Chủ nghĩa Marx

Sự bóc trần những bí mật của tôn giáo có tính phê phán - "Hoa cúc" tư biện

 

 

SỰ BÓC TRẦN NHỮNG BÍ MẬT CỦA TÔN GIÁO

CÓ TÍNH PHÊ PHÁN, HAY LÀ PHLƠ ĐƠ MA-RI*

"Hoa cúc" tư biện

 

KARL MARX (1818-1883)

 


Karl Marx. Gia đình thần thánh, in trong bộ C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: http://www.dangcongsan.vn || Bản dịch tiếng Anh: "The Speculative 'Marguerite'"


 

 

Trước khi chuyển sang bàn về Phlơ đơ Ma-ri của Ơ-gien Xuy, chúng tôi còn phải nói đôi lời về "Hoa cúc" tư biện của ông Sê-li-ga.

"Hoa cúc" tư biện trước hết là một sự sửa chữa nào đó. Vấn đề là ở chỗ ông Sê-li-ga lo rằng bạn đọc có thể rút từ cấu tạo của ông ra kết luận rằng dường như Ơ-gien Xuy

"đã tách rời sự mô tả cơ sở khách quan" (mô tả "trật tự thế giới") "với sự phát triển của những lực lượng cá nhân đang tác động mà người ta chỉ có thể hiểu được trong mối liên hệ với cơ sở đó".

Ngoài nhiệm vụ sửa chữa sự hiểu lầm mà ông Sê-li-ga trình bày như vậy cho bạn đọc, Hoa cúc còn chấp hành một sứ mệnh siêu hình khác trong bản "anh hùng ca của chúng ta" tức là "bản anh hùng ca" của ông Sê-li-ga.

"Trật tự thế giới và những sự biến có tính anh hùng ca còn chưa kết hợp một cách nghệ thuật thành một chỉnh thể thống nhất thực sự nếu như chúng chỉ chằng chịt với nhau thành một mớ hỗn độn mầu sắc sặc sỡ và biểu hiện ra trước chúng ta dưới hình thức một sự biến đổi nhanh chóng khi là một mảnh trật tự thế giới" nào đó, khi là một màn kịch. Muốn hình thành một thể thống nhất thực sự thì cần làm cho cả hai yếu tố - những bí mật của cái thế giới hỗn độn ấy và sự sáng tỏ, sự thẳng thắn và lòng tin mà Rô-đôn-phơ dựa vào để thâm nhập và khám phá ra những bí mật đó - xung đột với nhau trong một cá nhân duy nhất... Hoa cúc cũng sẽ chấp hành nhiệm vụ đó".

Ông Sê-li-ga xây dựng Hoa cúc y hệt như Bau-ơ xây dựng Đức mẹ.

Một bên là "cái có tính thần thánh" (Rô-đôn-phơ) được gán cho là có "đủ mọi uy lực và tự do" và có nguyên tắc năng động duy nhất. Một bên là "Trật tự thế giới" tiêu cực với những con người thuộc về trật tự thế giới đó. Trật tự thế giới là "cơ sở của hiện thực". Muốn cho cơ sở đó không "bị hoàn toàn vứt bỏ", hoặc muốn cho "tàn dư cuối cùng của trạng thái tự nhiên không bị tiêu diệt", muốn cho bản thân thế giới còn hưởng được một phần nào đó "nguyên tắc phát triển" mà, đối lập với thế giới. Rô-đôn-phơ tập trung vào bản thân mình; muốn cho "cái có nhân tính không bị mô tả thành hoàn toàn không có tự do và không có tính năng động", - muốn tất cả những điều đó thì ông Sê-li-ga tất phải rơi vào "mâu thuẫn của ý thức tôn giáo". Mặc dù ông ta cắt rời trật tự thế giới với hoạt động của nó, do đó tạo ra nhị nguyên luận về quần chúng chết cứng và sự phê phán (Rô-đôn-phơ), ông ta lại vẫn buộc phải nhân nhượng cho thế giới và quần chúng có một số thuộc tính của thần và xây dựng ở Hoa cúc sự thống nhất tư biện của hai cái là Rô-đôn-phơ và thế giới (Xem "Sự phê phán những tác giả phúc âm giống nhau", tập I, tr. 39).

Ngoài những quan hệ thực tế tại giữa chủ nhà ("lực lượng cá nhân" đang tác động) với ngôi nhà của anh ta ("cơ sở khách quan"), tư biện thần bí cũng như mỹ học tư biện còn cần có một nhân tố thứ ba là sự thống nhất cụ thể và tư biện, nghĩa là cần có một chủ khách thể hợp cả nhà lẫn chủ nhà vào cùng một nhân vật duy nhất. Vì tư biện không ưa nghiên cứu tỉ mỉ những môi giới tự nhiên nên nó không thấy rằng cùng "một mảnh trật tự thế giới" như ngôi nhà chẳng hạn, đối với người này - ví dụ đối với chủ ngôi nhà - thì là "cơ sở khách quan", còn đối với người khác - ví dụ người xây dựng ngôi nhà đó - thì lại là "một sự biến có tính anh hùng ca". Sự phê phán có tính phê phán chê trách "giáo điều về sự thống nhất" của "nghệ thuật lãng mạn", "thể thống nhất hiện thực" và với mục đích đó đem thay thế mối liên hệ tự nhiên và có tính người giữa trật tự thế giới và sự biến thế giới bằng một mối liên hệ ảo tưởng, một chủ-khách thể thần bí, giống như Hê-ghen đã đem thay thế mối quan hệ hiện thực giữa người và giới tự nhiên bằng một chủ-khách thể tuyệt đối vừa là toàn thể giới tự nhiên vừa là toàn thể nhân loại, tức tinh thần tuyệt đối.

Ở Hoa cúc có tính phê phán, "tội lỗi phổ biến của thời đại, tội lỗi của bí mật" trở thành "bí mật của tội lỗi", hệt như ở anh hàng xén nợ nần chồng chất, tội lỗi phổ biến của bí mật trở thành bí mật của nợ nần.

Căn cứ vào việc xây dựng ra Đức Mẹ thì Hoa cúc nói cho đúng ra phải là mẹ của Rô-đôn-phơ, đấng cứu thế mới. Chính Sê-li-ga cũng đã tuyên bố như vậy:

"Tính nhất quán lô-gích yêu cầu Rô-đôn-phơ phải là con trai của Hoa cúc".

Nhưng vì Rô-đôn-phơ không phải là con trai mà là bố đẻ của Hoa cúc, nên ông Sê-li-ga đã khám được ở trong đó "một bí mật mới tức là thường thường hiện tại không sinh ra tương lai từ trong lòng nó mà lại sinh ra quá khứ đã mất đi từ lâu rồi". Hơn nữa, ông ta còn khám phá ra một bí mật khác lớn hơn và trực tiếp mâu thuẫn với thống kê học của quần chúng, tức là "một đứa trẻ nếu như đến lượt nó không trở thành người cha hoặc người mẹ mà lại chết đi trong trắng và ngây thơ... thì xét về bản chất... là con gái".

Tư tưởng của ông Sê-li-ga hoàn toàn nhất trí với tư biện của Hê-ghen khi ông "căn cứ vào tính nhất quán lô-gích" mà cho rằng con gái là mẹ của cha cô. Trong triết học lịch sử cũng như trong triết học tự nhiên, đạo Cơ Đốc đẻ ra tà giáo, kết quả đẻ ra nguyên nhân.

Sau khi chứng minh rằng "do tính nhất quán lô-gích" Hoa cúc phải là mẹ của Rô-đôn-phơ, ông Sê-li-ga tiếp theo đó lại chứng minh một điều trái ngược: "để hoàn toàn phù hợp với quan niệm mà nàng là hiện thân trong bản anh hùng ca của chúng ta, nàng không bao giờ nên trở thành người mẹ". Điều đó ít ra cũng chứng minh quan niệm về anh hùng ca của chúng ta và tính nhất quán lô-gích của ông Sê-li-ga là mâu thuẫn nhau.

Hoa cúc tư biện chẳng qua chỉ là "hiện thân của quan niệm". Nhưng quan niệm gì chứ" "Nhiệm vụ mà nàng vẫn đảm đương dường như là mô tả giọt lệ đau khổ cuối cùng mà quá khứ đã để rơi trước khi biến đi mãi mãi". Nàng là hình ảnh của giọt nước mắt ngụ ý, và thậm chí cái vai trò cỏn con đó của mình, nàng vẫn chỉ "dường như" đóng nó mà thôi.

Chúng tôi cũng không theo dõi sự miêu tả về sau của ông Sê-li-ga về Hoa cúc. Chúng tôi để mặc cho nàng theo chỉ thị của ông Sê-li-ga mà vui thú "hình thành sự đối lập kiên quyết nhất đối với bất cứ ai", một sự đối lập thần bí cũng thần bí như đặc tính của thượng đế.

Chúng tôi cũng không có ý định truy cứu đến cùng "bí mật thực sự" mà "thượng đế đã chôn vào lòng người" và Hoa cúc tư biện "dường như vẫn" chỉ ra. Chúng tôi tạm thời bỏ Hoa cúc của ông Sê-li-ga để chuyển sang xem Phlơ đơ Ma-ri của Ơ-gien Xuy và những phép mầu có tính phê phán mà nhà cứu nhân độ thế Rô-đôn-phơ đã thực hiện ở nàng.

 


* - nghĩa đen: "bông hoa của Ma-ri" hay "bông hoa Ma-ri", còn tiếng Đức thì từ "Marienblume" mà Sê-li-ga đã dùng để gọi Phlơ đơ Ma-ri, có nghĩa là "hoa cúc".

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt