Chủ nghĩa Marx

Sự phê phán có tính phê phánvới tư thế "Mühleigner", hay là sự phê phán có tính phê phán thể hiện ở ông I-u-li-út Phau Sơ

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

C.MÁC VÀ PH. ĂNG-GHEN

 

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH HAY LÀ

PHÊ PHÁN SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

Chống Bru-nô Bau-ơ và đồng bọn

_____________________

 

CHƯƠNG II

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

VỚI TƯ THẾ  "MÜHLEIGNER"4,

HAY LÀ

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG I-U-LI- ÚT PHAU SƠ

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 19-25. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

Sau khi sự phê phán sa xuống  chỗ nói nhăng nhít bằng tiếng nước ngoài đã phục vụ đắc lực cho tự ý thức và đồng thời bằng hành động đó đã giải phóng thế giới khỏi cảnh bần cùng thì trong thực tiễn lịch sử, sự phê phán cũng quyết tâm sa xuống chỗ nói nhăng nhít. Nó thông hiểu "những vấn đề bức thiết trong sinh hoạt nước Anh" và cung cấp cho chúng ta một bức phác hoạ thực sự phê phán về lịch sử công nghiệp Anh"5.

Sự phê phán tự mãn tự túc, hoàn thiện hoàn mỹ trong bản thân nó, dĩ nhiên không thể thừa nhận lịch sử đúng như lịch sử đã phát triển trong thực tế, vì như vậy có khác gì thừa nhận quần chúng hèn kém trong tính quần chúng có tính toàn bộ quần chúng mà thực ra vấn đề ở đây chính là làm cho quần chúng mất tính quần chúng ấy đi. Như vậy lịch sử được giải thoát khỏi tính quần chúng của nó và sự phê phán được tự do xử lý đối tượng của mình, thét bảo lịch sử rằng: "mi nên biết rằng mi phải diễn ra như thế, như thế!". Mọi luật pháp của sự phê phán đều có lực lượng đảo ngược: trước khi có những phán quyết của sự phê phán, lịch sử đã diễn ra hoàn toàn khác với phán quyết của sự phê phán. Cho nên lịch sử của quần chúng, tức cái gọi là lịch sử hiện thực, khác xa với lịch sử của sự phê phán trình bày trong "Literatur- Zeitung" số VII, kể từ trang 4.

Trong lịch sử của quần chúng, chưa có công xưởng thì chưa có bất cứ thành phần công xưởng nào; nhưng trong lịch sử phê phán, trong đó con sinh ra cha như trong triết học Hê-ghen trước kia thì Man-se-xtơ, Bôn-tơn Pre-xtơn đã là những thành phố công xưởng phồn vinh khi chưa ai nghĩ đến công xưởng cả. Trong lịch sử hiện thực, sự phát triển của công nghiệp dệt bông bắt đầu chủ yếu từ khi máy kéo sợi gien-ny của Hác-gri-vơmáy kéo sợi (chạy bằng sức nước) của Ác-crai-tơ được dùng vào sản xuất, và máy mun của Crôm-tơn thì chỉ là máy kéo sợi gien-ny được cải tiến thêm dựa vào nguyên lý mới của Ác-crai-tơ mà thôi. Nhưng lịch sử phê phán lại khéo phân biệt: nó khinh miệt tính phiến diện của máy kéo sợi gien-ny và máy kéo sợi chạy bằng sức nước và đề cao máy mun lên thành sự đồng nhất tư biện của hai cực ấy. Thực ra với sự phát minh ra máy kéo sợi chạy bằng sức nước và máy mun đã mở ngay ra khả năng ứng dụng sức nước vào những máy móc đó; nhưng sự phê phán có tính phê phán lại tách rời những nguyên tắc đã được bàn tay thô lỗ của lịch sử trộn lẫn với nhau và quy sự ứng dụng đó vào thời đại muộn hơn coi như một cái gì hoàn toàn đặc thù. Trên thực tế, sự phát minh ra máy hơi nước đã có trước tất cả những phát minh vừa kể trên; nhưng ở sự phê phán, máy hơi nước là đỉnh cao nhất của toàn bộ lâu đài, do đó xét về thời gian, là một phát minh muộn về sau.

Trên thực tế, quan hệ buôn bán, theo ý nghĩa hiện đại, giữa Li-vớc-pun và Man-se-xtơ là kết quả của việc xuất khẩu hàng hoá của nước Anh, nhưng trong sự phê phán, những quan hệ buôn bán đó đều là nguyên nhân của xuất khẩu, và cả hai, quan hệ buôn bán và xuất khẩu, đều là kết quả của vị trí gần nhau của hai thành phố ấy. Trong thực tế, hầu hết mọi hàng hoá mà Man-se-xtơ gửi sang đại lục đều qua Hun, nhưng trong sự phê phán lại qua Li-vớc-pun.

Trên thực tế, trong các công xưởng Anh có thang lương từ 1 si-linh 1/2 đến 40 si-linh hoặc hơn nữa; nhưng trong sự phê phán thì chỉ có một mức lương là 11 si-linh thôi. Trên thực tế, máy móc thay thế lao động thủ công, nhưng trong sự phê phán máy móc lại thay thế tư duy. Trên thực tế, công nhân ở Anh được phép liên hợp lại để đòi tăng lương, nhưng trong sự phê phán thì họ lại bị cấm làm việc đó vì quần chúng muốn làm việc gì cũng phải xin phép sự phê phán trước đã. Trên thực tế, lao động công xưởng là hết sức mệt nhọc và gây ra những bệnh đặc biệt (đã có những bộ sách y học chuyên nghiên cứu những bệnh đó); nhưng trong sự phê phán "sự khẩn trương quá mức không thể làm trở ngại lao động vì sức lực bỏ ra là của máy móc". Trên thực tế, máy móc là máy móc; nhưng trong sự phê phán máy móc lại có ý chí: máy móc không nghỉ ngơi nên công nhân cũng không được nghỉ ngơi; như vậy là công nhân bị một ý chí ngoại lai chi phối.

Nhưng tất cả cái đó đều chưa đáng kể. Sự phê phán không thoả mãn với những chính đảng của quần chúng ở Anh; nó còn sáng tạo ra những chính đảng mới; nó sáng lập ra "đảng công xưởng", bởi vậy lịch sử phải cảm ơn nó. Song nó lại nhập cục chủ xưởng với công nhân công xưởng thành một khối quần chúng - những chuyện lặt vặt đó có gì đáng phải bận tâm! - và quả quyết rằng công nhân công xưởng không quyên tiền vào quỹ của Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc6, không phải như bọn chủ xưởng ngu ngốc tưởng, là do ác ý hoặc do ủng hộ chủ nghĩa hiến chương mà chỉ là vì nghèo khổ. Sau đó nó còn quả quyết rằng nếu người ta huỷ bỏ đạo luật ngũ cốc của nước Anh thì công nhân nông nghiệp làm công nhật phải chịu hạ tiền lương xuống, nhưng chúng tôi mạo muội chỉ ra rằng giai cấp nghèo xác nghèo xơ đó không còn có thể chịu để mất một xu nào nữa, nếu không họ sẽ chết đói. Nó quả quyết rằng trong các công xưởng Anh, người ta làm việc mỗi ngày 16 giờ, mặc dầu luật pháp nước Anh rất ngu xuẩn và không có tinh thần phê phán đã quan tâm sao cho ngày làm không vượt quá 12 giờ. Nó quả quyết rằng nước Anh vẫn phải là một công xưởng lớn của toàn thế giới, mặc dầu đông đảo người Mỹ, người Đức và người Bỉ không có tinh thần phê phán đã cướp đoạt dần dần, bằng cạnh tranh, hết thị trường này đến thị trường khác của người Anh. Sau hết, nó khẳng định rằng sự tập trung tài sản và hậu quả của sự tập trung đó đối với các giai cấp cần lao thì ở Anh, vô luận là người vô sản hay người hữu sản, đều không nhìn thấy, song phái Hiến chương ngu xuẩn lại cho rằng họ đã hiểu hết sức rõ ràng hiện tượng tập trung tài sản, và những người xã hội chủ nghĩa thì nghĩ rằng từ lâu lắm rồi họ đã trình bày cặn kẽ tất cả những hậu quả đó. Không phải chỉ có thế: ngay cả phái bảo thủ và phái tự do như Các-lai-lơ, A-li-xơ Ga-xken cũng đã chứng minh, bằng tác phẩm của mình, rằng họ đã hiểu biết hiện tượng ấy.

Sự phê phán quả quyết rằng luật mười giờ của huân tước Ê-sli7 là một biện pháp trung dung hời hợt và bản thân huân tước Ê-sli "là sự phản ánh trung thành của hoạt động lập hiến", trong khi đó thì hiện nay bọn chủ xưởng, phái Hiến chương, bọn chiếm hữu ruộng đất, tóm lại cả cái nước Anh quần chúng vẫn coi biện pháp đó là biểu hiện - đành rằng rất yếu ớt - của một nguyên tắc triệt để cấp tiến vì nó phá vỡ nền móng của ngoại thương và do đó phá vỡ nền móng của chế độ công xưởng, hay nói đúng hơn không những phá vỡ mà còn đào tận gốc nền móng đó. Điểm này, sự phê phán có tính phê phán biết rõ hơn ai hết. Nó biết rằng vấn đề ngày làm việc 10 giờ đã được thảo luận trong một "tiểu ban" nào đó của Hạ nghị viện, trong khi những báo không phê phán tìm cách làm cho chúng ta tin rằng "tiểu ban" ấy là bản thân Hạ nghị viện, nghĩa là "uỷ ban toàn viện"; nhưng dĩ nhiên là sự phê phán không thể xoá bỏ cái tính kỳ quặc đó của hiến pháp Anh.

Sự phê phán có tính phê phán tự mình tạo ra cái đối lập với mình tức sự ngu xuẩn của quần chúng, đồng thời cũng tạo ra sự ngu xuẩn của ông Giêm-xơ Grê-hêm: bằng cách giải thích tiếng Anh một cách phê phán, nó đã gắn cho ông bộ trưởng không phê phán của Bộ nội vụ những điều mà ông ta chưa hề nói bao giờ, và nó làm như thế chỉ cốt cho sự ngu xuẩn của Grê-hêm làm nổi bật hơn sự thông minh của bản thân sự phê phán. Nếu nghe theo sự phê phán thì Grê-hêm khẳng định rằng máy móc ở công xưởng có thể dùng trong khoảng 12 năm bất kể là mỗi ngày máy móc đó làm việc 10 hoặc 12 giờ, thành thử luật 10 giờ làm cho nhà tư bản không thể tái sản xuất ra được số tư bản đã bỏ vào những máy đó trong 12 năm làm việc của máy. Sự phê phán chứng tỏ rằng kết luận mà nó gán cho ông Giêm-xơ Grê-hêm, là kết luận sai, vì một chiếc máy làm việc mỗi ngày kém đi 1/6 thời gian thì dĩ nhiên có thể sử dụng được lâu hơn.

Dù nhận định đó của sự phê phán có tính phê phán đối với kết luận sai lầm của bản thân nó có chính xác thế nào đi nữa, chúng ta cũng vẫn phải công bằng đối với ông Giêm-xơ Grê-hêm; thực ra ông tuyên bố rằng: thực hiện luật ngày làm 10 giờ thì máy móc phải tăng tốc độ của nó một cách tỷ lệ với sự rút ngắn thời gian công tác của nó (đó là điều mà bản thân sự phê phán dẫn ra trong trang 32, số VIII) và trong điều kiện này, thời gian hao mòn của máy móc vẫn như cũ, nghĩa là 12 năm. Không thể không thừa nhận điều đó, nhất là  thừa nhận như vậy chỉ là tán dương và ca tụng "sự phê phán" vì không phải ai khác mà chính sự phê phán không những đã đưa ra kết luận sai lầm ấy, kết luận mà sau này chính nó lại bác bỏ. Sự phê phán cũng tỏ ra hết sức rộng lượng đối với huân tước Giôn Rớt-xen, người mà nó gán cho là có ý định sửa đổi hình thức của chế độ nhà nước và chế độ bầu cử; do đó chúng ta phải rút ra kết luận rằng hoặc là sự phê phán vốn đặc biệt ưa bịa ra những điều ngu xuẩn, hoặc là tuần lễ vừa qua, bản thân huân tước Rớt-xen đã biến thành một nhà phê phán có tính phê phán.

Nhưng sự phê phán chỉ trở thành thực sự tuyệt diệu trong việc thêu dệt ra những điều ngu xuẩn khi nó phát hiện rằng công nhân Anh - những công nhân này, trong tháng Tư và tháng Năm, đã tổ chức hết cuộc mít-tinh này đến cuộc mít-tinh khác, đã viết hết đơn yêu cầu này đến đơn yêu cầu khác để đòi thực hiện luật 10 giờ, những công nhân này đã biểu thị một sự phẫn nộ chưa từng có trong suốt cả hai năm qua, và điều đó xảy ra khắp nơi trong các khu công xưởng - chỉ "quan tâm một phần" đến vấn đề đó tuy rằng xem ra thì "sự hạn chế bằng pháp luật thời gian lao động cũng làm họ chú ý". Sự phê phán thực sự tuyệt diệu khi mà nó đã có những phát hiện lớn lao, tuyệt diệu, chưa từng có là "thoạt nhìn sự xoá bỏ đạo luật ngũ cốc hứa hẹn một sự giúp đỡ trực tiếp hơn, cho nên công nhân đang và sẽ gửi gấm phần lớn hy vọng của họ vào đấy cho tới khi sự thoả mãn những nguyện vọng ấy - sự thoả mãn mà người ta không nghi ngờ mảy may nào cả - thực tế chứng minh cho họ thấy tất cả sự vô ích của việc xoá bỏ đạo luật đó". Và sự phê phán ấy nói về những công nhân đã kiên quyết đuổi khỏi diễn đàn của các cuộc mít-tinh kẻ nào phát biểu ủng hộ việc huỷ bỏ đạo luật ngũ cốc; về những công nhân đã làm cho Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc không dám tổ chức mít-tinh ở bất cứ thành phố công xưởng nào ở Anh; về những người công nhân đã coi Đồng minh ấy là kẻ thù duy nhất của mình và đã được sự ủng hộ của phái bảo thủ trong cuộc thảo luận về đạo luật 10 giờ cũng như trong hầu hết các cuộc thảo luận trước kia về những vấn đề tương tự. Sự phê phán cũng rất là tuyệt diệu khi nó phát hiện ra rằng "công nhân vẫn còn bị mê hoặc bởi những lời hứa hẹn rộng rãi của phong trào Hiến chương", một phong trào thực ra chỉ là biểu hiện chính trị của dư luận rộng rãi của công nhân. Trong thâm tâm của tinh thần tuyệt đối của mình, sự phê phán nhìn thấy rằng "hai tập đoàn - tập đoàn chính trị và tập đoàn chủ ruộng đất và chủ công xưởng - đã không trùng hợp với nhau và không hoà lẫn vào nhau", song hiện nay, chúng tôi chưa thấy ai nói rằng tập đoàn chủ ruộng đất và chủ công xưởng, tuy số người của hai giai cấp những người tư hữu này không đông và có quyền lợi chính trị hoàn toàn giống nhau (trừ một thiểu số quý tộc) nhưng lại có tính chất rộng như vậy, và chúng tôi chưa thấy ai nói rằng tập đoàn này - trên thực tế là biểu hiện triệt để nhất và đỉnh cao của các chính đảng - lại tuyệt đối đồng nhất với các tập đoàn chính đảng. Sự phê phán còn thật sự tuyệt diệu hết chỗ nói khi nó gán cho tất cả những ai chống lại đạo luật ngũ cốc là chẳng hiểu gì về một sự thực là trong tình hình các điều kiện khác không thay đổi thì sự hạ giá ngũ cốc tất nhiên sẽ đưa tới sự hạ thấp tiền lương và do đó đâu lại vào đấy cả, song thực ra các ngài đó lại trông chờ sự hạ thấp tiền lương một cách rõ rệt và do đó sự giảm bớt chi phí sản xuất gắn liền với sự hạ thấp tiền lương sẽ đưa tới sự mở rộng thị trường một cách tương ứng và đưa tới sự giảm bớt cạnh tranh giữa công nhân với nhau, kết quả là tiền lương so với giá ngũ cốc sẽ được duy trì hơi cao hơn hiện nay.

Say sưa theo kiểu nhà nghệ thuật, sự phê phán tự mình sáng tạo ra cái đối lập với mình là lời nói nhăng nhít, - cũng sự phê phán đó, trước đây hai năm, đã kêu lên rằng: "sự phê phán nói tiếng Đức, thần học nói tiếng la-tinh"8, bây giờ nó lại đã học tiếng Anh, và gọi người chiếm hữu ruộng đất là "Landeigner" (landowners), gọi chữ công xưởng là "Mühleigner (mill-owners; tiếng Anh, chữ "mill" dùng để chỉ những công xưởng máy móc đều chạy bằng hơi nước hoặc sức nước), gọi công nhân là "tay" (hands), dùng "giao thoa" (interference) thay cho "can thiệp", và dựa vào lòng thương hại vô hạn đối với tiếng Anh thấm đầy tính quần chúng tội lỗi, nó thậm chí đã hạ mình xuống cải tiến tiếng Anh và xoá bỏ quy tắc rởm của người Anh, quy tắc theo đó người Anh bao giờ cũng đặt tiếng xưng hô "Xơ" trước tên chứ không phải trước họ của các huân tước và nam tước. Quần chúng nói "Xơ Giêm-xơ Grê-hêm", còn sự phê phán nói: "Xơ Grê-hêm".

Sự phê phán bắt tay cải tạo lịch sử nước Anh tiếng Anh xuất phát từ nguyên tắc chứ không phải vì nhẹ dạ. Đó là điều mà giờ đây bạn đọc sẽ thấy trong tính triệt để của sự phê phán khi nó giải thích lịch sử của ngài Nau-véc.

 



4 "Mühleigner" (nghĩa đen là: "chủ xưởng xay bột"), tiếng Đức vốn không có chữ này, mà là dịch từ tiếng Anh mill-owner - người sở hữu công xưởng, chủ xưởng. Ở đây Ăng-ghen có ý châm biếm G. Phau-sơ, một cộng tác viên của "Allgemeine Literatur-Zeitung", đã sử dụng trong các bài báo của mình một chữ do ông đặt ra theo hình thức chữ Anh

5 Ăng-ghen chỉ bài "Vấn đề bức thiết trong đời sống nước Anh" của G.Phau-sơ đăng trên tờ "Allgemeine Literatur-Zeitung" số 7 và 8 (tháng Sáu và Bảy 1844).

6 Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc do Cốp-đen và Brai-tơ chủ xưởng ở Man-se-xtơ thành lập năm 1838. Đạo luật ngũ cốc nhằm hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu ngũ cốc của nước ngoài, được ban hành ở Anh để bảo vệ lợi ích của bọn đại địa chủ. Đồng minh này đòi hoàn toàn tự do mậu dịch. Phế bỏ đạo luật ngũ cốc nhằm mục đích hạ thấp tiền lương của công nhân, làm suy yếu địa vị kinh tế và chính trị của địa chủ quý tộc. Trong cuộc đấu tranh chống địa chủ, Đồng minh đã định lợi dụng quần chúng công nhân, nhưng chính lúc đó, những công nhân tiên tiến nước Anh đã bắt đầu bước vào một phong trào công nhân có tổ chức, độc lập về chính trị (phong trào Hiến chương). Cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản công nghiệp và quý tộc địa chủ về vấn đề đạo luật ngũ cốc đã kết thúc năm 1846 khi thông qua dự luật phế bỏ đạo luật ngũ cốc.

7 Cuộc đấu tranh ở Anh đòi hỏi hạn chế bằng pháp luật thời gian lao động xuống ngày 10 giờ bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII và đầu những năm 30 thế kỷ XIX đã lôi cuốn được đông đảo quần chúng vô sản tham gia. Vì đại biểu của quý tộc địa chủ ra sức lợi dụng khẩu hiệu ăn sâu vào lòng người đó trong cuộc đấu tranh của chúng chống lại giai cấp tư sản công nghiệp, nên trong nghị viện chúng đã ủng hộ dự luật ngày làm 10 giờ; từ năm 1833, nhân vật chủ chốt ủng hộ dự luật đó tại nghị viện là bá tước Ê-sli, "nhà từ thiện thuộc đảng To-ri"

8 Đây là câu nói của B.Bau-ơ trong cuốn sách của ông "Die gute Sache der Freiheit und meine eigene Angelegenheit". Zürich und Winterthur, 1842 ("Sự nghiệp chính nghĩa tự do và sự nghiệp của chính tôi " xuất bản năm 1842 ở Xuy-rích và Vin-téc-tua)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt