Triết học Mỹ

Emerson, nhà thấu thị và nhà hiền triết

EMERSON, NHÀ THẤU THỊ VÀ NHÀ HIỀN TRIẾT

DONALD A. GALLAGHER(*)

Nguyễn Thị Minh dịch

 


Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.


 

Tính cách chung. Trong mắt của thời đại ông, trong và ngoài nước, và trong mắt của hậu thế, “Nhà hiền triết của Concord”, Ralph Waldo Emerson, là nhà triết học đại diện không chỉ của thuyết siêu việt mà còn của nước Mỹ thế kỷ XIX. Là một người gốc Boston và tốt nghiệp đại học Harvard, Emerson xếp vào hàng dài các thánh của đạo Tin lành và bản thân ông là một giáo sĩ theo thuyết Nhất vị từ lúc khởi đầu sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã từ bỏ tín điều khá tự do này và trở thành một người viết lách. Ông vẫn luôn giữ lại chút gì đó của con người giảng đạo và, mặc dù yêu sự cô độc và chiêm nghiệm, ông sẵn sàng bước tới bục giảng, và qua nhiều năm đi qua nhiều vùng của đất nước trên các cung đường Chautauqua và nhiều cung đường tương tự.

Emerson, người đã thúc giục chúng ta suy nghĩ bằng chính tư duy của mình và cất lên “tuyên ngôn độc lập của trí thức” Hoa Kỳ trong diễn văn Phi Beta Kappa năm 1836, “Học giả Hoa Kỳ”, đã mang ơn sâu sắc các nhà hiền triết và nhà tiên tri ở mọi lứa tuổi và miền đất. Tất cả mọi điều, như Tập san của ông tiết lộ đầy đủ, đều có lợi cho ông. Nhưng nếu tính độc đáo không phải là một biểu hiện của tư duy hoàn toàn mới (một điều gần như không thể) cho bằng là một biểu hiện của minh triết và chân lý sâu hơn và được thốt ra khéo léo hơn bao giờ hết, Emerson có sự độc đáo riêng của mình. Ông nghiền ngẫm về những gì ông đã hấp thụ, ông trầm ngâm và hòa đồng với thiên nhiên khi đi dạo bên hồ Walden, ông trông đợi vào bản thân, ông nỗ lực là chính mình, cho đến khi ông có thể diễn đạt chính tư tưởng của mình bằng sự tươi mới của cách nói chứng thực cho sự tươi mới của tầm nhìn. Chắc hẳn, có một thuyết tự ngã “siêu việt” cao cả cho tất cả điều này, và bản thân Emerson đôi khi nói về người khác, thậm chí là bạn thân, như thể ý nghĩa chính của họ đối với ông là họ đã mang đến cho ông vì sự phát triển của ông. Tuy nhiên, ông sẽ nói rằng, hiện thực hóa chính mình theo cách này là tùy ở mỗi người.

Tiêu đề của các bài tiểu luận của Emerson thuộc một kiểu tư duy nhiều tính tư biện hơn, cho thấy các chủ đề triết học thu hút sự chú ý của ông: “Plato hay là vị triết gia”; "Đền bù"; “Các nhà theo thuyết siêu việt”; “Siêu linh hồn”; “Tự lực”. Rất khó để tìm thấy một hệ thống triết học rõ ràng và nhất quán thể hiện trong các tác phẩm này. Thật vậy, cố gắng tạo ra một nỗ lực loại này hoàn toàn bỏ lỡ điểm chính mà Emerson muốn làm; sự nhất quán, ông nói, là loài yêu tinh quấy phá của những cái đầu bé mọn. Tuy nhiên, ở một trong những tác phẩm đầu tay của mình, Nature (1836), ông đưa ra cho ta một tuyên bố khá chắc chắn về niềm tin triết học của mình, chỉ ra ông đã tiếp nhận quan điểm duy tâm theo cách nào và bằng cách nào ông đã vượt ra ngoài một thuyết duy tâm thuần túy nhận thức luận . Tinh thần, ông nói, luôn luôn bị thôi thúc đặt câu hỏi “liệu thiên nhiên có hiện hữu bên ngoài hay không”.

“Một sự hoài nghi cao cả không ngừng gợi ý cho bản thân, liệu điểm cuối này có phải là Nguyên nhân tối hậu của vũ trụ, và liệu tự nhiên có hiện hữu bên ngoài hay không. Là một miêu tả đầy đủ của sự xuất hiện mà ta gọi là thế giới mà Thượng Đế sẽ dạy cho tinh thần con người, và vì vậy làm cho nó trở thành người tiếp nhận một số lượng nào đó các cảm giác đồng dạng mà chúng ta gọi là mặt trời và mặt trăng, đàn ông và phụ nữ, nhà cửa và thương mại. Trong sự bất lực hoàn toàn của tôi để kiểm tra tính xác thực của ghi nhận của các giác quan của mình, biết liệu những ấn tượng mà chúng tạo ra đối với tôi có tương ứng với các đối tượng bên ngoài hay không, nó tạo ra sự khác biệt nào về việc liệu sao Orion có ở trên trời kia, hay một vị thần nào đó vẽ ra hình ảnh đó trên bầu trời của linh hồn? Các mối quan hệ của các bộ phận và kết thúc của toàn bộ còn lại vẫn như nhau, đâu là khác biệt liệu đất và biển tương tác với nhau và thế giới quay vòng và xen kẽ mà không có số hoặc kết thúc – vực sâu há ra nuốt vực sâu và thiên hà giữ thăng bằng cho thiên hà trong không gian tuyệt đối – hay liệu, không có mối quan hệ của thời gian và không gian, những sự xuất hiện giống nhau có được ghi khắc trong đức tin bất biến của con người hay không? Dù tự nhiên có hiện hữu thực sự mà không có hoặc chỉ có trong biến cố quan trọng của tinh thần, nó cũng hữu ích và đáng kính đối với tôi. Có thể là gì đi nữa, nó vẫn là lý tưởng với tôi bao lâu tôi không thể kiểm tra độ chính xác của các giác quan của tôi”.[1]

Theo cách nói tương tự, ông nói một vài năm sau đó,

“Người theo thuyết duy tâm khởi đầu từ ý thức của mình và cho rằng thế giới chỉ là hiện tương xuất hiện ra. . . . tư duy của họ - đó là Vũ trụ. Kinh nghiệm của họ có chiều hướng nhìn thấy diễn trình các sự kiện mà ta gọi là thế giới, như là những gì tuôn trào không ngừng ra bên ngoài từ một trung tâm vô hình, khôn dò trong chính họ, trung tâm giống như của họ và của những người khác, và thôi thúc họ coi tất cả mọi vật là có một sự hiện hữu chủ quan hay tương đối, tương đối với Trung tâm bất khả tri nói trên của họ. . . . Tôi – tôi gọi tư tưởng này là cái Tôi - là khuôn đúc trong đó thế giới được rót vào như sáp ong tan chảy”.[2]

Bằng cách nói ít tính kỹ thuật hơn và sau một sự xem xét ít khám phá hơn, Emerson dù sao đi nữa đã mang lại cho ta một thuyết duy tâm tiệm cận với thuyết duy tâm của Kant. Nó có tính phê phán, bởi vì, như ông nói, đàng nào thì thế giới là có tính “ý thể” (“ideal”/tức thuộc ý niệm của tâm trí. ND) với tôi chừng nào tôi không thể kiểm tra độ chính xác của các giác quan của mình. Một thuyết duy tâm như thế có công dụng của nó - nó giải phóng ta khỏi vật chất, nhưng nó không thỏa mãn các yêu cầu của tinh thần. “Nó để tôi trong mê cung lộng lẫy của những tri giác của tôi, đi lang thang không có kết thúc”. Vì thế, “trong tình trạng hiện tại của tri ​​thức của chúng ta, thuyết duy tâm là một giả thuyết mở đầu hữu ích, dạy cho ta biết sự phân biệt vĩnh cửu giữa linh hồn và thế giới”.[3]

 

Vượt ra ngoài thuyết duy tâm. Ta phải vượt ra ngoài thuyết duy tâm. Bằng cách nào? Tự nhiên gợi ra ba câu hỏi về vật chất, “Vật chất là gì?” “Vật chất từ đâu đến?” và “Vật chất sẽ đi đâu?” Ở nơi nào nó cũng gắn với Linh hồn. Thuyết duy tâm chỉ có thể trả lời cho ta câu hỏi đầu tiên trong số những câu hỏi này, chỉ dạy cho ta biết rằng vật chất không phải là thực thể mà là một hiện tượng.[4] Làm thế nào người ta có thể chuyển từ thuyết duy tâm sang Tinh thần? Emerson chỉ đơn giản nêu vấn đề. . Đi theo “các bước vô hình của tư duy, ông tìm hiểu về tự nhiên, và “nhiều sự thật [ẩn giấu] đối với chúng ta trong những ngóc ngách của ý thức”.[5] Bí mật của ông là trực giác; giống như mọi nhà thấu thị , ông ở trong sự hòa đồng với tồn tại. Trong sự cô độc, đạt được trọn vẹn nhất sự giao hòa với Tự nhiên, ông đến gần với Thượng Đế, và thậm chí còn được đồng nhất hóa với Ngài.

“Đứng trên nền đất trống - đầu tôi tắm trong không khí thanh thản và được nâng lên trong không gian vô tận - tất cả có nghĩa là thuyết tự ngã biến mất, tôi trở thành một nhãn cầu trong suốt; tôi không là gì cả; tôi thấy tất cả; dòng chảy của Tồn tại phổ quát lưu thông qua tôi; tôi là một phần hay một mảnh của Thượng Đế”.[6]

Do đó, sự hữu dụng nhất của Tự nhiên là trở thành người trình bày Tinh thần Thượng Đế và dạy chúng ta rằng ta là một với Nó.

Emerson giải thích đầy đủ hơn Tinh thần (Spirit) theo ông nghĩa là gì trong tác phẩm “Siêu linh hồn” (Over-Soul), một bài tiểu luận nhờ nhiều vào Plotinus, vị triết gia mà các tác phẩm của ông luôn ở bên Emerson. Siêu linh hồn

“Nhà phê bình tối cao đối với những sai lầm của quá khứ và hiện tại... là thiên nhiên vĩ đại nơi chúng ta dựa vào khi trái đất nằm trong vòng tay mềm mại của bầu khí quyển; sự Hợp nhất đó, Siêu linh hồn đó, mà bên trong nó mỗi tồn tại cá biệt của con người được bao chứa và làm cho trở thành nhất thể với mọi tồn tại khác”.[7]

Sự lưỡng phân hoặc sự rẽ đôi của triết học phê phán được khắc phục; nó được siêu vượt bởi trực giác của nhà thấu thị. “Chỉ có nhờ tầm nhìn của sự Minh triết đó thì mới có thể đọc được lá số tử vi của mọi thời đại”. “Linh hồn là kẻ nhận thức và tiết lộ sự thật. Chúng ta biết sự thật khi nào ta thấy nó, hãy để người hoài nghi và người báng bổ nói ra điều họ chọn”.[8]

 

Đạo đức học. Đạo đức học phát triển từ sự minh triết của trực giác và huyền bí này có thể được nói ngắn gọn trong cách nói của chính Emerson, “Tự lực”. Trong những trang cuối cùng của Nature, Emerson nói với chúng ta rằng ông, người biết Tinh thần là gì, nhìn thế giới bằng con mắt mới mẻ. Bạn phải học cách tự tin vào bản thân, bạn phải tự lực, và từ đó, “xây dựng thế giới của riêng bạn”. Như Parrington nói,

“Được cởi bỏ cách viết duy tâm của nó. . . ý tưởng chủ đạo của triết học Emerson là sự đầy đủ thiêng liêng của cá nhân. . . . Gốc rễ của nền dân chủ là phán xét chính mình, tôn trọng chính mình”.[9]

Cá nhân luận của Emerson đã đi xa đến mức ông thậm chí còn nói về sự biến mất của nhà nước (mặc dù theo một nghĩa khác với nghĩa của Marx đương thời với ông) khi con người thông thái này xuất hiện. “Con người thông thái là nhà nước”. Đây ít nhất là điều mà con người trong việc tìm kiếm sự minh triết đang hướng tới. Trong khi đó, ông thúc giục, “mỗi con người nên là một cách sống mới, không phải là sự lặp lại đơn thuần”. Ở đây, để cập nhật hóa Emerson , ta có thuyết hiện sinh của ông, đạo đức học về sự dấn thân của ông.

Học thuyết Emerson từ về sự tự lực và không tuân phục lề thói dường như thể hiện tới mức hoàn thiện tinh thần của chủ nghĩa cá nhân độc lập mạnh mẽ và rắn rỏi của nước Mỹ tiên phong trong thời đại của ông và tương phản với xu hướng đồng dạng, đồng phục, bị bên ngoài chi phối, ngày càng dễ thấy ngày nay. Tuy nhiên, học thuyết về sự tự lực của ông hoàn toàn không có nghĩa là mỗi người là một cá nhân tự trị trong tồn tại của mình; thay vào đó một người trở nên tự lực trong chừng mực trong đó mỗi người trở nên đồng nhất với Siêu-Linh hồn. Nói cách khác, tự lực là tín thác vào Thượng Đế. Trong bài thơ “Tự lực” của Emerson, sự phụ thuộc này của linh hồn vào Thượng Đế được nêu lên rõ ràng:

“Từ nay trở đi, lạy Chúa, mãi mãi con từ bỏ

Gông xiềng của tư kiến loài người. Con xin nguyện

Vô tư như một chú chim, và sống cùng Thượng Đế.

Con tìm thấy người ở tận đáy lòng con,

Nơi đây tiếng người con nghe không nghỉ.

* * *

Cây kim nhỏ luôn biết nơi đâu là hướng Bắc,

Con chim nhỏ nhớ tiếng ca của mình,

Và đấng thấu thị minh triết trong con không bao giờ phạm lỗi,

Con không bao giờ dạy nó điều nó dạy cho con;

Con chỉ nghe theo khi con hành động đúng[10]

 

Thuyết phiếm thần? Tất nhiên, trong mọi triết học đạo đức Kitô giáo, có một nghĩa rất thực trong đó sự tự lực của vật thụ tạo dựa trên sự phụ thuộc vào Thượng Đế; vật thụ tạo bị ràng buộc bởi bổn phận đối với Đấng sáng tạo ngôi vị chính là vì mối quan hệ của mình như một vật thụ tạo ràng buộc với Đấng sáng tạo ra mình. Câu hỏi là liệu có phải trong một triết học như triết học của Emerson thì sự hợp nhất về đạo đức của bản ngã và Thượng Đế không đồng thời là sự đồng nhất hóa tối hậu trong tồn tại.

Trong những năm về sau , Emerson nhấn mạnh sự phụ thuộc của linh hồn và sự đồng nhất với Tinh thần vĩnh cửu, với Siêu Linh hồn, hay Thượng Đế, và vì thế bị buộc tội là theo thuyết phiếm thần. Nếu, như Gilson đã chỉ ra, Plotinus không phải là người theo thuyết phiếm thần vì đối với ông, cái Một không phải là Hữu thể (Being) và do đó không giống với các thực thể lưu xuất từ Ngài, người ta sẽ nói gì về nhà siêu việt luận Tân-Plato của thế kỷ XIX này? Mặc dù quan niệm của Emerson về tồn tại nhờ nhiều vào siêu hình học sáng tạo luận về tồn tại, tuy nhiên, vì ông rốt cuộc đồng nhất hóa sự tồn tại của linh hồn với sự tồn tại của Siêu Linh hồn, thì phải cho phép nói rằng ông là người theo thuyết phiếm thần. Con trai ông, Edward Emerson, cho rằng đây là một diễn giải đúng về tư tưởng của Ralph Waldo. Điểm quan trọng dường như là nếu các nhà Tân-Plato theo Ki tô giáo và nhà huyền học ý thức về và bám vào một thần học về sự sáng tạo trong khi chấp nhận một siêu hình học theo thuyết lưu xuất thấy khó mà tránh khỏi việc đồng nhất vật thụ tạo và đấng sáng tạo, thì sẽ càng khó khăn hơn bao nhiêu cho những người mà bản thân thuyết Plato-mới của họ là phiên bản yếu hơn của Plotinus và học thuyết của họ về tồn tại chứa đựng những dấu tích của một thần học về sáng tạo không được thừa nhận?

 

Đánh giá. Những đánh giá về Emerson là rất khác nhau. Một số, như Noah Porter cùng thời với ông, cho rằng tầm nhìn của ông đúng ra thuộc về lĩnh vực tưởng tượng hơn là tư biện. Những người khác, như Parrington, so sánh ông với Plato, Shakespeare và Goethe. Tư tưởng của ông, như ta đã thấy, có nét tương đồng với tư tưởng của Plotinus và Kant. Emerson có phải là người ngang hàng với họ không?

Đối với tôi, Emerson được đánh giá là vĩ đại không phải vì quyền lực của tư tưởng của ông cho bằng việc ông là đại diện cho đất nước mình về tư tưởng, cũng giống như Lincoln về hành động, với tư cách là một nhà tư tưởng nhân văn chân thành sâu sắc và trung thành với tầm nhìn cá thể của mình về mọi vật. Ông không phải Kant cũng không phải Plotinus, vì nhận thức luận phê phán và học thuyết về dòng chảy thiêng liêng của ông không thể sánh với các học thuyết của họ; ông không phải Plato cũng không phải Shakespeare trong sự minh triết về đạo đức, không vĩ đại như những người cùng thời như Newman và Kierkegaard, Emerson vẫn là một nhà hiền triết và một nhà thấu thị bằng nỗ lực riêng của mình. Mặc dù học thuyết của ông có thể không hoàn chỉnh, song nhà thông thái của Concord dạy người ta phải thành thật với chính mình, tư duy bằng chính tư duy của mình, và đứng trên đôi chân của chính mình.



(*) Giáo sư Triết học Đại học Villanova

[1] “Nature” trong The Complete Essays, tr. 26-28.

[2] “The Transcendentalist” trong op., cit., tr.89-90

[3] “Nature” in op.cit., tr.35.

[4] Tlđd

[5] Tlđd

[6] Tlđd., tr.6. Xem thêm “The Over-Soul” trong op.cit., tr.263.

[7] “The Over-Soul” trong op.cit., tr.262.

[8] Tlđd, tr. 262-263.

[9] Op.cit., tập II, tr.390.

[10] “Tự lực” trong The Complete Essays, tr. 815.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt