NHỮNG TRANH LUẬN VỀ CÁC Ý NIỆM TIẾN HÓA DONALD A. GALLAGHER(*) Nguyễn Thị Minh dịch
Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.
Cuộc thảo luận giữa các nhà thần học, triết gia, nhà khoa học và giới có học thức nói chung về lý thuyết tiến hóa cùng các hàm ý của nó đối với tôn giáo và triết học đạt đến đỉnh cao trong phần tư cuối của thế kỷ này. Tuy nhiên, vì nguồn gốc của cuộc tranh cãi này có từ đầu thế kỷ, nên thiết tưởng là phù hợp khi xem xét nó ngắn gọn ở đây.[1] Những khám phá khoa học mới, sự nhấn mạnh của thời Khai minh vào lý tính như là sấm ngôn duy nhất của con người, xu hướng của chủ nghĩa siêu việt không hiểu giáo huấn của Giáo hội theo nghĩa đen, quan tâm đến những sự phát triển như lý thuyết tiến hóa sơ kỳ của Lamarck, và việc xuất bản các tác phẩm của ngài Charles Lyell vào năm 1830-1832, tất cả đã mở đường cho sự rung trời chuyển đất. Đó là sự xuất hiện của Nguồn gốc các loài của Darwin vào năm 1859. Mặc dù cuộc nội chiến làm chậm trễ phản ứng của Mỹ đối với tư tưởng của Darwin, các nhà thần học, triết học và nhà khoa học đã sớm thể hiện quan điểm ủng hộ hoặc chống lại sự tiến hóa, và thảo luận về các hàm ý của nó đối với tín ngưỡng và sự xác tín hằng tha thiết của họ. Không phải tất cả các nhà thần học đều bác bỏ các lý thuyết tiến hóa, cũng không phải tất cả các nhà khoa học đều chấp nhận chúng. Nhà khoa học Louis Agassiz (1807-1873) có nguồn gốc Thụy Sĩ, dạy tại Harvard và cha của ông kiên quyết phản đối học thuyết của Lamarck, đến lượt mình, ông kiên định đi theo học thuyết của Cuvier rằng mỗi thể loại đã được tạo ra một cách cố định và không thay đổi trong bài “Tiểu luận về hệ thống phân loại” của ông trích trong Những đóng góp cho lịch sử tự nhiên của Hoa Kì (1857). Asa Gray (1810-1888), một nhà thực vật học, có lẽ là người bảo vệ thuyết Darwin hàng đầu của Mỹ, và cho rằng có thể hòa giải thuyết này với các đức tin tôn giáo. Những người khác tham gia vào cuộc tranh luận lớn này của những năm 1870 và 1880 là Simon Newcomb, nhà thiên văn học; James Freeman Clark, giáo sĩ theo thuyết Nhất vị (Unitarian)và là nhà theo thuyết siêu việt; Henry Ward Beecher, nhà giảng thuyết nổi tiếng nhất của thời ông; Noah Porter; và James McCosh. Nhà triết học hàng đầu gắn liền với cuộc tranh luận này là John Fiske (1842-1901). Được phú cho khả năng sớm phát triển và năng lực làm việc tuyệt vời, ông có được kiến thức rộng, khởi đầu như một môn đệ hăng hái của nhà thực chứng Pháp, Auguste Comte. Ông sớm quay sang Spencer và cuối cùng trở thành một môn đệ hàng đầu nhưng độc lập ở Mỹ, xây dựng hình thức triết học tiến hóa của riêng mình trong Đại cương về triết học vũ trụ (Outline of Cosmic Philosophy) và nhiều tác phẩm khác. Với John Fiske, câu chuyện về tiến trình tiến hóa của tự nhiên qua các thời đại của nó, được Quyền năng của Thượng Đế hướng đạo, “cho thấy Con người trở thành hình ảnh của Thượng Đế ngày càng rõ hơn”. Sự tiến hóa “lần đầu tiên cho chúng ta thấy rõ ràng sự sáng tạo và sự hoàn hảo của con người là mục tiêu mà công việc của tự nhiên hướng đến ngay từ đầu. Chịu ảnh hưởng bởi Spencer và lý thuyết của ông về “sự không thể biết”, Fiske bác bỏ thuyết nhân hình trong quan niệm của con người về Thượng Đế; sau đó, ông chấp nhận một loại quan niệm của thuyết nhân hình đã được sửa đổi, bác bỏ những gì ông từng coi là kiểu loại thô thiển được thấy trong tôn giáo theo quy ước[2]. Hầu hết những người có đầu óc tôn giáo đã chấp nhận sự tiến hóa thì đều loại bỏ hoặc từ chối cách diễn giải theo nghĩa đen về Kinh Thánh theo kiểu bảo căn (fundamentalist) và chuyển sang quan điểm của chủ nghĩa hiện đại thường không tương thích với các tín điều chính thống của đạo Tin lành.[3]
(*) Giáo sư Triết học Đại học Villanova [1] Về một trình bày về các cuộc tranh luận này, xem Evolution and Religion, the Conflict Between Science and Theology in Modern America, Gail Kennedy chủ biên (Boston: D. C. Heath, 1957); Edward A. White, Science and Religion in American Thought: The Impact of Naturalism (Palo Alto, 1952); Stow Persons chủ biên., Evolutionary Thought in America (New Haven: Yale University Press, 1950). [2] Xem John Fiske, Outline of Cosmic Philosophy Based on the Doctrine of Evolution (Boston: Houghton Mifflin, 1874); The Destiny of Man and Through Nature to God (Boston: Houghton Mifflin, 1899). [3] Có thể lưu ý là sự “xung đột” giữa tôn giáo và khoa học ở Mỹ lúc bấy giờ phần lớn là xung đột giữa các vị thánh của đạo Tin lành và các nhà khoa học được truyền thống Tin lành nuôi dưỡng. Mặc dù các ấn phẩm xuất bản định kỳ của Công giáo Mỹ lúc bấy giờ cũng thảo luận về vấn đề tiến hóa, nhưng không có nhà tư tưởng Công giáo nào, ngoại trừ Brownson ở một mức độ nhất định, lại xuất hiện nổi bật trong cuộc tranh luận. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC