Thuyết Duy tâm Đức

Lực và Giác tính: [Thế giới] hiện tượng và thế giới siêu cảm tính (§150- §155)

HIỆN TƯỢNG HỌC TINH THẦN - MỤC LỤC

(A)

Ý THỨC

 

III

LỰC VÀ GIÁC TÍNH

[THẾ GIỚI] HIỆN TƯỢNG VÀ

THẾ GIỚI SIÊU-CẢM TÍNH

 

II. Cái Bên trong

1 2 3

 

G. W. F. HEGEL (1770-1831)

BÙI VĂN NAM SƠN dịch và chú giải

 


Georg Wilhelm Friedrich Hegel. Hiện tượng học tinh thần. Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2006. | Phiên bản điện tử đăng trên triethoc.edu.vn có sự cho phép của dịch giả. | Nguyên bản tiếng Đức


 

 

§ 150

[2. Quy luật:

a) Quy luật phổ biến và những quy luật nhất định (đặc thù):]

Vương quốc này của những quy luật tuy là sự thật (hay chân lý) của giác tính; và sự thật này tìm thấy nội dung của nó trong sự dị biệt nằm ngay trong quy luật; tuy nhiên, đồng thời vương quốc này chỉ mới là sự thật đầu tiên [sơ bộ] của giác tính và không lấp đầy hoàn toàn [thế giới] hiện tượng. Quy luật hiện diện trong hiện tượng, nhưng không tạo nên sự hiện diện toàn bộ (die ganze Gegenwart) của hiện tượng; trong những điều kiện luôn luôn biến đổi [của hiện tượng], quy luật cũng có một hiện thực luôn luôn khác nhau. Đối với hiện tượng “cho-mình”, nó vẫn có một phương diện không ở trong [không thuộc về] cái Bên trong, hay nói cách khác, hiện tượng – trong sự thật – vẫn chưa được thiết định như là Hiện Tượng, như là một tồn tại cho-mình đã được vượt bỏ.

Sự khiếm khuyết này của quy luật phải thể hiện ngay nơi bản thân quy luật. Điều dường như quy luật đang khiếm khuyết là: trong khi rõ ràng quy luật phải bao hàm trong nó sự dị biệt, thì nó chỉ có sự dị biệt như là sự dị biệt phổ biến [chung chung], không xác định. Tuy nhiên, trong chừng mực quy luật không phải là quy luật nói chung, mà là một quy luật [nhất định, đặc thù], thì nó mới có được tính quy định ở bên trong nó, cho nên kết quả là có nhiều vô số những quy luật. Chỉ có điều, ngay bản thân cái nhiều này thật ra đã là một sự khiếm khuyết; nó mâu thuẫn lại với Nguyên tắc của giác tính, bởi lẽ đối với giác tính – với tư cách là ý thức về cái Bên trong đơn giản – chỉ có cái nhất thể phổ biến tự-mình mới là cái đúng thật. Vì lý do đó, giác tính phải để cho nhiều quy luật đổ dồn lại thành một quy luật duy nhất, chẳng hạn, quy luật theo đó viên đá rơi xuống và quy luật vận động của các thiên thể đều được nắm bắt như là Một quy luật mà thôi. Thế nhưng, với việc nhập chung lại thành một này, những quy luật lại mất đi tính quy định riêng biệt của chúng; quy luật ngày càng trở nên hời hợt hơn [trừu tượng và nông cạn] và như vậy kết quả là, cái được tìm ra, trong thực tế, không phải là sự thống nhất [nhất thể] của những quy luật nhất định này mà là một quy luật chỉ đơn thuần tước bỏ hết tính quy định [riêng biệt] của chúng. | Thật thế, Một quy luật duy nhất – hợp nhất trong nó quy luật rơi của vật thể trên trái đất và quy luật vận động của các thiên thể – không diễn tả được cả hai [loại quy luật] trong thực tế. Sự hợp nhất mọi quy luật trong sự “hấp dẫn phổ biến” không diễn tả nội dung nào hơn là Khái niệm đơn thuần về bản thân quy luật; một Khái niệm, trong sự hấp dẫn phổ biến này, được thiết định như là đang hiện hữu (seiend). Sự hấp dẫn phổ biến [quy luật vạn vật hấp dẫn] chỉ nói lên rằng: tất cả [mọi sự vật] đều có một sự phân biệt hay dị biệt bền vững trong quan hệ với một sự vật khác. Dựa vào đấy, giác tính tưởng rằng đã tìm ra một quy luật phổ biến có thể diễn tả được hiện thực xét như là hiện thực trong tính phổ biến của nó, nhưng trong thực tế, nó chỉ tìm được Khái niệm về bản thân quy luật thôi, mặc dù, bằng cách đó, giác tính vẫn có thể tuyên bố rằng mọi hiện thực – nơi chính mình (an ihr selbst) – đều là hợp quy luật (gesetzmäßig). Vì thế, thuật ngữ: “sự hấp dẫn phổ biến” có tầm quan trọng lớn là trong chừng mực nó nhằm phản bác lại lối hình dung vô-tư tưởng rằng mọi sự vật đều xuất hiện ra trong hình thái của tính bất tất và tính quy định [của sự vật] có hình thức của sự độc lập cảm tính(268).

 

§ 151

Vậy, sự hấp dẫn phổ biến hay Khái niệm thuần túy về quy luật là đối lập lại với những quy luật nhất định [những quy luật có nội dung riêng biệt, đặc thù]. Trong chừng mực Khái niệm thuần túy này về quy luật được xem như cái bản chất hay như cái Bên trong đúng thực, thì tính quy định của bản thân [những] quy luật nhất định lại [còn] thuộc về hiện tượng hay đúng hơn, thuộc về cái tồn tại cảm tính. Nhưng, Khái niệm thuần túy về quy luật không chỉ đơn thuần vượt lên trên quy luật – bản thân là một quy luật nhất định, đứng đối lập lại với những quy luật nhất định khác – mà còn vượt lên trên quy luật, xét như là quy luật. Tính quy định mà chúng ta đã nói trên đây bản thân chỉ là một yếu tố đang tiêu biến đi, không thể tiếp tục xuất hiện ra ở đây như là tính bản chất (Wesenheit) nữa, vì ở đây, chỉ có quy luật mới là cái đúng thật, nhưng Khái niệm về quy luật đã quay lại chống bản thân quy luật. Điều này có nghĩa là: trong quy luật, bản thân sự dị biệt được lãnh hội một cách trực tiếp và được tiếp thu vào trong cái phổ biến, tuy nhiên, cũng làm cho các yếu tố – quan hệ giữa chúng được quy luật diễn tả – có sự tự tồn như là các tính bản chất (Wesenheiten) tự-mình và dửng dưng với nhau. Nhưng, các bộ phận này của sự dị biệt ở trong quy luật bản thân đồng thời cũng là các phương diện nhất định [được xác định]. | Khái niệm thuần túy về quy luật, – như là sự hấp dẫn phổ biến [“quy luật vạn vật hấp dẫn”] – phải được lãnh hội theo đúng ý nghĩa của nó, đó là: ở bên trong Khái niệm thuần túy, như là bên trong cái đơn giản tuyệt đối, bản thân các sự dị biệt – vốn có mặt trong quy luật xét như là quy luật – đều, một lần nữa, quay trở lại vào trong cái Bên trong, được hiểu như là cái nhất thể đơn giản. | Cái nhất thể này là sự “tất yếu” bên trong của quy luật(269).

 

 

§ 152

[b) Quy luật và Lực:]

Quy luật, qua đó, có mặt với hai cách khác nhau: cách thứ nhất, như là quy luật trong đó các sự dị biệt được diễn tả như là các yếu tố độc lập; cách thứ hai, trong hình thức của cái tồn tại đơn giản đã-quay-trở lại-vào trong-chính mình (Insich-zuräckgegangensein); là hình thức mà ta có thể gọi lại một lần nữa là Lực, nhưng không phải trong ý nghĩa của Lực bị đẩy ngược lại vào trong chính nó [như đã nói trước đây] mà là Lực nói chung, hay là Khái niệm về Lực, một sự trừu tượng hấp thu hết vào trong lòng nó bản thân những sự dị biệt của cái hút [hấp dẫn] và cái bị hút [bị hấp dẫn]. Trong ý nghĩa này, chẳng hạn, điện đơn giản là Lực; còn diễn tả sự dị biệt hay phân biệt là ở trong quy luật: sự phân biệt này là điện dương và điện âm. Trong trường hợp vận động của sự rơi thì Lực là [yếu tố] đơn giản: trọng lực; rồi trọng lực mới có quy luật là: các đại lượng của các yếu tố khác nhau trong sự vận động, – thời gian hao tổn, không gian đã vượt qua – quan hệ với nhau như căn số và bình phương. Bản thân điện thì không phải là sự phân biệt hay dị biệt tự-mình, tức không phải trong bản chất của nó là sự tồn tại của hai bản chất là điện dương và điện âm; vì thế người ta thường nói rằng: nó quy luật tồn tại theo kiểu như thế, hoặc nó có thuộc tính là tự biểu hiện ra như thế, như thế(270). Thuộc tính này quả là có tính bản chất và là thuộc tính duy nhất của Lực này, tức là, thuộc tính này thuộc về nó một cách tất yếu. Nhưng ở đây, sự tất yếu này là một từ trống rỗng: Lực phải tự nhân đôi như vậy bởi vì nó phải như vậy [tức tự lặp lại mình]. Tất nhiên, nếu điện dương được thiết định [được mang lại], thì điện âm cũng là tất yếu tự-mình [cũng được mang lại về nguyên tắc], vì cái dương chỉ tồn tại trong quan hệ với cái âm; nói khác đi, cái dương nơi chính mình (an ihm selbst) [xem chú thích §120] là sự phân biệt với chính mình, giống như cái âm cũng phải như thế. Nhưng cho rằng điện, xét như là điện – cũng tự phân chia ra làm các bộ phận theo cách ấy, thì không phải là cái tất yếu tự-mình; với tư cách là Lực đơn giản, điện dửng dưng với quy luật của nó, dù là trong hình thức dương hay âm; và nếu ta gọi cái tất yếu là Khái niệm về nó còn quy luật  là sự tồn tại của nó, thì Khái niệm của nó dửng dưng với tồn tại của nó; nó chỉ đơn thuần có thuộc tính này, nghĩa là thuộc tính này không tất yếu tự-mình đối với nó(271). Sự dửng dưng này lại có hình thức khác, nếu cho rằng tồn tại như điện dương và điện âm là nhằm định nghĩa về điện, hoặc cho rằng chỉ có điều này mới là Khái niệmbản chất tuyệt đối [đơn giản] của điện. Trong trường hợp đó, sự tồn tại của nó hóa ra có nghĩa đơn giản là sự hiện hữu (Existenz) của nó nói chung; nhưng định nghĩa này không chứa đựng sự tất yếu của sự hiện hữu của nó: nó hiện hữu chỉ vì người ta tìm thấy nó, nghĩa là sự hiện hữu ấy không tất yếu gì cả; hoặc, sự hiện hữu của nó chỉ là nhờ thông qua các Lực khác, nghĩa là, sự tất yếu của nó là một sự tất yếu ngoại tại(272). Nhưng, nếu đặt sự tất yếu dựa trên tính quy định của sự tồn tại thông qua cái khác, ta sẽ rơi trở lại trong cái nhiều [đa thể] của những quy luật nhất định mà ta vừa rời bỏ để có thể xem xét quy luật như là quy luật. | Chỉ với quy luật như là quy luật thì [ta] mới có thể so sánh Khái niệm về nó như là Khái niệm hay như là sự tất yếu của nó; tuy nhiên, sự tất yếu này, trong tất cả mọi hình thức trên đây, tự chứng tỏ chỉ là một từ trống rỗng.

 

§ 153

Sự dửng dưng giữa quy luậtLực, hay giữa Khái niệmtồn tại còn được tìm thấy theo một hình thức khác hơn là hình thức vừa nói. Chẳng hạn, trong quy luật về sự vận động, sự vận động tất yếu tự phân chia ra thành thời gian và không gian hoặc khoảng cách và tốc độ. Vì sự vận động chỉ là mối quan hệ giữa hai yếu tố này, nên sự vận động – như là cái phổ biến – quả đã được phân chia ra như thế nơi chính mình (an sich selbst), nhưng trong thực tế, các bộ phận này: thời gian và không gian hay khoảng cách và tốc độ không diễn rả nơi bản thân chúng nguồn gốc chung này, hay sự thoát thai chung này từ một cái duy nhất, [trái lại], chúng dửng dưng với nhau. | Không gian được hình dung như thể có thể tồn tại không cần thời gian; thời gian không có không gian, và khoảng cách vẫn có thể tồn tại mà không cần có tốc độ, giống như các đại lượng của chúng dửng dưng đối với nhau, bởi chúng không gắn liền với nhau giống như một cái dương và một cái âm, do đó không quan hệ với nhau do chính bản chất của chúng. Như vậy, ở đây, sự tất yếu của việc phân chia [thành những yếu tố phân biệt nhau] là có, nhưng không phải là sự tất yếu của các bộ phận, xét như các bộ phận, đối với nhau(273). Nhưng cũng chính vì lý do này, bản thân sự tất yếu đầu tiên cũng chỉ là một sự tất yếu sai lầm, bịp bợm; bản thân sự vận động không được hình dung như cái đơn giản hay như bản chất thuần túy mà như đã được phân chia ra làm các yếu tố: thời gian và không gian được hình dung là các bộ phận độc lập hay là các bản chất nơi tự thân chúng; còn khoảng cách và tốc độ là các phương cách tồn tại hay các phương cách hình dung; trong đó mỗi yếu tố hoàn toàn có thể tồn tại mà không cần cái khác, và do đó, sự vận động không gì khác hơn chỉ là mối quan hệ hời hợt giữa chúng với nhau, chứ không phải là bản chất của chúng. Còn nếu được hình dung như là bản chất đơn giản hay như là Lực, sự vận động quả là trọng lực; nhưng trọng lực thì lại không hề chứa đựng trong nó các sự phân biệt hay dị biệt này.

 

§ 154

[c) Việc “giải thích” (das Erklären):]

Vậy, sự phân biệt hay dị biệt (der Unterchied), trong cả hai trường hợp, đều không phải là sự phân biệt, dị biệt tự-mình: hoặc cái phổ biến, – Lực –, là dửng dưng với việc phân chia ở trong quy luật, hoặc các sự dị biệt, – các bộ phận của quy luật – là dửng dưng với nhau. Thế nhưng, giác tính sở dĩ được Khái niệm về sự phân biệt tự-mình này chỉ là vì quy luật một phần là cái Bên trong tự-mình, nhưng, phần khác, đồng thời cũng là cái gì đã được phân biệt ngay bên trong Khái niệm. | Cho rằng sự phân biệt hay dị biệt này là sự phân biệt bên trong là do quy luật là Lực đơn giản, hay như là Khái niệm về bản thân sự phân biệt này và do đó là một sự phân biệt hay dị biệt của Khái niệm. Nhưng, sự phân biệt bên trong này thoạt đầu chỉ mới rơi vào bên trong [thuộc về] giác tính, chứ chưa được thiết định ngay nơi bản thân sự vật. Cho nên, nó chỉ mới là sự tất yếu riêng của giác tính, được giác tính phát biểu ra: chính giác tính tạo nên sự phân biệt khi đồng thời phát biểu rằng sự phân biệt ấy không hề là sự phân biệt của bản thân Sự vật. Sự tất yếu này, – chỉ ở trong ngôn từ –, do đó, là sự kể lể các yếu tố tạo nên vòng tròn [khép kín] của sự tất yếu. | Các yếu tố này quả là được phân biệt ra, nhưng đồng thời người ta lại bảo rằng sự phân biệt của chúng không hề là một sự phân biệt của bản thân Sự vật, và vì thế, sự phân biệt ấy lập tức lại bị phủ định và vượt bỏ: tiến trình vận động này gọi là sự GIẢI THÍCH (ERKLÄREN)(274). Như vậy, [trong việc giải thích] người ta đề ra một quy luật, rồi phân biệt cái [yếu tố] phổ biến tự mình hay cơ sở [nguyên nhân] của nó – với tư cách là Lực – với quy luật, nhưng lại cho rằng sự phân biệt này không phải là sự phân biệt mà đúng ra, cơ sở được cấu tạo đúng hệt như quy luật. Chẳng hạn, sự kiện cá biệt của tia chớp được lãnh hội như là cái phổ biến và cái phổ biến này được phát biểu như là quy luật về điện: trong trường hợp đó, sự giải thích sáp nhập quy luật vào trong Lực như là bản chất của quy luật. Nghĩa là, Lực này được cấu tạo theo kiểu: khi nó tự biểu hiện ra thì xuất hiện hai dòng điện đối lập nhau và chúng lại biến mất vào trong nhau. | Nói cách khác, Lực có chính xác cùng một sự cấu tạo như quy luật, cho nên bảo rằng cả hai không có gì khác nhau cả. Các sự phân biệt [ở đây], một bên là quy luật và một bên là Lực thuần túy, nhưng cả hai có cùng nội dung, cùng đặc tính cấu tạo (Beschaffenheit); do đó, sự phân biệt giữa chúng – với tư cách là sự phân biệt về nội dung, tức của bản thân sự vật – lại bị rút lại [vứt bỏ].

 

§ 155

Trong tiến trình vận động lặp thừa (tautologisch) này, như trên đây đã chỉ ra, giác tính bám chặt [một cách cứng đờ] vào tính nhất thể yên tĩnh [không biến đổi] của đối tượng của nó, và tiến trình chỉ diễn ra bên trong bản thân giác tính chứ không ở bên trong đối tượng; tiến trình ấy là một sự giải thích không chỉ không giải thích gì cả mà còn rõ ràng là, trong khi làm như thể muốn nói một điều gì khác với điều đã nói, thì thực ra nó không nói điều gì hết cả mà chỉ đơn thuần lặp lại điều đã nói. Nơi bản thân sự vật, thông qua tiến trình này, không nảy sinh điều gì mới mẻ cả, vì tiến trình này chỉ mới được xem xét như tiến trình của giác tính. Tuy nhiên, nơi tiến trình này, chúng ta nhận thức ra chính điều còn thiếu vắng trong quy luật, đó là bản thân sự biến dịch tuyệt đối: vì tiến trình này, nếu ta xem xét kỹ hơn, trực tiếp là tiến trình đối lập của chính nó. Có nghĩa là, nó thiết định một sự phân biệt không những không hề là sự phân biệt đối với ta [người quan sát] mà bản thân tiến trình sẽ thủ tiêu như là sự phân biệt. Đó là cùng một sự biến dịch đã thể hiện trước đây trong sự tương tác của các Lực. | Sự tương tác ấy đã chứa đựng sự phân biệt giữa Lực kích thích và Lực bị kích thích, hay giữa Lực tự biểu hiện ra và Lực bị đẩy ngược lại vào trong chính nó, nhưng, trong thực tế, đây đã là những sự phân biệt vốn không phải là những sự phân biệt, và vì thế, cũng đều lại trực tiếp bị vượt bỏ. Ở đây, [ta] không chỉ có sự nhất thể đơn thuần, [trần trụi] theo kiểu không một sự phân biệt nào có thể được thiết định cả, trái lại, đúng ra, cái được thiết định chính là TIẾN TRÌNH nhờ đó một sự phân biệt được dựng nên, nhưng cũng nhờ tiến trình ấy mà sự phân biệt – vốn không phải là sự phân biệt –, lại bị thủ tiêu.

Do vậy, với việc giải thích, [ta thấy rằng] sự biến dịch liên tục – vốn trước đây chỉ có ở trong hiện tượng và nằm bên ngoài cái Bên trong – nay cũng đã thâm nhập vào trong bản thân thế giới siêu-cảm tính. | Tuy nhiên, ý thức của chúng ta đã chuyển từ cái Bên trong như là đối tượng sang phía khác, đó là sang giác tính và tìm thấy trong đó sự biến dịch(275).

 

 


(268) Hegel bắt đầu so sánh Khái niệm về Quy luật với những quy luật cụ thể. Sự quy giảm mọi quy luật của Tự nhiên vào một quy luật duy nhất (vd: quy luật vạn vật hấp dẫn), trong thực tế, là làm nghèo nàn hiện thực.

Sự xem xét về Lực dẫn đến những quy luật, vì Bản chất bên trong phải được dị biệt hóa để đáp ứng tính đa tạp của hiện tượng. Một quy luật nối kết các đặc điểm khác nhau của hiện tượng (vd: thời gian và khoảng cách nơi một vật thể rơi). Nhưng, khác với hiện tượng, những quy luật lại không biến dịch: “vương quốc của những quy luật” là một “bức tranh yên tĩnh” (Bild hay Abbild: bản sao) về hiện tượng biến dịch. Nhưng, điều này không có nghĩa là các quy luật ít có tính khách quan hơn các Lực: chúng là những “sự quy định của giác tính ở trong bản thân thế giới” (Bách khoa thư, III §422A) (Trong tiếng Đức, quy luật (Gesetz) có nghĩa đen là “được quy định, được thiết định” (setzen)). Nhưng, khi xem xét các quy luật của sự vận động (cơ giới), Hegel gặp hai vấn đề:

- những quy luật có mục đích “hợp nhất hóa” những hiện tượng, nên chúng không được tách biệt với nhau mà phải được quy giảm thành một quy luật duy nhất. Nhưng quy giảm như thế (theo kiểu Newton với quy luật vạn vật hấp dẫn) sẽ dẫn đến một sự “lặp thừa” (Tautologie) trống rỗng, vì mọi sự vật lại đều phải dựa vào những điều kiện có trước, trong đó quy luật áp dụng.

- quy luật không đặt nền tảng đầy đủ cho hiện tượng: quy luật chỉ giải thích điều gì xảy ra nếu thỏa ứng một số điều kiện nào đó, chứ không phải là sự thỏa ứng các điều kiện này.

Suy nghĩ về vấn đề này dẫn ông đến việc xem xét các quy luật có những cái đối lập lưỡng cực (Polarität) như các quy luật của điện và từ. Từ đó, gợi ra quan niệm về “vương quốc những quy luật” như là “sự đảo ngược” hay “bức tranh chiếu ngược trong gương” của thế giới hiện tượng. (§157).

Ta sẽ gặp lại vấn đề “quy luật” trong chương V (“Lý tính quan sát”) (§240 và tiếp) khi Hegel bàn về những quy luật liên quan đến “sự sống hữu cơ”, và những quy luật lô-gíc và tâm lý học.

(269) Những yếu tố của quy luật được thiết định như là độc lập với nhau trong một quy luật cụ thể (vd: không gian và thời gian trong quy luật rơi của vật thể). Nhưng, trong “Khái niệm về quy luật”, giác tính suy tưởng về sự thống nhất hay nhất thể của các yếu tố này: tính thống nhất này là tính tất yếu của quy luật. Chỉ có điều, sự thống nhất này bị tách rời với sự dị biệt, do đó, giác tính hoặc chỉ tạo ra một sự lặp thừa (Tautologie), hoặc không có khả năng nắm bắt sự thống nhất này giữa hai yếu tố bị phân biệt.

(270) Bối cảnh của vấn đề này là các lý thuyết khác nhau về điện lúc đương thời. Khác với thuyết của Du Fay về điện dương và điện âm, B. Franklin cho rằng chỉ có một “chất lỏng điện” (elektrisches Fluidum) làm nền tảng chung. Khi Hegel bác “bản chất hai mặt của điện dương và điện âm”, ông đứng về phía B. Franklin. (dẫn theo bản Meiner).

(271) Giác tính phân biệt được như là Lực đơn giản với quy luật về điện (quan hệ giữa điện dương và điện âm), nhưng trong trường hợp này, Lực là dửng dưng với quy luật.

(272) “Existenz” (sự hiện hữu): Trong thuật ngữ Hegel, sự hiện hữu (Existenz) (gần đồng nghĩa với chữ Dasein), là một sự quy định (Bestimmung) của bản chất. Trong Khoa học Lô-gíc (Học thuyết về bản chất, II, Meiner, tr. 105 và tiếp) nó đến sau phạm trù Căn cứ hay cơ sở (Grund): Khái niệm này phát triển thành khái niệm điều kiện (không thể thiếu/sine qua non), và khi mọi điều kiện đã được thực hiện, thì sự vật (Ding) hay sự việc (Sache) mới thành sự hiện hữu. Còn “cái đang hiện hữu” (das Existierendes) là một sự vật (Ding) với nhiều thuộc tính. Nhưng, khác với “một cái gì đó” (Etwas), sự vật hiện hữu có nhiều thuộc tính là nhờ thoát thai từ một cơ sở (Grund). Cơ sở hay bản chất không dấu mình dưới các thuộc tính của sự vật mà hoàn toàn được “vượt bỏ” (aufgehoben) trong cái đang hiện hữu. Ở đây, Hegel cho rằng chữ “hiện hữu” được dùng không đúng.

(273) Trong trường hợp của điện, “Lực đơn giản” là dửng dưng với quy luật về nó (§152), nhưng dù sao các bộ phận của quy luật (điện âm và điện dương) hình như có sự đòi hỏi sự tồn tại của nhau. Còn trong trường hợp của sự vận động, không gian và thời gian là các “bộ phận” hay các “yếu tố” tỏ ra độc lập với nhau; các đại lượng của chúng cũng dửng dưng với nhau. Như thế, trong cả hai trường hợp, giác tính đều phân cắt, tách rời tính nhất thể với tính đa thể, sự tất yếu với quy luật.

(274) “Erklären” (giải thích, cắt nghĩa): Sự phân biệt giữa quy luật và sự tất yếu của quy luật là một sự dị biệt của Khái niệm, nhưng, thoạt đầu, giác tính chỉ suy tưởng sự “dị biệt nội tại” này là ở bên trong chính mình chứ không phải ở trong bản thân sự vật. Đó chính là tiến trình được ông gọi là “giải thích”. Nhưng, theo Hegel, sự “giải thích” (hay “định nghĩa”/Definition) như thế chỉ là sự “lặp thừa” (Tautologie), vd: giác tính giải thích tại sao á phiện có tác dụng an thần là do nó có “tính chất” hay “năng lực” an thần; tức là đơn thuần mô tả lại hiện tượng cần phải giải thích. Việc giải thích hiện tượng bằng Lực là “lặp thừa” và chỉ là sự “độc thoại của ý thức với chính bản thân mình” (xem: cuối §163). Một “cơ sở”, “nguyên nhân” hay “căn cứ” (Grund) như thế không chỉ “cắt nghĩa” sự vật mà còn do bản thân sự vật “cắt nghĩa” cho nó, vì nội dung của lý do là hoàn toàn được rút ra hay được đặt cơ sở từ nội dung của hiện tượng. Hegel gọi đó là cơ sở hay căn cứ hình thức (formaler Grund). Bước cao hơn là tìm ra cơ sở hay căn cứ thực tồn (realer Grund), tức cơ sở phải khác, phải được phân biệt với hiện tượng. Vd: các cơ sở khoa học, như trọng lực..., tức, về nội dung, khác với bất kỳ hiện tượng đặc thù nào cần được giải thích. Cơ sở này tuy không còn là lặp thừa, nhưng vẫn không giải thích được các hiện tượng đặc thù, vì hai lẽ: – nó có khả năng giải thích quá nhiều, quá rộng, và – thường phải chọn một phương diện của hiện tượng làm phương diện bản chất. Việc chọn ấy là tùy tiện và mối quan hệ của phương diện này với các phương diện khác là bất tất ngoại tại, trừ khi ta phải đi ra khỏi phạm trù “cơ sở”, đi ra khỏi công việc “giải thích” và biết xem xét Khái niệm của toàn bộ hiện tượng. (Xem: Lô-gíc học thời kỳ Jena, W.XVIII a, tr. 47 và Khoa học Lô-gíc, Meina, II, Học thuyết về bản chất, Chương 3: “Cơ sở” (Grund), tr. 64-91).

Như sẽ thấy trong cuối tiểu mục này, Lực và sự biểu hiện ra của Lực chỉ là sự phân biệt do giác tính dựng lên để rồi thủ tiêu chúng: chúng không phải là sự dị biệt trong bản thân sự vật. Lối giải thích “lặp thừa” này là đặc trưng của giác tính: “Sự giải thích không gì khác hơn là tạo ra một sự lặp thừa (Tautologie): lạnh là do mất sức nóng v.v..”. Giác tính không tìm thấy trong đó sự biến đổi về chất, mà “chỉ có một sự thay đổi vị trí của các bộ phận; ... trái cây là “do” độ ẩm, dưỡng khí, thán khí v.v.., nói ngắn, là tất cả những gì vốn là bản thân nó [trái cây] [sự đồng nhất hoàn toàn về nội dung giữa sự giải thích và hiện tượng cần được giải thích]. (Lô-gíc học ở Jena, Sđd, tr. 47).

(275) Bước ngoặt biện chứng cơ bản: Tiến trình giải thích, tuy có tính lặp thừa, nhưng vẫn là một tiến trình vận động, và, như đã thấy, là tiến trình đối lập lại với chính mình, nghĩa là, khi nó tạo ra một sự phân biệt hay dị biệt, nó lại thủ tiêu sự phân biệt này. Vậy là, những gì còn thiếu ở trong “vương quốc [cứng đờ của] những quy luật” nay đã được đưa vào trong đó nhờ vào tiến trình vận động này của giác tính, tức nhờ vào biện chứng về sự đảo ngược, cho thấy sự đồng nhất về cấu trúc biện chứng của chủ thể lẫn của đối tượng. Ở đây là sự đồng nhất của “sự tương tác của các Lực” (đối tượng) và “sự giải thích” (chủ thể) và việc đưa “sự biến dịch thuần túy” – vốn là quy luật của bản thân giác tính vào trong cái Bên trong hay vào trong cái “Siêu-cảm tính” (bản chất của đối tượng).

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt