Chủ nghĩa Marx

Giai cấp đấu tranh và động cơ của lịch sử (1)

DUY VẬT LỊCH SỬ

 

CHƯƠNG THỨ TƯ

GIAI CẤP TRANH ĐẤU ĐỘNG CƠ CỦA LỊCH SỬ

 


Bài giảng của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Trường Dự bị Đại học Việt Nam đầu năm 1954.


 

 

MỤC ĐÍCH VÀ TRỌNG TÂM CỦA CHƯƠNG THỨ TƯ

Mục đích

1. Biết sự phân biệt giữa giai cấp, quần chúng, đẳng cấp, từng lớp, và nhận thấy rằng giai cấp công nhân là một giai cấp mới khác hẳn với các giai cấp có trước nó.

2. Nhận thấy các hình thái, các trình độ của giai cấp đấu tranh, và thấy rằng giai cấp đấu tranh hiện nay phải đưa đến vô sản chuyên chính.

3. Nhận thấy rằng giai cấp đấu tranh là động cơ của lịch sử.

a. Do đó mà chế độ xã hội này sang chế độ xã hội kia, từ chế độ chiếm hữu nô lệ đến chế độ xã hội chủ nghĩa.

b. Do đó, ta cắt nghĩa được những hiện tượng rất căn bản về chính trị trong lịch sử, cả những hiện tượng về văn hóa nữa.

c. Và cũng do đó, ta nhận thấy rằng muốn đẩy lịch sử tới trước phải làm giai cấp đấu tranh (hợp với ai, chống với ai, hợp thế nào, chống thế nào), chớ không phải làm giai cấp hòa hoãn.

Trọng tâm

 1. Khả năng, bản chất của giai cấp công nhân; vô sản chuyên chính, nhân dân dân chủ chuyên chính

2. Giai cấp đấu tranh, động cơ của lịch sử

3. Lập trường giai cấp trên các mặt

 

 

 

I. GIAI CẤP

1. Căn nguyên sự xuất hiện giai cấp trong xã hội loài người. Giai cấp; từng lớp của giai cấp - Đẳng cấp.

Vấn đề giai cấp và giai cấp đấu tranh là một vấn đề căn bản trong lịch sử xã hội, trong chủ nghĩa Mác-Lênin. Tuy thế, không thể nói rằng Mác là người đầu tiên đã tìm thấy hiện tượng giai cấp và giai cấp đấu tranh trong lịch sử. Càng không thể nói rằng tại Mác, tại đồ đệ của Mác mà có giai cấp đấu tranh... như bọn đế quốc phong kiến thường nói.

“Riêng về phần tôi, không phải là chính tôi có công phát kiến sự tồn tại của các giai cấp trong xã hội tân thời, cũng không phải là chính tôi có công phát kiến sự đấu tranh giữa các giai cấp ấy; trước tôi lâu, nhiều sử gia tư sản đã mô tả sự phát triển lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp ấy và những nhà kinh tế học tư sản đã trình bày cơ sở kinh tế của điều ấy. Còn những cái mà chính tôi phát hiện ra là:

a. Chứng minh rằng các giai cấp chỉ có thể tồn tại là tùy theo những giai đoạn nhất định nào trong sự phát triển lịch sử của sự sản xuất.

b. Chứng minh rằng mọi giai cấp đấu tranh nhất thiết phải đưa đến vô sản chuyên chính.

c. Chứng minh rằng chính nền vô sản chuyên chính chỉ là bước giao thời để đi đến chỗ thủ tiêu tất cả các giai cấp và đến một xã hội không có giai cấp” 1

Chính đấy là ý nghĩa và nội dung súc tích của toàn bộ học thuyết Mác về vấn đề giai cấp và giai cấp đấu tranh.

Trong điểm một Mác muốn nói đến căn nguyên của giai cấp, sự tương liên giữa giai cấp với các giai đoạn phát triển trong sự sản xuất. Trong điểm thứ nhất ấy ta thấy có ba ý lớn: 

- Không phải lúc nào cũng có giai cấp xã hội

- Đến giai đoạn nào trong sự phát triển của sản xuất mới có giai cấp, và đến giai đoạn nào đó thì giai cấp không còn nữa.

- Không phải rằng xưa có giai cấp nào nay có giai cấp ấy, mà các giai cấp biến đổi tuỳ theo sự biến đổi của sự sản xuất.

Có người tưởng rằng xã hội loài người lúc nào cũng chia phân từng giai cấp; xưa đã thế, nay vẫn thế và sau này cứ thế; theo họ, trong xã hội lúc nào cũng có người nghèo, người giàu, kẻ thống trị, người bị trị. Họ so sánh xã hội với thân thể của con người: óc để phán đoán chỉ huy là nhà giàu, là nhà cai trị; tay làm chân đi là lao động v.v.

Thực ra tư tưởng sai lầm đó cốt để làm cho người ta tưởng tượng đâu là việc phân chia giai cấp là vĩnh viễn thì người lao động đừng mong thủ tiêu chế độ người bóc lột người.

Khoa học lịch sử đã chứng tỏ rằng từ chế độ nô lệ đến tư bản chủ nghĩa mới có giai cấp. Trước xã hội nô lệ thì có xã hội cộng sản nguyên thủy trong đó không có tư hữu tài sản, không có giai cấp, không có người bóc lột người và áp bức người, và hiện giờ, đã có Liên bang Xô viết xây dựng được hoàn thành một xã hội không người bóc lột người, một xã hội không có giai cấp.

Giai cấp vì đâu mà xuất hiện?

Nghiên cứu xã hội cộng sản nguyên thủy, chúng ta đã biết rằng từ khi con người nguyên thủy chế tạo được những khí cụ bằng kim khí, làm cho một người sản xuất làm việc đã có thể nuôi mình mà lại còn nuôi được một, hai, nhiều người khác nữa thì trong chiến tranh giữa các bộ lạc, các thị tộc, người ta không giết tù binh nữa, người thắng trận bắt tù binh đem về để bắt nó làm việc mệt nhọc thế cho mình ở không sung sướng hơn. Nếu bắt một tù binh mà khi đem về, tù binh ấy chỉ làm đủ cho nó sống hay phải nhờ kẻ khác bù sớt cho nó sống thì giết nó tại chiến trường còn hơn.

Do sự bắt tù binh, bắt kẻ chiến bại làm mọi cho kẻ chiến thắng mà sinh ra hạng chủ nô và hạng người nô lệ. Rồi về sau nữa, những hạng nghèo khổ bị nợ nần ràng buộc phải ở đợ làm nô lệ cho chủ nợ nhà giàu.

Chủ nô là hạng người có đất, có khí cụ, có thừa nhà v.v. có luôn nguời nô lệ thường ở không, hoặc mua người, hoặc chuyên nghề đánh giặc bắt thêm nô lệ cho mình hay bắt nô lệ để bán; hạng người đó sống nhờ bóc lột ngưòi nô lệ.

Rồi từ chế độ nô lệ tan rã mọc ra chế độ phong kiến, phong kiến tàn tạ, nảy sinh chế độ tư bản: ba chế độ đó là chế độ có giai cấp.

Căn nguyên của giai cấp là nền tư hữu những phương tiện sinh sản (khí cụ, đất cát, nguyên liệu, súc vật v.v.) Trong chế độ cộng sản nguyên thủy cũng có phương tiện sinh sản nhưng vì khí cụ còn thô sơ quá (búa đá, gươm đá, cung nỏ bằng gỗ v.v.) sự sản xuất không đủ nuôi thân, cho nên tình trạng ấy bắt buộc con người phải để chung khí cụ, để chung những phương tiện sinh sản mà mọi người đồng sống bằng nguồn sống giống nhau là tự làm lấy của ăn mặc.

Khí cụ tiến triển lên thì nền tư hữu tài sản xuất hiện do đó giai cấp xuất hiện.

Tư hữu xuất hiện, giai cấp xuất hiện sau thời cộng sản nguyên thủy tan rã đi, đó là một điều tiến bộ; đến mực tiến triển nào của khí cụ, khí cụ và phương tiện sinh sản phải là của riêng, là tư hữu thì sự sản xuất mới nhiều hơn trước.

Và cũng như thế, đến mực phát triển nào của khí cụ nếu giai cấp vẫn tồn tại thì sự sản xuất lại bị ngăn trở đi, đó là trường hợp của đế quốc chủ nghĩa – thời kỳ cuối cùng của tư bản chủ nghĩa - với những chiến tranh tàn phá, khủng hoảng tai hại của nó. Khi đó cần phải thủ tiêu giai cấp bằng cách đem trả về cho xã hội cái quyền sở hữu những phương tiện sinh sản lớn lao.

Chính vì lẽ ấy mà Engels trong quyển “Chống During” có nói:

Sự chia xã hội ra thành một giai cấp bóc lột và một giai cấp bị bóc lột thành một giai cấp thống trị và một giai cấp bị thống trị, đó là kết quả tất yếu của trình độ kém trong sự phát triển của sản xuất trước kia.”

Đến nay, nhờ sản xuất đã cao, nhớ máy móc, hơi nước, sức điện, sức nguyên tử, tài nguyên được khai mở dồi dào thì sự tồn tại của các giai cấp không còn là tất yếu nữa mà tất yếu là phải thủ tiêu các giai cấp, việc của Liên xô đang làm, đã làm.

Trải lịch sử từ chế độ nô lệ đến chế độ tư bản, qua phong kiến, tuy chế độ nào cũng có giai cấp, song các giai cấp ấy có khác, sau không giống trước, có giai cấp cũ tàn lại có giai cấp mới mọc ra, có giai cấp cũ còn lại mà đổi mới. Đó là vì các giai cấp tuỳ thuận vào sự phát triển của sản xuất.

Tỷ dụ trong phong kiến: tuy còn dấu vết tích nô lệ, trong hai giai cấp chính của nó không phải là chủ nô và nô lệ nữa mà là địa chủ và nông dân. Đến chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn còn di tích phong kiến, song hai giai cấp chính của nó là tư bản và vô sản. Thế là giai cấp chỉ là một hiện tượng lịch sử, có xuất hiện, có phát triển, có tiêu diệt như bất cứ một vật gì khác. Giai cấp là một số đông con người đồng vị trí đối với quyền sở hữu những phương tiện sản xuất trong sự phân phối tài sản đồng môt nguồn sống với nhau trong một chế độ xã hội nhất định. Ví dụ: trong chế độ phong kiến, phương tiện sinh sản chính là đất đai với cày bừa, trâu bò, giống thóc. Giai cấp phong kiến gồm những kẻ làm chủ phương tiện sinh sản ấy, nguồn sống chung của họ là bóc lột nông dân cày cấy đất cát của họ. Còn nông dân là hạng người không có những phương tiện sinh sản kia, cũng bị phong kiến bóc lột bằng một nguồn sinh sống làm ruộng trên đất của các ông chủ đất, chủ nông.

Cùng ví dụ, trong chế độ tư bản, phương tiện sản xuất chính là công xưởng, nguyên liệu, tiền vốn. Giai cấp tư bản là hạng người làm chủ những phương tiện sinh sản ấy; chúng đồng một nguồn sống như nhau là bóc lột nhân công. Giai cấp vô sản là hạng người không có phương tiện sinh sản kia, chỉ có sức lao động của mình. Nguồn sống của họ giống nhau là bán sức lao động cho tư bản để lấy chút tiền công. Vì thế mà ta nói chung rằng giai cấp số đông người đồng một vị trí trong sự sởhữu những phương tiện sinh sản, đồng một nguồn sống như nhau trong một chế độ xã hội nhất định, nô lệ, phong kiến hay tư bản.

Trong mỗi giai cấp, lắm khi có thể có từng hạng nguời: ví dụ như trong giai cấp tư bản có hạng tư bản thương mại, chủ các cửa hiệu, các phương tiện vận tải, hạng tư bản nhà băng v.v. Nhưng tất cả các hạng ấy đều là ở trong một giai cấp: giai cấp tư bản.

Trong nông dân có nhiều hạng: hạng phú nông, hạng trung nông, hạng bần nông và có thể kể luôn hạng cố nông nữa. Cố nông là một nhóm người ở nhà quê, đi ở đợ, cày mướn, cấy mướn, gặt mướn cho địa chủ và phú nông. Bần nông là nhóm người không có ruộng đất hay có quá ít, phải mướn ruộng của địa chủ để cày cấy, đóng địa tô cho địa chủ, sống còn với thiếu thốn luôn luôn. Trung nông là nhóm người có vừa phải ruộng đất, tự mình cày cấy lấy, sống còn vừa đủ, thường thiếu hơn thừa. Phú nông là hạng người có khá nhiều ruộng đất, vừa tự cày vừa mướn nhiều người cày cấy với nó, có khi cho mướn một phần đất của nó, sống còn dư dã, tuy cũng bóc lột nhưng nguồn sống chính của nó là bóc lột cố nông. Đối với địa chủ thì tất cả nông dân là một giai cấp; khi hết địa chủ rồi thì phú nông là một giai cấp đối với trung bần cố nông.

Trong số toàn dân đông đảo phải biết phân biệt các giai cấp để biết đâu là bạn đâu là thù, kẻ nào tiến bộ, kẻ nào phản động; chữ “đồng bào” không được soi sáng bằng quan niệm giai cấp sẽ mù mờ, có hại.

Trong mỗi giai cấp, cần phân biệt các tầng lớp, vì mỗi tầng lớp có thái độ năng lực khác nhau (ví dụ như các tầng lớp nông dân, tiểu tư sản)

Giai cấp khác với đẳng cấp. Ở Ấn độ trước đây chẳng hạn, bên cạnh sự phân chia giai cấp, còn có sự phân chia đẳng cấp. Đẳng cấp cao nhất là hạng Bà la môn thông tháí, giàu có, cha truyền con nối, tựa như một hạng quý tộc. Thấp nhất là đẳng cấp paria; cùng khối người paria có thể là anh cu-li, anh thợ, anh thủ công, anh buôn gánh bán mẹt, nhưng xã hội bất công liệt họ vào một đẳng cấp mà ở xã hội bất công ấy chỉ cho họ làm những việc gọi là hèn hạ, không được đi một toa xe với kẻ khác, ăn một phòng với kẻ khác, bắt tay với kẻ khác v.v. Đẳng cấp paria là di tích chế độ nô lệ ngày xưa, song ở Ấn độ còn đông bằng triệu con người. Trong xứ ta thời phong kiến cũng có sự phân cách đẳng cấp chồng chất lên giai cấp, hễ là người thứ dân, vô luận anh là công nhân, nông dân, thủ công, thương gia, điền chủ, thì anh không được mặc áo lụa, đi giày, không được làm nhà theo kiểu chữ công, chữ môn. Kẻ kia là quý tộc thì được thực ấp, phong ấp, thái ấp, làm quan v.v.

Sự phân biệt đẳng cấp trước hết là do tư tưởng chính trị của bọn thống trị, ý tưởng ấy gốc cũng ở kinh tế. Còn sự phân chia giai cấp bắt nguồn trực tiếp ngay trong cơ sở kinh tế, trong sự sản xuất, trong sự phân công.

Ta phải phân biệt đẳng cấp với giai cấp để thấy rằng giai cấp là chính, là đáng chú ý nhất. Trong một đẳng cấp có thể có nhiều giai cấp khác nhau, cũng như trong chữ nhân có nhiều giai cấp phân biệt nhau, không thể để ngang hàng được.

o0o

Về căn nguyên của sự xuất hiện giai cấp, cũng cần để ý đến sự phân công, nhưng phải nói ngay rằng không phải bất cứ sự phân công nào cũng phát sinh giai cấp.

Ví dụ ngày xưa, xưa đến trong thời cộng sản nguyên thủy có sự phân công giữa đàn bà đàn ông nhưng không thể nói có “giai cấp” đàn bà và “giai cấp” đàn ông, cũng như nhiều cổ sử gia tư bản thường hay gọi “giai cấp” bô lão.

Rồi bây giờ đây: có sự phân công giữa bọn tư bản công nghệ, tư bản thương mãi, tư bản ngân hàng, thế nhưng tất cả đều ở trong giai cấp tư bản. 

Song, thực tế thì sự phân công trong sản xuất có dự phần vào sự chia phân giai cấp. Tỉ dụ: thành thị xuất hiện, phân biệt với thôn quê, nhất là từ thế kỷ 12, 13, 14 ở Âu Châu; trong thành thị đó, từ từ xuất hiện ra giai cấp tư bản và giai cấp vô sản.

Dù chi đi nữa, thì căn nguyên chính của sự xuất hiện giai cấp chính là sự chiếm đoạt tư liệu sản xuất làm tư hữu tài sản, chính là trình độ còn thấp kém của sự sản xuất.

o0o

Có những lý thuyết của phong kiến, tư bản về căn nguyên của sự xuất hiện các giai cấp trong xã hội; ta cần biết một vài để đề phòng tai hại của những lý thuyết ấy.

Hoặc chúng nó cho rằng xưa nay đều có giai cấp, cho nên sau này hãy còn có giai cấp mãi.

Hoặc chúng nó (như bá tước Gobineau, như Gumplovitz) nghĩ rằng sự đấu tranh giữa các chủng tộc sinh ra các giai cấp xã hội. Theo họ thì hễ một dân tộc bị xâm lăng và đô hộ thì có bấy nhiêu giai cấp mới xuất hiện. Họ ấy tỉ dụ: như nông nô Pháp (thời phong kiến) là người bản xứ, mà quý tộc là người Germain xâm lăng; giai cấp tư sản là con cháu của những người buôn bán ngoại quốc đến rồi ở luôn ở xứ đó.

Ở xứ ta cũng có một ít người bảo rằng giai cấp phong kiến quý tộc Việt Nam gốc ở những bọn thống trị Trung quốc từ Hán trở về sau; còn điền nô, nô tỳ gốc ở Chiêm thành bị phong kiến Việt Nam bắt về sau mỗi lần chinh phạt.

Thực ra thì thế nào? Thực ra thì quả có một phân số nào trong giai cấp phong kiến quý tộc Việt Nam hay Pháp, gốc ở đám người xâm lược và đô hộ. Nhưng trước hết phải nói rằng đám đó đã bị dân chúng bản xứ đồng hóa đi rồi, mà chỉ là số ít thôi. Vả lại, bên Trung quốc, lúc nhà Hán chinh phục xứ ta thì đã là phong kiến rồi, đã có giai cấp phong kiến quý tộc rồi, nguồn gốc nó ở số người xâm lăng nào? – Chẳng ở đâu cả, chúng nó ở ngay trong dân tộc Hán mà thôi… Còn như điền nô, nô tỳ, quả có gồm số người hằng vạn bắt từ ở miền nam về, nhưng có thấm gì với số hằng chục vạn đã có sẵn trong chế độ phong kiến Việt Nam trước khi xảy ra các cuộc nam tiến. Đẩy sự thảo luận tới xa hơn nữa; thì hỏi vậy bọn xâm lược Pháp đô hộ 80 năm đẻ ra giai cấp gì ở Việt Nam? Chả lẽ lại bảo rằng tư sản Việt Nam là con cháu người Pháp thực dân, hay đều là thương gia Trung quốc lai đi, hóa đi?

Bọn “học giả” phong kiến và tư bản kia có hai dụng ý:

Một là nói rằng lúc nào cũng có giai cấp để nói rằng không bao giờ lao động có thể thủ tiêu được sự bóc lột.

Hai là nói chủng tộc đấu tranh là nguồn gốc của sự phát sinh giai cấp, để thủ tiêu khái niệm về giai cấp đấu tranh và để ám chỉ rằng phong kiến quý tộc, tư bản là thuộc kẻ chiến thắng, kẻ mạnh, kẻ hoạt động nhất, quần chúng không bì kịp, không địch nổi, không thắng được.

Ngược lại, nếu ta trông thấy rằng nguồn gốc của sự xuất hiện giai cấp (tức của sự bóc lột và áp bức) là sự chiếm các tư liệu sản xuất làm tư hữu, là trình độ thấp kém của sự sản xuất thì:

* Nếu muốn thủ tiêu giai cấp, thủ tiêu bóc lột và áp bức, phải tước quyền chiếm hữu của bọn áp bức bóc lột.

* Phải phát triển sản xuất, mà sản xuất ngày nay đã tiến đến một mực cao, mực ấy đòi hỏi sự thủ tiêu giai cấp, thủ tiêu bóc lột.

2. Giai cấp chính và giai cấp phụ

Có nhiều người nghĩ một cách giản đơn rằng xã hội chia ra làm hai giai cấp, giai cấp giàu và giai cấp nghèo. Thực ra trong số người giàu có nhiều giai cấp, như địa chủ, tư bản; trong số người nghèo cũng có nhiều giai cấp; vô sản, nông dân, các lớp dưới của tiểu tư sản.

Không phải trong mỗi chế độ xã hội chỉ có hai giai cấp.

Trong mỗi chế độ xã hội có những giai cấp chính và những giai cấp phụ, hay trung gian. Chính là gì? Không phải nó đông hơn cả là chính; ở xứ ta tiểu tư sản đông hơn công nhân, nhưng tiểu tư sản không phải là giai cấp chính. Chính là chiếm địa vị quan trọng nhất trong một nền sản xuất nào đó. Ví dụ như trong chế độ phong kiến có hai giai cấp chính là phong kiến và nông dân, nhưng ngoài ra còn có những hạng người khác: thủ công, thương gia v.v. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa có hai giai cấp chính: giai cấp tư bản và giai cấp vô sản; nhưng ngoài ra còn có những giai cấp phụ hay trung gian khác: địa chủ, nông dân, tiểu tư sản ở thành thị.

Dầu là ở những nước tư bản phát triển rất cao như Đức, Anh, Mỹ cũng không phải chỉ có hai giai cấp: tư bản và vô sản, mà vẫn còn giai cấp phụ trung gian.

Marx và Engels viết:

Xã hội tư bản tân thời dựng trên tro tàn của xã hội phong kiến, không có thủ tiêu những mâu thuẩn giai cấp; nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức tranh đấu mới thế vào những cái cũ mà thôi.

Nhưng đc sắc của thời đại chúng ta, thời đại tư bản là đã làm cho mâu thuẫn giai cấp giản đơn bớt đi. Xã hội càng ngày càng chia ra làm hai phe lớn trái nghịch nhau, hai giai cấp trực tiếp thù địch: giai cấp tư bản và giai cấp vô sản.” 1

Giai cấp chính thương là những giai cấp sinh nở ra mới đó, nó tiêu biểu cho trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất và tương quan sản xuất. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa đó là vô sản và tư sản; bởi vì cơ sở kinh tế của chế độ này là công nghệ, mà tư bản là kẻ làm chủ các xí nghiệp, vốn liếng; còn vô sản là kẻ làm cho các xí nghiệp ấy chạy được, sản xuất được, không có vô sản thì không thể có tư bản.

Các giai cấp đều liên hệ với nhau, chớ không phải là những lớp người tách rời nhau. Liên hệ về sản xuất, phân phối; liên hệ về phương diện phân hóa. Tỉ dụ như giữa vô sản và tư bản có tiểu tư sản, nông dân; số đông của tiểu tư sản và nông dân thường bị bần cùng hóa phải trở thành vô sản; số người tiểu tư sản trở thành tư bản thì rất ít; cùng những số nông dân lao động trở thành phú nông, địa chủ thì thử đếm có mấy đầu người.

Tiểu tư sản ở thành thị gặp những hồi thịnh suy rất bất thường. Lúc kinh tế tư bản phát triển thì tiểu tư sản có phát triển, ví dụ như kỹ nghệ ô tô phát triển thì nhiều người mua bán phụ tùng, làm ga-ra, làm lò sơn, bán lẽ ét-xăng v.v. Nhưng khi tư bản chủ nghĩa gặp khủng hoảng kinh tế thì tiểu tư sản suy sụp trước, họ không đủ vốn liếng để chịu đựng. Ngày nay đế quốc suy tàn thì tiểu tư sản thành thị mất hy vọng, dễ đi về với giai cấp vô sản trên mặt trận đấu tranh chính trị chống tư bản, nhưng sự phản ứng tiểu tư sản thường có tính chất vô chính phủ, cá nhân, khủng bố nhất thời, dễ bị thất bại và thối chí, nếu không được giai cấp vô sản lãnh đạo.

Vì ở những xứ tư bản, số tiểu tư sản ở thành thị rất đông nên có những khi giai cấp vô sản không thu phục được họ thì bọn tư bản có thể lợi dụng họ mà chống lại với giai cấp vô sản, đánh bại giai cấp vô sản; đó là trường hợp Cách mạng tháng 2 năm 1818 ở Pháp hay trường hợp ở Đức khi phát xít Hitler lên cầm quyền. Ngược lại nếu giai cấp vô sản lãnh đạo đuợc thì phần thắng lợi của nhân dân đã cầm chắc trong căn bản. Giai cấp vô sản thu phục được các tầng lớp tiểu tư sản là khi nào mình tỏ ra thống nhất, mạnh, quả quyết, có đường lối rõ rệt, chỉ cho tiểu tư sản thấy rằng tương lai của họ không phải ở bên phía tư bản. Nó chỉ khi nào tiểu tư sản đi với giai cấp vô sản thì tiểu tư sản mới tránh khỏi những tai vạ của tư bản thường giao cho họ. Tư bản bần cùng hóa, vô sản hóa những người tiểu tư sản; ngược lại tiểu tư sản sẽ qua con đuờng hợp tác xã mà tiến về xã hội chủ nghĩa. Và xã hội chủ nghĩa ở Liên xô đã chứng minh rằng người công nhân, công chức sống một đời đầy đủ, hạnh phúc, chắc chắn hơn bất cứ ở tầng lớp tiểu tư sản nào trong chế độ tư bản đế quốc.

Trong cuộc Cách mạng dân chủ nhân dân ở Việt nam, tiểu tư sản là động lực Cách mạng sau công nhân và nông dân.

Ở thành thị còn phải nói đến hạng “vô sản áo rách” hạng “lưu manh”. Tư bản đế quốc sinh đẻ ra hạng người này. Họ nghèo, nghèo lắm; họ chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng họ không còn thuộc giai cấp vô sản bởi vì đó là những người đã tách rời với sự sản xuất rồi. Nã Phá Luân thứ III dùng bọn này để làm cuộc đảo chánh 1852; Hitler dùng bọn này để tổ chức các đội xung phong; giặc Pháp cố bần cùng hóa nhân dân ở thành thị, buộc họ vì miếng ăn mà vào nguỵ quân, rồi lưu manh hóa nguỵ quân đi để thực hiện các việc cướp bóc, càn quét, giết người v.v. Nhóm thằng Bảy Viễn, gọi là Bình Xuyên, nhóm Hòa Hảo là điển hình ở xứ ta của việc Chính quốc dùng lưu manh chống Cách mạng. Ngược lại Cách mạng dân chủ nhân dân thành công thì giáodục lại hạng ấy, đưa họ trở lại với lao động sản xuất, mà lao động sản xuất chính là những trường để dạy những người lưu manh trở về đường chính.

o0o

Ở Việt Nam chúng ta ngày nay, nông dân không phải là một giai cấp phụ. Song nói chung, trong chế đô tư bản chủ nghĩa thì nông dân thuộc giai cấp trung gian. Trong các giai cấp trung gian này, nông dân chiếm một địa vị đặc biệt quan trọng; bởi vì nông dân sản xuất sản phẩm cần yếu cho mọi người; bởi vì nông dân cho đến ngày nay vẫn còn là đa số nhân loại, là giai cấp đông đảo nhất ngay trong các xứ tư bản đế quốc trừ một vài nước thôi.

Nông dân lao động bị bóc lột rất tàn tệ. Địa chủ bóc lột bằng tô, tư bản bóc lột bằng mua rẻ bán đắt. Nông dân cũng bị áp bức như vô sản; họ là một lực lượng lớn. Nơi nào tư bản, địa chủ lợi dụng được nông dân, thì nơi ấy cách mạng của giai cấp vô sản không thành công được; ví dụ như hồi Paris Công xã, tư bản lợi dụng nông dân mà đánh bại cuộc cách mạng của vô sản. Nơi nào nông dân uất ức với phong kiến mà nổi lên một mình, không có vô sản lãnh đạo thì nơi ấy cách mạng của nông dân dù mạnh mấy cũng không thành, mà rốt cuộc lại chỉ thay thầy đổi chủ mà thôi, căn bản là bởi vì nông dân không đại diện cho một phương thức sản xuất mới. Trong sử ta chẳng những hồi cuộc khởi nghĩa Tây sơn, thế kỷ 18, ta mới thấy sức mạnh của nông dân, mà ngay hồi thế kỷ thứ 9 khi đấu tranh cho độc lập dân tộc căn bản không phải tại mưu mô của Lý Công Uẩn, của Trần Thủ Độ, mà chính các cuộc đấu tranh của nông dân đã làm nên nhà Tiền Lê, nhà Lý v.v. Song vì thiếu sự lãnh đạo của một giai cấp ở thành thị (lúc ấy chưa mọc) nên các cuộc đấu tranh của nông dân chỉ đi đến chỗ thay đổi triều đại mà thôi, chớ không thay đổi chế độ xã hội, không giải phóng được nông dân. Có những cuộc cách mạng phản phong trước kia có nông dân tham gia dưới sự lãnh đạo của tư sản như ở Pháp hồi 1789-93, một phần nhỏ nông dân được thỏa mãn về đất đai nhưng đến ngày nay thì chỉ còn có giai cấp vô sản mới có chủ trương chia đất cho dân cày; và đã thực hiện triệt để (Liên xô, các nước dân chủ nhân dân). Vì thế mà nông dân khắng khít với vô sản; vì thế mà nông dân đi theo con đường của giai cấp vô sản chớ không theo đường của giai cấp tư bản.

3. Tâm lý giai cấp, quyền lợi giai cấp, giác ngộ giai cấp

Tâm lý giai cấp

Mỗi giai cấp có tâm lý riêng của nó, sống kiểu nào thì cảm xúc và tư tưởng thế ấy, tâm lý giai cấp cũng tùy theo thời kỳ phát triển của giai cấp, tuỳ theo tình hình giai cấp  đấu tranh, tùy theo quyền lợi. Lấy tỉ dụ như địa chủ phong kiến thì hống hách, khinh người “coi mạng người dân như kiến cỏ, gian ác ngoan cố, rất thủ cựu. Nhưng đối với đế quốc thì chúng nó đến uốn lưng chống gối.” Trải bao năm nô lệ, trải bao năm kháng chiến và nhất là trong cuộc phát động quần chúng tâm lý ấy biểu lộ rõ rệt lúc đầu hay ngó bề ngoài thì thấy như là địa chủ Việt nam không đến đỗi gian ác như địa chủ Trung quốc. Phát động quần chúng lên rồi thì vô số những vụ tàn bạo đã làm cho câu chuyện Bạch mao nữ hóa ra còn kém phần bi kịch. Bọn địa chủ xa lao động sống trên lưng cổ nhân dân, sống trong nách của đế quốc, làm quan lang cho đế quốc, không thể không có tâm lý phi nhân, phản trắc, gian ác như đã nói.

Giai cấp tư sản Việt nam “tiên thiên bất túc, hậu thiên bất nghi”, sinh ra dưới ách đế quốc, trong lúc vô sản và nông dân đấu tranh, thế lực kinh tế kém cỏi, cạnh tranh lẫn nhau nên không khỏi có tâm lý tự tư tự lợi; nhưng rụt rè không ưa gì đế quốc mà ngại quần chúng công nông, thiếu tự tin, dễ dao động. Trong thời thực dân nó hướng về cải lương hơn là cách mạng; cách mạng thắng lợi có thể phát huy được ít nhiều tích cực tính của tư sản dân tộc. Là  giai cấp tư sản ở một xứ trước đây là thuộc địa mà không có mấy tâm lý thù hằn giai cấp như tư sản các xứ đế quốc ít oi thủ cựu hơn và và có thể đi một đoạn đường với giai cấp công nông trong công nghiệp phản phong phản đế. Trong xứ ta sẽ có một phần số khá đông của tư sản vì kinh nghiệm chính trị quốc gia và quốc tế nên xu về với cách mạng, với xã hội chỉ nghĩa. Tiểu tư sản có nhiều hạng, mỗi hạng có tâm lý khác nhau ở đây kẻ địch trỏ tâm hồn họ là cá nhân chủ nghĩa, anh hùng chủ nghĩa dễ bộc phát dễ chán nản kém kỹ luật.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản thì tiểu tư sản nhất là trí thức có thể caỉ tạo tâm hồn mình và kiên trì chiến đấu, nhận thức kỹ luật, học tập đoàn thể tính, bài trừ óc tự lợi, địa vị, anh hùng cá nhân. Do đó mà khả năng cách mạng được phát huy lên mạnh.

Phú nông thì muốn trở thành địa chủ, địa chủ mạnh thì xu theo; địa chủ thất thế, thì xu về nông dân lao động, nhưng dao động. Trung nông ở xứ như xứ ta thì bao giờ cũng tán dương cách mạng, tham gia cách mạng với bần cố nông, nhưng lẽ dĩ nhiên là ít nhiều kém kiên trì quả quyết hơn bần cố nông. Chưa được phát động thì bần cố nông có nhiều lúc rụt rè, tự ty; được phát động lên thì bần cố nông cương quyết, sáng suốt, tận tụy vô cùng, có khả năng vô tận. Cái mà nhiều người gọi là tính hẹp hòi của bần cố nông, phần lớn chính thực ra là tâm lý giai cấp, ý thức giai cấp của họ đối với các giai cấp địch.

Giai cấp vô sản là một giai cấp mới; mới vì nó xuất hiện với chế độ tư bản chủ nghĩa; mới vì tâm lý nguyện vọng của nó khác hẳn các giai cấp xưa nay đã có. Trụ cột của nó là khối công nhân kỹ nghệ làm ăn tập trung, với máy móc. Làm ăn tập trung, có phân công chỉ lối, người công nhân tự nhiên có tâm lý đoàn thể, óc tổ chức, tính công cộng hơn nông dân, hơn bất cứ giai cấp nào. Chỉ có hai bàn tay trắng, với cách mạng, họ không mất gì mà được cả một thế giới; nên công nhân không có óc thủ cựu, mà có óc tiến bộ, rộng rãi, cương quyết. Họ làm ra đa số nhu yếu phẩm cho loài người, họ tin tưởng vào khả năng sáng tạo của họ. Vô sản các nước nhất thiết không có gì cạnh tranh nhau nên tinh thần quốc tế của họ sâu sắc cũng như tinh thần ái quốc của họ rất cao quý. Chính tinh thần quốc tế đó càng tăng sức mạnh cho vô sản. Tuy nhiên, giai cấp vô sản không phải là một giai cấp “cửa đóng”; có nhiều tiểu tư sản, nông dân vừa bị vô sản hóa, đem tâm lý, đầu óc phi vô sản vào trong giai cấp vô sản. Lại có một số đông phân lượng to gồm chủ, tiểu tư sản hóa ở các nước đế quốc, đám này là cơ sở xã hội của các đảng xã hội đệ nhị quốc tế; đế quốc đến lúc tổng khủng hoảng thì lớp người này giảm đi, cơ sở xã hội của bọn cải lương lần lần tan đi.

Tình thế chính trị, kinh tế có sức biến cải tâm lý giai cấp. Đối với địa chủ phong kiến thì “đánh chết nó không chừa”. Tư sản dân tộc ta thừa nhận quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, thì có phần ý nghĩa rằng nó không giống hẳn với tư sản ở xứ đế quốc về mặt tâm trạng của nó đối với xã hội chủ nghĩa, đối với công nhân nông dân lao động ở trong thời đại của xã hội chủ nghĩa toàn thắng ở Liên xô, họ lại được đất nhờ vô sản lãnh đạo, tất nhiện là không có tâm lý bo bo giữ mãi miếng đất nhỏ của mình, trái lại, qua tháng hữu nghị Việt-Trung-Xô, thấy họ rất thèm muốn nông trường công cộng. Ngay việc cải cách ruộng đất, làm cho bần nông hóa trung nông, trung nông ấy đã khác với trung nông cũ, lại có sức biến cải trung nông cũ theo hướng tốt nhất.

Quyền lợi giai cấp

Có kẻ trách hay phê bình rằng người Cộng sản lúc nào cũng nói đến quyền lợi, nhất là quyền lợi giai cấp “hẹp hòi”, mà không vượt qua quyền lợi ấy để đi đến “tư tưởng siêu việt”, đến “lý tưởng cao quý”.

Trách như thế là sai. Phê bình như thế là không đúng. Vì thực tế, mỗi giai cấp có quyền lợi giai cấp của nó và công nông có nhận thức rõ quyền lợi giai cấp của mình thì mới nhận thức đúng quyền lợi dân tộc, mới có đúng tư tưởng nhân loại, quốc tế cao siêu. Ngoài đường ấy, ngoài cách ấy, thì lý tưởng siêu việt nào cũng là không tưởng và có hại.

Suốt hàng ngàn năm, bọn phong kiến không hề viết, nói, dạy đến quyền lợi giai cấp, chính đó là nó bênh vực quyền lợi giai cấp của nó, nó không muốn cho quần chúng, nhất là nông dân biết quyền lợi giai cấp riêng của họ. Bởi vì quyền lợi giai cấp của địa chủ và quyền lợi giai cấp của nông dân tuyệt đối mâu thuẫn với nhau. Tá điền có nghèo thì chủ điền mới giàu. Quyền lợi bên này là giảm tô chia đất, quyền lợi bên kia là mở rộng điền ấp, tăng tô. Chính vì bênh vực lợi quyền giai cấp hẹp hòi của nó mà nó liên hiệp với đế quốc. Ngay mỗi việc thường thường của nó đều có dụng ý bênh vực lợi quyền giai cấp của nó; tỷ dụ: gả con gái cho cán bộ, hiến một ít điền xương xóc v.v. Một người bần nông kể lại rằng, hồi trước cách mạng, các chị các anh không dám lấp ló ở đình vì sợ những hung thần, rồng cọp vẽ hay sơn ở cửa vách, ở nóc đình. Những con thú, ông thần đó dường như là hộ vệ cho bọn cường hào mà đình là nơi tụ họp của chúng.

Vô số chuyện khác nói cũng thế cả.

Nói đến quyền lợi của tư bản và vô sản cũng thế. Trong giai cấp tư sản Việt nam chẳng hạn, ta phải biết lợi quyền giai cấp của từng hạng để hiểu rõ thái độ chính trị của họ và để định rõ thái độ của ta chớ không thể định một cách lông bông, vô căn cứ. Tỷ dụ: có hạng tư sản tay sai cho đế quốc, đại lý cho đế quốc, nó sống nhờ đế quốc, quyền lợi giai cấp của nó dính chặt với quyền lợi đế quốc. Vì thế nó phản cách mạng, nó theo đế quốc, nó là đối tượng của cách mạng, đó là tư sản mại bản. Còn quyền lợi giai cấp của tư sản dân tộc bị đế quốc chèn ép, không cho phát triển công nghệ, ngăn trở thương mãi v.v. nên tư sản dân tộc có khả năng chống đế quốc. Vì thế nên trong giai đoạn phản phong và phản đế của cách mạng, tư sản dân tộc có thể đi một hướng với công nông và tiểu tư sản.

Đối với nông dân, phải biết quyền lợi giai cấp của nông dân ở đâu mới có thể thỏa mãn nguyện vọng của nông dân và do đó mà phát huy được khả năng cách mạng của nông dân: giảm tô, tức, chia đất của đế quốc và địa chủ, miễn thuế cho người thật nghèo v.v. Thỏa mãn quyền lợi của nông dân, của đại đa số thì không thể không đụng chạm đến, không thể không phá vỡ quyền lợi của địa chủ, của tối thiểu số. Chúng ta càng phải chú ý đến quan niệm về quyền lợi để mà biết ai là kẻ thiệt thòi nhất trong xã hội để căn cứ vào họ, đi đến họ, phát động họ lên, đưa họ vào đường cách mạng; nếu chỉ dựa vào những kẻ nói giỏi về lý luận cách mạng thì cách mạng không thành, nếu dựa được vào những ai thiệt thòi nhất thì cách mạng mới thật có người làm và làm thành công. Vì thế mà có cán bộ thăm nghèo hỏi khổ, vì thế mà tìm được rễ tốt, phát động được quần chúng. Vì thế mà ở thôn quê, cách mạng căn cứ hẳn vào bần cố nông, ở thành thị, cách mạng trông cậy nhất vào vô sản.

Có điều đáng chú ý nhất là quyền lợi giai cấp của công nông chính là quyền lợi quốc gia dân tộc, quyền lợi của loài người, của con người nói chung. Đánh đổ địa chủ (quyền lợi nông dân) là đánh thẳng vào đế quốc, giải phóng dân tộc quốc gia. Xây dựng xã hội chủ nghĩa (quyền lợi vô sản) là vĩnh viễn bảo đảm cho nước nhà được độc lập (quyền lợi dân tộc). Ngược lại, quyền lợi của địa chủ, tư sản mại bản là phản dân tộc, phản quốc gia.

Vì thế mà người ta thường nói rằng giai cấp vô sản là giai cấp có tính dân tộc quốc gia sâu rộng. Xưa nay, trong lịch sử loài người, đối với chủ nô, phong kiến, tư bản, quyền lợi giai cấp của chúng là kìm hãm các giai cấp khác, kìm hãm đa số nhân dân dưới ách của nó. Trái lại, đối với giai cấp vô sản thì muốn giải phóng mình thì giai cấp vô sản phải giải phóng đa số quần chúng, thủ tiêu  giai cấp, giải phóng cả nhân dân. Đó là một điều mới, rất quan trọng, cần hiểu một cách thấu triệt.

Cho nên, quyền lợi giai cấp của vô sản không có gì là eo hẹp mà chính đó là tư tưởng nhân đạo nhất, cao siêu nhất mà cũng là thực tế nhất.

Giác ngộ giai cấp

Giai cấp và giai cấp mâu thuẫn là một thực tế. Quyền lợi giai cấp, quyền lợi mâu thuẫn giữa lao tư, giữa chủ tớ là sự thực không chối cãi được.

Thế nhưng không phải là hễ thuộc vào nông dân thì tức khắc hiểu biết, giác ngộ quyền lợi giai cấp của nông dân đâu; hay thuộc vào vô sản thì tự nhiên có ý thức về quyền lợi giai cấp của vô sản đâu.

Giác ngộ giai cấp là thấy mình gắn bó với kẻ đồng lao cộng khổ như mình, là nhận thức được quyền lợi của mình trong quyền lợi chung của giai cấp mình, thấy quyền lợi tạm thời trong quyền lợi lâu dài, nhận định được triển vọng của giai cấp mình, nhân đó mà nhận định được nhiệm vụ của bản thân mình, dấn thân vào cuộc đấu tranh có ý thức, có tổ chức.

Phong kiến tư bản muốn cho nông dân, công nhân, quần chúng mê muội, không giác ngộ quyền lợi giai cấp, cho nên chúng nó bày và dùng các loại mê tín, luân lý, triết lý. Cho nên có đông nông dân tưởng mình nghèo vì số, vì mồ mả, vì tiền căn… Vì vậy mà cán bộ phải biết giải thích cho nông dân vì đâu mà khổ. Đối với công nhân cũng thế, cả đối với trí thức tiểu tư sản cũng thế. Có người làm công, mướn đất lại tưởng đâu chủ nuôi mình; họ chưa giác ngộ giai cấp, cho nên cán bộ phải biết giải thích cho họ rõ: ai nuôi ai? Thực sự thì nếu không có tá điền thì chủ điền lượm cỏ mà ăn, nhưng không có chủ điền thì tá điền hết khổ, sống sung túc. Xã hội ngày nay không cần có địa chủ, rồi không cần có tư bản, mà sự sản xuất đã không ngừng, lại tăng tiến vô cùng.

Thiếu gì người trí thức chưa giác ngộ tưởng đâu cầm bút, đi, giày, thắt cà vạt, lương tháng với thằng Tây là sướng rồi, là sang rồi, gợi quyền lợi họ ra, họ tố khổ việc đế quốc áp bức, bóc lột, nhồi sọ họ thế nào, thì họ mới hay rằng bọn họ là công, là nhân dân nuôi họ, họ phải hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân.

Nói một cách khác hơn, một người bị bóc lột áp bức, chưa ắt đã có ngay ý thức rằng mình bị bóc lột áp bức, một giai cấp đã thành hình, chưa ắt đã có ý thức giai cấp của mình. Cần phải có một quá trình chiến đấu, giáo dục trong chiến đấu, kinh nghiệm trong chiến đấu.

Danh từ xã hội học gọi giai cấp chưa giác ngộ là “giai cấp tự nó”, mà hiện tượng là: ví dụ như công nhân thì không tổ chức, rời rạc, mà có tổ chức thì tổ chức theo phường hội, nghề này chống nghề kia mà không chống chủ, tổ chức theo tôn giáo, đạo này chống đạo kia mà không chống nhà nước, chưa có chính đảng của mình, chưa có đoàn thể quần chúng của mình.

Danh từ xã hội học cũng gọi giai cấp đã giác ngộ là “giai cấp cho nó”, hiện tượng là: có chính đảng giai cấp của mình, có đoàn thể quần chúng của mình, đấu tranh có tổ chức chống giai cấp địch, chống nhà nước của bọn bóc lột, biết giải phóng bằng cách nào.

Giai cấp nào cũng thế, đều bắt đầu từ chỗ “tự nó” đi đến “cho nó”, từ chưa có ý thức giai cấp đến giác ngộ giai cấp. Tỷ dụ như giai cấp vô sản Việt nam từ đầu thế kỷ 20, nhất là từ thế giới chiến tranh lần thứ nhất đến thành hình và phát triển, từ đó đã có càng năm càng nhiều các cuộc bãi công; càng nhiều người tham gia bãi công mãi đến 1929-1930 mới có xuất hiện công đoàn cách mạng, đảng Cộng sản, thì khi ấy giai cấp vô sản chứng thực rằng nó đã thành giai cấp “cho nó”, có giác ngộ giai cấp và càng ngày càng rõ vô sản giác ngộ lại càng đông đảo xung quanh Đảng. Đảng biểu hiện cho ý thức giai cấp. Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến những điều sau đây:

Muốn đưa một công nhân, nông dân đến giác ngộ giai cấp thì trước tiên cần làm cho họ có ý thức về quyền lợi bản thân của họ, vì điều đó là điều  mà họ dễ hiểu nhất, thiết thân nhất cho họ rồi đưa đến chỗ căm thù những kẻ áp bức bóc lột họ, có như thế, sau mới có thể đưa đến chỗ nhận thấy quyền lợi chung của toàn thể những người đồng giai cấp và căm thù cả giai cấp bóc lột, áp bức. Ý thức đi từ cảm tính đến lý tính do từ cá nhân đến tập thể, từ cục bộ đến toàn diện. Y thức giai cấp tăng gấp bội sức mạnh của mỗi người, tăng gấp bội sức mạnh của giai cấp. Ta đã thấy lâu nay bộ đội ta, đại đa số là nông dân, chưa phát động ý thức giai cấp thì họ đánh giặc khỏe như trâu non, phát động ý thức giai cấp thì họ đánh giặc khỏe như hổ xám. Nhưng không phải chỉ có tuyên truyền mà giác ngộ đầy đủ, còn có tranh đấu thì giác ngộ mới sâu sắc, mà tranh đấu có tổ chức là biểu chứng của sự giác ngộ.

- Vấn đề giác ngộ cho tiểu tư sản, đồng minh của vô sản không phải là vấn đề làm cho họ có ý thức tiểu tư sản mà chính là làm cho tiểu tư sản nhận thấy rằng họ cần thu nhận lấy ý thức vô sản. Thường thường một đảng tiểu tư sản hay biến thành đảng tư sản nếu thiếu sự lãnh đạo của vô sản. Nói chung, tiểu tư sản  không có ý thức giai cấp độc lập mà hay thu nhận lấy ý thức tư sản hay vô sản, và khi họ thu nhận ý thức giai cấp tư sản thì họ phản lại tiểu tư sản nhưng nếu họ thu nhận ý thức giai cấp vô sản thì đó là họ bênh vực quyền lợi lâu dài của bản thân họ.

Luận về sự giác ngộ về lý thuyết của một phần trí thức Marx và Engels có viết:

Cũng như ngày xưa, một phần giai cấp phong kiến đứng về phe tư sản, thì ngày nay một phần tư sản đứng về phe vô sản và thứ nhất là các bộ phận những nhà tư tưởng giác ngộ bằng lý thuyết về toàn cuộc của phong trào lịch sử.” 1

- Rốt cùng chúng ta không nên xem nhẹ ý thức giai cấp của địch. Có người tưởng rằng ví dụ như địa chủ Việt nam, chẳng hạn, nó rời rạc, ít ỏi, kém tổ chức, hễ ta đánh là nó ngã chết ngay. Sự thực có khác: nó là một giai cấp thống trị hàng ngàn năm, ý thức sâu kinh nghiệm nhiều, mọi hành động của chúng đều có ý thức giai cấp cả. Từ sự lập chính phủ bù nhìn chỉ điểm oanh tạc đê điều, tới việc tổ chức đạo (Hòa Hảo, Cao Đài...) hay việc mua chuộc cán bộ giả nghĩa... Khi đã đấu nó xong, khi đã tịch thu tài sản của nó, chưa phải là ý thức giai cấp nó tiêu tán đi đâu. Ý thức ấy còn tồn tại lâu dài và bằng thiên phương bách kế nó tiếp tục phá hoại. Cho nên cách mạng phải luôn luôn cảnh giác. Ta cứ xem như sau cách mạng tháng 10 đã 25 năm, khi quân Hitler xâm chiếm, tư sản phú nông cũ trồi đầu lên để cộng tác với giặc thì biết rằng ý thức giai cấp của địch hãy còn tồn tại lâu sau khi cơ sở kinh tế của nó đã tan rồi. Nội cái việc đế quốc tư bản còn ở bên cạnh đã là một điều kiện kéo dài ý thức giai cấp của đối tượng cách mạng sau khi chúng bị đánh đổ về chính trị và kinh tế. Cho nên: không ngớt nâng cao ý thức giai cấp của quần chúng công nông và không ngớt cảnh giác với ý thức giai cấp của những đối tượng cách mạng.

 



1 Mác, Thư gửi cho J. Weydemeyer, 1852

1 Tuyên ngôn Cộng sản

1 Tuyên ngôn cộng sản

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt