Chủ nghĩa Marx

Quan niệm "Cơ giới" về tự nhiên

 

QUAN NIỆM "CƠ GIỚI" VỀ GIỚI TỰ NHIÊN[1]

Chú thích ở trang 46:

Những hình thức vận động khác nhau

và các khoa học nghiên cứu hình thái vận động đó

 

FRIEDRICH ENGELS (1820-1895)

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 20. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004. | Phiên bản điện tử: dangcongsan.vn | Nguyên bản tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh 


 

Sau khi bài văn nói trên đây "Vorwọrts", ngày 9 tháng Hai 1877)1* ra đời, Kê-cu-lê đã định nghĩa cơ học, vật lý học và hoá học một cách hoàn toàn giống nhau ("Mục đích và thành tựu khoa học của hoá học").

"Nếu người ta lấy cái quan niệm ấy về bản chất của vật chất làm cơ sở thì người ta có thể định nghĩa hoá học là khoa học về các nguyên tử và vật lý học là khoa học về các phân tử, và tự nhiên là khi đó, người ta sẽ nghĩ đến việc tách phần nghiên cứu về khối lượng trong vật lý học hiện nay thành một ngành chuyên môn và dành cho nó cái tên là cơ học. Như vậy cơ học trở thành khoa học cơ sở của vật lý học và hoá học, vì khi khảo sát những mặt nào đó của các hiện tượng, nhất là khi tính toán thì cả vật lý học lẫn hoá học đều phải coi phân tử hoặc nguyên tử của chúng là khối lượng để nghiên cứu"[2].

Như chúng ta đã thấy, cách phát biểu này chỉ khác với cách phát biểu nêu ra trong bài văn và trong chú thích2* nói trên ở chỗ nó ít chính xác hơn. Nhưng khi một tờ báo Anh "Nature" đã gán cho luận điểm trên đây của Kê-cu-lê là có ý nói rằng cơ học là tĩnh lực học và động lực học của các khối lượng, vật lý học là tĩnh lực học và động lực học của các phân tử, hoá học là tĩnh lực học và động lực học của các nguyên tử[3] thì theo tôi, sự quy kết một cách vô điều kiện ngay cả những quá trình hoá học thành những quá trình thuần tuý cơ học như thế ít ra cũng đã thu hẹp một cách không thích đáng lĩnh vực nghiên cứu của hoá học. Tuy nhiên, điều đó đã trở nên rất hợp mốt đến nỗi Hếch-ken chẳng hạn, cũng luôn luôn dùng chữ "cơ giới" và chữ "nhất nguyên" theo cùng một nghĩa và theo ông,

"sinh lý học hiện đại... chỉ dành chỗ... trong lĩnh vực của nó, cho những lực lý học, hay lực cơ giới theo nghĩa rộng3* mà thôi". ("Sự phát sinh")[4]

Nếu tôi gọi vật lý học là cơ học của các phân tử, hoá học là vật lý học của các nguyên tử và, sau đó lại gọi sinh vật học là hoá học của các an-bu-min, thì như thế là tôi muốn nói lên bước quá độ của một ngành khoa học này sang một ngành khoa học khác - do đó nói lên mối liên hệ, tính liên tục cũng như sự khác nhau và tính gián đoạn giữa hai ngành ấy. Đi xa hơn nữa mà cũng gọi hoá học là một loại cơ học, thì tôi cho là không thể chấp nhận được. Cơ học - dù theo nghĩa rộng hay theo nghĩa hẹp - chỉ biết có số lượng, chỉ sử dụng những tốc độ và những khối lượng, nhiều lắm là những thể tích. Ở chỗ nào trên đường đi của nó mà nó gặp chất lượng của các vật thể, tỉ dụ như trong thuỷ tĩnh học và khí tĩnh học, thì nó không thể không nghiên cứu những trạng thái phân tử và những vận động phân tử: bản thân nó, ở đây, chẳng qua chỉ là một khoa học phù trợ, một tiền đề của vật lý học mà thôi. Còn trong vật lý học, và hơn nữa trong hoá học, không những chỉ có những sự thay đổi liên tục về chất lượng gây ra bởi sự thay đổi về số lượng, tức là sự chuyển hoá của số lượng thành chất lượng, mà còn phải xét đến rất nhiều những sự biến đổi về chất lượng mà người ta hoàn toàn chưa xác minh được là do sự biến đổi về số lượng mà ra. Có thể vui vẻ đồng ý để cho trào lưu hiện đại của khoa học đi theo hướng ấy, nhưng điều đó cũng chưa chứng tỏ rằng hướng đó là duy nhất đúng và theo hướng ấy thì chúng ta sẽ nghiên cứu được toàn bộ vật lý học và hoá học. Mọi vận động đều bao hàm vận động cơ giới, tức là sự thay đổi vị trí của những bộ phận lớn hay nhỏ của vật chất, trong không gian; mà nhận thức sự vận động ấy, là nhiệm vụ trước nhất của khoa học, nhưng mới chỉ là nhiệm vụ trước nhất mà thôi. Nhưng vận động cơ giới ấy hoàn toàn không bao quát được hết vận động nói chung. Vận động không phải chỉ là một sự thay đổi vị trí: trong những lĩnh vực siêu cơ học, nó còn là những sự thay đổi về chất lượng. Nhiệt là một sự vận động phân tử, sự phát hiện ấy đã đánh dấu một thời đại, trong khoa học. Nhưng nếu tôi không biết nói gì hơn về nhiệt ngoài cái điều nói rằng nhiệt là một sự thay đổi vị trí nào đó của những phân tử thì tốt hơn hết là tôi nên im lặng. Hình như là hoá học đang đi trên một con đường đúng để giải thích cả một loạt những thuộc tính hoá học và vật lý của các nguyên tố bằng tỷ lệ của các thể tích nguyên tử so với trọng lượng nguyên tử. Nhưng không một nhà hoá học nào lại sẽ khẳng định rằng tất cả những thuộc tính của một nguyên tố đều được biểu hiện một cách đầy đủ bằng vị trí của nó trên đường cong Lô-ta Mây-ơ[5], rằng chỉ như vậy cũng đủ để giải thích chẳng hạn thuộc tính đặc biệt của các-bon, cái đặc tính khiến cho các-bon trở thành nguyên tố chủ yếu của đời sống hữu cơ, hoặc giải thích sự cần thiết phải có lân ở trong óc. Thế nhưng quan niệm "cơ giới" lại chỉ đi tới kết quả như vậy thôi. Nó giải thích mọi sự biến đổi bằng sự thay đổi vị trí, giải thích tất cả mọi sự khác nhau về chất lượng bằng những sự khác nhau về số lượng và không thấy rằng quan hệ giữa số lượng và chất lượng là một quan hệ qua lại, rằng chất lượng có thể chuyển hoá thành số lượng cũng như số lượng có thể chuyển hoá thành chất lượng, rằng ở đây có một tác động qua lại. Nếu tất cả những sự khác nhau và những sự biến đổi về chất lượng đều có thể quy thành những sự khác nhau và sự biến đổi về số lượng, thành một sự thay đổi cơ giới về vị trí thì tất nhiên chúng ta sẽ đi đến một nguyên lý cho rằng vật chất là gồm những hạt nhỏ đồng nhất và tất cả những sự khác nhau về chất lượng của những nguyên tố hoá học của vật chất đều được gây ra bởi những sự khác nhau về số lượng, nghĩa là những sự khác nhau về số lượng, về cách sắp xếp của những hạt nhỏ ấy trong không gian khi chúng hợp nhất thành nguyên tử. Nhưng chúng ta cũng chưa đi tới chỗ đó.

Vì các nhà khoa học tự nhiên của chúng ta ngày nay không hiểu biết một triết học nào khác ngoài cái triết học tầm thường thông dụng nhất đang lưu hành trong các trường đại học Đức, cho nên họ mới có thể sử dụng như vậy những từ ngữ như "cơ giới", mà không hiểu rằng, thậm chí không ngờ rằng do đó họ phải đi đến những kết luận như thế nào. Thuyết tính đồng nhất tuyệt đối về chất lượng của vật chất có những tín đồ của nó; người ta không thể bác bỏ cũng như không thể chứng minh được thuyết này bằng kinh nghiệm. Nhưng nếu ta hỏi tất cả mọi người có ý định giải thích mọi cái "một cách cơ giới" xem họ có ý thức về tính tất nhiên của kết luận ấy không, xem họ có công nhận tính đồng nhất của vật chất hay không thì ta sẽ được nghe không biết bao nhiêu câu trả lời khác nhau!

Điều đáng buồn cười nhất là việc coi hai từ "duy vật chủ nghĩa" và "cơ giới luận" là như nhau thì lại xuất phát từ Hê-ghen là người muốn hạ uy tín của chủ nghĩa duy vật cho nên đã ghép thêm cho nó một tính từ "cơ giới". Vấn đề là ở chỗ chủ nghĩa duy vật mà Hê-ghen công kích, - chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII, - thì thực ra là một chủ nghĩa duy vật hoàn toàn cơ giới vì một lý do rất tự nhiên là vào thời kỳ đó, vật lý học, hoá học và sinh vật học còn đang trong thời kỳ ấu trĩ và tuyệt đối chưa thể làm cơ sở cho một quan niệm chung về tự nhiên được. Hếch-ken cũng đã mượn cách phiên dịch của Hê-ghen: causae efficientes = "những nguyên nhân tác động cơ giới" và causae finales = "những nguyên nhân tác động có mục đích"; nhưng Hê-ghen, quan niệm "cơ giới" ở đây có nghĩa là tác động một cách mù quáng, vô ý thức, chứ không phải có nghĩa là cơ giới theo nghĩa của Hếch-ken. Nhưng ngay đối với bản thân Hê-ghen, tất cả sự đối lập ấy là một quan điểm mà người ta đã vứt bỏ đi từ lâu rồi, đến nỗi ông không nói tới trong bất cứ đoạn nào trong hai đoạn trình bày của ông về tính nhân quả trong quyển "Lô-gích" mà chỉ nói đến trong cuốn "Lịch sử triết học", ở những phần mà trong đó sự đối lập ấy thể hiện ra là một sự thật lịch sử (vậy Hếch-ken đã hiểu lầm vì hời hợt!), và nói đến một cách sơ lược khi bàn về mục đích luận ("Lô-gích", q. III, ph. II, ch. 3), như là một hình thức diễn đạt của siêu hình học cũ về sự đối lập giữa cơ học và mục đích luận; thường thường ông cho sự đối lập đó là một quan điểm mà người ta đã vứt bỏ từ lâu. Vui mừng vì thấy quan niệm "cơ giới" của mình đã được xác nhận, Hếch-ken đã chép sai, và do đó ông đã đi đến kết quả kỳ cục là nếu do sự chọn lọc tự nhiên mà có một biến hoá nhất định ở một loài động vật hay thực vật, thì đó là do tác động của một causa efficiens, nhưng nếu do chọn lọc nhân tạo mà có cũng một sự biến hoá như thế thì đó là do tác động của một causa finalis! Một nhà chăn nuôi là causa finalis! Đương nhiên là một nhà biện chứng có tài như Hê-ghen thì không thể cứ luẩn quẩn trong sự đối lập nhỏ hẹp giữa causa efficens và causa finalis được. Và theo quan điểm của giai đoạn phát triển khoa học hiện nay thì người ta đã chấm dứt tất cả những lời nói luẩn quẩn không có lối ra về sự đối lập ấy, vì qua kinh nghiệm, và do lý luận, chúng ta biết rằng người ta không thể sáng tạo ra vật chất cũng như không thể sáng tạo ra phương thức tồn tại của vật chất, tức sự vận động, rằng do đó vật chất và phương thức tồn tại của nó là nguyên nhân cuối cùng của bản thân chúng, còn nếu chúng ta gọi những nguyên nhân cá biệt tự cô lập một cách tạm thời và cục bộ, hoặc là bị cô lập bởi sự phản ánh của chúng ta, trong tác dụng tương hỗ của sự vận động của vũ trụ, là nguyên nhân tác động thì như thế là chúng ta hoàn toàn không thêm vào những nguyên nhân ấy một quy định mới nào mà chỉ thêm vào một nhân tố mơ hồ mà thôi. Một nguyên nhân mà không tác động thì không phải là nguyên nhân.

NB. Vật chất, với tính cách là vật chất, là một sáng tạo thuần tuý của tư duy và là một sự trừu tượng. Chúng ta bỏ qua những sự khác nhau về chất của những sự vật, khi chúng ta gộp chúng, với tư cách là những vật tồn tại hữu hình, vào khái niệm vật chất. Do đó, khác với những vật chất nhất định và đang tồn tại, vật chất, với tính cách là vật chất, không có sự tồn tại cảm tính. Khi khoa học tự nhiên hy vọng tìm ra vật chất có hình dạng đồng nhất, và muốn quy tất cả những sự khác nhau về chất lượng thành những sự khác nhau thuần tuý về số lượng do sự kết hợp của những hạt nhỏ đồng nhất tạo ra thì như thế là nó cũng hành động giống như khi nó muốn coi trái cây với tính cách là trái cây,[6] chứ không phải là trái anh đào, trái lê, trái táo; coi loài có vú với tính cách là loài có vú, chứ không phải là con mèo, con chó, con cừu, v.v., cũng như coi chất khí với tính cách là chất khí, kim loại với tính cách là kim loại, đá với tính cách là đá, hợp chất hoá học với tính cách là hợp chất hoá học, vận động với tính cách là vận động. Học thuyết Đác-uyn đòi hỏi phải có một động vật có vú nguyên thuỷ, tức là con Promammale của Hếch-ken,[7] nhưng đồng thời học thuyết đó cũng phải thừa nhận rằng nếu trong trạng thái phôi thai, con đó đã bao hàm trong nó tất cả những động vật có vú tương lai và hiện tại thì thực ra nó phải ở một trình độ thấp hơn tất cả những động vật có vú hiện tại, và nó có tính chất thô sơ nguyên thuỷ, cho nên không ổn định hơn so với tất cả những động vật có vú hiện tại. Như Hê-ghen đã chứng minh ("Bách khoa toàn thư", ph. I, tr. 199) quan điểm ấy, cái "quan điểm toán học một chiều" cho rằng vật chất là chỉ có thể quy định được về số lượng, còn về chất lượng thì xưa nay đều giống nhau, chỉ là quan điểm của chủ nghĩa duy vật Pháp của thế kỷ XVIII[8]. Đó là một bước lùi về với Pi-ta-go là người đã quan niệm rằng số, tính quy định về mặt số lượng, là bản chất của sự vật.

* * *

Trước tiên là Kê-cu-lê[9]. Sau đó: chỉ có trong sự liên hệ của bản thân các hiện tượng thì mới có thể tìm thấy được một sự hệ thống hoá khoa học tự nhiên mà ngày nay đang ngày càng trở thành một sự cần thiết. Chẳng hạn như sự vận động cơ giới của các khối lượng nhỏ trên một thiên thể chấm dứt bằng sự tiếp xúc của hai vật thể, sự tiếp xúc này có hai hình thức chỉ khác nhau về mức độ, tức là ma sát và va chạm. Do đó, trước hết chúng ta nghiên cứu tác dụng cơ giới của ma sát và va chạm. Nhưng chúng ta thấy rằng vấn đề cũng chưa phải như vậy là đã hết: ma sát tạo ra nhiệt, ánh sáng và điện; va chạm cũng tạo ra nhiệt và ánh sáng và có thể là cả điện nữa; như thế là vận động của khối lượng chuyển thành vận động của phân tử. Chúng ta bước vào lĩnh vực của vận động phân tử vật lý học, và tiếp tục nghiên cứu. Nhưng ở đây, chúng ta cũng thấy rằng vận động phân tử cũng không kết thúc cuộc khảo sát. Điện chuyển thành những chuyển hoá hoá học và điện nảy sinh ra từ những sự chuyển hoá hoá học, nhiệt và ánh sáng cũng vậy. Trong hoá học, vận động của phân tử chuyển hoá thành vận động của nguyên tử. Sự nghiên cứu các quá trình hoá học có trước mặt nó một lĩnh vực để khảo sát là thế giới hữu cơ, tức là một thế giới, trong đó những quá trình hoá học diễn ra theo cùng một quy luật, nhưng trong những điều kiện khác với điều kiện của thế giới vô cơ mà chỉ hoá học cũng đủ để giải thích. Nhưng tất cả những cuộc nghiên cứu hoá học về thế giới hữu cơ thì cuối cùng đều đi tới một vật thể là kết quả của những quá trình hoá học thông thường nhưng khác với tất cả những vật thể khác ở chỗ nó là một quá trình hoá học liên tục tự thực hiện. Vật thể ấy là an-bu-min. Nếu hoá học tạo ra được an-bu-min ấy dưới cái dạng xác định trong đó rõ ràng nó đã sinh ra, tức là dưới dạng gọi là chất nguyên sinh, dưới cái dạng xác định, nói đúng hơn là không xác định, trong đó nó đã chứa đựng mầm mống của tất cả những hình thức khác của an-bu-min (điều này không bắt buộc chúng ta phải giả thiết rằng chỉ có một chất nguyên sinh) thì khi đó bước quá độ biện chứng sẽ được xác minh trong thực tế, do đó sẽ được xác minh một cách hoàn toàn và triệt để. Cho tới khi đó thì sự việc vẫn còn nằm trong lĩnh vực tư duy, alias14* vẫn còn nằm trong giả thuyết. Do hoá học sáng tạo ra được an-bu-min, nên quá trình hoá học sẽ vượt khỏi khuôn khổ của nó cũng giống như quá trình cơ giới mà chúng ta đã thấy ở trên, tức là nó bước vào một lĩnh vực có nội dung phong phú hơn, - lĩnh vực của sự sống hữu cơ. Đương nhiên, sinh lý học là vật lý học và đặc biệt là hoá học của cơ thể sống, nhưng cũng do đó mà đồng thời nó lại không còn là thuần tuý hoá học nữa: một mặt, lĩnh vực hoạt động của nó bị hạn chế, nhưng một mặt khác, ở đây, nó lại được nâng lên một bậc nào đó cao hơn.



[1] Tiểu luận này thuộc vào số ba bài tiểu luận lớn hơn ("Noten") mà Ăng-ghen đưa vào xấp tài liệu thứ hai của tác phẩm "Biện chứng của tự nhiên" (những tiểu luận có khối lượng nhỏ hơn thì được đưa vào xấp tài liệu thứ nhất và thứ hai). Hai bài trong số những tiểu luận này - "Về các nguyên hình của cái vô hạn toán học trong thế giới hiện thực" và "Về quan niệm "cơ giới" về giới tự nhiên", là những "Chú thích" hoặc "Phụ chú" cho "Chống Đuy-rinh", trong đó Ăng-ghen đã phát triển một số tư tưởng rất quan trọng, chỉ mới được nêu lên hoặc được trình bày vắn tắt trong một số đoạn của cuốn sách do ông viết. Tiểu luận thứ ba - "Về việc Nê-gơ-li không có năng lực nhận thức cái vô hạn" - không có liên quan gì đến tác phẩm "Chống Đuy-rinh". Thời điểm viết hai tiểu luận đầu rất có thể là vào năm 1885; vô luận thế nào cũng không sớm hơn giữa tháng Tư 1884, là khi Ăng-ghen quyết định chuẩn bị cho xuất bản lần thứ hai, có mở rộng, tác phẩm "Chống Đuy-rinh", và không chậm nhất là vào cuối tháng Chín 1885, khi lời tựa cho lần xuất bản thứ hai cuốn sách này đã được hoàn tất và được gửi đến nhà xuất bản. Như thế có thể thấy qua các bức thư của Ăng-ghen gửi E.Béc-stanh và C. Cau-xky trong năm 1884 và cho G.Sluy-te trong năm 1885, Ăng-ghen có ý định viết một loạt "Chú thích" hoặc "Phụ chú" mang tính chất khoa học tự nhiên cho một số đoạn của "Chống Đuy-rinh", nhằm mục đích đưa chúng vào cuối tác phẩm này trong lần xuất bản thứ 2. Song vì quá bận rộn vào những công việc khác (trước hết là việc xuất bản các tập II và III của bộ "Tư bản" của Mác) nên Ăng-ghen đã không thực hiện được ý định này. Ông chỉ kịp phác thảo hai "Chú thích" cho các trang 17-18 và cho trang 46 của tác phẩm "Chống Đuy-rinh" xuất bản lần thứ nhất. Tiểu luận này chính là chú thích thứ hai trong số những "Chú thích" ấy.

Tiêu đề "Về quan niệm "cơ giới" về giới tự nhiên" do Ăng-ghen đưa vào phần mục lục xấp tài liệu thứ hai của tác phẩm. "Biện chứng của tự nhiên". Còn tiêu đề "Chú thích số 2. Cho trang 46: Các hình thức vận động khác nhau và những môn khoa học nghiên cứu của hình thức vận động ấy" thì được đặt ở phần đầu của chính tiểu luận này.

1* Nghĩa là chương VII của phần thứ nhất cuốn "Chống Đuy-rinh".

[2] A.Kekulé. "Die wissenschaftlichen Ziele und Leistungen der Chemie". Bonn, 1878, S. 12.

2* Nghĩa là trong "Chống Đuy-rinh" và trong chú thích "Bàn về các nguyên hình của cái vô hạn toán học trong thế giới hiện thực". (xem tập này tr. 98 và 766-774).

[3] Đây là nói về bài đăng trên tạp chí "Nature" số 420, ngày 15 tháng Mười một 1877, trong đó có trình bày tóm tắt bài diễn văn của A.Kê-cu-lê phát biểu ngày 18 tháng Mười 1877 khi ông này lên giữ chức giám đốc Đại học Tổng hợp Bon. Năm 1878 bài diễn văn này của Kê-cu-lê đã được xuất bản thành sách mỏng với nhan đề "Những mục đích khoa học và những thành tựu của môn hoá học".

3* Do Ăng-ghen nhấn mạnh.

[4] E.Haeckel. "Die Periginesis der Plastidule". Berlin, 1876. S.13.

[5] Đường cong Lô-ta Mây-ơ - là hình hoạ đồ mô tả quan hệ giữa trọng lượng của nguyên tử và thể tích của nguyên tử, do nhà hoá học Đức L.Mây-ơ lập và được công bố năm 1870 trong bài viết của ông nhan đề "Bản chất của các nguyên tố hoá học với tính cách là hàm số trọng lượng nguyên tử của chúng" được đăng trên tạp chí "Annalen der Chemie und Pharmacie" ("Niên giám hoá học và dược học"), tập bổ sung VII, quyển 3.

Sự phát hiện ra mối liên hệ có tính quy luật giữa trọng lượng nguyên tử và những thuộc tính hoá lý của những nguyên tố hoá học là của nhà khoa học vĩ đại Nga Đ.I.Men-đê-lê-ép, là người đầu tiên luận chứng quy luật tuần hoàn của các nguyên tố hoá học vào tháng Ba 1869 qua bài viết "Về tương quan giữa các thuộc tính và trọng lượng nguyên tử của các nguyên tố" đăng trên "Tạp chí của hội hoá học Nga". L. Mây-ơ cũng đi trên con đường dẫn tới việc xác định quy luật tuần hoàn khi ông được biết về phát hiện của Men-đê-lê-ép. Đường cong do L.Mây-ơ lập ra minh hoạ một cách rõ ràng quy luật tuần hoàn do Men-đê-lê-ép phát hiện ra, nhưng biểu đồ này khác với biểu đồ của Men-đê-lê-ép chỉ thể hiện quy luật ấy một cách bề ngoài và phiến diện.

Những kết luận của Men-đê-lê-ép đi xa hơn nhiều so với Mây-ơ. Trên cơ sở quy luật tuần hoàn do ông phát hiện ra, Men-đê-lê-ép đã tiên đoán sự tồn tại và những thuộc tính đặc thù của các nguyên tố hoá học mà thời ấy người ta chưa biết, trong khi Mây-ơ, qua các tác phẩm tiếp theo của mình, đã tỏ ra không hiểu thực chất của quy luật tuần hoàn.

[6] Tham khảo Hê-ghen. "Bách khoa toàn thư các khoa học triết học", Đ13, Chú thích: "Xem xét từ góc độ hình thức và được đặt bên cạnh cái đặc biệt, tự bản thân cái phổ biến cũng chuyển hoá thành cái đặc biệt nào đó; tính không phù hợp và tính phi lý của một quan hệ như thế trong sự thích ứng với những đồ vật sinh hoạt thường nhật sẽ đập vào mắt mọi người, nếu như, ví dụ, có một người nào đó đòi hỏi cho mình những trái cây nhưng sau đó lại khước từ không nhận những quả anh đào, quả lê, quả nho chỉ vì chúng là những quả anh đào, quả lê, quả nho, chứ không phải là trái cây".

[7] E. Haeckel. "Natỹrliche Schửpfungsgeschichte". 4. Aufl., Berlin, 1873, S. 538, 543, 588; "Anthropogenie". Leipzig, 1874, S. 460, 465, 492.

[8] Hê-ghen. "Bách khoa toàn thư các khoa học triết học", Đ99, Phụ chú.

[9] Đoạn này được viết trên một tờ riêng có ghi chú "Noten" ("Chú thích"). Có thể, đoạn này là phác thảo ban đầu của "Chú thích" thứ hai cho tác phẩm "Chống Đuy-rinh": "Về quan niệm "cơ giới" về giới tự nhiên" (xem tập này, tr. 746-752).

14* - nói một cách khác là

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt