Đạo đức học

Câu hỏi 116. Sự dị nghị

TỔNG LUẬN THẦN HỌC của Thomas Aquino

Quyển II, Phần 2, Tập 5: Nhân đức xã hội và đức can đảm. Câu 109-140

 

CÂU HỎI 116

SỰ DỊ NGHỊ

(2 Tiết)

1. Sự dị nghị tương phản với nhân đức bằng hữu không?

2. So sánh sự dị nghị với sự nịnh bợ.

 

Tiết 1

SỰ DỊ NGHỊ TƯƠNG PHẢN VỚI NHÂN ĐỨC BẰNG HỮU KHÔNG?

VẤN NẠN: Xem ra không có như vậy.

1. Sự dị nghị xem ra quy về sự bất hòa cũng như sự cãi cọ. Mà sự bất hòa đối lập với nhân đức mến như chúng ta đã nói ở trước (Q.37, a.7). Vậy sự dị nghị cũng thế.

2. Người ta đọc trong sách Cách ngôn (26,21): "Con người hay giận dữ khiêu khích sự cãi cọ." Mà tính hay giận dữ đối lập với tính dịu dàng. Vậy sự cãi cọ và sự dị nghị cũng thế.

3. Người ta đọc trong thư thánh Giacôbê (4,1): "Chinh chiến từ đâu và sự dị nghị từ đâu xảy ra giữa anh em? Há không phải tại điều này sao: Các dục tình hằng làm giặc nơi chi thể anh em?".

Mà đi theo các dục tình của sự ham muốn của mình, đó là tương phản với nhân đức tiết độ. Vậy xem ra sự dị nghị không đối lập với nhân đức bằng hữu, nhưng đối lập với nhân đức tiết độ.

TRÁI LẠI: Có thế giá của Triết gia (Eth. 4,6), là kẻ đối lập sự dị nghị với nhân đức bằng hữu.

TRẢ LỜI: Nói cách đích xác, sự dị nghị cốt ở lời nói mâu thuẫn với lời nói kẻ khác. Trong sự mâu thuẫn này, người ta xem xét hai phương diện. Đôi khi, sự mâu thuẫn phát xuất từ điều từ chối hòa hợp với kẻ nói, bởi vì giữa họ không có tình yêu nối kết các tâm hồn. Và điều đó lệ thuộc vào mối bất hòa đối lập với nhân đức mến. Còn đôi khi sự mâu thuẫn, vì người bị mâu thuẫn, phát xuất từ điều mà người ta không sợ làm cực khổ cho họ. Chính trong trường hợp này mà có sự dị nghị đối lập với nhân đức tình bằng hữu hay an hòa làm cho chúng ta sống vui vẻ với các kẻ khác. Như vậy, Triết gia (Eth. 4,9) nói: "Những kẻ luôn luôn mâu thuẫn để làm buồn phiền kẻ khác mà không lo lắng cái gì cả, được gọi là những người khó tính và dị nghị."

GIẢI ĐÁP:

1. Sự cãi cọ một cách đích xác hơn quy về sự mâu thuẫn trong mối bất hòa, sự dị nghị quy về sự mâu thuẫn tìm kiếm làm cho buồn phiền.

2. Sự đối lập trực tiếp của các tật xấu với các nhân đức không phải được xem xét tùy theo các nguyên nhân của chúng, vì xảy ra là cũng một tật xấu phát sinh từ những nguyên nhân khác nhau, nhưng tùy theo thuộc loại tính của hành động. Dầu mà sự dị nghị phát sinh đôi khi từ sự giận dữ, nó vẫn có thể phát xuất từ nhiều nguyên nhân khác. Như vậy, nó không luôn luôn đối lập trực tiếp với nhân đức hiền từ.

3. Thánh Giacôbê ở đây nói tới tình dục hay sự ham muốn như về một sự xấu tổng quát; do đó phát sinh tất cả mọi tật xấu như lời sách Chú giải (Rm 7,7): "Luật tốt bởi vì khi cấm đoán sự ham muốn, nó cấm đoán mọi sự xấu."

 

Tiết 2

SO SÁNH SỰ DỊ NGHỊ VỚI SỰ NỊNH BỢ

VẤN NẠN: Xem ra sự dị nghị là tội nhẹ hơn tật xấu đối lập, tức là sự bợ đỡ hay sự nịnh bợ.

1. Tội càng làm hại, nó càng nặng. Mà sự nịnh bợ làm hại hơn sự dị nghị. Bởi vì người ta đọc thấy trong sách tiên tri Isaia (3,12): "Kẻ ức hiếp dân Ta là một đứa trẻ con, những kẻ cai trị nó lại là đàn bà. Ôi dân Ta, những kẻ dẫn dắt ngươi làm ngươi lạc hướng, đường lối ngươi đi, chúng làm cho rối loạn!" Vậy sự nịnh bợ là tội nặng hơn sự dị nghị.

2. Trong sự nịnh bợ có sự đánh lừa, bởi vì kẻ nịnh bợ nói một điều, và lòng trí họ tưởng nghĩ cái khác. Mà kẻ dị nghị không đánh lừa, bởi vì họ mâu thuẫn cách công khai. Mà kẻ phạm tội bằng cách đánh lừa thì đê hèn hơn, như Triết gia xác định (Eth. 7,6). Vậy sự dị nghị là tội nặng hơn sự nịnh bợ.

3. Sự xấu hố cốt tại việc sự ô danh, như Triết gia minh chứng (Eth. 4,9). Mà con người cảm thấy xấu hổ khi nịnh bợ hơn là khi dị nghị. Vậy sự dị nghị là tội ít nặng hơn sự nịnh bợ.

TRÁI LẠI: Một sự kiện là tội đối lập với tình trạng thiêng liêng bao nhiêu thì càng nặng bấy nhiêu. Mà sự dị nghị xem ra đối lập với chức vụ thiêng liêng. Quả thế, có lời ghi chép (1Tm 3,2): "Đức giám mục không nên là kẻ dị nghị" và (2Tm 2,24): "Người đầy tớ của Thiên Chúa không được là kẻ dị nghị." Vậy sự dị nghị xem ra là tội nặng hơn.

TRẢ LỜI: Chúng ta có thể nói tới hai tội này ở hai phương diện. Trước hết, bằng cách cứu xét loại của hai tội này. Và ở phương diện này, tội càng đối lập với nhân đức tương phản nhiều bao nhiêu, thì nặng hơn bấy nhiêu. Mà nhân đức tình bằng hữu một cách cơ bản hướng về việc làm hài lòng hơn là việc làm buồn phiền. Và do đó, người dị nghị tìm kiếm làm cho buồn phiền không giới hạn, phạm tội nặng hơn kẻ bợ đỡ hay kẻ nịnh bợ tìm làm hài lòng rất nhiều.

Đàng khác, người ta có thể cứu xét hai tội này tùy theo các lý do bên ngoài của chúng. Và ở phương diện này, sự nịnh bợ đôi khi nặng hơn, thí dụ, khi nó tìm kiếm thu được danh dự hoặc lợi ích bằng sự đánh lừa không thể biện minh được. Song, đôi khi sự dị nghị nặng hơn, thí dụ, nếu người ta muốn chiến đấu cho chân lý, hoặc lôi kéo sự khinh chê cho kẻ mà người ta mâu thuẫn.

GIẢI ĐÁP:

1. Cũng như kẻ nịnh bợ có thể làm điều xấu bằng cách đánh lừa kín đáo, kẻ dị nghị có thể đôi khi làm hại bằng cách tấn công công khai. Mà khi mọi sự vật khác bằng nhau, việc làm hại công khai người nào bằng cách hành hung thì phạm tội nặng hơn việc làm hại cách kín đáo; do đó, sự cướp bóc là tội nặng hơn như chúng ta đã nói ở trước (Q.66, a.9).

2. Trong các hành vi nhân linh, điều gì nặng nhất không phải là luôn luôn xấu xa nhất. Vẻ đẹp của con người phát xuất cho mình từ trí năng, và do đó các tội lỗi xấu xa nhất là những tội mà xác thịt vượt thắng trí năng. Tuy nhiên, các tội thiêng liêng nặng nhất, bởi vì chúng nó phát xuất từ một sự khinh dể lớn hơn. Cũng vậy, các tội bao hàm sự đánh lừa thì xấu xa hơn, trong tư cách chúng nó xem ra tuôn chảy từ một sự yếu đuối và sự sai lầm nào đó của trí năng, đang khi các tội công khai rõ ràng đôi khi phát xuất từ một sự khinh dể lớn hơn. Và do đó, sự nịnh bợ, vì liên kết với sự đánh lừa, xem ra xấu xa hơn, còn sự dị nghị phát xuất từ sự khinh dể lớn hơn xem ra nặng hơn.

3. Như chúng ta đã nói ở trước (I-II, Q.41, a.4, sol.2 và 3), sự xấu hổ xem xét sự xấu xa của tội. Vậy người ta không luôn luôn xấu hổ nhiều hơn về tội nặng nhất, nhưng về tội xấu xa nhất. Do đó mà con người cảm thấy xấu hổ nhiều trong sự nịnh bợ hơn là trong sự dị nghị, mặc dầu sự dị nghị là tội nặng hơn.

 

Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch

Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính


Câu hỏi 115
Câu hỏi 117

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt