Nhập môn triết học

Rahel Varnhagen (1858): người cùng khổ và kẻ hãnh tiến

Đối thoại “trực tuyến” với triết gia Hannah Arendt (bài 2) 

 

“Rahel Varnhagen” (1958):

Người cùng khổ và kẻ hãnh tiến

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

Tác phẩm Rahel Varnhagen của Hannah Arendt viết năm 1958 giải mã số phận người Do Thái

Thưa Bà! Người Do Thái ở Tây phương là câu chuyện khá xa lạ với người đọc Việt Nam. Nhưng đọc Bà, chúng tôi biết rằng không thể hiểu phương Tây nếu thiếu yếu tố Do Thái. Một thân phận đặc biệt, một cảnh ngộ đặc biệt, một vấn đề đặc biệt…

 H.A: Đúng thế! Bản sách của tôi về Rahel Varnhagen in năm 1958 bằng tiếng Anh, rồi năm 1959 bằng tiếng Đức. Nhưng thật ra, tôi đã khởi viết từ những năm 30 thế kỷ trước, bản thảo đã hoàn tất từ 1938. Viết như một ám ảnh, vì đó cũng chính là hình ảnh, là thân phận của tôi. Tôi nhìn ra số phận mình trong đó.

Rahel Varnhagen không là nhân vật hư cấu chứ?

 H.A: Không! Nhân vật có thật đấy! Bà tên thật là Rahel Levin, sinh năm 1771, mất năm 1830, trong thời kỳ rực rỡ nhất của đời sống văn hóa ở Berlin. Sa-lông văn chương nổi tiếng của bà ở đường Jägerstrasse huyền thoại quy tụ những tao nhân mặc khách lừng danh: Brenntano, Chamisso, Fouquet, Friedrich Gentz, anh em nhà Humboldt, Jean Paul, Friedrich Schlegel, Schleiermacher… Một sa-lông văn chương xem trọng sự đồng điệu tinh thần hơn là địa vị xã hội. Đó là nỗ lực đầu tiên của bà để tự giải phóng và để được hội nhập, hay đúng hơn, được đồng hóa vào xã hội chung. Tiếc thay, bà thất bại trong cả hai mục đích ấy! Bà lại tiếp tục nỗ lực, rồi vẫn thất bại khi muốn hòa mình vào những người khác, để được “giống” như họ. Bà kết hôn với Bá tước Karl. v. Finckenstein, nhưng ông chồng danh giá không mặn mà với sa-lông như bà. Sau năm năm hôn nhân nhạt nhẽo, ông Bá tước lấy vợ khác. Bà lại yêu Friedrich Gentz, một “tay chơi” liều lĩnh, ham vui hơn là yêu thương bà. Sau cùng, bà kết hôn với Varnhagen v. Ense, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Khi cưới, chàng còn là cậu sinh viên 23 tuổi, còn bà đã 37! Là bạn, là mẹ, là vợ cùng một lúc!

Bà rút ra kết luận gì từ cuộc đời của Rahel?

 H.A: Rahel đã không thể rũ bỏ nguồn cội Do Thái của mình! Không giải phóng cũng chẳng đồng hóa được! Số phận bà chao đảo giữa người cùng khổ và kẻ hãnh tiến. Với tôi, hai khái niệm này là chìa khóa giải mã thân phận người Do Thái. Là người cùng khổ, họ bị gạt sang bên lề, bị thất thế, và cũng chính vì thế, trốn chạy vào những ý tưởng vĩ đại. Anh bạn cứ xem các “tay tổ” về triết học và khoa học gốc Do Thái thì biết! Là kẻ hãnh tiến, để vượt qua thân phận cùng khổ, phải “gồng mình” chứng tỏ ta đây là tay xuất sắc, lão luyện! Tôi viết: “Người cùng khổ, muốn vươn lên thành kẻ hãnh tiến, phải ra sức đạt được tất cả những gì mà mình đã bị loại trừ, trong cái phổ quát trống rỗng!”. Nhưng, kẻ hãnh tiến đồng thời cũng nhận ra rằng mình lẽ ra không nên ham hố như thế mà hãy an phận thủ thường. Tất cả chỉ là ảo ảnh mà thôi. Bi kịch thế đó!

Thân phận như thế không hiếm trong thế kỷ 19 và 20, phải không, thưa Bà?

 H.A: Bạn có trí nhớ tốt! Hãy nghĩ đến thi sĩ Heinrich Heine, anh chàng “đi bán bóng mình” (như hình tượng nhân vật Schlemihl của Chamisso), vừa là ông hoàng của một vương quốc hư ảo! Hay nhớ đến danh hài Charlie Chaplin, suốt mùa chuyên đóng vai chạy trốn cảnh sát! Ta gọi đó là sự “vô tội của kẻ bị tình nghi”. Sự sợ hãi thường trực của Charlot trước quyền lực nhà nước khiến ta cảm thương, cười ra nước mắt, nhưng cũng đã hé cho thấy một đám mây đen đang kéo tới: sự không tương xứng giữa sai phạm nhỏ nhặt và sự trừng phạt tàn bạo, vô hồn! Nhân vật K, anh thợ đạc điền trong Kafka, là điển hình của sự đồng hóa thất bại. Anh ta chỉ muốn yên thân như mọi người khác, không muốn ai chú ý, thế mà vẫn không xong. Cư dân trong làng nghi anh ta có quan hệ mờ ám gì đó với “Lâu đài”. Họ không tin cậy anh ta. Muốn làm một người cùng khổ như Heine cũng không được nữa!

Khái niệm “người cùng khổ” (Paria) do Max Weber du nhập vào xã hội học, nếu tôi nhớ không nhầm?

 H.A: Đúng đấy, thoạt đầu, áp dụng từ này cho đẳng cấp hạ tiện nhất của xã hội Ấn độ truyền thống như ai cũng biết, rồi mở rộng ra cho người Do Thái và người Bohêmien ở châu Âu. Nhưng, Weber tin rằng đó chỉ là tình trạng tạm thời, có thể vượt qua được. Tôi thì không nghĩ thế!

Bà nêu các ý tưởng này ở đâu?

H.A: Có thể đọc trong quyển “Truyền thống ẩn giấu” (1948.1976, 2000) của tôi.

 


Nguồn: http://tiepthithegioi.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt