Chủ nghĩa Marx

[Những hình thức vận động của vật chất. Phân loại các ngành khoa học]

 

[NHỮNG HÌNH THỨC VẬN ĐỘNG CỦA VẬT CHẤT.

PHÂN LOẠI CÁC NGÀNH KHOA HỌC]

* * *

 

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh 


 

Causa Finalis1* - vật chất và sự vận động cố hữu của vật chất. Vật chất ấy không phải là một sự trừu tượng. Ngay ở trên mặt trời, mỗi vật chất cá biệt đã bị phân giải và không khác nhau về tác dụng. Nhưng trong khối cầu hơi của tinh vân, tất cả các vật chất, dù là tồn tại một cách riêng rẽ, đã hoà với nhau thành vật chất thuần tuý với tính cách là vật chất thuần tuý và chỉ còn tác động với tư cách vật chất chứ không tác động theo những thuộc tính của chúng nữa.

(Vả lại, ngay ở Hê-ghen, sự đối lập giữa causa esficiens2* và causa finalis đã được chắt lọc trong phạm trù tác động lẫn nhau.

* * *

Vật chất nguyên thuỷ.

"Quan niệm cho rằng vật chất vốn tồn tại từ ban đầu và tự nó không có hình thù, là một quan niệm rất cổ và chúng ta đã thấy quan niệm ấy ở những người Hy Lạp, trước tiên dưới hình thức thần bí của cái cõi hỗn mang, mà người ta hình dung là cơ sở không có hình thù của thế giới hiện nay. (Hê-ghen, "Bách khoa toàn thư", ph. I, tr. 285)[1].

Chúng ta lại thấy cõi hỗn mang ấy trong thuyết của La-pla-xơ: theo ông thì tinh vân chỉ mới bắt đầu có hình thức và đang tiến tới cõi hỗn mang. Sau đó mới phân hoá.

Thường thường người ta cho rằng trọng lượng là quy định phổ biến nhất của tính vật chất; nghĩa là sự hút, chứ không phải là sự đẩy, là một thuộc tính tất yếu của vật chất. Nhưng sự hút và sự đẩy không thể tách rời nhau cũng như âm không thể tách rời khỏi dương, và do đó, căn cứ vào bản thân biện chứng, người ta cũng đã có thể nói trước rằng một lý luận đúng đắn về vật chất phải dành cho sự đẩy một địa vị cũng trọng yếu như địa vị của sự hút; rằng một lý luận về vật chất mà chỉ căn cứ trên sự hút thôi là sai lầm, là thiếu sót, là nửa vời. Trong thực tế, có khá nhiều hiện tượng đã nói trước lên điều đó. Chỉ vì có ánh sáng cho nên người ta đã không thể phủ nhận được ê-te. Ê-te có tính vật chất không? Nếu ê-te nói chung tồn tại thì ê-te phải có tính vật chất, nó phải nằm trong khái niệm vật chất. Nhưng nó hoàn toàn không có trọng lượng. Người ta thừa nhận rằng những đuôi sao chổi cũng có tính vật chất. Chúng biểu hiện một sự đẩy rất mạnh. Nhiệt trong chất hơi cũng sinh ra sự đẩy, v.v..

* * *

Sự hút và hấp dẫn. Toàn bộ thuyết hấp dẫn dựa trên sự khẳng định rằng sự hút là bản chất của vật chất. Điều đó dĩ nhiên là sai. Phàm nơi nào có sự hút thì sự hút đó phải được bổ sung bằng sự đẩy. Chính vì thế mà Hê-ghen đã nhận xét một cách rất đúng đắn rằng bản chất của vật chất là hút và đẩy[2]. Quả vậy, chúng ta ngày càng bắt buộc phải thừa nhận rằng sự phân tán của vật chất có một giới hạn tại đó sự hút biến thành sự đẩy, và ngược lại, sự tụ tập của vật chất đẩy lẫn nhau cũng có một giới hạn tại đó sự đẩy sẽ biến thành sự hút3*.

* * *

Ở Hê-ghen thì việc sự hút biến thành sự đẩy và ngược lại sự đẩy biến thành sự hút là một điều thần bí, nhưng thực ra, ông đã tiên đoán được những sự phát hiện sau này của khoa học tự nhiên. Ngay trong chất khí đã có sự đẩy của các phân tử, thì lại càng có sự đẩy trong vật chất phân tán nhỏ hơn, tỷ dụ như trong đuôi sao chổi ở đó sự đẩy này thậm chí tác động với một lực rất lớn. Hê-ghen là một người có tài ngay cả trong việc ông lập luận rằng sự hút, tức là nhân tố thứ hai, là do sự đẩy, tức là nhân tố thứ nhất, sinh ra: một hệ thống mặt trời sở dĩ hình thành được chẳng qua là vì lực hút lần lần thắng lực đẩy là lực chiếm ưu thế lúc ban đầu. Nở ra vì nóng = lực đẩy. Thuyết động học chất khí.

* * *

Tính có thể phân chia của vật chất. Đối với khoa học, đó là một vấn đề không quan hệ gì về mặt thực tiễn. Chúng ta biết rằng trong hoá học, tính có thể phân chia có một giới hạn nhất định, vượt quá đó thì vật thể không thể có tác động hoá học nữa: đó là nguyên tử; rằng nhiều nguyên tử bao giờ cũng kết hợp thành phân tử. Trong vật lý học thì cũng vậy, khi khảo sát vật lý, chúng ta không thể không thừa nhận những hạt nhỏ nhất nào đó, những hạt mà cách sắp xếp quyết định hình dạng và sự cố kết của các vật thể, những hạt mà sự rung động biểu hiện ra dưới dạng nhiệt, v.v.. Nhưng phân tử vật lý và phân tử hoá học giống nhau hay khác nhau, cho tới nay chúng ta không biết gì về điều đó. - Hê-ghen đã giải đáp vấn đề tính có thể phân chia ấy một cách dễ dàng và nói rằng vật chất vừa là cái này vừa là cái kia, vừa là có thể phân chia vừa là liên tục và đồng thời lại không phải là cái này cũng không phải cái kia[3], đó không phải là một lời giải đáp nhưng ngày nay hầu như điều đó đã được xác minh (Xem tờ 5, số 3 ở dưới: Clau-di-út)4*.

* * *

Tính có thể phân chia. Loài có vú là không thể phân chia: chân của loài bò sát còn có thể mọc lại được. - Những sóng ê-te có thể phân chia và đo được cho tới mức cực nhỏ. - Trong thực tiễn, bất kỳ một vật gì cũng có thể phân chia được trong những giới hạn nhất định, tỷ dụ như trong hoá học.

* * *

"Bản chất của nó (của sự vận động) là ở sự thống nhất trực tiếp của không gian và thời gian... Không gian và thời gian thuộc về sự vận động: vận tốc, động lượng, đó là không gian tỷ lệ với một thời gian nhất định đã trôi qua" ("Triết học tự nhiên", tr. 65). "Không gian và thời gian đều chứa đầy vật chất. Không có vật chất nào mà không có vận động, cũng như không có vận động nào mà không có vật chất" (tr. 67)[4].

* * *

Tính không thể tiêu diệt được của vận động đã được nêu lên trong luận điểm này của Đê-các-tơ: trong vũ trụ, động lượng luôn luôn được bảo toàn không đổi[5]. Các nhà khoa học tự nhiên khi nói tới "tính không thể tiêu diệt được của lực", đã diễn đạt tư tưởng đó một cách không đầy đủ. Cách diễn đạt thuần tuý về lượng của Đê-các-tơ cũng không đầy đủ: vận động với tính cách là vận động, với tính cách là biểu hiện căn bản, với tính cách là hình thức tồn tại của vật chất một hình thức tồn tại cũng không thể tiêu diệt được như chính bản thân vật chất, - cách diễn đạt đó đã bao hàm cả mặt số lượng của sự vật. Như thế là ở đây cũng vậy, hai trăm năm sau, nhà khoa học tự nhiên mới chứng thực lý luận của nhà triết học.

* * *

Tính không thể tiêu diệt được của vận động, một đoạn lý thú của Grâu-vơ trang 20 và các trang sau[6].

* * *

Vận động và cân bằng. Cân bằng không thể tách khỏi vận động5*. Trong vận động của các thiên thể, có vận động trong cân bằngcó cân bằng trong vận động (một cách tương đối). Nhưng bất kỳ vận động tương đối riêng biệt nào, ở đây tức là bất kỳ vận động riêng biệt nào của những vật riêng biệt trên một thiên thể đang vận động, cũng đều có xu hướng khôi phục lại sự đứng yên tương đối, sự cân bằng. Khả năng đứng yên tương đối của các vật thể, khả năng cân bằng tạm thời là những điều kiện chủ yếu của sự phân hoá của vật chất, và do đó của sự sống. Trên mặt trời, không có sự cân bằng của từng vật thể riêng biệt, nhưng chỉ có sự cân bằng của toàn khối. Nếu có cân bằng của từng vật riêng biệt thì cũng chỉ là cân bằng rất không đáng kể do sự chênh lệch lớn lao về tỷ trọng gây ra; trên bề mặt, là sự vận động vĩnh viễn, sự ba động, sự phân hoá. Trên mặt trăng thì hình như là cân bằng tuyệt đối chiếm địa vị thống trị, không có vận động tương đối nào: sự chết (mặt trăng = tính phủ định). Trên trái đất, sự vận động đã phân hoá thành vận động và cân bằng xen kẽ nhau: vận động riêng biệt có xu hướng chuyển thành cân bằng, vận động toàn bộ lại phá hoại sự cân bằng riêng biệt. Đá đã đi đến trạng thái đứng yên nhưng ảnh hưởng của mưa nắng, tác động của nước thuỷ triều, của sông ngòi, của băng tuyết lại luôn luôn phá hoại sự cân bằng ấy. Sự bốc hơi và mưa, gió, nhiệt, những hiện tượng điện và từ cũng cho ta thấy một cảnh tượng như vậy. Cuối cùng, trong cơ thể sống, chúng ta thấy sự vận động liên tục của những hạt nhỏ nhất của cơ thể ấy cũng như của những khí quan lớn hơn, một vận động mà kết quả là sự cân bằng thường xuyên của toàn bộ cơ thể trong một thời kỳ sinh sống bình thường, một vận động không lúc nào ngừng: đấy là một sự thống nhất sinh động của vận động và cân bằng.

Mọi sự cân bằng chỉ là tương đốitạm thời.

* * *

1) Vận động của các thiên thể. Trong sự vận động, có trạng thái xấp xỉ cân bằng giữa hút và đẩy.

2) Vận động trên một thiên thể riêng biệt. Khối lượng. Vì vận động này do những nguyên nhân thuần tuý cơ giới tạo ra, cho nên ở đây cũng có cân bằng. Các khối lượng đều đứng yên trên mặt đáy của nó. Trên mặt trăng thì hình như là sự đứng yên đó được thực hiện đầy đủ. Lực hút cơ giới đã thắng lực đẩy cơ giới. Đứng về quan điểm cơ học thuần tuý, chúng ta không biết rằng cái gì đã xảy ra đối với lực đẩy và cơ học thuần tuý cũng không giải thích được rõ ràng về nguồn gốc của những "lực" mà nhờ đó người ta làm cho chẳng hạn, những khối lượng chuyển theo chiều ngược với trọng lực trên quả đất. Cơ học thuần tuý coi sự việc đó là một sự việc đã cho sẵn. Như vậy là ở đây, chỉ có sự truyền đơn giản của vận động cơ giới đẩy ra, đẩy xa, từ một khối này sang khối khác, trong khi đó lực hút và lực đẩy là bằng nhau.

3) Nhưng khối lượng to lớn của tất cả những vận động trên trái đất là sự chuyển hoá của hình thức vận động này thành hình thức khác, - từ vận động cơ giới thành nhiệt, thành điện, thành vận động hoá học, - và của mỗi một vận động này thành một vận động kia; do đó hoặc6*là sự chuyển hoá của sự hút thành sự đẩy - vận động cơ giới thành nhiệt, thành điện, thành sự phân giải hoá học (sự chuyển hoá này là sự chuyển hoá của vận động cơ giới thành nhiệt, vận động cơ giới này lúc ban đầu là sự vận động nâng lên chứ không phải sự vận động rơi xuống như người ta tưởng khi mới thoạt nhìn) [, - hoặc là sự chuyển hoá của sự đẩy thành sự hút.]

4) Toàn bộ năng lượng hiện nay đang tác động ở trên trái đất đều là nhiệt của mặt trời đã chuyển thành[7].

* * *

Vận động cơ giới. Các nhà khoa học tự nhiên cho rằng vận động là đồng nhất với vận động cơ giới, với sự thay đổi vị trí, và họ cho rằng đó là một điều dĩ nhiên. Điều đó là của thế kỷ XVIII, cái thế kỷ chưa biết đến hoá học, truyền lại và điều đó gây khỏ khăn lớn cho sự hiểu biết rõ ràng về các quá trình. Vận động, đem ứng dụng vào vật chất, thì có nghĩa là sự biến hoá nói chung. Chính do cũng sự hiểu lầm ấy mà có cái cuồng vọng muốn quy tất cả mọi cái thành vận động cơ giới; - ngay cả Grâu-vơ cũng

"đã ngả mạnh về chỗ cho rằng tất cả những trạng thái khác của vật chất đều sẽ được, hoặc ít nhất là cuối cùng cũng sẽ được nhìn nhận là những biến dạng của vận động" (tr. 16)[8],

điều đó đã làm lu mờ tính đặc thù của các hình thức vận động khác. Nói thế không có nghĩa là một hình thức vận động cao không luôn luôn gắn liền với một vận động cơ giới thật sự nào (vận động bên ngoài hoặc vận động của các phân tử), chẳng khác gì các hình thức vận động cao cũng đồng thời sản sinh ra những hình thức vận động khác và chẳng khác gì tác động hoá học là không thể có được nếu không có sự thay đổi về nhiệt độ và về trạng thái điện, còn sự sống hữu cơ là không thể có được nếu không có sự biến đổi cơ giới, biến đổi phân tử, hoá học, nhiệt, và điện, v.v.. Nhưng trong mỗi trường hợp được xét tới, sự tồn tại của những hình thức vận động phụ ấy không bao quát hết được bản chất của hình thức vận động chủ yếu. Chắc hẳn là một ngày kia qua con đường thực nghiệm, chúng ta "sẽ quy" được tư duy thành những vận động phân tử và hoá học ở trong óc; nhưng điều đó liệu có bao quát được hết bản chất của tư duy chăng?

* * *

Biện chứng của khoa học tự nhiên[9], đối tượng của nó: vật chất đang vận động. Các hình thức và các dạng khác nhau của vật chất chỉ có thể nhận thức được thông qua vận động; thuộc tính của vật thể chỉ bộc lộ qua vận động; về một vật thể không vận động thì không có gì mà nói cả. Vậy là các hình thức vận động đều do bản chất của những vật thể đang vận động mà ra.

1. Hình thức vận động thứ nhất, đơn giản nhất, là hình thức cơ giới, là sự thay đổi vị trí thuần tuý.

a) Không có sự vận động của một vật cá biệt - [chỉ có thể nói đến sự vận động của một vật cá biệt]7* một cách tương đối mà thôi - sự rơi.

b) Vận động của những vật bị tách ra: đạn đạo, thiên văn học, - thế cân bằng bề ngoài, - cuối cùng bao giờ cũng là sự tiếp xúc.

c) Vận động của những vật tiếp xúc với nhau - áp lực. Tĩnh lực học. Thuỷ tĩnh học và các chất khí. Đòn bẩy và các hình thức khác của cơ học chính cống; trong hình thức tiếp xúc đơn giản nhất của chúng, chúng đều là ma sát và va chạm, chỉ khác nhau ở mức độ. Nhưng ma sát và va chạm - trên thực tế là tiếp xúc - cũng có những hậu quả khác nữa mà ở đây các nhà khoa học tự nhiên chưa nói đến bao giờ: trong những hoàn cảnh nhất định, chúng phát sinh ra âm, ra nhiệt, ra ánh sáng, ra điện, ra từ.

2. Những lực khác nhau ấy (trừ âm thanh) - vật lý học các thiên thể -

a) Lực nọ biến thành lực kia và thay thế lẫn nhau, và

b) Tới một mức độ nhất định của sự tăng trưởng về số lượng của mỗi lực trong các lực ấy, - mức độ này khác nhau tuỳ theo mỗi vật thể, - thì trong những vật thể chịu ảnh hưởng của những lực ấy, dù về mặt hoá học đó là những vật thể hoá hợp hay là những vật thể đơn giản, sẽ xảy ra những sự biến đổi hoá học. Thế là chúng ta đã bước vào lĩnh vực của hoá học. Hoá học các thiên thể. Tinh thể học là một bộ phận của hoá học.

3. Vật lý học cần phải hoặc gác lại việc xem xét những vật hữu cơ sống. Còn hoá học thì chỉ qua việc nghiên cứu các hợp chất hữu cơ, mới có chìa khoá thực sự để nhận thức tính chất thực sự của các vật thể quan trọng nhất; mặt khác, nó tổng hợp được những vật thể chỉ có trong giới hữu cơ. ở đây, hoá học tiếp cận sự sống hữu cơ và nó đã tiến khá xa khiến chúng ta có thể tin chắc rằng chỉ có nó mới có thể giải thích được bước quá độ biện chứng sang thể hữu cơ.

4. Nhưng bước quá độ thực sự chỉ có trong lịch sử - của hệ thống mặt trời, của quả đất; tiền đề thực sự của giới hữu cơ.

5. Giới hữu cơ.

* * *

Sự phân loại các khoa học, theo đó mỗi ngành khoa học nghiên cứu một hình thức vận động riêng biệt hoặc một loạt những hình thức vận động liên quan với nhau và chuyển hoá lẫn nhau, do đó, là sự phân loại, sự sắp xếp bản thân các hình thức vận động đó theo thứ tự vốn có của chúng, và tầm quan trọng của việc phân loại ấy là ở chỗ đó.

Vào cuối thế kỷ trước, sau các nhà duy vật Pháp, - chủ nghĩa duy vật của họ phần nhiều là cơ giới, - đã xuất hiện yêu cầu phải thực hiện việc tổng kết, dưới dạng bách khoa toàn thư, toàn bộ khoa học tự nhiên của trường phái cũ Niu-tơn - Lin-nê; và hai người có tài nhất đã bắt tay làm việc ấy: Xanh-Xi-mông (chưa làm xong) và Hê-ghen. Hiện nay, quan niệm mới về khoa học tự nhiên đã hoàn thành trên những nét cơ bản, thì những yêu cầu tương tự như thế lại xuất hiện và nhiều ý đồ đã được thực hiện theo hướng ấy. Nhưng vì ngày nay, đã thấy được mối liên hệ chung của sự phát triển trong giới tự nhiên, cho nên, hiện nay sự tập hợp các tài liệu theo bề ngoài thành một chuỗi mà các khâu chỉ được sắp xếp cạnh nhau thì cũng thiếu sót như những chuyển hoá biện chứng nhân tạo của Hê-ghen. Những sự chuyển hoá đó phải tự hoàn thành, phải là tự nhiên. Cũng giống như một hình thức vận động là phát triển từ một hình thức vận động khác, những phản ánh của nó, tức là những ngành khoa học khác nhau, cũng phải phát triển một cách tất nhiên từ một ngành này thành một ngành khác.

* * *

Không chắc gì Công-tơ đã là tác giả của hệ thống bách khoa toàn thư của ông về các ngành khoa học tự nhiên[10], làm theo kiểu của Xanh - Xi-mông, điều đó có thể thấy rõ chỉ qua cái việc sau đây: đối với ông, hệ thống bách khoa toàn thư ấy chỉ dùng để sắp xếp các loại tài liệu giáo khoađể giảng dạy và vì thế đưa đến một enseignement intégral8* điên rồ, trong đó mỗi một môn khoa học phải được giảng xong hẳn rồi mới giảng sang, dù chỉ là bước đầu, một môn khoa học khác; trong đó, một ý kiến, đúng về căn bản, bị phóng đại lên theo kiểu toán học thành một sự vô lý.

* * *

Sự phân chia (ban đầu) của Hê-ghen, thành cơ giới luận, hoá học luận, hữu cơ luận[11] là hoàn bị đối với thời kỳ của ông. Cơ giới luận tức là vận động của khối lượng; hoá học luận là vận động của phân tử (vì vật lý học cũng nằm trong đó và cả hai môn, vậy lý học và hoá học, đều thuộc cùng một loại) và vận động của nguyên tử; hữu cơ luận là vận động của các vật thể không tách rời nhau. Bởi vì thể hữu cơ, đương nhiên là một sự thống nhất cao, liên kết cơ học, vật lý học và hoá học thành một chỉnh thể, trong đó cái tam vị nhất thể không thể bị tách rời ra được. Trong thể hữu cơ, vận động cơ giới là trực tiếp do sự biến đổi vật lý và hoá học gây ra, và điều đó có quan hệ đến ăn uống, hô hấp và bài tiết, v.v. cũng như có quan hệ đến sự vận động thuần tuý của cơ thịt.

Mỗi một nhóm lại gồm có hai môn. Cơ học: 1) cơ học thiên thể; 2) cơ học địa cầu. Vận động của phân tử: 1) vật lý học; 2) hoá học. Thể hữu cơ: 1) thực vật; 2) động vật.

* * *

Địa văn học9*. Khi bước quá độ từ hoá học sang sự sống đã hoàn thành thì trước hết cần phải khảo sát những điều kiện trong đó sự sống phát sinh và tồn tại - vậy phải khảo sát trước hết là địa chất học, khí tượng học và các ngành khác. Sau đó mới đến các hình thức khác nhau của bản thân sự sống, nếu không thì không thể hiểu được những hình thức của sự sống ấy.

 



1* - Nguyên nhân cuối cùng.

2* - nguyên nhân tác động.

[1] Hê-ghen. "Bách khoa toàn thư các khoa học triết học", Đ128, Phụ chú.

[2] Hê-ghen. "Bách khoa toàn thư các khoa học triết học", Đ98. Phụ chú số 1: "Lực hút cũng như lực đẩy là thuộc tính căn bản của vật chất".

3* Xem bài bút ký "Sự cố kết" (tập này, tr. 792).

[3] Xem Hê-ghen "Khoa học lô-gích", q. I, ph. II, ch. I. Chú thích về phản đề của Can-tơ về tính không thể phân chia và tính phân chia bất tận của thời gian, không gian, vật chất.

4* Ăng-ghen dẫn đến bút ký "Thuyết động học các chất khí", bài này trong bản thảo "Biện chứng của tự nhiên" nằm ở cuối trang 3 của tờ in thứ 5.

[4] Hê-ghen. "Triết học tự nhiên". Đ261. Phụ chú.

[5] Ý kiến về bảo tồn số lượng vận động đã được Đê-các-tơ nói trong "Luận về ánh sáng" (phần đầu của tác phẩm "Vũ trụ", viết vào 1630 - 1633, xuất bản năm 1664 sau khi tác giả qua đời) và trong bức thư của ông gửi Đơ Bô-nơ ngày 30 tháng Tư 1639. Quan điểm đó được phát triển đầy đủ nhất trong cuốn: R. Descartes. "Principia Philosophiae". Amstelodami, 1644, Pars secunda. XXXVI (R. Đê-các-tơ. "Nguyên lý triết học". Am-xtéc-đam, 1644, Phần hai, 36).

[6] Khi viết cuốn "Biện chứng của tự nhiên", Ăng-ghen đã sử dụng cuốn sách của U. R. Grâu-vơ". The Correlation of Physical Forces". 3rd ed, London, 1855 ("Sự tương quan giữa các lực vật lý". Xuất bản lần thứ 3, Luân Đôn, 1855). Cuốn sách này được xuất bản lần thứ nhất ở Luân Đôn năm 1846. Cuốn sách dựa trên cơ sở bài giảng của Grâu-vơ tại trường đại học Luân Đôn vào tháng Giêng năm 1842 và được công bố ngay sau đó ít lâu.

5* Ghi chú ngoài lề: "Thế cân bằng = lực hút thắng lực đẩy".

6* Đi đôi với chữ "hoặc" ("entweder") này, không một chữ "hoặc" ("oder") nào khác. Có thể giả thiết là ở cuối câu này Ăng-ghen cũng có ý định nói thêm rằng ngược lại, sự đẩy chuyển hoá thành sự hút, nhưng ông không thực hiện ý định ấy. Đoạn mà người ta có thể giả thiết là cuối câu ấy, được ghi ở trong hai dấu móc vuông.

[7] Đoạn này được viết trên một tờ ghi phác thảo một phần đề cương tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên" và là bản ghi tóm lược những tư tưởng được phát triển trong chương "Những hình thái vận động cơ bản" (xem tập này, tr. 457 và 519-540).

[8] Xem chú thích 6.

Với khái niệm "các trạng thái (affections) của vật chất" Grâu-vơ muốn nói đến "nhiệt, ánh sáng, điện, từ trường, ái lực hoá học và sự vận động hoá học" (tr. 15), và với khái niệm "vận động (motion)" là nói đến vận động cơ học, hay là sự dịch chuyển vị trí.

[9] Phác thảo này được viết trên tờ đầu của xấp thứ nhất trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên". Xét về nội dung thì phác thảo này trùng khớp với bức thư ngày 30 tháng Năm 1873 của Ăng-ghen gửi Mác. Bức thư này được mở đầu bằng câu: "Hôm nay, vào buổi sáng trong đầu tôi nảy ra những suy nghĩ biện chứng dưới đây về các môn khoa học tự nhiên". Bản thân sự trình bày những suy nghĩ này trong thư được diễn đạt hoàn chỉnh hơn là trong phác thảo. Do vậy, có thể rút ra kết luận là: bản phác thảo này được viết trước bức thư, cũng trong ngày 30 tháng Năm 1873. Nếu không kể đoạn nói về Buy-snơ (xem tập này, tr. 681-688), được viết không lâu trước bản phác thảo này, thì tất cả các chương và các trích đoạn khác trong tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên" đều được viết sau bản phác thảo này, nghĩa là sau ngày 30 tháng Năm 1873.

7*  Đoạn ở trong ngoặc vuông là rút trong bức thư của Ăng-ghen gửi Mác ngày 30 tháng Năm 1873.

[10] Ô.Công-tơ đã trình bày hệ thống phân loại các bộ môn khoa học theo cách ấy trong tác phẩm chính yếu của mình "Bài giảng về triết học thực chứng" được xuất bản lần thứ nhất ở Pa-ri vào những năm 1830-1842. Vấn đề phân loại các môn khoa học được trình bày riêng trong bài giảng số 2 của tập I tác phẩm này, bài giảng này có tên gọi là: "Trình bày đề cương giáo trình này, hay là những suy nghĩ chung về sắp xếp thứ bậc các môn khoa học thực nghiệm". Xem A.Comte. "Cours de Philosophie positive". T. I, Paris, 1830.

8* - giáo dục toàn khoa

[11] Ăng-ghen muốn nói đến quyển thứ ba của tác phẩm "Khoa học lô-gích" của Hê-ghen, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1816. Trong "Triết học tự nhiên" Hê-ghen đã gọi bộ môn chủ yếu của khoa học tự nhiên là "cơ học", "vật lý học" và "cơ chế học".

9*  - có nghĩa là mô tả thế giới tự nhiên.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt