HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC
(A) Ý THỨC
III LỰC VÀ GIÁC TÍNH [THẾ GIỚI] HIỆN TƯỢNG VÀ THẾ GIỚI SIÊU-CẢM TÍNH
I. Lực và “sự tương tác” hay “Trò chơi của các Lực” (Spiel der Kräfte)
G. W. F. HEGEL (1770-1831) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức
§ 136 [I. Lực và “sự tương tác” hay “Trò chơi của các Lực” (Spiel der Kräfte):] Như vậy, một trong các mô-men [Moment] xuất hiện ra như là cái bản chất đã đứng về một phía như là “môi trường” phổ biến, hay như sự tự tồn của các “chất liệu” độc lập. Nhưng, sự độc lập của các “chất liệu” ấy lại không gì khác hơn là “môi trường” này, nghĩa là, cái phổ biến [vô-điều kiện] quả chính là tính đa thể hay tính đa tạp (Vielheit) của các cái phổ biến khác nhau ấy. Tuy nhiên, bảo rằng: cái phổ biến là ở trong sự thống nhất không tách rời với tính đa thể này có nghĩa là bảo rằng: các “chất liệu” này - mỗi cái đều có mặt ở nơi cái khác đang tồn tại – thâm nhập vào nhau mà không đụng chạm đến nhau, bởi, ở mặt ngược lại, nhiều “chất liệu” đa tạp cũng có tính độc lập-tự chủ hệt như vậy(245). Điều này cũng có nghĩa là thiết định chúng như là thuần túy “rỗng xốp” (poros) hay, đều bị vượt bỏ. Đến lượt nó, sự vượt bỏ này, hay sự quy giảm tính khác biệt này thành cái “tồn tại cho-mình” thuần túy không gì khác hơn là [trở lại với] bản thân cái “môi trường” này và “môi trường” này là sự độc lập-tự chủ của các “chất liệu” khác nhau. Nói cách khác, các “chất liệu” – được thiết định như là độc lập – chuyển hóa trực tiếp vào trong tính thống nhất [nhất thể] của chúng; và tính nhất thể của chúng chuyển hoá trực tiếp sang sự triển khai hay phát huy (Entfaltung), rồi sự triển khai (hay phát huy) này lại quay trở lại vào trong sự quy giảm [thành cái nhất thể thống nhất]. Song, chính tiến trình vận động này là cái được gọi là LỰC (KRAFT)(246). | Một trong các yếu tố của Lực, – đó là sự lan tỏa hay bành trướng (Ausbreitung) của các “chất liệu” độc lập trong sự tồn tại của chúng – là sự biểu hiện ra [hay sự ngoại tại hóa] của Lực (Äuserung der Kraft); còn yếu tố khác, tức Lực, như là cái tồn tại-đã tiêu biến của các “chất liệu” này, là Lực đích thực [Lực đúng nghĩa] (die eigentliche Kraft), hay nói cách khác, là Lực đã được đẩy lùi ngược lại vào trong chính nó sau khi đã biểu hiện ra. Tuy nhiên, [cần hiểu rằng] trước hết, Lực được-đẩy-ngược-lại-vào-trong-chính-nó phải tất yếu tự biểu hiện ra; và thứ hai, trong sự biểu hiện ra này, nó vẫn là Lực tồn tại ở bên trong chính nó, cũng như chính trong sự tồn tại-ở-bên-trong-chính nó (in sich Selbstsein) này [mà] Lực biểu hiện ra(247). Cho nên, nếu ta giữ hai yếu tố ấy [Lực-đích thực và sự biểu hiện ra của Lực] trong sự thống nhất trực tiếp này của chúng, thì GIÁC TÍNH, – mà Khái niệm về LỰC là thuộc về giác tính – nói một cách chặt chẽ, đích thực là Khái niệm làm chỗ chống đỡ (trägt) các yếu tố dị biệt xét như là dị biệt; chứ trong bản thân Lực, chúng không tồn tại dị biệt, do đó, sự dị biệt [hay sự phân biệt] chỉ là ở trong tư tưởng mà thôi. Hay nói cách khác, trong điều vừa nói trên đây, mới chỉ có Khái niệm về Lực chứ không phải [tính] thực tại (Realität) của Lực là được thiết định. Thế nhưng, trong thực tế, Lực là cái phổ biến-vô điều kiện [của giác tính], là cái tồn tại cho-cái khác cũng hệt như tồn tại tự-mình; hay là cái có sự phân biệt nơi bản thân nó (an ihm selbst), bởi sự phân biệt không gì khác hơn là sự tồn tại-cho-cái-khác. Từ đó, [để hiểu] Lực trong tính đúng thật (Wahrheit) của nó, nó phải được hoàn toàn giải phóng ra khỏi tư tưởng [của Khái niệm của giác tính] và được thiết định như là bản thể (Substanz) của các sự dị biệt này; nghĩa là, trước hết, ta có Lực toàn bộ tồn tại một cách thiết yếu [bản chất] như là tự-mình và cho-mình, và rồi ta có các sự dị biệt của nó như là các yếu tố tự tồn một cách bản thể (substantiell) hay tự tồn cho-mình. Vậy, bằng cách ấy, Lực, xét như là Lực [đích thực], hay Lực như là được đẩy ngược lại vào chính mình là tồn tại cho mình như cái Một loại trừ [cái khác] và đối với cái Một này, sự triển khai (Entfaltung) [biểu hiện ra] của các “chất liệu” là một bản chất tự tồn khác và như vậy là có hai phương diện khác nhau, độc lập với nhau được thiết định. Nhưng, Lực cũng là cái Toàn bộ, hay là, nó vẫn là nó, xét theo chính Khái niệm về nó, nghĩa là, các yếu tố dị biệt này vẫn chỉ là các hình thức thuần túy, chỉ là các yếu tố bì phu đang tiêu biến đi. Đồng thời, những sự dị biệt giữa Lực đích thực – đã được đẩy ngược lại vào trong chính nó – và Lực được triển khai ra thành những “chất liệu” độc lập ắt cũng không hề có nếu giả thử chúng không có một “sự tự tồn” (ein Bestehen); hay nói khác đi, Lực ắt không hề có nếu nó không hiện hữu (existierte) trong các phương cách đối lập này. | Nhưng, Lực hiện hữu theo các phương cách đối lập như thế không có nghĩa gì khác hơn là: cả bản thân hai yếu tố ấy đồng thời là độc lập [với nhau]. Đây chính là tiến trình vận động mà bây giờ ta phải xem xét: tiến trình của cả hai yếu tố, trong đó chúng liên tục mang lại sự độc lập cho chính mình rồi lại vượt bỏ (aufheben) chính bản thân chúng. Nhìn một cách khái quát, rõ ràng tiến trình này không gì khác hơn là tiến trình vận động trong việc tri giác, nơi cả hai phương diện – người tri giác và nội dung được tri giác – vừa là một thể thống nhất không thể phân biệt trong việc lãnh hội cái đúng thật, nhưng, mỗi phương diện cũng được phản tư vào trong chính mình như nhau hay có sự tồn tại cho-mình (für sich). Trong trường hợp hiện nay, hai phương diện này là các yếu tố [hay hai phương diện] của Lực; chúng cùng tồn tại trong một thể thống nhất – thể thống nhất xuất hiện ra như là hạn từ thứ ba làm trung giới cho hai đối cực [độc lập] tồn tại cho-mình này; đồng thời luôn tự phân hóa thành chính hai cái đối cực ấy; hai đối cực vốn chỉ có được là nhờ thông qua tiến trình vận động này. Như vậy, nếu tiến trình vận động trước đây [trong tri giác] đã thể hiện sự tự-phá hủy (das sich selbst Vernichten) của các Khái niệm mâu thuẫn nhau, thì ở đây, sự vận động lại có hình thức khách quan của đối tượng, và là sự vận động của Lực mà kết quả của sự vận động ấy là cái phổ biến vô-điều kiện, như là cái gì không có tính đối tượng khách quan, hay, như là cái Bên trong [bản chất không thể tri giác được] của những sự vật [chỉ dành cho nhận thức giác tính](248).
§ 137 Lực – được xác định như thế bởi nó được hình dung như là Lực xét như là Lực, hay như là Lực đã được phản tư vào trong chính nó – là một trong các phương diện của Khái niệm về Lực nhưng như là một cái đối cực được “bản thể hóa”, tức như là được thiết định dưới tính quy định của cái Một. Vì nó là cái Một có tính bản thể, nên sự tự tồn của các “chất liệu” được triển khai [sự biểu hiện ra bên ngoài của Lực] bị loại trừ ra khỏi Lực này, và như thế, là cái gì khác với Lực. Nhưng vì bản thân Lực cũng tất yếu phải là sự tự tồn này, nghĩa là Lực tất yếu phải tự biểu hiện ra, thế là, sự biểu hiện ra bên ngoài của Lực tự thể hiện như thể “cái khác” ấy đi đến với Lực từ bên ngoài và kích thích (sollizitiert) nó. Nhưng trong thực tế, vì Lực tất yếu phải tự biểu hiện ra, nên cái gì được thiết định như là “bản chất khác” là tồn tại ở bên trong bản thân Lực. Vậy ta phải từ bỏ quan điểm cho rằng Lực được thiết định như là một cái Một, và cho rằng bản chất của nó – phải biểu hiện ra, phải ngoại tại hóa chính mình – được thiết định như là một “cái khác” đến với nó từ bên ngoài. | Đúng hơn, bản thân Lực là cái “môi trường” phổ biến trong đó các yếu tố tự tồn như là các “chất liệu”, nghĩa là, chính Lực đã tự biểu hiện ra, và cái được xem là cái khác ở bên ngoài và kích thích nó thực ra là bản thân Lực. Vậy, bây giờ, Lực hiện hữu (existiert) như là “môi trường” của các “chất liệu” đã triển khai. Nhưng, cũng ngay trong bản chất của nó, Lực là cái Một, có hình thức của cái tồn tại-đã được-vượt bỏ của các “chất liệu” tự tồn. | Như thế, khi Lực được thiết định như “môi trường” cho các “chất liệu” thì cái Một lại là cái gì khác với Lực, nên Lực lại có cái bản chất này của chính mình ở bên ngoài mình. Nhưng vì Lực tất yếu phải là cái Một này song lại chưa được thiết định như thế –, nên cái “khác” này lại đi đến với Lực từ bên ngoài và kích thích nó để Lực tự phản tư vào trong chính mình; hay nói cách khác, để Lực thủ tiêu sự biểu hiện ra bên ngoài của nó. Tuy nhiên, trong thực tế, chính bản thân Lực là cái tồn tại đã được phản tư vào trong chính mình, tức là cái tồn tại-đã được thủ tiêu này của việc biểu hiện ra bên ngoài. | Sự tồn tại như là cái Một tiêu biến đi dưới hình thức mà nó đã xuất hiện ra như là một “cái khác”; Lực là bản thân “cái khác” này, là Lực đã được đẩy ngược lại vào trong chính nó(249).
§ 138 Cái xuất hiện ra như một “cái khác” và kích thích Lực để Lực không những biểu hiện ra mà còn quay trở lại vào trong chính mình lập tức chứng tỏ là bản thân Lực, vì “cái khác” ấy tự cho thấy vừa là cái “môi trường” phổ biến như là cái Một, và tự cho thấy rằng, mỗi hình thức trong các hình thức này xuất hiện ra đồng thời chỉ như là một yếu tố đang tiêu biến đi [tự thủ tiêu]. Do đó, Lực, nói chung, – qua việc có một “cái khác” tồn tại cho nó và nó tồn tại cho một “cái khác” – đều chưa đi ra khỏi Khái niệm của nó. [Tức là] đồng thời cũng có mặt đến hai Lực; Khái niệm của cả hai Lực này rõ ràng cùng là một [giống nhau], nhưng Khái niệm ấy đã đi ra khỏi tính nhất thể mà chuyển thành hai [Zweiheit: tính “nhị thể”]. Trong khi sự đối lập vẫn hoàn toàn và cốt yếu chỉ là một mô-men (Moment) [tiêu biến đi], thì do sự phân đôi (Entzweiung) [hay sự nhân đôi] thành hai Lực hoàn toàn độc lập, nó dường như thoát ra khỏi sự kiểm soát của tính nhất thể. Bây giờ ta hãy thử xem kỹ hơn tình hình sẽ diễn ra như thế nào với tính “độc lập” này. Trước hết, Lực thứ hai xuất hiện ra như là Lực kích thích và về mặt nội dung, là cái “môi trường” phổ biến đối nghịch lại với Lực được xác định như là bị kích thích. | Nhưng vì lực thứ hai – về bản chất – là một sự thay đổi luân phiên của hai yếu tố này, và bản thân nó cũng chính là Lực, nên trong thực tế, nó chỉ trở thành “môi trường” phổ biến là khi chính nó cũng bị kích thích để trở thành như vậy, và cũng thế, nó chỉ trở thành một nhất thể phủ định, nghĩa là kích thích để làm cho Lực quay ngược lại vào trong chính mình, khi bản thân nó cũng bị kích thích để làm việc ấy. Kết quả là: sự phân biệt giữa hai yếu tố: một bên là Lực được xem là lực kích thích và bên kia là Lực bị kích thích chuyển hóa thành cùng một sự thay đổi chỗ qua lại của các tính quy định này(250).
§ 139 Bằng cách ấy, sự tương tác (das Spiel: “trò chơi thay đổi chỗ qua lại”) của hai Lực là ở chỗ chúng được quy định như là đối lập nhau; là ở sự tồn tại cho nhau trong sự quy định này cũng như trong sự giao hoán tuyệt đối, và trực tiếp của các sự quy định của chúng –, tức là, trong một bước chuyển hay quá độ (Übergang) [từ cái này sang cái kia] và chỉ nhờ bước chuyển này, các quy định trên mới tồn tại, và trong đó các Lực có vẻ xuất hiện ra như là độc lập với nhau. Chẳng hạn, Lực kích thích được thiết định như là “môi trường” phổ biến, và ngược lại, Lực bị kích thích như là Lực bị đẩy ngược lại [vào trong chính nó]; nhưng bản thân Lực trước chỉ có thể trở thành “môi trường” phổ biến là nhờ Lực sau là Lực bị đẩy ngược lại; hay nói đúng hơn, chính Lực sau mới thực là Lực kích thích Lực trước, và mới làm cho Lực trước thoạt tiên trở thành “môi trường” này. Lực trước chỉ có được tính quy định của nó là nhờ thông qua Lực sau; và chỉ kích thích trong chừng mực nó bị Lực sau kích thích để trở thành Lực kích thích. | Và nó cũng mất ngay lập tức tính quy định được mang lại cho nó, bởi tính quy định này quá độ, hay đúng hơn, đã quá độ sang cái khác. | Cái gì xa lạ với Lực lại kích thích Lực thì xuất hiện như “môi trường” phổ biến, nhưng nó chỉ có thể như vậy là do đã bị Lực khác kích thích; nghĩa là, chính cái sau thiết định cho nó vị trí ấy, và chính bản thân cái sau mới thực là “môi trường” phổ biến có tính bản chất: chính cái sau thiết định cái gì kích thích nó, bởi vì sự quy định khác này cũng có tính bản chất đối với nó; nghĩa là, bởi vì thực ra chính bản thân nó là sự quy định khác này.
§ 140 Nhằm hoàn tất sự xem xét [của ta] về “Khái niệm” [nguyên tắc] của tiến trình vận động này, cần lưu ý thêm rằng: bản thân các sự phân biệt [nói trên] bộc lộ một sự phân biệt nhị bội [gấp đôi, theo hai cách]. | Cách đầu tiên, như là các sự phân biệt về nội dung, vì một cái đối cực (Extrem) [một bên] là Lực được phản tư vào trong chính mình [Lực “đích thực”], còn cái kia là “môi trường” cho các chất liệu [“các lực” cấu thành]. | Cách thứ hai, chúng xuất hiện như sự phân biệt về hình thức, vì một bên là cái kích thích và bên kia là cái bị kích thích, một bên chủ động, một bên bị động. Xét sự phân biệt về nội dung, các đối cực được phân biệt với nhau nói chung [đơn thuần về nguyên tắc], hay là “cho ta” [người quan sát và phân tích tiến trình vận động này]; tuy nhiên, xét sự phân biệt về hình thức, chúng là độc lập tự chủ với nhau, tách rời và đối lập nhau trong mối quan hệ. Trong tri giác về sự vận động của Lực, ý thức nhận chân rằng các đối cực này, từ quan điểm của cả hai phương diện này, chúng đều không có gì là tự-mình cả(251); rằng, đúng ra các phương diện này – trong đó chúng tưởng là sự phân biệt thuộc bản chất của chúng – chỉ đơn thuần là các yếu tố đang tiêu biến đi [tự thủ tiêu], chỉ là một sự quá độ trực tiếp của mỗi phương diện thành cái đối lập của nó. Tuy nhiên, cho ta [đối với ta, người quan sát], như đã nói ở trên, có thêm điều này nữa, đó là: các sự phân biệt này, với tư cách là các sự phân biệt về nội dung và hình thức, đều đã tiêu biến một cách tự-mình; và, về phương diện hình thức, yếu tố chủ động, kích thích hay tồn tại độc lập cho-mình – trong bản chất của nó – cũng giống hệt [hay cũng chính là] yếu tố – về mặt nội dung – đã tự thể hiện như là Lực bị đẩy lùi về trong chính nó; còn mặt thụ động, bị kích thích, hay nói cách khác, yếu tố tồn tại cho-cái khác, – về mặt hình thức – cũng giống hệt [cũng chính là] cái – về mặt nội dung – đã có hình thái như là “môi trường” phổ biến của nhiều “chất liệu”.
§ 141 Từ tất cả các điều ấy cho thấy khái niệm về Lực trở thành hiện thực (wirklich) thông qua sự nhân đôi (Verdopperlung) [sự phân đôi] thành hai Lực và cho thấy khái niệm ấy trở thành như vậy bằng cách nào. Hai Lực này hiện hữu như là các bản chất tồn tại cho-mình [độc lập], nhưng sự hiện hữu của chúng là một sự vận động của cái này thành cái kia, theo kiểu đúng ra sự tồn tại của chúng là một tồn tại-được-thiết-định thuần túy (reines Gesetztsein) bởi một cái khác, nghĩa là, sự tồn tại của chúng thật ra có ý nghĩa đơn thuần của sự tiêu biến. Chúng không tồn tại giống như các cái đối cực giữ lấy cho mình cái gì cố định [có tính thực thể] và chỉ chuyển một thuộc tính bên ngoài sang cho cái khác thông qua cái trung giới [die Mitte: môi trường chung] giữa chúng và trong sự tiếp xúc với nhau; trái lại, chúng chỉ là các Lực này ở trong cái trung giới và trong sự tiếp xúc này giữa chúng với nhau mà thôi. Ở trong đó, hai Lực này – đồng thời và một cách trực tiếp – vừa là Lực được đẩy ngược lại trong chính nó hay là sự tồn tại-cho-mình của Lực [đích thực], vừa là sự biểu hiện ra của Lực; tức vừa là Lực kích thích, vừa là Lực bị kích thích. | Như thế, các yếu tố này không được phân chia ra làm hai đối cưc độc lập [như thể] chỉ gặp gỡ nhau trong sự tiếp xúc của hai đối cực, trái lại, bản chất của chúng hoàn toàn ở chỗ mỗi cái chỉ hiện hữu là thông qua cái khác, và mỗi cái cũng lập tức không còn tồn tại khi nó là cái kia [một cách hiện thực], nó chính là cái khác ấy. Cho nên, trong thực tế, chúng không có các bản thể riêng (Substanzen) để chống đỡ và bảo tồn chúng. Đúng hơn là: khái niệm về Lực tự bảo tồn như cái bản chất trong bản thân hiện thực của nó (Wirklichkeit): Lực, như là Lực hiện thực, là hoàn toàn và chỉ ở trong sự biểu hiện ra (Äusserung) của nó; và sự biểu hiện ra này, đồng thời, không gì khác hơn là [một tiến trình] tự thủ tiêu [vượt bỏ] chính nó. Lực hiện thực này, nếu được hình dung như là thoát ly khỏi sự biểu hiện ra của nó và tồn tại [độc lập] cho mình, thì bản thân sẽ là Lực được đẩy ngược lại vào trong chính mình; nhưng tính quy định (Bestimmheit) này, – trong thực tế và như đã thấy – bản thân đơn thuần là một yếu tố của việc biểu hiện ra của Lực. Vậy, chân lý đúng thật (Wahrheit) của Lực chỉ đơn thuần còn là TƯ TƯỞNG [hay Khái niệm] về Lực; và, các yếu tố của hiện thực của nó, các bản chất [độc lập], lẫn tiến trình vận động của các yếu tố này đều đổ sập một cách không có chỗ tựa vào trong một sự thống nhất bất phân biệt. | Sự thống nhất này KHÔNG phải là Lực được đẩy ngược lại vào trong chính nó, – (vì bản thân Lực này cũng chỉ là một trong các yếu tố này [một phương diện]) –, trái lại, SỰ THỐNG NHẤT NÀY LÀ KHÁI NIỆM VỀ LỰC VỚI TƯ CÁCH LÀ KHÁI NIỆM (IHR BEGRIFF ALS BEGRIFF). Như vậy, sự thực tại hóa (die Realisierung)(252) của Lực đồng thời là sự đánh mất [tiêu vong] của thực tại (Realität) của nó(253); qua đó, Lực, đúng hơn, đã trở thành cái gì hoàn toàn khác, tức là thành TÍNH PHỔ BIẾN này (diese Allgemeinheit), được GIÁC TÍNH – lần đầu tiên hay là trực tiếp – nhận thức (erkennt) như là bản chất của Lực; và cũng tính phổ biến ấy tự cho thấy nó là bản chất của Lực trong thực tại này của Lực, tức thực tại được giả định là tồn tại, cũng như trong các bản thể hiện thực của Lực(254).
(245) Ám chỉ thuyết của John Dalton về mối quan hệ giữa các loại “khí” (Gasarten) khác nhau. Nguồn: J. Dalton: “Weitere Erưterung einer neuen Theorie über die Beschaffenheit gemischter Gasarten” (Bàn thêm về một lý thuyết mới về đặc tính cấu tạo của các loại “khí” hỗn hợp) trong Annalen der Physik (Niên giám Vật lý học), tập 13, Halle 1803. (dẫn theo bản Meiner). (246) Để dễ nhớ, ta có sự đồng nhất sau đây: tồn tại-cho cái khác = môi trường của các chất liệu = sự triển khai của chúng diễn ra bên trong môi trường này = sự thâm nhập vào nhau của chúng hay tính “rỗng xốp” của chúng = sự quy giảm của chúng = cái Một (Nhất thể) = cái tồn tại-cho mình. Toàn bộ vòng tròn tuần hoàn này = Lực. (J.H dẫn lại của E.de.Negri trong bản dịch tiếng Ý). (247) Sự “biểu hiện ra” và sự “được đẩy ngược lại vào trong chính nó” là các cách diễn tả về Lực theo tinh thần của “vòng tròn tuần hoàn” nói ở chú thích trên. Ta đừng quên rằng sự phân biệt này chỉ là một tư tưởng (của giác tính), bởi mỗi yếu tố lập tức là yếu tố khác. (248) “Sự tự-phá hủy của các Khái niệm mâu thuẫn nhau” (das sich selbst Vernichten widersprechender Begriffe): sự phản tư vào trong chính mình của các yếu tố đối lập: sự vận động của chương trước (tính nhất thể của ý thức và của đối tượng đối lập lại với sự phản tư của mỗi bên vào trong chính mình) bây giờ đã trở thành đối tượng của giác tính, nhưng giác tính vẫn chưa nhận ra chính mình ở trong đối tượng (mới) này. Vì thế, quá trình “tự-phá hủy” này của các Khái niệm trở thành một vận động khách quan, tức vận động của Lực. Nhưng, kết quả hay “sự thật” của vận động này sẽ không còn có tính khách quan nữa mà sẽ là sự “nội tại hóa” (trở thành cái “Bên trong”) của Lực trong “vương quốc của những quy luật”. (§§149-150). (249) Rối rắm nhưng không quá khó hiểu: trong vận động biện chứng đầu tiên này, Hegel đặt (thiết định) một yếu tố của Lực như là Lực hiện thực và đặt yếu tố khác như là một cái khác tuyệt đối (một cái gì khác với Lực). Như vậy, trong cả hai trường hợp, Lực có bản chất của nó ở bên ngoài nó. Kết quả của biện chứng thứ nhất này là sự nhân đôi của Lực, vì cái khác này cũng tất yếu phải là Lực (cái kích thích và cái bị kích thích). Bây giờ, ta có hai Lực đang hiện diện, tiền đề cho biện chứng thứ hai sắp diễn ra. (Ý thức về “sự nhân đôi” hay “tính lưỡng nguyên” của Lực là ở trong môn Vật lý học đương thời (hút và đẩy, điện dương và điện âm v.v..). Kant đã thấy cái này lấy cái kia làm tiền đề, và Schelling lẫn Hegel đều phê phán tính độc lập của hai Lực. Tính độc lập này sẽ tiêu biến đi trong biện chứng tiếp theo đây của hai Lực). Nhân đây, ta cũng nên ôn qua quan niệm về Lực – một trong những Khái niệm quan trọng – trong các triết gia đương thời và trong Hegel: bên cạnh hai từ gần gũi khác là: “Macht” (quyền lực, sức mạnh) và “Gewalt” (sức mạnh cưỡng chế, quyền lực nhà nước) (không giống hoàn toàn với “bạo lực”/Gewalttätigkeit) có ý nghĩa chính trị, xã hội (sẽ bàn kỹ ở Chương V), chữ Lực (Kraft) (Anh/Pháp: force) có ý nghĩa triết học chủ yếu như là Lực tự nhiên (chẳng hạn: Lực trọng trường, điện, từ... trong Vật lý học Newton). Các triết gia Đức có xu hướng bác bỏ quan niệm cho rằng vật chất hay các bản thể có các Lực, trái lại, xem chúng là các Lực, vì không có cơ chất độc lập làm nền tảng cho Lực. Đây là cái nhìn năng động về thế giới: sự vật là hoạt động hay ít ra có tiềm lực cho hoạt động. Leibniz xem Lực là năng lực hành động, được hiện thực hóa khi có đủ điều kiện: một bản thể, về bản chất, là Lực. C. Wolff xem Tự nhiên có hai Lực: lực quán tính và lực vận động, tự hiện thực hóa chính mình. Kant xem vật chất được cấu tạo bằng lực hút và lực đẩy (Hegel tiếp thu ý này trong chương bàn về “tồn tại-cho mình”/(Khoa học Lô-gíc)). Herder xem Thượng đế là Lực tối cao và toàn bộ thế giới là “biểu hiện của Lực thường tồn này”. Hegel chia sẻ quan niệm cho rằng sự vật là hoạt động, xem Lực là phạm trù cơ bản, tuy nhiên là phạm trù hữu tận (endlich/finite) với các hạn chế sau đây: a) Lực mang lại sự thống nhất cho các bộ phận khác nhau của sự vật, nhưng cần gắn với một cơ chất (Substratum) không do nó tạo ra: v.d: Từ lực tiền giả định kim loại còn có các thuộc tính khác (v.d: màu sắc..) không thể dùng Lực để giải thích. b) Lực không biểu hiện hay tự hiện thực hóa một cách tự động: nó cần được “kích thích” bởi Lực khác, do đó, khác với “mục đích” (Zweck) là cái tự hiện thực hóa chính mình. c) Có sự khác biệt đa tạp không chỉ của những Lực đặc thù mà cả của các Loại hình của Lực: trọng lực, lực điện, từ... Quy giảm chúng thành một lực quy nhất chỉ là “sự trừu tượng trống rỗng”. d) Sự vận hành của Lực là mù quáng, và, khác với mục đích (Zweck), không thể mang lại bản tính có trật tự cho thế giới. Do đó, không phù hợp khi xem Thượng đế hay thế giới-toàn bộ như là một Lực và nhiều Lực. Lực thiếu tính vô tận (Unendlichkeit) (xem chú thích 290 cho §162). Cũng vì thế, không thể xem tinh thần (con người) như là tập hợp các Lực (các “quan năng”/“Vermưgen”) hay thậm chí các “hoạt động”, bởi: – tinh thần con người không phải là cơ chất cứng nhắc (như kim loại); – nó tự hiện thực hóa và tự quyết; – không tách rời nhau tách bạch như các loại lực, trong đó Tư duy kiểm soát và thâm nhập vào tất cả. Hegel bác bỏ quan niệm cho rằng ta chỉ có thể biết biểu hiện (Äusserung) của Lực chứ không phải bản thân Lực. Bản thân Lực không gì khác hơn là chính toàn bộ những biểu hiện của Lực: cái Bên trong và cái Bên ngoài hợp nhất với nhau. (250) “Sự thay đổi qua lại của các tính quy định” sẽ được gọi là “sư tương tác” hay “trò chơi” của hai Lực (das Spiel der zwei Kräfte) (tiểu đoạn sau: §139) xuất hiện ra như là độc lập với nhau. Chính ở đây, Khái niệm về Lực đã phát triển đến mức tối đa và hầu như đạt tới sự hiện thực hóa của Lực. Tuy nhiên, hai lực này chỉ tồn tại bởi nhau. Cái này thiết định cái kia và làm cho cái kia thành chính mình. J.H lưu ý rằng biện chứng này là hình thức tiền thân của phép biện chứng tinh thần sẽ diễn ra trong Tự-ý thức (Chương IV) (vd: sự tương tác giữa Chủ và Nô). (251) Vì về mặt “tự-mình” (an sich), chúng là sự thống nhất hay nhất thể; các đối cực này hiện chỉ là cái “tồn tại-cho mình” (độc lập) ở trong tiến trình phát triển. Chúng được tạo ra bởi hai kiểu phân biệt (nội dung và hình thức). Xét về từng phương diện (nội dung hay hình thức), chúng đều không có sự tự tồn nào cả, vì mỗi sự phân biệt “quá độ” sang cái đối lập. (252) “Realität”, “Realisierung” (thực tại, thực tại hóa): Từ chữ Latinh “res” (“sự vật”), hình thành tính từ realis (có lẽ được Abeland dùng đầu tiên) và danh từ realitas (Dun Scotus dùng đầu tiên). Trong tiếng Đức, thành “real”, “Realität” (và “reelle” gốc Pháp. Hegel thường không phân biệt hai chữ “real” và “reell”). Trong thuật ngữ của Hegel, chữ: Realität (thực tại), reell, real (thực tồn, có tính thực tại) có hai nghĩa chính: a) đối lập lại với chữ “ideal” (“có tính tinh thần, ý niệm”), chữ “thực tại” của Hegel gần với chữ Dasein (hiện hữu), tức chỉ cái gì có mặt trong môi trường của sự tồn tại đơn thuần (Sein) (xem thêm: chú thích 272). Nó cũng gần với chữ “Qualität” (Chất) theo nghĩa đối lập với “Negation” (phủ định) (mặc dù, giống như “Chất”, nó tất yếu cũng chịu tác động của sự phủ định). Do đó, ta nói về “thực tại” (sự hiện hữu) hay về việc “thực tại hóa” (biến thành sự hiện hữu) của một kế hoạch hay ý đồ; về thể xác như là “thực tại” của linh hồn; về pháp luật như là “thực tại” của Tự do; về thế giới như là “thực tại” của Khái niệm thần linh (khác hẳn với Kant: “thực tại” là tồn tại trong đầu óc, vd: “khái niệm tam giác có ba góc”; còn “hiện thực” (“Wirklichkeit” mới là tồn tại thực trong thế giới cảm tính = Dasein, Existenz). b) theo nghĩa đánh giá: vd: “một bà mẹ, một tình bạn, một triết gia thực sự” (real): trường hợp này, chữ “real” không tương đương với chữ “Dasein” (hiện hữu) nữa, và cũng không đối lập với chữ “ideal”: trái lại, nó biểu thị sự nhất trí giữa cái đang hiện hữu ấy (Daseiendes: người mẹ, tình bạn...) với Khái niệm về nó (Khái niệm về người mẹ, tình bạn...) và gần với chữ “Wirklichkeit” hay “ideale Realität” (“hiện thực”). (Xem thêm: Hegel: Bách khoa toàn thư, I, §91A). Hai từ “Realität” và “Wirklichkeit” của Hegel khó dịch chính xác sang tiếng Việt. Chúng tôi đề nghị dịch một cách quy ước thành “thực tại” và “hiện thực” như đã thử dịch như thế đối với hai từ này của Kant (xem: Kant: Phê phán Lý tính thuần túy, BVNS dịch và chú giải. NXB Văn học, 2004). (253) Ý then chốt tóm tắt kết quả của tiến trình biện chứng và mở ra tiến trình tiếp theo. Sự thật (Chân lý) của việc “thực tại hóa” Lực (Lực và cái khác, hai Lực, tương tác giữa các Lực...) không phải là “bản thể hóa” một lực khách quan nào đó, trái lại, là sự tiêu biến đi của lực bị bản thể hóa (của Lực như là “thực tại”). Cái còn lại là “tư tưởng về Lực”, với tư cách là “tư tưởng”, là “Khái niệm như là Khái niệm” (thành tựu của Giác tính). (254) Khái niệm mà ta đã xuất phát là tính phổ biến trực tiếp, còn Khái niệm bây giờ ta đạt được là tính phổ biến đã cho thấy sự phủ định của thực tại (hiện hữu bị bản thể hóa) của Lực. “Thực tại” này đã được giả định là tồn tại, nhưng, trong thực tế, đã tiêu biến đi trong tính phổ biến (của giác tính): tính phổ biến này mới là bản chất của Lực.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC