Góc đọc sách

Những sách triết không nên bỏ qua

Nhíu mày bên sách triết

Khi triết học mặc thường phục

Triết học là một lãnh vực tư duy tư biện, đòi hỏi độc giả phải có năng lực trừu tượng hóa cao. Những pho sách kinh điển của Kant, Hegel… tỏ ra không dễ “nuốt” đối với phần đông độc giả. Do đó, những cuốn sách dạng nhập môn triết học sẽ là những người bạn đồng hành để độc giả có một khởi đầu suôn sẻ và thân thiện.
 

Cũng xin nhắc lại, trước năm 1975 tại Sài Gòn, thông qua bản dịch hoặc biên soạn, những sách dạng này có khá nhiều, nay vẫn tìm được qua việc tái bản hoặc sách cũ. Đơn cử một vài cuốn như Tìm hiểu triết học của Karl Marx (Trần Văn Toàn), Triết học nhập môn (Karl Jaspers, Lê Tôn Nghiêm dịch), Đường vào triết học (Lê Thành Trị), Hành trình đi vào triết học (Trần Văn Toàn), Câu chuyện triết học (Will Durant, Thích Nữ Trí Hải dịch), Đưa vào triết học (Nguyễn Văn Trung)…

1. Nằm trong loạt sách dẫn nhập danh tiếng A Very Short Introduction của Đại học Oxford, Triết học của Edward Craig (NXB Tri thức, 2010) là cuốn sách sinh động và hấp dẫn cho bất cứ ai muốn đi vào ngưỡng cửa triết học.

Qua cuốn sách này, độc giả sẽ thấy triết học không phải từ trời rơi xuống đất, mà nó mọc lên từ đất, chứa đầy nhựa sống của đất. Nó cũng không phải là trò tiêu khiển của trí tuệ, mà qua những người phát ngôn cụ thể, nó giúp ta định hình nên cuộc sống của chúng ta. Và những mối quan tâm của các triết gia cũng chính là những mối quan tâm của chúng ta.

2.Hành trình đi vào triết học của Trần Văn Toàn vốn được tác giả biên soạn để giảng dạy cho lớp dự bị Văn khoa Huế, niên khóa 1961-1962, nay được Ban Tu thư ĐH Hoa Sen và NXB Tri thức tái bản để cung cấp cho sinh viên và các độc giả yêu mến triết học một phông kiến thức nền hữu ích. 

Cuốn sách là một sự mời gọi ta “suy tư về toàn diện đời người và về tất cả những gì có liên quan đến đời người” ngõ hầu tránh khỏi một hiện tượng đáng buồn là có những người trong số chúng ta rất giỏi về khoa học tự nhiên hay khoa học kỹ thuật, nhưng lại có “một quan niệm triết học thật là ấu trĩ, một quan niệm chậm tiến và què quặt không thể tưởng tượng được”.

3. Với Học cách sống - khái luận triết học dành cho thế hệ trẻ (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2011), triết gia đương đại người Pháp Luc Ferry mang đến cho chúng ta một lối tiếp cận, phảng phất hương vị Heidegger, về triết học: triết học như là một cách thế ta sống ở đời. Sống ở đời là ta sống với cảm thức về cái chết. Cái chết không chỉ có “bản gốc” là sự… tắt thở, mà có nhiều “bản sao” khác nhau: mất mát, chia lìa, biệt ly, tan vỡ…. Vô vàn các hiện tượng khác nhau gây ra tình trạng đau khổ bi lụy của ta chính là những phiên bản khác nhau của cái chết.

 Làm thế nào để sống thanh thản hạnh phúc, không còn bị cái chết ám ảnh? Hãy đến với triết học, đến với ba kích thước của nó: kích thước lý thuyết (làm sao tôi có thể hiểu được thế giới tôi đang sống?), kích thước đạo đức học (làm thế nào để sống có nhân cách?), và kích thước cứu rỗi (làm sao tôi có thể vượt ra khỏi cảm thức lo sợ về tính hữu hạn của đời sống và tính không thể đảo ngược của tiến trình sự vật?).

4.Thế giới của Sophie của Jostein Gaader (NXB Tri thức, 2006) là lịch sử triết học Tây phương được viết ở dạng tiểu thuyết, cũng đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa (phát ở Na Uy), phim truyền hình (phát ở Úc) và ca kịch.

Cốt lõi của cuốn sách là cuộc trò chuyện triết học qua thư từ giữa người đàn ông thông thái và bí ẩn tên là Alberto Knox với cô bé Sophie hồn nhiên và thơ ngây. Qua những lá thư của ông, cô đã làm một chuyến viễn du tư tưởng từ thế giới Hy Lạp cổ xưa đến thế giới của các triết gia Tây phương thế kỷ 20.

Theo tờ Sunday Time, đây là “một thành tựu xuất sắc”, ở chỗ tác giả đã trình bày cô đọng lịch sử 3.000 năm của tư tưởng trong 400 trang sách [nguyên bản]; đơn giản hóa một số luận cứ cực kỳ phức tạp nhưng lại không tầm thường hóa chúng.

5. Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? của Richard David Precht (Nhã Nam và NXB Dân trí, 2011) là một cuốn sách có “phong thái riêng”, vừa đầy ắp những tri thức mới như khoa học nghiên cứu não bộ, tâm lý học, vừa sinh động, hàm súc trong lối diễn đạt, giúp độc giả mở mang được nhiều kiến thức nhưng không có cảm giác nặng nề như kiểu bị nhồi sọ.

Cuốn sách là người bạn đường cùng độc giả trong chuyến du hành vào các vấn đề triết học của việc làm người và của loài người, với ba câu hỏi lớn do đại triết gia I.Kant đã đặt ra: a) Tôi có thể biết gì?; b) Tôi nên làm gì?; Và c) Tôi có thể hy vọng gì? 

6. Một cuốn sách thú vị “xưa nay hiếm” về triết học mà độc giả không thể bỏ qua là Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn (NXB Tri thức, 2012). Viết thành các bài báo, điểm đặc biệt là những câu chuyện trong cuốn sách kết hợp thật hài hòa và nhuần nhuyễn những vấn đề hóc búa nhất trong các cuộc tranh biện triết học với những hoạt động bình dị nhất trong cuộc sống hàng ngày như vấn đề “bản thể” với việc “bán phở”, “định luật khoa học” với việc “xem bóng đá”….


 

Bằng lối tiếp cận nhẹ nhàng, hóm hỉnh và đầy hương vị thi ca, tác giả khéo léo dắt ta vào những cuộc đối thoại liên tục qua nhiều thế kỷ về những vấn đề bức bách, sống còn của con người buộc ta phải suy ngẫm và phải chọn một lối sống khác nếu không muốn tự hủy diệt mình.

7. Alain nói về hạnh phúc (NXB Trẻ, 2013) của Emile Chartier là cuộc “kéo những nỗi lo mơ hồ về với mặt đất, ông lặng lẽ chỉ cho chúng ta thấy: trong mỗi người đã có đủ những gì để làm bản thân hạnh phúc. Chẳng có hoàn cảnh tồi tệ nào mà không thể cải tạo, bằng ngay chính cơ thể và tâm hồn chúng ta đang có”.

Alain (tên thật Emile,1868-1951) là nhà triết học, nhà báo và nhà giáo lớn của Pháp đầu thế kỷ 20, người có những học trò xuất sắc ở tầm mức nhân loại như Jean-Paul Sartre, Simone Weil, Georges Canguilhem, André Maurois... Các bài viết trong sách này có mấy ưu điểm lớn: súc tích, tường minh và lôi cuốn

Thạc sĩ ĐINH HỒNG PHÚC
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn văn giáp - 23:18 01/10/2018
Cảm ơn về bài viết.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt