JOHN DEWEY VÀ SỰ PHÁT TRIỂN HẬU KỲ CỦA THUYẾT DỤNG HÀNH
DONALD A. GALLAGHER Nguyễn Thị Minh dịch
Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.
Từ đầu thế kỷ XX cho đến Thế chiến II, thuyết dụng hành là một trong những nguồn lực mạnh nhất trong văn hóa Mỹ. Mặc dù ảnh hưởng của nó đã giảm trong triết học, nhưng tác động của nó vẫn còn được thấy trong các lĩnh vực khác của đời sống trí tuệ. Các đại diện hàng đầu của phong trào này trong thế hệ kế tiếp William James là John Dewey, George Mead và Max Carl Otto.
Là một nhân vật nổi trội của triết học và giáo dục Hoa Kỳ đến hơn nửa thế kỷ, John Dewey (1859-1952) được ca ngợi ngay từ lúc sinh thời là triết gia Mỹ vĩ đại và điển hình. Sau khi giảng dạy tại một số trường đại học vùng Trung Tây, ông đã giảng dạy nhiều năm tại Trường đại học Columbia. Ông giảng dạy và du hành ở Phương Đông và ở Liên Xô (cũ), tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, và ông đạt được một tầm ảnh hưởng quốc tế mà chỉ một vài người Mỹ khác có được. Dewey sinh ra ở Vermont và luôn giữ được chút gì đó của tính cách độc lập và tự lực rắn rỏi của New England. Ở một số khía cạnh, quan điểm của ông không phải là không giống với quan điểm của Emerson, hay thậm chí cả Edwards. Giống như họ, ông là người nghiêm chỉnh về đạo đức và có ý thức về một sứ mệnh phải hoàn thành. Trong triết học, ông khởi đầu với tư cách là một người theo chủ nghĩa duy tâm, dưới ảnh hưởng của Torrey tại Đại học Vermont và của Morris tại Đại học Michigan. Tư tưởng của Hegel để lại một lớp phù sa vĩnh cửu trong tư tưởng của ông. Ông ngày càng không thỏa mãn với thuyết duy tâm xét như một hệ thống nhằm mục đích giải thích mọi thực tại và kiên quyết tạo nên hành trình (của tinh thần), được ông mô tả trong bài tiểu luận của mình “Từ thuyết tuyệt đối đến thuyết duy tự nhiên dựa trên thực nghiệm”.[1] Triết học của Dewey xoay quanh các cực của kinh nghiệm và thực nghiệm. “Kinh nghiệm” là thuật ngữ then chốt của Dewey, giống như với rất nhiều triết gia hiện đại. Đối với ông, nó có nghĩa là một quá trình đang trải nghiệm (undergoing), là sự giao thoa giữa một hữu thể sống với môi trường xã hội và vật lý của nó. Theo nghĩa đầy đủ nhất, nó không chỉ đơn thuần là sự điều chỉnh cho thích hợp với môi trường mà còn là sự cải biến môi trường. Nó là môi trường-kích thích-cá nhân-cải biến -môi trường.[2] Thuyết thực nghiệm hoặc thuyết duy tự nhiên công cụ được Dewey tóm tắt như sau: “Thuyết công cụ là một nỗ lực để tạo thành một lý thuyết logic chính xác về các khái niệm, phán đoán và suy luận dưới các hình thức khác nhau của chúng, bằng cách chủ yếu xem xét tư duy hoạt động như thế nào trong các quy định thực nghiệm của các hệ quả trong tương lai”.[3] Logic học như lý thuyết nghiên cứu quan tâm đến việc xác định làm thế nào tinh thần lao vào các vấn đề cụ thể và sử dụng các công cụ phương pháp luận để giải quyết chúng. Theo quan điểm của Dewey, việc chyển (shift) sự chú ý từ những hiện tượng có trước tới các hiện tượng có sau do tác động của thuyết dụng hành không chỉ là sự khác biệt cơ bản giữa thuyết duy nghiệm mới và cũ, mà còn là một cuộc cách mạng trong các hệ quả của nó. Trong sự nhấn mạnh của thuyết dụng hành đến các khả thể chứ không chỉ đơn thuần là những cái có trước của hành động, ông nhìn thấy những hàm ý của một siêu hình học mới. Học thuyết về các hệ quả khiến chung ta phải tính đến tương lai. Nó dẫn đến một quan niệm về vũ trụ như một đối tượng mà sự tiến hóa của nó là không hoàn tất , và như một cái gì đó vẫn “đang được làm ra” (“in the making”). Thật dễ dàng để rút ra những hàm ý sâu hơn của siêu hình học tiến hóa này. Dewey thẳng thừng bác bỏ thuyết tuyệt đối dưới mọi hình thức, hoặc cái mà ông gọi là triết học về tính cố định của các nguyên tắc bất biến và vĩnh cửu, và cùng với nó là sự phân biệt mà thuyết tuyệt đối ưa tạo ra giữa lĩnh vực của sự chiêm nghiêm và lĩnh vực của hành động. Lúc đầu bận tâm với sự phân biệt này khi nó biểu lộ ra trong tư duy hiện đại, Dewey cuối cùng tìm thấy nguồn gốc của nó trong tư duy trung đại và cổ đại rồi đi đến coi đó là nguồn gốc của sự thất bại của thế giới phương Tây. Đây là kẻ thù phải bị loại bỏ vì nó tôn vinh một sự chiêm nghiệm trừu tượng hay tôn vinh lý thuyết thuần túy gây thiệt hại cho công việc có hiệu quả hay cho tư duy năng sản. Giống như thực tại là một dòng chảy, thì tri thức duy nhất đích thực là tri thức về trải nghiệm của ta về các quá trình, tri thức duy nhất có giá trị là tri thức có thể hợp thức hoá bằng thực nghiệm. Hệ quả là, với John Dewey, không có những mục đích cố định trong trật tự tinh thần. Một sự tiến hóa xuyên suốt phải xóa bỏ mọi giới hạn cố định, sự khởi đầu, định luật và mục tiêu. Mục đích không là gì khác ngoài “mục đích-đang-hướng tới” hay công cụ của trí óc để hướng dẫn hành động của ta. Bất kỳ mục đích nào cũng có thể trở thành một phương tiện cho một mục đích đang-hướng-tới xa hơn; không có mục đích cuối cùng. “Mục đích, trên thực tế, theo nghĩa đen là vô tận, mãi mãi bắt đầu hiện hữu như các hoạt động mới là nguyên nhân của các hệ quả mới. “Mục đích vô tận” là một cách nói rằng không có mục đích - nghĩa là, không có tính cuối cùng cố định tự khép kín”.[4] Như vậy, bổn phận của con người là theo đuổi các giá trị có ý nghĩa cho xã hội của mình trong giai đoạn đặc thù của nền văn minh của mình. Từ quan điểm này, triết học, được hình dung một cách linh động như một quá trình hình thành cần thiết cho sự sống, chính là giáo dục, và thậm chí là văn minh theo đúng nghĩa. Trong thời đại này, triết học đích thực là giáo dục vì một xã hội dân chủ. Mục tiêu của chúng ta nên là một nền văn minh dân chủ tốt hơn, đạt được thông qua giáo dục vì xã hội dân chủ. Giáo dục, tất nhiên, là một quá trình liên tục, giáo dục lúc đầu là sống và đời sống sau đó là giáo dục. Trong tất cả những điều này, tất nhiên, Dewey ý thức rõ là ông không thể lập luận rằng dân chủ là cách sống tốt nhất tuyệt đối hay rằng giáo dục nên nỗ lực cho một mục tiêu như vậy với tư cách là một mục đích cố định. Nói từ góc độ dụng hành, phán đoán từ những gì ta biết và dự đoán các triển vọng tương lai, chúng ta giữ một lý tưởng như vậy làm mục tiêu có thể thực hành được. Từ quan điểm triết học, điều cần thiết nhất để mang mục tiêu này đến gần hơn không chỉ đơn thuần là sự tái kiến tạo của triết học mà còn tái kiến tạo trong triết học. (Triết học phương Tây, Dewey cho rằng, trong hai nghìn năm, đã đi sai đường). Ngay cả các nhà duy nghiệm trước đó cũng nửa vời và chỉ đi được nửa đường. Con người đã bị ám ảnh bởi “việc theo đuổi sự chắc chắn”, bởi nhu cầu về một niềm an ủi được hình dung là có thể đạt được trong một trạng thái hạnh phúc trong tương lai. Tinh thần tôn giáo đích thực, đối với Dewey, là chấp nhận kinh nghiệm khi ta thấy nó, từ chối nương náu trong tính chính thống trống rỗng, và phấn đấu để làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Đây là “đức tin phổ quát” của Dewey. Dewey tự đặt cho mình trách vụ làm điều tốt hơn cho số phận con người với năng lượng và sự bền bỉ đáng kinh ngạc trong hơn nửa thế kỷ.[5] Trong trường hợp của Dewey, cũng như trong trường hợp của các triết gia khác, điều bổ ích là cần lưu ý ông phản đối gì cũng như ông ủng hộ gì. Ông hoàn toàn phản đối mọi hình thức của thuyết tuyệt đối và thiết lập triết học của dòng lưu chuyển liên tuc thay đổi chống lại triết học của tính cố định.
[1] Tự truyện trí tuệ này được thấy trong Montague và Adam, Contemporary American Philosophers (New York: Macmillan, 1946), tr.41-42. [2] John Dewey, Experience and Education (New York: Macmillan, 1946), tr.41-42. [3] “The Development of American Pragmatism”, trong D. Runes, Living Schools of Philosophy (Ames. Iowa: Littlefield, Adams, and Co., 1956), tr.410-411. [4] Human Nature and Conduct (New York: Henry Holt, 1922), tr. 232. Xem Beatrice Zedler, “John Dewey in Context”, trong Some Philosophers on Education (Milwaukee: Marquette University Press, 1957), tr. 1-25. [5] Tham khảo thêm Reconstruction in Philosophy, The Quest of Certainty, A Common Faith. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC