SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC
CÁC MÁC _______
SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC
CHƯƠNG MỘT MỘT PHÁT KIẾN KHOA HỌC
§ I. SỰ ĐỐI LẬP GIỮA GIÁ TRỊ SỬ DỤNG VÀ GIÁ TRỊ TRAO ĐỔI
C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn
"Khả năng phục vụ cho việc duy trì sự sống của con người mà tất cả mọi sản phẩm, dù là sản phẩm tự nhiên hay là sản phẩm công nghiệp đều có, có một tên gọi đặc biệt là giá trị sử dụng. Khả năng của những sản phẩm này có thể trao đổi lẫn cho nhau gọi là giá trị trao đổi... Làm thế nào mà giá trị sử dụng lại trở thành giá trị trao đổi được?... Sự phát sinh ra quan niệm giá trị" (trao đổi) "chưa được các nhà kinh tế học nêu lên một cách cẩn thận; bởi vậy chúng ta phải dừng lại ở đây một chút. Vì rằng trong số những vật phẩm mà tôi cần dùng, rất nhiều vật phẩm chỉ có trong thiên nhiên với một số lượng ít ỏi, hay thậm chí không có gì cả, nên tôi buộc lòng phải giúp cho việc sản xuất ra những thứ mà tôi thiếu; và vì tôi không thể một mình bắt tay vào sản xuất bao nhiêu thứ như thế, cho nên tôi sẽ đề nghị với những người khác, những người bạn cộng tác của tôi ở các chức nghiệp khác nhau, nhường lại cho tôi một phần sản phẩm của họ đổi lấy sản phẩm của tôi" (Pru-đông, t.I, chương 2). Ông Pru-đông định giải thích cho chúng ta trước hết về bản chất hai mặt của giá trị, sự "phân biệt trong nội bộ giá trị", quá trình làm cho giá trị sử dụng chuyển thành giá trị trao đổi. Chúng ta cũng phải dừng lại với ông Pru-đông ở hành vi hoá thể này. Theo tác giả của chúng ta thì hành vi ấy đã diễn ra như sau. Một số rất lớn sản phẩm không có trong thiên nhiên, mà chỉ do công nghiệp chế tạo ra. Một khi nhu cầu vượt quá số lượng sản phẩm mà thiên nhiên đem lại, thì con người bắt buộc phải dựa vào sản xuất công nghiệp. Theo sự giả định của ông Pru-đông, nền công nghiệp ấy là cái gì? Nguồn gốc của nó là gì? Một người đơn độc cảm thấy cần đến rất nhiều thứ, "không thể một mình bắt tay vào sản xuất bao nhiêu thứ như thế". Có bao nhiêu nhu cầu phải thỏa mãn thì phải có bấy nhiêu thứ phải sản xuất ra, - không có sản xuất thì không có sản phẩm, - bao nhiêu thứ phải sản xuất ra đã đòi hỏi có bàn tay không phải chỉ của một người duy nhất giúp vào việc sản xuất ra chúng. Thế nhưng, một khi ta giả định có nhiều bàn tay giúp vào việc sản xuất, thì như vậy là ta đã hoàn toàn giả định một nền sản xuất dựa trên sự phân công lao động rồi. Vậy thì nhu cầu, như ông Pru-đông giả định, tự nó cũng giả định có một sự phân công lao động một cách đầy đủ. Đã giả định là có sự phân công, thì ta cũng có sự trao đổi và, do đó, giá trị trao đổi nữa. Nói như vậy chẳng khác nào giả định ngay từ đầu là có giá trị trao đổi vậy. Nhưng ông Pru-đông lại thích đi vòng quanh hơn. Ta hãy đi theo ông ta trên tất cả những đường loanh quanh của ông ta, để rồi luôn luôn trở về điểm xuất phát của ông ta. Để thoát khỏi tình trạng mỗi người sản xuất một cách đơn độc, và để đi đến trao đổi, ông Pru-đông nói: "tôi nhờ đến những người bạn cộng tác của tôi trong các chức nghiệp khác nhau". Vậy là, tôi có những người bạn cộng tác, tất cả họ đều có những chức nghiệp khác nhau, nhưng không phải vì thế mà tôi và tất cả những người khác - vẫn theo sự giả định của ông Pru-đông - chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi tình trạng cô độc và tách rời xã hội của những chàng Rô-bin-xơn. Những người bạn cộng tác và những chức nghiệp khác nhau, sự phân công, và sự trao đổi mà sự phân công ấy bao hàm, - tất cả những cái đó đều đã từ trên trời rơi xuống. Nói tóm lại: tôi có những nhu cầu dựa trên sự phân công và sự trao đổi. Khi giả định có những nhu cầu ấy, ông Pru-đông đã giả định là có sự trao đổi và giá trị trao đổi rồi, về "sự phát sinh" của giá trị trao đổi ấy ông ta chính lại dự định "trình bày một cách tỉ mỉ cẩn thận hơn so với những nhà kinh tế học khác". Ông Pru-đông rất có thể đảo ngược lại trình tự của sự vật, mà không vì thế đảo ngược lại sự đúng đắn của những kết luận của ông ta. Muốn giải thích giá trị trao đổi, thì phải có sự trao đổi. Muốn giải thích sự trao đổi, thì phải có sự phân công. Muốn giải thích sự phân công, thì phải có những nhu cầu đòi hỏi phải có sự phân công. Muốn giải thích những nhu cầu này, thì phải "giả định" những nhu cầu ấy, song điều đó không có nghĩa là phủ định những nhu cầu ấy, trái với định lý thứ nhất trong phần nhập đề của ông Pru-đông: "Giả định Thượng đế tức là phủ định Thượng đế" (nhập đề, tr.I). Ông Pru-đông - đối với ông ta thì sự phân công được giả định là đã biết rồi - lấy sự phân công để giải thích giá trị trao đổi, vậy tại sao đối với ông ta thì giá trị trao đổi luôn luôn vẫn là cái chưa biết? "Một người" quyết định tới "đề nghị với những người khác, những người bạn cộng tác của anh ta trong các chức nghiệp khác nhau", kiến lập sự trao đổi và phân biệt giá trị sử dụng với giá trị trao đổi. Khi chấp nhận sự phân biệt theo đề nghị này, những người bạn cộng tác chỉ để cho ông Pru-đông "chăm lo" một việc: ghi nhận sự kiện đã xảy ra, ghi rõ, "đưa vào" luận văn về khoa kinh tế chính trị của ông ta "sự phát sinh của khái niệm giá trị". Nhưng ông ta vẫn phải giải thích cho chúng ta hiểu "sự phát sinh" ra đề nghị ấy và cuối cùng vẫn phải nói rõ cho chúng ta hiểu như thế nào mà con người đơn độc ấy, chàng Rô-bin-xơn ấy, lại đột nhiên nảy ra ý nghĩ đưa ra "với những người bạn cộng tác của mình" một đề nghị thuộc loại như thế, và như thế nào mà những người bạn cộng tác này lại chấp nhận đề nghị ấy của anh ta mà không phản đối gì cả. Ông Pru-đông không đi vào những chi tiết có tính chất ngành ngọn ấy. Ông ta chỉ gán cho việc trao đổi ấy một cái gì đó tựa như một con dấu lịch sử bằng cách trình bày sự trao đổi dưới hình thức của một kiến nghị mà một người thứ ba đưa ra, nhằm kiến lập sự trao đổi. Đó quả là một kiểu mẫu của "phương pháp lịch sử và miêu tả" của ông Pru-đông, ông ta vốn tỏ ra hết sức khinh miệt "phương pháp lịch sử và miêu tả" của những người như A-đam Xmít và Ri-các-đô. Sự trao đổi có lịch sử riêng của nó. Nó đã trải qua những giai đoạn khác nhau. Đã có một thời kỳ như thời trung cổ, người ta chỉ trao đổi với nhau cái dư thừa, phần sản xuất vượt quá sự tiêu dùng mà thôi. Còn có một thời kỳ khác nữa, không những cái dư thừa, mà tất cả mọi sản phẩm, toàn bộ hoạt động công nghiệp đều rơi vào lĩnh vực thương nghiệp, thời kỳ mà toàn bộ sự sản xuất hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự trao đổi. Làm thế nào mà giải thích được giai đoạn thứ hai này của sự trao đổi - đó là việc nâng cao giá trị trao đổi lên lũy thừa bậc hai? Ông Pru-đông sẽ có sẵn một câu trả lời: hãy cứ cho rằng một người "đã đề nghị với những người khác, những người bạn cộng tác của mình trong các chức nghiệp khác nhau", nâng giá trị trao đổi lên lũy thừa bậc hai. Cuối cùng, đến một thời kỳ mà hết thảy mọi thứ mà trước đây người ta coi là không thể chuyển nhượng được, thì nay trở thành đối tượng trao đổi, mua bán và có thể chuyển nhượng được. Đó là thời kỳ mà ngay cả đến những cái xưa nay chỉ truyền cho nhau, chứ không bao giờ đưa ra đổi chác; những cái mà người ta cho không chứ không bao giờ đem bán; những cái chỉ kiếm được chứ không bao giờ phải mua - đạo đức, tình yêu, ý kiến, tri thức, lương tâm, v.v., - thời kỳ mà cuối cùng cái gì cũng trở thành đối tượng buôn bán. Đó là thời kỳ tham nhũng phổ biến, thời kỳ mua bán ở khắp mọi nơi, hay, để nói theo danh từ khoa kinh tế chính trị, thời kỳ mà mọi cái tinh thần hay vật chất đều trở thành giá trị trao đổi, được đưa ra thị trường để người ta đánh giá một cách tương xứng nhất theo giá trị thật sự của nó. Làm thế nào mà giải thích được giai đoạn mới và cuối cùng ấy của sự trao đổi - giá trị trao đổi ở dạng lũy thừa bậc ba? Ông Pru-đông sẽ có sẵn một câu trả lời: hãy cứ cho rằng một người "đã đề nghị với những người khác, những người bạn cộng tác của mình trong các chức nghiệp khác nhau" là đem đạo đức, tình yêu, v.v., biến thành giá trị trao đổi, nâng giá trị trao đổi lên lũy thừa bậc ba và bậc cuối cùng. Như ta thấy, "phương pháp lịch sử và miêu tả" của ông Pru-đông thích hợp với mọi việc, nó giải đáp được tất cả mọi việc, nó giải thích được tất cả mọi việc. Đặc biệt là trong các trường hợp phải giải thích về mặt lịch sử "sự phát sinh của một khái niệm kinh tế nào đó", thì ông ta giả định là một người đề nghị với những người khác, những người bạn cộng tác của mình trong các chức nghiệp khác nhau, thực hiện cái hành vi phát sinh ấy, thế là mọi việc đều được giải quyết xong xuôi. Từ đây về sau, chúng ta chấp nhận "sự phát sinh" ra giá trị trao đổi như là một hành vi đã được thực hiện; bây giờ chỉ còn cần trình bày quan hệ giữa giá trị trao đổi với giá trị sử dụng. Ta hãy nghe ông Pru-đông nói. "Các nhà kinh tế đã làm nổi bật rất rõ ràng tính chất hai mặt của giá trị; nhưng điều mà họ không diễn đạt một cách rõ ràng như thế, chính là bản chất mâu thuẫn của nó; sự phê phán của chúng tôi bắt đầu từ đây... Nêu lên được sự tương phản lạ lùng ấy giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi thì không đủ, các nhà kinh tế học thường quen thấy sự đối lập ấy chỉ là một cái rất giản đơn: phải vạch ra rằng đằng sau cái tưởng là giản đơn ấy che đậy một điều bí mật sâu xa mà bổn phận của chúng ta là phải đi sâu vào tìm hiểu... Nói theo danh từ kỹ thuật, chúng ta có thể nói rằng giá trị sử dụng và giá trị trao đổi ở trong một quan hệ trái nghịch với nhau". Nếu chúng tôi hiểu đúng ý của ông Pru-đông thì sau đây là bốn điểm mà ông ta định xác lập: 1) Giá trị sử dụng và giá trị trao đổi tạo thành một "sự tương phản lạ lùng", tạo ra sự đối lập với nhau. 2) Giá trị sử dụng và giá trị trao đổi ở trong một quan hệ trái nghịch với nhau, mâu thuẫn với nhau. 3) Các nhà kinh tế học không thấy mà cũng không nhận thức được sự đối lập ấy cũng như mâu thuẫn ấy. 4) Sự phê phán của ông Pru-đông bắt đầu từ điểm cuối. Còn chúng tôi thì cũng sẽ bắt đầu từ điểm cuối, và để minh oan cho các nhà kinh tế học về những lời tố cáo của ông Pru-đông, chúng tôi xin nhường lời cho hai nhà kinh tế học tương đối nổi tiếng. Xi-xmôn-đi: "Đó là sự đối lập giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, thương mại đã quy hết thảy mọi cái thành giá trị trao đổi đó", v.v. ("Khái luận", t.II, tr.162, xuất bản ở Bruy-xen(38)). Lô-đéc-đan: "Nói chung, của cải cá nhân càng tăng lên do giá trị trao đổi tăng thêm thì của cải quốc dân (giá trị sử dụng) càng giảm bớt; và của cải cá nhân càng giảm bớt do giá trị trao đổi giảm bớt thì nói chung của cải quốc dân càng tăng lên" ("Nghiên cứu về bản chất và nguồn gốc của của cải quốc dân". Bản dịch của La-giăng-ti Đơ La-va-ít-xơ. Pa-ri,1808(39)). Xi-xmôn-đi đã xây dựng học thuyết chủ yếu của ông trên cơ sở sự đối lập giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, theo học thuyết ấy thì thu nhập giảm đi một cách tỷ lệ với sản xuất tăng thêm. Lô-đéc-đan đã xây dựng học thuyết của ông ta trên cơ sở tỷ lệ nghịch giữa hai loại giá trị, và học thuyết của ông ta cũng rất là phổ cập trong thời đại của Ri-các-đô, đến nỗi Ri-các-đô có thể nói đến lý luận ấy như là một cái mà ai cũng biết. "Chính là vì lẫn lộn các khái niệm giá trị trao đổi và của cải" (giá trị sử dụng) "nên người ta đã cho rằng cứ giảm bớt số lượng hàng hóa, nghĩa là những cái cần thiết, có ích hay dễ chịu đối với đời sống thì người ta sẽ có thể tăng thêm của cải" (Ri-các-đô. "Nguyên lý của khoa kinh tế chính trị", bản dịch của Công-xtăng-xi-ô, Gi.B.Xây chú thích. Pa-ri. 1835, t. II. chương "Về giá trị và tài sản"(40)). Chúng ta vừa thấy rằng các nhà kinh tế học, trước ông Pru-đông, đã "vạch ra" cái bí mật sâu xa về sự đối lập và sự mâu thuẫn. Bây giờ chúng ta hãy xem ông Pru-đông, đến lượt ông ta, giải thích điều bí mật ấy sau các nhà kinh tế học như thế nào. Nếu yêu cầu vẫn giữ nguyên, số cung càng tăng lên thì giá trị trao đổi của một sản phẩm càng hạ xuống; nói cách khác: một sản phẩm càng dồi dào so với số cầu thì giá trị trao đổi của nó hay là giá cả của nó lại càng hạ. Vice versa1*: số cung ít ỏi so với số cầu, thì giá trị trao đổi hay là giá cả của sản phẩm được cung cấp lại càng cao; nói cách khác, sản phẩm cung cấp càng khan hiếm so với số cầu thì giá cả càng đắt. Giá trị trao đổi của một sản phẩm là tuỳ thuộc vào sự dồi dào hay sự khan hiếm của nó, mà như vậy là luôn luôn so với số cầu. Giả sử có một sản phẩm quá ư khan hiếm, thậm chí là độc nhất vô nhị: sản phẩm độc nhất ấy sẽ là quá ư dồi dào, nó sẽ là quá dư thừa, nếu không ai yêu cầu nó cả. Ngược lại, giả sử có một sản phẩm nhiều đến hàng triệu, nó vẫn là khan hiếm nếu nó không đủ thoả mãn số cầu, nghĩa là nếu người ta yêu cầu nó nhiều quá. Đó chính là những sự thật có thể nói gần như là quá tầm thường rồi, thế mà vẫn cứ phải nói lại ở đây để làm cho người ta hiểu được những điều bí mật của ông Pru-đông. "Cho nên nếu truy cứu nguyên lý cho đến những kết luận cuối cùng của nó, người ta sẽ đi đến chỗ kết luận một cách lô gích nhất trên thế giới, rằng những cái cần thiết phải sử dụng và số lượng vô hạn thì nhất định không có giá trị gì, còn những cái hoàn toàn vô dụng nhưng cực kỳ khan hiếm thì lại có một giá cả vô lường. Nhưng điều rắc rối nhất là, thực tiễn hoàn toàn không thừa nhận những điểm cực đoan ấy: một mặt, không một sản phẩm nào do con người sáng tạo ra lại có thể đạt đến chỗ vô hạn về số lượng bao giờ; mặt khác, những cái khan hiếm nhất thì trên một mức độ nào đó cũng cần phải có ích, nếu không nó sẽ không thể có một giá trị nào cả. Vậy giá trị sử dụng và giá trị trao đổi vẫn kết hợp với nhau một cách tất nhiên, mặc dù do bản chất của chúng, chúng không ngừng có xu hướng bài trừ lẫn nhau" (t.I, tr.39). Cái gì đã mang lại rắc rối nhất cho ông Pru-đông? Đó là ông ta đã quên bẵng mất số cầu, và một vật chỉ có thể là khan hiếm hay là dồi dào nếu nó được người ta yêu cầu đến. Sau khi đã gạt số cầu ra một bên, ông ta coi giá trị trao đổi và sự khan hiếm là một, còn giá trị sử dụng và sự dồi dào là một. Thật ra, khi nói rằng những cái "hoàn toàn vô dụng nhưng cực kỳ khan hiếm có một giá cả vô lường", ông ta chỉ muốn nói một cách giản đơn rằng giá trị trao đổi chẳng phải là cái gì khác mà chỉ là sự khan hiếm. "Cực kỳ khan hiếm và hoàn toàn vô dụng", đó là sự khan hiếm thuần tuý. "Giá cả vô lường", đó là mức cao nhất của giá trị trao đổi, đó là giá trị trao đổi thuần tuý. Ông ta đã đặt dấu bằng giữa hai thuật ngữ ấy. Vậy, giá trị trao đổi và sự khan hiếm là những thuật ngữ đồng nghĩa. Đi đến cái gọi là những "hệ quả cực đoan" ấy, ông Pru-đông quả là đã đẩy đến chỗ cực đoan không phải sự vật, mà chỉ là những thuật ngữ nói lên sự vật ấy, và về mặt này, ông ta tỏ ra có tài về tu từ học hơn là về lô-gích học. Khi ông ta tưởng là đã tìm ra được những kết luận mới, thì chính là ông ta đã tìm thấy lại những giả thiết đầu tiên của ông ta, hiện nguyên hình như cũ mà thôi. Cũng bằng cách đó, ông ta đã thành công trong việc coi giá trị sử dụng và sự dồi dào thuần túy là một. Sau khi coi giá trị trao đổi và sự khan hiếm là một, giá trị sử dụng và sự dồi dào là một, ông Pru-đông lại rất đỗi ngạc nhiên vì không tìm thấy giá trị sử dụng trong sự khan hiếm và trong giá trị trao đổi, cũng như giá trị trao đổi trong sự dồi dào và trong giá trị sử dụng; và vì sau đó thấy thực tiễn hoàn toàn không thừa nhận những thái cực ấy, thì ông ta chỉ còn cách là tin vào sự bí ẩn. Đối với ông ta, có giá cả vô lường bởi vì không có người mua, mà ông ta sẽ không bao giờ tìm thấy người mua nếu ông ta vẫn không kể đến số cầu. Mặt khác, sự dồi dào của ông Pru-đông hình như là một cái gì tự phát. Ông ta quên bẵng đi rằng có những người sản xuất ra sự dồi dào ấy, và lợi ích của những người này là không bao giờ bỏ qua số cầu. Nếu không thì làm thế nào mà ông Pru-đông lại có thể nói rằng những cái rất có ích phải bán rất hạ giá, hoặc thậm chí không đáng giá gì cả? Trái lại, ông ta phải kết luận rằng phải hạn chế bớt sự dồi dào, hạn chế việc sản xuất ra những cái rất có ích, nếu người ta muốn nâng giá cả và giá trị trao đổi của chúng lên. Khi những nhà trồng nho thời xưa ở nước Pháp yêu cầu ra một đạo luật cấm trồng những cây nho mới; khi những người Hà Lan đốt những cây hương liệu của châu Á, nhổ những gốc đinh hương trên đảo Mô-luy-cơ, chẳng qua là họ chỉ muốn giảm bớt sự dồi dào để nâng cao giá trị trao đổi mà thôi. Trong suốt thời trung cổ con người đã hành động theo nguyên tắc ấy khi người ta hạn chế, bằng những đạo luật, số thợ bạn mà mỗi một người thợ cả thuê được, khi người ta hạn chế số lượng công cụ mà mỗi một người thợ cả có thể dùng. (Xem: An-đéc-xơn, "Lịch sử thương mại"(41)). Sau khi đã coi sự dồi dào như là giá trị sử dụng, và sự khan hiếm như là giá trị trao đổi, - không có gì dễ hơn việc chứng minh rằng sự dồi dào và sự khan hiếm ở trong một quan hệ đảo nghịch với nhau, - ông Pru-đông coi giá trị sử dụng và số cung là một, còn giá trị trao đổi và số cầu là một. Để làm cho sự đối lập ấy nổi bật hơn nữa, ông ta đã thay thế thuật ngữ, lấy chữ "giá trị được quy định bởi ý niệm" thay vào giá trị trao đổi. Như vậy là cuộc đấu tranh đã chuyển sang một địa hạt khác, và chúng ta thấy một bên là sự hữu ích (giá trị sử dụng, số cung), một bên là ý niệm (giá trị trao đổi, số cầu). Làm thế nào để điều hoà hai lực đối lập với nhau ấy? Làm thế nào để hoà giải chúng với nhau? Người ta có thể tìm được chí ít một điểm thống nhất giữa chúng với nhau hay không? Ông Pru-đông kêu to lên rằng, dĩ nhiên có một điểm như thế: đó là quyết định tự do. Giá cả được hình thành do cuộc đấu tranh ấy giữa cung và cầu, giữa sự hữu ích và ý niệm, sẽ không phải là biểu hiện của sự công bằng vĩnh cửu. Ông Pru-đông tiếp tục phát triển sự đối lập ấy: "Với tư cách là người mua có tự do, thì tôi là người xét đoán nhu cầu của tôi, là người xét đoán sự hữu dụng của vật phẩm, giá cả mà tôi muốn gán cho vật phẩm. Mặt khác, với tư cách là người sản xuất có tự do, anh làm chủ những tư liệu sản xuất ra vật phẩm, và do đó, anh có khả năng giảm bớt những chi phí của anh" (t.I, tr. 41). Và vì số cầu hay giá trị trao đổi cùng đồng nghĩa với ý niệm, cho nên ông Pru-đông phải nói rằng: "Người ta đã chứng minh rằng chính ý chí tự do của con người đã đưa đến sự đối lập giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Chừng nào ý chí tự do còn tồn tại thì làm thế nào mà giải quyết được sự đối lập ấy? Và làm thế nào mà hy sinh ý chí tự do được, mà vẫn không phải hy sinh con người?" (t. I, tr. 41). Cho nên, không thể có được một kết quả nào. Chỉ có một cuộc đấu tranh giữa hai lực có thể nói là không thể đối sánh được, giữa sự hữu ích và ý niệm, giữa người mua có tự do và người sản xuất có tự do. Ta hãy xét sự vật một cách kỹ lưỡng hơn nữa. Cung không phải chỉ biểu thị cho sự hữu ích, cầu không phải chỉ biểu thị cho ý niệm mà thôi. Chẳng phải người có nhu cầu cũng đã cung cấp một sản phẩm nào đó hoặc tiền - ký hiệu đại biểu cho tất cả mọi sản phẩm, đó sao? Và do cung cấp những sản phẩm như thế, theo Pru-đông, người ấy chẳng đã đại diện cho sự hữu ích hay là giá trị sử dụng, đó sao? Mặt khác, đến lượt mình người cung cấp chẳng phải cũng đã có số cầu về một sản phẩm nào đó hoặc tiền - ký hiệu đại biểu cho tất cả mọi sản phẩm, đó sao? Và chẳng phải người ấy vì thế mà đã trở thành người đại diện của ý niệm, của giá trị được xác định bởi ý niệm hay là của giá trị trao đổi, đó sao? Cầu đồng thời cũng là cung, cung đồng thời cũng là cầu. Thế là sự đối lập của ông Pru-đông, khi coi một cách giản đơn cung và sự hữu ích là một, cầu và ý niệm là một, chỉ dựa trên một sự trừu tượng trống rỗng mà thôi... Cái mà ông Pru-đông gọi là giá trị sử dụng thì các nhà kinh tế học khác cũng có quyền gọi là giá trị được quy định bởi ý niệm. Chúng ta chỉ dẫn chứng Stoóc-sơ ("Giáo trình khoa kinh tế chính trị", Pa-ri, 1823, tr. 48 và 49(42)). Theo ông Stoóc-sơ thì người ta gọi những cái mà chúng ta cảm thấy cần là nhu cầu; người ta gọi những cái mà chúng ta cho là có giá trị là những giá trị. Phần lớn những vật có giá trị chỉ vì chúng thoả mãn những nhu cầu do ý niệm sinh ra. Ý niệm về những nhu cầu của chúng ta có thể thay đổi, vậy sự hữu ích của các vật, - sự hữu ích này chỉ biểu thị mối quan hệ giữa những vật ấy với nhu cầu của chúng ta, - cũng có thể thay đổi. Vả lại, bản thân những nhu cầu tự nhiên cũng thay đổi không ngừng. Quả vậy, những vật phẩm dùng làm lương thực chủ yếu cho các dân tộc khác nhau không phải là có nhiều thứ đó sao! Cuộc đấu tranh không phải là giữa sự hữu ích và ý niệm: nó nổ ra giữa giá trị trao đổi mà người bán yêu cầu, và giá trị trao đổi mà người mua đề xuất. Giá trị trao đổi của sản phẩm bao giờ cũng là hợp lực của những sự đánh giá mâu thuẫn nhau như thế. Xét cho cùng, cung và cầu đặt sản xuất và tiêu dùng đối diện với nhau, nhưng đó là sản xuất và tiêu dùng dựa trên sự trao đổi cá thể. Sản phẩm mà người ta cung cấp tự bản thân nó không phải là cái có ích. Chính người tiêu dùng mới xác định sự hữu ích của nó. Mà dù người ta có thừa nhận cho nó tính hữu ích chăng nữa, thì nó cũng không phải chỉ là cái có ích mà thôi. Trong quá trình sản xuất, nó đã được trao đổi với tất cả các chi phí sản xuất, như là nguyên liệu, tiền công cho công nhân, v.v., tóm lại, với hết thảy những cái là giá trị trao đổi. Vậy, dưới con mắt của người sản xuất, sản phẩm đại diện cho một tổng số những giá trị trao đổi. Cái mà người sản xuất cung cấp không phải chỉ là một vật có ích, mà ngoài ra trước hết nó còn là một giá trị trao đổi nữa. Còn nói về cầu, thì nó chỉ có tính chất hiện thực với điều kiện là phải có những phương tiện trao đổi trong tay nó. Bản thân những phương tiện ấy là sản phẩm, nghĩa là những giá trị trao đổi. Vậy, trong cung và cầu, chúng ta thấy một bên là một sản phẩm mà để có được nó người ta đã chi phí những giá trị trao đổi, và nhu cầu bán ra sản phẩm đó; một bên là những phương tiện mà để có nó người ta đã chi phí những giá trị trao đổi, và nguyện vọng muốn mua vào. Ông Pru-đông đem đối lập người mua có tự do với người sản xuất có tự do. Ông ta gán cho người này và người kia những tính chất thuần tuý siêu hình. Chính vì thế mà ông ta nói: "Người ta đã chứng minh được rằng chính là ý chí tự do của con người đã đưa đến sự đối lập giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi". Nếu người sản xuất chỉ sản xuất trong một xã hội dựa trên sự phân công và sự trao đổi, - mà đó là giả thiết của ông Pru-đông, - thì người đó bắt buộc phải bán ra. Ông Pru-đông làm cho người sản xuất làm chủ những tư liệu sản xuất, nhưng ông ta sẽ đồng ý với chúng ta rằng những tư liệu sản xuất của người sản xuất không tùy thuộc ở ý chí tự do. Hơn thế nữa, những tư liệu sản xuất ấy phần lớn là những sản phẩm đến với anh ta từ bên ngoài, và trong nền sản xuất hiện đại, anh ta cũng không phải là được tự do sản xuất ra sản phẩm với số lượng mà anh ta muốn. Trình độ phát triển hiện nay của những lực lượng sản xuất bắt buộc anh ta phải sản xuất theo quy mô này hay quy mô khác. Người tiêu dùng cũng không được tự do hơn người sản xuất. Ý niệm của anh ta dựa trên những phương tiện và những nhu cầu của anh ta. Những phương tiện ấy và những nhu cầu ấy do địa vị xã hội của anh ta quy định, mà bản thân địa vị xã hội này lại tùy thuộc vào toàn bộ tổ chức xã hội. Tất nhiên, người công nhân mua khoai tây, và người tỳ thiếp mua đăng-ten, cả hai người ấy đều làm theo ý niệm riêng của họ. Nhưng sự khác nhau về ý niệm của họ là do ở sự khác nhau về địa vị mà họ chiếm trong xã hội, địa vị khác nhau ấy trong xã hội lại là sản phẩm của tổ chức xã hội. Toàn bộ hệ thống nhu cầu dựa trên ý niệm hay là dựa trên toàn bộ tổ chức sản xuất? Thông thường nhất thì nhu cầu trực tiếp do sản xuất sinh ra hay là do một tình trạng dựa trên sản xuất sinh ra. Thương mại trên thế giới hầu như hoàn toàn do những nhu cầu không phải của sự tiêu dùng cá nhân, mà của sản xuất quyết định. Cũng hệt như vậy, nếu chúng ta lấy một thí dụ khác, chúng ta sẽ hỏi: việc người ta cần đến những người công chứng chẳng phải là kết quả của một bộ dân luật nhất định, mà bộ dân luật này thì chỉ biểu thị một trình độ phát triển nào đó của quyền sở hữu, nghĩa là của sản xuất đó sao? Ông Pru-đông chưa vừa lòng với việc gạt bỏ những yếu tố mà chúng ta vừa nói đến, ra ngoài quan hệ giữa cung và cầu thôi đâu. Ông ta đã đẩy sự trừu tượng đến những giới hạn cuối cùng, bằng cách gộp tất cả những người sản xuất lại thành một người sản xuất duy nhất, tất cả những người tiêu dùng lại thành một người tiêu dùng duy nhất, và dựng nên cuộc đấu tranh giữa hai nhân vật tưởng tượng ấy. Thế nhưng, trong thế giới hiện thực, sự vật đã diễn ra một cách khác. Sự cạnh tranh giữa những đại biểu của cung với nhau và sự cạnh tranh giữa những đại biểu của cầu với nhau đã tạo nên một yếu tố cần thiết của cuộc đấu tranh giữa những người mua với những người bán, cuộc đấu tranh mà kết quả của nó là giá trị trao đổi. Sau khi đã gạt bỏ những chi phí sản xuất và sự cạnh tranh, ông Pru-đông có thể đưa công thức cung cầu đến chỗ vô lý, như vậy ông mới thỏa lòng. Ông ta nói: "cung và cầu chẳng qua chỉ là hai nghi thức dùng để đối lập giá trị sử dụng với giá trị trao đổi, và để điều hòa chúng với nhau. Đó là hai điện cực, mà sự nối liền hai điện cực ấy tất gây ra hiện tượng ái lực gọi là sự trao đổi" (t. I, tr.49-50). Nói như vậy chẳng khác nào nói rằng sự trao đổi chỉ là một "nghi thức", để đặt người tiêu dùng đối diện với vật phẩm tiêu dùng. Chẳng khác nào nói rằng tất cả những quan hệ kinh tế đều là những "nghi thức", để dùng làm môi giới cho sự tiêu dùng trực tiếp. Cung và cầu là những quan hệ của một nền sản xuất nhất định, chỉ là những sự trao đổi cá nhân, không hơn không kém. Như vậy, tất cả phép biện chứng của ông Pru-đông là gì? Là đem những khái niệm trừu tượng và mâu thuẫn, như là sự khan hiếm và sự dồi dào, sự hữu ích và ý niệm, một người sản xuất và một người tiêu dùng, vả lại cả hai người đều là kỵ sĩ của ý chí tự do, thay thế cho những khái niệm về giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, cho cung và cầu. Và bằng cách đó ông ta muốn đạt đến cái gì đây? Chính là để sau này ông ta sẽ có điều kiện đưa vào một trong những yếu tố mà chính ông ta gạt bỏ, - tức là những chi phí sản xuất, - coi đó là sự tổng hợp giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Theo ông ta, những chi phí sản xuất cấu thành giá trị tổng hợp hay giá trị cấu thành như thế đó.
(38) Mác dẫn cuốn sách: Somonde de Simondi. "Études sur l'économie politique". T. I-II, Bruxelles, 1837-1838 (Xi-môn-đơ Đờ Xi-xmôn-đi. "Khái luận về khoa kinh tế chính trị". Các tập I-II, Bruy-xen, 1837-1838). (39) Lauderdale. "Recherches sur la nature et l'origine de la richesse publique". Traduit de l'anglais, par E. lagentie de Lavaisse. Paris, 1808, p. 33. (40) D. Ricardo. "Des principes de l'économie polotique et de l'impot". Traduit de l'anglais par F.-S. Consta ncio, avec des notes explicatives et critiques par J.- B. Say. T. II, Paris, 1835, p. 65 (Đ. Ri-các-đô. "Về những nguyên lý của khoa kinh tế chính trị và thuế khóa". Do Ph. X. Công-xtăng-xi-ô dịch từ tiếng Anh, kèm theo những chú thích có tính chất giải thích và phê phán của G. B. Xây. T. II, Pa-ri, 1835, tr. 65). 1* - Ngược lại (41) Có ý nói tới cuốn sách: A. Anderson. "An Historical and Chronological Deduction of the Origin of Commerce from the Earliest Accounts to the Present Time" (A. An-đéc-xơn. "Khái luận có tính chất lịch sử và niên giám về nguồn gốc của thương mại từ những tài liệu có sớm nhất về vấn đề này cho tới nay"). Xuất bản lần thứ nhất ở Luân Đôn vào năm 1764. (42) H. Storch. "Cours d'économie politique, ou Exposition des princi pes qui déterminent la prospérité des nations". T. I - IV, Paris. 1823 (A. Stoóc-sơ. "Giáo trình khoa kinh tế chính trị hay là Trình bày những nguyên lý quyết định sự phồn vinh của các dân tộc". Các tập I - IV, Pa-ri,1823). Mác viện dẫn t. I.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC