Thuyết Duy tâm Đức

Về manh mối để phát hiện tất cả các khái niệm thuần túy của giác tính (Mục §11)

PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY - MỤC LỤC

 

CHƯƠNG I

VỀ MANH MỐI (LEITFADEN) ĐỂ PHÁT HIỆN

TẤT CẢ CÁC KHÁI NIỆM THUẦN TÚY

CỦA GIÁC TÍNH

 

TIẾT 3

MỤC § 11 *

 

IMMANUEL KANT  (1724-1804)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.


 

Bảng phạm trù trên đây gợi ra một số vấn đề nghiên cứu quan trọng có thể có hậu quả lớn đối với hình thức khoa học của mọi nhận thức lý tính. Vì rằng bảng danh mục này, trong phần lý thuyết của triết học, là hết sức bổ ích, thậm chí là thiết yếu để phác họa hoàn chỉnh sơ đồ toàn bộ về một môn khoa học trong chừng mực khoa học ấy đặt nền tảng trên các khái niệm tiên nghiệm, cũng như để phân chia môn khoa học ấy – theo kiểu toán học – dựa theo các nguyên tắc nhất định, [ý nói môn Siêu hình học như một khoa học] tự nó đã cho thấy rõ rằng bảng phạm trù chứa đựng đầy đủ mọi khái niệm cơ bản của giác tính, và hơn thế, chứa đựng cả bản thân hình thức của một hệ thống các khái niệm ấy trong giác tính con người, do đó, mang lại sự hướng dẫn cho mọi nhân tố (Momente) và cho cả trật tự [sắp xếp nội tại] của môn khoa học tư biện dự kiến như tôi đã thử làm trong một tác phẩm khác(1). Dưới đây chỉ là một vài nhận xét trong số đó.

1. Nhận xét 1:

Trước hết, bảng phạm trù bao gồm bốn loại (Klassen) khái niệm [thuần túy] của giác tính, được chia làm hai nhóm: nhóm thứ nhất hướng đến các đối tượng của trực quan (thuần túy lẫn thường nghiệm); nhóm thứ hai hướng đến sự tồn tại (Existenz) của các đối tượng này (hoặc trong quan hệ với nhau hoặc với giác tính).

Tôi tạm gọi hai loại trước [lượng và chất] là các phạm trù có tính toán học, hai loại sau [tương quan và hình thái] là các phạm trù có tính năng động (dynamisch) [hay động lực]. Như ta thấy, hai loại trước không có các cái đối ứng (Korrelate) mà chỉ có trong hai loại sau. Sự khác biệt này ắt phải có một nguyên do (Grund) [hay cơ sở] ở bên trong bản tính tự nhiên của giác tính.

2. Nhận xét 2:

Số lượng của các phạm trù trong mỗi loại lúc nào cũng bằng nhau, đó là ba phạm trù, một sự kiện cũng đòi hỏi ta phải suy ngẫm, vì thông thường mọi sự phân chia tiên nghiệm bằng các khái niệm đều phải là “Lưỡng phân” (Dichotomie) [chia hai, đối lập nhau]*. Thêm nữa, phạm trù thứ ba bao giờ cũng hình thành từ sự nối kết (Verbindung) của phạm trù thứ hai với phạm trù thứ nhất trong loại của nó.

Như thế, “Toàn thể” không gì khác hơn là “Đa thể” được xem như là “Nhất thể”; “Hạn định” không gì khác hơn là “Thực tại” được nối kết với “Phủ định”; “Cộng đồng tương tác”“tính nhân quả” của một bản thể trong sự quy định qua lại và được quy định bởi các bản thể khác; sau cùng, Tính tất yếu không gì khác hơn là “sự Tồn Tại” (hiện thực, Existenz) được mang lại bởi bản thân “Khả năng”.

Tuy nhiên không vì thế mà người ta nghĩ rằng phạm trù thứ ba chỉ đơn thuần là một khái niệm phái sinh chứ không phải một khái niệm gốc của giác tính thuần túy. Bởi vì sự nối kết của phạm trù thứ nhất và phạm trù thứ hai để tạo ra phạm trù thứ ba đòi hỏi một tác vụ (Aktus) đặc thù của giác tính không đồng nhất với tác vụ đã được thực hiện ở phạm trù thứ nhất và thứ hai. Thật thế, khái niệm về một con số (thuộc về phạm trù “toàn thể”) không phải lúc nào cũng có thể có được khi đã có các khái niệm về “đa thể”“nhất thể” (chẳng hạn để có được biểu tượng về “cái vô tận”); hoặc từ chỗ tôi nối kết khái niệm về “một nguyên nhân” với khái niệm về một bản thể, khái niệm về ảnh hưởng [tác động] không đương nhiên được tôi hiểu ngay lập tức, nghĩa là không thể từ sự nối kết ấy mà hiểu được tại sao một bản thể có thể trở thành nguyên nhân của cái gì đấy trong bản thể khác. Vậy, rõ ràng rằng cần phải có một tác vụ đặc thù của giác tính trong việc hình thành phạm trù thứ ba; và cũng như thế trong các phạm trù còn lại.

3. Nhận xét 3:

Đối với một phạm trù duy nhất là phạm trù “cộng đồng tương tác” (Gemeinschaft) nằm trong đề mục thứ ba của bảng phạm trù [thuộc loại các phạm trù Tương quan – Relation], sự trùng hợp của phạm trù này với hình thức tương ứng là phán đoán “phân đôi” (disjunktiv) trong bảng các chức năng lôgíc [của phán đoán] không dễ nhận ra như đối với các phạm trù còn lại.

Để nhận rõ sự trùng hợp này, ta cần lưu ý: trong mọi phán đoán phân đôi, lãnh vực của phán đoán (số lượng của tất cả những gì được chứa đựng trong phán đoán ấy) được hình dung như một toàn bộ được phân chia ra làm nhiều bộ phận (các khái niệm nằm trong phán đoán ấy), và bởi vì một bộ phận này không thể được chứa đựng trong một bộ phận kia, nên chúng đều phải được suy tưởng như là phối kết với nhau (koordiniert) chứ không phải lệ thuộc vào nhau (subordiniert), khiến chúng không quy định nhau theo kiểu một chiều (einseitig) như trong một chuỗi, mà là quy định lẫn nhau theo kiểu qua lại (wechselseitig) như trong một hỗn hợp (Aggregat) (nếu một bộ phận của sự phân chia được thiết định thì mọi bộ phận còn lại đều bị loại trừ và ngược lại)*.

Ta cũng cần suy tưởng một sự nối kết tương tự như vậy trong cái Toàn bộ của mọi sự vật, vì mỗi sự vật không lệ thuộc vào sự vật khác giống như kết quả lệ thuộc vào nguyên nhân cho sự tồn tại của nó, mà là ở bên nhau [phối kết] một cách đồng thời và hỗ tương qua lại như một nguyên nhân trong quan hệ với các nguyên nhân khác (chẳng hạn, trong một vật thể, các bộ phận của nó hút và đẩy lẫn nhau). | Đây là một kiểu nối kết hoàn toàn khác với kiểu nối kết thường gặp trong quan hệ của nguyên nhân với kết quả (như kiểu nguyên tắc với hệ luận), là kiểu trong đó kết quả không quy định trở lại đối với nguyên nhân một cách hỗ tương và vì thế, không cùng với nguyên nhân tạo nên một toàn bộ (cũng như Đấng sáng tạo vũ trụ [nguyên nhân] không cùng với thế giới [kết quả] hợp thành một Toàn bộ. Phương cách [xem xét] này của giác tính khi nó hình dung [toàn bộ] lãnh vực của một khái niệm được phân chia cũng chính là phương cách quan sát khi giác tính suy tưởng về một sự vật như là cái có thể phân chia được. | Cũng giống như các bộ phận của sự phân chia trong cái trước [khái niệm] vốn loại trừ nhau nhưng cùng được nối kết trong một lãnh vực chung [cái toàn bộ của khái niệm ấy], giác tính hình dung các bộ phận của cái sau [sự vật] như là mỗi bộ phận mà sự tồn tại (như là bản thể) là thuộc riêng về bộ phận ấy và loại trừ các bộ phận còn lại, nhưng vẫn như là được nối kết trong một cái Toàn bộ [sự vật].

 

 


(1) Tức trong quyển: “Các nguyên tắc Siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên”. (Metaphysische Anfangsgründe der Naturwissenschaft) (1786). (Chú thích của tác giả).

* Lưỡng phân (Dichotomie) (gốc Hy Lạp: dichotomos: chia đôi): quan hệ giữa hai khái niệm loại trừ nhau bao quát toàn bộ nội dung của một khái niệm lớn hơn; nghĩa là, mọi sự vật thuộc về một khái niệm lớn hơn phải thuộc về một trong hai khái niệm nhỏ hơn, vd: trong sinh vật học, khái niệm “sinh vật” phân ra “sinh vật thuộc giống người”/”sinh vật không thuộc giống người” à phép lưỡng phân (Diärese), được Platon sử dụng trong đối thoại “Các nhà ngụy biện” (Sophistes) để phân chia khái niệm về “tri thức” ra làm hai: tư kiến đúng/tư kiến sai; “tư kiến đúng” lại chia làm hai: tư kiến đúng nhưng không có cơ sở/tư kiến đúng có cơ sở = tri thức. (N.D).

* Vd: phán đoán phân đôi: “Ngôi nhà này hoặc là một ngôi chùa hoặc là trường học, hoặc là nhà ở …” Tất cả tạo nên toàn bộ lãnh vực nhận thức về ngôi nhà, nhưng mỗi bộ phận quan hệ qua lại với nhau một cách không lệ thuộc. Nếu ngôi nhà ấy là một ngôi chùa thì loại trừ các khái niệm còn lại (trường học, nhà ở) và ngược lại. (N.D).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt