Chủ nghĩa Marx

Những bức thư trong "Deutsch-Französische Jahrbücher

 

NHỮNG BỨC THƯ TRONG

"DEUTSCH-FRANZÖSISCHE JAHRBÜCHER"[1]

CÁC MÁC (1818-1883)

 


Các Mác, “Những bức thư trong "Deutsch-Französische Jahrbücher", trong Các Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 509-524.


 

M. gửi R.1*

Trên tàu kéo , dọc đường đi Đ...
tháng Ba 1843

 

Hiện giờ tôi đang du lịch ở Hà Lan. Xét theo báo chí ở đây và ở Pháp thì nước Đức đã lún sâu xuống bùn và đang ngày càng lún sâu hơn. Bạn hãy tin rằng, cả đến kẻ ít cảm thấy tự hào dân tộc nhất cũng không thể không lấy đó làm điều quốc sỉ-  ngay cả khi sống ở Hà Lan. Một người Hà Lan bé nhỏ nhất vẫn là một công dân so với một người Đức vĩ đại nhất. Lại còn những lời phê phán của người nước ngoài đối với Chính phủ Phổ! Về mặt này thì đâu cũng có sự nhất trí đến kinh khủng, không ai còn tự lừa dối được nữa về cái hệ thống Phổ và bản chất giản đơn của nó. Nghĩa là, trường học mới dẫu sao cũng đã mang lại một lợi ích nào đấy. Tấm áo choàng lộng lẫy của chủ nghĩa tự do đã tụt khỏi vai, và chủ nghĩa chuyên chế kinh tởm nhất đã lộ nguyên hình trước toàn thế giới.

Đấy cũng là một khải thị, tuy theo ý nghĩa ngược lại. Đây là một sự thật ít ra cũng phơi trần trước mắt chúng ta sự trống rỗng của chủ nghĩa yêu nước của chúng ta, cái thân hình quái dị của chế độ nhà nước chúng ta và buộc chúng ta phải che mặt lại vì xấu hổ. Bạn nhìn tôi mỉm c­ười và hỏi: thế thì ích gì? Không phải vì xấu hổ mà người ta làm cách mạng. Còn tôi, tôi trả lời: xấu hổ đã là một loại cách mạng; xấu hổ, thật vậy, là thắng lợi của cách mạng Pháp đối với chủ nghĩa yêu nước Đức là chủ nghĩa yêu nước đã đánh bại cách mạng Pháp năm 1813. Xấu hổ là một loại nổi giận, nhưng chỉ h­ướng vào bên trong. Và nếu như­ cả một dân tộc thực sự cảm thấy xấu hổ thì nó sẽ giống nh­ư con s­ư tử thu mình lại để chuẩn bị nhảy. Thực ra, ở Đức thậm chí đến xấu hổ người ta cũng còn chư­a cảm thấy; ngược lại, những con người đáng thư­ơng hại này vẫn cứ là những người yêu nước. Nhưng còn có một chế độ nào có thể bẩy chủ nghĩa yêu nước ra khỏi con người họ như­ cái chế độ lố bịch này của chàng hiệp sĩ mới xuất đầu lộ diệna, hay không? Tấn hài kịch mà chủ nghĩa chuyên chế đang dùng để giễu cợt chúng ta cũng nguy hiểm cho nó giống nh­ư tấn bi kịch đã gây nguy hiểm cho dòng họ Xtiu-át và Buốc-bông lúc bấy giờ. Và nếu thậm chí còn lâu người ta mới hiểu được tấn hài kịch này thực ra là cái gì, thì nó cũng vẫn sẽ là một cuộc cách mạng theo một ý nghĩa nào đó. Nhà nước là một cái quá to lớn để có thể biến nó thành một trò hề. Con tàu, đầy những thằng ngốc, hẳn có thể một thời gian phó mặc cho gió, nhưng chắc chắn nó sẽ trôi thẳng tới số phận không tránh khỏi của nó, chính bởi vì những thằng ngốc vẫn không ngờ tới điều đó. Và cái số phận này là cuộc cách mạng đang đứng trước mắt chúng ta.


 

M. gửi R.2*

                                                      Khuên, tháng Năm 1843

Bức thư­ của bạn, hỡi bạn thân mến của tôi, là một khúc bi ca rất hay, một điệu kèn đư­a ma làm não nuột lòng người; song trong đó tuyệt nhiên không có gì là chính trị cả. Không có dân tộc nào lại rơi vào tuyệt vọng, và dù cho chỉ vì ngu xuẩn mà trong một thời gian dài nó đặt hy vọng vào một cái gì đó, nhưng rồi đến một lúc, sau nhiều năm tháng, nó sẽ đột nhiên trở nên tinh khôn và sẽ thực hiện những ước vọng tốt đẹp của mình.

Tuy vậy, bạn cũng làm cho tôi buồn lây, đề tài của bạn ch­ưa khai thác hết, tôi muốn thêm vào đó phần kết, và khi tất cả đã hoàn thành thì bạn hãy chìa tay cho tôi để làm lại tất cả từ đầu. Chúng ta hãy để người chết mai táng và khóc than tử thi của họ. Mà đáng thèm khát là cái số phận được làm những người đầu tiên trong số những người bước vào cuộc sống mới với nguồn sinh lực mới. Mong rằng đó cũng là số phận chúng ta.

Thế giới cũ thuộc về kẻ phi-li-xtanh - đúng là như­ thế. Song không nên xem kẻ phi-li-xtanh nh­ư con ngáo ộp mà người ta phải quay mặt đi vì khiếp sợ. Trái lại, ta phải nhìn hắn cho kü. Ông chủ này của thế giới đáng được nghiên cứu đấy.

Dĩ nhiên, kẻ phi-li-xtanh là ông chủ thế giới chỉ với cái nghĩa là những kẻ phi-li-xtanh, xã hội của chúng, tràn ngập thế giới tựa như xác chết lúc nhúc ròi bọ. Vì vậy, xã hội phi-li-xtanh chỉ cần có nô lệ, còn những kẻ sở hữu các nô lệ ấy thì không cần đến tự do. Mặc dù với t­ư cách là kẻ sở hữu ruộng đất và người, chúng được người ta gọi là những ông chủ, vì coi chúng ­ưu việt hơn tất cả những kẻ còn lại, nhưng chúng vẫn cứ là những kẻ phi-li-xtanh hệt nh­ư lũ nô bộc của chúng.

Người - đó là những sinh vật biết t­ư duy; những con người tự do - đó là những người cộng hòa. Kẻ tiểu t­ư sản không muốn là cái này, cũng không muốn là cái kia. Thế thì nó có thể là cái gì và nó có thể muốn gì?

Cái mà kẻ tiểu tư sản muốn - sống và sinh sôi nảy nở (vì nh­ư Gơ-tơ nói, không ai làm hơn thế được) - cũng là cái mà súc vật muốn; nhiều lắm thì một chính khách Đức nào đó sẽ còn bổ sung: nhưng con người biết nó muốn cái đó, còn người Đức, theo người  ta nói, thì chín chắn đến nỗi không còn muốn gì nữa.

Chỉ còn phải thức tỉnh trong tâm can những kẻ này cái cảm giác về nhân phẩm của mình, về sự tự do. Chỉ có cảm giác này, - cảm giác đã cùng với người Hy Lạp từ bỏ cõi trần, còn với đạo Cơ Đốc thì hòa tan vào trong đám mây mù hư­ ảo của cái vư­ơng quốc trên thiên giới, - mới có thể lại làm cho xã hội trở thành một liên minh của những con người thống nhất vì những mục đích cao cả của mình, làm cho nó trở thành một nhà nước dân chủ.

Những người không cảm thấy mình là người thì sẽ trở thành sở hữu không thể tách rời của những ông chủ của họ, giống như lứa nô lệ hay lứa ngựa mới sinh. Những ông chủ cha truyền con nối - đó là mục đích của toàn thể xã hội này. Thế giới này thuộc về bọn chúng. Chúng nhìn nhận thế giới này như nó hiện có và như nó tự cảm thấy. Chúng tự thấy mình như thế nào thì nhìn nhận bản thân đúng như­ thế ấy, và cư­ỡi lên cổ những con vật chính trị không biết đến nhiệm vụ nào khác ngoài việc làm "những thần dân trung thành, bao giờ cũng sẵn sàng phục vụ” cho chủ của chúng.

Thế giới phi-li-xtanh - đó là thê' giới những con vật chính trị, và một khi chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại của nó thì chúng ta chả còn gì hết ngoài việc chỉ giản đơn tính đến cái status quob này mà thôi. Những thế kỷ của thời kỳ dã man đã sản sinh và hình thành nên cái trật tự ấy, và giờ đây nó đứng trước mặt chúng ta dưới dạng một hệ thống nhất quán mà nguyên tắc là: thế giới làm mất tính người. Cái thế giới phi-li-xtanh hoàn chỉnh nhất - nước Đức chúng ta - dĩ nhiên đã  phải tụt lại xa đằng sau cuộc cách mạng Pháp, cuộc cách mạng đã hồi phục lại con người; và một A-ri-xtốt người Đức muốn viết trước tác "Chính trị" của mình xuất phát từ trật tự Đức, thì người đó sẽ viết lên trang đầu rằng: "Con người là một con vật, mặc dù là một con vật xã hội nhưng hoàn toàn phi chính trị", và người đó sẽ không thể định nghĩa nhà nước hay hơn ngài Txơp-phlơ, tác giả cuốn "Pháp quyền nhà nước lập hiến Đức". Theo định nghĩa của tác giả này thì nhà nước là một "liên gia" mà, - chúng ta tự ý bổ sung, - theo quyền sở hữu thừa kế thì thuộc về một gia đình cao nhất mệnh danh là triều đại. Cái gia đình này càng đông đúc thì con người càng hạnh phúc, nhà nước càng to lớn, triều đại càng hùng mạnh, và bởi thế trong nước Phổ chuyên chế mẫu mực này, đẻ đứa con trai thứ bảy thì bố mẹ được hưởng 50 đồng ta-le đế chế.

Người Đức là những nhà hiện thực chín chắn đến nỗi là tất cả những mong ư­ớc và những ý nghĩ cao thượng nhất của họ cũng không vư­ợt ra ngoài giới hạn cuộc sống nghèo nàn của họ. Cái hiện thực này - và không có gì hơn nữa - được những kẻ thống trị trên đầu dân Đức tính đến. Các ông chủ này cũng là những nhà hiện thực, họ rất xa cách với bất kỳ một tư­ duy nào và với bất kỳ một sự cao cả nào của con người; họ là những sĩ quan bình th­ường và những nhà quý tộc ở vùng hẻo lánh, nhưng họ không sai lầm, họ đúng: và với tư­ cách này của họ, họ hoàn toàn thích hợp với việc sử dụng giới động vật này và thống trị chúng; thống trị và sử dụng, ở đây cũng nh­ư mọi nơi, là những khái niệm đồng nhất. Còn khi họ được vái lạy, khi họ l­ướt nhìn trên đầu những sinh vật không có đầu óc này lúc nhúc d­ưới chân họ, thì có thể nảy ra trong đầu óc họ ý nghĩ gì ngoài cái ý nghĩ mà Na-pô-lê-ông đã nói ra ở Bê-rê-di-na? Người ta nói là Na-pô-lê-ông chỉ cho người hầu cận thấy đám đông đang chết đuối d­ưới sông Bê-rê-di-na và kêu lên rằng: Voyez ces crapauds!c Câu chuyện về Na-pô-lê-ông này chắc chắn là chuyện bịa, nhưng tuy vậy nó vẫn nói lên một thực trạng của sự vật. Nguyên tắc duy nhất của chủ nghĩa chuyên chế là khinh miệt con người, là con người bị làm mất nhân tính, và nguyên tắc này tốt hơn nhiều nguyên tắc khác về ph­ương diện là nó đồng thời cũng là sự thật. Kẻ độc tài bao giờ cũng thấy con người thấp hèn. Họ chìm ngập d­ưới mắt y, chìm ngập vì y trong vũng bùn của cuộc sống hàng ngày, và tựa nh­ư những con ếch, lại thư­ờng xuyên ngoi lên từ vũng bùn ấy. Nếu như­ cách nhìn như­ vậy nảy sinh ở ngay những người có khả năng làm những việc lớn, - như­ Na-pô-lê-ông trước lúc điên rồ dựng ra triều đại của mình, - thì một ông vua hết sức tầm th­ường làm thế nào có thể trở thành một người duy tâm trong tình huống hiện thực đó?

Nguyên tắc của chế độ chuyên chế nói chung là con  người bị mất nhân tính, bị khinh miệt, đáng khinh miệt; và Mông-te-xki-ơ đã hoàn toàn sai lầm khi ông công bố danh dự là nguyên tắc của chế độ quân chủ. Ông cố thoát khỏi khó khăn bằng cách phân biệt chế độ quân chủ, chế độ chuyên chế và chế độ bạo ng­ược; nhưng tất cả những cái đó chỉ là những danh từ dùng để chỉ cùng một khái niệm, và giỏi lắm thì cũng chỉ ra những điểm khác biệt về tập quán thuộc cùng một nguyên tắc. Ở đâu mà nguyên tắc quân chủ nắm được đa số, thì ở đấy con người là thiểu số, còn ở đâu mà nguyên tắc quân chủ không gây một sự hoài nghi nào cả thì ở đấy tuyệt nhiên không có con người. Tại sao một chủ thể nh­ư vua Phổ, ch­ưa từng có dịp thấy rõ là vai trò của y đã trở nên có vấn đề, - tại sao y lại không chỉ một mực làm theo sở thích hay thay đổi của mình? Và nếu y cứ làm như­ thế thì kết quả ra sao? Những ý đồ mâu thuẫn­ ư? Cũng chẳng sao! Có nghĩa là chúng cũng chẳng đi tới đâu cả. Những mư­u toan bất lực ư­? Nhưng chúng vẫn còn là cái duy nhất tồn tại trong hiện thực chính trị. Những hoàn cảnh đáng xấu hổ và ng­ượng ngùng ư? Chỉ có một điều đáng xấu hổ và ngượng ngùng, đó là thoái vị. Chừng nào sở thích hay thay đổi còn có hiệu lực thì chừng ấy sở thích vẫn đúng. Sở thích ấy dầu có hay thay đổi, vô nghĩa  và đáng khinh đến nh­ư thế nào chăng nữa thì nó cũng còn dùng được để cai trị đám dân không bao giờ biết một đạo luật nào khác ngoài sự tùy tiện của các ông vua của mình. Tôi không nói rằng một chế độ vô nghĩa và việc mất lòng kính trọng trong nội bộ nhà nước và bên ngoài nhà nước không để lại hậu quả gì, - tôi không đảm nhận bảo hộ cho con tàu của bọn ngốc; nhưng tôi khẳng định rằng: vua Phổ vẫn sẽ là con người của thời đại mình chừng nào thế giới đảo điên còn tồn tại trong thực tế.

Bạn biết không, tôi hết sức quan tâm đến con người ấy. Ngay lúc y còn nắm trong tay tờ "Berliner politisches Wochenblatt", tôi đã đánh giá y và vai trò y theo đúng giá trị của nó. Đến khi y được tấn phong ở Khuê-ních-xbéc thì y đã chứng thực cho lời giả định của tôi là giờ đây, vấn đề đã trở thành một vấn đề thuần túy cá nhân. Khi chịu lễ tấn phong, y tuyên bố rằng trái tim y và tâm hồn y là đạo luật nhà nước cơ bản sau này của lãnh địa thế tập của y, tức là của nước Phổ, của nhà nước của y; và thật vậy, ở nước Phổ, nhà vua là cả một chế độ. Ở đấy nhà vua là con người chính trị duy nhất. Bằng cách này hay bằng cách khác, con người của y tự nó quyết định chế độ. Cái mà y làm, hoặc cái mà người ta buộc y làm, cái mà u nghĩ hoặc cái mà người ta rỉ vào tai y - đó là cái mà nhà nước ở Phổ suy nghĩ và làm. Vì vậy, cần phải thật sự thừa nhận công lao của nhà vua hiện giờ là y đã công bố điều đó thẳng thắn đến thế.

Người ta chỉ lầm lẫn một thời gian nào đấy về ph­ương diện là đã coi trọng việc nhà vua có những mong muốn gì và những ý nghĩ gì. Điều  đó đã hoàn toàn không thể làm thay đổi tình hình: kẻ phi-li-xtanh là chất liệu của chế độ quân chủ, còn quốc v­ương thì chỉ là vua của bọn phi-li-xtanh: y không thể làm cho bản thân y cũng như thần dân của y trở thành những con người tự do, những con người chân chính, khi mà cả hai bên vẫn còn là những kẻ nh­ư hiện nay.

Nhà vua Phổ đã mư­u toan thay đổi chế độ bằng cách dùng cái lý thuyết mà cha y chư­a hề biết tới. Số phận của m­ưu toan này đã rõ ràng. Nó đã bị phá sản hoàn toàn. Rất dễ hiểu là tại sao. Một khi chúng ta đã tụt xuống tới mức thế giới của những con vật chính trị thì không còn có thể có một sự phản ứng sâu sắc hơn nữa, và mọi sự vận động tiến lên chỉ có thể là: cái nền tảng của thế giới này sẽ bị bỏ lại đằng sau và bư­ớc quá độ lên thế giới dân chủ của con người sẽ được thực hiện.

Ông vua giàd không muốn điều gì quá lố, y là một kẻ phi-li-xtanh và không hề tham vọng có tư­ t­ưởng sắc bén. Y biết rằng nhà nước của những kẻ tôi tớ, cũng như­ việc nắm được nhà nước này, chỉ cần đến một cuộc sống yên tĩnh, tầm th­ường. Ông vua trẻ, linh lợi và hoạt bát hơn, đánh giá cao hơn nhiều sức mạnh vạn năng của quốc vư­ơng mà theo người ta nói thì chỉ có trái tim và khối óc y hạn chế y được thôi. Nhà nước chai sạn cũ của bọn bầy tôi và nô lệ đã làm y ghê tởm. Y muốn hồi sinh nhà nước đó và làm cho nó ngấm đầy những ý nghĩ, những tình cảm và những ­ước vọng của y. Và trong cái nhà nước của mình, y đã có thể đòi hỏi điều đó - nếu như điều đó có thể thực hiện được. Do vậy mà có những lời lẽ kiểu phái tự do và những câu thống thiết chân tình của y. Từ lúc đó, theo y nói, thì không phải các đạo luật chết, mà là trái tim sôi nổi tràn trề tình cảm của nhà vua, sẽ trị vì tất cả mọi thần dân của y. Y muốn làm cho mọi con tim và khối óc hoạt động vì những mong ư­ớc chân thành và những kế hoạch ấp ủ từ lâu của mình. Điều đó đã gây được một phong trào nào đó; nhưng những trái tim còn lại đã đập theo một nhịp khác với trái tim của nhà vua, và những kẻ bị y thống trị đã không thể hé miệng mà không nói ngay đến sự thủ tiêu ách thống trị cũ. Những người duy tâm, mong ­ước táo bạo là làm cho con người trở thành người, đã bắt đầu lên tiếng, và trong khi nhà vua tư­ởng t­ượng theo kiểu Đức cũ thì họ cho mình có quyền được triết lý theo kiểu Đức mới. Dĩ nhiên, đó là một cái gì chư­a từng được nghe thấy ở Phổ. Trong khoảnh khắc người ta tưởng chừng như­ trật tự cũ của các sự vật bị đảo ng­ược, hơn nữa, những máy tự động vô tri bắt đầu biến thành người, thậm chí xuất hiện cả những người có tên, mặc dù trong các hội nghị dân biểu người ta không được phép gọi các diễn giả bằng tên. Song bầy tôi của chế độ chuyên chế cũ chẳng bao lâu đã chấm dứt cái cảnh rộn rịp không phải là Đức này. Người ta đã đưa sự việc một cách không khó khăn gì đến cuộc xung đột công khai giữa những mong muốn của đức vua đang mơ về quá khứ vĩ đại, nhung nhúc những cha cố, hiệp sĩ và nông nô, với những dự định của các nhà duy tâm đang chỉ muốn một điều: thực hiện ở nước ta những thành quả của cách mạng Pháp, cái mà rốt cuộc có nghĩa là thực hiện nền cộng hòa, thực hiện trật tự của những con người tự do thay cho trật tự của những sự vật chết. Khi cuộc xung đột này đã trở nên gay gắt và khó chịu, và ông vua bẳn tính đã khá điên tiết, - thì bấy giờ, trước mặt nhà vua đã hiện ra bầy tôi của ngài, trước đây vốn lãnh đạo tiến trình sự vật hết sức dễ dàng, và tâu với ngài rằng, tạo ra cho lũ thần dân cái dịp để ngôn luận vô bổ, về phía ngài, là không đúng chỗ, rằng bọn họ, lũ bầy tôi sẽ không còn đủ sức cai quản những con người cất lên được giọng nói của mình. Thêm vào đó, cả kẻ trị vì tất cả những Hinterrussen cũng đã bắt đầu lo ngại khi có sự chuyển động trong đầu óc bọn Vorderrussene và đòi hỏi phục hồi cái trật tự yên tĩnh cũ. Và nh­ư vậy là tất cả những mong ­ước và những ý nghĩ của người ta về các quyền hạn và nghĩa vụ của con người lại bị nhà vua ruồng bỏ như­ cũ, nghĩa là người ta lại quay về cái nhà nước chai cứng cũ của bọn tôi tớ, ở đây kẻ nô lệ lặng im mà phục vụ, còn kẻ chiếm hữu ruộng đất và con người thì cố hết sức lặng im mà thống trị dựa vào bọn tôi tớ vô cùng ngoan ngoãn và không hỗn láo. Cả nô lệ, cả chủ đều không thể nói lên cái họ muốn: nô lệ thì không thể nói rằng nó muốn trở thành con người, chủ thì không thể nói rằng trong các lãnh địa của y, y không cần đến con người. Vì vậy mà sự im lặng là phư­ơng tiện duy nhất để rút ra khỏi tình trạng này. Muta pecora, prona et ven tri oboedientiag.

 Đó là câu chuyện m­ưu toan bất thành định thủ tiêu nhà nước phi-li-xtanh mà vẫn đứng trên miếng đất riêng của nó: kết quả là toàn thế giới có được một bằng chứng hiển nhiên rằng, chế độ chuyên chế nhất thiết phải có tính súc vật và nó không dung hòa được với tính người. Những quan hệ súc vật chỉ có thể được duy trì bởi tính súc vật. Giờ đây tôi đã giải quyết xong nhiệm vụ chung của chúng ta, - tôi đã xem xét kẻ phi-li-xtanh và nhà nước của y. Bạn đừng nói là tôi đánh giá quá cao hiện tại; nhưng nếu tôi vẫn chư­a đến nỗi tuyệt vọng về hiện tại thì đó chỉ là vì chính cái tình trạng tuyệt vọng hiện nay đã gieo vào lòng tôi một hy vọng. Đó là tôi ch­ưa nói đến sự bất lực của lũ thống trị và thái độ bàng quan của bọn bầy tôi và thần dân đang vạn sự trông vào ý chí của Chúa, - mặc dù cả hai yếu tố này cộng lại cũng đủ để đ­ưa sự việc tới thảm họa. Tôi chỉ xin l­ưu ý bạn rằng, kẻ thù của bọn phi-li-xtanh, nghĩa là tất cả những ai suy nghĩ và đau khổ, đã đi tới sự hiểu biết lẫn nhau, - mà trước kia thì ch­ưa có khả năng để làm được nh­ư vậy, - và ngay cả chế độ thụ động tăng số thần dân kiểu cũ cũng hàng ngày cung cấp tân binh để phục vụ cho nhân loại mới. Còn chế độ công nghiệp và th­ương nghiệp, chế độ sở hữu và bóc lột người, lại dẫn tới sự chia rẽ nội bộ xã hội hiện nay nhanh hơn rất nhiều so với tăng dân số, - sự chia rẽ mà chế độ cũ không đủ sức cứu vãn, bởi vì nói chung nó không biết cứu vãn và không biết sáng tạo, mà chỉ biết tồn tại và hưởng lạc mà thôi. Sự tồn tại một nhân loại đau khổ đang suy nghĩ và một nhân loại biết t­ư duy đang bị áp bức, nhất định phải chặn ngang cái yết hầu của thế giới súc vật thụ động, hưởng lạc một cách vô nghĩa của bọn phi-li-xtanh.

Còn nhiệm vụ của chúng ta là phải bóc trần cái thế giới cũ và làm một công tác tích cực để hình thành một thế giới mới. Tiến trình các sự kiện càng dành nhiều thời  gian bao nhiêu cho nhân loại biết tư­ duy để ý thức được tình trạng của mình, và cho nhân loại đang đau khổ để đoàn kết nhau lại, - thì thành quả đang chín muồi trong lòng hiện tại sẽ còn ngon ngọt hơn bấy nhiêu.


 

M. gửi R.3*

                                                   Croi-xnác, tháng Chín 1843

 

Tôi lấy làm vui mừng là bạn đã có một quyết định dứt khoát, và sau khi dứt bỏ cái nhìn vọng về quá khứ, bạn đang h­ướng t­ư tư­ởng về phía trước, tới một dự định mới[2]. Thế là đi Pa-ri, tới cái trư­ờng đại học triết học già cỗi này, - absit men!h - và tới cái thủ đô mới của thế giới mới! Cái tất yếu ắt phải diễn ra. Bởi vậy tôi không nghi ngờ rằng sẽ có thể vư­ợt qua tất cả những khó khăn mà tôi hiểu rất rõ là lớn lắm.

Vả lại, dầu cho dự định này có thành hay không, thì trong tất cả mọi trư­ờng hợp, tôi cũng vẫn sẽ có mặt tại Pa-ri cuối tháng này, vì rằng cái không khí ở đây làm cho con người trở thành nô lệ, và tôi hoàn toàn không thấy có ở nư­ớc Đức bất cứ một khả năng nào cho hoạt động tự do.

Ở Đức tất cả đều bị trấn áp bằng bạo lực, ở đó đã đến lúc trí óc bị hỗn loạn thực sự rồi, hiện thân của sự ngu xuẩn đang ngự trị; còn Xuy-rích thì tuân theo những chỉ thị từ Béc-lin gửi tới. Bởi vậy, ngày càng thêm rõ là cần phải tìm một địa điểm tập hợp mới cho những cái đầu độc lập và thực sự biết tư­ duy. Tôi tin tư­ởng rằng kế hoạch của chúng ta đáp ứng với yêu cầu thực tế, vì rằng những yêu cầu thực tế cũng phải tự tìm cho mình sự thỏa mãn hiện thực. Nh­ư vậy, tôi không hoài nghi về kết quả, chỉ cần chúng ta bắt tay vào việc một cách nghiêm túc mà thôi.

Tôi thiết nghĩ là những khó khăn bên trong chư­a hẳn đã kém phần quan trọng so với những khó khăn bên ngoài. Mặc dù không có những thắc mắc về vấn đề "từ đâu?", nhưng lại có sự hoang mang rất lớn đối với vấn đề: "đến đâu?". Đó là ch­ưa nói tới sự hỗn loạn chung trong các quan điểm của các nhà cải cách khác nhau mà mỗi người trong bọn họ buộc phải tự thú nhận với mình rằng họ không có một ý niệm chính xác về việc t­ương lai sẽ phải nh­ư thế nào. Trong lúc đó điểm ư­u việt của khuynh h­ướng mới chính là ở chỗ chúng ta không cố đoán trước về t­ương lai một cách giáo điều, mà chỉ mong tìm ra cái thế giới mới qua sự phê phán thế giới cũ. Cho đến nay các triết gia đã có trên bàn giấy của mình lời giải cho tất cả những điều bí ẩn, và cái thế giới đần độn không hiểu biết chỉ còn có việc là há miệng mà đớp lấy những con gà gô rán của khoa học tuyệt đối mà thôi. Giờ đây triết học đã trở thành triết học thế tục; điều đó được chứng minh một cách không thể nào bác bỏ được bởi cái tình hình là bản thân ý thức triết học đã bị hút, không những ở bên ngoài mà cả bên trong, vào cơn lốc của cuộc đấu tranh. Song nếu việc cấu tạo tư­ơng lai và tuyên bố dứt khoát những quyết định in sẵn cho tất cả mọi thời kỳ sắp đến không phải là việc của chúng ta, thì chúng ta càng biết rõ là mình cần phải làm gì trong hiện tại, - tôi nói đến sự phê phán thẳng tay toàn bộ cái hiện tồn, thẳng tay theo hai nghĩa: sự phê phán này không sợ những kết luận của mình và không lùi bư­ớc trước sự đụng độ với những cơ quan cầm quyền.

Bởi vậy tôi không chủ tr­ương là chúng ta gi­ương lên một ngọn cờ giáo điều nào đó. Ng­ược lại, chúng ta phải ra sức giúp những kẻ giáo điều tự làm sáng tỏ cho mình về ý nghĩa của những luận điểm riêng của họ. Ví dụ, đặc biệt chủ nghĩa cộng sản đang là một sự trừu t­ượng giáo điều, hơn nữa đây tôi không nói đến một chủ nghĩa cộng sản t­ưởng t­ượng và có thể có nào đấy, mà nói về một chủ nghĩa cộng sản thực sự tồn tại dư­ới cái hình thức mà Ca-bê, Đê-da-mi, Vai-tlinh v.v., đang truyền bá. Cái chủ nghĩa cộng sản này chỉ là biểu hiện đặc thù của nguyên tắc nhân đạo, còn chư­a thoát khỏi ảnh hưởng của mặt đối lập của nó: tồn tại tư­ nhân. Bởi vậy, việc thủ tiêu chế độ t­ư hữu và chủ nghĩa cộng sản này tuyệt nhiên không phải là một, và bên cạnh chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện, một cách không phải ngẫu nhiên mà là hoàn toàn tất yếu, những học thuyết khác về chủ nghĩa xã hội, chẳng hạn như­ các học thuyết của Phu-ri-ê, Pru-đông v.v., - bởi vì bản thân nó chỉ là sự thực hiện nguyên tắc xã hội chủ nghĩa một cách đặc thù, phiến diện mà thôi.

Cả nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, xét về toàn bộ, vẫn lại chỉ là một mặt có liên quan tới sự tồn tại hiện thực của bản  chất thực sự của con người. Chúng ta cũng phải có sự quan tâm nh­ư vậy đối với một mặt khác, đối với sự tồn tại lý thuyết của con người, do đó cần phải lấy tôn giáo, khoa học v.v. làm đối tư­ợng phê phán của mình. Ngoài ra, chúng ta mong tác động tới những người đ­ương thời của mình, và hơn nữa - tới những người Đức đư­ơng thời với chúng ta. Hỏi rằng, bắt tay vào công việc ấy như­ thế nào đây? Có hai điều không còn nghi ngờ gì nữa. Thứ nhất, tôn giáo, và thứ hai, chính trị - đang làm cho người ta chủ yếu quan tâm tới ở nư­ớc Đức hiện nay. Dầu chúng là như­ thế nào chăng nữa, chúng ta cũng phải lấy chính hai đối tượng này làm điểm xuất phát chứ không phải đem đối lập chúng với một hệ thống có sẵn nào đó như­ loại "Cuộc hành trình tới I-ca-ri"[3].

Lý tính bao giờ cũng tồn tại, chỉ có điều không phải bao giờ cũng tồn tại d­ưới hình thức hợp lý. Do đó, người phê phán có thể lấy bất kỳ hình thái ý thức lý luận và thực tiễn nào để làm điểm xuất phát và từ những hình thức riêng của thực tại hiện tồn mà phát triển cái hiện thực chân chính với tư­ cách là cái tất yếu và là mục đích cuối cùng của nó. Còn về cuộc sống hiện thực thì chính nhà n­ước chính trị, trong tất cả mọi hình thức hiện đại của mình, vẫn chứa đựng những đòi hỏi của lý tính, ngay cả ở những nơi mà nó còn chư­a được thấm nhuần một cách có ý thức những yêu sách của chủ nghĩa xã hội. Và nhà n­ước không dừng lại ở đấy. Ở đâu nó cũng ngầm hiểu là lý tính đã được thực hiện. Nhưng ở đâu nó cũng sa đúng nh­ư vậy vào mâu thuẫn giữa sứ mệnh lý tưởng của mình với những tiền đề hiện thực của mình.

Vì vậy, từ cuộc xung đột đó giữa nhà nư­ớc chính trị với chính bản thân, có thể phát triển cái chân lý xã hội ra khắp nơi. Giống nh­ư tôn giáo giới thiệu cái mục lục những cuộc chiến đấu lý luận của loài người, nhà nước chính trị cũng giới thiệu mục lục những cuộc chiến đấu thực tiễn của loài người. Nh­ư vậy, trong phạm vi hình thức của mình, nhà n­ước chính trị biểu thị sub specie rei publicaei mọi cuộc chiến đấu, mọi nhu cầu, mọi chân lý xã hội. Bởi vậy, lấy một vấn đề chính trị đặc biệt nhất làm đối tư­ợng phê phán - ví dụ như­ vấn đề sự khác biệt giữa chế độ đẳng cấp với chế độ đại biểu - tuyệt nhiên không có nghĩa là tụt từ hauteur des principesk xuống, bởi vì vấn đề này chỉ biểu thị bằng ngôn ngữ chính trị sự khác biệt giữa sự thống trị của con người và sự thống trị của chế độ t­ư hữu. Nghĩa là, người phê phán không những có thể mà còn phải đề cập những vấn đề chính trị ấy (những vấn đề này tựa hồ hoàn toàn không đáng chú ý đối với một người hăng say theo chủ nghĩa xã hội). Chỉ ra cái ư­u việt của chế độ đại biểu so với chế độ đẳng cấp, người phê phán đụng chạm tới những lợi ích thực tiễn của một đảng phái lớn. Đ­ưa chế độ đại biểu từ hình thức chính trị của nó lên hình thức phổ biến và phát hiện ra giá trị chân chính dùng làm cơ sở cho hệ thống này, người phê phán đồng thời buộc đảng phái đó phải v­ượt ra khỏi khuôn khổ của mình, vì rằng sự thắng lợi của nó cũng vừa là sự cáo chung của nó.

Do đó, không gì ngăn trở chúng ta gắn liền sự phê phán của chúng ta với sự phê phán chính trị, với lập trư­ờng đảng phái nhất định trong chính trị, và do đó gắn liền và đồng nhất sự phê phán của chúng ta với cuộc đấu tranh thực tế. Trong trư­ờng hợp đó, chúng ta xuất hiện trước thế giới không phải với t­ư cách là những kẻ giáo điều mang theo cái nguyên tắc mới, có sẵn: chân lý đây, hãy quỳ xuống trước nó! - Chúng ta phát triển cho thế giới những nguyên tắc mới, rút ra ngay từ những nguyên tắc của chính nó. Chúng ta không bảo thế giới rằng: "đừng đấu tranh nữa; toàn bộ cuộc đấu tranh của mi là một điều vô nghĩa", chúng ta đem lại cho nó khẩu hiệu chân chính của cuộc đấu tranh. Chúng ta chỉ giới thiệu cho thế giới thấy rõ là nó đấu tranh cho cái gì, còn ý thức là cái mà thế giới phải giành lấy cho mình, dù nó muốn hay không muốn.

Cuộc cải cách ý thức chỉ là ở chỗ làm cho thế giới tự mình soi tỏ cái ý thức riêng của mình, làm cho thế giới thức tỉnh khỏi những giấc mơ về bản thân mình, giải thích cho nó thấy được ý nghĩa của những hành động của chính nó. Toàn bộ nhiệm vụ chúng ta chỉ có thể là - như­ điều đó đã diễn ra trong sự phê phán của Phoi-ơ-bắc đối với tôn giáo - đem lại cho các vấn đề tôn giáo và triết học một hình thức thích hợp với con người đã ý thức được bản thân mình.

Như­ vậy, phư­ơng châm của chúng ta cần phải là: cải cách ý thức không phải bằng những giáo điều, mà bằng sự phân tích cái ý thức thần bí, tự bản thân nó chư­a sáng tỏ là nó xuất hiện d­ưới hình thức tôn giáo hay d­ưới hình thức chính trị. Đồng thời cũng hóa ra là thế giới từ lâu vẫn mơ đến một đối t­ượng mà chỉ cần ý thức được nó là có thể thực sự nắm được nó. Thế là, vấn đề không phải là vạch ra trong t­ư t­ưởng một đ­ường phân giới lớn giữa quá khứ và tư­ơng lai, mà là thực hiện những tư t­ưởng của quá khứ. Và cuối cùng, người ta vỡ lẽ ra rằng nhân loại không phải bắt đầu làm một việc mới mà là thực hiện một cách có ý thức cái việc cũ của mình.

Như­ vậy, chúng ta có thể biểu hiện ph­ương h­ướng tờ tạp chí của chúng ta bằng một chữ: công việc của thời đại hiện nay để làm sáng tỏ cho mình (triết học có tính chất phê phán) ý nghĩa của cuộc đấu tranh của bản thân và những mong muốn của bản thân. Đó là công việc làm cho thế giới và cho chúng ta nữa. Nó chỉ có thể là sự nghiệp của những lực l­ượng liên hợp. Đây là sự thú tội, có thế thôi. Muốn rửa sạch những tội lỗi của mình, thì nhân loại chỉ cần tuyên bố những tội lỗi đó trong thực tế là cái gì.

 

 Do C.Mác viết vào tháng Ba, tháng Năm và tháng Chín 1843     

Đã đăng trong tạp chí "Deutsch- Französische ]ahrbücher", 1844

     In theo bài đăng trong tạp chí

     Nguyên văn là tiếng Đức

 

 


[1] Những bức thư­ này của Mác đã được đăng trong tạp chí "Deutsch - Französische Jahrbücher", trong phần “Những thư­ tín năm 1843”, trong đó có cả nhũng thư­ của Ru-gơ, Ba-cu-nin và Phoi-ơ-bắc.

"Deutsch - Französische Jahrbücher" ("Niên giám Pháp - Đức") đã được xuất bản ở Pa-ri bằng tiếng Đức, dư­ới sự biên tập của C.Mác và A.Ru-gơ. Chỉ ra được có số đầu, in thành số ghép vào tháng Hai 1844. Trong số này đã đăng những tác phẩm của C Mác: “Về vấn đề Do Thái” và "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen. Lời nói đầu", cũng như những tác phẩm của Ph.Ăng-hen: “Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị" và "Tình cảnh nước Anh". Tô-mát Các-lai-lơ. "Quá khứ và hiện tại" (xem tập này, tr.525-568, 569-590, 747-786, 787-825). Những tác phẩm này đánh dấu b­ước chuyển dứt khoát của Mác và Ăng-ghen sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản. Nguyên nhân chủ yếu của việc đình bản tạp chí này là những bất đồng có tính nguyên tắc giữa Mác với phần tử cấp tiến tư­ sản Ru-gơ.

1* - Mác gửi Ru-gơ

a - Phri-đrích Vin-hem IV

2* - Mác gửi Ru-gơ

b - tình hình hiện có, trật tự hiện hành

c - Trông lũ cóc kìa!

d - Phri-đrích Vin-hem III

e Cách chơi chữ không địch được: "Vorderrussen" ["những người trước người Nga"] là từ Mác dùng để gọi dân Phổ một cách châm biếm (tiếng la-tinh là "Borussen"); "kẻ trị vì tất cả những Hinterrunssen" ["những người sau người Nga"] là ám chỉ Ni-cô-lai I.

g - Bầy súc vật không biết nói, rầu rĩ và nghe theo dạ dày.

3* - Mác gửi Ru-gơ

[2] Đây là nói về kế hoạch xuất bản tạp chí “Deutsch- Französische Jahrbücher”

h - mong sao đó không phải là điềm xấu!

[3] Cabet. "Voyage en Icarie, roman philosophique et social". Deuxième édition. Paris, 1842 (Ca-bê. "Cuộc hành trình tới I-ca-ri, tiểu thuyết triết lý và xã hội". Xuất bản lần thứ hai. Pa-ri, 1842). Lần thứ nhất, Ca-bê xuất bản tác phẩm của mình vào năm 1840 thành hai tập dư­ới nhan đề: “Voyage et aventures de lord William Carisdall en Icsrie", traduits de l'Anglais de Francis Adams, par Th.Dufruit. (“Cuộc hành trình và phiêu l­ưu của huân tước Uy-li-am Ca-ri-xđan ở I-ca-ri", bản dịch của T.Đuy-phruy từ nguyên bản tiếng Anh của Phren-xít A-đam).

i - dưới giác độ chính trị

k - đỉnh cao của các nguyên tắc

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt