Chủ nghĩa Marx

Về phong cách của Tuyên ngôn Cộng sản

 

VỀ PHONG CÁCH CỦA TUYÊN NGÔN CỘNG SẢN

UMBERTO ECO (1932-2016)

 


Tiểu luận “Sullo stile del Manifesto” đăng trên L’Espresso (8.1.1998) nhân kỷ niệm 150 năm Tuyên ngôn Cộng sản ra đời; bản dịch tiếng Anh, “On the Style of The Communist Manifesto,” in trong Eco, On Literature, trans. Martin McLaughlin (Orlando: Harcourt, 2004), pp. 23–27.


 

Khó mà hình dung được một vài trang viết đẹp đẽ lại có thể một tay thay đổi thế giới. Suy cho cùng, toàn bộ công trình của Dante cũng không đủ để khôi phục một Đế chế La Mã thần thánh cho các thành bang Ý. Nhưng trong dịp kỷ niệm Tuyên ngôn Cộng sản ra đời năm 1848, một văn bản chắc chắn đã có ảnh hưởng lớn lên lịch sử của hai thế kỷ, tôi tin rằng ta phải đọc lại nó từ phương diện chất lượng văn học, hoặc ít nhất — dù không đọc nguyên tác tiếng Đức — là kỹ năng hùng biện phi thường và cấu trúc lập luận của nó.

Năm 1971, một cuốn sách ngắn của một tác giả người Venezuela được xuất bản: Phong cách văn chương của Marx của Ludovico Silva. (Một bản dịch tiếng Ý được xuất bản năm 1973.) Tôi nghĩ nó không còn lưu hành, nhưng rất đáng tái bản. Trong cuốn sách này Silva lần theo con đường phát triển văn chương của Marx (ít người biết ông cũng viết thơ, dù rất dở, theo những ai từng đọc thơ ông), và phân tích chi tiết toàn bộ công trình của Marx. Điều kỳ lạ là ông chỉ dành một vài dòng cho Tuyên ngôn Cộng sản, có lẽ vì nó không đích xác là một tác phẩm cá nhân. Quả đáng tiếc, bởi đây là một văn bản đáng ngạc nhiên, khéo léo đan xen những giọng điệu khải huyền và châm biếm, những khẩu hiệu hùng hồn và những diễn giải rõ ràng, và (nếu xã hội tư bản thực sự muốn tìm cách trả thù cho những biến động mà mấy trang viết ít ỏi này gây ra) cho đến tận ngày nay nó vẫn nên được đọc như một văn bản thiêng liêng trong các cơ quan quảng cáo.

Nó bắt đầu bằng một hồi trống dồn, như “Bản giao hưởng số 5” của Beethoven: “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu” (và đừng quên chúng ta vẫn ở gần giai đoạn nở rộ tiểu thuyết gothic tiền Lãng mạn và Lãng mạn, và những bóng ma phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc). Ngay sau đó là một lịch sử toàn cảnh về các cuộc đấu tranh giai cấp từ thời La Mã cổ đại cho đến sự ra đời và phát triển của giai cấp tư sản, và những trang viết dành riêng cho những thành tựu của giai cấp “cách mạng” mới này đã tạo nên một sử thi nền tảng vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay, đối với những người ủng hộ thị trường tự do. Ta thấy (tôi thực sự muốn nói “ta thấy,” theo cách gần như “ta thấy” khi xem điện ảnh) thế lực không thể nào ngăn cản này, thứ, được thúc đẩy bằng nhu cầu về những thị trường mới cho hàng hóa của nó, đã tràn ngập toàn bộ thế giới trên đất liền và trên biển (và, theo tôi, ở đây Marx, chàng Do thái cứu thế, đang nghĩ về mở đầu của Sáng thế ký), làm đảo lộn và biến đổi những đất nước xa xôi bởi lẽ giá sản phẩm rẻ mạt chính là pháo hạng nặng của nó, cho phép nó đánh sập mọi bức tường thành Trung Quốc và buộc những dân tộc man di gan lỳ căm ghét người nước ngoài nhất cũng phải đầu hàng; nó thiết lập và phát triển các đô thị như một biểu tượng và như nền tảng cho sức mạnh của chính mình; và nó trở nên đa quốc gia, toàn cầu hóa,[1] và thậm chí tạo ra một nền văn học không còn mang tính quốc gia mà mang tính quốc tế.

Cuối khúc tán tụng (thuyết phục và mang vẻ ngưỡng mộ chân thành) này, đột nhiên chúng ta thấy một sự nghịch đảo đầy kịch tính: gã phù thủy nhận ra mình không thể kiểm soát những sức mạnh dưới lòng đất mà hắn đã triệu hồi, kẻ chiến thắng ngạt thở dưới nền sản xuất dư thừa và buộc phải tạo ra từ mạng sườn kẻ đào mộ cho chính mình—giai cấp vô sản.

Giờ đến lượt lực lượng mới này bước vào sân khấu: ban đầu còn chia rẽ và rối loạn, nó được tôi luyện trong việc phá hủy máy móc và sau đó bị giai cấp tư sản sử dụng như những đội quân xung kích buộc phải chiến đấu với những kẻ thù của kẻ thù của nó (các chế độ quân chủ tuyệt đối, giới địa chủ, tiểu tư sản), cho đến khi dần dần nó hấp thụ các thợ thủ công, tiểu thương, và nông dân có đất vốn là kẻ thù của nó nhưng giờ đã bị giai cấp tư sản biến thành những người vô sản. Biến động này trở thành đấu tranh khi giai cấp công nhân tổ chức hàng ngũ của mình nhờ một sức mạnh mà giai cấp tư sản phát triển vì lợi nhuận của mình: thông tin liên lạc. Và ở đây Tuyên ngôn Cộng sản nêu ra ví dụ về đường sắt, nhưng các tác giả cũng đang nghĩ đến phương tiện truyền thông đại chúng mới (và đừng quên trong Gia đình Thần thánh Marx và Engels đã có thể sử dụng truyền hình của thời đại ấy—tức là tiểu thuyết nhiều kỳ—như một mô hình của trí tưởng tượng tập thể, và họ đã phê phán ý thức hệ của nó bằng cách sử dụng chính ngôn ngữ và những tình huống mà nó đã phổ biến).

Đến thời điểm này những người cộng sản bước lên sân khấu. Trước khi trình bày một cách máy móc rằng họ là ai và họ muốn gì, Tuyên ngôn Cộng sản (trong một động thái hùng biện siêu hạng) đặt mình vào vị trí của giai cấp tư sản vốn lo ngại những người cộng sản, và đưa ra một số câu hỏi kinh hãi: Các anh muốn bãi bỏ sở hữu? Các anh muốn thực hành chế độ cộng thê? Các anh muốn xóa bỏ tôn giáo, dân tộc, gia đình?

Ở đây mọi thứ trở nên tinh tế hơn, bởi lẽ dường như Tuyên ngôn Cộng sản đã trả lời tất cả những câu hỏi này theo một cách trấn an, như thể để xoa dịu những đối thủ của nó—sau đó, trong một động thái bất ngờ, đấm thẳng vào ức chúng, và giành được sự cổ vũ của quần chúng vô sản… Chúng ta muốn bãi bỏ sở hữu? Dĩ nhiên là không. Nhưng quan hệ sở hữu luôn trải qua thay đổi: chẳng phải Cách mạng Pháp đã xóa bỏ sở hữu phong kiến để bênh vực chế độ sở hữu tư sản hay sao? Chúng ta muốn bãi bỏ tư hữu? Quả là một ý tưởng điên rồ; không có cơ hội nào cho điều đó đâu, bởi đó là sở hữu của một phần mười dân số, trái ngược so với chín phần mười còn lại. Các anh buộc tội chúng tôi là muốn xóa bỏ sở hữu “của các anh”? Quả thật, đó chính là điều chúng tôi muốn.

Chế độ cộng thê? Chúng tôi muốn giải phóng phụ nữ khỏi vai trò là những công cụ sản xuất của họ. Các anh có thấy chúng tôi thực hành chế độ cộng thê không? Chế độ cộng thê là phát minh của các anh, bởi ngoài dùng vợ mình các anh còn lợi dụng những người vợ của công nhân của các anh, và lấy việc cắm sừng lẫn nhau làm một thú vui đặc biệt. Xóa bỏ dân tộc? Làm sao các anh có thể tước khỏi những người công nhân cái mà họ chưa bao giờ có? Trái lại, chúng tôi muốn vươn lên thành một dân tộc và chiến thắng…

Cứ như thế cho đến kiệt tác của sự dè dặt, đó là câu trả lời cho vấn đề tôn giáo. Bằng trực giác chúng ta có thể thấy câu trả lời là “Chúng tôi muốn xóa bỏ thứ tôn giáo ấy,” nhưng văn bản này không nói như thế: vừa động đến một chủ đề tế nhị như vậy, nó liền lướt qua và để chúng ta tự suy ra rằng mọi biến đổi đều có cái giá của nó, nhưng đừng lập tức thảo luận những vấn đề tế nhị như thế.

Sau đó đến phần giáo lý nhất, cương lĩnh của phong trào, phê phán các hình thức chủ nghĩa xã hội khác, nhưng đến giai đoạn này thì độc giả đã bị các trang trước mê hoặc. Và phòng khi phần cương lĩnh quá khó hiểu, ở đây chúng ta tìm thấy một cái kết gai góc cuối cùng, hai khẩu hiệu nghẹt thở, dung dị, đáng nhớ, và (với tôi có vẻ) mang vận mệnh của một tương lai phi thường: “Giai cấp vô sản chẳng có gì để mất ngoài xiềng xích của họ,” và “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”

Bên cạnh năng lực thi ca đích thực để tạo nên những ẩn dụ đáng nhớ, Tuyên ngôn Cộng sản còn là một kiệt tác về hùng biện chính trị (nhưng không chỉ riêng chính trị), và nó nên được nghiên cứu ở các trường học cùng với Những phê phán đối với Catiline của Cicero và điếu văn của Mark Antony trước thi hài Julius Caesar trong kịch Shakespeare, đặc biệt là khi không phải không có khả năng là với sự thông thuộc văn hóa cổ điển của mình, Marx đã có chính những văn bản ấy trong đầu khi viết Tuyên ngôn Cộng sản

NGUYỄN HUY HOÀNG dịch

 


Nguồn: https://hoanghannom.com/2016/08/08/manifesto/.

Copyright © 1998 by Umberto Eco | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.


 

[1] Hiển nhiên, khi tôi viết tiểu luận này, thuật ngữ “toàn cầu hóa” đã tồn tại, và tôi không sử dụng cách biểu đạt này một cách tình cờ. Nhưng ngày nay, khi tất cả đã trở nên nhạy cảm với vấn đề này, chúng ta thực sự đáng quay trở lại đọc những trang viết ấy. Cách Tuyên ngôn Cộng sản chứng kiến sự ra đời của thời đại toàn cầu hóa, trước đó những 150 năm, và các lực lượng khác mà nó giải phóng mới đáng kinh ngạc làm sao. Nó gần như cho thấy toàn cầu hóa không phải một biến cố xảy ra trong quá trình mở rộng tư bản (chỉ vì Bức tường [Berlin] đã sụp đổ và mạng Internet xuất hiện), mà đúng hơn là một hình mẫu không thể tránh khỏi mà giai cấp mới nổi không thể không đi theo, cho dù trong thời gian ấy, thông qua sự mở rộng của thị trường, phương tiện thuận tiện nhất (dù cũng đẫm máu nhất) để đạt được mục đích này là thực dân hóa. Cũng nên lưu ý một lần nữa (và đây không phải lời khuyên dành riêng cho giai cấp tư sản mà dành cho mọi giai cấp) rằng thế lực nào chống lại bước tiến của toàn cầu hóa thì ban đầu cũng đều chia rẽ và rối loạn, có xu hướng hướng đến chủ nghĩa Luddite [chống công nghệ hóa], và có thể bị kẻ thù của nó sử dụng để chiến đấu chống chính những cuộc đấu tranh của nó.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt