SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC
CHƯƠNG HAI PHÉP SIÊU HÌNH CỦA KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ
§I. PHƯƠNG PHÁP
Nhận xét thứ hai
C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn
Những phạm trù kinh tế chỉ là những biểu hiện lý luận, những sự trừu tượng hoá của những quan hệ sản xuất của xã hội mà thôi. Ông Pru-đông, với tư cách là nhà triết học chân chính, đã lộn trái các sự vật, nên thấy những quan hệ hiện thực chỉ là những sự hiện thân của những nguyên lý ấy, những phạm trù ấy, những phạm trù, những nguyên lý vẫn thiu thiu ngủ - ông Pru-đông - nhà triết học còn nói với chúng ta như vậy - ở trong lòng "lý tính phi nhân cách của loài người". Ông Pru-đông - nhà kinh tế học đã hiểu rất rõ rằng người ta làm ra da, vải, các thứ lụa, trong phạm vi những quan hệ sản xuất nhất định. Nhưng điều mà ông ta đã không hiểu, đó là những quan hệ xã hội nhất định ấy cũng do người ta sản sinh ra, giống như vải, lanh, v.v., vậy. Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp. Chính những người thiết lập nên những quan hệ xã hội phù hợp với năng lực sản xuất vật chất của họ, cũng là những người sản sinh ra những nguyên lý, những ý niệm, những phạm trù phù hợp với những quan hệ xã hội của họ. Cho nên những ý niệm ấy, những phạm trù ấy cũng ít có tính chất vĩnh cửu, như những quan hệ mà chúng biểu thị vậy. Chúng là những sản phẩm mang tính chất lịch sử và nhất thời. Có một sự vận động tăng lên không ngừng trong những lực lượng sản xuất, một sự vận động phá hoại không ngừng trong những quan hệ xã hội, một sự vận động hình thành không ngừng trong những ý niệm; chỉ có sự trừu tượng hoá của vận động là không vận động mà thôi - đó là "cái chết bất tử"(61).
(61) Mác dẫn ra ở đây mấy chữ của đoạn sau đây trong bài thơ của Lu-cre-xơ "Về bản chất sự vật" (quyển III, câu 869): "mortalem vitam mors immortalis ademit" ("cái chết bất tử đã cướp đi cuộc sống trần tục").
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC