TRIẾT HỌC MỸ THỜI KỲ GẦN ĐÂY TỪ 1920 ĐẾN NAY
DONALD A. GALLAGHER Nguyễn Thị Minh dịch
Nguyễn Thị Minh trích dịch từ History of Philosophy, tập 2, The Bruce Publishing Company, 1959. | Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính || Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do dịch giả cung cấp.
Hai triết gia được đề cập trong chương vừa rồi, Dewey và Santayana, sống đến phần tư thứ hai của thế kỷ XX, tiếp tục các hoạt động triết học của mình đến cuối đời. Tuy nhiên, trong chừng mực sự kết thúc của chiến tranh Thế giới I đánh dấu kết thúc một kỷ nguyên, là hợp lý khi chấm dứt “thời hoàng kim” ở thời điểm nào đó sau chiến tranh, khi những nhân vật vĩ đại của nó đã hoàn thành phần việc tốt nhất của mình. Để thuận tiện, chúng tôi cho rằng thời kỳ cổ điển là nửa thế kỷ từ 1870 đến 1920, Trong chương này, chúng tôi quan tâm đến các phong trào và xu hướng quan trọng của thời kỳ từ năm 1920 đến nay. Ta sẽ xem xét (1) thuyết duy tâm và thuyết dụng hành trong thế kỷ XX, (2) các xu hướng chính của giai đoạn đầu của thời kỳ gần đây, 1920-1940, đặc biệt thuyết tân duy thực và thuyết duy thực phê phán, và (3) các xu hướng chính của giai đoạn sau của thời kỳ gần đây, 1940 đến nay, đặc biệt là thuyết duy nhiên, thuyết thực chứng logic và sự đổi mới của siêu hình học. Tất nhiên, những khuynh hướng này không thể bị giới hạn một cách cứng nhắc vào một thời kỳ và do đó có sự chồng chéo về thời gian trong việc xem xét chúng.
THUYẾT DUY TÂM VÀ THUYẾT DỤNG HÀNH TRONG THẾ KỶ XX Vào đầu thế kỷ XX, hầu hết các nhà triết học hàng đầu vẫn là các nhà duy tâm luận. Nhưng thuyết dụng hành đã phát triển mạnh mẽ hơn, và thập niên kế tiếp chứng kiến sự hồi sinh của thuyết duy thực, dẫn đến một cuộc chiến tay ba trong phần đầu của thế kỷ này. Chúng tôi sẽ dành việc xem xét thuyết duy thực cho phần tiếp theo của chương này và ở đây chỉ đả động đến một số sự phát triển của thuyết duy tâm và thuyết dụng hành. Các nhà duy tâm hậu kỳ. Những người theo thuyết duy tâm của thế kỷ XX, một số người đã nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của James và Royce, biểu lộ một mức độ ảnh hưởng rõ rệt của thuyết dụng hành và thuyết duy thực. William Ernest Hocking (1873 - ), trong cuốn Ý nghĩa của Thượng Đế trong kinh nghiệm của con người (Meaning of God in Human Experience) (1912) và nhiều tác phẩm khác, đã nỗ lực để đạt được một tổng hợp giữa thuyết duy tâm tuyệt đối và thuyết dụng hành trong cái mà ông coi là một huyền học khai minh và phê phán. John Elof Boodin, trong cuốn Sự tiến hoá của vũ trụ (Cosmic Evolution) (1925), xây dựng cái mà ông gọi là “một thuyết duy thực thường nghiệm và thuyết duy năng lượng (energism) siêu hình học với một quan niệm chức năng về các phẩm chất và giá trị”. Triết học của ông có thể được mô tả như một thuyết duy tâm vũ trụ thể hiện dưới dạng tiến hóa. Trong số những nhà duy tâm đương thời, Brand Blanshard cung cấp cho chúng ta một trong những nỗ lực tham vọng nhất và mạnh mẽ nhất để đáp ứng thách thức của những người theo thuyết duy thực và duy nhiên trong công trình hai tập của mình, Bản tính của tư duy (The Nature of Thought). Edgar S. Brightman, mà sự bảo vệ một Thượng Đế ngôi vị cho thấy ảnh hưởng của James, và Ralph T. Flewelling là những người ủng hộ hàng đầu của một thuyết duy tâm nhân vị trong truyền thống Bowne. Ta nên đề cập đến H. H. Horne vì ông đã bảo vệ quan điểm duy tâm trong triết học giáo dục của mình. Một trong những nỗ lực thú vị nhất để siêu vượt lên cuộc tranh cãi duy thực-duy tâm là của Wilbur Urban, mà đóng góp quan trọng đầu tiên của ông cho triết học là trong lĩnh vực lý thuyết giá trị, đặc biệt là trong Thế giới khả niệm: Siêu hình học và giá trị (The Intelligible World: Metaphysics and Value) (1929). Khi tìm kiếm một cơ sở vững chắc cho giá trị học (axiology) của mình, Urban đã đi đến kết luận rằng cuộc tranh cãi giữa thuyết duy tâm và thuyết duy thực là không cần thiết và cần được giải quyết bằng một phiên bản mới của triết học vĩnh cửu (philosophia perennis) . Trong Bên kia thuyết duy thực và thuyết duy tâm (Beyond Realism and Idealism) (1949), ông xem hai thế giới quan là các hình thức đời sống phân cực của lý tính con người, đối lập nhau một cách biện chứng, nhưng về cơ bản thì bổ sung cho nhau. Động lực thúc đẩy cái này là tri thức phụ thuộc vào tinh thần; sự kháng cự đối với cái kia là mọi tri thức đích thực, theo một cách nào đó, không phụ thuộc vào tinh thần. Các nhà dụng hành. Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX cho đến thế chiến II, thuyết dụng hành đã ảnh hưởng đáng kể đến giáo dục và các lĩnh vực tư tưởng khác. Ảnh hưởng này không hề kém quan trọng ở thời điểm hiện tại, mặc dù nó đã phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà thực chứng logic. Trong số những người theo thuyết dụng hành đương thời, ta có thể kể đến H. M. Kallen, môn đệ của William James và Ralph Barton Perry, người đã phát triển thuyết tân duy thực của mình theo đường lối dụng hành. Sidney Hook, chịu ảnh hưởng của Marx và Dewey, giống như nhiều người khác, đã trở thành người ủng hộ hàng đầu của thuyết duy nhiên. Thuyết dụng hành đã ảnh hưởng sâu sắc đến chủ trương “giáo dục tiến bộ” (“progressive education”), mặc dù không phải tất cả các thuyết tiến bộ đều theo Dewey hoặc dụng hành. Thật vậy, thông qua Dewey, ảnh hưởng của thuyết dụng hành được cảm nhận trong hầu hết các xu hướng giáo dục hiện nay. Trong số các nhà triết học giáo dục dụng hành nổi bật có Boyd Bode, Kilpatrick và Childs. Thuyết dụng hành cũng đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực của tư tưởng chính trị và lý thuyết pháp luật . Mặc dù Oliver Wendell Holmes, Jr., không quan tâm đến việc được gọi là nhà dụng hành, ông đã là một nhà duy nghiệm kiên định khi nói “Đời sống của pháp luật không phải là logic, mà là kinh nghiệm”. Ông định nghĩa luật theo kiểu dụng hành là “dự đoán về mức độ tác động của nguồn lực công cộng thông qua tính công cụ của các tòa án”. Dean Roscoe Pound của Harvard là một người ủng hộ quan trọng khác của quan điểm này. Một hình thức cực đoan hơn của triết học dụng hành pháp luật là thuyết duy thực pháp lý, do Karl Llewellyn làm đại diện.[1] THỜI KỲ GẦN ĐÂY, GIAI ĐOẠN SƠ KỲ - 1920-1940 Thuyết tân duy thực. Trong những năm đầu của thế kỷ, một số triết gia trẻ nổi dậy chống lại thuyết duy tâm mà họ được nuôi dưỡng, và tiếp nhận một quan điểm duy thực. Một trong số họ, William P. Montague, đã miêu tả việc ông khó khăn như thế nào khi đoạn tuyệt với người thầy của mình là Josiah Royce. Nhóm trẻ này đã được William James khuyến khích (đặc biệt bởi bài viết nổi tiếng của ông “Ý thức có hiện hữu hay không?”(Does Consciousness Exist?), và bởi những người theo thuyết tân duy thực của Anh, G. E. Moore và Bertrand Russell. Các nhà tân duy thực, như họ được gọi là thế, đã phát động các cuộc tấn công chống lại các pháo đài của thuyết duy tâm. Nghiên cứu của Ralph Barton Perry, Tình trạng gay go của ngã trung tâm luận (The Ego-centric Predicament) là một phê phán đặc biệt mạnh mẽ dành cho thuyết duy tâm.[2] Năm 1912, các nhà lãnh đạo của phong trào, Edwin B. Holt, Walter T. Marvin, William P. Montague, Ralph B. Perry, Walter B. Pitkin và Edward G. Spaulding, đưa ra tuyên ngôn của mình, Thuyết tân duy thực: Các hợp tác nghiên cứu trong triết học (The New Realism: Co-operative Studies in Philosophy). Lập trường của các nhà tân duy thực có thể được tóm tắt trong ba mệnh đề cơ bản. (1) Ít nhất một số cái đặc thù mà ta ý thức được vẫn hiện hữu ngay cả khi ta không ý thức về chúng. Đây là thuyết duy thực đặc thù luận thông thường về sự hiện hữu của lương thức. (2) Ít nhất một số những bản chất hay cái phổ quát được ta ý thức vẫn tồn tại ngay cả khi ta không có ý thức về chúng. Đây là thuyết duy thực kiểu Plato hoặc thuyết duy thực tồn tại. (3) Ít nhất một số cái đặc thù cũng như cái phổ quát được lĩnh hội trực tiếp mà không cần qua trung giới của bản sao, của hình ảnh tinh thần, hay biểu tượng (representation). Cái sau cùng này, tiêu biểu cho việc đối lập với thuyết duy thực biểu tượng, là luận đề đặc trưng nhất và gây tranh cãi nhất của các nhà tân duy thực.[3] Các nhà tân duy thực bày tỏ sự đồng thuận, ít nhất là trên các đường lối tổng quát, trong lập trường nhận thức luận nhưng khác nhau về quan điểm siêu hình học. Họ chia sẻ cách nhìn, thường thấy trong tư duy hiện đại, rằng nhận thức luận và siêu hình học là độc lập với nhau. Một vài người trong số họ trở thành những người ủng hộ thuyết hành vi (behaviorism) trong tâm lý học và thuyết toàn-khách quan (pan-objectivism) trong triết học. Những người khác, tuy nhiên, dưới tác động của các luận cứ của các nhà duy thực phê phán, cuối cùng đã sửa đổi lập trường của họ theo cách gần như từ bỏ nó. Thuyết duy thực phê phán. Khó khăn cơ bản trong học thuyết của các nhà duy thực mới mẻ là thuyết nhất nguyên luận trong nhận thức luận của họ hay xu hướng đồng nhất chủ thể và đối tượng mà không có bất kỳ tính nhị nguyên nào. Ngày càng có nhiều sự bất mãn nổi lên đối với phản hồi này dành cho thuyết duy tâm. Một nhóm các nhà triết học duy thực khác, giống như các nhà duy thực mới, khác biệt trong quan điểm siêu hình học nhưng lại chia sẻ chung quan điểm nhận thức luận, đề xuất một thuyết duy thực “phê phán” hoặc cải tiến. Bảy người trong số họ, Durant Drake, A. o. Lovejoy, James B. Pratt, A. K. Rogers, George Santayana, Roy w. Sellars và Charles A. Strong, đến lượt mình cũng đưa ra một bản tuyên ngôn (Các tiểu luận của thuyết duy thực phê phán (Essays in Critical Realism) vào năm 1920. Luận điểm trung tâm của các nhà duy thực phê phán là thế giới khách quan hiện hữu độc lập với tinh thần nhưng không được nhận thức trực tiếp, như các nhà duy thực mới, hay những người theo thuyết nhất nguyên nhận thức luận, đã tuyên bố. Các đối tượng trong tự nhiên được biết đến một cách trung gian bằng những ý niệm được mang lại như các đối tượng trong ý thức. Thuyết nhị nguyên trong nhận thức luận này, tương tự với nhiều khía cạnh của các lý thuyết duy biểu tượng trước đó, đã được phát triển theo các hướng khác nhau bởi các tín đồ của thuyết duy thực phê phán. Hầu hết trong số họ, với ngoại lệ đáng chú ý là Santayana, mà với ông, việc thừa nhận sự hiện hữu của các đối tượng ngoài tinh thần là một vấn đề của lòng tin bản năng, cho rằng tinh thần bằng cách nào đó có khả năng suy ra sự hiện hữu của các đối tượng thực tồn từ các biểu tượng. Giống như các nhà duy thực mới, các nhà duy thực phê phán đã tiến hành xây dựng các học thuyết siêu hình học mâu thuẫn với nhau. Chúng ta đã đề cập đến siêu hình học của Santayana trong chương trước. Bên cạnh ông, Roy Wood Sellars có lẽ là nhà triết học xuất sắc của nhóm và là một trong những người nổi bật nhất trong thời kỳ này. Trong các tác phẩm của mình, Thuyết duy nhiên tiến hoá (Evolutionary Naturalism) (1922), Thuyết duy thực phê phán (Critical Realism), và Triết học của thuyết duy thực vật lý (The Philosophy of Physical Realism) (1932), Sellars đề xuấy một thuyết duy thực phê phán trong nhận thức luận và thuyết duy thực vật lý trong siêu hình học. Nhưng với tất cả quan điểm duy nhiên của mình, quan điểm của Sellars ở nhiều điểm trong lý thuyết về nhận thức gợi nhớ một cách đáng ngạc nhiên đến siêu hình học của phái Thomas về nhận thức. Chẳng hạn, ông chỉ ra rằng, đối tượng không phải là sự vật mà là vật được biểu thị. Ông nhấn mạnh rằng tri thức đạt được không phải bởi một tinh thần nằm trong một cơ thể mà là một cơ thể được tinh thần hoá (minded body). Tuy nhiên, phân tích cho đến cùng, Sellars vẫn là nhà duy vật kiên định bởi vì ông không thừa nhận một nguyên tắc hay hình thức nào (chẳng hạn như một linh hồn tồn tại) mà về bản chất lại độc lập với các cấu trúc vật chất. Vào thập kỷ thứ hai và thứ ba của thế kỷ này, một trong những cuộc tranh luận sống động nhất trong lịch sử triết học Mỹ xoay quanh vấn đề thuyết duy thực. Các nhà triết học châu Âu chính thức thừa nhận “các trường phái duy thực của Mỹ”. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình đánh giá rằng mặc dù mỗi bên đều có lý khi nhấn mạnh sự cần thiết phải quay trở lại với thuyết duy thực, song không bên nào đưa ra được một giải thích khả thủ về mặt triết học đối với nó. Morris Raphael Cohen, nhà tự nhiên luận nhân văn thiên tài , lên tiếng về những khó khăn mà các nhà duy thực gặp phải. Ông chỉ ra rằng giải pháp duy nhất cho tình trạng gay go về nhận thức luận là cần tránh (1) quy giản tinh thần và vật chất vào nhau, đây là sai lầm mà các nhà duy thực mới phạm phải, và (2) phân chia tinh thần và vật chất thành các lớp loại trừ lẫn nhau, là sai lầm của các nhà duy thực phê phán. Giải pháp cho tình trạng này bao gồm việc phân biệt các trật tự và cấp độ của hiện hữu. Giống như Sellars, ông đề xuất các quan điểm tương tự như học thuyết Thomas về tính ý hướng (intentionality) và sự phân biệt giữa hiện hữu tự nhiên và hiện hữu có tính ý hướng nhưng không phát triển chúng.[4] Cohen vẫn là một người duy nhiên, mặc dù ông có tinh thần cởi mở, bởi vì ông thừa nhận không có nền tảng triết học hợp lý nào để thiết định một trật tự tinh thần của những tồn tại khác biệt hoặc cao hơn “tự nhiên” được quan niệm như một trật tự vật lý hay vật chất. Những phát triển khác trong giai đoạn từ 1920-1940. Ngoài những cuộc tranh luận triết học mạnh mẽ bùng nổ giữa các nhà duy tâm, duy thực và dụng hành, những năm này đã chứng kiến một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của triết học kinh viện trong các trường cao đẳng và đại học Công giáo của đất nước này, và chứng kiến sự du nhập thuyết thực chứng logic vào Hoa kỳ. Hơn nữa, những năm này đã sản sinh ra nhiều công trình quan trọng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn. Có nhiều đóng góp đáng chú ý cho lĩnh vực lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng nói chung. Trong số các nhà lịch sử triết học xuất sắc, ta có thể đề cập đến Richard M. McKeon, George Boas, Harry A. Wolfson, và A. O. Lovejoy. Rất nhiều công trình cũng được thực hiện về logic biểu trưng, một trong số ít các lĩnh vực mà các học giả châu Âu quen thuộc với công việc của người Mỹ. Willard Van Orman Quine, Alonzo Church, Charles Morris và nhiều người khác đã đóng góp quan trọng cho lĩnh vực này.[5] Các lĩnh vực mỹ học, triết học khoa học và lý thuyết giá trị vẫn có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa. Các triết gia Mỹ như S. Pepper và E. Hall đã được đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực lý thuyết giá trị. Cũng trong thời gian này, Hiệp hội Hiện tượng học quốc tế được thành lập (1939), và năm 1940, số đầu tiên của Tập san triết học và nghiên cứu hiện tượng học (The Journal of Philosophy and Phenomenological Research), hậu thân của Jahrbuch für Philosophie und Phänomenologische Forschung của Husserl, đã xuất hiện. Mặc dù hiện tượng học đã không có nhiều ảnh hưởng ở Mỹ như ở châu Âu, song phong trào này đã là một tiêu điểm cho các nhà tư tưởng có quan điểm triết học khác nhau rất xa. Marvin Farber, chủ biên của Tập san, là một học trò của Husserl, người đã có một vị trí độc lập với tư cách là nhà lãnh đạo của thuyết tân duy vật.[6] Trong số các tập san khác được thành lập trong giai đoạn này có: Philosophy of Science (Ỉ934), Journal of Symbolic Logic (1936) và Journal of the History of Ideas (1940). Ở đây chúng ta cũng nên đề cập đến một số tạp chí được thành lập sau năm 1940, cũng như những tạp chí biểu hiện quan điểm của Công giáo. Nằm trong nhóm đầu tiên là Journal of Esthetics and Art Criticism(1941), Review of Metaphysics (1947), và Philosophical Studies(1950). Nằm trong nhóm được đề cập cuối cùng là The New Scholasticism (1926), The Modern Schoolman (1923), Thought(1926), The Thomist (1939), The Review of Politics (1939), và Franciscan Studies (1924). Chủ nghĩa nhân văn. Một phong trào khác đáng được đề cập ở đây, mặc dù nó thuộc về lịch sử chung của tư tưởng Mỹ hơn là triết học theo đúng nghĩa, là chủ nghĩa nhân văn. Các nhà nhân văn chủ nghĩa, dẫn đầu bởi Paul Elmer More, Irving Babbitt và Norman Foerster, chủ trương quay trở lại với truyền thống cổ điển với tất cả những gì thuật ngữ này ngụ ý, không chỉ cho giáo dục khai phóng mà còn cho một cuộc đời được hướng dẫn bởi ý thức về mục đích, sự kiểm soát của lý tính và các tiêu chuẩn đo lường trong hành động đạo đức. Đồng cảm với nhóm này là những người như Robert Maynard Hutchins và Mortimer J. Adler, cả hai đều có nhiều năm gắn bó với Đại học Chicago, và là những người ủng hộ quay trở lại với giáo dục khai phóng đích thực bằng cách nghiên cứu chuyên sâu về di sản cổ điển như được thể hiện trong “Great Books”. Bất chấp những phê phán về quan niệm của loại chương trình này, những người này đã phục vụ tận tình cho giáo dục Mỹ trong thời kỳ, khi nỗ lực của người Mỹ trong việc giáo dục hay đào tạo một tỷ lệ ngày càng tăng những người trẻ ở độ tuổi đại học, mang lại cho việc đào tạo một quá trình xuống cấp gây nguy hiểm cho giáo dục khai phóng đích thực và đưa ra ít thách thức cho những người tài năng hơn. Nhiều đóng góp nổi bật cho triết học được Mortimer Adler mang lại, ông hiện đang là giám đốc của Viện Nghiên cứu triết học ở San Francisco, chỉ có thể được nói tới ở đây. Tất nhiên, những người theo thuyết dụng hành và thuyết duy nhiên không muốn danh hiệu “nhà nhân văn chủ nghĩa” bị tước đoạt khỏi họ. Họ cảm thấy rằng những người theo chủ nghĩa nhân văn, cho dù là biến thể của More và Babbitt, hoặc của Hutchins-Adler, đã đề xuất một chương trình giáo dục phản khai phóng và độc đoán. Những người ủng hộ nó, họ nói một cách kín đáo, là những người bạn đồng hành của các nhà trung cổ học kinh viện. Chính ở trong thứ chủ nghĩa nhân văn theo kiểu của họ, mà họ gọi là chủ nghĩa nhân văn khoa học hay thậm chí chủ nghĩa nhân văn tôn giáo, là nơi ta phải tìm kiếm một sự bảo vệ và giải thích chân chính cho phẩm giá và tự do của con người. Trong cuốn “Bản tuyên ngôn của nhà nhân văn chủ nghĩa” năm 1939, E. A. Burtt, John Dewey, J. H. Randall, Jr., O. L. Reiser, và Roy Wood Sellars, cùng với những người khác, tuyên xưng đức tin của họ đối với giá trị tối cao và tính tự hoàn thiện của nhân cách con người. Họ kêu gọi rằng vì tôn giáo bao gồm những hành động, mục đích và kinh nghiệm này, những kinh nghiệm có giá trị nhân văn, sự khác biệt giữa cái thiêng và cái tục không còn có thể được duy trì. Vì thế, các nhà nhân văn tôn giáo nên cùng một lúc quan tâm đến vũ trụ như là cái tự tồn tại hay không được sáng tạo ra, và dành năng lượng của mình vào việc làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt hơn để con người sống và hạnh phúc trong đó.
THỜI KỲ GẦN ĐÂY, GIAI ĐOẠN HẬU KỲ, TỪ 1940 ĐẾN NAY Hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự tiếp nối và phát triển của các xu hướng chúng tôi đã đề cập. Những phát triển gần đây hơn của thuyết duy nhiên, thuyết thực chứng logic và siêu hình học duy thực đòi hỏi sự chú ý đặc biệt ở đây. Thuyết duy nhiên. Phong trào này, thường được chính những người gắn bó với nó coi là một thái độ và một chương trình làm việc hơn là một tập hợp các học thuyết rõ ràng, có nguồn gốc từ trong quá khứ của Mỹ. Trong số những nhà duy nhiên xuất sắc của những năm 1920 và 1930, có Woodbridge, Cohen, Dewey và Santayana. Gần đây hơn, một nhóm mười lăm nhà duy nhiên đã hợp tác trong một công trình mang tên Thuyết duy nhiên và tinh thần con người (Naturalism and Human Spirit) và khẳng định niềm tin của họ rằng chỉ trong thuyết duy nhiên mới chứa đựng tương lai của triết học và chủ nghĩa nhân văn của Mỹ. Dẫn đầu bởi John Dewey, vẫn đang chiến đấu chống lại các lực lượng phản ứng, nhóm này bao gồm S. P. Lamprecht, Sidney Hook, Abraham Edel, Eliseo Vivas (người mà quan điểm đã từng thay đổi), H. W. Schneider, George Boas, E. W. Strong, Thelma Levine, Ernest Nagel, W. R. Dennes, Harry T. Costello, H. A. Larrabee, J. H. Randall, Jr., và Yervant Krikorian. Những người này từng đứng trong truyền thống duy nghiệm. Họ phản đối (1) mọi loại thuyết quy giản và (2) tất cả các loại thuyết nhị nguyên, đặc biệt là các thuyết sặc mùi của cái mà họ mơ hồ gọi là “thuyết siêu nhiên”. Với tư cách là những người “không theo thuyết quy giản”, họ cho rằng quan điểm “không có gì khác ngoài…”, theo đó thực tại hoặc là không có gì ngoài tinh thần hoặc không có gì ngoài vật chất, như trong các lý thuyết của thuyết duy tâm nhất nguyên luận hoặc thuyết duy vật nhất nguyên luận, là không cần thiết và không thể bảo vệ được. Tất nhiên, ở đây họ tiết lộ ảnh hưởng mạnh mẽ của thuyết dụng hành đối với tư tưởng của mình. Nhìn từ quan điểm dụng hành, người ta không thể chứng minh hay bác bỏ bất cứ điều gì về “vật tự thân” (noumena) đằng sau “hiện tượng”, sử dụng thuật ngữ thường được mặc nhiên chấp nhận của Kant, chỉ ra thế giới của siêu hình học trong đó họ sống trong khi nổi loạn chống lại nó. Những câu hỏi như vậy, theo các nhà duy nhiên, nên bị loại bỏ, xem là vô nghĩa vì phương pháp thường nghiệm không thể xử lý chúng một cách có thể kiểm chứng.
Thứ hai, các nhà duy nhiên phản đối bất kỳ thái độ nào “không hướng về thế giới trần tục”. Họ là những người không nhị nguyên và không siêu nhiên bởi vì phương pháp nghiên cứu thường nghiệm được minh họa trong phương pháp khoa học không cho phép có cách nào để tiếp cận và xác minh một lĩnh vực thực sự phân biệt và tự trị của tinh thần hoặc của linh hồn. Họ thừa nhận tính độc đáo và sức mạnh sáng tạo của trí tuệ con người, nhưng nhấn mạnh rằng nó vẫn triệt để và hoàn toàn là một phần của tự nhiên. Đằng sau sự bác bỏ của các nhà duy nhiên đối với quy giản luận và nhị nguyên luận là niềm tin chắc chắn của họ rằng, phương pháp duy nhất hợp lệ để đạt được tri thức là phương pháp của khoa học thực chứng. Điều này dẫn đến việc là triết học không có chủ đề thích đáng nào ngoài việc được quy giản vào bộ phận nhận thức luận để bàn về phương pháp luận và đánh giá tri thức đạt được nhờ khoa học. Các nhà duy thực đã lập luận rằng, trong lập trường của các nhà duy nhiên về khoa học thực chứng, có lý luận kiểu vòng tròn lẩn quẩn. Nếu người ta cho rằng phương pháp khoa học là phương pháp duy nhất, họ phải chỉ thừa nhận các dữ liệu nó tiết lộ. Nếu người ta chỉ chấp nhận dữ liệu khoa học, người ta chỉ có thể thừa nhận phương pháp của nó là hợp lệ.[7] Từ các phía đối lập, đã có nhiều khó khăn đưa ra để chống lại các nhà duy nhiên. Những người theo chủ nghĩa duy vật “mới”, đứng đầu là Sellars, McGill, và Farber, đã tấn công họ vì không chấp nhận tất cả, cho dù là phong cách mới, của chủ nghĩa duy vật. Các nhà nhị nguyên luận theo thuyết hữu thần tìm cách đâm xiên vào các nhà tự nhiên luận trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc là họ tham gia vào lực lượng các nhà tân duy vật và do đó không thể giải quyết được các giá trị đặc biệt của con người, hoặc họ phải thừa nhận phẩm chất không thể quy giản của con người và vì thế phải từ bỏ tính thứ nhất của vật chất. Nói cách khác, nhà duy nhiên hoặc là một người theo thuyết quy giản âm thầm, hoặc là một nhà nhị nguyên âm thầm. Họ phải chọn một cái mác nào đó giữa thuyết duy vật hoặc thuyết nhị nguyên. Đối mặt với những rào cản ghê gớm này, các nhà duy nhiên phải nỗ lực chống đỡ để phòng thủ. Trong khi đó, bất chấp việc thiếu tính mạch lạc và rõ ràng đã phải thừa nhận, thuyết duy nhiên tiếp tục phát huy ảnh hưởng đáng kể đến tư tưởng Mỹ. Thuyết thực chứng logic. Không ít nhà tư tưởng Mỹ theo quan điểm duy nhiên đã thấy cách tiếp cận triết học này, đến Mỹ tương đối gần đây, là rất hợp ý họ, trong khi những người khác vẫn trung thành với thuyết dụng hành. Thuyết thực chứng logic, còn được gọi là thuyết duy nghiệm logic, phân tích logic và triết học phân tích, bắt nguồn từ Áo (Wiener Kreis hay Vienna Circle) và ở Cambridge dưới ảnh hưởng của “những người tiên phong ” như Moore và Russell. Nổi bật trong sự phát triển của nó là triết gia Áo Ludwig Wittgenstein, tác giả của Luận văn logic triết học (Tractatus logico-philosophicus), người trong nhiều năm có ảnh hưởng rất lớn ở Cambridge. Chúng tôi đã đề cập đến phong trào này ở chương trước, vì vậy ở đây chúng tôi sẽ giới hạn trong việc chỉ ra tầm quan trọng của nó với tư cách một nguồn lực trong triết học Mỹ.[8] Trước chiến tranh thế giới II, một số nhà thực chứng logic, trong số đó có Rudolf Carnap, Hans Reichenbach, Gustav Bergmann và Hermann Feigl, đến Hoa Kỳ tìm nơi tị nạn để thoát khỏi chủ nghĩa phát xít. Họ nhanh chóng đảm nhận một vị trí quan trọng dẫn đầu trong giới triết học. Lý do vì sao thuyết thực chứng logic sẵn sàng được chấp nhận ở nhiều khu vực là khá rõ ràng. Hình thức mới của thuyết thực chứng này đã lôi cuốn nhiều người Mỹ theo quan điểm duy nhiên hay duy nghiệm, những người không thoả mãn với thuyết dụng hành, cho dù là theo phiên bản cũ hơn của James hay phiên bản duy công cụ mới hơn của Dewey. Thái độ vô cảm của nhà thực chứng logic trong việc đối mặt với “những câu đố” siêu hình học và các kỹ thuật nghiêm ngặt được đưa ra để phân tích ngôn ngữ thuyết phục được số lượng lớn những người đi theo. Trong những năm sau chiến tranh, khi các nhà thực chứng logic đã giành được ngày càng nhiều đất hơn, dường như có lúc phong trào của họ là phong trào ảnh hưởng và có tầm quan trọng nhất ở giai đoạn giữa thế kỉ. Quan điểm cơ bản của các nhà thực chứng logic đã được tóm tắt ngắn gọn bởi một trong số những người ủng hộ hàng đầu của họ, Gustav Bergmann. Các nhà thực chứng logic cho rằng (1) trình bày của Hume về quan hệ nhân quả và phương pháp quy nạp là có cơ sở; (2) rằng các chân lý toán học và logic, về bản tính, là có tính lặp thừa hay trùng luận (tautological); (3) rằng triết học thực chất là một phương pháp phân tích logic, tức là, làm sáng tỏ ngôn ngữ mà tất cả chúng ta đều nói trong cuộc sống hàng ngày; và cuối cùng (4) rằng phân tích như vậy dẫn đến việc bác bỏ siêu hình học. Điểm sau này có nghĩa là các vấn đề gây tranh cãi trong các hình thức truyền thống của thuyết duy tâm, thuyết duy thực và thuyết duy hiện tượng thậm chí không thể được nêu ra, hay ít nhất là không được nêu lên theo ý định ban đầu của chúng, trong một ngôn ngữ được làm rõ một cách thích đáng.[9] Theo những người ủng hộ nó, thuyết thực chứng logic không chỉ là sự sáp nhập đơn thuần của thuyết thực chứng cũ và thuyết duy thực logic cũ. Các điểm số 2 và 4 trong bản tóm tắt của Bergmann chỉ ra “bước chuyển mới”, theo đó thuyết thực chứng mới phân biệt chính nó với các nhà triết học duy nghiệm cũ, vốn không thể giải thích cho những yêu sách về chân lý riêng của logic và toán học và không dễ dàng xoay chuyển giữa thuyết hoài nghi của Hume và các học thuyết hữu thể luận truyền thống. Sự bác bỏ triệt để siêu hình học, xem nó là vô nghĩa đã dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ không chỉ từ bên ngoài phe theo thuyết thực chứng logic mà thậm chí cả từ bên trong nữa. Một số tín đồ của thuyết thực chứng logic đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tái du nhập các câu hỏi siêu hình học vào thảo luận triết học. Mặt khác, các nhà duy nhiên thực nghiệm (ví dụ, Dewey, Hook, Kallen), trong khi chia sẻ với các nhà thực chứng không khoan nhượng việc bác bỏ siêu hình học, lại tấn công họ trên các nền tảng khác. Họ lập luận rằng cho dù họ thừa nhận rằng phân tích ngôn ngữ đã giúp ta cải tiến các kỹ thuật khám phá các khu vực tối tăm của ngôn ngữ và mang lại một số đóng góp quan trọng cho nhận thức của ta về ngôn ngữ , thì không có lý do gì bào chữa cho việc thu hẹp vô lý phương pháp thường nghiệm. Để trả lời, “các nhà bách khoa toàn thư đương đại về khoa học thống nhất ”, như Feigl gọi các nhà thực chứng logic, khẳng định rằng phương pháp của họ là phương pháp được sử dụng để dọn sạch đống đổ nát và tạo không gian cho chương trình lớn là thống nhất mọi ngành khoa học. Công việc này là vai trò mà triết học phải thực hiện để tạo điều kiện cho sự tiến bộ hướng về sự cải thiện cho con người mà khoa học sẽ thực hiện. Mặc dù họ đối lập với những kẻ chủ trương “không có gì ngoài” và “cái gì đó cộng với”, song có vẻ như đối với các nhà thực chứng logic, thì triết học hầu như không thể là gì ngoài phương pháp phân tích. Bỏ ngoài tai lời buộc tội của các nhà duy nhiên thực nghiệm một bên và bên kia là các nhà siêu hình học duy thực, họ kiên trì giới hạn những nỗ lực của mình vào việc phân tích ngôn ngữ và bỏ qua các lĩnh vực rắc rối nhưng rộng lớn và phong phú của bằng chứng hữu thể học mà kinh nghiệm trình bày cho chúng ta. Sự đổi mới của siêu hình học. Hồi chuông báo tử của siêu hình học đã rung lên nhưng vì rung bởi các nhà bách khoa toàn thư mới và những người không theo thuyết quy giản tự phong khác nên lại té ra là quá sớm. Để diễn đạt lại nhận xét của Gilson, siêu hình học dường như có khả năng hồi sinh kỳ lạ và chôn vùi chính những người làm tang lễ cho mình, và nó đã làm như vậy ở Mỹ. Trong thập kỷ vừa qua đã có sự hồi sinh quan trọng của siêu hình học nảy sinh từ ngay bên trong những trào lưu chính của tư tưởng Mỹ.[10] Ở đây chúng ta sẽ thảo luận về (1) Hội Siêu hình học và (2) sự nổi lên của triết học duy thực. Tiếp theo là một cuộc thảo luận về (3) thuyết Thomas Mỹ. 1) Hội Siêu hình học (The Metaphysical Society). Sự hình thành của Hội siêu hình học Mỹ vào ngày 15 tháng 4 năm 1950 là một sự kiện tượng trưng cho sự hồi sinh mối quan tâm của những người có quan điểm khác nhau, song cùng nhất trí về vị trí hàng đầu của siêu hình học cũng như nhu cầu hợp tác trong nhiệm vụ đạt được tiến bộ của việc theo đuổi “đệ nhất triết học ”. Một trong những nhân vật hàng đầu của phong trào này là Paul Weiss ở Yale. Là chủ biên của Review of Metaphysics (thành lập năm 1947), tác giả của nhiều cuốn sách, gần đây ông đã xuất bản một tác phẩm siêu hình học, Modes of Being (1958). Chuyên luận đầy tham vọng này xem tính hiện thực , tính ý thể và Thượng Đế như là trung tâm của bất kỳ nghiên cứu nào về tồn tại, và trình bày chi tiết một diễn giải về các thể cách của tồn tại trong khoảng bốn trăm mệnh đề . Bốn thể cách (modes) tồn tại là: Hiện thực (Actuality), hay lĩnh vực của những tồn tại không-thời gian; Ý thể (Ideality), hay lĩnh vực của cái khả hữu và cái Thiện; Hiện hữu (Existence), hay lĩnh vực của sự sáng tạo, cội nguồn của năng lượng và nền tảng của lịch sử; và Thượng Đế (God), sự hợp nhất nguyên thuỷ và tối cao. Cả bốn thể cách này đều đồng thời độc lập và liên quan đến nhau. Và “tri thức là dành cho Hiện thực, đánh giá đúng đắn là cho Ý thể, sự phối hợp phổ quát là cho Hiện hữu, và sự cảm kích là dành cho Thượng Đế”. Cuối cùng, chính ở trong Thượng Đế mà các thể cách Hiện thực , Ý thể và Hiện hữu được hòa giải với nhau.[11] Một tác phẩm siêu hình học có phạm vi đầy tham vọng khác đáng đề cập ở điểm này. James Feibleman ở Đại học Tulane, nổi tiếng với các nghiên cứu lịch sử của mình, nhắm tới việc thiết lập trong số “những người có tinh thần khoa học môn hữu thể học tư biện như một lĩnh vực nghiên cứu chính đáng”. Mục đích thứ hai của ông là "đề xuất một hệ thống đặc thù về hữu thể hữu hạn như là một đóng góp cho bản tính của lĩnh vực này”. Feibleman tiến hành mô tả các vũ trụ của bản chất, hiện hữu, và định mệnh. Cái đầu tiên bao gồm các yếu tố và điều kiện cấu thành vũ trụ của cái khả thể, thứ hai là các yếu tố và điều kiện cấu thành vũ trụ rộng nhất được biết đến và cái thứ ba liên kết nỗ lực theo đó chúng ta tìm cách nâng hiện hữu lên địa vị của bản chất. Sau khi dành sự chú ý đặc biệt cho sự biết, “một trường hợp đặc biệt của tồn tại”, ông minh họa các ứng dụng cho thực hành mà các nguyên tắc của ông có thể áp dụng. Công trình của Feibleman chứa một phép tính của khoảng sáu trăm mệnh đề, liên quan đến bản chất, hiện hữu, định mệnh, hiểu biết và “phép tính tất cả đều là giả định”. Thông thạo lịch sử ngành học của mình, tác giả đặc biệt liên hệ các nền triết học cơ bản với nhau và cho thấy cách họ đồng hóa và trình hiện theo cách riêng của mình các ý niệm của nhau. Tuy nhiên, ông kết thúc sự tìm kiếm của mình bằng một nhận xét về thất bại: “loài người bị ràng buộc với nghịch lý này: rằng con người được quy định là phải tư biện về những câu hỏi tối hậu như bản tính của Thượng Đế, sự bất tử và sự biện minh về cái ác trên thế giới; và họ cũng hiển nhiên bị quy định là không tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi này”.[12] Vilman H. Sheldon của Yale cũng đại diện cho xu hướng bày tỏ các mối quan tâm về lịch sử và hệ thống trong siêu hình học. Trong công trình Thượng Đế và tính phân cực: Một hợp đề của các nền triết học (God and Polarity: a Synthesis of Philosophies) (1954), ông xem xét các loại hình cạnh tranh nhau trong triết học, ví dụ, thuyết duy tâm, thuyết duy vật, tổng hợp Kinh viện, triết học về tiến trình, cùng thuyết phi lý tính, và nỗ lực hòa giải những thức nhận trái ngược của họ thành một hợp đề toàn diện. 2) Triết học duy thực. Một sự phát triển đáng chú ý khác trong quá trình khôi phục siêu hình học là sự hình thành Hiệp hội triết học duy thực của John Wild ở Harvard và những người cộng tác với ông vào năm 1948. Hiệp hội này, như đã nêu trong Cương lĩnh của mình, dốc sức cho việc làm sáng tỏ có phê phán các mệnh đề duy thực sau đây trong siêu hình học, nhận thức luận, và triết học thực hành: I. Siêu hình học: a. Tồn tại không thể bị quy giản thành tồn tại vật chất hoặc phi vật chất. b. Bằng chứng thường nghiệm cho thấy cả hai thể cách tồn tại trên đều hiện hữu trong vũ trụ. c. Vũ trụ này bao gồm các thực thể thực tồn , hiện hữu tự thân và sắp xếp lẫn nhau bằng các mối quan hệ thực sự ngoài tinh thần. [Ở điểm này, các nhà duy thực mang đến bằng chứng về sự hiện hữu của Thượng Đế.) II. Nhận thức luận: Những thực thể và quan hệ có thực này cùng với các vật tạo tác của con người có thể được tinh thần con người biết đến vì tinh thần ở trong chính chúng và có thể được thưởng thức một cách thẩm mỹ. III. Triết học thực hành: Các tri thức, đặc biệt là tri thức xem xét bản tính của con người, có thể cung cấp cho ta các nguyên tắc bất biến và đáng tin cậy để định hướng hành động của cá nhân và xã hội. IV. Lịch sử triết học: Những chân lý quan trọng được chứa đựng trong truyền thống cổ điển của triết học Plato và Aristoteles. Trong việc giải thích điểm cuối cùng, Cương lĩnh nói rằng, “Nhu cầu lớn hiện tại là: 1. Một nghiên cứu triết học, khác với chỉ là ngữ văn học và sưu tầm đồ cổ, nghiên cứu các văn bản cổ điển, có mục đích tách biệt chân lý sống động khỏi các minh họa lỗi thời và bồi đắp ngẫu nhiên; 2. Làm sáng tỏ hơn theo phương pháp quy nạp các khái niệm cơ bản, ít nhấn mạnh vào phân tích công phu kiểu diễn dịch và ngăn chặn sự xâm nhập của những ý niệm thần học giáo điều và kết quả là khuynh hướng đối lập thuyết duy thực thời trung đại với thuyết duy thực của người Hy Lạp.[13] Có thể dễ dàng nhận thấy từ những gì nói ở trên là trong khi các nhà duy thực thừa nhận họ mang ơn truyền thống cổ điển và trung đại, và nhấn mạnh sức sống bền bỉ cùng sự quan yếu của các truyền thống này đối với triết học ngày nay, họ không coi mình chỉ đơn thuần là lặp lại hay phát biểu lại truyền thống này. Họ tin rằng, “nếu chân lý này vẫn còn sống động giữa chúng ta, nó phải được mỗi thế hệ khám phá lại và được phát triển theo những cách đặc biệt để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt”.[14] Bằng chứng triết học, các nhà duy thực nói, là rộng lớn và phong phú, và các cấu trúc cơ bản của nó còn ít được khám phá. Hiện tượng học, bản thân nó vẫn còn trong một giai đoạn chưa hoàn hảo, nên được sử dụng đầy đủ hơn trong triết học duy thực bởi vì đó là “một nỗ lực có kỷ luật để miêu tả và phân tích dữ liệu trực tiếp của ý thức như chúng được mang lại”.[15] Trong Sự trở lại với lý tính (The Return to Reason) (1953), nhóm các nhà triết học duy thực này, bao gồm Wild, Herman M. Chapman, Oliver Martin, J. De Boer, Manley H. Thompson, Jr., Francis H. Parker, Henry Veatch, Eliseo Vivas, William A. Banner, John Ladd, Robert Jordan, H. S. Broudy, J. Arthur Martin, trình bày một quan điểm mới và khả năng khám phá các khía cạnh mới của các vấn đề muôn thuở của triết học. Họ trình bày cho chúng ta không chỉ với những phê phán nặng nề dành cho thuyết duy nhiên và thuyết duy nghiệm mà còn với những giải thích về các câu hỏi nhận thức luận và siêu hình học. Trong việc tái khẳng định sức sống của truyền thống duy thực và cố định vững chắc cho những dây neo siêu hình học của nó, các nhà duy thực này tránh những hố bẫy của thuyết tân duy thực và thuyết duy thực phê phán, mà bi kịch của nó, như Wild nhận xét, là do “sự quan tâm duy nhất của họ đối với nhận thức luận và do họ không chịu nhìn nhận vai trò của những nền tảng hữu thể học mà bất kỳ nhận thức luận duy thực lành mạnh nào cũng phải dựa vào”.[16] 3) Sự trỗi dậy của thuyết Thomas.[17] Xu hướng chính tiếp theo trong sự hồi sinh của siêu hình học mà chúng ta sẽ chuyển sang là sự trỗi dậy của thuyết Thomas đến một vị trí quan trọng trong triết học Mỹ. Sức sống gần đây được cho thấy ở thuyết Thomas không phải là một sự hồi sinh cho bằng sự nở rộ của một phong trào đang tiến triển ở đất nước này kể từ những năm 1920 và kéo dài trở lại tới sự hồi sinh của chủ nghĩa Kinh viện dưới sự bảo trợ của giáo hoàng Leo XIII vào thế kỷ XIX. Tất nhiên, triết học kinh viện được dạy trong các định chế Công giáo kể từ khi thành lập các trường đại học và chủng viện đầu tiên ở đất nước này, ví dụ, Georgetown University vào năm 1789 và Đại học St. Louis vào năm 1818. Tuy nhiên, mãi đến năm 1920, chủ nghĩa Kinh viện mới bắt đầu chứng tỏ sức mạnh trí tuệ và đạt được sự trưởng thành thực sự. Chính vào những năm 1920, Hiệp hội triết học Công giáo Mỹ được thành lập và tập san của nó, The New Scholasticism, ra đời. Khi ngày càng nhiều học giả Mỹ theo đuổi nghiên cứu triết học tại các trung tâm lớn của Châu Âu và tại các trung tâm mới ở Mỹ, việc giảng dạy và trước thuật của các nhà triết học Công giáo Mỹ đạt đến trình độ học thuật cao hơn. Trong những năm gần đây, nhiều công trình học thuật và nhiều sách giáo khoa có thẩm quyền cao bắt đầu xuất hiện. Các ghi chép bài giảng, đi tiên phong bởi loạt bài giảng về Aquinas tại Đại học Marquette, đã thành lệ. Thuyết Thomas Mỹ, bất chấp tất cả những tiến bộ đã được thực hiện trong hai mươi lăm năm qua, vẫn không ràng buộc chặt chẽ với đời sống triết học Mỹ như nó đáng ra phải vậy. Năm 1951, Giáo sư James Collins kêu gọi sự chú ý đến thực tế này, đủ quen thuộc với tất cả mọi người chúng ta, nhưng không có phản ứng nào rõ rệt đối với kêu gọi đó. Ông nhận xét là một vài trường hợp trao đổi quan điểm hiệu quả đã đặc biệt đủ để kêu gọi bình luận, và rằng thái độ phổ biến là thái độ không quan tâm của cả hai bên. Trong số các nhà phê bình thuyết Thomas, một số cho thấy sự thiếu hiểu biết và thiếu thiện cảm (so sánh các bình luận của những người như Blau và Hook), một số biểu thị hiểu biết nhiều hơn và đánh giá cao tư tưởng của phái Thomas (so sánh các bình luận của Sheldon và Wild). Với những người thuộc loại thứ hai, ít nhất, nên có sự lập lại mối quan hệ và đề xuất mang tính xây dựng của họ nên được chú ý. Thời cơ thích hợp cho những người theo phái Thomas của Mỹ để tham gia hoàn toàn vào đời sống triết học của đất nước chưa bao giờ thuận lợi hơn lúc này. Nhưng có nhiều công việc phải làm. Giáo sư Collins đề xuất hàng tá nhiệm vụ cụ thể; nguyên tắc chỉ đạo của ông là ta định hướng tư tưởng của mình đến những vấn đề muôn thuở khi chúng hình thành ở Hoa Kỳ. Kết quả chỉ có thể là “một sự gia tăng mạnh mẽ sức sống và sự quan yếu của triết học kinh viện”.
KẾT LUẬN Vẫn còn quá sớm để đánh giá tầm quan trọng của thành tựu triết học Mỹ. Lịch sử của quốc gia chúng ta (Hoa kỳ) quá ngắn và sự nghiệp triết học của nó thì còn ngắn hơn. Do đó, hiện tại người ta bị hạn chế đưa ra những đánh giá đủ thẩm định về những thành tựu của triết học Mỹ. Không quá một chục cái tên đại diện cho những gì tốt nhất chúng ta đã tạo ra. Các nhân vật xuất sắc nhất trong số này là các nhân vật vĩ đại, không phải vĩ đại theo cách của Plato, Aquinas, Descartes hay Hegel , mà theo nghĩa là họ đại diện cho thời đại của mình (như Emerson) hoặc đại diện cho một số đặc điểm nào đó của khí chất Mỹ (như James) hoặc một khát vọng nào đó của nhân dân chúng ta (như cả hai). Tuy nhiên, khảo sát ngắn gọn của chúng tôi về triết học Mỹ từ Edwards đến giữa thế kỷ XX đã cho phép chúng ta rút ra một bài học khái quát (và một bài học tương tự có thể được rút ra từ nghiên cứu các truyền thống triết học khác). Triết học Mỹ thể hiện một tính đa nguyên của các học thuyết, như được minh họa trong các hình thức tư tưởng khác nhau, được thể hiện bởi các nhà tư tưởng Mỹ - thuyết duy tâm, thuyết dụng hành, thuyết duy thực, thuyết duy hiện tượng – nhưng có một sự thống nhất trong một thái độ đạo đức hoặc tinh thần khó định nghĩa song không thể nhầm lẫn và chung cho tất cả mọi người - mối quan tâm của họ về sự quan yếu của suy tư đối với đời sống hàng ngày. Tư tưởng Mỹ cũng cho thấy một sự thống nhất khác, một sự thống nhất trong tư duy tư biện không ngừng xoay quanh những vấn đề cơ bản. Có một “sự thống nhất của kinh nghiệm triết học” trong mối quan tâm mà các nhà triết học Mỹ, giống các triết gia ở khắp mọi nơi, thể hiện để trả lời các vấn đề triết học muôn thuở, dù cách trình bày của họ có thể khác nhau, dù giải pháp của họ có thể khác nhau. Những câu hỏi mà các nhà tư tưởng Mỹ nỗ lực trả lời cũng giống như các câu hỏi đã thu hút sự chú ý của các triết gia cổ đại Hy Lạp và La Mã. Chúng cũng giống như những câu hỏi mà Augustine, Aquinas và các giáo sự đại học thời trung đại phải đương đầu. Chúng cũng giống như những câu hỏi mà Descartes, Hume và Kant phải đối mặt. Và chúng cũng giống như các câu hỏi mà các nhà tư tưởng châu Âu đương đại đang cố gắng giải quyết. Theo cách này, nước Mỹ tham gia vào truyền thống triết học châu Âu mà cùng với nó tạo thành một phần của truyền thống chung của phương Tây, và trong sự hợp nhất với nó, tìm ra cách thức và phương tiện để tạo ra đóng góp đặc biệt của riêng mình cho triết học. Hiện tại, nhu cầu lớn nhất của chúng ta là nuôi dưỡng các điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các nhà triết học là những người yêu mến đích thực sự minh triết, nói ngắn, là các triết gia. Chúng ta phải thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho sự suy tư nhiều hơn, chiêm nghiệm đơn độc hơn; chỉ trong một môi trường tinh thần, trong đó chiêm niệm là khả hữu và đáng khao khát thì mới có thể tạo ra tiến bộ thực sự trong tư duy triết học. [1] Xem Joseph Blau, Men and Movements in American Philosophy (New York: Prentice-Hall, Inc., 1951), chương 7. [2] Bài báo này được bao gồm trong Muelder và Sears, The Development of American Philosophy, Cuốn sách của Perry, Present Philosophical Tendencies chứa đựng một trong những phê phán sắc sảo nhất đối với thuyết duy tâm. [3] Xem William P. Montague, “The Story of American Realism”, trong The Ways of Things (New York: Prentice-Hall, 1940). Bài viết này cũng được thấy trong Muelder và Sears, op.cit. [4] Nói chung, quan điểm của thuyết duy thực phái Thomas, một nhận thức luận về cơ bản là siêu hình học về nhận thức, chưa bao giờ được các nhà duy thực Mỹ xem xét nghiêm túc. [5] Ta cũng nên đề cập Alfred Korzybski và “science of sanity program, based upon the non-Aristotelian viewpoint” của ông. [6] Xem bài báo của ông về hiện tượng học trong Contemporary Thought in France and the United States, M. Farber chủ biên (Buffalo: The University of Buffalo Press, 1950). [7] Xem nghiên cứu xuất sắc của Oliver Martin về thuyết duy tự nhiên trong The Return to Reason, John Wild chủ biên. [8] Xem ở trên, tr.633 ff. [9] Xem G.Bergmann, “Logical Positivism”, chương 37, trong A History of Philosophical Systems, V. Ferm chủ biên (New York: Philosophical Library, 1951). [10] Sự nổi lên của thuyết Thomas Mỹ đương thời không bắt nguồn từ dòng chính của tư tưởng Mỹ mà sống lại bằng tiếp xúc với thuyết kinh viện của châu Âu. Nó sẽ được bàn đến ở bên dưới. [11] Paul Weiss, Modes of Being (Carbondale, III.: Southern Illinois University Press, 1958), tr. 532. [12] Feibleman, Ontology (Baltimore: The John Hopkins Press, 1951). [13] John Wild, chủ biên, The Return to Reason (Chicago: Henry Regnery, 1953), phần phụ lục. [14] Tlđd., tr. Vi. [15] Tlđd., tr.vii [16] TLđd, tr. Vii. Trong tác phẩm gần đây, The Challenge of Existentialism (Bloomington, Ind.: Indiana University Press, 1955), Wild nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng hiện tượng học và phương pháp của nó trong triết học duy thực để làm phong phú và bảo vệ nó chống lại thuyết thực chứng logic. Ở đây ông bắt đầu sử dụng hiện tượng học vào siêu hình học duy thực; gần đây hơn, ông dường như nhấn mạnh hơn nữa vào thuyết hiện sinh hiện tượng học. [17] Xem James Collins, “A Quarter Century of American Philosophy”, New Scholasticism, tập XXV, tháng 1, 1951. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC