Chủ nghĩa Marx

Marcuse và chủ nghĩa Marx của Mỹ

 

MARCUSE VÀ CHỦ NGHĨA MARX CỦA MỸ

 

WILLIAM MCBRIDE

VIỄN PHỐ dịch

 

Dựa trên 2 chủ đề của Đại hội Triết học Thế giới tại Athens năm 1913, tức là lý luận phê phán của trường phái Frankfurt và chủ nghĩa Marx của nước Mỹ, tôi muốn làm cái công việc liên kết, nhớ lại và đánh giá một cách lịch sử một nhà tư tưởng của trường phái Frankfurt, một phần nguyên nhân ở đây là ở chỗ sau chiến tranh ông không quay về Đức sinh sống, mà lại có ảnh hưởng khá lớn đối với chủ nghĩa Marx của Mỹ. Ông chính là Herbert Marcuse.

Chuyện cũ

Trong những năm tháng tại Yale, tôi đã có mấy lần tiếp xúc với Marcuse đáng để hồi tưởng lại. Lần thứ nhất diễn ra vào năm 1963 – 1964 khi tôi hoàn thành luận văn tiến sĩ nghiên cứu so sánh về cách mạng. Lúc này Marcuse sắp kết thúc việc giảng dạy tại Đại học Brandeis, tôi là một nhân viên làm việc tại Câu lạc bộ Triết học Nghiên cứu sinh, chịu trách nhiệm liên hệ với Marcuse, thu xếp để ông giảng bài cho nghiên cứu sinh. Tháng 1 năm 1964, đúng vào tuần mà tôi sắp xếp việc giảng dạy cho ông, cuốn Con người đơn diện của ông xuất bản. Trong khi lên lớp, Marcuse đã bàn rất sâu sắc rằng, trong số tất cả các tác phẩm của Marx, ông cảm thấy thích thú nhất phần miêu tả trong Bản thảo triết học kinh tế năm 1844 về xã hội tương lai, trong xã hội đó, ý nghĩa của con người với tính cách con người là hoàn toàn khác với xã hội ngày nay, nói gọn lại, đời sống ở tầng thẩm mỹ sẽ tự bộc lộ ra.

Lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng tôi tiếp xúc với Marcuse diễn ra vào mùa thu năm 1968, lúc đó tôi là giáo sư tại Yale. Mùa xuân năm 1968, phong trào sinh viên từ Paris lan sang nhiều nước thuộc thế giới phương Tây. Lúc bấy giờ Tổ chức Giáo dục Khoa học Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) có mở một hội thảo khoa học để kỷ niệm 100 năm xuất bản tập đầu bộ Tư bản của Marx, trong số khách được mời tham luận có Mihailo Markovic và Marcuse. Hoạt động chống đối của sinh viên Pháp diễn ra đúng vào thời gian hội thảo, Daniel Cohn-Bendit, người lãnh đạo hoạt động chống đối giữ quan điểm marxist phi chính thống gắn với kiến giải của Marcuse, và trong thực tế trước đây anh ta đã từng gặp Marcuse, như vậy tên tuổi của Marcuse liền gắn liền với phong trào chống đối. Sau khi trở về Yale, mùa hè năm ấy một số người trong Khoa Triết học chúng tôi mở một chương trình giảng dạy về cách mạng. Bài giảng của Marcuse được xếp cuối cùng. Sau khi bài giảng kết thúc, tại nhà khách của trường nơi tối hôm ấy Marcuse lưu lại ông bị những sinh viên đầy lòng ngưỡng mộ vây kín. Xin lưu ý, từ “ngưỡng mộ” dùng ở nơi đây rất xác đáng. Một đồng nghiệp ở Khoa Triết học lớn tuổi hơn tôi hơi có vẻ không tán thành trước không khí lúc bấy giờ, xui tôi đến căn phòng mà Marcuse đang ngồi đặt ra cho ông mấy vấn đề nghiêm túc. Tôi gắng gượng đồng ý, nhưng khi tôi đang sắp sửa tới gần ông thì nghe thấy có một sinh viên hỏi bằng một giọng ngây thơ và rụt rè: “Thưa giáo sư Marcuse, trong cách mạng có chỗ cho chúa không ạ?” Nghe tới đây, tôi cảm thấy đi vào cái vòng này thì vô phương cứu vãn. Đây cũng là lần cuối cùng tôi thấy Herbert Marcuse. Nhưng trong vòng 10 năm sau đó ông vẫn sống khỏe mạnh và trước sau vẫn liên hệ với phong trào chống đối năm 1968, mà trong ngữ cảnh kết luận bi quan của tác phẩm năm 1964 ấy của ông thì phong trào này dường như không thể nào thành công.

Trong loạt bài giảng về triết học Mỹ, tôi đề cập đến một thực tế: do chịu sự áp chế và đe dọa của không khí chống cộng ở Mỹ lúc bấy giờ, trong Dục tính và văn minh, một tác phẩm phê phán Freud mà Marcuse công bố cùng thời kỳ, tuy tư tưởng của Marx đóng vai trò quan trọng nhưng ông không hề một lần nhắc đến tên Marx. Năm 1968, hứng thú nghiên cứu của các học giả về tư tưởng Marx đã thể hiện trên nhiều mặt triết học, chính trị học, xã hội học… Không thể giản đơn lý giải nguyên nhân làm nẩy sinh hứng thú này theo nghĩa “hiểu kẻ thù của bạn” mà phái phản động chủ trương. Trong thời kỳ đầu của cuộc sống nghề nghiệp, tôi cũng trưởng thành lên từ phong trào này. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho hứng thú nghiên cứu này dâng cao: cục diện chính trị quốc tế biến đổi, Liên Xô và Trung Quốc trỗi dậy và đặt chủ nghĩa Marx làm tư tưởng chính thống; các nước Tây Âu đề cao nhận thức về tầm quan trọng của chủ nghĩa cộng sản và giai cấp công nhân, tư tưởng Marx và học giả; sự lưu hành rộng rãi bản dịch các bản thảo của Marx mà trước đây ít người biết đến, thông qua việc đọc các bản thảo có thể hiểu tư tưởng của Marx, không chỉ giới hạn ở Tư bản mà còn ở nhiều tác phẩm khác. Cho nên trước đây tôi nói, bản thân Marcuse có hứng thú nồng hậu với tác phẩm của Marx và ở mức độ nhất định điều đó đã làm cho hứng thú nghiên cứu về tư tưởng của Marx dâng cao. Nhưng nếu khẳng định rằng Marcuse là khởi nguồn của hình thế phát triển này thì có phần không công bằng, bởi trong Dục tính và văn minh ông không hề nhắc đến Marx.

Hồi tưởng

Trước khi chính thức đánh giá ảnh hưởng của tư tưởng Marcuse đối với chủ nghĩa Marx của Mỹ, tôi muốn hồi cố giản lược đôi chút về tư tưởng Marcuse. Khi còn đi học, tôi đã lần đầu tiên đọc tác phẩm Lý tính và cách mạng: Hegel và sự hưng khởi của lý luận xã hội của ông. Cuốn sách này được viết khi ông ở Đức, được coi là sự giải thích mở rộng của ông về tồn tại luận của Hegel. Về sau tôi được biết, ông đã từng cộng tác với Husserl, Heidegger, và tư tưởng triết học thời kỳ đầu của ông đã đụng chạm đến hiện tượng luận của Heidegger. Nhưng cuốn Lý tính và cách mạng: Hegel và sự hưng khởi của lý luận xã hội ủng hộ hiện tượng luận của Hegel chứ không phải của Husserl. Tôi cho rằng, trong cuốn sách này, Marcuse đã giải thích khả năng hiện tượng luận tinh thần của Hegel có lợi cho việc xúc tiến cách mạng, đặc biệt chú trọng phép biện chứng của bản chất cách mạng bên trong. Dù tôi cho rằng một đoạn trong sách này của Marcuse phân tích về nguyên lý triết học pháp quyền của Hegel ở mức độ nhất định đã làm suy yếu lập luận của ông xác định Hegel là nhà tư tưởng có tinh thần cách mạng, nhưng qua cách giải thích của ông về hiện tượng luận có thể nhận thấy sự chuyển biến tư tưởng của Marcuse từ Hegel bảo thủ chính trị tới Marx nhà tiên phong của tư tưởng cách mạng. Chương cuối cùng của cuốn sách này kết thúc bằng một đoạn trích dẫn Smith, và nêu rằng khi Hitler leo lên đỉnh cao quyền lực thì Hegel đã chết. Đối với việc nghiên cứu Smith mới phục hưng gần đây, điều này rất có ý nghĩa.

Đối với Tình thú và văn minh, tôi chỉ nhấn mạnh đây là một tác phẩm có cách nghĩ lạc quan, thậm chí là theo kiểu không tưởng. Trong sách, Marcuse dựng nên một xã hội tương lai không có áp bức, không có giai cấp, không có hạn chế giới tính, chỉ có các loại tán đồng đời sống loài người. Còn có một cuốn sách tôi cho là rất đáng đọc, nó được xuất bản sớm hơn Con người đơn diện – đó là Chủ nghĩa Marx của Liên Xô – Một phân tích phê phán. Lúc bấy giờ những người bảo vệ chủ nghĩa Marx của Liên Xô phê phán cuốn sách này là quá tiêu cực, còn những người ủng hộ dân chủ tự do phương Tây thì lại cho rằng tinh thần phê phán của cuốn sách này không đủ.

Trong Con người đơn diện, thông qua sự phê phán sắc bén và sự phản tư căn bản đối với chủ nghĩa tư bản tiêu dùng, Marcuse đã làm cho danh tiếng của mình lan truyền rộng rãi. Đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, những người phản chiến và những người chống chủ nghĩa hưởng lạc tức là “giải siêu phàm hóa kiểu áp chế” mà Marcuse nói) đã nhất trí tôn Marcuse là người đề xướng cách mạng kiệt xuất. Thứ cách mạng này không phải là bề ngoài, mà là thứ biến cách xã hội có hình thức vũ trang và ý nghĩa sâu xa. Có thể nói, trong lĩnh vực nào đó, tư tưởng Marcuse có tính khởi xướng, bởi xét từ giác độ lịch sử, ông đã nêu ra rất nhiều quan điểm và hiện tượng mà vào lúc Marx sống không tồn tại. Như đối với công nghiệp quảng cáo, sự trình bày không tồn tại trong thời Marx, bị giai cấp thống trị khống chế và dùng để tạo ra những nhu cầu giả này là một thí dụ rất tốt. Nhưng, không nghi ngờ gì là, ít nhất là nhìn từ cấp độ giải mã mỹ học của Marcuse về Marx, Marx là người khơi gợi tư tưởng của Marcuse. Vì vậy, đối với những người marxist Mỹ và những người trí thức Mỹ không phải marxist nhưng mang tư tưởng tiến bộ, tư tưởng của Herbert Marcuse tuyệt đối ở vào địa vị hạt nhân trong thế giới những người sống cuối những năm 60 đầu những năm 70 của thế kỷ XX.

 


Nguồn: TN 2014 – 52 | Bản điện tử: https://caphesach.wordpress.com

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt