SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC – MỤC LỤC
CÁC MÁC _______
SỰ KHỐN CÙNG CỦA TRIẾT HỌC
CHƯƠNG MỘT MỘT PHÁT KIẾN KHOA HỌC
§III. VIỆC ỨNG DỤNG QUY LUẬT TỶ LỆ GIỮA CÁC GIÁ TRỊ
C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 4. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995. | Phiên bản điện tử: tulieuvankien.dangcongsan.vn
B. SỐ DƯ THỪA DO LAO ĐỘNG ĐEM LẠI
"Trong các sách giáo khoa kinh tế chính trị, người ta có thể đọc thấy cái giả thiết vô lý này: Nếu giá cả của tất cả mọi vật phẩm tăng gấp đôi... Tựa hồ như giá cả của tất cả mọi vật phẩm không phải là tỷ lệ của các vật phẩm ấy, và người ta có thể tăng gấp đôi một tỷ lệ, một quan hệ, một quy luật !" (Pru-đông, t. I, tr. 81). Các nhà kinh tế học đều mắc sai lầm ấy vì họ đã không biết ứng dụng "quy luật tính tỷ lệ" và "giá trị được cấu thành". Khốn thay, trong chính quyển sách của ông Pru-đông, t.I, tr.110, người ta lại đọc thấy cái giả thiết vô lý nói rằng "nếu tiền lương tăng lên một cách phổ biến thì giá cả của tất cả mọi vật phẩm đều sẽ tăng lên". Hơn nữa, nếu người ta thấy câu nói trên trong các sách kinh tế chính trị thì người ta cũng thấy luôn ở đó sự giải thích câu nói ấy. "Nếu người ta nói rằng giá cả của tất cả mọi hàng hoá tăng hay giảm thì bao giờ người ta cũng loại trừ ra hàng hoá này hay hàng hoá kia: hàng hoá được loại trừ ra ấy thông thường là tiền hay lao động" ("Bách khoa toàn thư thủ đô, hay Từ điển kiến thức tổng hợp", t. VI, bài "Khoa kinh tế chính trị" của Xê-ni-o, Luân Đôn, 1836(54). Về cách nói ấy xin tham khảo thêm G.Xt. Min. "Khái luận về một số vấn đề chưa được giải quyết trong khoa kinh tế chính trị", Luân Đôn, 1844, và Tu-cơ, "Lịch sử của giá cả" v.v., Luân Đôn, 1838(55). Bây giờ chúng ta chuyển sang ứng dụng thứ hai của "giá trị được cấu thành", và những tính tỷ lệ khác mà khuyết điểm duy nhất là thiếu tỷ lệ; và chúng ta hãy xét xem trong trường hợp này ông Pru-đông có được ổn hơn so với việc tiền tệ hoá những con cừu hay không. "Một định lý, được các nhà kinh tế học thừa nhận một cách phổ biến, là: bất cứ lao động nào cũng phải để ra một phần dư thừa. Theo tôi, luận điểm ấy là một chân lý vạn năng và tuyệt đối; đó là hệ quả của quy luật tính tỷ lệ, mà người ta có thể xem như là thâu tóm lại toàn bộ khoa học kinh tế. Nhưng, xin lỗi các nhà kinh tế học: nguyên lý nói rằng bất cứ lao động nào cũng phải để ra một phần dư thừa, trong phạm vi lý luận của họ, không có nghĩa gì cả, và không thể nào chứng minh được" (Pru-đông). Để chứng minh rằng bất cứ lao động nào cũng phải để ra một phần dư thừa, ông Pru-đông đã nhân cách hoá xã hội; ông ta đã đem xã hội tạo thành một xã hội - con người, một xã hội quyết không phải là xã hội của những con người, bởi vì nó có những quy luật riêng của nó, nó không có chỗ nào giống với những con người cấu thành xã hội, nó có "trí thông minh riêng" của nó, không phải là trí thông minh của người thường, mà là một trí thông minh không có ý nghĩa lành mạnh. Ông Pru-đông chỉ trích các nhà kinh tế học là đã không hiểu cá tính của thực thể tập thể ấy. Chúng tôi cho rằng không phải là thừa nếu đem đối lập với lời nói của ông ta, đoạn sau đây của một nhà kinh tế học Mỹ, nhà kinh tế học này đã chỉ trích các nhà kinh tế học khác về một điều trái hẳn: "Cái pháp nhân (the moral entity), cái thực thể văn phạm (the grammatical being) được gọi là xã hội, đã được gán cho những thuộc tính mà trên thực tế chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của những kẻ dùng chữ để làm ra vật mà thôi... Đó là điều đã gây ra khá nhiều khó khăn và lầm lẫn thảm hại trong khoa kinh tế chính trị" (T. Cu-pơ, "Các bài giảng về nguyên lý của khoa kinh tế chính trị", Cô-lông-bi, 1826(56)). Ông Pru-đông tiếp tục: "Nguyên lý ấy về số dư thừa do lao động đem lại chỉ đúng đối với những cá nhân, là bởi vì nó bắt nguồn từ xã hội, xã hội bằng cách đó trao cho họ tác động có hiệu quả của những quy luật riêng của mình". Phải chăng qua đó, ông Pru-đông chỉ muốn nói rằng sản xuất của cá nhân trong xã hội vượt quá sản xuất của cá nhân sống cô độc? Phải chăng ông Pru-đông muốn nói đến cái phần dư thừa ấy của sản xuất của những cá nhân liên hợp với nhau so với sản xuất của những cá nhân không liên hợp với nhau? Nếu quả như vậy, chúng ta sẽ có thể dẫn ra cho ông ta rất nhiều nhà kinh tế học đã diễn đạt chân lý giản đơn ấy mà không cần đến chủ nghĩa thần bí của ông Pru-đông. Chẳng hạn, ông Xát-lơ nói như thế này: "Lao động liên hợp đưa lại những kết quả mà lao động cá nhân quyết không bao giờ sinh ra được. Vậy, loài người càng đông thêm thì những sản phẩm của lao động liên hợp sẽ càng vượt xa tổng số của một bài tính cộng giản đơn tính toán căn cứ vào số người tăng thêm ấy... Trong kỹ thuật máy móc cũng như trong hoạt động khoa học, ngày nay một người trong một ngày có thể làm hơn một cá nhân cô độc làm suốt đời. Định lý toán học nói rằng toàn thể bằng tổng số các bộ phận, nếu ứng dụng vào vấn đề của chúng ta thì sẽ không còn đúng nữa. Nếu nói về lao động, cái chỗ dựa lớn lao đó của sự tồn tại của con người (the great pillar of human existence), thì người ta có thể nói rằng sản phẩm của những cố gắng tập thể vượt xa tất cả cái mà những cố gắng cá nhân và phân tán có thể sản xuất ra được" (T. Xát-lơ. "Quy luật dân số", Luân Đôn, 1830(57)). Chúng ta hãy trở lại ông Pru-đông. Ông ta nói: sở dĩ có số dư thừa do lao động đem lại là nhờ có xã hội - con người. Đời sống của con người này tuân theo những quy luật đối lập với những quy luật chỉ đạo hoạt động của con người với tư cách là cá nhân; đó là điều mà ông ta muốn chứng minh bằng các "sự kiện". "Việc phát hiện ra một biện pháp kinh tế mới không bao giờ có thể mang lại cho người phát minh một lợi ích bằng lợi ích mà phát hiện đó cống hiến cho xã hội cả. Người ta đã nhận xét rằng những xí nghiệp đường sắt là một nguồn lợi đối với nhà nước hơn là đối với những chủ xí nghiệp... Giá vận tải trung bình của hàng hoá chạy bằng xe súc vật kéo là 18 xu mỗi tấn trên 1 km, kể cả nhận hàng đến giao hàng ở kho. Người ta đã tính rằng với biểu giá ấy, một xí nghiệp đường sắt bình thường sẽ không thu được 10% lợi nhuận ròng, kết quả ấy cũng gần như là kết quả của một xí nghiệp chạy xe súc vật kéo. Nhưng chúng ta hãy cho rằng tốc độ vận tải bằng đường sắt so với tốc độ chạy xe súc vật kéo bằng tỷ lệ 4 trên 1; vì trong xã hội, thời gian cũng chính là giá trị, cho nên với giá cả bằng nhau, xe lửa so với xe súc vật kéo có lợi hơn là 400%. Tuy nhiên, cái lợi to lớn ấy, rất thực tế đối với xã hội, khó mà thực hiện được đối với người chủ xí nghiệp vận tải với cùng một tỷ lệ như thế, trong khi người ấy làm cho xã hội được hưởng một lợi nhuận là 400%, thì về phần mình, người ấy không thu được 10%. Thật vậy, chúng ta hãy giả định, để cho vấn đề rõ ràng hơn, rằng ngành đường sắt nâng giá vé của nó lên 25 xu, còn giá vé của xe súc vật kéo vẫn là 18, thì ngành đường sắt sẽ mất hết hàng gửi ngay lập tức. Những người gửi hàng, những người nhận hàng, ai ai cũng quay trở về với các thứ xe cộ thô sơ, nếu cần. Tàu hoả sẽ vắng tanh: một cái lợi của xã hội là 400% sẽ bị hy sinh cho khoản thiệt 35%. Lý do của việc ấy cũng dễ hiểu thôi: cái lợi do tốc độ xe lửa mang lại là một cái lợi hoàn toàn có tính chất xã hội, và mỗi cá nhân chỉ được hưởng một phần rất nhỏ của cái lợi ấy (chúng ta đừng quên rằng bây giờ chỉ nói đến vận tải hàng hoá), còn khoản thiệt thì người tiêu dùng phải chính mình trực tiếp chịu. Một lợi nhuận xã hội bằng 400 có nghĩa là nếu xã hội chỉ gồm có một triệu người, mỗi cá nhân chỉ được có bốn phần vạn; còn khoản thiệt hại là 33% đối với người tiêu dùng có nghĩa là xã hội bị thiệt 33 triệu" (Pru-đông). Nếu ông Pru-đông diễn đạt một tốc độ tăng lên bốn lần bằng con số 400% của tốc độ ban đầu thì còn có thể được. Nhưng nếu ông ta so sánh những phần trăm tốc độ với những phần trăm lợi nhuận và nếu ông ta lập nên một quan hệ tỷ lệ giữa hai tỷ lệ ấy-hai tỷ lệ đều tính riêng bằng những số phần trăm, nhưng lại không thể có một thước đo chung nào cả: thì tức là lập nên một tỷ lệ giữa những số phần trăm mà không đả động gì đến chính những vật mà số phần trăm này có liên quan tới. Những số phần trăm bao giờ cũng là những số phần trăm. 10% và 400% là những số có thể so sánh với nhau; số này so với số kia bằng 10 trên 400. Vậy - ông Pru-đông kết luận - một lợi nhuận 10% so với một tốc độ tăng gấp bốn lần thì kém bốn mươi lần. Để cứu vãn cái bề ngoài, ông ta nói rằng, đối với xã hội, thời gian là tiền (time is money). Sở dĩ có sự sai lầm ấy là vì ông ta nhớ mang máng rằng có tỷ lệ giữa giá trị và thời gian lao động, và ông ta vội vàng coi thời gian lao động với thời gian vận tải là một, nghĩa là ông ta coi mấy người thợ đốt lò, nhân viên soát vé và hướng dẫn viên trên tàu - mà thời gian lao động của họ chẳng qua chỉ là thời gian vận tải - cùng toàn bộ xã hội là một vậy. Thế là đột nhiên tốc độ trở thành tư bản, và trong trường hợp ấy, ông ta có đầy đủ lý do để nói rằng: "Một lợi nhuận 400% sẽ bị hy sinh cho một khoản thiệt 35%". Sau khi với tư cách là nhà toán học, ông ta đã dựng lên cái luận điểm kỳ lạ ấy thì ông ta lại lấy danh nghĩa là nhà kinh tế học để giải thích cho chúng ta về luận điểm ấy. "Một lợi nhuận xã hội bằng 400 có nghĩa là - nếu xã hội chỉ gồm có một triệu người - mỗi cá nhân chỉ được có bốn phần vạn". Cứ cho là như vậy; nhưng ở đây không phải là 400, mà là 400%; và một lợi nhuận 400% có nghĩa là mỗi cá nhân được 400%, không hơn không kém. Dù tư bản là bao nhiêu chăng nữa, tiền lãi vẫn được chia theo tỷ lệ 400%. Ông Pru-đông làm gì vậy? Ông ta cho những số phần trăm là tư bản, và tựa hồ như ông ta sợ rằng sự lẫn lộn của mình không khá rõ ràng, không đủ "dễ thấy", nên ông ta tiếp tục: "Một khoản thiệt hại là 33% đối với người tiêu dùng có nghĩa là xã hội bị lỗ 33 triệu". Một khoản thiệt hại 33% đối với người tiêu dùng vẫn là một khoản thiệt hại 33% đối với một triệu người tiêu dùng. Ông Pru-đông không biết tư bản xã hội, thậm chí tư bản của một người hữu quan độc nhất là bao nhiêu cả. Thế thì làm sao, sau đó, ông ta lại có thể nói một cách chính đáng rằng xã hội bị hụt 33 triệu trong trường hợp số thiệt hại là 33%? Thế là ông Pru-đông chưa vừa ý với việc lẫn lộn tư bản với những số phần trăm; ông ta còn đi xa hơn nữa bằng cách nhập lại làm một tư bản bỏ vào một xí nghiệp với số những người hữu quan. "Thật vậy, để cho dễ thấy hơn, chúng ta hãy giả định" một tư bản nào đó. Một lợi nhuận của xã hội là 400%, phân phối cho một triệu người tham dự, mỗi người đã góp vào 1 phrăng, sẽ mang lại cho mỗi người 4 phrăng thu nhập, chứ không phải 0,0004, như ông Pru-đông tưởng. Cũng giống như thế, một khoản lỗ 33% đối với mỗi người tham dự có nghĩa là xã hội bị lỗ 330 000 phrăng, chứ không phải 33 triệu (100 : 33 = 1 000 000 : 330 000). Quá bận tâm về học thuyết của mình về xã hội - con người, ông Pru-đông quên chia cho 100. Như vậy, ông ta sẽ có 330 000 phrăng tiền lỗ; nhưng mỗi người được 4 phrăng lợi nhuận thì xã hội sẽ được 4 triệu phrăng lợi nhuận. Như vậy, còn lại cho xã hội một lợi nhuận ròng là 3 670 000 phrăng. Sự tính toán chính xác này chứng minh điều trái hẳn với cái mà ông Pru-đông đã muốn chứng minh; đó chính là vì những món tiền lời và lỗ vốn của xã hội quyết không phải là theo tỷ lệ nghịch với những món tiền lời và lỗ vốn của những cá nhân. Sau khi đã đính chính lại những sai lầm giản đơn về tính toán thuần tuý ấy, chúng ta hãy xét xem người ta sẽ đi đến kết quả như thế nào, nếu người ta muốn thừa nhận cái tỷ lệ giữa tốc độ và tư bản trong trường hợp của ngành đường sắt, theo như ông Pru-đông đã đề ra, trừ đi những sai lầm về tính toán. Chúng ta hãy giả định rằng một phương tiện vận tải nhanh hơn bốn lần và chi phí vận tải cũng tăng gấp bốn lần, phương tiện vận tải ấy sẽ mang lại lợi nhuận không kém so với vận tải bằng xe súc vật kéo chậm hơn bốn lần và chi phí vận tải bằng một phần tư. Vậy, nếu xe súc vật kéo lấy 18 xu, thì xe lửa có thể lấy 72 xu. Căn cứ theo "tính chặt chẽ toán học", đó là kết quả của những giả thuyết của ông Pru-đông, vẫn trừ đi những sai lầm về tính toán của ông ta. Nhưng bỗng nhiên, ông ta nói với chúng ta rằng nếu xe lửa chỉ lấy có 25 xu, chứ không phải là 72 xu thì xe lửa sẽ mất hết hàng gửi ngay lập tức. Tất nhiên, trong trường hợp đó phải quay trở về với các thứ xe cộ thô sơ thôi. Thế nhưng, nếu chúng ta có một lời khuyên để nói với ông Pru-đông, thì đó là ông ta không nên quên chia cho 100 trong "Chương trình về hội liên hiệp tiến bộ" của ông ta. Nhưng, than ôi ! Chẳng có hy vọng gì là ông Pru-đông nghe lời khuyên của chúng ta, vì ông ta quá say sưa với bài tính "tiến bộ" thích hợp với "hội liên hiệp tiến bộ" của ông ta, đến nỗi ông ta kêu lên với một giọng rất to: "Ở chương hai, khi giải quyết mâu thuẫn của giá trị, tôi đã làm cho người ta thấy rằng lợi ích của bất cứ một phát minh có ích nào đối với người phát minh, dù làm gì đi nữa, cũng thua kém rất nhiều so với lợi ích của phát minh ấy đối với xã hội; tôi đã chứng minh điểm đó với cả tính chính xác toán học chặt chẽ!". Chúng ta hãy trở lại sự tưởng tượng về xã hội - con người, sự tưởng tượng ấy không có mục đích nào khác là chứng minh chân lý giản đơn sau đây: Một phát minh mới làm cho người ta có thể sản xuất, với cùng một số lượng lao động như vậy, một số lượng hàng hoá lớn hơn, sẽ làm cho giá trị trao đổi của sản phẩm giảm xuống. Vậy xã hội có được một lợi ích, không phải vì thu được nhiều giá trị trao đổi hơn, mà là vì, với cùng một giá trị như thế, thu được nhiều hàng hoá hơn. Còn đối với người phát minh, sự cạnh tranh làm cho lợi nhuận của người ấy hạ dần xuống tới mức phổ biến của lợi nhuận. Phải chăng ông Pru-đông đã chứng minh luận điểm ấy như ông ta muốn chứng minh? Không. Nhưng không phải vì thế mà ông ta không chỉ trích các nhà kinh tế học là đã không làm cái việc chứng minh đó. Để chứng minh cho ông ta thấy là trái lại thế, chúng tôi chỉ dẫn chứng Ri-các-đô và Lô-đéc-đan. Ri-các-đô, lãnh tụ của trường phái lấy thời gian lao động quy định giá trị; Lô-đéc-đan, một trong số những người bảo vệ hăng hái nhất học thuyết giá trị do cung cầu quyết định. Cả hai ông ấy đều đã phát triển cùng một luận đề như nhau. "Bằng cách làm cho sản xuất không ngừng được thuận lợi hơn, chúng ta không ngừng làm cho giá trị của một vài vật phẩm sản xuất ra trước đây giảm xuống, tuy rằng bằng cách ấy không những chúng ta làm tăng thêm sự giàu có của nước nhà, mà chúng ta còn làm tăng thêm năng lực sản xuất cho tương lai... Khi mà, với những máy móc, hay do những kiến thức của chúng ta về khoa học tự nhiên, chúng ta bắt những sức mạnh thiên nhiên phải làm công trình mà trước kia con người làm, thì lập tức giá trị trao đổi của công trình ấy hạ xuống ngay. Nếu cần đến mười người để quay một cái cối xay bột, và sau đó nếu người ta phát hiện ra rằng, nhờ sức gió hay nước, có thể tiết kiệm được lao động của mười người ấy, thì ngay từ lúc đó, bột do cối xay sản xuất ra sẽ hạ giá, theo tỷ lệ với tổng số lao động tiết kiệm được; và xã hội sẽ giàu thêm với toàn bộ giá trị của những vật phẩm mà lao động của mười người ấy có thể sản xuất ra được, vì số vốn dùng để bảo dưỡng những người lao động đồng thời không vì thế mà giảm bớt tí nào" (Ri-các-đô). Lô-đéc-đan nói: "Lợi nhuận của tư bản luôn luôn phát sinh là do chỗ tư bản thay thế được một phần lao động mà con người phải làm bằng hai bàn tay của mình, hoặc do chỗ tư bản đảm nhiệm một phần lao động vượt quá sức lực bản thân của con người, mà con người không thể tự mình làm được. Thông thường, những người chủ sở hữu máy móc thu được tiền lời ít ỏi, so với giá cả của lao động mà máy móc thay thế, điều đó có lẽ làm cho người ta đâm ra ngờ vực về sự đúng đắn của ý kiến ấy. Chẳng hạn, một cái bơm nước trong một ngày hút ra khỏi một hầm than một số lượng nước nhiều hơn là ba trăm người có thể lấy nước ra bằng cách mang trên lưng, dù có dùng đến các thùng gỗ cũng vậy và không nghi ngờ gì cả, cái bơm nước thay thế được lao động của họ với chi phí ít hơn nhiều. Đây là trường hợp của tất cả mọi máy móc. Máy móc sẽ làm với một giá rẻ hơn đối với lao động mà trước đây con người làm bằng tay nay bị máy móc thay thế. Tôi giả thiết rằng người ta cấp một cái bằng phát minh cho một người phát minh ra một cái máy làm được công việc của bốn người; vì đặc quyền ngăn trở mọi sự cạnh tranh với người ấy, ngoài sự cạnh tranh sinh ra do lao động của những người công nhân bị máy của người phát minh thay thế, nên rõ ràng là, trong suốt cả thời gian có đặc quyền, tiền công của những công nhân ấy sẽ là thước đo quy định giá cả mà theo đó người phát minh có thể bán những sản phẩm của ông ta; do đó, để bảo đảm cho sản phẩm được tiêu thụ, ông ta sẽ đòi giá rẻ hơn một chút so với tiền công của lao động mà cái máy của ông ta thay thế. Nhưng khi đặc quyền hết hạn thì những máy khác cùng loại được làm ra và đi vào cạnh tranh với cái máy của ông ta. Lúc bấy giờ ông ta sẽ điều tiết giá cả cho sản phẩm của mình dựa trên nguyên tắc chung, tức là tuỳ theo tình hình máy tăng lên mà quy định giá cả. Lợi nhuận của tư bản đã chi phí... tuy ở đây nó là kết quả của một lao động được thay thế, rút cục không phải là do giá trị của lao động ấy điều tiết, mà, cũng như trong tất cả mọi trường hợp khác, do sự cạnh tranh giữa những người chủ tư bản điều tiết; và mức độ của sự cạnh tranh đó bao giờ cũng do quan hệ giữa số lượng tư bản được cung cấp cho công việc ấy với yêu cầu về số lượng tư bản cần dùng, quyết định". Vậy cuối cùng, chừng nào mà lợi nhuận trong một ngành công nghiệp mới cao hơn lợi nhuận ở trong những ngành khác, thì sẽ có những tư bản dồn vào ngành công nghiệp mới ấy, cho đến khi nào tỷ suất lợi nhuận của ngành này hạ xuống tới mức phổ biến. Chúng ta vừa mới thấy rằng thí dụ về đường sắt không rọi thêm một chút ánh sáng nào vào sự tưởng tượng về xã hội – con người cả. Thế nhưng, ông Pru-đông vẫn dũng cảm tiếp tục cái lập luận của ông ta: "Sau khi đã làm sáng rõ những điều ấy rồi, thì không có gì dễ hơn việc giải thích vì sao mà lao động phải để lại cho mỗi người sản xuất một phần dư thừa". Bây giờ, những điều nói sau đây là thuộc về thời đại cổ điển. Đó là một truyện cổ tích bằng thơ, thuật lại nhằm giải lao bạn đọc sau khi đã mệt mỏi vì lập luận chặt chẽ của những chứng minh toán học ở trên kia. Ông Pru-đông tặng cho xã hội - con người của ông ta cái tên Prô-mê-tê, ông ta ca ngợi những công trạng của Prô-mê-tê như thế này: "Đầu tiên, Prô-mê-tê lọt khỏi lòng của tự nhiên, tỉnh dậy với cuộc đời trong trạng thái ngồi không đầy say đắm", v.v. và v.v.. "Prô-mê-tê bắt tay vào công việc và, ngay ngày đầu của anh ta, ngày đầu tiên của sự sáng tạo lần thứ hai, sản phẩm của Prô-mê-tê, nghĩa là của cải của anh ta, phúc lợi của anh ta, bằng mười. Ngày thứ hai, Prô-mê-tê phân chia lao động của anh ta, và sản phẩm của anh ta trở thành bằng một trăm. Ngày thứ ba và mỗi ngày sau đó, Prô-mê-tê phát minh ra máy móc, phát hiện ra những công dụng mới trong các vật thể, những sức mạnh mới trong tự nhiên... Qua mỗi bước tiến trong công nghiệp của anh ta, con số sản lượng của anh ta lại nâng lên và làm cho phần hạnh phúc của anh ta tăng thêm. Thế rồi sau cùng, vì đối với anh ta, tiêu dùng tức là sản xuất, nên rõ ràng là cứ mỗi ngày tiêu dùng, chỉ tiêu dùng sản phẩm của ngày hôm trước, lại để lại một phần sản phẩm dư thừa cho ngày hôm sau". Cái anh chàng Prô-mê-tê ấy của ông Pru-đông quả là một gã kỳ quái, yếu đuối bất lực, cả về lô-gích cũng như về khoa kinh tế chính trị. Nếu như Prô-mê-tê chỉ giảng dạy cho chúng ta rằng sự phân công lao động, sự ứng dụng máy móc, sự khai thác những sức mạnh tự nhiên và việc sử dụng khoa học kỹ thuật đều làm tăng thêm lực lượng sản xuất cho con người và đưa lại một phần dư thừa so với sản phẩm của lao động biệt lập, - thì cái anh chàng Prô-mê-tê mới ấy chỉ có cái bất hạnh là ra đời quá muộn. Nhưng nếu Prô-mê-tê lại muốn xen vào việc bàn về sản xuất và tiêu dùng thì quả là anh ta trở thành lố bịch. Theo anh ta, tiêu dùng tức là sản xuất; anh ta tiêu dùng trong ngày hôm sau cái mà anh ta sản xuất trong ngày hôm trước, bằng cách đó, anh ta luôn luôn có được một ngày lao động dự trữ; cái ngày dự trữ có trước ấy tạo ra "phần dư thừa do lao động đem lại" của anh ta. Thế nhưng, khi tiêu dùng trong ngày hôm sau cái mà anh ta sản xuất ngày hôm trước, thì ngày đầu tiên - không có ngày hôm trước - tất là anh ta phải lao động cho hai ngày, có thế thì sau này mới có một ngày lao động dự trữ được. Ngày đầu tiên, Prô-mê-tê đã thu được phần dư thừa ấy như thế nào, trong khi chưa có phân công lao động, chưa có máy móc, chưa có cả những hiểu biết về các sức mạnh tự nhiên khác ngoài sự hiểu biết về lửa ra? Như vậy, nếu vấn đề bị đẩy về với "ngày đầu tiên của sự sáng tạo lần thứ hai", thì tình hình không tiến được một bước nào. Cái lối giải thích sự vật như thế vừa giống giọng văn Hy Lạp, vừa giống giọng văn Do Thái, nó vừa thần bí vừa bóng bảy, nó rất có thể làm cho ông Pru-đông có quyền nói: "Tôi đã chứng minh, bằng lý luận và bằng sự kiện, nguyên lý nói rằng bất cứ lao động nào cũng phải để lại một phần dư thừa". Sự kiện, chính là sự tính toán tiến bộ nổi tiếng, còn lý luận chính là câu chuyện thần thoại về Prô-mê-tê. Ông Pru-đông tiếp tục: "Thế nhưng, nguyên lý ấy chính xác như một chân lý số học, còn lâu mới có thể thực hiện được đối với tất cả mọi người. Trong khi, nhờ sự tiến bộ của lao động tập thể mà mỗi ngày lao động cá nhân thu được một sản phẩm ngày càng lớn, và, do một kết quả tất nhiên, người lao động, cũng với tiền công như thế, đáng lẽ phải trở nên mỗi ngày một giàu có hơn, - thì trong xã hội lại có những tầng lớp được phất to và những tầng lớp khác thì bị tiêu vong vì khốn cùng". Năm 1770, số dân của Vương quốc liên hợp Anh là 15 triệu và số dân sản xuất là 3 triệu. Sức sản xuất của những cải tiến kỹ thuật đương thời ước chừng bằng sức sản xuất của 12 triệu người; vậy tổng số lực lượng sản xuất có 15 triệu tất cả. Như vậy, lực lượng sản xuất so với số dân bằng tỷ lệ 1 trên 1, và năng suất của những cải tiến kỹ thuật so với năng suất của lao động thủ công bằng tỷ lệ 4 trên 1. Năm 1840, số dân không vượt quá 30 triệu, số dân sản xuất là 6 triệu, còn năng suất của những cải tiến kỹ thuật lên tới 650 triệu, nghĩa là tỷ lệ giữa năng suất của những cải tiến kỹ thuật ấy so với toàn bộ số dân bằng 21 trên 1, và so với năng suất của lao động thủ công bằng 108 trên 1. Vậy, trong xã hội Anh, trong bảy mươi năm, năng suất của ngày lao động đã tăng 2700%, nghĩa là năm 1840, ngày lao động sản xuất bằng hai mươi bảy lần năm 1770. Theo ông Pru-đông thì phải đặt ra câu hỏi thế này: tại sao người công nhân Anh năm 1840 lại không giàu hơn người công nhân Anh năm 1770 hai mươi bảy lần? Cố nhiên khi đặt một câu hỏi như thế, người ta giả định rằng người Anh có thể sản xuất ra những của cải ấy mà không có những điều kiện lịch sử trong đó những của cải ấy được sản xuất ra, như là: tích lũy tư bản do các tư nhân thực hiện, phân công lao động hiện đại, công xưởng tự động, cạnh tranh vô chính phủ, chế độ lao động làm thuê, tóm lại, tất cả những cái gì dựa trên đối kháng giai cấp. Thế mà, đó lại chính là những điều kiện cần thiết đối với sự phát triển lực lượng sản xuất và làm tăng phần dư thừa do lao động đem lại. Vậy để có được sự phát triển ấy của lực lượng sản xuất và phần dư thừa do lao động đem lại ấy, phải có những giai cấp được phất to và những giai cấp khác bị tiêu vong vì khốn cùng. Vậy thì, cuối cùng, cái anh chàng Prô-mê-tê mà ông Pru-đông đã làm sống lại ấy, là cái gì? Đó là xã hội, đó là những quan hệ xã hội dựa trên đối kháng giai cấp. Những quan hệ ấy không phải là những quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, mà là những quan hệ giữa công nhân và nhà tư bản, giữa người phéc-mi-ê với địa chủ, v.v.. Hãy xóa bỏ những quan hệ xã hội ấy, thế là toàn bộ xã hội không còn nữa; và cái anh chàng Prô-mê-tê của anh chỉ còn là một bóng ma không tay không chân, nghĩa là không có công xưởng tự động, không có phân công lao động, tóm lại, không có tất cả những cái mà anh đã cho anh ta ngay từ đầu để anh ta thu được phần dư thừa do lao động đem lại ấy. Vậy nếu như, trên lý luận, chỉ cần - như ông Pru-đông đã làm - giải thích công thức về phần dư thừa do lao động đem lại theo ý nghĩa bình quân chủ nghĩa, không chú ý đến những điều kiện hiện thời của sản xuất, thì trên thực tiễn, chỉ cần tiến hành sự phân phối bình quân chủ nghĩa cho công nhân về tất cả những của cải hiện làm ra được, mà không cần thay đổi gì những điều kiện hiện thời của sản xuất cả. Việc chia của ấy tất nhiên sẽ không bảo đảm được cho mỗi người tham dự một đời sống hạnh phúc ở mức độ cao. Nhưng ông Pru-đông không bi quan như người ta tưởng. Vì đối với ông ta tính tỷ lệ là tất cả, cho nên ông ta không thể nhìn thấy trong nhân vật có sẵn Prô-mê-tê, nghĩa là trong xã hội hiện thời, sự thực hiện bước đầu của quan niệm mà ông ta ưa chuộng. "Nhưng, ở đâu sự tiến bộ về giàu có, nghĩa là tính tỷ lệ của giá trị cũng là quy luật thống trị; và khi nào mà, để đáp lại những lời phàn nàn của đảng xã hội, các nhà kinh tế học đưa ra luận điệu về sự tăng thêm phúc lợi chung ngày càng nhiều và về sự cải thiện điều kiện sinh hoạt của các giai cấp, kể cả những giai cấp khốn khổ nhất, thì như vậy là họ đã không ngờ mà nói lên một sự thật, sự thật ấy lên án những học thuyết của họ". Trên thực tế, của cải tập thể và phúc lợi chung là cái gì? Đó là sự giàu có của giai cấp tư sản, chứ không phải của mỗi nhà tư sản cá biệt. Vậy là, những nhà kinh tế học chỉ làm cái việc chứng minh xem, trong những quan hệ sản xuất hiện có, sự giàu có của giai cấp tư sản đã phát triển và sẽ phải phát triển nữa như thế nào. Còn về phía giai cấp công nhân, điều kiện sinh hoạt của họ có thật được cải thiện do cái gọi là của cải xã hội được tăng lên hay không, đó là một vấn đề còn phải tranh luận. Nếu như các nhà kinh tế học muốn chứng minh sự lạc quan của họ, dẫn ra cho chúng ta thí dụ về những người công nhân Anh làm trong công nghiệp vải bông, thì chẳng qua họ chỉ nhìn thấy tình cảnh của những người công nhân ấy trong những thời kỳ phồn vinh hiếm có của thương mại mà thôi. Những thời kỳ phồn vinh ấy, so với những thời kỳ khủng hoảng và đình trệ, thì theo quan hệ "tỷ lệ đúng đắn" giữa 3 với 10. Nhưng cũng có lẽ là, khi nói đến cải thiện, các nhà kinh tế học muốn nói đến hàng triệu công nhân phải chết ở Ấn Độ, để cung cấp ba năm phồn vinh trong số mười năm cho một triệu rưỡi công nhân làm việc ở nước Anh trong cùng một ngành công nghiệp ấy. Còn về sự tham dự tạm thời vào việc hưởng của cải xã hội tăng thêm, thì lại là vấn đề khác. Việc tham dự tạm thời được giải thích bằng lý luận của các nhà kinh tế học. Nó xác nhận lý luận ấy, chứ hoàn toàn không phải là "lên án" lý luận ấy như ông Pru-đông nói. Nếu có một cái gì phải lên án thì chắc chắn đó là học thuyết của ông Pru-đông, như chúng ta đã chứng minh, học thuyết này muốn rút tiền công của công nhân xuống mức tối thiểu, mặc dù của cải tăng lên. Chỉ có rút tiền công của công nhân xuống mức tối thiểu thì ông ta mới ứng dụng được ở đây cái nguyên lý về tính tỷ lệ đúng đắn của các giá trị, mới ứng dụng được cái nguyên lý về "giá trị được cấu thành" bởi thời gian lao động. Chính vì tiền công, do kết quả của cạnh tranh, lên xuống khi cao hơn khi thấp hơn giá tư liệu sinh hoạt cần thiết để nuôi sống người công nhân, nên người công nhân có thể tham dự ít nhiều vào sự phát triển của cải xã hội, và cũng chính vì thế mà anh ta có thể chết đói. Đó là toàn bộ học thuyết của các nhà kinh tế học, về mặt ấy họ không có ảo tưởng gì. Sau khi đã nói huyên thuyên về đường sắt, về Prô-mê-tê và về cái xã hội mới phải xây dựng lại trên cơ sở "giá trị được cấu thành", ông Pru-đông trầm lặng lại; bị xúc động, ông ta kêu to lên bằng một giọng gia trưởng: "Tôi khẩn khoản yêu cầu các nhà kinh tế học hãy tự hỏi trong một lát, trong sự yên tĩnh của cõi lòng của họ, lánh xa những thành kiến làm vẩn đục tâm trí của họ và không kể gì đến những chức vụ mà họ đang giữ hay mong đợi, không kể gì đến những lợi ích mà họ phục vụ, những phiếu bầu mà họ thèm muốn, những danh dự làm thoả mãn lòng hư vinh của họ, - họ hãy nói xem có phải là cho đến ngày hôm nay họ vẫn thấy nguyên lý nói rằng bất cứ lao động nào cũng phải để lại một phần dư thừa, - được trưng ra theo kiểu một chuỗi những tiền đề và những kết quả mà chúng tôi đã nêu lên, hay không?". (54) N. W. Senior. "Political Economy". In: "Encyclopedia Metropolitana, of Universal Dictionary of Knowledge". Vol. VI. London, 1836. (55) J. St. Mill. "Essays on some Unsettled Questions of Political Economy". London, 1844.| Th. Tooke. "A History of Prices, and of the State of the Circulation, from 1793 to 1837". Vol. I-II, London, 1838 (T. Tu-cơ. "Lịch sử giá cả và tình hình lưu thông từ năm 1793 đến năm 1837". Các tập I-II, Luân Đôn, 1838) (56) Th. Cooper. "Lectures on the Elements of Political Economy". Cuốn sách xuất bản lần thứ nhất ở Cô-lông-bi năm 1826; xuất bản lần thứ hai, có bổ sung, ở Luân Đôn năm 1831. (57) M. Th.Sadler. "The Law of Population". Vol. I, London, 1830, p. 83, 84.-
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC