SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA CÁC MÁC Phần I
O. BA CU-RÁT-DÊ
O. Ba-cu-rát-dê. Sự hình thành tư tưởng triết học của Các Mác. Phong Hiền dịch. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 5-17. | Phiên bản điện tử do bạn Xuân Huy thực hiện.
Những năm 1842 – 1843 là giai đoạn thứ hai của sự hình thành những quan niệm triết học của Mác. Đó là thời kỳ Mác viết những bài báo cho Báo Rê-ma-ni và viết bản thảo chưa hoàn thành nhan đề là Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen và những bài khác nữa. Lê-nin coi những bài của Mác trong Báo Rê-ma-ni là sự đánh dấu bước chuyển tiếp của Mác từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, và từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản. Cũng cần phải xếp bản thảo Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen, mà lúc đó Lê-nin chưa biết, vào thời kỳ chuyển biến đó. Sự chuyển biến của những tư tưởng của Mác khiến người ta phải đặc biệt chú ý. Những người cánh tả xuất phát từ Hê-ghen, Mác cũng xuất phát từ Hê-ghen. Nhưng hai quá trình đó hoàn toàn khác hẳn nhau. Mác, cũng như những người Hê-ghen cánh tả, đã rút ra những kết luận cách mạng từ triết học Hê-ghen. Nhưng những kết luận của những người Hê-ghen cánh tả chỉ là kết quả của sự tiến triển logic của triết học Hê-ghen. Tuy các kết luận của những người đó đều dựa trên những tài liệu lịch sử, nhưng họ chỉ có thể xem xét những tài liệu đó qua cái kính tam lăng của triết học Hê-ghen, mặc dù triết học này là logic hơn tất cả các hệ thống duy tâm khác. Nếu đem đối lập những mặt khác nhau của triết học Hê-ghen (như phái Hê-ghen trẻ đã làm), thì triết học này không tránh khỏi đi đến chỗ bị tiêu diệt. Họ càng cố đem đối lập một mặt này với một mặt khác của triết học đó, họ càng thúc đẩy quá trình “hoàn thiện” triết học đó, thì triết học đó càng trở thành vô lý. Khác với những người thuộc phái Hê-ghen trẻ, Mác không đem đối lập những thứ khác nhau của triết học Hê-ghen. Theo cách nói của Engels, thì Mác xuất phát từ những “sự kiện bướng bỉnh”. Nghiên cứu hiện khách quan theo quan điểm cách mạng, Mác đối lập với toàn bộ triết học Hê-ghen. Việc bảo vệ tự do báo chí đánh dấu bước đầu hoạt động của Mác. Những yêu sách cách mạng của Mác, về nhiều mặt, khác hẳn với những yêu sách của phái đối lập tư sản ở Đức, vốn vẫn có tinh thần do dự và tính chất hai mặt. Ngày 14 tháng giêng năm 1842, chính phủ Phổ ban bố một pháp lệnh mới về chế độ kiểm duyệt. Ngày 10 tháng hai, Mác đề nghị với Ruge đăng một bài trên tạp chí Biên niên Đức đề là: “Nhận xét đối với pháp lệnh mới về chế độ kiểm duyệt ở Phổ”. Pháp lệnh về chế độ kiểm duyệt mà Mác phê phán kịch liệt, đã xóa bỏ quyền tự do báo chí, và buộc những người cầm bút phải tự hạn chế trong việc chỉ trình bày sự thật một cách “đơn giản” và “nghiêm chỉnh” . Mác vạch rõ là pháp lệnh đó dựa trên quan niệm bất bình đẳng của các giai cấp. Bọn viên chức, với tư cách là những bánh xe của bộ máy Nhà nước quan liêu và cảnh sát, có thế lực rất lớn. Chúng muốn làm gì thì làm. Chúng hành động không thèm đếm xỉa gì đến một tiêu chuẩn khách quan nào cả. Nhà nước tự đặt bọn viên chức lên trên cái xã hội đã bị tước mất quyền tự do báo chí. Cuối cùng Mác đi đến kết luận: “Biện pháp triệt để nhất để thoát khỏi kiểm duyệt là xóa bỏ chế độ ấy, vì đó là một chế độ xấu xa”[1]. Những quan điểm của Mác trong luận văn chính trị đầu tiên đó khác hẳn với những quan điểm của Hê-ghen. Tuy Mác không nói đến Hê-ghen, nhưng sự so sánh lập trường của Mác và lập trường của tác giả quyển Triết học pháp quyền đã chứng tỏ sự khác biệt sâu xa giữa hai người về vấn đề tự do báo chí. Hê-ghen (xem Triết học pháp quyền) coi tự do báo chí là có thể chấp nhận được nếu nó không trái với lợi ích của Nhà nước và ý muốn của chính phủ. Dĩ nhiên là ở đây, Hê-ghen không nói đến một chế độ nhà nước chung chung, mà chỉ nói một Nhà nước “hiện thực” và “hợp lý”. Nhưng nếu chúng ta nhớ rằng chính Hê-ghen đã xác định rằng Nhà nước Phổ có những đặc tính như vậy, thì rõ ràng là ông ta đã biện hộ và bảo vệ chế độ chính trị hiếm có ấy, tức chế độ “tự do” của Nhà nước cảnh sát. Ngược lại, Mác đòi phải có tự do báo chí, và cho rằng sự hạn chế quyền tự do đó không phù hợp với quan niệm về tự do và, vì thế, là một thứ bạo lực đối với tinh thần. Thái độ phê phán của Mác đối với triết học pháp quyền của Hê-ghen còn được xác nhận trong thư của ông gửi cho Ruge ngày 25 tháng 3 1842. Mác đề nghị với Ruge đăng một bài trên tạp chí Biên niên Đức “nhằm phê phán pháp quyền tự nhiên của Hê-ghen và Hiến pháp ở trong nước”. Thực chất của bài đó là đấu tranh chống quan niệm về chế độ quân chủ lập hiến; “chế độ này phải được coi là một sự thoái hóa, hoàn toàn tự mâu thuẫn và tự tiêu diệt”.[2] Khi tiến hành phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen, Mác đã phát biểu những tư tưởng mà, sau này được phát triển lên, sẽ là cơ sở cho sự chuyển biến của Mác từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, và từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản. Trong thời kỳ hoạt động của Mác ở báo Rê-na-ni, những quan điểm cách mạng hoàn toàn có tính chất duy tâm của Mác dần dần nhường chỗ cho một quan niệm rõ rệt về lợi ích vật chất và kinh tế của con người. Bước ngoặt đó trong tư tưởng của Mác khiến cho ông nắm được cơ sở hiện thực của xã hội, và sau này, ông trình bày lần đầu tiên trên tờ Biên niên Pháp-Đức, những cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Tháng giêng năm 1842, những người thuộc phái tự do ở Rê-na-ni ra một tờ báo đối lập, lấy tên là Báo Rê-na-ni. Mác bắt đầu cộng tác với tờ báo, và đến tháng mười năm 1842, Mác trở thành chủ bút. Những tư tưởng dân chủ cách mạng, do Mác trình bày trong bài: “Nhận xét đối với pháp lệnh mới về chế độ kiểm duyệt” nay lại được phát triển và đào sâu thêm trong những bài đăng trên Báo Rê-na-ni. Lê-nin đã viết về hoạt động của Mác ở báo đó như sau : “Năm 1842, Mác đã cho đăng nhiều bài trên Báo Rê-na-ni (ở Cologne) đặc biệt là một bài phê phán những cuộc tranh luận tại Nghị viện Rê-na-ni khóa thứ sáu về tự do báo chí, một bài về những luật trừng trị các việc ăn cắp gỗ, và một bài trong đó Mác bênh vực một chính sách thoát ly khỏi thần học v.v. Chính ở đấy, người ta đã thấy Mác chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, và từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản” [3]. Mác đã dành những bài viết đầu tiên trên Báo Rê-na-ni cho các cuộc tranh luận tại Nghị viện Rê-na-ni về vấn đề tự do báo chí. Nghị viện này là những hội đồng đại biểu, hay nói đúng hơn đó chỉ là những bức biếm hõa thảm hại. Chế độ “dân chủ” Phổ chỉ được biểu hiện trong những lời lẽ ba hoa của các đại biểu vốn không có quyền quyết định những vấn đề quan trọng. Nhưng điều chủ yếu ở đây là các cuộc tranh luận đó của nghị viện Rê-na-ni phản ánh thái độ của các giai cấp về một vấn đề chính trị quan trọng nhất, là vấn đề tự do báo chí. Các cuộc tranh luận đó đã vạch trần thực chất của phái đối lập tư sản. Các bản tham luận về tự do báo chí của những người thuộc phái tự do bao giờ cũng có luận điệu do dự và tính chất phi-li-xtanh. Mác coi những sự bất đồng ý kiến ở Nghị viện Rê-na-ni là một sự biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp. Mác vạch trần những khuynh hướng phản động của những kẻ chống lại tự do báo chí, lẫn thái độ không triệt để của những người bảo vệ quyền đó. Mác coi việc hạn chế quyền tự do báo chí như là một mối nguy hại cho văn hóa của loài người. Chế độ kiểm duyệt, khi xác nhận những quyền tự do của bọn có đặc quyền, đồng thời lại là một hình thức chuyên chế đối với nhân dân. Giải phóng báo chí khỏi chế độ kiểm duyệt tức là biến nó thành báo chí của nhân dân, bởi vì chế độ đó khiến cho tự do báo chí chỉ có hiệu lực đối với một nhóm người nhất định mà thôi. Luật lệ và chế độ kiểm duyệt không phải là một đạo luật chân chính “Luật đó coi tự do như là một sự phạm tội vậy”[4]. Tuy nhiên, Mác không phải chỉ thừa nhận tính chất tiến bộ của tự do báo chí, và tính chất phản dân tộc của chế độ kiểm duyệt. Mác còn đi xa hơn. Mác cho rằng việc bóp nghẹt tự do báo chí là do chế độ Nhà nước, do chính sách của chính phủ quyết định, để bảo đảm đặc quyền cho một bộ phận của xã hội. Quan điểm của Mác khác về căn bản với những yêu sách dân chủ tư sản. Mác cho rằng điều kiện của tự do báo chí không phải chỉ ở chỗ xóa bỏ chế độ kiểm duyệt. Căn cứ vào tình hình báo chí ở Pháp là nơi không có những hạn chế như ở Đức, Mác đã nhận xét rằng, ngay cả báo chí như vậy cũng không thể được coi là “tự do”, vì ở đó, thay cho chế độ kiểm duyệt tinh thần, đã có chế độ kiểm duyệt vật chất, tức là những phương tiện tài chính. Mặc dù còn có quan niệm duy tâm về Nhà nước, về phương diện này, Mác cũng tiến xa hơn Hê-ghen rất nhiều. Xuất phát từ một khái niệm về một Nhà nước “thống nhất”, Mác đặt quyền đại diện của nhân dân lên hàng đầu. Không thể coi những đại biểu lúc bấy giờ ở Nghị viện là những đại diện của nhân dân. Mác đã nhận xét rằng : “Nhân dân địa phương phải đấu tranh chống lại những người đại diện của mình, chứ không phải đấu tranh bằng tiếng nói của những người đại diện đó”[5]. Lợi ích của toàn thể xã hội cần phải được đại diện trong Nghị viện. Mác viết: “Nhân dân đòi hỏi rằng tiếng nói của các địa phương phải biến thành tiếng nói của cả nước, mà mọi người có thể nghe thấy được”[6]. Không thể có đời sống chính trị tự do nếu không có quyền đại diện của nhân dân. Quyền đại diện đó cũng cần thiết cho xã hội giống như là không khí cần thiết cho con người vậy. Ngay trong các bài báo đó, Mác cũng xa rời triết học Hê-ghen. Đối lập với quan điểm của Hê-ghen cho rằng Nhà nước Phổ là sự biểu hiện của Nhà nước lý tưởng và quan điểm của ông ta cực lực chống lại quyền đại diện của nhân dân, Mác coi nhà nước Phổ là một chế độ bóp nghẹt mọi quyền tự do; Mác đòi phải có quyền đại diện của nhân dân như là điều kiện tất yếu của tự do. Về sau, Mác phát triển tư tưởng đó trong một bài bàn về “Tiểu ban các công quốc ở Phổ”[7]. Mác khẳng định rằng không thể thực hiện được khái niệm Nhà nước nếu không tổ chức quyền đại diện của nhân dân. Chính quyền đại diện phải biểu hiện lợi ích của toàn thể nhân dân, chứ không phải là một thứ độc quyền của giai cấp có đặc quyền đặc lợi. Quyền đại diện chân chính là quyền của nhân dân đại diện cho mình. Như vậy là Mác kiên quyết chống lại việc tước đoạt các quyền chính trị của nhân dân và Mác bảo vệ những nguyên tắc của một Nhà nước dân chủ. Rõ ràng là có sự đối lập giữa những quan điểm của Mác và những quan điểm của Hê-ghen. Hê-ghen coi chế độ quân chủ là hình thức cao nhất của Nhà nước, là chế độ hợp lý nhất. Coi việc đòi hỏi một chế độ dân chủ là “trừu tượng”, là thiếu “tinh thần thực tiễn”, Hê-ghen viết trong cuốn Triết học Tinh thần: “Hình thức Nhà nước hoàn thiện nhất là chế độ quân chủ. Do đó chế độ quân chủ là chế độ phù hợp với lý trí phát triển, còn mọi chế độ khác đều ở vào trình độ thấp và kém hoàn thiện của lý trí”[8]. Phải xem xét các vấn đề chính trị theo quan điểm triết học chứ không phải theo quan điểm tôn giáo, bởi vì “trí tuệ” ở trần gian, tức là triết học, có quyền quan tâm đến vương quốc của trần gian đó, đến Nhà nước, hơn là trí tuệ của thế giới bên kia, tức là tôn giáo”[9]. Ngay từ thời kỳ đó, Mác đã thấy rất rõ sự liên hệ giữa tôn giáo và chính trị. Người đã hoàn toàn nhận thức được rằng, trong những Nhà nước hiện đại, tôn giáo có nghĩa là “tôn giáo của phe thống trị, là sự sùng bái….ý chí của chính phủ”. Bacon đã ví vật lý học theo thần học như là một người con gái hiếm hoi, và bằng cách phân giới hạn giữa thần học và vật lý học, ông đã biến vật lý học thành một khoa học phong phú. Theo cách đó, nhiệm vụ của triết học là phải giải phóng chính trị khỏi thần học và xây dựng nên một khoa học chính trị chân chính. Mác kiên quyết bác bỏ tôn giáo. Theo Mác, điều hòa khoa học với tín ngưỡng có nghĩa là từ bỏ mọi khoa học. Cả một vực sâu đã ngăn cách Mác với Hê-ghen là người cho rằng tín ngưỡng và khoa học về bản chất là không tách rời nhau, mà là thể hiện cùng một nội dung duy nhất dưới những hình thức khác nhau. Hê-ghen đã viết rằng khoa học và biểu hiện của Tinh thần tuyệt đối. Tín ngưỡng cũng biểu hiện cái Tinh thần tuyệt đối đó, nhưng dưới một dạng riêng, không hoàn hảo. Ông viết: “Tín ngưỡng không đối lập với hiểu biết, bản thân nó cũng là một hình thức đặc biệt của hiểu biết”[10]. Như vậy là ngay từ những thời kỳ hoạt động đầu tiên, Mác gắn liền một cách chặt chẽ cuộc đấu tranh tư tưởng với đấu tranh chính trị thực tiễn. Đối với Mác, lý luận không phải là một mục đích tự nó, mà là một công cụ của cuộc đấu tranh cách mạng. Việc xác định lập trường đó đào sâu thêm sự khác nhau giữa Mác và những người thuộc phái Hê-ghen trẻ, vốn vẫn coi sự tuyên truyền cho chủ nghĩa vô thần và những lời lẽ cách mạng trống rỗng là mục đích cuối cùng của hoạt động của họ. Trong những năm 1838-1841, Mác có quan hệ chặt chẽ với Bruno Bauer. Tuy nhiên, người ta có thể giả thiết được rằng tuy hai người có quan hệ tốt, nhưng chưa hề bao giờ hoàn toàn đồng ý với nhau. Và ngay từ năm 1842, giữa hai người đã bắt đầu có đấu tranh gay gắt.Sự kiện đó đã được trực tiếp xác nhận trong một bức thư của Engels gửi cho Me-rinh. Nhắc lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Mác, Engels viết cho Me-rinh: “Vào khoảng cuối tháng một (1842 – O.B) trên đường sang nước Anh, khi tôi trở lại (tòa soạn Báo Rê-na-ni), tôi đã gặp Mác ở đó và chính trong dịp này tôi đã gặp gỡ lần đầu tiên với Mác, cuộc gặp gỡ đó rất lạnh nhạt. Hồi đó, Mác chống lại anh em nhà Bauer, nghĩa là chống lại việc Báo Rê-na-ni chủ yếu trở thành một công cụ truyền bá thần học hay là truyền bá chủ nghĩa vô thần v.v. chứ không phải là nơi thảo luận và hành động chính trị”[11] Những người thuộc phái Hê-ghen trẻ ở Bá Linh, đứng đầu Bruno Bauer, tự xưng là “những người giải phóng”. Mác phê phán không thương tiếc quan điểm của họ, và tòa soạn Báo Rê-na-ni thường từ chối không đăng những bài của họ, vì những bài đó chỉ phê phán tôn giáo một cách trừu tượng, và chỉ tự hạn chế trong việc thảo luận một cách nông cạn về chủ nghĩa cộng sản. Mác đòi hỏi sự phê phán tôn giáo phải gắn liền với sự phê phán chính trị, bởi vì, như Mác đã khẳng định không thể tiêu diệt được tôn giáo nếu không tiêu diệt những cơ sở tồn tại của nó. Còn về chủ nghĩa cộng sản, thì tuy lúc đó Mác không thừa nhận, nhưng Mác chì mới biết chủ nghĩa cộng sản qua cái hình thức thời bấy giờ của nó[12]… Đồng thời, Mác nhấn mạnh rằng người ta không thể đánh giá chủ nghĩa cộng sản nếu không nghiên cứu chủ nghĩa đó một cách sâu sắc, người ta không thể thảo luận về chủ nghĩa đó trong “ các bản báo cáo thiếu chuẩn bị và kiểu cách” như là những người thuộc phái Hê-ghen trẻ đã làm. Trong thư gửi cho Ruge, Mác đã phê phán “Những người giải phóng” như sau: “Nếu người ta buộc phải nói đến chủ nghĩa cộng sản thì tôi đòi hỏi phải phê phán một cách khác hẳn, một cách căn bản hơn”[13]. Sự “xem xét một cách căn bản” đó đã nhanh chóng dẫn Mác tới cơ sở của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Những bài báo của Mác phân tích các cuộc tranh luận về những vụ ăn cắp gỗ đã phản ánh sự thay đổi trong quan điểm của ông. Những lợi ích kinh tế của các giai cấp khác nhau, những quan hệ của các giai cấp đó với nhau và những quan hệ của các giai cấp đó với nhà nước, đã được nêu lên rõ ràng trong đó. Nói theo lối nói của Mác, thì Mác đã “quay trở về trái đất”. Những ý kiến phát biểu ở nghị viện phân tích các “vụ ăn cắp gỗ” và định ra những biện pháp trừng trị, đã phản ánh lợi ích của chế độ tư hữu. Các đại biểu đòi phải coi việc nhặt gỗ khô, gỗ mục là “ăn cắp”, gỗ mục là “ăn cắp”. Mác vạch rõ rằng cách đề cập vấn đề như thế là phiến diện. Pháp luật phải xuất phát từ những động cơ chủ quan, mà là từ tính chất khách quan của hành động. Pháp quyền phải chú ý một cách cụ thể tới tính chất đặc thù của đối tượng hay của hành động. Nếu luật pháp chỉ là kết quả của một sự trừu tượng thuần túy, thì mọi chế độ tư hữu đều có thể coi như là một sự ăn cắp, bởi vì, nói một cách trừu tượng, thì tài sản của người này là sự phủ định quyền có tài sản của người khác. Nhưng khi sử dụng một sự trừu tượng như vậy, thì Nghị viện chỉ nhằm chĩa về phía những người nông dân. Còn đối với các chủ rừng, thì lại có những biện pháp trừng phạt khác phù hợp với lợi ích của họ. Bảo vệ quyền lợi của “quần chúng nghèo khổ, bị tước đoạt về mặt xã hội và chính trị”, Mác chứng minh rằng, theo phép biện chứng của hình thức và nội dung, thì đặc quyền về mặt pháp lý và khái niệm về pháp luật hợp lý, không thể phù hợp với nhau trong bất kỳ trướng hợp nào, rằng các quyền của bọn có đặc quyền không thể tạo thành nội dung của pháp luật được: “Do nội dung của chúng, các luật lệ theo tập quán của các giai cấp bên trên không thể được coi như là hính thức pháp luật chung. Chúng không thể biểu hiện dưới hình thức pháp luật, bởi vì chúng sản phẩm của tình trạng không có pháp luật. Do chỗ nội dung của chúng trái với hình thức của pháp luật, trái với tính phổ biến và tính tất yếu của pháp luật, nên chính các luật lệ theo tập quán đó đã tự chứng tỏ chúng là những sự bất công đã trở thành tập quán… Chúng cần được thủ tiêu như là trái với pháp luật.”[14] Điều kiện của sự thống nhất giữa hình thức và nội dung của pháp quyền hợp lý, là pháp quyền này phải biểu hiện các quyền của những người vô sản dưới hình thức pháp luật. Pháp quyền chỉ thể hiện thành pháp luật trong chừng mực mà nội dung của nó không trái với hình thức của pháp luật. Đặc quyền về mặt pháp lý chính là biểu hiện của sự phi pháp. Như vậy là sự hợp pháp hóa các quyền của giai cấp thống trị đã xác nhận sự phân biệt giữa hình thức và nội dung của pháp luật. Người ta có thể hỏi rằng Mác đã dựa vào đâu khi ông chứng minh rằng cần phải giải phóng những người lao động và thiết lập sự thống nhất giữa nội dung hợp lý và hình thức của pháp luật? Trong những bài báo đó, Mác nêu rõ lợi ích những lợi ích về mặt pháp lý của con người dựa trên lợi ích kinh tế của họ, sự xác định những quan hệ xã hội khác nhau dựa trên cơ sở những quan hệ sở hữu. Những người có sở hữu riêng đặt lợi ích của họ lên trước hết và lên trên hết.” Lợi ích tư nhân được coi là mục đích cuối cùng của thế giới.”[15] Khi phân tích các cuộc thảo luận ở Nghị viện để ban đặc quyền cho bọn chủ rừng, Mác đã chứng minh rằng Nhà nước hiện tại là kẻ bảo vệ cho bọn chủ có sở hữu. Nhà nước mà là công cụ của những lợi ích tư nhân thì không còn phù hợp với những khái niệm về nó; Nhà nước đó là không hợp lý. Đã như vậy thì “cơ cấu của Nhà nước, việc xác định những thể chế hành chính khác nhau, mọi thứ đều thoát ly khỏi công cụ của nó để làm công cụ cho bọn địa chủ; quyền lợi của bọn này trở thành linh hồn quyết định của toàn thể tổ chức. Mọi cơ quan của Nhà nước trở thành tai, mắt, tay, chân nhờ đó quyền lợi của bọn chủ rừng nghe ngóng, dò xét, đánh giá, đề phòng, tước đoạt, tẩu tán.” [16] Một tư tưởng duy nhất thống trị Nghị viện: tư tưởng của quyền tư hữu. Nghị viện đó coi nhà nước chỉ là một bộ máy bảo đảm sự thống trị của bọn bóc lột. Sự phân tích những mặt vật chất của đời sống xã hội mở ra cho Mác những triển vọng mới. Không còn có thể giải thích quan hệ vật chất trên cơ sở của chủ nghĩa duy tâm. Như vậy là bắt đầu quá trình biến chuyển của Mác tới chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản.
[1] K.Mác và F.Engels : Toàn tập, tiếng Đức, Bá – linh, 1958, t.1, tr.25. [2] Viện Mác – Lê-nin : 1/1, 1/Iib, tr.269 [3] Lê-nin : “Karl Mác”, trong Toàn tập, tiếng Pháp, t.21, tr.75 [4] Karl Mác và F.Engels : Toàn tập, tiếng Đức, t.1, tr.57 [5] Sách đã dẫn, tr.43 [6] Sách đã dẫn, tr.44 [7] Tiếng Pháp là : “Commissions des États en Prusse” (N.D) [8] Hê-ghen : Toàn tập, tiếng Đức, Nhà xuất bản Gơ – lốc – ne, Stút – gác, 1928, t.X,tr.418 [9] Karl Mác và F.Engels : Toàn tập, tiếng Đức, t.1, tr.97 – 98. [10] Hê-ghen : Toàn tập, tiếng Đức, Nhà xuất bản Gơ – lốc – ne, Stút – gác, t.X, tr.446 [11] Do Me – rinh dẫn trong Lịch sử Đảng xã hội dân chủ Đức, t.1, tr.382 [12] Mác viết : “Báo Rê – na – ni đã không thể coi tư tưởng cộng sản dưới hình thức hiện tại của nó là hiện thực lý luận, nên lại càng không thể mong mỏi hoặc coi nó là thực hiện được tư tưởng đó trong thực tiễn.Báo sẽ nêu tư tưởng đó ra để phê phán một cách căn bản (K.Mác và F.Engels : Toàn tập, tiếng Đức, t.I,tr.108) [13] Viện Mác – Lê-nin : t.I, 2/Hb, tr.286 [14] K. Mác và F.Engels : Toàn tập, tiếng Đức, t.I,tr.116 [15] K.Mác và F.Engels : Toàn tập, tiếng Đức, t.I, tr.134 [16] Sđd, tr.130 |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC