ của cuộc sống! (Giu-vê-nan, "Những bài thơ trào phúng").

(46) Tác phẩm của Boa-ghin-be được trích dẫn theo văn tập: "Economistes-financiers du XVIII siècle". Précédés de notices historiques sur chaque auteur, et accompagnés de commentaires et de notes explicatives, par Eugène Daire. Paris, 1843 ("Các nhà kinh tế học tài chính của thế kỷ XVIII". Kèm theo những ghi chú về tiểu sử của từng tác giả, cùng những bình luận và chú thích của Ơ-gien Đe-rơ, Pa-ri, 1843).

(47) W. Atkinson. "Principles of Political Economy". London, 1840

1* - Thành Tơ-roa không còn nữa !

(48) Th. Hodgskin. "Popular Political Economy". London, 1827 (T. Hốt-xkin. "Kinh tế chính trị học phổ thông". Luân Đôn, 1827). Trong nguyên bản, ở chỗ này đã viết sai họ tác giả thành Hốp-kin-xơ. Năm 1892, trong lần xuất bản thứ hai bằng tiếng Đức cuốn "Sự khốn cùng của triết học", Ăng-ghen đã sửa lại điểm thiếu chính xác đó, cái điểm thiếu chính xác đã bị Men-gơ, một luật gia tư sản Áo, lợi dụng để phát biểu rằng sự trích dẫn ấy của Mác là vô căn cứ. Trong lời tựa cho lần xuất bản năm 1892, Ăng-ghen viết:

"Về việc xuất bản lần thứ hai tôi chỉ cần nói rằng tên họ ghi sai là Hốp-kin-xơ trong bản tiếng Pháp được thay bằng tên họ đúng là Hốt-xkin, và ở đó năm xuất bản cuốn sách của Uy-li-am Tôm-xơn cũng được đính chính lại là năm 1824. Bây giờ thì chúng tôi hy vọng rằng lương tâm thư mục học của ngài giáo sư An-tôn Men-gơ sẽ được thanh thản.

Luân Đôn, ngày 29 tháng Ba 1892            Phri-đrích Ăng-ghen".

(49) W. Thompson. "An Inquiry into the Principles of the Distribution of Wealth Most Conducive to Human Happiness". London, 1824.

T. R. Edmonds. "Practical Moral and Political Economy". London, 1828

(50) J. F. Bray. "Labour's Wrongs and Labour's Remedy". Leeds, 1839

.

(51) Đạo luật ngày lao động 10 giờ, chỉ áp dụng đối với thiếu niên và nữ công nhân, được Nghị viện Anh thông qua ngày 8 tháng Sáu 1847. Nhưng trên thực tế, nhiều chủ xưởng không đếm xỉa gì tới đạo luật này

1) Cũng như mọi học thuyết khác, học thuyết của ông Brây đã có những kẻ tán thành, họ đã để cho cái bề ngoài của học thuyết đó đánh lừa. Người ta đã lập ra ở Luân Đôn, Sép-phin, Lít-xơ và trong nhiều thành phố khác của nước Anh, những equitable-labour-exchange-bazars [những sở trao đổi công bằng các sản phẩm của lao động]. Những sở trao đổi ấy, sau khi đã thu hút những tư bản to lớn, đã bị phá sản nhục nhã. Bây giờ không ai còn thích thú chúng nữa. Xin cảnh cáo cho ông Pru-đông biết! (Chú thích của Mác).

Như mọi người đều rõ, Pru-đông định không đếm xỉa gì đến lời cảnh cáo đó. Năm 1849 ông đã tự mình lập ra một ngân hàng trao đổi mới ở Pa-ri. Nhưng ngân hàng này đã bị phá sản trước khi bước vào ổn định. Điều làm lu mờ sự phá sản đó là việc Pru-đông bị toà án truy tố. - Ph. Ă. (Bổ sung của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1885)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt