JOSIAH ROYCE VÀ SỰ PHONG THÁNH THUYẾT DỤNG HÀNH*[1]
DONALD A. GALLAGHER Nguyễn Thị Minh dịch
Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.
Là con của những người nhập cư Anh đến California trong thời gian Cơn sốt vàng (Gold Rush), Josiah Royce (1855-1916) đã có những ký ức sống động về đời sống cộng đồng trong một môi trường tiên phong mà sau này ông rút ra làm ví dụ minh họa cho triết học của ông về lòng trung thành và tính cộng đồng. Là một trong những sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của Đại học California mới tại Berkeley, Royce sau đó học tại Đức và cuối cùng định cư tại Harvard, nơi ông đảm nhận vai trò hàng đầu trong thời kỳ huy hoàng nhất của Harvard trong triết học.
James và Royce. Đời sống triết học của thời kỳ này, sở dĩ có thể tập trung xung quanh Harvard, là bởi nó được biểu trưng bởi cuộc va chạm đầy kịch tính về trí tuệ giữa hai người bạn thân, Royce và James. Ralph Barton Perry cung cấp cho ta một miêu tả hấp dẫn, thú vị và đáng tin cậy về trận chiến triết học này và về tình bạn thâm giao vô cùng hiếm có giữa các đối thủ về trí tuệ.[2] William James đã quen thuộc với chủ nghĩa duy tâm Đức, thông qua việc sống một thời gian dài ở châu Âu cũng như trực tiếp học hỏi. Ông đã đi đến kết luận rằng thuyết duy tâm là ví dụ hoàn hảo cho những gì ông gọi là “tình cảm đối với sự hợp lý tính”, khuynh hướng thâm căn cố đế của con người muốn giải thích mọi điều một cách hợp lý, cuối cùng dẫn đến chỗ triệt tiêu tính bất tất của hiện hữu. Thuyết duy tâm làm cho cuộc sống xuất hiện ra như một trận chiến giả, trong khi đối với James đó là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời và đóng vai trò là cuộc chiến thực sự. Nghiên cứu của James về siêu hình học đã dẫn dắt ông nổi dậy chống lại nó trong hình thức duy nhất mà ông thực sự biết rõ, tức là hình thức duy tâm. Nghiên cứu riêng dẫn dắt ông trong các giai đoạn từ sinh lý học và tâm lý học đến triết học. Triết học của ông là triết học với phương pháp là phương pháp dụng hành, còn siêu hình học là thuyết duy nghiệm và thuyết đa nguyên triệt để. Đào sâu thuyết đa nguyên và ác cảm với thuyết nhất nguyên dưới bất kỳ lớp áo nào, ông cho rằng có thể vũ trụ thực sự là một đa-vũ trụ (multi-verse)! “Cái Tuyệt đối khốn kiếp!”, ông vẫn thường hay nói, "Này Josiah thân mến , sao hắn ta (cái Tuyệt đối) lại phải tha thiết mong được là cậu, và sao lại phải ghét bị là tôi!” Với tất cả những gì có vẻ như là thiếu logic, hay cố ý coi thường nó, vì chính lôgic là sự sáng tạo tự phụ nhất của tình cảm đối với sự hợp lý tính, người ta không thể không chia sẻ niềm tin của James rằng hiện hữu là duy nhất và có thật, và rằng thuyết duy tâm gây hại cho tính độc đáo và tính thực tại này. Bi kịch của ông là đối với ông thì “hiện hữu” không phải là một hành động hiện thực của một tồn tại đang hiện hữu mà là một dòng chảy hiện tượng, một bên là dòng chảy đơn thuần của các sự biến và bên kia là dòng chảy của các quá trình ý thức. Một siêu hình học về kinh nghiệm, nếu không gì khác hơn là siêu hình học về các quá trình, sự biến và kinh nghiệm ý thức, thì khó có thể là siêu hình học đúng nghĩa. Ta đã nhân dịp này để nói điều gì đó sâu hơn về James, bởi vì chỉ trong ánh sáng của sự tương phản với ông mà vị trí của Josiah Royce trong triết học Mỹ mới có thể được đánh giá đúng đắn. Royce trong những năm sinh viên đã say sưa chìm đắm trong siêu hình học ở Đức, tham dự các bài giảng của Hermann Lotze và tiếp thu Hegel, Schelling và Schopenhauer. Đây là ảnh hưởng trí tuệ quyết định của cuộc đời ông. Schneider đưa ra một bức tranh sống động về ông khi ông trở về từ Đức, "Trong tâm trạng này, cái đầu to và trán cao của ông đầy những Prometheus, Schopenhauer, Schelling và ở California, ông đã viết bài giảng triết học hoa mỹ đầu tiên của mình”[3].
Sự phong thánh thuyết dụng hành. Tuy nhiên, Royce không hề bị cô lập khỏi thuyết duy nghiệm của Anh - Mỹ. Nhạy cảm với các lực lượng mới trong phong trào duy nghiệm lâu đời, cụ thể là, các xu hướng dụng hành, ông quyết tâm chỉ ra rằng hành trình triết học của mình tới cái Tuyệt đối thiết lập từ một nền tảng thường nghiệm đích thực. Thuyết duy tâm tuyệt đối của ông không phải là thuyết duy trí (tuệ) thuần túy, mà là một "thuyết Ý chí tuyệt đối” chịu ảnh hưởng một phần từ Schopenhauer, và một "thuyết Dụng hành tuyệt đối”chịu ảnh hưởng của James. Đúng là ông phản đối thuyết dụng hành, nhưng ông cũng cải biên nó cho thuyết duy tâm của mình. Trên thực tế, ông du nhập nó quá kỹ lưỡng vào trung tâm triết học của mình đến mức ta có thể tự hỏi liệu không biết ông chinh phục nó hay nó chinh phục ông. Nếu sự tổng hợp của ông thành công, đó là sự thánh hóa thuyết dụng hành. Royce là một nhà biện chứng vô song, mà các luận cứ của ông rất ít người cùng thời có thể sánh bằng, dù họ có thể không bị thuyết phục bởi thuyết duy tâm của ông. Phép biện chứng của ông vừa là logic biện chứng vừa là siêu hình học biện chứng, và đạt đến đỉnh cao trong hệ thống của Thuyết duy tâm tuyệt đối, một học thuyết toàn diện nhất từng được tạo ra ở Mỹ. Trong The World and the Individual (Các bài giảng ở Gifford, 1902-1903), mà Morris Raphael Cohen đã gọi là tác phẩm gần nhất với một kiệt tác triết học từng có được ở nước này, ông mang đến cho chúng ta công trình hoàn chỉnh nhất cho hệ thống của mình. Một trình bày ngắn gọn hơn về những điều cốt yếu trong tư duy của ông được thấy trong diễn văn nhậm chức chủ tịch,“Cái Vĩnh cửu và cái Thực hành” (The Eternal and the Practical) được Royce trình bày tại Hiệp hội triết học Hoa Kỳ (American Philosophical Association) tại Princeton vào năm 1903. Trong bài diễn văn đó, Royce chỉ ra rằng các nhà tư tưởng đương thời, cho dù quan điểm của họ về cái Tuyệt đối là như thế nào, đều ít nhiều là các nhà duy nghiệm, đến một mức độ các nhà duy lý trước Kant chưa từng biết đến. Nếu ta phân tích hình thức ngày nay của thuyết duy nghiệm, tức là, thuyết dụng hành, và quy nó về lập trường thuần túy của nó, ta thấy rằng nó dựa trên cái có thể được quan sát trong tư tưởng hiện tại của ta và các đối tượng của nó. Royce nói, điều người ta phát hiện được trong kinh nghiệm chỉ đơn giản là một đối tượng trong chừng mực nó có đặc tính là thông qua và ở trong những kết quả hành động có suy nghĩ của con người. Tuy nhiên, không ai chủ trương một thuyết dụng hành thuần túy như thế trong hình thức không được cải biến. Nếu cứ cố làm như vậy, hậu quả sẽ là gì? “Hãy thử. . . trong một khoảnh khắc làm nhà dụng hành thuần túy xem sao. . . Dòng trôi chảy của những ý nghĩa nhất thời, nơi mà bất cứ thứ gì được đơn thuần tìm thấy, tức các dữ liệu thô, không gì khác hơn là một câu hỏi, một vấn đề, một nhu cầu, trong khi bất cứ thứ gì vừa được tìm thấy vừa được miêu tả, tức là, bất cứ thứ gì được trải nghiệm như một toàn bộ, một đối tượng hiện tiền và có thể hiểu được , là không thể tránh khỏi và ít nhất đáp ứng một phần nhu cầu hiện tại – tốt thôi, nhưng thử hỏi , một lĩnh vực [đáp ứng nhu cầu] như thế có thể tuân theo những luật phổ quát nào của tư duy hay của tồn tại? . . . Khi tôi nói: “Niềm tin này của tôi là đúng thật”, phải chăng không muốn nói điều gì hơn là: “Niềm tin này của tôi ngay lúc này đáp ứng các nhu cầu ý thức của tôi?”.[4] Những người theo thuyết dụng hành, Royce lưu ý, thường kết hợp một học thuyết tiến hóa với phương pháp dụng hành của họ. Khi họ chấp nhận học thuyết tiến hóa, họ dựa trên những lý lẽ dụng hành hoặc dựa trên bằng chứng dựa vào niềm tin về sự hiện hữu của một số lượng lớn các vật thể được cho là có trong quá khứ? Nếu họ tìm cách bảo vệ thuyết dụng hành bởi vì cho rằng thuyết dụng hành tuân theo học thuyết tiến hóa một cách lôgic, thì họ làm như vậy không phải dựa trên những ý lẽ của thuyết dụng hành thuần túy mà trên cơ sở tính tất yếu logic. Do đó, Royce kết luận, người theo thuyết dụng hành không thể là nhà dụng hành thuần túy bởi vì "cái họ cần là phải nhận ra rằng chân lý của họ là cái gì đó nhiều hơn kết quả và biểu hiện của những nhu cầu hiện tại của mình”.[5] Dưới sức nặng của các luận cứ của Royce, nhà dụng hành buộc phải có những thừa nhận chắc chắn dẫn dắt họ đến chỗ thừa nhận một cái Tuyệt đối. Họ có lý khi nhấn mạnh đến các nhu cầu, nhưng, Royce khẳng định, nhu cầu sâu sắc nhất trong tất cả là nhu cầu đối với cái Vĩnh cửu. “Do đó, nhu cầu đối với cái Vĩnh cửu là một trong những nhu cầu sâu sắc nhất trong tất cả các nhu cầu thực hành của chúng ta. Ở đây ngay lập tức có sự biện minh cho thuyết dụng hành,và sự bất khả về logic của thuyết dụng hành thuần túy. Mọi thứ hữu hạn và nhất thời đều có tính thực hành. Tất cả những gì có tính thực hành đều phải vay mượn chân lý của nó từ cái Vĩnh cửu”.[6] Trong các tác phẩm có phạm vi lớn hơn, Royce lập luận theo cách tương tự từ một số khía cạnh của thực tại đến Thực tại vô hạn, vô cùng. Từ cái thiện có tính bộ phận, ông bàn luận tới cái Thiện tuyệt đối; từ các chân lý bộ phận, hay đúng hơn là cá biệt, ông bàn luận tới Chân lý tuyệt đối. Nói ngắn, ở bất cứ nơi đâu ông cũng đi từ cái tương đối sang cái Tuyệt đối. Càng thăm dò sâu hơn trong những khám phá biện chứng của mình, ông càng khám phá rằng ngay cả những thiếu sót của tồn tại cũng ngụ ý sự hoàn hảo của Tồn tại. Từ sai lầm và cái ác, Royce bàn về Chân lý và cái Thiện. Trong một phân tích đáng chú ý về “khả thể của sai lầm”, ông cho rằng các điều kiện quyết định khả thể logic của sai lầm, bản thân chúng phải là chân lý tuyệt đối.[7] Về phần cái ác, Royce làm cho nó sống động lên dường như không chỉ bởi niềm đam mê lạnh lùng của nhà biện chứng, mà còn nhiều hơn thế. Ông, như Santayana gợi ra một cách sâu sắc, bị giày vò vì sự hiện hữu của cái ác trên thế giới và những nỗ lực giải thích nó bằng cách làm cho nó trở nên hữu ích cho các mục đích của cái Thiện tuyệt đối.
Thuyết phiếm thần? Đối với Josiah Royce, cái Tuyệt đối được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau: cái Vĩnh cửu, người giải quyết vấn đề, người diễn giải thế giới, Cộng đồng yêu dấu, và thậm chí là Trải nghiệm tuyệt đối. Một trong những vấn đề khó khăn nhất được triết học của ông trình bày là làm thế nào để đưa ra một trình bày dễ hiểu về mối quan hệ giữa những bản ngã hữu hạn với Bản ngã Vô hạn. Không chỉ các nhà dụng hành mà ngay cả những người bạn duy tâm của họ, chẳng hạn G. H. Howison, cũng cho rằng Royce đã nuốt chửng những bản ngã nhỏ bé vào Đại ngã bao trùm , và rằng những lời phản đối của ông đối với cái ngược lại đều hoài công. Royce sử dụng các phép loại suy, thường được rút ra từ toán học, để giải thích mối quan hệ giữa mỗi tinh thần, như một khía cạnh của Tinh thần tuyệt đối, với bản thân Tinh thần tuyệt đối.. Để sử dụng một minh họa đơn giản của riêng chúng ta, hãy lấy mối quan hệ của một đường thẳng với số lượng vô hạn các điểm khả hữu có thể được chỉ ra trên nó và hoàn toàn khác với nó. Đường thẳng kéo dài đến vô tận tượng trưng cho cái Tuyệt đối và sự vô hạn của các điểm tượng trưng cho tinh thần hay bản ngã của các cá nhân. Tất cả các điểm được chỉ ra trên thực tế đại diện cho các bản ngã thực tế. Tuy nhiên, các giải thích thuộc loại này đã không thỏa mãn những người phê phán ông, và lời buộc tội về thuyết phiếm thần đã chống lại ông như nó từng chống lại Emerson. Không còn nghi ngờ gì là Royce gặp phải những khó khăn trong nỗ lực tránh sự hợp nhất cái hữu hạn vào cái Vô hạn.
Panpsychism (thuyết toàn-tâm lý). Để hiểu thuyết duy tâm của Royce đầy đủ hơn, hãy chuyển sang học thuyết của ông về “toàn-tâm lý” (panpsychism). Thực tại được cấu thành từ các bản ngã, và để trở thành một bản ngã, một thực thể phải không chỉ dễ hiểu hay có thể nhận thức được, nó còn phải, ở một mức độ nào đó, có tính nhận thức. Đối mặt với việc thiếu bằng chứng thường nghiệm cho sự hiện diện của đời sống và ý thức trong đá và sông, Royce khẳng định rằng tất cả mọi tồn tại, từ chính thực tế là chúng tồn tại, ở một mức độ nào đó, đều sống và biết. Đối với Royce, tồn tại không chỉ có nghĩa là có thể được nhận biết mà còn nhận biết nữa. Ông gợi ra, chẳng hạn, rằng một ngọn núi có thể là một động vật mà tuổi thọ cách biệt quá lớn với chúng ta đến mức tuổi đời và tuổi ý thức của chúng, di chuyển chậm chạp như chúng là thế, sẽ hoàn toàn lạc điệu và mất liên lạc với tri giác trực tiếp của chúng ta. Những tồn tại như vậy sống và có ý thức, mặc dù chúng ta không có cách nào xác minh được điều này. Chúng ta kết luận từ siêu hình học về tồn tại của mình rằng mọi tồn tại đều phải có bản tính này hoặc nó sẽ không phải là tồn tại đích thực. Trong The World and the Individual, Royce yêu sách rằng học thuyết duy tâm về tồn tại đã đối xử công bằng đối với những gì có giá trị tích cực trong học thuyết duy thực. Để giữ vững được yêu sách này , Royce phải đối đầu và vượt qua những khó khăn liên quan đến diễn giải của ông về tồn tại như về cái gì cơ bản là khả niệm. Ông phát biểu rõ ràng rằng với ông thì tồn tại và tính khả niệm là đồng nhất. “Tồn tại đơn giản có nghĩa là biểu hiện, là hiện thân, là ý nghĩa nội tại hoàn chỉnh của một hệ thống tuyệt đối nào đó của những ý niệm”.[8] Ông nói thêm, “Thực tại là khả niệm, bởi vì ta có thể đưa ra những phán đoán đúng thật về chúng”. Chắc chắn là quá nhiều điều có thể rút ra từ những trích dẫn riêng lẽ , nhưng nhà duy thực liệu sẽ không thể đảo ngược được mệnh đề này và nói, “Ta có thể tạo ra những phán đoán đúng thật về những cái hiện hữu, vì chúng tồn tại và chúng là khả niệm” hay không? Và chắc chắn là việc đọc những đoạn này và nhiều đoạn khác trong văn cảnh của chúng đã để lại cho người ta niềm tin chắc chắn rằng, đối với Royce, tồn tại được miêu tả dưới dạng tính khả niệm hay là các nhân tố thiết yếu. Không hoàn toàn và trọn vẹn, đúng vậy, vì, để thoát khỏi bị mắc kẹt trong vương quốc của tư duy thuần túy, Royce du nhập sự cố gắng hay nỗ lực vào trung tâm của ý nghĩa nội tại của một ý niệm. Một khó khăn khác Royce phải vượt qua được gợi ra bởi chính sự nhấn mạnh của ông rằng ông bắt đầu với chính những dữ liệu mà một nhà dụng hành bắt đầu. Một nhà duy thực khó mà không chia sẻ niềm tin của nhà dụng hành rằng Royce không nắm bắt dữ liệu trong tất cả kiện tính và tính bất tất của chúng. Ta hãy đặt vấn đề theo kiểu của nhà duy thực thay vì dụng hành và hỏi: Royce có bắt đầu bằng chính sự hiện hữu của tồn tại hữu hạn và từ đó tiến hành chứng minh sự hiện hữu của Tồn tại vô hạn, hay ông bắt đầu với khái niệm về một thực thể hữu hạn là gì và tiến tới chỉ ra một cách biện chứng rằng khái niệm này nhất thiết phải liên quan đến ý niệm về cái Vô hạn, và rằng do đó, cái Vô hạn phải tồn tại? Trong khi một nhà duy tâm có thể hỏi liệu có bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào giữa hai phương án được đề xuất hay không, thì đối với nhà duy thực có một sự khác biệt bên ngoài tính khả niệm có tầm quan trọng quyết định.
Đạo đức học. Royce xây dựng đạo đức học của mình một cách rõ ràng nhất trong Triết học về lòng trung thành (The Philosophy of Loyalty), được viết cho đến cuối đời. Nơi nguồn cội của mọi mối quan hệ giữa các bản ngã có tính bắt buộc phải làm (oughtness) là lòng trung thành. Lòng trung thành, một loại trung tín hay lời thề trung thành, là trung tâm của mọi đức hạnh và là nghĩa vụ của mọi nghĩa vụ. Royce tăng quy mô từ trung thành thấp hơn và ít hơn đến trung thành cao hơn và toàn diện hơn cho đến khi đạt đến sự Trung thành tuyệt đối hay Cộng đồng yêu dấu. Dù có tính chất biện chứng của việc đi lên, nhưng trong những điều Royce nói về lòng trung thành với gia đình, với cộng đồng, với đất nước và tôn giáo, và trong các đề xuất của ông về các trường hợp xung đột giữa nhiều lòng trung thành, ta thấy có nhiều sự minh triết thường nghiệm. Nguyên tắc hướng dẫn thực hành của ông là: Hãy trung thành với chính lòng trung thành. Cao thượng và truyền cảm hứng, nhưng đạo đức học của Royce vẫn có nguy cơ trở nên chủ quan luận, của việc nhấn mạnh đến phẩm chất của phản ứng của ta hơn là đến những gì ta nên trung thành .
Tóm lại. Ta sẽ không đi vào các khía cạnh khác, quan trọng nhưng trừu tượng của triết học Royce, chẳng hạn như lý thuyết của ông về sự diễn giải và về cộng đồng cũng như việc ông sử dụng logic toán học để củng cố quan điểm của mình. Ở đây ta cũng sẽ không thảo luận về sự khác biệt giữa các giai đoạn sơ kỳ và hậu kỳ của triết học của ông. Người ta đã nói đủ để chỉ ra lý do tại sao ông được gọi là nhà duy tâm vĩ đại nhất nước Mỹ. Mặc dù mang ơn chủ nghĩa duy tâm Đức và thuyết duy nghiệm của Anh, hệ thống của thuyết Duy tâm tuyệt đối mà ông xây dựng không chỉ là chủ nghĩa chiết trung. Nó là hiện thân của các yếu tố độc đáo đích thực. Josiah Royce đã để lại một số môn đệ tận tụy trong số những người kế tục trực tiếp (Mary W. Calkins và W. E. Hocking), cũng như một số học trò đã không theo ông trong thuyết duy tâm nhưng vẫn gọi ông là bậc thầy yêu dấu của họ (W. P. Montague). Mặc dù triết học của ông rõ ràng đã gây ra ít ảnh hưởng hơn so với ảnh hưởng của thuyết dụng hành, trong những năm gần đây đã có một sự hồi sinh mối quan tâm đối với ông và một số nghiên cứu quan trọng về tư tưởng của ông đã xuất hiện. Josiah Royce là người đứng hàng đầu về cái Tuyệt đối ở Mỹ.
[1] * Tôi đánh bạo gọi triết học của nhà duy tâm tuyệt đối này là sự phong thánh (apotheosis) đối với thuyết dụng hành vì ý nghĩa của ý niệm (idea) của ông tích hợp một yếu tố không thể nhận thức cốt yếu cho nó. Yếu tố này theo một nghĩa nào đó là có tính ý hướng hay tự ý. Với Royce, ý niệm đó không chỉ bao gồm một quan điểm về thực tại mà còn là một nỗ lực hiện thực hóa ý nghĩa của nó trong đời sống. [2] Ralph Barton Perry, The Thought and Character of William James (Boston: Little, Brown, and Co., 1935), 2 tập. [3]H. W. Schneider, History of American Philosophy (New York: Columbia University Press, 1946), tr. 482. [4] “The Eternal and the Pratical” trong Muelder và Sears, The Development of American Philosophy, tr.253. [5] Tlđd., tr.254. [6] Tlđd., tr.261. [7]The Religious Aspect of Philosophy, trong Muelder và Sears, op.cit., tr.234. [8]The World and the Individual, tập I, tr. 36-37. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC