CÂU HỎI 119 SỰ PHUNG PHÍ (3 Tiết) 1. Sự phung phí đối lập với tính hà tiện? 2. Nó là tội? 3. Phải chăng nó là tội nặng hơn tội hà tiện?
Tiết 1 SỰ PHUNG PHÍ ĐỐI LẬP VỚI TÍNH HÀ TIỆN? VẤN NẠN: Xem ra không có như vậy. 1. Các tương phản hữu không thể đồng thời hiện hữu trong cũng một chủ thể. Mà một số người đồng thời là kẻ phung phí và là kẻ hà tiện. Vậy sự phung phí không đối lập với tính hà tiện. 2. Các đối lập hữu có cũng một chủ thể. Mà tính hà tiện, trong tư cách nó đối lập với nhân đức hào phóng, liên hệ với một số đam mê mà người ta bị ảnh hưởng đối với vấn đề tiền bạc. Nhưng sự phung phí xem ra không liên hệ với các đam mê của linh hồn, nó không bị ảnh hưởng về vấn đề tiền bạc, cũng không về vấn đề các của cải tương tự. Vậy nó không đối lập với tính hà tiện. 3. Như chúng ta đã nói ở trước (I-II, Q.72, a.3) tội được phân loại một cách chủ yếu do mục đích. Mà sự phung phí xem ra luôn luôn bị sắp đặt đến với mục đích bất hợp pháp, vì do đó người ta phân tán tiền bạc của mình, trước hết vì các sự vui thú. Như vậy, người ta trông thấy (Lc 15,13), người con trai hoang đàng tiêu xài hết gia tài của cải của mình bằng cách sống một đời sống dâm dật. Vậy xem ra sự phung phí đối lập với nhân đức tiết độ và với sự vô tình nhiều hơn là với tính hà tiện và nhân đức hào phóng. TRÁI LẠI: Triết gia (Eth. 2,7) đặt sự phung phí đối lập với nhân đức hào phóng và sự hẹp hòi, mà chúng ta gọi là tính hà tiện. TRẢ LỜI: Trong đạo đức học, sự đối lập của các tật xấu với nhau và với nhân đức được biểu lộ theo sự thái quá và sự khiếm khuyết. Mà tính hà tiện và sự phung phí dị biệt nhau. Bởi vì, đối với cái gì thuộc về sự bám dính với của cải, người hà tiện thái quá trong việc yêu mến chúng nó hơn sự phải lẽ, trong khi người phung phí thiếu sự yêu mến đối với của cải, bởi vì nó không lo lắng đến chúng nó theo lẽ phải. Còn đối với các của cải bên ngoài, điều riêng của người phung phí là thái quá trong việc cho, và khiếm khuyết trong việc gìn giữ là thu lượm, trái lại, người hà tiện là kẻ khiếm khuyết trong việc cho, và thái quá trong việc thu lượm và gìn giữ. Như vậy, rõ ràng sự phung phí đối lập với tính hà tiện. GIẢI ĐÁP: 1. Không cái gì ngăn trở trong cũng một chủ thể không được gặp nhau hai đặc tính tương phản, ở các bình diện khác nhau, do chủ thể này cái gì chính yếu hơn thì được gọi tên nhiều hơn. Cũng như, trong nhân đức hào phóng là nhân đức chiếm điểm trung dung, cái chủ yếu là vật tặng mà sự mua được và sự bảo tồn tiền bạc quy về đó; Cũng vậy, người ta phán đoán tính hà tiện và sự phung phí tùy theo thể cách cho. Nhưng đôi khi, kẻ cho không đủ, không thái quá trong các sự mua được như Triết gia lưu ý (Eth. 4,1). Cũng xảy ra là một người nào đó cho cách thái quá và do đó trở nên kẻ phung phí, đồng thời thái quá trong việc mua được. Hoặc do sự cần thiết bởi vì, khi cho thái quá, các của cải riêng của họ không đủ, do đó xảy ra sự cần thiết thu lượm được cách bất hợp pháp, điều đó quy về tính hà tiện. Hoặc còn do sự mất trật tự trong tinh thần: khi người ta không cho để làm điều tốt dường như người ta khinh dễ nhân đức, người ta không lưu ý đến việc mình thu lượm được của cải từ đâu và cách nào. Như vậy người ta là kẻ phung phí và là kẻ hà tiện ở những phương diện khác nhau. 2. Sự phung phí một cách rõ ràng có đối tượng là các đam mê liên hệ với tiền bạc, không bằng cách thái quá nhưng bằng cách khiếm khuyết. 3. Nếu người phung phí cho cách dồi dào, đó không phải luôn luôn vì các sự vui thú là các đối tượng của sự không điều độ, nhưng đôi khi bởi vì họ có tính tình không lo lắng gì về của cải, hoặc còn vì lý do khác. Tuy nhiên, thường nhất họ rơi vào sự không có điều độ bởi vì, họ tiêu xài thái quá trong các lãnh vực khác, họ không sợ tiêu xài cho những sự vui thú mà tính ham muốn xác thịt lôi kéo họ về điều đó nhiều hơn; hoặc còn bởi vì không gặp được sự thỏa mãn trong các sự tốt phù hợp với nhân đức, họ tìm kiếm những sự vui thú hữu hình. Và do đó, Triết gia (Ibid. 4,1) khẳng định: "Nhiều người phung phí trở nên không có điều độ."
Tiết 2 SỰ PHUNG PHÍ LÀ TỘI? VẤN NẠN: Xem ra sự phung phí không phải là tội. 1. Thánh Phaolô (1Tm 6,10) khẳng định: "Gốc rễ mọi sự xấu, đó là lòng yêu mến tiền bạc." Mà đó không phải là nguồn gốc của sự phung phí, bởi vì sự phung phí đối lập. 2. Thánh Phaolô (1Tm 6,17) cũng nói: "Con hãy truyền khiến các người giàu có ở đời này phải vui lòng chia sẻ." Mà đó là điều nhất là được thực hiện bởi các người phung phí. Vậy sự phung phí không phải là tội. 3. Sự phung phí cốt tại các vật tặng thái quá và tại sự lo lắng không đủ đối với của cải. Mà điều đó thích hợp nhất là với những người hoàn hảo là những kẻ hoàn thành lệnh truyền này của Chúa Giêsu: "Các ngươi chớ lo lắng về ngày mai" (Mt 6,34), và: "Ngươi hãy bán tất cả những điều ngươi có và phân phát cho kẻ nghèo khó" (Mt 19,28). TRÁI LẠI: Đứa con trai phung phí bị quở trách vì sự phung phí của mình (Lc 15,13). TRẢ LỜI: Như người ta đã nói ở Tiết trước, sự phung phí đối lập với tính hà tiện theo sự đối lập của sự thái quá với sự khiếm khuyết. Mà cả hai điều này phá hủy điểm trung dung của nhân đức. Do sự phá hủy này, có tật xấu và tội. Vậy người ta phải kết luận rằng sự phung phí có tội. GIẢI ĐÁP: 1. Một số người giải thích lời nói này của thánh Phaolô bằng cách ứng dụng nó không phải cho tính tham lam trong hành động, nhưng cho tính tham lam đã thành tập quán, vì tính tham lam là tập quán là cái ổ của sự ham muốn và do đó phát sinh mọi tội lỗi. Những người khác nói rằng thánh nhân đề cập đến sự tham lam tổng quát đối với mọi loại của cải. Do đó rõ ràng là sự phung phí phát sinh bởi tính tham lam; bởi vì người phung phí một sự tốt hữu hình bằng thể cách trái ngược với trật tự, hoặc để làm hài lòng những người khác, hoặc ít ra dùng các vật tặng của mình làm thỏa mãn ý muốn của mình. Còn nếu người ta lưu ý cách cẩn thận hơn về lời nói đó, thánh Phaolô ở đây theo ý nghĩa từng tiếng nói đến sự tham lam của cải, bởi vì ngài đã nói trước hết: "Những kẻ muốn trở nên giàu có..." Vậy đó chính là tính hà tiện ngài cho là gốc rễ của mọi sự xấu, không phải bởi vì mọi sự xấu luôn luôn phát xuất từ đó, nhưng bởi vì không có sự xấu nào mà đôi khi không phát xuất từ đó. Như vậy, sự phung phí đôi khi phát sinh bởi tính hà tiện, thí dụ, khi người nào tiêu xài nhiều để bắt lấy lòng ưu ái của một số người mà mình sẽ lãnh nhận của cải của họ. 2. Thánh Phaolô khuyên các người giàu có cho các của cải của mình một cách dễ dàng và rộng rãi khi phải cho. Đó là điều mà các người phung phí không làm; bởi vì theo ý kiến của Triết gia (Ibid. 4,1) các sự rộng rãi của họ không tốt lành, cũng không thi thố vì điều tốt, cũng không được thi hành như phải lẽ; nhưng đôi khi họ cho nhiều với những kẻ đáng lẽ phải ở nghèo khó, cho những kẻ quỷ quyệt và những người nịnh bợ, và họ không làm điều gì cho những người lương thiện. 3. Sự thái quá trong sự phung phí không được đo lường cách chủ yếu bởi lượng của vật tặng, nhưng đúng hơn là bởi điều mà vật tặng vượt qua điều phải làm. Như vậy kẻ rộng rãi đôi khi cho nhiều hơn kẻ phung phí, nếu cần thiết. Vậy người ta phải nói rằng những kẻ cho tất cả mọi của cải của mình, ngõ hầu theo Chúa Kitô và làm cho tinh thần của họ tránh xa mọi sự lo lắng về các của cải trần gian, không phải là những kẻ phung phí, nhưng thực hiện hào phóng cách hoàn hảo.
Tiết 3 PHẢI CHĂNG SỰ PHUNG PHÍ LÀ TỘI NẶNG HƠN TỘI HÀ TIỆN? VẤN NẠN: Xem ra nó nặng hơn. 1. Với tính hà tiện, người ta làm hại kẻ đồng loại mà người ta không chuyển thông của cải mình cho họ. Mà với sự phung phí, người ta làm hại chính mình. Vì Triết gia (Eth 4,1) dạy: "Sụ phung phí của cải là như sự làm hư mất chính mình." Mà người ta phạm tội nặng hơn nếu người ta làm hại chính mình theo lời ghi chép trong sách Huấn ca (14,5): "Kẻ khó chịu với chính mình, thì tốt lành với ai?" 2. Sự mất trật tự nổi lên dường như đi kèm theo một điều kiện đáng ngợi khen thì ít có tỳ vết do sự việc này. Mà sự mất trật tự của tính hà tiện đôi khi ở trong trường hợp này, như người ta trông thấy điều đó ở nơi những con người không muốn tiêu xài của cải mình, ngõ hầu không bị bắt buộc lãnh nhận của cải của người khác. Mà sự mất trật tự trong sự phung phí đi kèm theo một điều kiện đáng quở trách; do đó, theo ý kiến của Triết gia (Eth. 4,1), chúng ta chỉ sự phung phí về cho những người không có điều độ. 3. Nhân đức trí thuật là nhân đức thứ nhất trong các luân đức như người ta đã trông thấy (Q.66, a.1, sol.1; I-II, Q.61, a.2, sol.1). Mà sự phung phí đối lập với nhân đức trí thuật hơn đối với tính hà tiện, bởi vì người ta đọc thấy trong sách Cách ngôn (21,20): "Có kho tàng quý báu và dầu trong nhà kẻ khôn ngoan; còn kẻ bất khôn phung phí mọi sự." Và Triết gia (Eth. 4,1) nói: "Điều riêng của người điên rồ là cho cách thái quá và không lãnh nhận cái gì." Vậy sự phung phí là tội nặng hơn. TRÁI LẠI: Triết gia (Ibid. 4,1) đã nói: "Người phung phí được coi là tốt nhiều hơn kẻ hà tiện." TRẢ LỜI: Được cứu xét tại sự, sự phung phí là tội nhỏ hơn tội hà tiện và điều đó do ba lý do. Thứ nhất, tính hà tiện đi xa nhiều hơn khỏi nhân đức đối lập. Việc cho một cách nhiều thuộc về người rộng rãi, điều đó người phung phí thi hành cách thái quá, hơn là việc lấy và việc giữ lại, điều đó là sự thái quá của người hà tiện. Thứ đến, người phung phí phục vụ cho nhiều người; người hà tiện không phục vụ cho ai cả, cũng không phục vụ cho chính mình như Triết gia minh chứng (Ibid. 4,1). Thứ ba, sự phụng phí có thể chữa lành dễ dàng. Do khuynh hướng của tuổi già, tuổi già đối lập với sự phung phí. Bởi vì sự phung phí trở nên nghèo khổ, người phung phí không thể cho những vật tặng thái quá. Và cuối cùng, bởi vì sự phung phí một cách dễ dàng đưa tới nhân đức tương tự với nó. Còn người hà tiện không được chữa lành một cách dễ dàng, vì những lý do người ta đã trình bày ở trên (Q.118, a.5, sol.3). GIẢI ĐÁP: 1. Sự khác biệt giữa người phung phí và người hà tiện không phát xuất từ điều mà người này phạm tội chống với chính mình và người kia chống với người khác. Bởi vì người phung phí phạm tội chống chính mình bằng cách phung phí của cải mình cần để sống; và họ còn phạm tội chống kẻ khác bằng cách phung phí của cải mà họ phải sử dụng để trợ giúp các kẻ khác. Và điều đó xuất hiện nhất là ở nơi giáo sĩ, là những kẻ phân phát của cải của Hội thánh là những của cải thuộc về những kẻ nghèo khó, mà người ta gian lận bằng cách tiêu xài phung phí. Cũng vậy, kẻ hà tiện phạm tội chống các kẻ khác bởi không cho các vật tặng đầy đủ; và họ phạm tội chống chính mình bằng cách tiêu xài không đủ cho mình, sách Giảng viên (6,2) mô tả điều đó thế này: "Thiên Chúa đã ban cho họ của cải giàu có và Ngài không cho phép họ hưởng thụ các của cải này". Tuy nhiên, nếu vì những sự thái quá mà người phung phí hại chính mình và hại một số người khác, họ vẫn có ích cho các kẻ khác, trong khi người hà tiện không có ích cho ai cả, cũng không có ích ngay cho chính mình, bởi vì họ không dám sử dụng của cải mình, ngay cho chính sự sử dụng riêng mình. 2. Khi chúng ta nói tới các tật xấu, chúng ta phán đoán chúng nó tùy theo yếu tính riêng của chúng nó. Như vậy, đối với sự phung phí, chúng ta lưu ý đến điều nó phá hủy các của cải giàu có một cách thái quá. Còn nếu người nào tiêu xài thái quá do sự không điều độ, điều đó thêm nhiều tội, và những người phung phí như thế là những kẻ xấu nhất như Triết gia xác định (Eth. 4,1). Còn việc hà tiện không lãnh nhận của cải của người đồng loại, mặc dầu điều đó tại sự xem ra đáng ca ngợi, điều đó đáng quở trách vì lý do, nếu họ không lãnh nhận gì hết, ngõ hầu khỏi bị bắt buộc phải cho. 3. Mọi tật xấu đối lập với nhân đức trí thuật, cũng như mọi nhân đức được hướng dẫn bởi nó. Do đó, tội chỉ đối lập với nhân đức trí thuật mà thôi thì được coi là nhẹ hơn.
Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính
. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC