SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC
CÁC MÁC _______
SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC
CHƯƠNG HAI PHÉP SIÊU HÌNH CỦA KHOA KINH TẾ CHÍNH TRỊ
§I. PHƯƠNG PHÁP
C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn
Bây giờ, chúng tôi hiện đang ở giữa nước Đức! Chúng tôi sắp phải nói về phép siêu hình mà vẫn cứ nói về khoa kinh tế chính trị. Và còn điều này nữa, chúng tôi chỉ làm cái việc là đi theo những "mâu thuẫn" của ông Pru-đông thôi. Lúc nãy, ông ta buộc chúng tôi phải nói tiếng Anh, buộc bản thân chúng tôi phải trở thành người Anh trên một mức độ nào đó. Bây giờ thì sân khấu thay đổi rồi. Ông Pru-đông đưa chúng tôi vào đất nước thân yêu của chúng tôi và buộc chúng tôi phải bất đắc dĩ lấy trở lại tư cách người Đức của chúng tôi. Nếu người Anh biến con người thành những cái mũ thì người Đức lại biến những cái mũ thành những ý niệm. Người Anh, đó là Ri-các-đô, chủ ngân hàng giàu có và nhà kinh tế học xuất sắc; người Đức, đó là Hê-ghen, giáo sư bình thường dạy triết học ở trường Đại học Béc-lin. Lu-i XV, ông vua chuyên chế cuối cùng, đại biểu cho sự suy tàn của vương triều Pháp, đã tuyển một người thầy thuốc, trước kia là nhà kinh tế học đầu tiên của nước Pháp, để phục vụ bản thân mình. Người thầy thuốc ấy, nhà kinh tế học ấy, đại biểu cho thắng lợi sắp tới và chắc chắn của giai cấp tư sản pháp. Bác sĩ Kê-nê đã làm cho khoa kinh tế chính trị trở thành một khoa học; ông ta đã tóm tắt khoa kinh tế chính trị lại trong "Biểu kinh tế" nổi tiếng của ông. Ngoài một nghìn lẻ một lời bình luận đã được xuất bản nói về cái biểu ấy ra, chúng ta còn thấy có một lời bình luận của bản thân bác sĩ. Đó là "Phân tích Biểu kinh tế", có kèm theo "bảy nhận xét quan trọng"(58). Ông Pru-đông là một bác sĩ Kê-nê khác. Đó là Kê-nê của phép siêu hình của khoa kinh tế chính trị. Thế mà, theo Hê-ghen thì phép siêu hình, tức là toàn bộ triết học nói chung, đều được thâu tóm thành phương pháp. Vậy chúng ta phải tìm cách làm sáng tỏ phương pháp của ông Pru-đông, một phương pháp ít ra cũng tối mù mù như "Biểu kinh tế" vậy. Chính vì lẽ đó nên chúng tôi đưa ra bảy nhận xét ít nhiều quan trọng. Nếu bác sĩ Pru-đông không vừa lòng với những nhận xét của chúng tôi, thì xin ông ta hãy nhận lấy vai trò của linh mục Bô-đô và tự làm lấy việc "giải thích phương pháp siêu hình - kinh tế học"(59).
(58) Có ý nói tới hai tác phẩm kinh tế chủ yếu của Kê-nê: "Tableau économique" (1758) và "Analyse du Tableau économique" (1766). (59) Mác ám chỉ tác phẩm của người cùng thời với Kê-nê là N. Bô-đô "Sự giải thích Biểu kinh tế" ("Explication du Tableau économique"), được công bố năm 1770.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC