Chủ nghĩa Marx

Tiểu luận chống Các Grun

 

TIỂU LUẬN CHỐNG CÁC GRUN(20)

 

CÁC MÁC (1818-1883)

 


C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn


 

 

Báo "Trier'sche Zeitung"(21) đã đăng một bài đề "Béc-lin, ngày 20 tháng Ba" về cuốn sách mỏng còn chưa được in xong của tôi "Những mâu thuẫn trong hệ thống mâu thuẫn kinh tế học của ông Pru-đông, hay là Sự khốn cùng của triết học". Phóng viên Béc-lin biến tôi thành tác giả bản tin đăng trên tờ "Rhein-und Mosel-Zeitung" và trên những tờ báo khác về cuốn sách này, về tác phẩm của Pru-đông(22) và về hoạt động của người dịch tác phẩm này, ông Grun. Phóng viên cứ tôn hoài tôi lên làm "tổng biên tập của tờ Rheinische Zeitung"(23) trước đây - tên gọi vay mượn của một phóng viên ở Bruy-xen, tức là của tác giả bản tin đã nhắc ở trên. Ông bạn đó của chúng ta tung ra những lời phỉ báng của mình, "dựa vào sự am hiểu tình hình báo chí hiện nay ở Đức". Theo tôi, ông ta có thể "dựa vào sự am hiểu tình hình báo chí hiện nay ở Đức" chẳng những trong những lời phỉ báng mà còn trong toàn bộ hoạt động văn đàn của mình. Tôi xin nhường chỗ cho ông ta về mặt "am hiểu tình hình báo chí hiện nay ở Đức" đó, đã được thử thách qua thực tiễn một cách xuất sắc như vậy. Nhưng lần này nó không làm "chỗ dựa" cho ông ta.

Cái gọi là phóng viên Béc-lin chỉ cần đọc những ý kiến của tôi về Pru-đông trong "Sự phê phán có tính phê phán"(24) là đủ tin rằng bản tin mà ông ta công kích, mặc dù có thể là được gửi từ Bruy-xen, nhưng không khi nào lại có thể do tôi viết chỉ nguyên vì một lẽ là trong đó Pru-đông và ông Grun "được coi như những đại lượng có giá trị ngang nhau".

Bài phê phán Pru-đông của tôi viết bằng tiếng Pháp. Pru-đông sẽ đủ sức tự mình trả lời nó. Bức thư mà ông viết gửi tôi ngay trước khi cuốn sách của ông ra đời, tuyệt nhiên không nói gì về việc ông có ý định uỷ thác cho ông Grun và bọn tay chân trả thù cho ông trong trường hợp bị tôi phê bình.

"Còn về người dịch tác phẩm của Pru-đông về kinh tế chính trị học", thì ông bạn ở Béc-lin chỉ còn mỗi việc là lập biên bản ghi ý kiến của ông ta là "Chúng tôi những người ở Béc-lin rút ra được rất nhiều kiến thức đủ loại" ở cuốn sách của ông Grun "Phong trào xã hội ở Pháp và Bỉ", nên giá trị của tác phẩm này chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa. Chỉ có điều cần quan niệm cho rõ: câu nói "chúng tôi, những người ở Béc-lin" nhìn chung thu lượm được "những kiến thức" nào đó và đặc biệt là chúng tôi đã rút ra được "rất nhiều kiến thức đủ loại", nhờ đó mà thoáng một lúc chúng tôi đã được mở mang cả về phương diện lượng cũng như chất, câu nói đó có ý gì mới được chứ! Chúng tôi, những người ở Béc-lin!

Sau khi coi tôi là phóng viên Bruy-xen hoặc phóng viên đã nhắc ở trên, vị phóng viên Béc-lin, tức là vị Béc-lin giả hiệu tuyên bố:

Grun "chắc phải trả giá vì đã gặp điều bất hạnh là giới thiệu các thành tựu của chủ nghĩa xã hội ở nước ngoài với xã hội Đức sớm hơn tiến sĩ Mác "tổng biên tập của tờ Rheinische - Zeitung" trước đây".

Không cần phải bàn cãi gì nữa, ông bạn của chúng ta tỏ ra thật có tài dựng lên những lời phỏng đoán của mình! Tôi muốn mách sub rosa1* với ông ta là, theo ý tôi, "Phong trào xã hội ở Pháp và Bỉ" của ông Grun và phong trào xã hội ở Pháp và Bỉ chẳng có gì giống nhau cả, trừ một số tên người và ngày tháng.

Nhưng đồng thời tôi cũng cần cam đoan với ông ta rằng tôi thật không thiết tha gì đến việc "giới thiệu với xã hội Đức những thành tựu" của tôi trong việc nghiên cứu cuốn sách của ông Grun nói về phong trào xã hội ở Pháp và Bỉ đến nỗi tôi đã thản nhiên để cho tập bản thảo bài phê bình tỷ mỉ tác phẩm của ông Grun mà tôi viết một năm trước đây được nằm nguyên tại chỗ, và chỉ giờ đây mới gửi đăng nó trên tờ "Das Westphälische Dampfboot"(25), do bị ông bạn Béc-lin thúc ép phải làm chuyện này. Bài phê bình là phần bổ sung của tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức" (phê phán triết học hiện đại Đức qua các đại biểu của nó là Phoi-ơ-bắc, B.Bau-ơ và Stiếc-nơ và phê phán chủ nghĩa xã hội Đức qua các nhà tiên tri khác nhau của nó)(26) do Ph. Ăng-ghen cộng tác viết cùng tôi. Những hoàn cảnh đã cản trở và hiện vẫn còn cản trở việc in tập bản thảo này có thể sẽ được trình bày với bạn đọc ở một chỗ khác, với tính cách là phần bổ sung cho nhận định "tình hình báo chí hiện nay ở Đức". Tuy nhiên, việc công bố riêng bài phê bình cuốn sách của ông Grun - bài này không có gì mâu thuẫn với quy định về kiểm duyệt - cũng không gặp khó khăn gì cả; một trở ngại nhỏ duy nhất là chúng tôi coi cuốn sách này không đáng được phê phán riêng, chỉ có trong lúc điểm lại toàn bộ sách báo xã hội chủ nghĩa Đức tầm thường, dung tục mới không nên bỏ qua cuốn sách này, khi nhắc tới ông Grun. Nhưng giờ đây, sau khi ông bạn ở Béc-lin đã lên tiếng thì việc công bố riêng bài phê bình này mang ít nhiều ý nghĩa hài hước: nó phải cho thấy là "xã hội Đức tìm hiểu các thành tựu của chủ nghĩa xã hội ở nước ngoài" ra sao, và đặc biệt là phải cho thấy "chúng tôi, những người ở Béc-lin" khao khát và có năng lực tiếp thu "rất nhiều kiến thức đủ loại" như thế nào. Qua đấy cũng sẽ rõ là tôi có cần phải dùng tới những đòn công kích nhẹ nhàng trên những bài báo nhỏ hay không, cho dù tôi có ý định ngăn trở sự tiến triển của "Phong trào xã hội ở Pháp và Bỉ" của ông Grun đi nữa. Sau hết, dù ông bạn ở Béc-lin  sẽ không thể cự tuyệt không xác nhận một cách công khai rằng nếu như đúng thực là tôi có ý đồ "giới thiệu với xã hội Đức những thành tựu của chủ nghĩa xã hội ở nước ngoài" theo ý nghĩa mà ông ta hiểu và thật sự sợ gặp đối thủ là vị tiền bối của tôi thì từng giờ từng phút tôi sẽ phải cầu nguyện cho số mệnh mình: "Hãy phù hộ cho con đừng gặp phải một vị tiền bối nào đó, hay là - điều đó lại còn tốt hơn - hãy ban cho con ông Grun làm bậc tiền bối!".

Tôi xin thêm đôi lời nữa nhân chuyện tôi có "tham vọng ngông cuồng coi mình đã đạt tới bậc thang cao nhất của trí tuệ loài người".

Còn ai khác nữa có thể gán cho tôi căn bệnh này, nếu như không phải ông Grun là người (chẳng hạn, xem lời tựa cuốn sách "Những viên đá xây dựng"(27) của ông ta) cho rằng những bài nghiên cứu của tôi trên tờ "Deutsch - Französische Jahrbücher"(28) đã giải đáp những điều bí ẩn cuối cùng của thế giới, y hệt như hiện nay trong khoa kinh tế chính trị của Pru-đông; cũng như hiện nay ông ta tán dương Pru-đông là người có quan điểm chân chính, về tôi ông ta đã từng cam đoan (xem "Neue Anekdota" của Grun(29)) rằng tôi "đã thủ tiêu quan điểm lập hiến và cấp tiến". Ông Grun đã cho tôi uống thuốc độc trước, để rồi sau đấy có cớ mà trách tôi về cái tác hại do chất thuốc độc đó gây ra! Nhưng xin ông bạn Béc-lin cứ yên tâm! Tôi vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.

Bruy-xen, ngày 3 tháng Tư 1847

Các Mác

 

Đã đăng trên báo "Deutsche - Brüsseler- Zeitung"  số 28 ngày 8 tháng Tư 1847, và trên báo "Trier'sche Zeitung" số 99, ngày 9 tháng Tư 1847

 

In theo bản đăng trên báo "Trier'sche Zeitung", có đối chiếu với bản đăng trên báo "Deutsche - Brüsseler-Zeitung"

Nguyên văn là tiếng Đức

 

 



(20) Nhan đề này do Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin Liên Xô (trước đây) đặt.

(21) "Trier'sche Zeitung" ("Báo Tơ-ria") được thành lập ở Tơ-ria năm 1757, được xuất bản dưới tên gọi này từ năm 1815; từ đầu những năm 40 của thế kỷ XIX, là cơ quan ngôn luận của giai cấp tư sản cấp tiến; từ giữa những năm 40 báo này chịu ảnh hưởng của những người theo phái "chủ nghĩa xã hội chân chính" (C. Grun đã trở thành một trong những cộng tác viên thường xuyên của tờ báo này) và đã bị C. Mác và Ph. Ăng-ghen phê phán.

(22) Có ý nói tới cuốn sách: P. J. Proudhon. "Système des contradic-tions économiques, ou Philosophie de la misère". T. I-II, Paris, 1846 (P. G. Pru-đông "Hệ thống những mâu thuẫn kinh tế hay là triết học về sự khốn cùng". T. I-II, Pa-ri, 1846).

(23) "Rheinische Zeitung für Politik, Handel und Gewerbe" ("Báo tỉnh Ranh về các vấn đề chính trị, thương nghiệp và công nghiệp") là tớ báo ra hàng ngày, xuất bản ở Khuên ngày 1 tháng Giêng 1842 đến ngày 31 tháng Ba 1843. Tờ báo do các đại biểu của các giai cấp tư sản vùng Ranh thành lập, giai cấp này có khuynh hướng đối lập với nền chuyên chế Phổ. Cả một số người thuộc phái Hê-ghen trẻ cũng bị thu hút vào cộng tác với tờ báo. Từ tháng Tư 1842, C. Mác đã trở thành cộng tác viên của tờ "Rheinische Zeitung"  và từ tháng Mười cùng năm, ông là một trong những biên tập viên của báo này. Một loạt bài của Ph. Ăng-ghen cũng đăng trên tờ "Rheinische Zeitung". Trong thời kỳ Mác tham gia biên tập, tờ báo đã mang tính chất dân chủ cách mạng rõ ràng hơn. Chính phủ đã kiểm duyệt đặc biệt gắt gao tờ "Rheinische Zeitung", và sau đó đã đóng cửa báo này.

(24) 24 Có ý nói tới tác phẩm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen "Gia đình thần thánh, hay là Phê phán sự phê phán có tính chất phê phán. Chống bọn Bru-nô Bau-ơ và đồng bọn" (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr. 9-316).

1* - kín, riêng

(25) "Das Westphälische Dampfboot" ("Tàu thủy Ve-xtơ-pha-li") là tờ nguyệt san của những người theo phái "chủ nghĩa xã hội chân chính"; do Luy-ninh chủ biên, xuất bản ở Bi-lơ-phen từ tháng Giêng 1845 đến tháng Chạp 1846 và ở Pa-đéc-boóc-nơ từ tháng Giêng 1847 đến tháng Ba 1848.

(26) Bài khảo luận phê phán của Mác về cuốn sách: C. Grun. "Phong trào xã hội ở Pháp và Bỉ". Đác-mơ-stát, 1845 (K. Grün. "Die soziale Bewegung in Frahkreich und Belgien". Darmstadt, 1845) là một chương của cuốn "Hệ tư tưởng Đức" đã được đăng khi Mác và Ăng-ghen còn sống (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. "Hệ tư tưởng Đức", t. II, ch. IV; C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1986, t. 3, tr. 666-726). Bài khảo luận này được đăng trên các số tháng Tám và tháng Chín của tạp chí "Das Wetphälische Dampfboot" năm 1847.

(27) K. Grün. "Bausteine". Darmstadt, 1844

(28) "Deutsch - Französische Jahrbücher" ("Niên giám Pháp - Đức") xuất bản bằng tiếng Đức ở Pa-ri do C. Mác và A. Ru-gơ chủ biên. Chỉ ra được số đầu cũng là số kép vào tháng Hai 1844. Trong đó có đăng tác phẩm của C. Mác: "Về vấn đề Do Thái" và "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen. Lời nói đầu", và cả những tác phẩm của Ph. Ăng-ghen: "Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị" và "Tình cảnh nước Anh". Tô-mát Các Lai-tơ. "Quá khứ và hiện tại" (xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr.525-568, 569-590, 744-786, 787-815). Những tác phẩm này đánh dấu việc Mác và Ăng-ghen đã chuyển hẳn sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản. Nguyên nhân chủ yếu của việc tạp chí bị đình bản là do có những bất đồng về nguyên tắc giữa Mác và phần tử cấp tiến tư sản Ru-gơ.

(29) "Neue Anekdota" ("Tập giai thoại mới") là tuyển tập những bài của M. Hét-xơ, C. Grun, Ô. Luy-ninh v.v., do những người theo phái "chủ nghĩa xã hội chân chính" xuất bản ở Đác-mơ-stát năm 1845.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt