CHƯƠNG I VỀ MANH MỐI (LEITFADEN) ĐỂ PHÁT HIỆN TẤT CẢ CÁC KHÁI NIỆM THUẦN TÚY CỦA GIÁC TÍNH
TIẾT 3 MỤC § 10
VỀ CÁC KHÁI NIỆM THUẦN TÚY CỦA GIÁC TÍNH HAY VỀ CÁC PHẠM TRÙ
IMMANUEL KANT (1724-1804) BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải
Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004. Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn cho phép.
Như đã nói nhiều lần, môn Lô-gíc học phổ biến trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung của nhận thức và chờ đợi sẽ được mang lại các biểu tượng từ các nơi khác, bất kể nguồn gốc từ đâu, để biến các biểu tượng này thành các khái niệm bằng con đường phân tích. Ngược lại, môn Lô-gíc học siêu nghiệm có trước mặt mình cái đa tạp của cảm năng tiên nghiệm do Cảm năng học siêu nghiệm mang lại để tạo nên một chất liệu cho các khái niệm thuần túy của giác tính, mà nếu không có chất liệu này, Lô-gíc học siêu nghiệm sẽ không có nội dung nào cả, do đó sẽ hoàn toàn trống rỗng. Không gian và Thời gian chứa đựng cái đa tạp của trực quan tiên nghiệm, nhưng lại thuộc về các điều kiện của tính thụ nhận của tâm thức chúng ta, chỉ nhờ đó tâm thức mới có thể tiếp nhận được các biểu tượng về những đối tượng, và những điều kiện này, do đó, bao giờ cũng phải kích động (affizieren) đến khái niệm về đối tượng. Trong khi đó, chỉ riêng tính tự khởi của tư duy chúng ta là đòi hỏi rằng cái đa tạp này trước hết phải được trải nghiệm (durchgegangen), tiếp thu và nối kết lại bằng một cách nào đó, để từ đó tạo ra một nhận thức. Hành vi này tôi gọi là SỰ TỔNG HỢP (SYNTHESIS). Tôi hiểu SỰ TỔNG HỢP trong nghĩa khái quát nhất là hành vi nối kết những biểu tượng khác nhau lại và thấu hiểu (begreifen) [bằng khái niệm] sự đa tạp của chúng trong một nhận thức. Một sự tổng hợp như thế là thuần túy khi cái đa tạp không phải được mang lại một cách thường nghiệm mà là tiên nghiệm (như cái đa tạp trong Không gian và Thời gian). Các biểu tượng của ta phải được mang lại trước khi mọi sự phân tích (Analysis) về chúng được tiến hành và, về mặt nội dung, không khái niệm nào có thể ra đời bằng cách phân tích. Trong khi đó, chính sự TỔNG HỢP về cái đa tạp (dù được mang lại một cách thường nghiệm hay tiên nghiệm) mới là cái đầu tiên làm nảy sinh một nhận thức; nhận thức này tuy lúc đầu có thể còn thô và hỗn độn và do đó cần có sự phân tích, nhưng chỉ sự TỔNG HỢP mới là cái thực sự tập hợp các yếu tố thành các nhận thức và hợp nhất chúng lại thành một nội dung nhất định nào đó; cho nên sự TỔNG HỢP là cái đầu tiên ta phải lưu ý xem xét nếu ta muốn phán đoán [tìm hiểu] về nguồn gốc đầu tiên (den ersten Ursprung) của nhận thức chúng ta. Sự tổng hợp nói chung – như ta sẽ thấy – là kết quả tác động (Wirkung) đơn thuần của năng lực tưởng tượng (Einbildungskraft), một chức năng mù quáng nhưng không thể thiếu được của tâm hồn (Seele), mà nếu không có nó, chắc hẳn ta sẽ không có được nhận thức nào cả, nhưng lại hiếm khi nào ta có ý thức về nó*. Tuy nhiên, chỉ riêng công việc đưa sự tổng hợp này thành những khái niệm (auf Begriffe bringen) lại là một chức năng thuộc về giác tính và qua đó giác tính mới giúp ta có được nhận thức theo đúng nghĩa đích thực là nhận thức. Hình dung một cách khái quát, sự TỔNG HỢP THUẦN TÚY mang lại KHÁI NIỆM THUẦN TÚY CỦA GIÁC TÍNH. Tôi hiểu sự tổng hợp này là sự tổng hợp dựa trên cơ sở của sự THỐNG NHẤT [sự NHẤT THỂ] TỔNG HỢP TIÊN NGHIỆM: cho nên hành vi đếm của ta (càng dễ thấy hơn khi đếm các con số lớn) là một sự TỔNG HỢP DỰA THEO CÁC KHÁI NIỆM, vì sự tổng hợp này diễn ra dựa trên một cơ sở chung của [khái niệm thuần túy] về sự THỐNG NHẤT (ví dụ sự thống nhất của hệ thập phân). Tính thống nhất trong sự tổng hợp cái đa tạp trở thành tất yếu là nhờ vào khái niệm [thuần túy] này. Những biểu tượng khác nhau được đưa vào trong một khái niệm bằng cách phân tích (đó là công việc được môn Lô-gíc học phổ biến nghiên cứu). Còn nhiệm vụ của Lô-gíc học siêu nghiệm không phải là đưa những biểu tượng mà là đưa sự tổng hợp thuần túy của những biểu tượng vào dưới các khái niệm [thuần túy]. Cái đầu tiên phải được mang lại cho ta nhằm có được nhận thức về mọi đối tượng một cách tiên nghiệm là cái đa tạp của trực quan thuần túy; sự tổng hợp cái đa tạp này bằng năng lực tưởng tượng là cái thứ hai, nhưng vẫn chưa mang lại nhận thức. Chính các khái niệm mang lại sự thống nhất cho sự tổng hợp thuần túy này và chúng chỉ tồn tại trong biểu tượng của sự thống nhất tổng hợp tất yếu này thôi mới làm nên cái thứ ba để có được nhận thức về một đối tượng, và các khái niệm [thuần túy] này đều là dựa trên giác tính [do giác tính mang lại]. Cùng một chức năng đã mang lại sự thống nhất cho những biểu tượng khác nhau trong một phán đoán, cũng mang lại sự thống nhất cho sự tổng hợp đơn thuần những biểu tượng khác nhau trong một trực quan; sự thống nhất này, nói một cách khái quát, được gọi là KHÁI NIỆM THUẦN TÚY CỦA GIÁC TÍNH. Cũng chính giác tính, và cũng cùng bằng các hành vi như nhau, trong các khái niệm, giác tính dùng sự thống nhất phân tích để tạo ra hình thức lô-gíc của một phán đoán, rồi dùng sự thống nhất tổng hợp về cái đa tạp trong trực quan nói chung để mang một nội dung siêu nghiệm vào cho các biểu tượng của nó, vì thế chúng được gọi là các khái niệm thuần túy của giác tính, những khái niệm quan hệ được với các đối tượng một cách tiên nghiệm, điều mà Lô-gíc học phổ biến không thể làm được. Bằng cách như vậy, có bao nhiêu khái niệm thuần túy của giác tính được nảy sinh – các khái niệm áp dụng một cách tiên nghiệm vào những đối tượng của trực quan nói chung – thì cũng có bấy nhiêu chức năng lô-gíc trong mọi phán đoán khả hữu như đã trình bày trong bảng danh mục những phán đoán trước đây, vì những chức năng ấy bao quát trọn vẹn toàn bộ năng lực của quan năng giác tính. Ta gọi các khái niệm thuần túy ấy của giác tính là CÁC PHẠM TRÙ (KATEGORIEN) theo cách gọi quen thuộc của ARISTOTE, vì ta cùng có chung ý đồ nguyên thủy với ARISTOTE, mặc dù trong cách tiến hành thì khác ông rất xa.
Trên đây là danh mục tất cả các khái niệm thuần túy có tính nguyên thủy để làm công việc TỔNG HỢP mà giác tính chứa đựng trong nó một cách tiên nghiệm, và cũng vì thế, giác tính chỉ là một giác tính thuần túy bằng cách chỉ thông qua các khái niệm thuần túy này mới có thể hiểu (verstehen) một cái gì đó nơi cái đa tạp của trực quan, tức là, có thể suy tưởng một đối tượng của trực quan. Sự phân chia này được hình thành một cách có hệ thống từ một Nguyên tắc chung, đó là từ quan năng để phán đoán (quan năng để phán đoán cũng chính là quan năng để suy tưởng) [tức “giác tính” theo nghĩa rộng], chứ không phải ra đời một cách tùy hứng (rhapsodisdisch)* từ việc đi tìm các khái niệm thuần túy một cách cầu may: vì như thế, người ta không bao giờ biết chắc được số lượng đầy đủ của chúng, một khi chúng chỉ được suy ra bằng cách quy nạp; và không nhận ra rằng bằng cách này người ta không tài nào lý giải được tại sao các khái niệm này chứ không phải các khái niệm khác là thuộc về giác tính thuần túy.Trước đây, quả là một toan tính xứng đáng đối với một nhà tư tưởng sâu sắc như Aristote khi ông đi tìm các khái niệm nền tảng này. Nhưng vì không có một nguyên tắc [hướng dẫn] nên ông gom góp những gì ông bắt gặp, lúc đầu được mười khái niệm mà ông gọi là các Phạm trù (Prädikamente). Sau đó, ông tin rằng đã tìm thêm được năm cái khác nữa và bổ sung vào với tên gọi là các Hậu phạm trù (Postprädikamente). Thế nhưng bảng danh mục này của ông vẫn cứ còn thiếu. Ngoài ra, trong số đó lại thấy có mặt một số thể cách (Modi) của cảm năng thuần túy (như quando, ubi, situs cũng như prius, simul)** và thậm chí cả một khái niệm thường nghiệm (motus), tất cả chúng đều không thuộc về danh mục gốc của giác tính được, hoặc cả những khái niệm phái sinh (như actio, passio)* đều được ông tính vào các khái niệm nguyên thủy (Urbegriffe), trong khi một số khái niệm nguyên thủy thì lại hoàn toàn thiếu. Đối với các khái niệm nguyên thủy này cần lưu ý thêm rằng: các phạm trù, với tư cách là các khái niệm gốc (Stammbegriffe) của giác tính thuần túy cũng có những khái niệm thuần túy nhưng phái sinh của chúng mà hệ thống hoàn chỉnh của Triết học-Siêu nghiệm không thể bỏ qua được, dù ở đây – trong khuôn khổ nghiên cứu phê phán – tôi có thể tạm vừa lòng với việc nhắc qua sự có mặt của chúng thôi. Do đó, cho phép tôi gọi những khái niệm tuy cũng thuần túy nhưng chỉ là phái sinh này là các “Prädikabilien”** của giác tính thuần túy (trái với “Prädikamente” là các phạm trù*). Nếu ta đã có các khái niệm nguyên thủy và cơ bản, thì những khái niệm phái sinh và thứ cấp (subaltern) sẽ được thêm vào một cách dễ dàng để phác họa trọn vẹn cây phả hệ (Stammbaum) của giác tính thuần túy. Nhưng vì ở đây tôi không bàn về tính hoàn chỉnh của hệ thống mà chỉ về các nguyên tắc để hình thành một hệ thống, nên tôi xin dành việc bổ sung này cho một công trình nghiên cứu khác. Vả lại, người ta có thể phần nào đạt được mục đích này nếu mở các sách giáo khoa về môn Bản thể học (Ontologie) sẽ thấy chẳng hạn phạm trù nhân quả có các khái niệm phái sinh (Prädikabilien) như “lực”, “tác động”, “bị tác động”; phạm trù cộng đồng tương tác có: “hiện diện”, “đề kháng”; các phạm trù về hình thái có: “sự ra đời”, “sự mất đi”, “sự biến đổi” v.v.. Các phạm trù kết hợp với các thể cách của cảm năng thuần túy hoặc kết hợp với nhau sẽ mang lại một số lượng lớn những khái niệm tiên nghiệm phái sinh. | Việc lưu ý và nếu có thể, việc kể hết chúng ra thành một danh mục hoàn chỉnh là một nỗ lực hữu ích và không phải không thú vị nhưng chưa cần thiết ở đây. Trong tác phẩm phê phán này, tôi cố tình tránh né việc đi vào các định nghĩa về các phạm trù dù tôi đang có chúng trong tay. Trong phần sau của quyển sách, tôi cũng sẽ chỉ phân tích các khái niệm này đến mức độ vừa đủ trong quan hệ với học thuyết về phương pháp mà tôi đang tiến hành*. [Tất nhiên], trong một hệ thống của lý tính thuần túy người ta có quyền đòi hỏi tôi đưa ra các định nghĩa cặn kẽ về các phạm trù, nhưng ở đây, chúng chỉ làm lạc mất điểm chính yếu của vịêc nghiên cứu vì sẽ gây ra sự nghi ngờ và các công kích; về những việc này, ta có thể dành cho một công cuộc nghiên cứu khác mà vẫn không ảnh hưởng gì đến mục đích cốt yếu hiện nay. Tuy nhiên, từ những gì ít ỏi được tôi trình bày ở đây cũng đã cho thấy rõ rằng việc mang lại một cuốn tự vị hoàn chỉnh với tất cả những sự giải thích cần thiết [về các phạm trù] không chỉ khả thi mà còn dễ dàng nữa. Các ô trống một khi đã có sẵn thì chỉ cần phải lấp đầy chúng, và một môn Định vị học (Topik) có hệ thống như cái chúng ta đang có thật khó có thể thiếu một vị trí nào vốn dành riêng cho mỗi một khái niệm, và đồng thời cũng dễ nhận ra vị trí nào còn bỏ trống.
* Năng lực tưởng tượng hay trí tưởng tượng (Einbildungskraft): sẽ được Kant bàn sâu hơn về chức năng quan trọng của nó trong B151-152 và đặc biệt trong A15-A130 (ấn bản A: sự diễn dịch siêu nghiệm về các phạm trù). (N.D). * Từ chữ “Rhapsodie”: bản nhạc cuồng hứng. (N.D). ** Latinh: quando: lúc xảy ra; ubi: nơi xảy ra; situs: tình trạng; prius: có trước; simul: đồng thời; motus: vận động; actio: tác động; passio:bị tác động. Mười phạm trù [Kategorien, do gốc Hy Lạp: Kategorein: phát biểu, mệnh đề trần thuật] của Aristote thật ra chỉ là mười cách phát biểu có thể có để trần thuật về một đối tượng; đó là: bản thể (bản chất của đối tượng, vd: đó là một con người hay là một con ngựa?); 2. Lượng (độ lớn, vd: vật ấy dài hai mét) 3. Chất (hay tính chất cấu tạo, vd: con người ấy có học); 4. Tương quan (quan hệ với các đối tượng khác; vd: nó lớn hơn hay nhỏ hơn sự vật kia); 5. Vị trí (lat: ubi) (nơi xuất hiện, vd: ở chợ); 6. Thời gian (lat: quando) (nơi xảy ra, vd: ngày hôm qua, năm trước); 7. Hoạt động (lat: actio): vd: ăn, cháy; 8. Bị động (lat: passio) (vd: bị ăn, bị cháy); 9. Tình trạng (lat: situs): vd: nằm, ngồi, đứng; 10. Ăn mặc hay trang bị (lat: habitus, vd: mang giày, có vũ trang). Vào thời Kinh viện (Scholastik), các phạm trù trên mới được xem là các “Prädikamente”, và có ý nghĩa quan trọng trong Lô-gíc học và Bản thể học (Ontologie) vì các nhà kinh viện tin rằng có thể xác định đối tượng một cách hoàn chỉnh thông qua mười phạm trù trên đây. (Xem thêm: Chú giải dẫn nhập, mục 8.1, 8.2. (N.D). ** “Prädikabilien” (La tinh: Praedicabilia; Hy lạp: Katägoroumena): các khái niệm phổ biến để phát biểu về sự vật. Vd: Khái niệm “người” khác với khái niệm “cây” về nội dung. Nhưng cả hai phát biểu về những đối tượng ấy cùng một phương cách như là “loài” (Gattung) bao gồm nhiều “giống” (Arten). Trong khi sự sắp xếp các khái niệm về mặt nội dung sẽ dẫn đến các Phạm trù (Prädikamente) thuộc về môn Bản thể học, thì về phương cách phát biểu, có năm loại Prädikabilien (thuộc về môn Lô-gíc học) (theo Porphyrius: Dẫn nhập vào học thuyết các phạm trù của Aristote): loài (Gattung/genus) (vd: sinh vật); giống (Art/species) (vd: người); đặc điểm về giống (differentia specifica) (vd: có lý tính); thuộc tính tất yếu của giống (proprium) (vd: biết cười); thuộc tính bất tất (accidens logicum): (vd: đang cười). Vì tư duy trước hết quan tâm đến nội dung nên các phạm trù còn được gọi là các khái niệm phổ biến thứ nhất, sau đó mới phản tư về các phương cách phát biểu nên các Prädikabilien được gọi là các khái niệm phổ biến thứ nhì hay phản tư. Kant xem các Prädikabilien cũng là các khái niệm thuần túy của giác tính nhưng phái sinh, tức được rút ra từ các phạm trù (gốc): vd: các khái niệm về “lực”, “tác động” và “bị tác động” là được rút ra từ phạm trù nguyên nhân; sự “biến đổi” là được rút ra từ phạm trù hình thái (xem B109 dưới đây). (N.D).
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC