- Trên thế giới đang có hiện tượng con gái nhà giàu xinh đẹp đua nhau học triết, học nghệ thuật. Nhìn các cô ngồi trên băng ghế đá trầm tư, có lúc nhăn trán nhíu mày, thấy đẹp mê hồn. Không như các cô gái Việt, trăm cô chụp hình thì gần trăm cô đưa hai ngón tay làm hình chữ V lên, ngoài ra chẳng biết “triết lý” gì với người nhìn mình- nhà văn, dịch giả Mai Sơn nhận xét.
Tiếp theo bài viết về xu hướng “Ipad hoá” triết học trong những cuốn sách triết phổ thông trên số trước, TT&VH Cuối tuần có cuộc trò chuyện với nhà văn, dịch giả Mai Sơn (*) về xu hướng đọc sách triết hiện nay.
Nhà văn, dịch giả Mai Sơn |
* Việt Nam từng có những tác phẩm triết học nào làm chấn động hay thay đổi ý thức hệ một thời không, thưa anh?
- Ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20, các tác phẩm triết học của Jean-Jacques Rousseau và Montesquieu đã góp phần quan trọng mở ra một phong trào đòi dân quyền, khai dân trí rộng khắp cả nước, nhất là ở miền Trung. Phan Châu Trinh, người chủ xướng cuộc vận động văn hóa - chính trị vĩ đại này đã mừng rơi nước mắt và kêu lên khi lần đầu tiên trông thấy cuốn Du Contrat Social của J.J. Rousseau: "Dân ước luận của Lư Thoa đây rồi!”.
Sau này các tác phẩm của Karl Marx và Lenin ở miền Bắc những năm 1950, các tác phẩm của Nietzsche, Heidegger, Sartre ở miền Nam những năm 1960, đầu những năm 1970 đã làm thay đổi số phận của một dân tộc như thế nào thì nhiều người đã biết. Trong khi “não trạng” của những người theo Marx là hướng đến hành động cách mạng dựa trên triết lý chủ yếu của ông: “Lâu nay các triết gia đã giải thích thế giới bằng nhiều cách rồi; vấn đề là cải tạo nó”, thì đầu óc giới trẻ miền Nam thời bấy giờ là ý thức khốn khổ của những cá nhân thấy mình cô đơn trong một thế giới phi lý.
* Vậy thì địa vị của các sách triết học thường được xếp hay đánh giá như thế nào với thế giới sách nói chung?
- Đánh giá hay so sánh sách triết học với các loại sách khác là điều rất khó. Nhìn chung mọi người hay đối xử với chúng theo cách “kính nhi viễn chi”, tuyệt không phải là sách giải trí. Dù rằng rất nhiều tư tưởng triết học gần gũi với số phận con người, số đông độc giả vẫn không mấy tin tưởng vào các triết gia vì họ cảm thấy đó là những khung xương không có máu thịt. Nhưng với những người có mối quan tâm đến triết học, thì “sự di chuyển nhẹ nhàng của tư tưởng từ nguyên nhân này đến hệ quả kia” đã mang đến những giây phút bừng sáng của trí tuệ.
* Hẹp hơn nữa, triết đã tác động như thế nào vào ngôn ngữ tiếng Việt?
- Giàu có lên! Thế nào rồi ngôn ngữ triết cũng sẽ được tận dụng không chỉ trong phạm vi học thuật, khi mà triết học đang thâm nhập và biến hóa muôn hình vạn trạng vào đời sống. Nhiều người e ngại, thấy chúng nặng nề hơi hướng Tàu, nhưng đó là cái khó của khái niệm chứ không phải của từ ngữ. Qua các bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, chúng ta thấy tiếng Việt có thể chuyển tải tài tình lối nói huyền ảo mà khúc chiết của Kant và Hegel như thế nào. Trước đây Phạm Công Thiện cũng nói rằng tiếng Việt mình đủ tiềm năng trình bày mọi loại triết học Tây phương.
Cuốn 101 triết gia (NXB Tri thức & Phương Nam Book, 2007, 840 trang) là một nhập môn dạng từ điển, khá dễ đọc, do Mai Sơn biên soạn |
* Tại sao gần đây thế giới có xu hướng “đời thường” hóa triết học?
- Tôi không biết xu hướng đó cụ thể thế nào, nhưng “đời thường hóa” triết học là chuyện xưa nay nhân loại vẫn làm. Lý do là, khi triết học đưa ra những chân lý, nó mặc định rằng hễ là con người có trí tuệ thì phải hiểu, nhưng chỉ vì lý do kỹ thuật, ngôn từ và cách trình bày mà đa số dân chúng chưa thấu đáo, nên triết học phải tìm cách đi những đường vòng, đôi khi rất lâu, rất xa, nhưng cuối cùng rồi sẽ tới. Hegel từng nói đại ý, tất cả những gì khó khăn nhất, công phu nhất về văn hóa và tư tưởng từ từ sẽ trở thành dễ dàng cho số đông, thậm chí như là trò chơi, với các thế hệ đến sau, nếu không như thế, thì lịch sử sẽ lặp lại và không có tiến bộ.
“Người Việt Nam thường hay “triết lý” trong mọi hoàn cảnh. Nếu họ chịu khó đọc thêm sách triết để củng cố lý lẽ của mình, chắc rằng họ sẽ thông minh hơn, và biết cách ứng xử hơn”. |
Nếu như hiện nay đang có xu hướng “đời thường hóa” triết học mạnh mẽ, thì chắc là do nhân loại đang hạnh phúc, đang yên ổn và có nhiều thời gian suy nghĩ về những câu hỏi lớn như chiến tranh hủy diệt toàn cầu, thảm họa môi trường lẫn những vấn đề thiết thân hàng ngày của họ. Và nhìn chung, những tư tưởng hòa bình, khoan dung, đối thoại đang phổ biến hơn trong những ngày này. Điều đó cũng dễ hiểu, vì triết học vốn chỉ xuất hiện trong sự nhàn rỗi, chứ không xuất hiện trong tình trạng khẩn bách. Khi khẩn bách, nhân loại sẽ xuất hiện với những phương cách khác, bộ dạng khác, rất khó nhìn, chứ không phải với khuôn mặt trầm tư như chúng ta thấy hiện nay.
* Trong xã hội tiêu dùng toàn cầu, tâm thế của người đọc Việt Nam có nên thay đổi ý niệm và quan niệm về việc tiếp nhận sách triết không?
- Người Việt Nam thường hay “triết lý” trong mọi hoàn cảnh. Nếu họ chịu khó đọc thêm sách triết để củng cố lý lẽ của mình, chắc rằng họ sẽ thông minh hơn, và biết cách ứng xử hơn. Và để hội nhập với thế giới, ngay cả trên phương diện mua bán, làm ăn, chúng ta cũng cần phải học cách ăn nói và lắng nghe ở một mức độ nào đó đủ để đối tác thấy ta không phải là kẻ vật dục tầm thường.
Hiện nay trên thế giới có hiện tượng những cô gái nhà giàu xinh đẹp đua nhau học triết, học nghệ thuật. Họ không còn thiếu gì về vật chất nữa, mà cảm thấy mình còn nghèo nàn tinh thần, chưa có cái đẹp bên trong tâm hồn. Nhìn các cô ngồi trên băng ghế đá trầm tư, có lúc nhăn trán nhíu mày, thấy vẫn đẹp mê hồn; có lẽ vì cái đẹp bên ngoài và bên trong họ đang hòa quyện, có người đã hòa quyện đến độ chín muồi; chứ không như các cô gái Việt đẹp của ta, một trăm cô chụp hình thì gần một trăm cô đưa hai ngón tay làm hình chữ V lên, ngoài ra chẳng biết “triết lý” gì với người nhìn mình.
* Anh có cho rằng nên có vài việc cần làm ngay?
- Nếu có, thì trong khi tiếp tục “đánh thức (giới trí thức) ra khỏi giấc ngủ giáo điều” bằng việc giới thiệu những công trình tư tưởng kỳ vĩ của nhân loại, thì cũng đừng quên rằng, vì nhiều lý do, đất nước ta như một miền đất mới khai hoang, không chắc các hạt giống triết học sẽ mọc lên mạnh khỏe. Do vậy, phải liên tục nhen nhóm và gìn giữ ngọn lửa đam mê triết học, yêu thích suy tư trong công chúng, đặc biệt là giới trẻ, bằng những loại sách triết học nhập môn.
* Trân trọng cảm ơn anh!
Mai Sơn (sinh năm 1956) hiện là Trưởng ban tu thư của ĐH Hoa Sen; đã xuất bản 4 tập truyện ngắn; đã biên soạn và biên dịch gần 10 đầu sách triết, văn học, lý thuyết... Anh biên soạn 101 triết gia và dịch Câu chuyện triết học (chung với Huỳnh Phan Anh), Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại (chung với Phạm Viêm Phương), Vũ trụ trong một nguyên tử, Nhập môn Lacan, Triết học lục địa… |
Đón xem tiếp bài sau: Những cuốn sách triết nên đọc trước khi... chết
VĂN BẢY (thực hiện)
Nguồn: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Ý KIẾN BẠN ĐỌC