Thuyết Duy tâm Đức

Chương II. Tri giác - Toát yếu (§§111-131)

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

(A)

Ý THỨC

 

TOÁT YẾU VÀ CHÚ GIẢI DẪN NHẬP (§§111-131)

--------o0o-------

 

CHƯƠNG II: TRI GIÁC

 

TOÁT YẾU

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

 

111. Sự xác tín cảm tính “muốn” nắm bắt “cái Này” trực tiếp, cá biệt, nhưng như đã thấy, đối tượng đúng thật của nó là cái phổ biến. Sự tri giác, ở cấp độ cao hơn, lấy cái phổ biến này làm đối tượng, nhưng vẫn chưa thấy cái phổ biến là yếu tố bản chất trong đối tượng của nó, mà chỉ có ta, nhà quan sát hiện tượng học, mới thấy cái phổ biến là yếu tố bản chất và là kết quả tất yếu của giai đoạn trước. Còn đối với bản thân sự tri giác, yếu tố bản chất vẫn lại là chính đối tượng, giống như trong sự xác tín cảm tính. Đối tượng là yếu tố bản chất, độc lập, bền vững, trong khi sự tri giác là không-bản chất, phụ thuộc, khả biến. (Đối tượng – cái Bản chất – dửng dưng với việc có được tri giác hay không). Tri giác không thấy rằng cả chủ thể lẫn đối tượng đều là các hình thức không-bản chất như nhau, trong đó một cái phổ biến vận hành.

112. Tuy nhiên, đối tượng chỉ có thể là một cái phổ biến trong chừng mực nó hợp nhất nhiều yếu tố phân biệt với nhau, tức nhiều thuộc tính (Eigenschaften). Đối tượng của tri giác thực sự được mang lại với sự phong phú nội tại về nội dung, hơn hẳn đối tượng của sự xác tín trực tiếp, vì mang trong lòng nó “sự phủ định(1), sự phân biệt hay tính đa tạp” [tính phổ biến là vô nghĩa nếu không có tính đặc thù và tính cá biệt bên trong nó].

113. “Sự vật” của tri giác là được mang lại một cách “cảm tính” (sinnlich), nhưng cái “cảm tính” này có tính phổ biến, nghĩa là, xuất hiện ra trong hình thức của một “thuộc tính” [vd: vị chua của quả chanh là một “thuộc tính phổ biến” có chung cho nhiều loại trái cây]. Vậy, cái cảm tính được “vượt bỏ” (aufgehoben) (theo nghĩa vừa bị phủ định, vừa được bảo lưu) ở trong sự vật được tri giác. Nhưng, tính phổ biến của tri giác cũng tất yếu phân hóa thành một số lượng những thuộc tính loại trừ nhau, đồng thời chúng được tập hợp chung lại. Cấu trúc của nó mang sự xung đột nội tại. Nhìn từ một góc độ, sự vật là một nhất thể tuyệt đối trong không gian-thời gian, tập hợp các thuộc tính, là cái Một bên cạnh những cái Một khác. Nhưng, nhìn từ góc độ khác, nó phân hóa thành nhiều thuộc tính phân biệt nhau; mỗi thuộc tính có thể được xem như tồn tại tự-mình và cho-mình.

114. Cái “Cũng” lỏng lẻo của một “môi trường” chung không tạo nên được tính quy định nên dẫn đến mặt đối lập là một tính nhất thể tuyệt đối loại trừ triệt để cái khác ra khỏi nó. Cái nhất thể tuyệt đối này có thể được gán cho các thuộc tính hoặc có thể gán cho sự vật, xét như sự vật. Có vẻ như ta có nhiều sự lựa chọn: một tập hợp [lỏng lẻo] các thuộc tính, hoặc một nhất thể chặt chẽ của nhiều thuộc tính, hoặc cả hai.

115. Sự vật được tri giác thể hiện một sự “dung hòa” khó khăn giữa ba lựa chọn: (a) một số lượng các thuộc tính kết hợp lỏng lẻo và bổ sung nhau ở trong sự vật (cái “Cũng” của nhiều thuộc tính); (b) sự vật như là một nhất thể trong không gian-thời gian, là cái “Một” loại trừ; (c) các thuộc tính được xét như những cái phổ biến thuần túy có chỗ đứng ở bên ngoài sự vật cá biệt.

116. Tiến trình biện chứng chuyển sang bước ngoặt: đối tượng của sự tri giác là một sự pha trộn lạ lùng này giữa tính “tập hợp” và tính “tách rời”, trong khi chủ thể nhìn nó như là bền vững và đồng nhất về bản chất. Vậy, mọi điểm xuất phát từ tính “đồng nhất với chính mình” (Sichselbstgleichheit) nơi sự vật là thuộc về phía chủ thể, là “ảo tưởng lầm lạc” của chủ thể, chứ không thể tìm thấy ở nơi đối tượng. [Tính tự-đồng nhất nơi sự vật là sự “xác tín” của chủ thể tri giác, đồng thời là tiêu chuẩn để kiểm tra tính chân lý của sự xác tín ấy].

117. Trước đây, chỉ có ta, người quan sát, mới nhận ra những mâu thuẫn ở bên trong đối tượng. Nay, qua sự tự vận động biện chứng, đến phiên ý thức [tri giác] cũng nhận ra mâu thuẫn này. Thoạt đầu, đối tượng tự trình diện như là một nhất thể thuần túy, nhưng các thuộc tính đều có tính phổ biến và có thể tồn tại ở bên ngoài nó. Vì thế, tính nhất thể của đối tượng là ảo tưởng hay sai lầm của tôi, còn đối tượng thật ra chỉ là một sự kết hợp của các cái phổ biến. Tuy nhiên, trong một sự kết hợp lỏng lẻo như thế, các thuộc tính không thực sự được tập hợp để trở thành loại trừ nhau; do đó, đối tượng lại phải trở thành một nhất thể thuần túy, còn các thuộc tính chỉ đơn thuần là các phương diện của nó. Nhưng, các thuộc tính lại dửng dưng với nhau khiến cho tính nhất thể của đối tượng lại tiêu biến đi một lần nữa. Bây giờ, các thuộc tính trở nên hoàn toàn tách rời nhau, không còn đối lập với cái gì cả; và như thế, không còn là các thuộc tính nữa. Chúng ta bị đẩy lùi lại cái “tồn tại thuần túy” của sự xác tín cảm tính.

118. Ý thức lặp lại toàn bộ vòng tuần hoàn, nhưng có chỗ khác với trước đây. Nó ý thức về tính không-đúng thật của mọi tri giác và gán tính không-đúng thật này cho bản thân mình, nhưng đồng thời có ý thức về năng lực điều chỉnh tri giác và tìm đến tính thực tại trần trụi ở đàng sau tri giác và xem hình ảnh được điều chỉnh này là của chính mình [sự phản tư].

119. Trong tinh thần ấy, ý thức phát triển lý luận hay học thuyết về những thuộc tính “hạng nhất” và những thuộc tính “hạng nhì”*. Theo đó, bản thân đối tượng được quan niệm như là cái Một đơn giản, nhưng sở dĩ được tri giác với nhiều thuộc tính là do chúng tác động vào các giác quan khác nhau của ta: tai, mắt, lưỡi v.v.. Bây giờ, chính cái Tôi-có-ý-thức trở thành “môi trường” chung, trong đó mọi phương diện cảm tính của sự vật được tập hợp chung lại.

120. Bước phát triển biện chứng mới sẽ cho thấy, nếu sự vật được quan niệm như cái Một tuyệt đối, nó ắt sẽ không thể phân biệt với những sự vật khác được nữa. Tất cả đều là những “đơn vị” hoàn toàn trần trụi và không thể phân biệt với nhau được. Một sự vật chỉ là sự vật khi nó có các thuộc tính riêng của chính nó. Thế nhưng, mỗi thuộc tính, trong trường hợp ấy, lại có sự tồn tại tách biệt và sự vật trở lại là một tập hợp lỏng lẻo của các thuộc tính: hạt muối là trắng và cũng là mặn và cũng là vuông v.v..

121.  Bây giờ, thay vì gán tính đa tạp của nhiều thuộc tính của sự vật cho chính mình với tư cách cái Tôi chủ quan, ý thức biến sự vật thành một cái CŨNG nội tại, tức sự vật là một tập hợp các thuộc tính, hay các “chất liệu tự do” [thuật ngữ của môn Vật lý học đương thời], trong khi đó, tính nhất thể của đối tượng là “sản phẩm tưởng tượng” do phía ý thức chịu trách nhiệm.

122. Ý thức đã luân phiên phạm sai lầm; nó “thấm mệt” khi đứng ra chịu trách nhiệm trước các sai lầm ấy và đi đến chỗ “trải nghiệm” rằng: Bản thân Sự việc (như là sự vật đã được phản tư vào trong chính nó) có tính đa tạp của các phương diện đối lập nhau này trong chính sự vật. Sự vật ở phương diện này tự cho thấy là một nhất thể nền tảng, nhưng ở phương diện khác, là một tập hợp lỏng lẻo của các thuộc tính.

123.  Sự giao động giữa hai tính chất bây giờ được gán cho đối tượng. Nhưng từ đó lập tức nảy sinh tình hình mới: đối tượng tiếp tục được xem là cái Một nền tảng, trong khi tính đa tạp của nó về các phương diện là do mối quan hệ của đối tượng – không còn với ý thức nữa – mà với những đối tượng khác, khiến đối tượng phải có nhiều cách đáp ứng khác nhau.

124.  Tuy nhiên, thật phi lý khi những sự vật không có các dị biệt nội tại lại cho thấy có sự dị biệt ở trong quan hệ đơn thuần với những sự vật cũng không có các dị biệt nội tại khác. Do đó, ta buộc phải khẳng định một sự phân biệt (Unterschied) nội tại có tính bản chất đối với đối tượng, và một sự dị biệt (Verschiedenheit) ngoại tại với những sự vật khác; sự dị biệt này là kết quả không-bản chất của cái trước. Những sự vật sở dĩ dị biệt nhau bên ngoài là vì chúng phân biệt nhau bên trong.

125.  Nhưng, ta lại không thể phân biệt giữa hai tính chất này. “Tính cách tuyệt đối” (absoluter Charakter) của sự vật dường như cũng giống như mối quan hệ của nó với những sự vật khác và ngược lại.

126.  Cũng thế, sự tự-quan hệ tuyệt đối của sự vật phủ định mọi cái khác cũng tự cho thấy không gì khác hơn là mối quan hệ xuyên suốt với những cái khác.

127.  Mối quan hệ bên ngoài cũng là tất yếu, do đó cũng chính là cái bên trong.

128.  Ta không thể rút ra những sự phân biệt chính xác giữa “đối tượng như tồn tại nội tại” với “đối tượng như nó đang ở trong quan hệ với những sự vật khác”. Cái trước cái sau; cái sau cái trước (“trong một và cùng một phương diện, đối tượng là cái đối lập của chính nó; nó là cho-mình, trong chừng mực là cho-cái khác; và cho-cái khác, trong chừng mực là cho-mình”). Ta chỉ có một sự phân biệt mà không có một sự dị biệt, nghĩa là, chỉ có một sự phân biệt trên ngôn từ, theo “tư kiến” và “mong muốn” riêng.

129.  Như thế, sự vật đã được vượt bỏ về bản chất như trước đây đã được vượt bỏ về phương diện cảm tính. Cái “cảm tính” đã tự bộc lộ như là tính phổ biến thuần túy; và bây giờ, tính phổ biến này là cái gì chứa đựng một loạt các sự xung đột, mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa cái phổ biến và cái cá biệt; giữa nhất thể của nhiều thuộc tính trong sự vật với sự tồn tại “độc lập” của chúng như là các “chất liệu tự do”; giữa tồn tại “cho-mình” như cái này, cái kia với tồn tại như cái gì chỉ có thể có được trong quan hệ với những sự vật khác.

Do đó, bản tính tự nhiên của sự vật cũng chính là bản tính của GIÁC TÍNH cấu tạo nên nó; và trong giác tính, tất cả những mâu thuẫn, xung đột này luôn luôn hiện diện. (“Ở đây ý thức mới thực sự bước vào vương quốc của giác tính”).

130.  Sự ngụy biện của tri giác tìm cách tự cứu vãn bằng cách sử dụng các cách nói: “các phương diện”“trong chừng mực”. Nó nói về đối tượng được tri giác khi thì “trong chừng mực” nó là một sự vật; khi thì “trong chừng mực” là nhiều thuộc tính; rồi “trong chừng mực” là tồn tại cho-mình; “trong chừng mực” quan hệ với những sự vật khác v.v.. Cần từ bỏ các cách ngụy biện này đi. Chính tính phổ biến thuần túy của KHÁI NIỆM (BEGRIFF) [sản phẩm của cấp độ sau: giác tính] sẽ lộ diện như là sự hợp nhất không thể tách rời giữa cái phổ biến, cái đặc thù và cái cá biệt; giữa cái độc lập và cái quan hệ với những cái khác.

131.  “Giác tính” tri giác bị khống chế bởi những cái “trừu tượng trống rỗng”: tính cá biệt, tính phổ biến, cái bản chất, cái không bản chất... Trong khi đó, nó nhầm tưởng rằng mình đang được làm việc với những “chất liệu”, những “thực thể” nên khinh khi triết học chỉ biết làm việc với những “vật-tư tưởng” (Gedankendinge). Nhưng, nếu giả thử nó biết thực sự làm việc với “những vật-tư tưởng”, tức những khái niệm, nó sẽ “làm chủ” được chúng (giống như triết học) chứ không để bị những cái “trừu tượng trống rỗng” ấy dẫn dắt từ sai lầm này đến sai lầm khác. Lẩn quẩn trong cấp độ tri giác, ý thức dù nhận rõ tính không-phải-chân lý của mình, cũng không đi đến được tính chân lý của sự vật.

 



* Ở đây, Hegel ám chỉ sự phân biệt của John Locke (1632-1704) trong tri giác cảm tính giữa những thuộc tính hạng nhất vốn thuộc về bản thân sự vật (vd: quảng tính, hình thể, tỉ trọng, con số...) và những thuộc tính hạng nhì có tính chủ quan của chủ thể tri giác như màu sắc, mùi vị... (Xem: J.Locke: Essay concerning Human Understanding/Thử nghiên cứu về Giác tính con người).

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt