Chủ nghĩa Marx

Phép siêu hình của khoa kinh tế chính trị: Phương pháp - Nhận xét thứ ba

SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG HAI

PHÉP SIÊU HÌNH

CỦA KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ

 

§I. PHƯƠNG PHÁP

 

Nhận xét thứ ba

 


C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn


 

 

Những quan hệ sản xuất của bất cứ xã hội nào cũng họp thành một thể thống nhất. Ông Pru-đông coi mỗi quan hệ kinh tế là một giai đoạn xã hội, giai đoạn này đẻ ra giai đoạn kia, giai đoạn này là kết quả của giai đoạn kia như phản đề là kết quả của chính đề, và trong trật tự lô-gích của chúng, những giai đoạn xã hội ấy thực hiện lý tính phi nhân cách của loài người.

Mặt kém duy nhất của phương pháp ấy, đó là khi nghiên cứu chỉ một giai đoạn nào đó trong các giai đoạn ấy, ông Pru-đông không thể giải thích được nó, nếu không viện đến tất cả những quan hệ khác của xã hội, nhưng ông ta lại chưa làm cho sự vận động biện chứng của ông ta sản sinh ra những quan hệ sau này. Sau đó, khi ông Pru-đông, nhờ lý tính thuần túy, chuyển sang việc sản sinh ra những giai đoạn khác thì ông lại làm như thể những giai đoạn khác ấy là những đứa trẻ mới đẻ, ông ta quên rằng những giai đoạn khác ấy cũng có cùng một tuổi với giai đoạn thứ nhất.

Chẳng hạn, để đi đến cấu thành nên giá trị, cấu thành mà ông ta coi là cơ sở của tất cả những sự tiến triển kinh tế, ông ta không thể bỏ qua được sự phân công lao động, sự cạnh tranh, v.v.. Thế nhưng, những quan hệ ấy còn hoàn toàn chưa tồn tại trong cái chuỗi, trong lý tính của ông Pru-đông, trong cái trật tự lô-gích.

Khi dựng lên cái giàn dáo của một hệ thống tư tưởng, bằng những phạm trù của khoa kinh tế chính trị, người ta cắt rời những bộ phận của hệ thống xã hội ra. Có bao nhiêu bộ phận khác nhau của xã hội, thì người ta đem đổi thành bấy nhiêu xã hội riêng biệt, xã hội này nảy sinh ra sau xã hội khác. Thực vậy, làm thế nào mà chỉ riêng công thức lô-gích của vận động, của thứ tự, của thời gian, lại có thể giải thích được cơ thể của xã hội, trong đó tất cả những quan hệ cùng tồn tại đồng thời và ủng hộ lẫn nhau?

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt