Triết học cho trẻ em

Bộ quần áo mới của hoàng đế

BỘ QUẦN ÁO MỚI CỦA HOÀNG ĐẾ

 

NAOMI LEWIS ANGELA BARRETT

 

Tóm tắt

Câu chuyện này được dịch lại từ chuyện kể kinh điển của Hans Christian Andersen. Ở một thành quốc nọ có vị hoàng đế rất thích quần áo mới. Một ngày kia, xuất hiện hai gã thợ dệt giả mạo đi vào thành; chúng thưa với hoàng đế rằng mình có thể may cho ngài một bộ quần áo mà nếu là kẻ không đủ năng lực nắm giữ chức vụ, hoặc vô cùng xuề xòa, thì sẽ không thể nhìn thấy. Hoàng đế ra lệnh cho chúng may bộ quần áo này cho mình. Hai tên thợ giả vờ dệt quần áo nhưng trên thực tế chẳng dệt gì cả, rồi bọn chúng đưa bộ quần áo “vô hình” giả mạo này cho mọi người trong thành ngắm như thể nó thật sự tồn tại. Hoàng đế cùng tất cả những ai đã nhìn vào bộ quần áo đều đứng ngồi không yên vì không thể thấy được nó, và vì không biết liệu mình có thiếu năng lực hay không. Điều này khiến mọi người trong thành, kể cả hoàng đế, nói dối rằng họ có thể nhìn thấy bộ quần áo dù thực tế là không. Hoàng đế dẫn đoàn diễu hành đi khắp thành trong bộ quần áo mới mặc dù trên thực tế là ngài đang trần truồng. Một đứa trẻ đập tan ảo tưởng của mọi người khi hét lên “Đức vua ở truồng!”

Hướng dẫn thảo luận triết học

MARK MUDRYK

Đây là câu chuyện kinh điển do nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen viết; ông đã viết nhiều truyện cổ tích nổi tiếng cho thiếu nhi vào những năm 1800 nhưng vẫn còn quan trọng đến ngày nay, như Nàng tiên cá, Cô bé tí hon, và Vịt con xấu xí. Như hầu hết những truyện kể trong thời kỳ này, “Bộ quần áo mới của hoàng đế” có nhiều phiên bản và bản dịch, thuộc các tác giả và tuyển tập truyện cổ tích khác nhau. Cứ tự nhiên sử dụng bất kỳ phiên bản nào bạn có nếu không tìm ra bản được dùng trong học phần này. Tất cả các phiên bản và bản dịch thường tuân theo cùng một cốt truyện cơ bản, có những yếu tố cơ bản giống nhau, và trình bày những vấn đề như nhau.

Câu chuyện này có nhiều tiềm năng trở thành gợi ý cho một thảo luận triết học. Khi từng nhân vật trong truyện đối mặt với bộ quần áo vô hình, họ cũng phải đương đầu với một tình huống đạo đức khó xử. Tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc nói ra sự thật (không thể nhìn thấy bộ quần áo) và chấp nhận điều tưởng như là sự thiếu năng lực của bản thân, hoặc nói dối và giúp bản thân thoát khỏi sự chế giễu của xã hội. Tình thế nan giải này kết hợp nhiều vấn đề triết học thú vị khác nhau.

Tự lừa dối

Tự lừa dối là quá trình phủ nhận hay biện minh cho hợp lẽ tính xác đáng, ý nghĩa, hay tầm quan trọng của chứng cứ trái ngược và luận cứ lôgic. Ta có thể thấy rõ điều này trong câu chuyện. “Biện minh cho hợp lẽ” là khi các nhân vật thuyết phục bản thân rằng họ có thể nhìn thấy bộ quần áo. “Chứng cứ trái ngược” chính là sự thật rằng bản thân họ không thể nhìn thấy bộ quần áo. Gần như tất cả mọi nhân vật trong truyện đều thực hiện quá trình tự lừa dối, với mục tiêu bảo vệ bản thân khỏi cảm giác khó chịu mà sự thật mang lại. Một lần nữa, sự thật là chính họ không thể nhìn thấy bộ quần áo. Lý do họ thực hiện tự lừa dối được thảo luận kĩ hơn trong phần nói về sự tuân theo và lòng trung thực. “Luận cứ lôgic” mà các nhân vật cố tình né tránh được cậu bé ngây thơ phát biểu ở cuối truyện. Ta có thể thấy cậu bé đã bóc mẽ sự tự lừa dối của những người khác khi tuyên bố “Đức vua ở truồng!”

Thuật ngữ và khái niệm này có lẽ sẽ quá khó cho trẻ em tiếp nhận, nhưng kiến thức nền về quá trình này có thể giúp bạn hiểu hơn về cách các nhân vật trong truyện xử lý tình thế tiến thoái lưỡng nan khi nhìn thấy bộ quần áo giả. Thảo luận với các em xoay quanh việc “tự thuyết phục bản thân” về điều gì đó là một hoạt động tương tự thích hợp hơn nhằm giúp các em hiểu thêm về vấn đề.

Lòng trung thực

Lựa chọn của từng nhân vật về việc có nên nói ra chuyện mình không có khả năng nhìn thấy bộ quần áo hay không, là một gợi ý hay để dẫn dắt đến phần thảo luận về lòng trung thực. Mỗi nhân vật trong câu chuyện, trừ cậu bé, chọn nói dối thay vì nói thật về chuyện mình không thể nhìn thấy bộ quần áo. Những lý do khiến họ chọn trở nên không trung thực là một đề tài thảo luận hay. Các em có thể phân tích tâm lý ẩn sau hành động nói dối của nhân vật. Một nguyên nhân dễ thấy là nỗi sợ hãi và lo âu trước xã hội do tình trạng nan giải của bộ quần áo gây ra, đó là nếu ai đó không có khả năng nhìn thấy bộ quần áo, người đó không đủ năng lực đảm nhận chức vụ của mình trong xã hội. Gốc rễ của các nguyên nhân nằm ở địa vị xã hội, sự tuân theo, đánh giá, niềm tin và đạo đức cá nhân đều có thể nảy sinh từ thảo luận này. Sau khi thảo luận về những lý do có thể có của sự không trung thực, có thể dẫn dắt các em tiến đến câu hỏi triết học sâu sắc hơn ẩn sau những lý do ấy. Ta có thể hỏi các em tại sao lòng trung thực lại quan trọng, hay là các em có phải trung thực để trở thành trẻ ngoan không. Đặt câu hỏi các em có bao giờ nói dối chưa có thể giúp trẻ em liên hệ trải nghiệm cá nhân với hoàn cảnh của từng cá nhân trong truyện, và giúp các em đồng cảm với những gì các nhân vật cảm nhận.

Ta có thể khảo sát một khía cạnh triết học khác của lòng trung thực, đó là điều gì làm nên một lời nói dối. Lẽ tự nhiên, nói dối là đối nghịch với trung thực. Xem xét điều này giúp các em hiểu hơn về khái niệm lòng trung thực và niềm tin.

Nói dối là phát biểu một điều gì đó mà không quan tâm đến sự thật, với ý định khiến người khác chấp nhận tuyên bố đó như là sự thật. Thảo luận về nói dối cũng như lòng trung thực có thể đưa đến thảo luận về đạo đức. Những gã thợ dệt lừa đảo đã đưa ra lời nói dối mở đầu ngay đầu câu chuyện, dối trá với mọi người rằng bọn chúng đang dệt một bộ quần áo thần kì trong khi thực chất chúng chẳng làm gì cả, rồi đến những lời nói dối phụ họa thêm vào như là bộ quần áo có năng lực đánh giá cũng được miêu tả. Các nhân vật khác trong truyện tin lời nói dối này là thật, khiến cho chính họ cũng nói dối để chống đỡ cho lời nói dối của hai gã thợ dệt, và cứu lấy danh tiếng của bản thân. Những nhân vật bị lừa có sai trái về mặt đạo đức khi nói dối như hai kẻ thợ dệt không? Liệu có phải họ cũng là người xấu không? Đây là một thảo luận thú vị. Có thể nói hai gã thợ dệt đã nói dối thâm độc hòng thu lợi cá nhân, và các nhân vật bị lừa thì nói dối vì sợ hãi và để tự trấn an bản thân. Từ thảo luận này có thể phát sinh câu hỏi lúc nào thì thích hợp để nói dối. Nói dối để làm lợi cho chính mình thì có được hay không? Vậy còn để làm lợi cho nhóm/xã hội thì sao? Những ngữ cảnh trên lý thuyết có thể tưởng tượng là vô số kể. Đây có thể trở thành một thảo luận gây tranh cãi giữa bọn trẻ. Phần thảo luận sẽ phản ánh rõ quan điểm của các em về đạo đức/về đúng và sai.

Phục tùng là hành động làm cho thái độ, niềm tin, và hành vi trở nên phù hợp với điều được cá nhân nhận thức là bình thường đối với xã hội hoặc nhóm xã hội của mình. Câu chuyện này đã làm tốt nhiệm vụ giải thích sức mạnh của áp lực xã hội trong việc tác động đến sự phục tùng. Khi từng nhân vật đối mặt với việc mình không có khả năng nhìn thấy bộ quần áo, họ bắt đầu lo sợ cho thanh danh của bản thân. Mỗi nhân vật, bao gồm cả hoàng đế, thay đổi nhận thức của mình sao cho phù hợp với nhận thức của nhóm chủ đạo để có thể cố kết và hòa hợp trong nhóm đó. Nhóm chủ đạo chính là tất cả những ai có nhận thức sai lầm về việc mình có khả năng nhìn thấy bộ quần nói. Nói đơn giản, các nhân vật thay đổi quan điểm sao cho phù hợp với quan điểm của nhóm; đó chính là sự phục tùng. Chúng ta có thể quan sát thấy những động thái này của sự phục tùng trong đời thực. Các thí nghiệm Soloman Asch mang lại những thức nhận sâu sắc ẩn đằng sau bản tính của sự phục tùng và tôi khuyến khích bạn xem qua chúng. Bạn có thể xem một thí nghiệm ở đây. Về đại thể, có hai loại ảnh hưởng của xã hội có thể khiến người ta phải phục tùng. Và quả thực, cả hai loại ảnh hưởng ấy ta đều thấy có trong câu chuyện. Tình trạng nan giải có tính cá nhân mà bộ quần áo gây ra cho mỗi nhân vật chính là ngụ ý nói đến hai sự ảnh hưởng này:

Ảnh hưởng của thông tin: Ảnh hưởng về thông tin của xã hội xảy ra khi một người tìm đến các thành viên trong nhóm để có được thông tin chính xác. Một vài nhân vật trong truyện phục tùng chỉ vì họ tin vào khả năng của nhóm trong việc xác định cái gì là sự thật, hơn là tin vào quan điểm của chính họ. Các nhân vật như những viên công sứ của hoàng đế cảm thấy sự ảnh hưởng này vì họ cho rằng “nếu tất cả đồng nghiệp của mình đều thấy thì chắc chắn bộ quần áo phải tồn tại!”

Ảnh hưởng của tính quy phạm. Ảnh hưởng về tính quy phạm của xã hội xảy ra khi người nào đó tỏ thái độ phục tùng để được các thành viên trong nhóm yêu thích hoặc chấp nhận. Nó thường đưa đến sự phục tùng công cộng, làm hay nói điều gì mà mình không tin. Hầu như mọi nhân vật trong truyện đều cảm thấy áp lực này. Họ không muốn gây rắc rối trong nhóm, vì thế họ chọn cách chấp nhận cảm nhận chung về bộ quần áo dù không tin như vậy, để họ không trở thành người ngoài cuộc. Ảnh hưởgn này được đẩy đi xa hơn nữa trong câu chuyện nhờ vào tình thế thêm vào là không thể nhìn thấy bộ quần áo làm cho bạn trở nên thiếu tư cách trong mắt những người ngang hàng.

 

Câu hỏi thảo luận triết học

Kinh nghiệm cá nhân

  1. Bạn có bao giờ tự thuyết phục bản thân điều gì đó là thật/đúng (có thể dùng một trong hai chữ) dù biết nó không phải như thế?
  2. Bạn có bao giờ làm điều gì chỉ vì tất cả những người khác đều làm chưa?
  3. Bạn có bao giờ tin tưởng điều gì đó chỉ vì những người bạn biết cũng tin tưởng vào điều đó không? [đưa ra ví dụ của riêng bản thân có thể giúp làm rõ ý này]
  4. Bạn có bao giờ nói dối vì một lý do tốt chưa?
  5. Bạn có luôn cảm thấy tồi tệ mỗi khi nói dối không?

Câu chuyện

  1. Tại sao các nhân vật trong truyện lại nói dối và nói rằng họ có thể nhìn thấy bộ quần áo mặc dù họ không thể?
  2. Tại sao danh tiếng lại quan trọng với các nhân vật trong truyện đến thế? [Có lẽ sẽ phải giải thích từ danh tiếng]
  3. Cậu bé ở cuối truyện nói ra sự thật với đám đông. Tại sao chỉ có cậu bé nói sự thật mà không có ai khác? [có thể là do không có áp lực xã hội]
  4. Ngoại trừ cậu bé, tất cả các nhân vật khác trong truyện đều nói dối. Điều đó có khiến tất cả bọn họ là kẻ xấu không? Tại sao có hoặc tại sao không?
  5. Bạn có phải tin vào điều gì đó chỉ bởi vì tất cả mọi người đều tin? Tại sao có và tại sao không?
  6. Lòng trung thực có quan trọng không?
  7. Nói dối thì có thể nào tốt không?
  8. Bạn quyết định ai đáng tin như thế nào?
  9. Sẽ ra sao nếu bộ quần áo không phải là giả? Làm thế nào để ai đó có thể nói nó là thật hay không?

 

LÊ THỊ NGỌC HÀ dịch

ĐINH HỒNG PHÚC hiệu đính

 


https://www.teachingchildrenphilosophy.org/BookModule/TheEmperorsNewClothes


 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt