Thuyết Duy tâm Đức

Lực và Giác tính: [Thế giới] hiện tượng và thế giới siêu cảm tính

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

 

(A)

Ý THỨC

 

III

LỰC VÀ GIÁC TÍNH

[THẾ GIỚI] HIỆN TƯỢNG VÀ

THẾ GIỚI SIÊU-CẢM TÍNH

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

 

§ 132

Trong [tiến trình] biện chứng của sự xác tín cảm tính, “cái nghe”“cái thấy” v.v.. đều đã tiêu biến đi đối với ý thức, và, với tư cách là “tri giác”, ý thức đã đi đến được “các tư tưởng” (Gedanken); và lần đầu tiên, ý thức mới kết hợp các tư tưởng này lại trong cái phổ biến vô-điều kiện(239). Cái vô-điều kiện này, nếu nó lại được nắm lấy như là cái bản chất đơn giản và đứng yên [trì trệ] thì bản thân nó cũng sẽ lại không gì khác hơn là một cái đối cực phiến diện của cái tồn tại cho-mình; vì lẽ cái không-bản chất sẽ lại đứng trái ngược lại với nó. | Nhưng, nếu nó quan hệ với cái không-bản chất này thì bản thân nó [cái vô-điều kiện] cũng sẽ trở thành không-bản chất, và như thế, ý thức không thoát ra khỏi được sự lừa dối của tri giác; trong khi chính cái phổ biến vô-điều kiện này đã chứng tỏ là đã vượt khỏi cái tồn tại tự-mình có-điều kiện như thế để quay trở lại vào trong chính mình.

Cái phổ biến vô-điều kiện này – từ nay là đối tượng đúng thật của ý thức – vẫn còn là đối tượng (Gegenstand) cho ý thức; ý thức vẫn chưa nắm bắt (erfasst) Khái niệm về cái vô-điều kiện như là KHÁI NIỆM (BEGRIFF)(240). Cần phân biệt hai điều: một mặt, ý thức biết rằng đối tượng đã đi từ mối quan hệ với một cái khác để trở về lại với chính nó, qua đó đã trở thành Khái niệm tự mình (an-sich) [về nguyên tắc]; nhưng mặt khác, ý thức lại chưa phải là Khái niệm cho mình [trở thành minh nhiên – explizit] và do đó, chưa nhận ra chính mình trong đối tượng đã được phản tư kia. Cho ta [tức cho người quan sát và phân tích kinh nghiệm], đối tượng này – qua tiến trình vận động của ý thức – đã phát triển lên theo kiểu ngay cả ý thức cũng nhập cuộc trong sự trở thành của đối tượng, và sự phản tư (Reflexion) là giống hệt nhau nơi cả hai phía, hay nói cách khác, chỉ có Một sự phản tư. Nhưng vì trong sự vận động này, ý thức chỉ đơn thuần lấy bản chất khách quan (das gegenständliche Wesen)] chứ không phải lấy bản thân ý thức xét như là ý thức làm nội dung của nó, cho nên kết quả lại có ý nghĩa đối tượng khách quan cho ý thức; còn ý thức vẫn cứ lùi bước trước cái đã trở thành và nắm lấy cái đã trở thành ấy như là cái bản chất theo nghĩa khách quan.

 

§ 133

Đúng là giác tính đã vượt bỏ tính không phải-sự thật (Unwahrheit) của chính mình và tính không phải-sự thật của đối tượng; qua đó kết quả được mang lại cho giác tính là Khái niệm về cái đúng thật [nhưng chỉ] như là cái đúng thật còn tồn tại tự-mình (an sich seiendes Wahres) chứ chưa phải như là Khái niệm, hay là, cái đúng thật còn thiếu cái tồn tại cho-mình (für sich) của ý thức [được ý thức một cách minh nhiên] và, do không nhận biết chính mình ở trong đó, ý thức để cho cái đúng thật này tự đi riêng con đường của nó. Cái đúng thật này cứ theo đuổi bản chất cho riêng mình, khiến cho ý thức không tham gia gì trong quá trình thực hiện tự do của nó, mà chỉ đơn thuần ngắm nhìn [quan sát] (zusieht)lãnh hội (auffassen) nó một cách thuần túy(241). Do đó, thoạt đầu, chúng ta [người quan sát] phải đặt mình vào vị trí của nó và tồn tại như là Khái niệm đang phát triển và lấp đầy những gì được chứa đựng ở trong kết quả. | Chính thông qua [việc nhận thức về] cái đối tượng đã được phát triển hoàn chỉnh này, – tự trình diện ra cho ý thức như là một cái tồn tại trực tiếp (ein Seiendes) – thì ý thức mới trở thành ý thức “thấu hiểu” (begreifendes Bewusstsein) [đối tượng của nó bằng các Khái niệm của giác tính].

 

§ 134

          Kết quả [đã đạt được sau quá trình tri giác] đã là cái phổ biến vô-điều kiện, thoạt đầu còn ở trong ý nghĩa tiêu cực [phủ định] và trừu tượng, đó là: ý thức đã phủ định các Khái niệm phiến diện của mình và đã quy giảm chúng thành những cái trừu tượng, nghĩa là từ bỏ chúng. Tuy nhiên, kết quả này cũng có ý nghĩa tích cực [khẳng định] về mặt tự-mình (an sich), đó là: trong nó, sự thống nhất giữa cái “tồn tại cho-mình” và cái “tồn tại cho-cái-khác” đã được thiết định; hay nói khác đi, sự đối lập tuyệt đối (der absolute Gegensatz) đã được thiết định trực tiếp như là cùng một bản chất(242). Thoạt nhìn có vẻ như điều này chỉ liên quan đến hình thức của các yếu tố trong mối quan hệ qua lại với nhau. | Nhưng, “tồn tại cho-mình” và “tồn tại cho-cái-khác” cũng đồng thời là bản thân nội dung, bởi lẽ sự đối lập (der Gegensatz) – trong tính đúng thật của nó – không thể có bản tính tự nhiên nào khác hơn là bản tính đã tự chứng tỏ trong kết quả, đó là: nội dung được xem là đúng thật ở trong tri giác, trong thực tế, chỉ thuộc về hình thức và tự giải thể đi trong [tính] nhất thể của tri giác. Nội dung này, đồng thời, là phổ biến; [nên] không thể có một nội dung nào khác – do tính cấu tạo đặc thù (Beschaffenheit) của nó – tránh được việc phải rơi lại vào bên trong tính phổ biến vô-điều kiện này. Một nội dung [đặc thù] như thế ắt phải là tồn tại cho-mình và quan hệ với cái khác theo một kiểu nhất định nào đó. Song, [bản thân việc] tồn tại cho-mình và quan hệ với cái-khác nói chung là điều tạo nên bản tính tự nhiên (Natur) và bản chất (Wesen) của nội dung, mà tính chân lý của nó chính là cái phổ biến một cách vô-điều-kiện, và kết quả là tuyệt đối có tính phổ biến (schlechthin allgemein].

 

§ 135

Tuy nhiên, bởi vì cái phổ biến vô-điều kiện này là đối tượng cho ý thức, nên xuất hiện ra bên trong nó sự phân biệt giữa nội dung và hình thức. | Trong hình thái của nội dung, các yếu tố có vẻ ngoài như khi chúng thoạt đầu đã tự trình diện ra: một mặt, như cái “môi trường” phổ biến của nhiều “chất liệu” [vật chất] tự tồn; và mặt khác, như cái Một đã được phản tư vào trong chính mình, trong đó tính độc lập của chúng bị tiêu trừ. Cái trước [môi trường] là sự giải thể (auflưsen) tính độc lập-tự chủ của sự vật, hay là tính thụ động (Passivität) khi tồn tại cho một cái khác; còn cái sau [cái Một] là sự tồn tại cho-mình [sự tồn tại cá biệt, độc lập tự chủ](243). Bây giờ [ta] hãy xem các yếu tố ấy tự thể hiện như thế nào ở trong tính phổ biến vô-điều kiện vốn là bản chất của chúng. Ngay từ đầu, điều rõ ràng là, các yếu tố ấy, vì lẽ chúng chỉ tồn tại ở bên trong tính phổ biến vô-điều kiện này, nên chúng không còn nằm tách biệt với nhau nữa, mà thiết yếu là các phương diện đang tự-vượt bỏ nơi chính bản thân chúng, và điều được thiết định chỉ là bước chuyển [hay sự quá độ] của chúng vào nhau (Übergehen in einander)(244).

 



(239) ) Cái phổ biến vô-điều kiện” (das unbedingte Allgemeine): kết quả của tiến trình biện chứng của tri giác. Cái phổ biến là vô-điều kiện vì nó không còn bị điều kiện hóa bởi sự ngụy biện của tri giác. Nói cách khác, tính đa tạp không còn nằm bên ngoài nó nữa. Các yếu tố bị ý thức tri giác tách rời (cái Một, cái Cũng, cái bản chất, cái không-bản chất...) nay được tập hợp lại. Nói chính xác hơn, bây giờ, khi thiết định một điều gì, không thể thiết định nó một cách đơn độc mà không có cái khác, vì đó là tiến trình chuyển hóa không ngừng của yếu tố này sang yếu tố kia.

(240) Trải qua tiến trình biện chứng trước nay, cả đối tượng lẫn ý thức đều đã phản tư vào trong chính mình. “Phản tư vào trong chính mình” chính là đặc tính của Khái niệm. Như thế, cả hai sự phản tư (của đối tượng và của ý thức) thực chất chỉ là “một sự phản tư” như các giòng tiếp theo sẽ cho thấy. Nhưng, ý thức lại “quên” tiến trình trở thành Khái niệm của đối tượng và vẫn xem vận động trước đây như một thực tại khách quan mà không nhìn thấy chính bản thân mình trong sự vận động ấy. Do đó, cái phổ biến vô-điều kiện vẫn xuất hiện ra như là đối tượng. Như sẽ thấy, đối tượng “mới” này là “Lực”, một Khái niệm tự-mình. Vận động của Giác tính sẽ làm cho Khái niệm tự mình này trở thành Khái niệm cho ý thức, tức làm cho giác tính “nắm bắt được Khái niệm như là Khái niệm”. (Xem thêm: Chú giải dẫn nhập: 5.1).

(241) Cái đúng thật, được nắm lấy trong ý nghĩa đối tượng khách quan, sẽ là Lực (§136); và ý thức sẽ chỉ “ngắm nhìn” sự hiện thực hóa của Lực ở trong kinh nghiệm.

(242) “als dasselbe Wesen”: như là cùng một bản chất. (J.H: “comme une même essence”, trong khi Miller lại dịch là: “as a self-identical essence”/“như là một bản chất tự-đồng nhất”).

(243) Ở đây có hai sự phân biệt mà đối với ta hay “cho ta” (für uns), chúng đã trở thành một, nhưng đối với ý thức (für es), chúng vẫn xuất hiện ra như là hai, vì ý thức này thoạt đầu vẫn còn xem cái “phổ biến vô-điều kiện” như là một đối tượng (khách quan):

a) sự phân biệt về nội dung: giữa “môi trường” thụ động, nơi đó các thuộc tính (hay đúng hơn, “cái chất liệu tự do”) cùng tồn tại, tức tính ngoại tại (tính ở bên ngoài nhau) của các sự dị biệt với “cái Một” quy giảm vào trong nó tính đa tạp dửng dưng tạo nên tính ngoại tại nói trên. 

b) sự phân biệt về hình thức: giữa cái “tồn tại-cho mình” (mà “cho ta” là đồng nhất với cái Một) với cái “tồn tại-cho cái khác” (mà “cho ta” là đồng nhất với “môi trường” của các chất liệu tự tồn).

(244) Trong cái phổ biến vô điều kiện, mỗi yếu tố trở thành yếu tố khác. Mỗi yếu tố tự-vượt bỏ chính mình trong cái khác. Trong Lô-gíc học đầu tiên ở thời kỳ Jena (W.XVIII a), quan hệ giữa sự vật với các thuộc tính của nó (trong tri giác) tương ứng với quan hệ của Bản thể với các tùy thể (tr. 36); quan hệ của Lực với sự biểu hiện ra bên ngoài của nó tương ứng với quan hệ nhân-quả (tr.40). Ý niệm về Lực cho thấy sự không thể tách rời giữa nguyên nhân và kết quả. Như thế, từ tri giác đến giác tính, ta đã chuyển từ tính bản thể sang tính năng động. (dẫn theo J.H).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt