SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC
CHƯƠNG HAI PHÉP SIÊU HÌNH CỦA KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ
§I. PHƯƠNG PHÁP
Nhận xét thứ sáu
C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn
Chúng ta hãy cùng với ông Pru-đông đi con đường tắt. Chúng ta rất muốn rằng những quan hệ kinh tế, được coi như những quy luật không thay đổi, những nguyên lý vĩnh cửu, những phạm trù lý tưởng đều là có trước khi xuất hiện những người tích cực hoạt động; chúng ta cũng rất muốn rằng những quy luật ấy, những nguyên lý ấy, những phạm trù ấy, từ khai thiên lập địa đến nay, đều vẫn thiu thiu ngủ trong "lý tính phi nhân cách của loài người" rồi. Chúng ta đã thấy rằng với tất cả những cái vĩnh cửu không thay đổi và không vận động ấy thì không còn có lịch sử nữa; nhiều lắm là có lịch sử trong ý niệm, nghĩa là lịch sử được phản ánh vào trong sự vận động biện chứng của lý tính thuần túy. Khi ông Pru-đông nói rằng trong sự vận động biện chứng, những ý niệm không còn tự "phân hoá" nữa, thì tức là ông ta đã xóa bỏ cái bóng của sự vận động, lẫn sự vận động của những cái bóng mà với những cái đó thì nhiều lắm, người ta cũng chỉ còn tạo ra được một cái tựa như lịch sử là cùng. Đáng lẽ phải làm như thế, ông ta lại đem sự bất lực của bản thân mình đổ tội cho lịch sử, ông ta đổ tội cho tất cả, cho đến cả tiếng Pháp nữa. Ông Pru-đông, nhà triết học, nói: "Vậy thì thật là không đúng nếu nói rằng một cái gì xuất hiện, một cái gì sinh ra trong nền văn minh cũng như trong thế giới, tất cả đều tồn tại, tất cả đều hoạt động từ xưa đến nay rồi. Đối với toàn bộ nền kinh tế xã hội thì cũng thế" (t.II, tr.102). Hiệu lực của những mâu thuẫn - đang hoạt động trong hệ thống của ông Pru-đông và bắt bản thân ông Pru-đông hoạt động, - mạnh đến nỗi là muốn giải thích lịch sử, ông ta buộc phải phủ định lịch sử; muốn giải thích sự xuất hiện nối tiếp nhau của những quan hệ xã hội, ông ta phải phủ định việc một cái gì đó có thể xuất hiện; muốn giải thích sản xuất với tất cả những giai đoạn của nó, ông ta không thừa nhận rằng một cái gì đó lại có thể được sản sinh ra. Như vậy là đối với ông Pru-đông thì không còn có lịch sử nữa, không còn có trật tự của những ý niệm nữa, thế nhưng quyển sách của ông ta vẫn luôn luôn tồn tại; và quyển sách ấy lại chính là - nói theo lối nói của ông ta - "lịch sử theo trật tự của những ý niệm". Làm thế nào mà tìm ra được một công thức - vì ông Pru-đông là con người hay nói công thức - để giúp ông ta có thể bằng một cái nhảy mà vượt qua được tất cả những mâu thuẫn của ông ta? Muốn thế, ông ta đã sáng chế ra một lý tính mới, không phải là lý tính tuyệt đối, thuần túy và trinh bạch, cũng không phải là lý tính bình thường của những người tích cực và hoạt động trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, mà là một lý tính hoàn toàn riêng biệt, lý tính của cái xã hội - cá nhân, của chủ thể loài người, cái lý tính mà dưới ngòi bút của ông Pru-đông, nó đôi khi cũng xuất hiện lúc đầu là "thiên tài xã hội","lý tính phổ biến" và cuối cùng là "lý tính của con người". Tuy nhiên, cái lý tính đội rất nhiều tên ấy, luôn luôn cứ lộ mặt ra là lý tính cá nhân của ông Pru-đông với mặt tốt và mặt xấu của nó, với những phương thuốc giải độc của nó và những vấn đề của nó. "Lý tính của con người không sáng tạo ra cái chân lý" ẩn sâu trong lòng cái lý tính tuyệt đối, vĩnh viễn. Lý tính của con người chỉ có thể vạch trần chân lý đó ra mà thôi. Nhưng những chân lý mà cho đến nay nó đã phát hiện ra, đều là không toàn vẹn, không đầy đủ và do đó, mâu thuẫn. Vậy là những phạm trù kinh tế, vì bản thân chúng là những chân lý do lý tính của con người, do thiên tài xã hội phát hiện ra, tìm ra, cũng đều là không toàn vẹn và chứa đựng mầm mống của mâu thuẫn. Trước ông Pru-đông, thiên tài xã hội chỉ thấy được những yếu tố đối kháng, chứ không thấy công thức tổng hợp, mặc dầu cả hai đều ẩn kín trong lý tính tuyệt đối. Vậy vì những quan hệ kinh tế chỉ làm cái việc là thực hiện, trên trái đất này, những chân lý không đầy đủ ấy, những phạm trù không toàn vẹn ấy, những khái niệm mâu thuẫn ấy, cho nên những quan hệ kinh tế ấy cũng mâu thuẫn trong bản thân chúng và đều có hai mặt, một mặt tốt, một mặt xấu. Tìm ra chân lý toàn vẹn, khái niệm hoàn toàn đầy đủ, công thức tổng hợp để trừ bỏ được mâu thuẫn, đó là nhiệm vụ của thiên tài xã hội. Đó là điều tại sao trong ảo tưởng của ông Pru-đông, cũng thiên tài xã hội ấy đã bị đẩy từ phạm trù này qua phạm trù khác, mà với cả một loạt những phạm trù của ông ta, vẫn chưa giành được một công thức tổng hợp nào ở thượng đế ở lý tính tuyệt đối cả. "Trước hết, xã hội" (thiên tài xã hội) "đề ra một sự việc thứ nhất, nêu ra một giả định đề... một mâu thuẫn thật sự, mà những kết quả đối kháng của nó diễn ra trong nền kinh tế xã hội một cách cũng giống như cách mà những hậu quả có thể được suy ra trong trí óc; thành thử sự vận động của công nghiệp, nhất nhất đi theo sự diễn dịch của những ý niệm, cũng chia ra thành hai dòng, một là dòng những hiệu quả có ích, hai là dòng những kết quả có hại. Muốn cấu thành một cách hài hòa cái nguyên lý hai mặt ấy và giải quyết cái mâu thuẫn tư tưởng ấy, xã hội lại làm cho một mâu thuẫn thứ hai nảy ra từ cái thứ nhất, rồi không bao lâu cái thứ hai này lại có một cái thứ ba, và đó là bước đi của thiên tài xã hội, cho đến khi dùng hết những mâu thuẫn của nó, - tôi giả định như thế, chưa có cái gì chứng minh rằng mâu thuẫn loài người có sự tận cùng, - thiên tài xã hội nhảy một cái trở về tất cả những vị trí trước kia của nó, và giải quyết tất cả những vấn đề của nó trong một công thức duy nhất" (t. I, tr.133). Cũng giống như trước đây, phản đề chuyển hoá thành phương thuốc giải độc, bây giờ chính đề cũng trở thành giả định đề. Việc ông Pru-đông thay đổi danh từ như thế không còn có gì có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên được. Lý tính của con người không có gì là thuần túy, vì nó chỉ có những hiểu biết không hoàn toàn, cho nên cứ mỗi bước nó lại gặp những vấn đề mới phải giải quyết. Đối với nó, mỗi chính đề mới mà nó phát hiện thấy ở trong lý tính tuyệt đối và là sự phủ định của chính đề thứ nhất, lại trở thành một hợp đề mà nó coi một cách khá ngây thơ, là giải pháp cho vấn đề phải giải quyết; vì thế lý tính ấy giãy giụa trong những mâu thuẫn luôn luôn mới, cho đến khi đạt tới chỗ hết mâu thuẫn, nó thấy rằng tất cả những chính đề và hợp đề của nó chỉ là những giả định đề mâu thuẫn mà thôi. Trong cơn bối rối của nó, "lý tính của con người, thiên tài xã hội, nhảy một cái trở về tất cả những vị trí trước kia của nó, và giải quyết tất cả những vấn đề của nó trong một công thức duy nhất". Công thức duy nhất ấy - nhân đây chúng tôi cũng xin nói - là sự phát hiện thật sự của ông Pru-đông. Đó là giá trị được cấu thành. Người ta chỉ nêu lên những giả định đề để nhằm một mục đích nào đó. Mục đích mà thiên tài xã hội nhằm trước hết - thiên tài xã hội nói ra qua miệng ông Pru-đông - là loại bỏ tất cả cái gì xấu trong mỗi phạm trù kinh tế, để chỉ còn lại cái tốt mà thôi. Đối với nó, cái tốt, điều kiện tối cao, mục đích thực tế chân chính, chính là sự bình đẳng. Nhưng tại sao thiên tài xã hội lại muốn đạo Thiên chúa hay bất cứ nguyên lý nào khác? Bởi vì "loài người đã lần lượt thực hiện nhiều giả định đề đặc biệt đến như thế, chỉ là nhằm đạt đến một giả định đề cao hơn", giả định đề cao hơn ấy chính là sự bình đẳng. Nói cách khác: bởi vì sự bình đẳng là lý tưởng của ông Pru-đông. Ông ta tưởng tượng rằng sự phân công lao động, tín dụng, sự hiệp tác trong xưởng thợ, tóm lại, những quan hệ kinh tế đã được phát minh ra chỉ nhằm có lợi cho sự bình đẳng, thế mà cuối cùng, những cái đó lại luôn luôn chống lại sự bình đẳng. Từ chỗ cứ mỗi bước, lịch sử và sự tưởng tượng của ông Pru-đông lại đi ngược lại với nhau, ông ta đi đến kết luận là có mâu thuẫn. Nếu có mâu thuẫn thì mâu thuẫn cũng chỉ tồn tại giữa ý niệm cố định của ông ta và sự vận động hiện thực mà thôi. Từ nay về sau, mặt tốt của một quan hệ kinh tế, đó là mặt khẳng định sự bình đẳng; mặt xấu là mặt phủ định mặt tốt và khẳng định sự không bình đẳng. Mọi phạm trù mới là một giả định đề của thiên tài xã hội, nhằm loại bỏ sự không bình đẳng do giả định đề trước sản sinh ra. Tóm lại, sự bình đẳng là ý định ban đầu, xu thế thần bí, mục đích theo mệnh trời, mà thiên tài xã hội luôn luôn có trước mắt, khi nó xoay trong cái vòng những mâu thuẫn kinh tế. Cho nên mệnh trời là cái đầu tàu, nó làm cho cái mớ tri thức kinh tế của ông Pru-đông chạy tốt hơn là lý tính thuần túy và thinh không của ông ta nữa. Ông ta đã dành cho mệnh trời cả một chương, sau chương nói về thuế má. Mệnh trời, mục đích theo mệnh trời, đó là một từ vĩ đại mà ngày nay người ta dùng để giải thích tiến trình của lịch sử. Kỳ thực, chữ ấy không giải thích cái gì cả. Nhiều lắm thì đó cũng chỉ là một hình thức nói văn vẻ, một cách như những cách khác để diễn tả những sự việc một cách dài dòng mà thôi. Thực tế là ở Xcốt-len, nhờ sự phát triển của công nghiệp Anh mà những địa sản mới có một giá trị mới. Công nghiệp Anh đã mở ra cho len những thị trường tiêu thụ mới. Muốn sản xuất len theo quy mô lớn, phải biến những đồng ruộng trồng trọt được thành đồng cỏ. Muốn thực hiện được sự biến đổi ấy, phải tập trung những ruộng đất lại. Muốn tập trung những ruộng đất lại, phải xoá bỏ những cơ sở doanh nghiệp nhỏ của những người lĩnh canh cha truyền con nối; đuổi hàng vạn nông dân lĩnh canh ra khỏi quê hương của họ và thay thế họ bằng vài mục phu để chăn dắt hàng triệu con cừu. Thế là, bằng những sự biến đổi liên tiếp, sở hữu ruộng đất ở Xcốt-len đã đưa đến kết quả là cừu đuổi người. Nếu bây giờ anh nói mục đích theo mệnh trời của chế độ sở hữu ruộng đất ở Xcốt-len là làm cho cừu đuổi người thì tức là anh đã viết lịch sử theo mệnh trời đấy. Đương nhiên, xu hướng muốn bình đẳng là thuộc về thế kỷ của chúng ta. Bây giờ mà nói rằng tất cả những thế kỷ trước, với những nhu cầu, những tư liệu sản xuất v.v., khác hẳn, đã làm việc theo Mệnh trời để thực hiện sự bình đẳng, thì như vậy, trước hết là đem những tư liệu sản xuất và những con người của thế kỷ chúng ta thay thế cho những con người và những tư liệu sản xuất của các thế kỷ trước, là không hiểu biết sự vận động của lịch sử, sự vận động mà nhờ nó các thế hệ kế tiếp nhau đã biến đổi những thành quả mà các thế hệ đi trước đã giành được. Các nhà kinh tế học đều hiểu rất rõ rằng cùng một vật ấy thì đối với người này là thành phẩm, nhưng đối với người kia, lại chỉ là nguyên liệu sản xuất mới mà thôi. Anh hãy giả định, như ông Pru-đông đã giả định, rằng thiên tài xã hội đã sản sinh ra, hay nói cho đúng là đã tùy hứng sản sinh ra, những lãnh chúa phong kiến nhằm mục đích theo Mệnh trời là biến những nông phu thành những người lao động có trách nhiệm và bình đẳng: như vậy là anh đã đánh tráo những mục đích và những con người, một sự đánh tráo hoàn toàn xứng đáng với cái Mệnh trời đã lập ra ở Xcốt-len quyền sở hữu ruộng đất nhằm mục đích thỏa mãn cái ác ý của mình là làm cho cừu đuổi người. Nhưng vì ông Pru-đông quan tâm đến Mệnh trời một cách dịu dàng đến thế, nên chúng ta giới thiệu với ông cuốn "Lịch sử khoa kinh tế chính trị" của ông Đờ Vin-lơ-nơ-vơ - Bác-giơ-mông(62) là người cũng theo đuổi mục đích theo Mệnh trời. Mục đích ấy không phải là sự bình đẳng nữa mà là đạo Thiên chúa.
(62) A. de Villeneuve-Bargemont. "Histoire de l'économie politique". Xuất bản lần thứ nhất ở Bruy-xen năm 1839.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC