Chủ nghĩa Marx

Những phương diện của chủ nghĩa Marx mới

 

NHỮNG PHƯƠNG DIỆN CỦA CHỦ NGHĨA MARX MỚI

 

WALTER LAQUEUR

 


Nguồn: Walter Laqueur. “The Many Faces of Neo-Marxism”. The National Interest, May-June/2013. Bản tiếng Việt: TN 2013 – 74. Phiên bản điện tử: https://caphesach.wordpress.com


 


Thời gian này, chúng ta nghe nói rằng Karl Marx – một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XIX, nếu không muốn nói là quan trọng nhất – đang trải qua giai đoạn phục hưng. Điều này được một số người cho là có lý do từ cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2008 và đã tàn phá một lượng của cải đáng kể của thế giới. Nếu xét đến khía cạnh rằng cuộc khủng hoảng này được nhìn nhận là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản thì lẽ đương nhiên là nhiều người sẽ nghĩ đến Marx, nhà phê bình chủ nghĩa tư bản lớn nhất trong lịch sử.

Nhưng đây là một cuộc phực hưng kỳ lạ, nếu như trên thực tế nó đúng là một hình thức phục hưng nào đó. Những năm gần đây, có rất nhiều hội nghị về chủ nghĩa Marx cùng vô vàn hội thảo ở những địa điểm như Chicago; Boston và Berlin. Tại London, một “lễ hội” Marx kéo dài năm ngày với khẩu hiểu “Không khí đã có mùi cách mạng”. Giấy mời tham dự sự kiện ghi:

Khủng hoảng và chế độ thắt lưng buộc bụng đã phơi bày tình trạng điên rồ trong hệ thống toàn cầu của chúng ta. Hàng tỉ đôla đã được bơm vào các ngân hàng, trong khi hàng tỉ người dân trên hành tinh này phải đối mặt với đói khát, nghèo túng, thiên tai và chiến tranh. Chúng ta thường được dạy rằng chủ nghĩa tư bản đồng nghĩa với thịnh vượng và dân chủ. Không đúng như vậy nữa. Giờ đây, nó đồng nghĩa với kham khổ với 99% sự thống trị của các thị trường.

Nhưng có thật sự không khí đã thấy mùi cách mạng? Pháp là một chính phủ xã hội chủ nghĩa, nhưng họ cũng đang rối như canh hẹ. Nước Anh có thể sắp theo chân, nhưng có chắc họ khá khẩm hơn không? Có vẻ rất tự nhiên là, vào thời điểm khủng hoảng, công luận sẽ hướng vào công kích đảng cầm quyền. Nếu xét đến mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng và tình trạng phục hồi chậm chạp, không có gì lạ nếu một số người hướng tới chủ nghĩa Marx. Nhưng thực tế rằng phản ứng chính trị ôn hòa như vậy lại càng đáng ngạc nhiên hơn.

Trong khi một số hội thảo và lễ hội tán dương vị lãnh tụ chống chủ nghĩa tư bản dường như thức tỉnh nhờ những cảm xúc chủ nghĩa Marx mới đích thực thì một số khác có vẻ lại đang sử dụng nhân vật này như một phong trào để lôi kéo người dân ủng hộ những sự nghiệp và động lực khác hẳn. Hãy xem chương trình nghị sự tại một hội nghị gần đây ở Đại học Washington. Người ta chắc chắn sẽ thấy nghi ngờ liệu những tín đồ của Marx có đi đúng đường khi mà những tài liệu đem ra thảo luận có những tựa đề như “Xem xét lại những tổng thể bất khả thi: Triển khai sự siêu phàm kiểu Marxist”, “Vài suy ngẫm về thi sĩ kinh viện sống như du khách lang thang”, “Nhìn nhận Hip-hop ở giao lộ của văn hóa và chủ nghĩa tư bản”, “Biên niên sử của các nhà nước tình dục” và “Kinh tế chính trị về sự thân mật lạ lùng hơn”.

Người ta tự hỏi Marx phản ứng thế nào nếu ông ngồi bên bàn viết của mình trong Phòng đọc sách của Bảo tàng Anh quốc và suy ngẫm về những thảo luận như vậy tại một cuộc mít-tinh dành riêng cho việc suy ngẫm lại những ý tưởng của ông. Liệu ông ấy sẽ gây ấn tượng, tạo sự thích thú hay không nói được gì? Có lẽ ông ấy sẽ nhớ đến những lệ hội mỗi tháng Hai tại Trier quê hương ông: Rượu vang, mặt nạ và những phong tục hài hước, những trò tếu táo – tất cả đi kèm với một dư vị kéo dài 5 – 6 ngày.

Những suy tư này được khuấy lên do sự xuất hiện của cuốn tiểu sử mới nhất về Marx – cuốn Karl Marx: A Nineteenth Century Life (Karl Marx: Cuộc sống thế kỷ XIX) của Jonathan Sperber (W.W. Norton 672p). Sperber là một chuyên gia về nước Đức thế kỷ XIX, và trong cuốn sách của ông có nhiều nội dung về thời niên thiếu của Marx ở Đức, đặc biệt tại quê hương Trier. Sperber cũng cung cấp nhiều chi tiết liên quan đến hoạt động chính trị của Marx cùng các mối quan hệ với các nhà cách mạng Đức khác trong thời gian lưu đầy hơn hẳn các cây viết tiểu sử trước đó. Sperber tán thành một cách hiểu mới về Marx, nhìn nhận nhân vật này trong bối cảnh thế kỷ XIX của ông chứ không phải như một người dự báo hay chủ xướng cho xung đột trong thế kỷ XX.

“Nhìn nhận về Marx như một nhân vật đương thời với những ý tưởng định hình lên thế giới hiện đại vẫn tiếp tục, “ông viết”, và đã đến lúc có cách hiểu mới về ông với tư cách một nhân vật của một thời kỳ lịch sử đã qua, một thời kỳ ngày càng xa thời kỳ của chúng ta”. Trong một số những yếu tố của thời kỳ lịch sử đã qua ấy, ông nhắc đến Cách mạng Pháp, triết học G.W.F. Hegel, những năm đầu của công cuộc công nghiệp hóa ở Anh và nền kinh tế chính trị khởi phát từ đó. “Thậm chí có thể là”, ông viết thêm, “Marx được hiểu một cách thiết thực hơn với tư cách một nhân vật hồi cố, người vận dụng những hoàn cảnh ở nửa đầu thế kỷ XIX để đưa vào tương lai, hơn là như một người diễn giải vững chãi và có tầm nhìn đối với các khuynh hướng lịch sử”.

Vì vậy, thay vì tìm cách làm sáng tỏ những “va chạm” học thuật của kỷ nguyên mới bằng việc đưa Marx vào thời đại của chúng ta, Sperber cố gắng làm sáng tỏ thời đại của Marx bằng việc đưa độc giả quay lại thời đó.

Nói một cách nghiêm túc thì đây không phải là một đánh giá về cuốn sách mà là một khám phá xem lịch sử nhìn nhận Karl Marx qua nhiều thời đại và khuynh hướng tư tưởng khác nhau kể từ khi ông đưa ra những học thuyết quan trọng của mình vào nhận thức phương Tây cách đây một thế kỷ rưỡi. Mặc dù vậy, những gì có thể nói về nỗ lực của Spencer là ông đã kể câu chuyện của mình rất hay và năng lực cùng độ đáng tin cậy của ông cần được hoan nghênh. Bên cạnh đó, việc xuất bản một cuốn tiểu sử mới về Marx cũng rất đáng hoan nghênh. Nếu mọi người hôm nay không có thời gian hoặc thị hiếu đọc Marx – ông ấy không còn được học nhiều vào thời kỳ này – thì ít nhất người ta cũng nên đọc về ông.

Một biểu hiện cho sự phục hưng của Marx là Sperber không phải duy nhất. Rất nhiều cuốn tiểu sử khác về Marx đã được xuất bản trong những năm gần đây; riêng tiếng Anh thôi, người ta có thể nghĩ tới bốn cuốn. Trong những thập niên sau Thế chiến II, mối quan tâm dành cho Marx cũng rất hạn chế dù các đảng Cộng sản và Dân chủ xã hội lúc đó rất mạnh. Nhưng người ta chỉ biết những sự thật cơ bản về cuộc đời Marx: những năm còn là sinh viên, sự giao du của ông với những thanh niên theo trường phái Hegel, hoạt động của ông với tư cách một nhà dân chủ cánh tả và việc ông phát hiện ra chủ nghĩa xã hội, những năm tháng ở Paris và Brussels, và cuối cùng là cuộc sống của ông ở London giai đoạn nghiên cứu chủ nghĩa tư bản, nghiền ngẫm về đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Thông tin và tài liệu, dù chỉ là ngoài lề, giúp soi rọi cuộc đời Marx được thu thập tại các học viện lớn tại Moscow, Amsterdam và London. Viện Marx-Engels-Lenin ở Moscow là đại chỉ lớn nhất và được trang bị tốt nhất, nhưng đã đóng cửa từ năm 1993. Viện Quốc tế Lịch sử Xã hội Amsterdam, thành lập năm 1935, vẫn tồn tại, cùng với Thư viện Tưởng niệm Marx đặt tại Clerkenwell Green ở khu East End của London.

Suốt nhiều năm, cuốn Karl Marx: The Story of His Life (Karl Marx: Câu chuyện cuộc đời) của Franz Mehring – lần đầu xuất bản năm 1918, và vẫn được in ngày nay – là văn bản đứng đầu trong lĩnh vực này. Mehring là nhà báo “tư sản”, người tìm đến phong trào xã hội chủ nghĩa khi đã ở tuổi trung niên. Đó là một tác phẩm nghiêm túc, rất kính trọng Marx nhưng không phải là không hề phê phán tí nào. Những người Marxist chính thống không bao giờ tha thứ cho Mehring vì đã bảo vệ Ferdinand Lassalle và Mikhail Bakunin trước những công kích thường là không đúng mức của Marx. Lassalle, người Đức gốc Do Thái, là người sáng lập Đảng xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đức. Ông là một thủ lĩnh tài năng và có sức lôi cuốn nhưng lại rất không ổn định – đôi khi có những kế hoạch và hành động nông nổi. Là một nhà lý thuyết, ông không đứng về phe Marx, nhưng ông sống ở Đức và do đó rất nổi tiếng cũng như được giới công nhân biết đến nhiều hơn cả Marx. Lassalle mất khi còn trẻ trong một cuộc đấu tay đổi liên quan đến một thiếu phụ gốc gác quý tộc. Marx, người có liên hệ gần gũi với ông, sau này nhắc đến ông như là “gã da đen Do Thái” cùng rất nhiều tên gọi khiếm nhã khác.

Là tác giả một cuốn tiểu sử tuyệt vời về gia đình Marx, Mary Gabriel quyết định không tiết lộ cho độc giả của mình những “góc khuất” của Marx vì e ngại rằng điều đó có thể tạo ra một ấn tượng sai lệch. Dĩ nhiên, ngôn từ như vậy quá phổ biến thời đó và không nên đánh giá theo những tiêu chuẩn cao hơn ngày nay. Marx, xin vay mượn một cụm từ do Freud nghĩ ra, “được rửa tội qua loa”. Thay vì tách chính mình ra khỏi cộng đồng của mình, ông ấy có vẻ chán ngán và tự nhận thức về di sản Do Thái của mình. Nhưng chính xác thì Lassalle không phải là một người Do Thái hãnh tiến; trong một lá thư gửi vị hôn thê của mình, ông viết rằng ông ghét người Do Thái. Nhưng cuối cùng, sự thanh sạch của Gabriel dường như đặt nhầm chỗ; việc phán xét xin để cho độc giả.

Với nhà hoạt động vô chính phủ nổi tiếng người Nga, Bakunin, ông cũng từng rất gần gũi với Marx nhưng về sau có bất hòa. Giữa họ hình thành những khác biệt chính trị thật sự sau khi Bakunin đi theo chủ nghĩa vô chính phủ, nhưng tư tưởng bài Nga ăn sân bén rễ của Marx cũng đóng vai trò lớn. Marx là người rất tin vào các thuyết âm mưu; trong nhiều năm, ông kiên định cho rằng Lord Palmerston, Thủ tướng Anh, là điệp viên chìm của Nga. Mặt khác, Marx lại tin những điệp viên mà chính phủ Phổ và Đức đã cài vào nội bộ của mình. Ông không phải là một người đánh giá những đồng loại của mình.

Cuốn tiểu sử của Mehring không còn phù hợp với thời đại chúng ta. Hạn chế của nó là không đầy đủ bởi vì những trước tác đầu tiên của Marx và rất nhiều thư từ của ông chỉ có thể tiếp cận được từ năm 1932. Ngoài một nhóm rất nhỏ ra, rất ít người biết Marx có một cậu con trai với Helen Demuth, cô hầu gái trung thủy trong nhà Marx ở London. Cậu con trai ngoài giá thú của Marx là thành viên duy nhất của gia đình sống và chứng kiến chiến thắng của chủ nghĩa xã hội (được gọi như vậy thời đó) tại Nga.

Trong các cuốn tiểu sử khác, có sự nhất trí chung rằng cuốn Karl Marx: His Life and Thought (Karl Marx: Cuộc đời và tư tưởng) của David McLellan là một tác phẩm chuẩn mực. Sách được viết vào những năm 1970, trước khi Liên Xô sụp đổ, và hiện đã in lần thứ 4. Nhưng các cuốn sách khác đều nhấn mạnh những khía cạnh đặc biệt trong cuộc đời Marx và sự chú ý dành cho điều đó. Cuốn Karl Marx: A Life (Karl Marx: Một cuộc đời) của Francis Wheen được viết rất tốt và được ca ngợi vì nhấn mạnh đến những người đương thời ở Anh của Marx. Wheen đề cập đến những trao đổi giữa Marx với Darwin với nhiều chi tiết hơn các tác giả khác. Mặc dù Wheen có tranh luận vấn đề này với những tác giả biên niên sử khác nhưng cốt lõi của luận điểm thì không có tính căn bản.

Cuốn sách năm 2011 của Gabriel, Love and Capital: Karl and Jenny Marx and the Birth of a Revolution (Tình yêu và tư bản: Karl và Jenny Marx và sự ra đời của một cuộc cách mạng), cũng được nghiên cứu rất kỹ, mặc dù quan tâm nhiều đến tình yêu hơn là tư bản. Cơ bản bà nói đến người vợ của Marx và cả các con ông, bốn người trong đó qua đời trước cả ông bố. Mối quan hệ của Marx với các con dường như rất tốt, và các con gái ông tôn thờ ông. Vợ ông, sinh ra trong một gia đình quý tộc Đức von Westphalen, có số phận bình thường. Trong suốt cuộc hôn nhân của mình, bà sống trong nghèo túng, và nền tảng quý tộc của bà không giúp chuẩn bị cho bà có một cuộc sống trong những điều kiện kham khổ như vậy. Bản thân Marx nhiều lần viết rằng ông thường cảm thấy ngại về nhà với vợ do thường xuyên phải nghe than vãn. Nghiên cứu mang tính cảm thông và nghiêm túc duy nhất về cuộc sống của bà là do người cháu trai của bà, quý ông Lutz Graf Schwerin von Krosigk, người từng làm Bộ trưởng Tài chính của Hitler (mặc dù ông ấy không phải là đảng viên Quốc xã) và từng có thời gian bị giam giữ tại Spandau sau chiến tranh, viết ra.

Do đó, không hề thiếu những biên niên sử đáng tin cậy và nghiêm túc về Marx, kể cả những cuốn tương đối gần đây. Phần nội dung của Sperber là một bổ sung đáng giá cho bộ sưu tập này. Đặc biệt ông rất đáng được ca ngợi vì có lời cảnh báo về xu hướng kỳ cục trong giới học giả hiện đại muốn làm cho những ý tưởng của Marx tương thích hơn với hiện tại bằng cách đưa những ý tưởng đó vào máy chế biến đồ ăn Cuisinart cùng với khái niệm vô vị của thời đại chúng ta như cấu trúc luận, hậu hiện đại, thuyết hiện sinh.

 

Nhưng trọng tâm thế kỷ XIX của Sperber cũng khơi lên một số câu hỏi thú vị. Vai trò lịch sử của Marx, có thể bị tranh cãi, chủ yếu với tư cách là người đã cho Lenin các ý tưởng, chứ không phải là cây bút chiến viết sách công kích các học thuyết, lấy ví dụ, của Carl Vogt, người có những quan điểm hoàn toàn bị lu mờ hiện này. Chắc chắn Sperber có lý do chính đáng khi bỏ qua rất nhiều nỗ lực nhằm cập nhật về Marx, từ những nỗ lực kỳ quặc đến vô lý. Đồng thời, có thể ông ấy đi quá xa khi bỏ qua do có định kiến với chủ nghĩa Marx, ông gọi là “Marxology”. Rốt cuộc, cuộc sống riêng và những can thiệp vào đời sống chính trị đương thời của Marx, vốn rất thú vị, không phải là lý do ông được ghi nhớ ngày nay.

Ông được ghi nhớ – dù tốt hay xấu – với tư cách người đưa ra đề cương, thậm chí có phần mơ hồ, cho một thế giới hậu tư bản chủ nghĩa. Do đó, tác giả của bản dự thảo cho xã hội tương lai chủ yếu được ghi nhớ bởi những người sống để chứng kiến đều đó. Đó có thể là lý do tại sao chính quyền Moscow nghiêm túc xem xét việc di dời bức tượng còn lại cuối cùng của Marx (hiện đứng đối diện Nhà hát Bolshoi) ra khỏi thủ đô. Mối quan tâm đến Marx và chủ nghĩa Marx dường như hiện vẫn mạnh mẽ ở tất cả những nước nơi các giáo điều của ông từng được viện dẫn và nơi học sinh được hướng dẫn nghiên cứu về ông.

Nhưng liệu có công bằng khi trách cứ các triết gia vì bất kỳ và tất cả những việc cắt xén các ý tưởng của họ – khái niệm cho rằng một cái cây nhận biết được là nhờ quả của nó, hay không? Francis Wheen từng tranh luận rằng không. Và trên thực tế hoàn toàn sai nếu trách cứ Marx vì Stalin hay Pol Pot, cũng như Nietzsche không thể chịu trách nhiệm về Hitler hay Eichmann. Thêm nữa, rất nhiều hoạt động diễn ra trong thế kỷ XX nhân danh Marx, rất nhiều trong số đó là bi kịch. Và việc ông công kích chủ nghĩa tư bản, rất mạnh mẽ và sâu rộng, vẫn âm vang qua nhiều thập kỷ bất cứ khi nào nhũng sai lầm và hạn chế của chủ nghĩa tư bản hiện rõ nhất.

Điều gì đưa chúng ta quay lại với cái gọi là sự phục hưng của Marx và làm thế nào ông ấy lại có được sự quan tâm trở lại, dù thầm lặng, sau quá nhiều tranh cãi trong một thời gian quá dài như vậy. Một số kiến thức trong trước của Marx được công nhận ở thế hệ tôi, giữa hai cuộc chiến. Điều này lại không đúng với thế hệ cha mẹ tôi và chắc chắn càng không với thế hệ ông bà. Nhưng khi tôi lớn lên thì có đến một phần ba thế giới được cai quản dưới những hệ thống do chủ nghĩa Marx dẫn dắt. Làm sao người dân thời kỳ đó có thể hiểu được những sự kiện hiện nay trừ phi có người hiểu gì đó về hệ tư tưởng từng là kim chỉ nam của những quốc gia này?

Có lẽ nên tiết lộ rằng phần kiến thức này không mở rộng đến tác phẩm lớn của Marx, Das Kapital (Tư bản luận). Ngoài một nhóm chuyên gia nhỏ, tôi không biết có ai từng đọc tác phẩm này đến hết. Nhưng có tiêu chí rằng ít nhất cũng vờ coi như vừa bắt đầu đọc tác phẩm ấy.

Và rất nên chú ý đến một số bằng chứng mang tính giai thoại về vị trí của Marx trong ý thức của người dân thời kỳ đó. Nói không ngoa thì căn hộ nhỏ của tôi ở London gần như cách mộ phần của Marx ở Highgate chỉ một tầm ném đá. Có nhiều hôm, trong lúc đi dạo vào buổi chiều, ngày mưa cũng như ngày tạnh, tôi luôn được khách tham quan, thường từ nước ngoài – sinh viên từ Đức, những người Mỹ trung niên, có khi cả những nhà tu từ các nước Viễn Đông nào đó – hỏi thăm đường đến mộ ông. Trong suốt hai thập kỷ qua, dòng người muốn tới viếng Marx cứ rút ngắn dần tới mức gần như chẳng còn ai. Cũng chẳng có ai lên tiếng kêu cai gì khi thời lượng viếng thăm khu mộ cứ bị giảm dần.

Về việc lưu hành các tác phẩm của Marx, điều tra nhanh cho thấy rằng có sự gia tăng về sau, với 1500 bản Das Kapital (Tư bản luận) đã được bán ra bởi một nhà xuất bản ở Đức trong năm 2008, tăng vọt từ con số 200 mà nhà xuất bản này bán ra mỗi năm ở giai đoạn trước. Ở Trung Quốc cũng có sự tăng lên, trong năm 2009 một trong những nhà xuất bản lớn ở đây cho biết có sự gia tăng gấp bốn lần doanh số bán cuốn sách ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng như vậy cũng không phải là gia tăng gì mạnh. Các trước tác của Marx cũng không bán được nhiều hơn các tác phẩm kinh điển về lý thuyết chính trị khác – còn ít hơn cả Capitalism and Freedom (Chủ nghĩa tư bản và Tự do) của Milton Friedman, và ít hơn rất nhiều so với những cuốn sách thịnh hành như sách của Ayn Rand. Nhưng Communist Manifesto (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản) của Marx, một bài luận dài cỡ 60 – 80 trang dường như lại bán rất chạy.

Sự phục hưng của Marx dường như chủ yếu tập trung ở Hoa Kỳ và Đức. Tại thành phố Chemnitz của Đức, được đổi tên thành Karl-Marx-Stadt sau khi phe Cộng sản tiếp quản Đông Đức năm 1945, đã lấy lại tên cũ của nó. Nhưng một ngân hàng tiết kiệm địa phương ở đó từng phát hành loại thẻ tín dụng mang tên “Marx card”, kèm theo chút thông tin về ông, và việc này hóa ra lại là một hình thức quảng cáo rất thành công. Nhà sản xuất phim hàng đầu người Đức Alex Kluge đã thực hiện một “phim tài liệu thơ” (theo đúng ngôn từ của ông ấy) dài 10 tiếng v62 bộ Das Kapital. Ý tưởng này không hoàn toàn vốn thuộc về ông. Đạo diễn phim nổi tiếng của Liên Xô Sergei Eisenstein từng dự định một dự án tương tự vài thập kỷ trước và thậm chí còn tìm cách thuyết phục James Joyce cùng tham gia hợp tác. Nhưng không có gì tiến triển.

Tuy nhiên tác phẩm của Kluge, có bản DVD, sử dụng ý tưởng của Eisenstein làm xuất phát điểm triển khai. Ông đặt tựa đề bộ phim là New from Ideological Antiquity (Những điều mới mẻ từ di sản tư tưởng). Và cần phải thấy rằng bộ phim chính là để bù đắp cho những nghi ngại của Sperber đối với việc tìm cách làm cho Marx “phù hợp hơn với thời đại chúng ta” bằng cách diễn giải lại ông dưới ánh sáng của cấu trúc luận, hậu cấu trúc luận, hậu hiện đại, hiện sinh hoặc những yếu tố của rất nhiều trào lưu khác đầy rẫy trong cảnh quan học thuật hiện đại suốt thế kỷ qua. Chẳng hạn, đã có những cố gắng nhằm gắn chủ nghĩa Marx với những phê phán thời kỳ hậu thuộc đại đối với chủ nghĩa thực dân phương Tây, nhưng đây là một luận cứ rất khó thực hiện đứng từ góc độ nhìn nhận của Marx cho rằng nước Anh đóng vai trò tích cực trong sự phát triển của Ấn Độ.

Người ta nhìn thấy phân tích tương tự ở đâu đó trong sự phục hưng của Marx. Terry Eagleton – người viết Why Marx Was Right (Tại sao Marx đúng) và là một nhân vật hàng đầu trong sự phục hồi này – là một “chiến binh” rất kiên định chống lại tình trạng thù ghét người Hồi giáo và cũng là nhà lý thuyết nổi tiếng trong lĩnh vực lý thuyết văn học. Những người khác liên quan đến sự phục hồi của Marx là các sinh viên tôn giáo, triết học, phân tâm học, chủ nghĩa hậu thực dân, hội sinh (ăn cùng nhau), chính trị bản sắc, chính trị giới, môi trường… Tất cả đều có thể là những chủ thể quan trọng, nhưng lại đều không phải là những người đặc biệt gần gũi với trái tim và khối óc của Marx.

Một số người thuộc các chuyên ngành khác nhau tham gia vào “đoàn xe” của Marx là: Etienne Balibar, người viết về Baruch Spinoza; Alain Badiou, với chuyên ngành là chân lý lôgích; Slavoj Zizek, một học giả về phân tâm học, lý thuyết phim ảnh và nhiều vấn đề khác; và Jacques Ranciere, một triết gia giáo dục. Một giáo sư danh tiếng về địa lý và nhân loại học tại Đại học Thành phố New York, David Harvey, cũng mở một khóa học chuyên về việc đọc kỹ bộ Das Kapital.

Thiếu vắng trong đoàn người cố gắng “cập nhật” Marx ở thời đại chúng ta là những giáo sư và học giả với chuyên môn tập trung vào kinh tế học và tài chính – những lĩnh vực Marx dành gần như trọn đời và là trung tâm của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Những sử gia như Sperber cũng rất ít thấy xuất hiện ở đây. Dĩ nhiên, không ai cho rằng chỉ có các nhà kinh tế và các nha giả thực sự về chủ nghĩa Marx mới tham gia được vào những cuộc trnah luận này, nhưng sự vắng mặt gần như hoàn toàn của họ làm cho người ta phải thắc mắc xem cuộc tranh luận này nói về cái gì.

Chẳng hạn, rất khó phân biệt được Marx có thể đã đóng góp được những xung lực sáng tạo gì cho “Những ghi chép nam nữ bình quyền của chủ nghĩa Marx về hóa trị chính trị của ảnh hưởng”, tiêu đề một bài viết của Rosemary Hennessy ở đại học Rice tại hội thảo về chủ nghĩa Marx ở Berlin.

Tất cả làm nảy sinh một câu hỏi:  Nếu hiện tượng phục hưng của Marx này không liên quan gì nhiều đến những giáo điều thực tế của Marx, vốn là những thứ mà các nhà hậu cấu trúc luận, hậu hiện đại và học giả về giới dường như chưa thật quen thuộc, thì làm sao giải thích được sự phục hưng này, dù có thể khiêm nhường và chỉ giới hạn trong những trường đại học tinh hoa phương Tây vốn không còn mấy liên hệ với giai cấp công nhân công nghiệp ngày nay?

Dường như câu trả lời là “Marx” đã trở thành thứ gì đó giống như một lối tắt hay một biểu tương cho thấy thái độ chuộng việc phải có thay đổi mạnh mẽ ở rất nhiều lĩnh vực từng được gọi một cách tùy tiện là “nghiên cứu văn hóa”. Điều đó ít hoặc chẳng hề liên quan gì tới những gì thật sự là chủ nghĩa Marx.

Tìm hiểu hiện tượng hiện nay của chủ nghĩa Marx đòi hỏi chúng ta phải quay ngược thời gian. Marx là một thiên tài, nhưng ông ấy không phải là nhà tiên tri đáng tin cậy nhất. Ông thể hiện những hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng đối với việc nghiên cứu kinh tế xã hội. Thiếu văng chủ nghĩa duy vật lịch sử, vai trò đấu tranh giai cấp sẽ không được hiểu một cách rõ ràng như trước, ảnh hưởng của ông đối với nền chính trị thế kỷ XX là rất lớn. Nhưng thậm chí trước khi kết thúc thế kỷ XIX, một số người gần gũi với ông nhất nhận ra rằng lịch sử không đi theo hướng ông tiên liệu.

Một trong số này là Eduard Bernstein, một công dân Berlin sống nhiều năm tại London. Ông là bạn thân của gia đình và, cùng với con gái Marx là Eleanor, đã biên tập nhiều thư từ và cùng nhiều tài liệu chưa từng xuất bản của Marx sau khi ông mất. Viết vào năm 1898, ông nói rõ ý định của mình không phải là bác lại Marx mà chỉ là cập nhật về ông qua các sự kiện. Bernstein nhìn thấy rõ rằng bần cùng hóa – quá trình làm tăng sự nghèo túng của giai cấp vô sản như Marx tiên đoán – không hề xảy ra. Sự tập trung vốn vào tay một số ít người, mà Marx xem như một nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghãi tư bản, cũng không xảy ra. Marx cũng không nhìn thấy sự vươn lên của các nhà nước phúc lợi.

Đúng, có những cuộc khủng hoảng tái diễn trong thế giới tư bản chủ nghĩa, nhưng chúng không phải là những gì Marx tiên liệu. Giai cấp công nhân toàn thế giới không hề liên kết lại. Giai cấp công nhân không phát triển mà thu hẹp. Nhờ những tiến bộ công nghệ, cấu trúc của giai cấp công nhân thay đổi rất lớn. Tại châu Âu, lực lượng này tiếp cận rất nhiều di dân vốn coi tôn giáo quan trọng hơn ý  thức giai cấp. Còn giai cấp công nhân bản địa lại thường thiên hữu thậm chí đôi khi rất thiên hữu, như ở Pháp.

Các cuộc cách mạng có nổ ra tại một số nước, nhưng không phải ở những nước tư bản phát triển nhất mà Marx nhìn nhận như là cơ sở cho cách mạng. Thay vào đó, những sự kiện ấy xảy ra ở những nước kém phát triển hơn, nơi các xã hội cách mạng mới rất khác với những gì Marx đã hình dung.

Do đó chủ nghĩa Marx xuất hiện nhưng không phải dựa trên đặc tính khoa học từ những giáo điều của mình mà dựa trên ý tưởng lãng mạn và không tưởng về cách mạng. Marx rất coi thường các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng thời kỳ mình, và học thuyết của ông chứa đựng những yếu tố khoa học. Nhưng những yếu tố ấy nhanh chóng mở đường cho thái độ bất đồng trong giới học thuật với hiện trạng, mong muốn làm nhiều việc để khắc phục những khiếm khuyết văn hóa và xã hội của hệ thống, và khát vọng về những giá trị và chuẩn mực văn hóa mới.

Vậy có thể kỳ vọng xung lực mới mẻ gì từ sự phục hưng hiện nay của Marx? Những kỳ vọng đó rất khiêm tốn. Mối quan tâm của Marx gắn với những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản và tương lai chính trị của giai cấp công nhân. Sự phục hưng xuất hiện nhờ cuộc khủng hoảng ở các nước phát triển bùng phát vào năm 2008. Marx chủ yếu tập trung vào nước anh và, ở một mức độ hạn chế hơn, một số nước châu Âu khác vốn là những tiền đồn của chủ nghĩa tư bản thời đó. Nhưng bất kỳ phân tích nghiêm túc nào về chủ nghĩa tư bản ngày nay cũng đều tập trung nhiều vào Trung Quốc hơn là Anh.

Trong số những chủ đề quan tâm mà những người liên quan đến sự phục hưng của Marx nêu lên, bên cạnh những người đã nói ở trên, còn có vấn đề chuyển nhượng tài sản, đồ vật hóa, và những mục tiêu triết học và văn học khác nữa. Nhưng những vấn đề ấy gần như chẳng có gì liên quan tới cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện nay ở châu Âu và Mỹ. Đó là một cuộc khủng hoảng nợ, làm nảy sinh những câu hỏi mạnh mẽ xem liệu kích cầu hay thắt lưng buộc bụng là phương thuốc tốt nhất để giúp nền kinh tế cân bằng và vận động trở lại. Cuộc khủng hoảng này chẳng có gì liên quan tới Marx với Eugen von Bohm-Bawerk, nhà kinh tế học Trường phái Áo có các quan điểm khác hẳn Marx ở những khía cạnh quan trọng mà lúc này dương như lại rất tầm thường. Ngày nay, cuộc tranh luận thích hợp hơn là giữa John Maynard Keynes với Friedrich Hayek và Milton Friedman.

Trong tình hình này, chắc chắn là nhà nước điều tiết sẽ đóng vai trò lớn hơn so với trong quá khứ. Rất nhiều điều không hay đã xuất hiện, gây bất lợi cho hệ thống tài chính một phần do lòng tham thể hiện ở một số nhân vật có thế lực hàng đầu cũng do trình độ yếu kém tai hại của họ. Cho tới nay, chưa có ai – cả cá nhân lẫn các đảng chính trị – đề xuất được việc quốc hữu hóa toàn bộ các ngành kinh tế then chốt, các phương tiện sản xuất hoặc các ngân hàng. Đó lại chính là cách tiếp cận của chủ nghĩa Marx.

Thách thức mà châu Âu và Mỹ đối mặt lúc này là một trật tự kinh tế thế giới mới đang trỗi dậy. Châu Âu – không còn là chủ thể bóc lột chính nữa – sẽ phải suy nghĩ và làm việc cật lực để cứu lấy nhà nước phúc lợi, còn Mỹ sẽ phải làm tương tự vì các quyền của mình. Làm thế nào những cơ hội này tìm ra một ngách giúp họ duy trì được mức  sống, hay ít nhất là ngăn chặn tình trạng suy giảm quá nhanh?

Họ sẽ kiếm chỉ dẫn từ đâu về cách giải quyết thách thức này? Chắc chắn không thể tìm thấy ở những tác phẩm vĩ đại của nhà kinh tế cổ điển Anh David Ricardo hay nhà kinh tế thế hệ sau là Nassau William Senior. Và ngay cả những thiên tài như Adam Smith hay Marx cũng thật sự dẫn dắt chúng ta đi xa hơn nữa trong tiến trình tìm kiếm sự chỉ dẫn ấy. Lịch sử cứ tiếp diễn. Thế kỷ XIX và con sốt công nghiệp của nó đã lùi lại phía sau.

Liệu Mỹ có dẫn đầu không? Hay Trung Quốc? Marx viết trong một bài báo năm 1850 cho một tờ báo Đức, “Khi những kẻ phản động châu Âu đổ xô sang châu Á… đụng phải Vạn lý Trường thành của Trung Quốc…. thì ai biết được liệu họ sẽ không tìm thấy dòng chữ khắc này: République Chinoise. Liberté, égalité, fraternité (Cộng hòa Trung Quốc. Tự do, bình đẳng, bác ái)”. Nhưng dĩ nhiên dòng chữ khắc ấy không hề được tìm thấy ở bức tường thành. Nó là biểu tương cho nhận xét của Giovanni Arrighi, giáo sư kinh tế học người Mỹ gốc Italy quá cố, về niềm tin của chủ nghĩa Marx, người từng viết rằng Trung Quốc có một nền kinh tế thị trường, nhưng không phải là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Một điểm rất thú vị nhưng không hữu ích lắm trong việc giải quyết thách thức của những vấn đề hiện nay trên thế giới.

Cho nên có vẻ chúng ta sẽ phải đợi lâu hơn một chút thì ngôi sao chỉ đường đó mới xuất hiện. Trong thời gian đó, rõ ràng là sự phục hưng của chủ nghĩa Marx không đem lại điều gì giá trị trong cuộc tìm kiếm này. Rõ ràng, nó sẽ tiếp tục gợi lên niềm đam mê trong lòng các nhà hoạt động ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu văn hóa khác nhau, vốn chán ngán hiện trạng và thèm khát một đặc tính mới mang tính cách mạng. Nhưng nó lại chẳng đem lại gì cho các nhà kinh tế thời đại chúng ta – hay nhân loại.

NGUYỄN XUÂN HỒNG dịch


 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Đình Thông - 17:35 20/06/2016
Bài này chủ đích là phản đối chủ nghĩa Mác mà bác?
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt