Triết học Mỹ

Pierce - Triết gia của triết gia

 

PEIRCE – TRIẾT GIA CỦA TRIẾT GIA

 

DONALD A. GALLAGHER(*)

Nguyễn Thị Minh dịch

 


Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.


 

Charles Sanders Peirce (1839-1914)

Cuộc đời và ảnh hưởng. Charles Sanders Peirce (1839-1914), người mà tầm vóc của ông như một nhà tư tưởng, trong một thời gian dài chỉ được một số người đánh giá cao, gần đây đã được thừa nhận. Là con trai của một trong những nhà toán học hàng đầu nước Mỹ, Benjamin Peirce ở Harvard, chàng Peirce trẻ (được gia đình phát âm là “purse”) lớn lên trong những hoàn cảnh thuận lợi cho đời sống học tập và trở thành người đặc biệt uyên bác. Tuy nhiên, vì những lý do phần lớn là bởi cá tính , ông không bao giờ có thể giữ một vị trí giảng dạy lâu dài và không bao giờ có thể tạo ra được hệ thống đồ sộ của triết học mà ông đã lao động miệt mài trong hơn bốn mươi năm. Tuy nhiên, quá nhiều điều đã được tạo ra từ sự thất bại của Peirce. Không chỉ giữ một vị trí trong cơ quan Khảo sát trắc địa Hoa Kỳ (United States Geodetic Survey) trong nhiều năm, ông còn có những đóng góp quan trọng cho khoa học, công bố khoảng chín mươi bài viết trong triết học, khoảng hai mươi bài báo và một tuyển tập nhỏ về các vấn đề khoa học, và khoảng một trăm hai mươi bài điểm sách . Một nhà phê bình người Anh gần đây, mượn một cách diễn đạt của Dewey, nhận xét “. . về cơ bản, ông là một triết gia của triết gia, một nhà phát minh và người làm sâu thêm các ý tưởng, lý thuyết và phương pháp nhưng lại không có thiên khiếu và năng lực trở thành một người trình bày hiệu quả chính những phát hiện của mình”.[1] Các bản thảo của Peirce, bảo lưu thành quả của nửa thế kỷ tư biện, hiện đặt trong Kho lưu trữ của Harvard. Tám tập các bài viết quan trọng và tiêu biểu nhất của Peirce đã được xuất bản.[2]

Danh tiếng triết học của Peirce chủ yếu là do gắn với tuyên bố của ông rằng ông là “Cha đẻ của thuyết dụng hành”. Tuy nhiên, ngoài việc đề ra nguyên tắc của thuyết dụng hành, Peirce còn có những đóng góp quan trọng khác về triết học. Các đóng góp này bao gồm những thành tựu của ông trong logic học biểu trưng, lý thuyết về kí hiệu, phương pháp phân tích sự xuất hiện ra (phaneroscopy) hay phương pháp hiện tượng học, học thuyết về các phạm trù, và thuyết duy thực siêu hình của ông. Mặc dù người ta vẫn còn tranh cãi liệu Peirce có thành công trong việc thống nhất các yếu tố này thành một hệ thống triết học hoàn toàn nhất quán hay không, song ông đã rất mực cố gắng để làm như vậy và thuyết dụng hành (pragmatism) của ông (hay “pragmaticism” như sau này ông gọi nó) phải được nhìn trong văn cảnh của nhãn quan triết học tổng thể của ông.

 

Phương pháp dụng hành. Nghiên cứu của ông trong toán học và khoa học, cũng như ảnh hưởng của thuyết duy nghiệm Anh, đã khiến Peirce hình thành châm ngôn dụng hành. Mối quan tâm chính của ông là khám phá một phương pháp giúp người ta làm rõ ý nghĩa của các khái niệm và mệnh đề. Ông nêu lên nguyên tắc dụng hành của mình như sau, trong cách trình bày có lẽ là nổi tiếng nhất:

“Xét xem những tác động nào có thể có những phương diện thực hành có thể quan niệm được, chúng ta quan niệm đối tượng của khái niệm của mình phải có. Bấy giờ, khái niệm của chúng ta về các tác động này là toàn bộ khái niệm của chúng ta về đối tượng”.[3]

Trong một phát biểu khác về nguyên tắc này, Peirce nói:

“Để xác định ý nghĩa của một khái niệm trí tuệ, người ta nên xem xét những hệ quả về mặt thực hành nào có thể tất yếu sinh ra từ chân lý của khái niệm đó; và tổng số những hệ quả này sẽ tạo thành toàn bộ ý nghĩa của khái niệm đó.[4]

Trong những đoạn này và nhiều đoạn khác, trong đó ông giải thích ý nghĩa của thuyết dụng hành, Peirce nhấn mạnh vào những hạn chế của nguyên tắc dụng hành như ông hiểu nó. Thuyết dụng hành không phải là một loại nào thuộc về một bức tranh thế giới hay thế giới quan (Weltanschauung), mà là “một phương pháp suy tư có mục đích làm cho các ý niệm trở nên rõ ràng”.[5] Peirce không mở rộng lý thuyết về thuyết dụng hành để bao gồm một học thuyết về chân lý cũng như về ý nghĩa, và ông không đưa vào lý thuyết của mình, như James đã làm, một tham chiếu đến sự thỏa mãn. Đối với James, thuyết dụng hành là một phương pháp xác định chân lý của các mệnh đề trong chừng mực chúng đáp ứng hay không đáp ứng các mục đích và thỏa mãn các nhu cầu của ta. Đối với Peirce, nó hoàn toàn là một phương pháp hay kỹ thuật để làm rõ ý nghĩa của các khái niệm. Sự khác biệt giữa James và Peirce về điểm này có thể được diễn đạt bằng cách nói rằng Peirce quan tâm đến ý nghĩa khách quan và công khai của một ý niệm, quan tâm đến “các phương thức chung của hành vi lý tính”, trong khi đó James quan tâm đến nội dung có tính tâm lý và cá nhân của các ý niệm hay thuật ngữ và đến các hệ quả cụ thể của chúng. Chính vì James đã đặt một kiến tạo lên phương pháp dụng hành không thể chấp nhận được với Peirce đến nỗi Peirce đổi tên nguyên lý của ông thành “pragmaticism”, một cái tên “đủ xấu xí để được an toàn trước bọn mẹ mìn”.[6]

Tuy nhiên, lý thuyết của Peirce cũng nhấn mạnh đến những hệ quả thực hành theo sau chân lý của các khái niệm. Do đó, ở mức độ mà ông nhấn mạnh phương diện thực tế hơn là giá trị tư biện của các ý niệm, ông là một nhà dụng hành đích thực và là cha đẻ của các nhà dụng hành về sau này.

 

Lý thuyết về ký hiệu hay “ký hiệu học” (“semiotic”). Theo Peirce, một ký hiệu là bất cứ cái gì được dùng để quy chiếu tới một đối tượng độc lập với chính nó. Ta cần phải phân biệt giữa bản thân ký hiệu, đối tượng của ký hiệu, và sự diễn giải ký hiệu. Trong lý thuyết về ký hiệu cũng như trong lý thuyết về triết học dụng hành, ta có thể thấy mối quan tâm của Peirce đối với việc hiểu ý nghĩa của sự vật và các ý niệm. Ông không phải là một nhà hoài nghi, nhưng trong “thuyết có thể sai” (fallibilism) của mình, ông cho rằng sự theo đuổi tri ​​thức của chúng ta là một sự theo đuổi ngày càng đến gần hơn sự chắc chắn tuyệt đối. Như ông nói, “có ba thứ mà chúng ta không bao giờ có thể hy vọng đạt được; đó là sự chắc chắn tuyệt đối, sự chính xác tuyệt đối, tính phổ quát tuyệt đối”.[7]

 

Hiện tượng học và học thuyết về các phạm trù. Một đóng góp quan trọng thứ ba của Peirce là phaneroscopy hay hiện tượng học của ông (chữ Hy Lạp phaneron có nghĩa là bất kỳ hiện tượng nào xuất hiện ra cho tâm trí, bất kể chúng có tương ứng với sự vật thực tồn nào hay không. ND). Phương pháp này, có một số điểm tương đồng với phương pháp của Edmund Husserl, hậu bối kém ông 20 tuổi, là chìa khóa của Peirce để đi vào siêu hình học. Với ông, siêu hình học phải dựa trên sự quan sát và phải sử dụng phương pháp quan sát cơ bản và đáng tin cậy nhất nó có thể tìm thấy. Đây là hiện tượng học hay phaneroscopy. Nó là

“một môn khoa học. . . chỉ cần chiêm nghiệm về các hiện tượng như chúng là, đơn giản mở mắt ra và mô tả những gì nó nhìn thấy.”[8]

Phaneroscopy là nghiên cứu được hỗ trợ bởi sự quan sát trực tiếp những cái xuất hiện ra và khái quát hóa các quan sát về nó, phân biệt một số loại chung của các hiện tượng xuất hiện ra; mô tả các đặc điểm của mỗi hiện tượng; cho thấy rằng , dù chúng trộn lẫn chặt chẽ với nhau đến mức không cái nào có thể bị cô lập, nhưng rõ ràng là các tính cách của chúng hoàn toàn khác nhau; sau đó dễ dàng chứng minh rằng một danh sách rất ngắn nào đó bao gồm tất cả các phạm trù rộng nhất này của các hiện tượng. . . và cuối cùng tiến hành nhiệm vụ nặng nhọc và khó khăn là liệt kê các tiểu bộ phận của các phạm trù này”.[9]

Thuật ngữ phaneroscopy có nghĩa đen là “kiểm tra cái xuất hiện ra”, nhưng ta không thể diễn giải từ phaneron thành appearance hay chỉ là vẻ bề ngoài của một sự vật. Đúng hơn, nó ngụ ý một cái gì nguyên thủy nhất và rõ ràng nhất được mang lại cho ý thức của ta. Chính những dữ liệu nguyên thủy này, nghịch lý thay, lại là phương pháp phản tư mà những nỗ lực của phaneroscopy muốn tái hiện lại; tinh thần rất tinh vi và phản tư đang cố gắng để đạt được mục tiêu gần như không thể là tiết lộ ý thức ngây thơ nhưng sâu sắc của những kinh nghiệm nguyên thủy và diễn đạt điều không thể diễn đạt được.

Nỗ lực cụ thể của Peirce là hé lộ các đặc điểm phổ quát nhất của hiện tượng trong kinh nghiệm nền tảng của ta về chúng. Vì thế ông được hiện tượng học dẫn dắt đến học thuyết về các phạm trù. Ông đi đến ba phạm trù cơ bản có thể phát hiện ra được trong mọi hiện tượng. Ông gọi các phạm trù này là cái thứ nhất, cái thứ hai cái thứ ba, Giống như trường hợp với nhiều khía cạnh của tư duy sâu sắc nhưng khó hiểu của ông, thật khó để giải thích những điều này rõ ràng trong một không gian hạn chế. Ông mô tả cái thứ nhất bao gồm “những phẩm chất của hiện tượng, chẳng hạn như đỏ, đắng, tẻ nhạt, cứng rắn, não lòng, cao quý”[10]. Cái thứ hai đề cập đến kiện tính tàn bạo của kinh nghiệm về hiện tượng. Các sự kiện là “tàn bạo”, chúng kháng cự lại ý chí và mong muốn của chúng ta. Chúng là thực tế và xác định, trong khi các phẩm chất thì có tính tiềm năng và mơ hồ. Cái thứ ba đề cập đến quy luật có thể nhận ra trong các sự vật. Nó chỉ ra các khả thể cũng như sự xuất hiện thực tế, và vì thế có phạm vi rộng hơn so với cái thứ nhất hoặc cái thứ hai.

Ba phạm trù này cũng được mô tả ngắn gọn là phẩm chất hay tính tự phát, , tính thực tế hay phản ứng, khả thể hay sự hình dung. Peirce mô tả ba lĩnh vực của nghiên cứu trong siêu hình học là những lĩnh vực về sự ngẫu nhiên (bất định), tình yêu và logic - hay, theo thuật ngữ của ông, các học thuyết về tychism, agapism, và synchism (tính liên tục logic).

Nền tảng cho cách tiếp cận của Peirce, và khái niệm về siêu hình học là thuyết duy thực của ông. Ở một trong những phát biểu rõ ràng nhất về quan điểm của mình, ông nói:

“Không có gì ngăn cản ta biết những sự vật bên ngoài như chúng thực sự là và rất có thể là ta vì thế biết về chúng trong vô số trường hợp”.[11]

 

Đánh giá. Từ trình bày ngắn gọn này về một số ý niệm then chốt của triết học Peirce, ta có thể hiểu được tư tưởng của ông phong phú và đa dạng như thế nào. Ta cũng có thể đánh giá cao tại sao những người phê bình gay gắt triết học của ông đã lập luận rằng ông không đạt được một hệ thống nhất quán, rằng thuyết dụng hành tương thích với thuyết duy danh hơn là thuyết duy thực, rằng những yếu tố duy tâm trong tư duy của ông không tương thích với tư tưởng duy nghiệm cũng như duy thực. Cho dù ta có phán đoán như thế nào về vấn đề này, ít nhất ta có thể nói rằng Peirce vẫn sống thật với tầm quan trọng của tất cả các khía cạnh khác nhau của tư duy và thực tại; và cho dù ông không hoàn toàn thành công trong việc đạt được sự thống nhất của chúng trong triết học của mình, ông cũng đã có một tầm nhìn triết học hiếm có cho phép làm sáng tỏ bất cứ điều gì ông xem xét. Một “tinh thần “hạt giống” có ảnh hưởng mạnh mẽ”, Peirce đã tạo ảnh hưởng rõ rệt đến thế hệ ông và thế hệ sau và ảnh hưởng của ông đang ngày càng tăng lên.

 



(*)Giáo sư Triết học Đại học Villanova

[1] W.B.Gallie, Peirce and Pragmatism (Harmondsworth-Middlesex: Penguin Books, 1952), trang 39-42.

[2] Charles Hartshorne và Paul Weiss chủ biên, Collected Papers of Charles Sanders Peirce, 8 tập (Cambridge, Mass: Harvard University Press, 1931-1958). Một tuyển tập tiện lợi có trong Philosophical Writings of Peirce, Jusstus Buchler chủ biên (New York: Dover, 1955).

[3] Phát biểu này được thấy trong bài viết của Peirce, “How to Make our Ideas Clear”. Lúc đầu nó xuất hiện trong Popular Science Monthly, tập 12 (January, 1878), tra.286-302, và được thấy trong Buchler, op.cit., tr.31. Văn bản này nên được so sánh với cách trình bày của Percy Bridgman về nguyên tắc của “thao tác luận” (operationalism) trong The Logic of Modern Physics (trang 5): “Bằng bất cứ một khái niệm nào, chúng tôi không muốn nói gì hơn một tập hợp các thao tác; khái niệm đồng nghĩa với tập hợp tương ứng các thao tác”.

[4] Trong Collected Papers of Charles Sanders Peirce, tập 5, tr. 9.

[5] Tlđd., tập 5, tr.13.

[6] Buchler, op.cit., tr.269.

[7] The Collected Papers of Charles Sanders Peirce, tập 1, tr.141.

[8] Tlđd, tập 5, tr.37.

[9] Buchler, op.cit., tr.75.

[10] The Collected Papers of Charles Sanders Peirce, tập I, tr.418.

[11] Tlđd, tập 5, tr.311.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt