Nhập môn triết học

Khi triết học mặc thường phục

- Với những ai có đầu óc nghiêm nghị và quen thủ thế thì một tựa sách Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? (Trần Vinh dịch, NXB Dân trí và Nhã Nam) nghe có vẻ quá chợ búa, chẳng liên quan gì đến triết học. Thế nhưng, bằng khả năng bình dị hóa tài tình, Richard David Precht đã dấn sâu hơn vào xu hướng “ipad hoá” triết học, để hóa giải những vấn đề khô khan, khó nhằn, nhằm đưa triết học đến gần hơn giới trẻ - những người đang sống trong sống trong xã hội tiêu dùng tức thì và giải trí trực diện.

Trước Richard David Precht (sinh 1964, Đức), những ai theo dõi những mảng sách triết học có tính đời thường thì đã quen với những quyển có tựa đề rất cà giỡn, nôm na có thể đọc là “bikini và triết học”, “bia và triết học”, “rượu vang và triết học”, “xe hơi và triết học”, “bóng đá và triết học”, “thiền và nghề sửa xe máy”, “triết học dành cho kẻ ngốc”… Từ thời cổ đại Hy Lạp mấy ngàn năm trước triết học đã tìm cách nhập thế với hình ảnh Socrates, triết gia lừng lẫy của nhân loại, đi ra quảng trường, len lỏi vào phố chợ, dừng chân nơi vỉa hè để bàn luận với đủ hạng người mọi chuyện hệ trọng của cá nhân trong tương quan với cộng đồng, với xã hội. Không phải Socrates từ bỏ tháp ngà kinh viện nào hay những trang viết thâu đêm nào của mình để nhập thế: ông chỉ có một căn nhà nhỏ với bà vợ dữ dằn từng tạt nước lên đầu ông vì ông mải mê nhậu nhẹt với bạn bè và hình như không bao giờ ông cầm lấy cây bút. 

 

Không chém gió

Không có gì là không thể triết lý được, để nói cho ra lẽ, cho cạn lý. Cái lý lẽ đó những người bình thường khi sử dụng không ít thì nhiều đã là những nhà triết học theo nghĩa rộng nhất của từ này. Bất cứ một người dân ít học nào ở Việt Nam cũng có thể nói đôi ba điều minh triết, thâu tóm nhiều kinh nghiệm sống. Chẳng hạn, trong bữa ăn với đông đảo con cái, một bà mẹ hay nhắc: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Câu ấy vừa răn dạy cách ứng xử trong bữa ăn, vừa có thể mở rộng thành một triết lý sống của cộng đồng: “Tham ăn vừa vừa thôi, ăn hết sạch như thế thì lấy gì cho người khác ăn nữa chứ; và, ngồi đã đúng chỗ chưa? Có che tầm nhìn của người khác? Có ngồi xoay lưng lại bàn thờ tổ tiên không? Có che khuất ánh sáng không? Suy diễn ra, phải tự biết mình là ai để ngồi đúng vị trí của mình trong xã hội; đừng thấy mình có quyền thì muốn ngồi đâu cũng được, chiếm hết chỗ của người khác”.

Trong khi các triết gia viết rất nhiều trang sách tối tăm về tồn tại và vô thường, đặc biệt là những lời luận bàn về sự vô úy trước cái chết (như Epicurus khích lệ lòng can đảm của ta: “Chừng nào ta còn đó thì cái chết chưa hiện hữu; còn khi cái chết đến thì ta không hiện hữu nữa”) thì hầu như một người Việt Nam trưởng thành nào, đứng trước cảnh chết chóc tang thương, cũng đều có thể thốt lên nhẹ nhõm: “Sống gửi, thác về”.

Điều đó cho thấy, một mặt, tinh thần triết học được kết tinh trong một vài cá nhân triết gia kiệt xuất, thành những tòa lâu đài lộng lẫy của các mệnh đề, những hệ thống kỳ vĩ của luận lý, mặt khác tinh thần triết học còn hội tụ thành hoa trái thơm ngon trên khắp khu vườn trần gian để mọi người có thể ung dung thưởng thức. Trong khu vườn đó không chỉ có những người lớn tuổi gần đất xa trời, những người coi khinh vật chất lui tới, mà có cả các bạn trẻ. Họ tỏ ra rất nhạy bén và tham lam hái đầy tay, nhét đầy túi và chất vào trong các thiết bị số của họ rất nhiều hoa trái. Và không chỉ thụ động chờ sung rụng, để hái lượm như những kẻ ăn sẵn, những người trẻ còn gieo trồng những hạt giống mới vào khu vườn tư tưởng này, họ làm chúng ta kinh ngạc vì những phản biện khó đỡ của họ.

Chẳng hạn, nhân ngày 8 tháng 3, nhiều bạn trẻ viết trên Facebook: “Xấu không phải là một cái tội; nhưng đẹp mới được tặng quà”. Nhiều người sẽ nhăn mặt khi đọc câu này. Nhưng nghĩ lại coi, có lẽ “đằng sau nó là cả một thông điệp”: Với một chút quà mọn trong tay, chúng tôi không thể ứng xử công bằng với tất cả chị em nữ mà không đưa ra một tiêu chí phân biệt tối thiểu; vả chăng, chúng tôi vẫn thường được răn dạy phải trân trọng cái đẹp. Cách ứng xử cho tuyệt đối công bằng có lẽ chỉ có trong kinh sách của ông Immanuel Kant, trong khi quý ông quý bà Việt Nam để lại cho chúng tôi cả “một di sản” những thứ khó xử buộc chúng tôi phải chọn lựa.

Và bắt chước các triết gia ít lời thời tiền Socrates, triết lý sống tiêu dao giản dị đã được các bạn trẻ nêu thành châm ngôn vần vè dễ nhớ: “Sống đơn giản cho đời thanh thản”. Thú vị nhất là câu: “Đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm” để mô tả một người cầm thanh gươm lao vào đầu tàu xe lửa đang chạy với tốc độ cao. Đọc và nhìn cái minh họa không thể không liên tưởng đến một bối cảnh rộng lớn ngoài kia: Những kẻ “đầu to óc như trái nho” với đầy đủ công cụ bạo lực đang đàn áp những người tài giỏi nhưng không có tấc sắt nào trong tay. Chẳng phải chúng đang chặn đầu đoàn tàu lịch sử đang lao tới trước đó sao?

Không có gì là chém gió ở đây cả, họ đang nói những điều quan hệ đến mỗi người.


Bìa một tạp chí về “triết học thường phục” nổi tiếng trên thế giới

Không lăn tăn gì cả, sống cái đã

Chính những triết gia chuyên nghiệp tư biện mới là những kẻ chém gió trong các giảng đường, các salon với những luận điểm kiểu như: “Hai giọt nước khác nhau hoàn toàn, vì mỗi giọt phản chiếu một mảnh không gian khác nhau; giọt nước này phản chiếu một tí mây; giọt nước kia phản chiếu một cành hoa”. Ở một chỗ khác, họ cao giọng: “Không có gì là tuyệt đối cả”. Nhưng một người bình thường có thể phản biện: “Có tuyệt đối chứ; tôi đẻ con tôi ra, vậy là nó nhỏ tuổi hơn tôi, tuyệt đối nhỏ tuổi hơn, chẳng phải vậy sao?”.

Nhưng triết lý không chỉ là lời nói. Đôi khi im lặng, không tham gia bàn cãi gì về triết học cũng là một lập trường triết học. Một ngưởi trẻ bỏ cả buổi chiều để ngồi cắm cúi với các thiết bị số của mình trong quán cà phê, thì rõ ràng là không triết lý gì, nhưng trước đó anh ta/cô ta đã triết lý rồi: không lăn tăn gì cả, sống cái đã. Ít nhất họ cũng ngang hàng với rất nhiều người vận dụng bao nhiêu triết thuyết, giáo pháp để cuối cùng có thể sống vô tư bất chấp hoàn cảnh chung quanh.

Nhưng triết học nhập thế không chỉ hiện diện trong những biểu hiện trừu tượng, chẳng hạn như ngày càng nhiều triết gia rời bỏ tháp ngà kinh viện và các giảng tòa đại học để xuống đường hòa vào đời sống quần chúng, khoác lên mình những vẻ ngoài giản dị dễ hiểu. Bây giờ người ta nhận ra triết học nhập thế trong những biểu hiện vật chất hoành tráng nhất có thể.

Những tòa nhà tráng lệ nhất được dựng lên ngày càng nhiều, từ tiền túi của các cá nhân mà niềm vui hoan hỷ hàng ngày của họ là vãi hạt cho những chú chim câu trong sân vườn nhà. Ngắm nhìn vẻ đẹp hài hòa của chúng, người ta quên đi những lý thuyết dễ dàng xung đột nhau. Cái đẹp vật thể đã hòa tan được những gì cần hòa tan.

Những khoảnh khắc lộng lẫy của bóng đá thu hút trí tò mò, ánh mắt chờ đợi có lúc cả tỷ người trên hành tinh này. Bản năng hiếu chiến và tranh thắng của con người đã được các triết gia chỉ ra, và nhiều người đã lợi dụng sự thât đó để tạo ra các cuộc chiến tranh đẫm máu; giờ đây thể thao cũng dựa vào chân lý đó để làm những cuộc chiến tranh khác quyến rũ hơn, hầu như không có máu me mà vẫn thỏa mãn cái tôi ưa gây gổ của con người.

Vậy thì có gì mà phải sợ sách triết?.

Đón xem tiếp số sau: Nói chuyện về sách triết

HIỀN DY


Nguồn: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt