Triết học Mỹ

Santayana - Kẻ duy ngã say mê hay nhà duy vật tỉnh táo?

 

SANTAYANA

KẺ DUY NGÃ SAY MÊ HAY NHÀ DUY VẬT TỈNH TÁO?

 

DONALD A. GALLAGHER

Nguyễn Thị Minh dịch

 


Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.


 

Cuộc đời và bối cảnh. George Santayana (1863-1952) sinh ra ở Madrid thuộc dòng dõi Tây Ban Nha. Được đưa đến Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ, ông được đào tạo tại Harvard, nơi ông theo học Palmer, James, và Royce, và ông đã dạy ở đó nhiều năm trong suốt “thời hoàng kim” của triết học cho đến khi có một khoản thừa kế cho phép ông nghỉ hưu ở châu Âu vào tuổi năm mươi. Sau khi đã được ghi nhận với bộ tác phẩm đồ sộ gồm năm tập, Đời sống của lý tính (The Life of Reason) (1905-1906), ông vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất triết học và văn học không suy giảm. Tác phẩm lớn của thời kỳ ở châu Âu của ông là Các lĩnh vực của tồn tại (The Realms of Being) gồm bốn tập (1929-1940). Tác phẩm đầu tiên, một loại hiện tượng học của tinh thần, được viết ra bởi một người con của vùng Địa Trung Hải được nuôi dưỡng ở New England nhiều sỏi đá, vẫn còn quan trọng. Tuy nhiên, bản thân tác giả lại coi Các lĩnh vực của tồn tại là tác phẩm chung quyết của mình.

George Santayana (1863-1952)

 

George Santayana đến từ bối cảnh Công giáo Tây Ban Nha (mặc dù cha mẹ của ông lần lượt là nhà thần luận và bất khả tri luận), và chính thức nhận mình là một người Công giáo. Ông có thiện cảm với văn hóa và truyền thống của các nước Công giáo, nhưng không chấp nhận giáo điều Công giáo. Trong giai đoạn đầu, dường như, ông từ chối đức tin. Với ông, sự lựa chọn là rõ ràng: hoặc là có đức tin hoặc vỡ mộng hoàn toàn. Cho đến cuối đời, ông vẫn lặp lại, “Tôi không sợ vỡ mộng và tôi đã chọn nó”.

Tại Harvard, Santayana chịu ảnh hưởng, có lẽ lâu dài hơn là ông thừa nhận, của Palmer, James và Royce, người mà ông miêu tả trong Tính cách và quan điểm ở Hoa Kỳ (Character and Opinion in the United States) (1920). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, các nguồn cội của thuyết duy vật hay duy nhiên của ông không phải có tính hàn lâm. Giống như cha mình, ông khởi nguồn thuyết duy vật của mình từ kinh nghiệm và sự quan sát thế giới nói chung, và đặc biệt từ chính những cảm xúc của mình. Tuy nhiên, thuyết duy vật của ông không ngăn cản ông thừa nhận sự thức nhận của Plato đối với lĩnh vực của các hình thức hay bản chất. Như Santayana nhìn nhận vấn đề thì không có sự đối lập giữa một phương pháp rèn luyện tinh thần theo Plato và triết học duy vật.

“Việc thừa nhận thế giới vật chất và thừa nhận các điều kiện của hiện hữu trong thế giới đó chỉ đơn thuần là khai minh tinh thần về cội nguồn những vấn đề của nó và các phương tiện để hạnh phúc hoặc giải thoát của nó; và chính hạnh phúc hoặc giải thoát, biểu hiện tối cao bất ngờ của ý chí và trí tưởng tượng của con người, là điều duy nhất thực sự làm tôi quan tâm. Đây là triết học đích thực duy nhất; đây là đời sống duy nhất của lý tính”.[1]

Vì thế, không có lý do gì để cho nhà duy vật tuyệt vọng; không có lý do vì sao họ không nên tu dưỡng đời sống tinh thần của mình. Một dân tộc có trí tưởng tượng lành mạnh đã trau dồi một đời sống như vậy – dân tộc Hy Lạp. Santayana, người đã nghiên cứu triết học Hy Lạp với Paulsen ở Berlin và sau đó với Jackson ở Cambridge, có sự ngưỡng mộ suốt đời đối với thành tựu của Hy Lạp. Thành quả của những phản tư và nghiên cứu của riêng ông theo những hướng này là Đời sống của lý tính hay các giai đoạn của sự tiến bộ của con người (Life of Reason or the Phases of Human Progress) (1905-1906). Công trình này được gợi cảm hứng từ Hiện tượng học tinh thần của Hegel, tác phẩm đã xuất hiện khoảng một thế kỷ trước đó. Tác phẩm dự định là “một lịch sử ngắn gọn về trí tưởng tượng của con người”. Năm tập của tác phẩm xem xét lý tính trong lương thức, lý tính trong xã hội, lý tính trong tôn giáo, lý tính trong nghệ thuật, lý tính trong khoa học.

 

Giữa thuyết siêu việt và thuyết duy vật. Dường như với Santayana, triết học mà ông được truyền dạy phần nào là vấn đề của tâm lý học văn học hoặc chỉ là biểu hiện trữ tình đơn thuần. Những câu hỏi làm bận tâm những người thầy của ông là: “Kinh nghiệm có các điều kiện bên ngoài nào quy định không?” và “Nếu có, ta có thể biết không?” James đã bị quấy rầy và bối rối bởi những câu hỏi này, trong khi Royce đã trịnh trọng đặt hệ thống của mình trên chúng. Chỉ sau khi đọc Fichte và Schopenhauer, Santayana mới thấy được con đường đi đến giải pháp cho mình.

“Ta phải dao động giữa một thuyết siêu việt triệt để, thẳng thắn quy giản thành thuyết duy ngã của khoảnh khắc sống, và một thuyết duy vật được thiết định như tiền giả định của sự sáng suốt theo quy ước. Không có mâu thuẫn trong việc hợp nhất một thuyết hoài nghi không phải là sự phủ định giáo điều của bất cứ điều gì với một đức tin bản năng được thừa nhận là một giả định đơn thuần trong hành động và mô tả”.[2]

Sự dao động như thế, theo chính người dao động, chỉ có thể biện minh được nếu ta trả lời được hai câu hỏi cơ bản: (1) Bắt đầu từ kinh nghiệm trực tiếp, điều gì là nguyên nhân nhận thức (causa cognoscendi) về thế giới tự nhiên? (2) Còn nếu xuất phát từ thế giới tự nhiên, điều gì là nguyên nhân của việc tạo ra (causa fiendi) kinh nghiệm trực tiếp?

 

Lĩnh vực của kinh nghiệm và đức tin bản năng. Nỗ lực của Santayana để trả lời những câu hỏi này tạo thành sự nghiệp triết học của ông. Xử lý câu hỏi thứ hai trước nhất, ông chỉ ra rằng việc ý thức xuất hiện ra trong cơ thể thực tế chính là sự thật. Bằng cách nào đó một tâm thần, tức là, một hạt nhân của tổ chức di truyền, tập hợp và chi phối cơ thể và sinh ra bên trong nó một tinh thần mơ mộng, đau khổ và quan sát. Ông nhắc nhở chúng ta, rằng ta mang ơn Fraser và Freud, vì họ đã cho thấy tinh thần là một thứ phong phú và điên rồ như thế nào.

Đối với câu hỏi đầu tiên, đâu là căn nguyên hiểu biết của ta về thế giới vật chất, Santayana đặt nền tảng niềm tin của mình vào sự hiện hữu của thế giới này. Ông làm điều này đầy đủ nhất trong Thuyết hoài nghi và đức tin bản năng, một loại lời tựa cho Các lĩnh vực của tồn tại. Cho dù có để người ta phê phán đến mức tồi tệ nhất, thì có hai điều không thể xoá bỏ được: trong ý thức sẵn có lĩnh vực của cái bản chất, và ý thức về sự hiện hữu của một thế giới về chúng ta. Ông nói về ý niệm bản chất:

“Sự tồn tại của những hình ảnh này trở nên thuần túy nội tại đối với chúng; chúng không hiện hữu trong môi trường không gian hoặc thời gian nào; chúng không có thực thể hoặc các phần bị ẩn giấu, mà tất cả đều là bề mặt, tất cả đều là sự xuất hiện ra. Một tồn tại như thế, hoặc chất lượng của tồn tại, tôi gọi là một bản chất; và đối với việc xem xét các bản chất, tự chúng cấu thành một lĩnh vực vĩnh hằng và vô tận, gần đây tôi đã dành phần lớn chú ý đến chúng”.[3]

Ông nói thêm:

“Đối với lĩnh vực đó tôi hoán chuyển những bức tranh quen thuộc được vẽ bởi các giác quan, hoặc bởi khoa học và tôn giáo truyền thống. Được xem là bản chất, tất cả các ý niệm đều tương thích và bổ sung cho nhau, như các nghệ thuật diễn đạt khác nhau; có thể nhận thức, đến một điểm nào đó, gánh nặng biểu trưng của mỗi trong số chúng, và có lợi từ những phê bình tinh thần của kinh nghiệm, mà nó có thể là hiện thân. Đặc biệt, tôi nhận ra chân lý tinh thần này trong các hệ thống Plato-mới và Ấn Độ, mà không thừa nhận khía cạnh huyền hoặc của chúng”.[4]

Santayana giờ đã thanh lọc và quy giản dữ liệu của kinh nghiệm trực tiếp và tất cả các kiến tạo của tư duy về chúng , tức là các bản chất vĩnh cửu. Hoàn thành sự quy giản này, ông phát hiện ra rằng “cảm thức về sự hiện hữu” của “thực tại bị phục kích” đều là về chúng ta, đều trở nên uy lực hơn. Lòng tin bản năng vào sự hiện hữu của thế giới tự nhiên là “sự bảo đảm cho cái không được mang lại tham gia vào hành động, vào kỳ vọng, sợ hãi, hy vọng hoặc mong muốn”.

“Đối tượng của lòng tin này là vật có năng lượng lớn được đương đầu trong hành động, cho dù vật này tự nó có thể là gì; bằng cách di chuyển, ngốn ngấu hay biến đổi vật này, tôi tự xác tín về sự hiện hữu của nó; và đồng thời sự tôn trọng của tôi đối với nó trở nên được làm sáng tỏ và cân xứng với sức mạnh nhất định của nó. Nhưng trong suốt quá trình để mô tả nó theo ý thích, tôi chỉ có những bản chất mà giác quan hoặc tư duy của tôi có thể gợi lên trong sự hiện diện của nó; đây là những kí hiệu và tên gọi không thể thiếu của tôi cho đối tượng đó.”[5]

Để miêu tả thế giới này, ông chỉ có trong tay những bản chất mà các giác quan hoặc tư duy của ông có thể gợi lên. “Tất cả đều là một câu chuyện được kể, nếu không phải bởi một thằng ngốc, thì ít nhất là bởi một kẻ mơ mộng, nhưng nó không hề không có ý nghĩa gì. Luôn luôn, vật chất thực sự bên trong và bên ngoài con người tiếp tục hân hoan theo những cách cổ xưa của nó và chấp nhận những cái mới và tạo ra các khái niệm tiếp diễn của chính nó trong đầu của chúng ta!”

Chúng ta đã tóm tắt hai luận đề lớn của triết học Santayana, tức là, trực giác về lĩnh vực bản chất vĩnh cửu và sự chấp nhận thế giới tự nhiên trên cơ sở lòng tin bản năng, phần lớn từ chính những trình bày của ông trong Một lịch sử ngắn về các quan điểm của tôi (A Brief History of My Opinions). Điều này không nói được gì về sự phong phú và tinh tế của sự phát triển của ông đối với các chủ đề này và các chủ đề liên quan trong các tác phẩm chính của ông, đặc biệt là trong tác phẩm đã được đề cập Các lĩnh vực của tồn tại. Tác phẩm lớn này của ông xuất hiện trong bốn tập, Lĩnh vực của bản chất (The Realm of Essence (1929), Lĩnh vực của vật chất (The Realm of Matter (1930), Lĩnh vực của chân lý (The Realm of Truth (1938), và Lĩnh vực của tinh thần (The Realm of Spirit (1940). Thuyết hoài nghi và lòng c tin bản năng (1923) là lời dẫn nhập cho cả bộ sách. Mặc dù với Santayana, tiếng Anh luôn là “một phương tiện truyền đạt hơn là nguồn gốc”, song ông đã diễn đạt các ý tưởng của mình bằng văn xuôi triết học mà vẻ đẹp về phong cách thì khó ai có thể sánh kịp.

 

Santayana và chân lý. Vì ông là một trong những nhà hoài nghi tinh tế nhất và khôn ngoan nhất, cho nên quan điểm của Santayana về chân lý xứng đáng được dành cho sự chú ý đặc biệt. Cho dù đúng là mọi hiện hữu đặc biệt và tách rời đều là ảo tưởng, thì cũng đúng là có một thứ gì đó là chân lý. Bản thân cảm giác là đủ đúng, Santayana nhận xét. Mọi kinh nghiệm của ta đủ để biết lĩnh vực của bản chất, và một số viễn tượng của thế giới vật chất. Quan điểm và viễn tượng của ta nhất thiết liên quan và ngụ ý một sự tương đối của tri thức. Nhưng tính tương đối như vậy không ngụ ý rằng không có chân lý tuyệt đối.

“Ngược lại, nếu không có chân lý tuyệt đối, hoàn toàn bao trùm và vĩnh cửu, thì các quan điểm rời rạc của các cá nhân lúc thế này khi thế nọ cũng có thể sẽ là tuyệt đối. Chúng sẽ không liên quan đến nhau, và không thể so sánh được về phương diện chân lý, mỗi cái sẽ tồn tại mà không có bất kỳ đối tượng nào ngoài bản chất xuất hiện trong nó”.[6]

“Nếu các quan điểm có thể ít hay nhiều chính xác, và có lẽ bổ sung cho nhau, đó là vì chúng quy chiếu đến cùng một hệ thống của tự nhiên, đến sự mô tả đầy đủ mà, bao trùm toàn bộ quá khứ và toàn bộ tương lai, ắt sẽ là chân lý tuyệt đối”.[7]

Thuyết tuyệt đối của Santayana ở đây, nếu có, là triệt để hơn, tuyệt đối hơn thuyết tuyệt đối của Royce, cũng giống như thuyết duy nghiệm và thuyết hoài nghi của ông, nếu có, còn triệt để hơn cả các thuyết này của James.

Với Santayana, chân lý tuyệt đối không quy chiếu đến quan điểm hay phán đoán đang có mà quy chiếu đến một phân đoạn của lĩnh vực của bản chất ngẫu nhiên được minh họa trong hiện hữu. Rõ ràng, câu hỏi liệu một bản chất nào đó có thuộc phân đoạn này hay không có ẩn ý bi thảm đối với một ý định bản năng trong việc khám phá những gì hiện hữu bởi vì cái hiện hữu sẽ kiểm soát số phận của mình.

“Do đó, tôi đặt một cái tên đặc biệt cho phân đoạn bi thảm này của Lĩnh vực bản chất và gọi nó là Lĩnh vực của chân lý”.[8]

Thật sự rất khó để tìm thấy chân lý, nhưng ngay cả khi triết gia bị đánh bại trong cuộc tìm kiếm chân lý, ông ta có thể chiến thắng trong việc tự diễn đạt và tự biết mình, và vì vậy thành tựu được chính mình như một nhà thơ và một nhà đạo đức. Vũ trụ, nói chung không được vạch ra một cách chi tiết, ít nhất đã được làm phong phú lên tại một thời điểm bởi một đời sống hạnh phúc được thực hiện trong một con người tập trung vào nghệ thuật và chiêm ngắm.[9] Đánh giá của Santayana về thành tựu của mình là một đánh giá khiêm tốn:

“Triết học của riêng tôi, tôi mạo muội nghĩ, là chắc gọn theo cùng một nghĩa tương tự, mặc dù có vẻ như chiết trung và để lại rất nhiều cánh cửa mở ngỏ cả trong vật lý và đạo đức. . . . Sự cởi mở cũng vậy, là một hình thức kiến ​​trúc. Học thuyết cho rằng mọi giá trị đạo đức đều ngang nhau như là biểu hiện của lòng tin bản năng là một giáo điều to lớn, đồng thời vừa ban phước vừa gột sạch mọi đam mê chết người; và niềm tin rằng không thể có tri ​​thức nào ngoại trừ lòng tin bản năng thiết định các sự kiện bên ngoài, và rằng khoa học tự nhiên này chỉ là biểu trưng của con người cho những sự kiện đó, cũng có một sự hữu hạn to lớn; sự từ bỏ lẫn sự đảm bảo trong đó vừa là triệt để vừa bất khả chiến bại.[10]

 

Đánh giá. Santayana chắc chắn thuộc về lịch sử của triết học Mỹ vì, như chính ông nói, ông còn thuộc về nơi nào khác nếu không phải là nơi đó? Tuy nhiên, sự vỡ mộng tột cùng của ông có thể là bất cứ thứ gì ngoài “đặc trưng của người Mỹ”. Nếu có một điều mà Emerson, James và Dewey không phải, thì đó là bị vỡ mộng. Họ tin vào một cái gì đó, ngay cả khi nó không phải là Kitô giáo chính thống. Chúng cho thấy các hình thức thế tục hóa của những gì Santayana chế giễu là Kitô giáo xôi thịt và tầm thường; họ tha thiết về cuộc sống và muốn cải cách thế giới.

Đối với người lần đầu tiên đến với tác phẩm của Santayana, họ có khuynh hướng dường như ngay lập tức vừa bị hấp dẫn vừa bối rối. Một số nhà phê bình, như James, đã phát hiện sự mục rữa bên dưới phong cách toả sáng lung linh. Những người khác, như Montague, đã nhận ra một sự pha trộn kỳ lạ của thuyết Plato và thuyết duy danh trong triết học của ông. Có một điều rõ ràng. Santayana ở trong một mối quan hệ bất thường với cả những truyền thống duy tâm và duy nghiệm. Mang nợ các bậc thầy người Mỹ của mình nhiều hơn ông có lẽ thừa nhận, ông đã đẩy thuyết duy tâm và duy nghiệm đến cực đoan, quy giản cái này thành một thuyết tuyệt đối thiếu thực tại sống và cái kia thành một thuyết duy hiện tượng thiếu bất kỳ một cái đối ứng khách quan tất yếu nào. Ông là bản án được tuyên phạt cho những người khổng lồ của triết học Mỹ - Royce và James.

 



[1] “A Brief History of My Opinions”, trong The Philosophy of Santayana, Irwin Edman tuyển chọn (New York: Random House, 1936), tr. 12.

[2] Tlđd., tr. 16-17.

[3] Tlđd, tr. 18.

[4] Tlđd.

[5] Tlđd., tr.19.

[6] Lời tựa cho Các lĩnh vực của tồn tại, trong Edman biên tập, tr. 479-480.

[7] Tlđd.

[8] Tlđd.

[9] Tlđd, tr. 481.

[10] Tlđd, tr. 483.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt