Hegel, những năm tháng cuồng nhiệt trong chung cư triết nhân
DAVID DEIßNER
Chàng thanh niên Hegel đã chung sống với Hölderlin và Schelling tại chủng viện ở Tübingen: Một hội ngộ thiếu thời của các tinh thần vĩ đại.
Vùng Schwaben[1] nay vẫn còn lưu truyền ngạn ngữ: "Schelling, Hegel, Schiller, Hauff/ Quê mình thường thấy, có gì đâu". Hiển nhiên tinh thần thế giới, trước nay vẫn ngự trị ở miền Tây Nam nước Đức này, đã sản sinh một loạt thi sĩ cùng tư tưởng gia lớn, và vùng đất này ngày nay vẫn tự khẳng định một cách tự tin rằng "cái gì cũng thừa sức làm, trừ mỗi việc nói chuẩn tiếng Đức". Một số trong những nhân vật lớn này đã bắt đầu sự nghiệp từ chủng viện Tübingen, trường đào tạo về thần học được thành lập năm 1536. Hegel cũng bắt đầu như vậy.
Tháng 10 năm 1788, trước năm Cách mạng Pháp bùng nổ, chàng trai 18 tuổi đã bắt đầu học trình thần học tại đại học Tübingen và được sống nội trú tại chủng viện nhờ học bổng của Công tước. Trước khi ghi danh, anh đã cam kết trong trong thư gửi Công tước rằng "sẽ học hết sức chăm chỉ và nghiêm túc" cũng như sẽ không chọn "nghiệp dĩ nào khác" ngoài sứ mệnh của một nhà thần học. Sự nghiệp tu sĩ như thế dường như đã được vạch rõ.
Lò đào luyện cán bộ thần học này có cơ chế quản trị rất nghiêm khắc, mọi chủng sinh đều phải mặc đồng phục là áo khoác nhẹ mầu đen viền trắng. Vì thế dân làng thường chế giễu các chàng học viên trẻ là "đám áo chùng đen". Trong lúc bạn đồng môn của Hegel là Friedrich Hölderlin xuất hiện thanh lịch, thì áo chùng khoác lên Hegel rõ thật nhếch nhác. Nói chung, anh luôn tạo ấn tượng có phần lóng nga lóng ngóng, khiêu vũ hay đấu kiếm lại vụng về. Bởi xuất hiện khó khăn nên người ta gán cho biệt danh là "ông cụ" và một trong những bạn anh đã ghi cả biệt danh này vào sổ lưu niệm của chủng viện. Tuy được bạn bè đánh giá cao về bản tính dễ chịu – không hiếm khi họ đem nhau ra "hiến dâng tửu thần Bacchus" – nhưng chàng Hegel chẳng mấy khi thành công nơi các thiếu nữ trẻ.
Suốt mấy năm học đầu, anh ngày càng thường xuyên loạng choạng hơn, vi phạm cả quy định của chủng viện và mấy lần bị phạt cấm túc hàng giờ. Anh bạn chung phòng lớn tuổi nhất cứ phải la lên "Hegel ơi, cậu nhậu gì tới nỗi chìm cả tâm trí thế kia" mỗi khi thấy Hegel khuya khoắt chui về, người rệu rã và chui nhủi tránh mặt bộ phận cảnh vệ của trường để khỏi bị truy hỏi.
Những năm đầu, Hegel cũng chỉ loẹt quẹt vô định hướng trong triết học, đọc đây một tí kia một chút, lúc thì Kant, lúc lại Platon, xong lại nhẩy sang Schiller hay Montesquieu. Đến lúc chủng viện thành lập hội độc giả Kant, thì anh xin lỗi và bảo mình đang bận nghiên cứu về Rousseau. Anh tuyên bố thích những triết lý thực tế về cuộc sống của Rousseau hơn thứ lý thuyết siêu hình học bụi bặm cũng như chán việc bám khư khư một cách cằn cỗi và lý thuyết vào những khái niệm trong các tác phẩm của Kant. Hegel mê nhà tư tưởng chính trị Rousseau khi ông đòi hỏi một nhà nước thể hiện được cái "volonté générale" bao gồm ý chí chung của mọi người.
Hegel đã quan tâm nhiều đến chính trị thường nhật, đặc biệt là những sự kiện xảy ra tại Pháp, hơn là những bài học thuộc lòng về thần học. Đến khi "Câu lạc bộ Chính trị" hình thành trong chủng viện, khi các thành viên cùng nhau theo dõi báo chí Pháp và nồng nhiệt thảo luận về cách mạng trong hy vọng luồng sóng này tràn được sang miền Tây Nam nước Đức, thì Hegel tham gia với tất cả nhiệt tình.
Vào một sớm mùa xuân nắng ấm năm 1791, các chàng trai, trong đó có Hegel và Schelling, kéo nhau ra bãi cỏ gần thành phố Tübingen và dựng một cây tự do theo kiểu người Pháp đang làm. Sau đó họ còn ghi một số khẩu hiệu cách mạng vào sổ lưu niệm. Ngày nay còn đọc thấy hàng chữ "Vive la liberté", Tự do vạn tuế! Sự vụ sau đó bị bại lộ bởi thành viên của câu lạc bộ chính trị, một dược sĩ ở Tübingen. Triều đình công tước đã nổi cơn thịnh nộ và ngay sau đó Công tước Karl Eugen đã thân chinh đến chủng viện để nghe điều tra nội tình. Tay chủ chốt đã kịp thời tẩu thoát sang Strasbourg. Công tước đã mở lượng khoan dung và tạm hài lòng với lời khiển trách cái "tinh thần phản kháng" ấy. Nhờ đó Hegel may mắn thoát nạn.
Hegel có mối dây gắn bó đặc biệt chặt chẽ với bạn đồng niên Hölderlin, lúc ấy đã đang thai nghén tiểu thuyết Hyperion. Họ cùng chia sẻ những ác cảm đối với sự lạnh lẽo và thiếu hình tượng của tư tưởng khai sáng đồng thời khát khao trở về với Hy Lạp cổ đại. Họ tìm đọc Platon và các thi sĩ bi kịch thời đấy, cùng chìm đắm trong thế giới thi ca mở cho họ viễn cảnh của nhân quần sống hài hòa với con tim và lý trí trong nhân loại, đối lập với chủ nghĩa duy lý của thời đại hai người đang sống. Liệu có phải trong thời gian này Hölderlin đã hướng cho Hegel chú ý đến tư tưởng của Heraklitus về sự thống nhất của các mặt đối lập và từ đấy xây dựng nền tảng cho khái niệm về phép biện chứng của Hegel hay không, vẫn còn nằm trong phỏng đoán.
Hegel cũng đã có thời từng ở chung phòng với triết gia Friedrich Schelling, một bộ óc lớn mà sau này cũng nổi tiếng không kém gì mình. Năm 1790, mới lên 14, Schelling đã được cụ thân sinh xem là thần đồng "praecox ingenium" và khi được gửi vào chủng viện Tübingen, cậu đã rành rọt cả tiếng Hebrew ngoài ngôn ngữ Latin cũng như Hy Lạp cổ và qua đó được cộng đồng sinh viên nhanh chóng thừa nhận. Vào thời gian sống gần nhau tại thành phố Jena sau này, hai triết gia đã thường xuyên xuất hiện tích cực trong các buổi thảo luận triết học.
Nhưng tại Tübingen, họ rất gắn bó với nhau đặc biệt ở điểm: Hy vọng cuồng nhiệt rằng cách mạng sẽ đặt chân đến xứ Schwaben của họ!
*
Hegel và những chặng đường trường đến với nghiệp triết
Stuttgart
Hegel sinh ngày 27.08.1770 tại Stuttgart. Ông rất được cưng chiều trong một gia đình ngoan đạo, có lẽ “bởi vì ông học giỏi”. Mới 3 tuổi đã đi học trường tiếng Đức, lên 5 học trường tiếng Latin. Năm 1783 ông lâm bệnh nặng vì chứng sốt viêm mật, căn bệnh đã cướp mất mẹ ông. Hegel may mắn thoát chết.
Tübingen
Năm 1788 Hegel bắt đầu học tại chủng viện Tübingen, tại đây ông đã hoàn tất cao học về triết học năm 1790 và 3 năm sau đó, tốt nghiệp về thần học. Bởi dáng dấp xuất hiện lù đù và lối ăn bận áo quần cẩu thả, ông thường bị các bạn đồng môn gọi là “ông cụ”.
Bern
Năm 1793 Hegel quyết định không đi theo nghiệp tu sĩ và trở thành gia sư tại Bern, để có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu triết học. Ông tận hưởng một thư viện tư, nhưng lại càng không hài lòng lắm về các bước tiến triển của ông.
Frankfurt/Main
Năm 1797 Hölderlin đã kiếm được một chân gia sư cho Hegel tại Frankfurt, nơi Hölderlin đang sinh sống. Hegel thực sự tìm thấy hứng khởi với cộng đồng trí thức trong “Hiệp hội các trí tuệ” và ngay trong năm đó ông đã hoàn tất tác phẩm Cương lĩnh hệ thống xưa nhất của chủ nghĩa duy tâm Đức (Das älteste Systemprogramm des Deutschen Idealismus).
Jena
Dưới sự lôi kéo của Schelling, năm 1801 Hegel đã về trường Đại học Jena. Những khóa giảng đầu tiên của ông dĩ nhiên rất ít người tham dự. Tuy vậy Hegel đã được phong giáo sư vào năm 1805. Khi quân đội Napoleon chiếm đóng, ông đã nhanh chóng rời Jena.
Bamberg
Năm 1807 ông đảm nhận chức chủ bút tờ Bamberger Zeitung và xem như lần đầu tiên ông thoát khỏi cảnh túng thiếu tài chánh kinh niên. Tại đây tác phẩm nền tảng Hiện tượng học Tinh thần của ông ra đời.
Nürnberg
Năm 1808 Hegel được cử làm hiệu trưởng trường trung học Egidyen tại Nürnberg. Cảm thấy nhàm chán, ông khuyến khích học sinh đặt câu hỏi giữa tiết học và dịch các bài vở của học sinh sang tiếng Hy Lạp cổ. Năm 1811 ông cưới cô Marie von Tucher chỉ vừa tròn 20 tuổi.
Heidelberg
Năm 1816 Hegel được phong giáo sư tại Đại học Heidelberg, nơi ông cộng tác trong ban biên tập của tờ Niên giám văn học Heidelberg (Heidelberger Jahrbuch für Literatur). Năm 1817 ông công bố bộ Bách khoa thư các khoa học triết học (Enzyklopädie der philosophischen Wissenschaften).
Berlin
Năm 1818, Bộ trưởng Văn hóa Vương quốc Phổ là von Altenstein đã đích thân mời ông về Đại học Berlin. Cao điểm danh vọng của ông là tước vị Hiệu trưởng Đại học Berlin vào năm 1829.
Ngày 14.11.1831 Hegel trút hơi thở cuối cùng sau một cơn sốt ngắn.
TRÌNH MÂN, LU TUẤN dịch
Nguồn: Die Welt am Sonntag, 25.3.2007. Bản dịch đã đăng trên talawas.org
[1] Schwaben/Swabian: xưa là vùng đất của Công tước bao trùm Elsasse, Nam Baden, Würtemberg, vùng Thụy Sĩ tiếng Đức, vùng Swabian nói tiếng Bavaria, Vorarlberg và Liechtenstein
Ý KIẾN BẠN ĐỌC