PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC
CHƯƠNG I VỀ MANH MỐI (LEITFADEN) ĐỂ PHÁT HIỆN TẤT CẢ CÁC KHÁI NIỆM THUẦN TÚY CỦA GIÁC TÍNH
TIẾT 2 MỤC § 9 VỀ CÁC CHỨC NĂNG LÔ GÍC CỦA GIÁC TÍNH TRONG NHỮNG PHÁN ĐOÁN
IMMANUEL KANT (1724-1804) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.
Nếu ta trừu tượng hóa [gạt bỏ] mọi nội dung của một phán đoán nói chung và chỉ lưu ý đến mô thức đơn thuần của giác tính (Verstandesform) ở trong đó, ta sẽ thấy chức năng của tư duy trong phán đoán có thể được quy về bốn đề mục (Titel); mỗi đề mục bao gồm ba trạng thái (Momente)* được hình dung rất thuận tiện trong bảng sau đây:
Vì sự phân chia này có vẻ khác trong một vài điểm – tuy không cốt yếu – với kỹ thuật quen thuộc của các nhà Lô-gíc học, thiết tưởng các lưu ý sau đây không phải là không cần thiết để phòng tránh sự hiểu lầm. 1. [ VỀ LƯỢNG ]: Các nhà Lô-gíc học nói có lý rằng khi sử dụng các phán đoán trong những suy luận của lý tính (Vernunftschlüsse)*, người ta có thể xem các phán đoán cá biệt giống như các phán đoán phổ biến. Chính bởi vì các phán đoán cá biệt không có phạm vi (Umfang)** nào cả nên vị ngữ (Prädikat) của chúng không thể chỉ được áp dụng cho một số cái được chứa đựng trong khái niệm của chủ ngữ (Subjekt) và loại trừ các cái còn lại. Vị ngữ có giá trị cho toàn bộ khái niệm không có ngoại lệ như thể khái niệm ấy là một khái niệm phổ biến có một phạm vi mà vị ngữ có giá trị cho toàn bộ nội dung. Thế nhưng, nếu ta so sánh một phán đoán cá biệt với một phán đoán có giá trị phổ biến như một nhận thức về mặt lượng, ta thấy phán đoán cá biệt quan hệ với phán đoán phổ biến giống như một đơn vị quan hệ với cái vô tận; bản thân nó khác với phán đoán phổ biến môt cách cơ bản. Do đó, nếu tôi đánh giá một phán đoán cá biệt (judicum singulae) không chỉ về tính giá trị nội tại của nó mà về mặt lượng với tư cách là nhận thức nói chung trong sự so sánh với những nhận thức [về lượng] khác, phán đoán cá biệt là khác với các phán đoán phổ biến (judici communia), và do đó xứng đáng có một vị trí riêng trong bảng danh mục hoàn chỉnh về các trạng thái (Momente) của tư duy nói chung (mặc dù điều này không cần thiết nơi môn lô-gíc học chỉ giới hạn trong việc sử dụng các phán đoán trong quan hệ giữa chúng với nhau). 2. [ VỀ CHẤT ]: Cũng thế, trong Lô-gíc học siêu nghiệm, phán đoán bất định [vô tận] phải được phân biệt với phán đoán khẳng định, mặc dù trong môn Lô-gíc phổ biến chúng được xếp chung một cách đúng đắn vào các phán đoán khẳng định và không tạo nên một bộ phận riêng. [Sở dĩ như vậy vì] Lô-gíc học phổ biến trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của vị ngữ (dù là vị ngữ phủ định), và chỉ xét xem vị ngữ ấy được gán cho chủ ngữ hoặc đối lập lại với chủ ngữ mà thôi. Ngược lại, Lô-gíc học siêu nghiệm xem xét cả giá trị hay nội dung của sự khẳng định lô-gíc này – [kể cả] thông qua một vị ngữ phủ định đơn thuần –, và xét xem sự khẳng định này có mang lại bổ ích gì đối với toàn bộ nhận thức hay không. Giả thử tôi nói về linh hồn rằng: “nó không phải là khả diệt”, thì qua một phán đoán phủ định như thế, ít nhất tôi có thể tránh được một sai lầm. Nhưng nếu tôi nói: “Linh hồn là bất-diệt”, thì xét về hình thức lô-gíc, tôi thực sự khẳng định và đặt linh hồn vào trong phạm vi không giới hạn của những hữu thể bất-diệt. Nhưng vì trong toàn bộ phạm vi của những hữu thể có thể có, những hữu thể khả diệt chiếm một phần, phần kia là những hữu thể bất-diệt, vậy mệnh đề trên của tôi không nói lên được điều gì khác hơn là: linh hồn là một trong số lượng vô tận những sự vật vẫn còn lại nếu tôi gạt bỏ hết những hữu thể khả diệt đi. Nhưng qua đó, phạm vi vô tận của mọi hữu thể có thể có chỉ mới được giới hạn trong mức độ [những hữu thể] khả diệt được tách riêng ra, còn linh hồn vẫn bị đặt vào trong không gian [khu vực] còn lại của toàn bộ phạm vi. Nhưng không gian này – dù đã bị gạt bỏ một số – vẫn mãi mãi là vô tận và dù các bộ phận khác có tiếp tục được loại bỏ dần, thì khái niệm về linh hồn cũng không nhờ đó mà tăng tiến [sáng tỏ] hơn chút nào, và vẫn không được xác định một cách khẳng định. Vậy, xét về mặt phạm vi lô-gíc, những phán đoán bất định [hay vô tận] này thực chất chỉ mới có tính giới hạn đối với nội dung của nhận thức* nói chung, và trong chừng mực đó, chúng không thể bị bỏ qua trong bảng danh mục siêu nghiệm về tất cả các trạng thái của tư duy trong các phán đoán, bởi vì chức năng của giác tính được sử dụng trong trường hợp này có thể có vai trò quan trọng trong lãnh vực nhận thức thuần túy tiên nghiệm của giác tính. 3. [ VỀ TƯƠNG QUAN ]: Mọi mối tương quan của tư duy trong các phán đoán là: a) của chủ ngữ với vị ngữ; b) của nguyên nhân với kết quả và c) của nhận thức bị phân chia và mọi bộ phận của việc phân chia với nhau. Trong loại tương quan thứ nhất, ta xem xét mối tương quan giữa hai khái niệm; trong loại thứ hai, giữa hai phán đoán; và trong loại thứ ba là nhiều phán đoán trong mối quan hệ giữa chúng với nhau. Mệnh đề giả thiết (hypothetisch): “Nếu có sự công bằng hoàn toàn, kẻ ác ngoan cố phải bị trừng phạt” thực ra chỉ chứa đựng mối quan hệ của hai mệnh đề: “Có sự công bằng hoàn toàn” và “kẻ ác ngoan cố phải bị trừng phạt”. Hai mệnh đề này có đúng trong tự thân chúng [về nội dung] hay không là điều không được quyết định ở đây. Thông qua phán đoán này chỉ có hệ quả [nếu – thì] là được suy tưởng mà thôi. Còn phán đoán phân đôi (disjuntiv) lại chứa đựng mối quan hệ giữa hai hay nhiều mệnh đề trái ngược nhau, nhưng không phải là mối quan hệ về hệ quả mà chứa đựng mối quan hệ của sự đối lập lô-gíc, trong chừng mực lãnh vực của mệnh đề này loại trừ lãnh vực của mệnh đề kia, nhưng đồng thời cũng bao hàm mối quan hệ của cộng đồng tương tác (Gemeinschaft), trong chừng mực mọi mệnh đề gộp chung lại sẽ lấp đầy lãnh vực của nhận thức thực sự; tức là, một mối quan hệ giữa các bộ phận thuộc toàn bộ lãnh vực của một nhận thức, vì lãnh vực của một bộ phận này là phần bổ sung cho lãnh vực của bộ phận khác đối với cả tổng thể (ganzer Inbegriff) nhận thức được phân chia, chẳng hạn trong phán đoán phân đôi sau đây: “Thế giới tồn tại hoặc là do một ngẫu nhiên mù quáng, hoặc là do sự tất yếu nội tại, hoặc là do một nguyên nhận từ bên ngoài”. Mỗi một mệnh đề trong các mệnh đề này nắm giữ một bộ phận của [tổng thể] lãnh vực nhận thức có thể có về sự tồn tại của thế giới nói chung, và tất cả các mệnh đề ấy gộp lại tạo nên toàn bộ lãnh vực. Lấy đi nhận thức của một trong các lãnh vực này có nghĩa là đặt nó vào trong một của các lãnh vực còn lại, và ngược lại, đặt nó vào trong một lãnh vực nghĩa là lấy nó ra khỏi các lãnh vực còn lại. Như vậy, trong một phán đoán phân đôi, có một cộng đồng tương tác nào đó của các nhận thức, thể hiện ở chỗ các nhận thức ấy vừa loại trừ lẫn nhau, nhưng qua đó vừa xác định nhận thức đúng đắn trong cái toàn bộ, theo nghĩa gộp chung chúng lại, chúng tạo nên nội dung toàn diện của một nhận thức duy nhất được cho. Đấy là những gì tôi cho rằng cần phải nêu vì có ảnh hưởng đến sau này. 4. [ VỀ HÌNH THÁI ]: Hình thái (die Modalität) của các phán đoán là một chức năng hoàn toàn đặc thù của các phán đoán, có đặc điểm dị biệt nơi nó là: hình thái không đóng góp gì cho nội dung của phán đoán cả (vì ngoài Lượng, Chất và Tương quan thì không còn gì khác tạo nên nội dung của một phán đoán), nhưng chỉ nói lên giá trị của hệ từ* trong mối quan hệ với tư duy nói chung. Các phán đoán nghi vấn (problematisch) là các phán đoán, nơi đó sự khẳng định hay phủ định được người ta giả định chỉ như là có thể có (khả năng tùy thích). Gọi là phán đoán xác định (assertorisch) vì được xem như là hiện thực (wirklich) (đúng thật/wahr). Còn phán đoán tất nhiên (apodiktisch) là vì trong đó người ta xem nó là phải có (tất yếu)(1). Như thế, hai phán đoán mà tương quan giữa chúng tạo nên phán đoán giả thiết (hypothetisch) (nguyên nhân và kết quả) cũng như các phán đoán mà tương quan giữa chúng tạo nên sự phân đôi (disjunktiv) (các bộ phận của sự phân chia) đều chỉ có tính nghi vấn (problematisch) [về mặt hình thái]. Trong ví dụ trước đây, mệnh đề “có sự công bằng hoàn toàn” không được phát biểu một cách xác định (assertorisch) [về mặt hình thái như là hiện thực] mà chỉ được suy tưởng như một phán đoán khả năng nghĩa là người ta có thể giả định nó và chỉ có kết quả của nó mới có tính xác định (assertorisch). Do đó, các phán đoán như thế có thể là sai một cách rõ ràng, nhưng nếu hiểu như là có tính nghi vấn [về mặt hình thái] thì lại là các điều kiện để nhận thức cái đúng. Cũng thế, phán đoán: “Thế giới tồn tại nhờ sự ngẫu nhiên mù quáng” trong phán đoán phân đôi cũng chỉ có ý nghĩa nghi vấn, tức là người ta có thể tạm chấp nhận mệnh đề này trong một giây lát để tìm ra mệnh đề đúng (cũng giống như chỉ ra con đường sai trong số tất cả những con đường mà người ta có thể giả định). Vậy, mệnh đề nghi vấn [về hình thái] chỉ diễn đạt khả năng lô-gíc (chứ không có tính khách quan), tức là một sự lựa chọn tự do cho phép một mệnh đề như thế là có giá trị, một sự tiếp nhận tùy thích mệnh đề ấy ở trong giác tính. Trong khi đó, mệnh đề xác định (assertorisch) nói về tính thực tại lô-gíc hay là sự thật, chẳng hạn trong một suy luận giả thiết, tiền đề (das Antecedens) có hình thức nghi vấn trong chính đề (Major) nhưng lại có hình thái xác định trong thứ đề (Minor) và cho thấy mệnh đề ấy đã gắn liền với giác tính theo đúng các quy luật của giác tính. | [Sau cùng], mệnh đề tất nhiên (apodiktisch) suy tưởng về mệnh đề xác định như là được quy định bởi bản thân các quy luật này của giác tính, do đó khẳng định một cách tiên nghiệm và bằng cách đó, diễn tả tính tất yếu lô-gíc. Vì lẽ ở đây [trong tính hình thái của các phán đoán], tất cả đều gắn liền với giác tính theo cấp độ ngày càng tăng dần (gradweise), – khởi đầu người ta phán đoán về điều gì đó một cách nghi vấn [khả năng], rồi giả định nó như là đúng một cách xác định [hiện thực] và sau cùng khẳng định nó như là gắn liền không thể tách rời với giác tính, tức như là tất yếu (notwendig) và tất nhiên (apodiktisch) – cho nên người ta có thể gọi ba chức năng này của Hình thái cũng là bấy nhiêu trạng thái (Momente) [có thể có] của tư duy nói chung.
* Moment: chữ rất khó dịch cho trọn nghĩa. Ở đây, chúng tôi tạm dịch là “trạng thái” hiểu như là “tình trạng” của giác tính trong phán đoán. Ở chỗ khác, có thể được dịch là “nhân tố”, “yếu tố”, “phương diện”. Chữ “Moment” có nguồn gốc từ chữ “mô-men” trong vật lý học. Trong triết học Hegel sau này, chữ này rất thường được dùng theo nghĩa “phương diện”, “bước” của tiến trình phát triển biện chứng. Trong trường hợp đó, một số tác giả đề nghị dịch là “thời quán”. (N.D). * * Lưu ý: Giác tính là quan năng để phán đoán; lý tính là quan năng để suy luận (Vd: suy luận dưới dạng tam đoạn luận). Tuy nhiên suy luận thực chất là phán đoán về những phán đoán (kết luận trong suy luận là phán đoán về hai phán đoán (hai tiền đề) trước đó. (N.D). ** Umfang: phạm vi. Cũng có thể hiểu là “ngoại trương” hay “ngoại diên” (Extension). (N.D). * [Không phải thế này, không phải thế kia, chứ chưa khẳng định được nội dung của nhận thức]. (N.D). * Hệ từ (Copula): loại động từ nối chủ ngữ với vị ngữ, ở đây là các hệ từ: là, có thể là, phải là thể hiện ba hình thái: hiện thực, khả năng và tất yếu của phán đoán trong mối quan hệ với tư duy. (N.D). (1) Giống như thể tư duy trong trường hợp thứ nhất là một chức năng của giác tính, trong trường hợp thứ hai là của năng lực phán đoán và trong trường hợp thứ ba là của lý tính. Một nhận xét chỉ được làm sáng tỏ hơn về sau này.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC