TỔNG LUẬN THẦN HỌC của Thomas Aquino Quyển II, Phần 2, Tập 5: Nhân đức xã hội và đức can đảm. Câu 109-140
Giờ đây chúng ta nghiên cứu nhân đức hào phóng, sau đó là các tật xấu đối lập với nó: Tính hà tiện và tính phung phí.
CÂU HỎI 117 NHÂN ĐỨC HÀO PHÓNG (6 Tiết) 1. Tính hào phóng là nhân đức? 2. Chất thể của nó là cái gì? 3. Hành động của nó là cái gì? 4. Việc cho thuộc về nó đúng hơn là việc lãnh nhận? 5. Nó là một phần của nhân đức công bình? 6. Phải chăng nó là nhân đức lớn nhất trong mọi nhân đức?
Tiết 1 TÍNH HÀO PHÓNG LÀ NHÂN ĐỨC? VẤN NẠN: Xem ra tính hào phóng không phải là một nhân đức. 1. Không nhân đức nào làm nghịch lại khuynh hướng tự nhiên. Mà khuynh hướng tự nhiên của nhân loại thúc đẩy họ tự hướng về mình nhiều hơn là về kẻ khác, đó là cái tương phản với cái hào phóng, bởi vì theo ý kiến của Triết gia (Eth. 4,1), người hào phóng tư tưởng về mình rất ít, đến nỗi họ chỉ giữ lại cho mình rất ít sự vật. 2. Con người nâng đỡ đời sống của mình nhờ của cải giàu có của mình, và của cải giàu có, theo Triết gia (Eth. 1,8), là những công cụ đem lại diễm phúc cho họ. Vậy, bởi vì mọi nhân đức được sắp đặt để đem lại sự diễm phúc, xem ra người hào phóng không phải là người nhân đức, bởi vì theo Triết gia (Eth. 4,1), họ không thể lãnh nhận, cũng không thể gìn giữ tiền bạc, nhưng có thể phân tán tiền bạc. 3. Các nhân đức phụ thuộc lẫn nhau. Mà người ta không trông thấy sự phụ thuộc lẫn nhau ở giữa tính hào phóng và các nhân đức, bởi vì nhiều người nhân đức không thực hiện tính hào phóng, bởi vì họ không có gì để cho; và nhiều người cho hoặc tiêu dùng cách hào phóng, mà những người này có tật xấu. Vậy tính hào phóng không phải là một nhân đức. TRÁI LẠI: Có lời nói của thánh Ambrôxiô (de Off. 1,30): "Phúc âm dạy chúng ta nhiều điều về sự hào phóng chính đáng." Mà Phúc âm chỉ dạy điều gì thuộc về nhân đức. Vậy tính hào phóng là một nhân đức. TRẢ LỜI: Thánh Augustinô nói với chúng ta (De Lib. Arb. 2,19), việc sử dụng tốt các sự vật mà chúng ta có thể sử dụng cách xấu, đó là công việc của nhân đức." Mà chúng ta có thể sử dụng tốt hoặc xấu không những điều gì ở trong chúng ta như các năng lực và các đam mê của linh hồn, mà còn cái gì ở ngoài chúng ta, như của cải trần gian được ban cho chúng ta để nâng đỡ đời sống của chúng ta. Và do đó, bởi vì sự sử dụng các của cải này lệ thuộc vào tính hào phóng thì, tính hào phóng theo đường lối hậu kết, là một nhân đức. GIẢI ĐÁP: 1. Như thánh Ambrôxiô (Serm 81, super Lc 12,18) và thánh Baxiliô (Hom. super Lc 12,18) nói, sự rất dồi dào giàu có đã được ban cho một số người, ngõ hầu họ thu lượm được công đức do sự quản lý tốt. Mà cá nhân tự túc một cách ít ỏi. Và do đó, con người hào phóng đáng được ngợi khen vì tiêu dùng nhiều cho kẻ khác hơn là cho chính mình. Người ta phải luôn luôn dành cho mình nhiều của cải thiêng liêng mà do đó mỗi người có thể trước tiên trợ giúp cho chính mình. Tuy nhiên, ngay đối với các của cải trần gian, nhân đức hào phóng không đòi hỏi người ta quá chú ý đến kẻ khác mà hoàn toàn sơ suất đối với chính mình và các kẻ thuộc về mình. Điều đó khiến thánh Ambrôxiô (De Off. 1,30) nói: "Việc không sơ suất đối với những kẻ thân cận với mình khi mình biết họ thiếu thốn, đó là nhân đức hào phóng đáng tin cậy." 2. Nhân đức hào phóng không đòi hỏi người ta phân tán các của cải của mình mà không giữ lại cái gì để nâng đỡ chính mình, và để thực hiện các công việc nhân đức dẫn đưa mình tới diễm phúc. Như vậy, Triết gia (Eth. 4,1) đã lên tiếng: "Con người hào phóng lo lắng về các sở hữu của mình mà nhờ đó họ có thể trợ giúp kẻ khác." Và thánh Ambrôxiô (De Off. I,30) nói: "Chúa Giêsu không muốn người ta vứt bỏ một lần tất cả mọi của cải;nhưng Ngài muốn người ta phân phát, trừ khi muốn bắt chước tiên tri Êlisê giết các con bò của mình và nuôi dưỡng các kẻ nghèo khó với các của cải mình có, ngõ hầu giải thoát mình khỏi mọi nỗi lo lắng gia đình", điều đó thuộc về tình trạng hoàn hảo thiêng liêng mà chúng ta sẽ đề cập đến ở sau (Q.184-189). Tuy nhiên, người ta phải lưu ý điều này là việc cho cách hảo phóng, trong tư cách nó là hành động nhân đức, được sắp đặt đến vinh phúc. 3. Theo Triết gia (Eth. 4,1), những kẻ tiêu dùng nhiều do những sự thái quá của mình, không thực hành nhân đức hào phóng, nhưng thực hiện tính phung phí. Và tất cả mọi người phung phí của cải mình vì những tội khác thì cũng vậy. Thánh Ambrôxiô (De Off. I,30) đã nói: "Nếu ngươi trợ giúp kẻ tìm kiếm đánh cắp của người khác, điều đó không phải là nhân đức hào phóng đáng ca ngợi. Và nhân đức hào phóng của ngươi không hoàn hảo nếu ngươi cho vì sự khoe khoang hơn là vì lòng thương xót." Do đó, những kẻ thiếu các nhân đức khác, mặc dầu họ tốn kém nhiều cho những công việc xấu xa, họ không thực hành nhân đức hào phóng. Cũng xảy ra điều này là một số người tiêu xài nhiều cho những công việc tốt, không có tập quán về tính hào phóng: đó là trường hợp của mọi kẻ hoàn thành các hành động nhân đức trước khi thu lượm được tập quán nhân đức, và như vậy, họ không hoàn thành các hành động đó theo cũng một thể cách như các người nhân đức mà chúng ta đã đề cập đến. Cuối cùng, không cái gì ngăn trở một số người nhân đức không thi hành nhân đức hào phóng, mặc dầu họ nghèo khó; điều đó khiến Triết gia (Eth. 4.1) lên tiếng: "Người ta đề cập đến tính hào phóng vì sự sắp đặt sâu thẳm đối với các của cải giàu có, bởi vì nhân đức hào phóng không cốt tại việc có nhiều vật tặng, nhưng ở trong tập quán của kẻ cho."
Tiết 2 CHẤT THỂ CỦA NHÂN ĐỨC HÀO PHÓNG LÀ CÁI GÌ? VẤN NẠN: Xem ra nhân đức hào phóng không liên hệ với tiền bạc. 1. Mọi luân đức liên hệ với các hành động hoặc các đam mê như Triết gia chủ trương (Eth. 5,1). Vậy, bởi vì nhân đức hào phóng là một luân đức, xem ra nó liên hệ với các đam mê chứ không với tiền bạc. 2. Nhân đức hào phóng lo lắng về sự sử dụng mọi của cải. Mà các của cải thiên nhiên thực tại hơn các của cái nhân tạo cốt tại tiền bạc, như Triết gia minh chứng (Pol. 1,3). Vậy nhân đức hào phóng không có tiền bạc là đối tượng thứ nhất. 3. Các nhân đức khác nhau có những chất thể khác nhau, bởi vì các tập quán phân biệt nhau tùy theo các đối tượng của chúng. Mà các của cải bên ngoài là chất thể của nhân đức công bình phân phối và của nhân đức công bình giao hoán. Vậy, chúng nó không phải là chất thể của nhân đức hào phóng. TRÁI LẠI: Triết gia (Eth. 4,1) định nghĩa nhân đức hào phóng là điểm trung dung đối với cái gì liên hệ với tiền bạc. TRẢ LỜI: Theo Triết gia (Eth. 4,1), nhân đức hào phóng cho phép người ta phân tán của cải. Như vậy đức hào phóng còn gọi là nhân đức quảng đại, bởi vì sự quảng đại không giữ lại điều mình chứa đựng, nhưng để nó phân tán. Và chính từ ngữ hào phóng cũng có một ý nghĩa (libéralité): "Khi người ta phân tán các của cải của mình, người ta giải phóng chính mình một cách nào đó khỏi sự lo lắng gìn giữ và chiếm hữu chúng nó, và người ta chứng tỏ, mình có tâm hồn tự do (khỏi sự bám dính này). Mà điều người ta phân tán bằng cách cho kẻ khác, đó là các sở hữu được biểu thị do từ ngữ tiền bạc." Do đó, tiền bạc là chất thế riêng của nhân đức hào phóng. GIẢI ĐÁP: 1. Như chúng ta đã nói ở trước, nhân đức hào phóng không đo lường mình do lượng đã được cho, nhưng do tình cảm của kẻ cho. Mà kẻ cho bị đặt vào trong điều kiện bởi các đam mê của tình yêu và của sự ham muốn, bởi sự vui thú và sự buồn phiền đối với điều người ta cho. Do đó, chất thể trực tiếp của nhân đức hào phóng là các đam mê bên trong, và các đam mê này có đối tượng bên ngoài là tiền bạc. 2. Theo thánh Augustinô (De Discipl. Christ. 6,40), tất cả những gì người ta chiếm hữu ở trần gian và người ta là những người chủ, người ta gọi chúng nó là tiền bạc (pecunia: pecus), bởi vì mọi sự giàu có của các người thời xưa cốt tại ở gia súc (pecus). Và Triết gia (Eth. 4,1) giải thích: "Chúng ta gọi là tiền bạc tất cả cái gì mà giá trị của nó được đo lường bằng tiền bạc." 3: Nhân đức công bình thiết lập sự bằng nhau giữa các của cải bên ngoài, nhưng nó không có chức phận điều hòa các đam mê bên trong. Như vậy, tiền bạc, theo những thểcách khác nhau là chất thể của nhân đức hào phóng và chất thể của nhân đức công bình.
Tiết 3 HÀNH ĐỘNG CỦA NHÂN ĐỨC HÀO PHÓNG VẤN NẠN: Xem ra sự sử dụng tiền bạc không phải là hành động của nhân đức hào phóng. 1. Các nhân đức khác nhau có những hành động khác nhau. Mà sự sử dụng tiền bạc là hành động chung của nhiều nhân đức, như nhân đức công bình và nhân đức đại độ. Vậy đó không phải là hành động riêng của nhân đức hào phóng. 2. Nhân đức hào phóng chẳng những cho, mà còn lãnh nhận và gìn giữ. Mà hai hành động này xem ra không lệ thuộc vào sự sử dụng tiền bạc. Vậy người ta đề cập đến một cách không đầy đủ khi người ta gọi sự sử dụng tiền bạc là hành động riêng của nhân đức hào phóng. 3. Sự sử dụng tiền bạc không phải chỉ cốt tại việc cho tiền bạc, mà còn tiêu xài nó. Mà việc tiêu xài tiền bạc quy về kẻ tiêu xài, và như vậy điều đó xem ra không phải là hành động của nhân đức hào phóng. Bởi vì, Sénèque (De Benef. 9) nói: "Người ta không tiền bạc, do việc người ta cho chính mình." Vậy không phải bất cứ sự sử dụng tiền bạc nào đều thuộc về nhân đức hào phóng. TRÁI LẠI: Có lời phán quyết của Triết gia (Eth. 5,1): "Người ta sử dụng cách tốt hơn một sự vật nào khi người ta chiếm hữu nhân đức liên hệ với sự vật đó một cách đặc biệt."Vậy kẻ chiếm hữu nhân đức quan hệ với tiền bạc sẽ sử dụng tốt đẹp hơn sự giàu có của mình. TRẢ LỜI: Hành động được phân loại do đôi tượng của mình như chúng ta đã trình bày ở trước (I-II, Q.18, a.2). Mà đối tượng hay chất thể của nhân đức hào phóng là tiền bạc và tất cả những gì được tiền bạc đo lường, như chúng ta đã nói ở Tiết trước. Và bởi vì mọi nhân đức một cách hoàn hảo hòa hiệp với đối tượng của mình; do đó mà bởi vì nhân đức hào phóng là một nhân đức, hành động của nó tương xứng với tiền bạc. Mà tiền bạc có yếu tính thuộc về các của cải hữu ích, bởi vì mọi của cải bên ngoài được sắp đặt cho sự sử dựng của con người. Do đó, hành động riêng của nhân đức hào phóng là sự sử dụng tiền bạc hay sự giàu có. GIẢI ĐÁP: 1. Việc sử dụng các của cải giàu có trong tự cách chúng nó là như thế, quy về nhân đức hào phóng, bởi vì chúng nó là đối tượng của nhân đức này; đức công bình có chức phận sử dụng các của cải giàu có tùy theo một yếu tính khác, nghĩa là tùy theo yếu tính của nợ nần, trong tư cách một của cải bên ngoài nào đó mắc nợ kẻ khác. Đức đại độ có chức phận sử dụng của cải giàu có theo một yếu tính đặc biệt, nghĩa là tùy theo chúng nó được sử dụng để hoàn thành một công việc vĩ đại. Như vậy, nhân đức đại độ là một cái gì thêm vào cho nhân đức hào phóng như chúng ta sẽ đề cập đến ở sau. 2. Người nhân đức không những có ý sử dụng chất thể của mình hoặc công cụ của mình, mà còn chuẩn bị cái gì làm cho sự sử dụng đó trở nên dễ dàng. Như vậy, lòng anh dũng của người quân nhân không những cốt tại rút gươm ra chống lại quân thù, mà còn tại việc mài gươm cho bén và gìn giữ gươm trong vỏ gươm. Cũng vậy, nhân đức hào phóng không những cốt tại việc sử dụng tiền bạc mà còn việc gìn giữ tiền bạc sẵn sàng và bảo tồn nó để có thể sử dụng nó. 3. Như chúng ta đã nói ở trước (a.2, sol.1), chất thể gần của nhân đức hào phóng, đó là các đam mê bên trong có ảnh hưởng với con người đối với tiền bạc. Do đó, nhân đức hào phóng có chức phận gìn giữ con người khỏi mọi sự bám dính mất trật tự vào tiền bạc, và sự bám dính này hẳn ngăn trở họ không sử dụng được tiền bạc như phải lẽ. Mà có hai thể cách sử dụng tiền bạc: một thể cách đối với chính mình liên hệ với những sự tiêu xài: thể cách thứ hai, đối với người khác liên hệ với các vật tặng. Do đó, vai trò của nhân đức hào phóng là làm cho tình yêu thái quá đối với tiền bạc không ngăn trở các sự tiêu xài chính đáng, cũng không ngăn trở các sự biếu tặng hợp lý. Nhân đức hào phóng, theo ý kiến của Triết gia (Eth. 4,1), liên hệ nhất là những sự tặng và những sự tiêu dùng. Còn về lời nói của Sénèque, người ta phải hiểu nó về nhân đức hào phóng liên hệ với các sự tặng. Quả thế, chúng ta không gọi là con người hào phóng kẻ nào ban vật tặng cho chính mình.
Tiết 4 NHÂN ĐỨC HÀO PHÓNG CÓ CHỨC NĂNG CHO HƠN LÀ LÃNH NHẬN VẤN NẠN: Xem ra cho không phải là chức năng trước nhất của nhân đức hào phòng. 1. Đức hào phóng được hướng dẫn do nhân đức trí thuật, cũng như mọi luân đức. Mà điều thuộc về nhân đức trí thuật, đó nhất là việc bảo tồn của cải giàu có như Triết gia đã đưa ra sự nhận xét (Eth. 4,1): "Những kẻ đã không thu lượm được gia tài của cải, nhưng đã lãnh nhận từ những kẻ đã thu lượm được, thì tiêu xài cách hào phóng hơn, bởi vì họ không có kinh nghiệm về sự nghèo khó." 2. Điều người ta tìm kiếm trên hết mọi sự, người ta không buồn phiền về điều đó, cũng không bao giờ mệt mỏi về điều đó. Mà con người hào phóng đôi khi buồn phiền vì đã cho; và hơn nữa, họ không cho mọi người như Triết gia lưu ý (Ibid. 1,16). Vậy việc cho không phải là hành động thích hợp nhất với nhân đức hào phóng. 3. Cho được thành công đối với điều người ta tìm kiếm trên hết mọi sự, người ta sử dụng tất cả mọi phương tiện có thể. Mà người hào phóng không thích đòi hỏi kêu xin, như Triết gia nhận xét (Ibid. 1,20), đang khi hẳn họ có thể như vậy thu lượm được các phương thế để cho kẻ khác. Vậy xem ra họ không tìm kiếm trên hết mọi sự để cho. 4. Người ta chủ trương giúp chính mình nhiều hơn là giúp kẻ khác. Mà trong khi tiêu xài, người ta trợ giúp chính mình, trong khi cho, người ta trợ giúp kẻ khác. Vậy vai trò của nhân đức hào phóng là tiêu xài hơn là cho. TRÁI LẠI: Có lời nhận định của Triết gia (Ibid. 4,1): "Con người hào phóng là kẻ cho rất dồi dào." TRẢ LỜI: Điều riêng của nhân đức hào phóng là sự sử dụng tiền bạc. Mà sự sử dụng tiền bạc cốt tại phân tán tiền bạc, vì sự kiếm được tiền bạc tương tự với sự sinh sản hơn là sự sử dụng, việc giữ gìn tiền bạc để có thể sử dụng nó được so sánh với tập quán. Mà người ta càng phân tán của cải bằng cách quăng ném nó đi xa, nhân đức mà do đó sự phân tán này phát xuất thì càng to lớn, người ta trông thấy điều đó rõ ràng khi người ta phóng những tạc đạn. Do đó phải có một nhân đức lớn để phân tán tiền bạc bằng cách cho kẻ khác hơn là khi tiêu xài cho chính mình. Và điều riêng của nhân đức là hướng đến điều hoàn hảo nhất, bởi vì, đối với Triết gia (Phys. 7,3), nhân đức là chính sự hoàn hảo. Do đó nhân đức hào phóng được ca ngợi nhất là về điều nó cho. GIẢI ĐÁP: 1. Nhân đức trí thuật có chức phận bảo tồn tiền bạc để nó không bị trộm cắp hoặc tiêu xài cách vô lối. Mà việc tiêu xài cách hữu ích đòi phải có nhiều đức trí thuật hơn là việc bảo tồn nó, bởi vì sự sử dụng của cải mà người ta đồng hóa với một sự chuyển động, đòi phải có nhiều sự lo lắng hơn việc bảo tồn nó, vì việc bảo tồn được đồng hóa với sự nghỉ ngơi. Còn những kẻ hưởng gia tài bằng tiền bạc đã được kẻ khác thu lượm, và họ tiêu xài cách rộng rãi hơn do sự không kinh nghiệm về sự nghèo khổ, nếu họ làm điều đó chỉ vì do sự không kinh nghiệm này, họ không có nhân đức hào: phóng, nhưng đôi khi một sự không kinh nghiệm như thế chỉ làm cho mất đi một trở ngại đối với nhân đức hào phóng, đến nỗi họ thi hành nhân đức hào phóng cách vồn vã hơn. Quả thế, sự sợ hãi về sự nghèo khổ mà người ta đã có kinh nghiệm, đôi khi ngăn trở những kẻ đã thu lượm được tiền bạc không tiêu xài tiền bạc bằng cách hành động hào phóng; cũng vậy, đối với tình yêu mà họ yêu mến tiền bạc là công việc riêng của mình như Triết gia xác định (Ibid. 4,1). 2. Như chúng ta đã nói ở Tiết trước, nhân đức hào phóng có chức phận sử dụng tiền bạc một cách thích hợp, và do đó cho tiền bạc cũng một cách thích hợp, đó là một thế cách sử dụng tiền bạc. Mà, mọi nhân đức buồn phiền về điều đối lập với hành động của mình và tìm kiếm tránh các ngăn trở. Và, có hai điều ngăn trở người ta không cho được một cách thích hợp; việc không cho điều mà một cách thích hợp người ta có thể cho, và việc cho một cái gì theo một thể cách không thích hợp. Như vậy, con người hào phóng buồn phiền về cả hai điều đó; nhưng nhất là với điều thứ nhất, vì điều này đối lập nhiều hơn với hành động riêng của họ. Và do đó, họ cũng không cho với hết mọi người. Thực thế, khi cho bất cứ người nào, hành động của họ gặp ngăn trở, bởi vì họ không còn cái gì nữa để mà cho kẻ mà điều đó thích hợp. 3. Có cũng một quan hệ giữa sự cho và sự lãnh nhận như giữa việc hành động và việc chịu. Mà việc hành động là việc chịu không có cũng một nguyên lý. Như vậy, bởi vì nhân đức hào phóng là nguyên lý của vật tặng, người ta không đòi hỏi kẻ hào phóng mau lẹ lãnh nhận, và còn ít hơn nữa mau lẹ. Do đó, có lời nói: "Nếu ai dưới trần gian muốn làm hài lòng mọi người, họ phải cho nhiều, phải lãnh nhận ít, phải không xin gì hết." Nhưng họ nhắm cho điều gì thích hợp với nhân đức hào phóng, nghĩa là hoa trái các của cải riêng của mình, họ lo lắng cho chúng một cách nhiệt tình, ngõ hầu có thể sử dụng chúng một cách hào phóng. 4. Việc tiêu xài cho chính mình phát xuất từ khuynh hướng tự nhiên. Như vậy, việc trang trải cho kẻ khác tiền bạc của mình là công việc riêng của nhân đức hào phóng.
Tiết 5 NHÂN ĐỨC HÀO PHÓNG LÀ MỘT PHẦN CỦA NHÂN ĐỨC CÔNG BÌNH? VẤN NẠN: Xem ra không phải như vậy. 1. Nhân đức công bình nhắm nợ nần. Mà một số bạc càng mắc nợ, nó được cho càng ít bằng cách hào phóng. Vậy nhân đức hào phóng không phải là phần của đức công bình: nó đối lập với nhân đức này. 2. Nhân đức công bình liên hệ với các hành động như chúng ta đã đề cập đến ở trước (Q.58, a.8 và 9). Mà nhân đức hào phóng liên hệ nhất là với tình yêu và tính ham muốn tiền bạc, và những đam mê. Vậy, nhân đức hào phóng xem ra quy về với nhân đức tiết độ nhiều hơn là với nhân đức công bình. 3. Chúng ta mới nói đối tượng thứ nhất của nhân đức hào phóng là cho một cách thích hợp. Mà điều đó lệ thuộc vào nhân đức từ thiện và nhân đức nhân từ; và hai nhân đức này quy về nhân đức mến như chúng ta đã nói ở trước (Q.28; Q.30, a.3, opj.3; Q.31, a.1). Vậy nhân đức hào phóng là một phần của nhân đức mến, đúng hơn là của nhân đức công bình. TRÁI LẠI: Chúng ta gặp thấy lời xác định của thánh Ambrôxiô (De Off. 28): "Nhân đức công bình quy về xã hội nhân loại. Vì xã hội bao hàm hai quy tắc: nhân đức công bình và nhân đức từ thiện: điều đó còn được người ta gọi là nhân đức hào phóng hay thiện tính." Vậy nhân đức hào phóng quy về nhân đức công bình. TRẢ LỜI: Nhân đức hào phóng không phải là một loại của nhân đức công bình, bởi vì nhân đức công bình cho người khác điều mắc nợ của họ, trong khi nhân đức hào phóng cho kẻ khác điều là của mình. Tuy nhiên, nó gặp mặt với nhân đức công bình ở hai điểm. Trước hết, nó trong tư cách chủ yếu được hướng về người khác, như nhân đức công bình. Thứ đến, nó liên hệ với các của cải bên ngoài, như nhân đức công bình, dầu mà tùy theo một yếu tính riêng, như chúng ta mới nói (a.2, sol.3). Do đó, một số tác giả cho nó được dự phần vào nhân đức hào phóng, với tư cách là nhân đức phụ thuộc vào nhân đức này là nhân đức chính. GIẢI ĐÁP: 1. Nhân đức hào phóng, mặc dầu nó không nhằm nợ pháp định, như nhận đức công bình vẫn nhắm nợ đạo đức, mà nó không bị bắt buộc thanh toán nhưng việc nó thanh toán nợ này thì đúng đắn và nhã nhặn. Như vậy, yếu tính của nợ nần gặp ở nơi nó bằng cách đã bị giản lược tới mức tối thiểu. 2. Nhân đức tiết độ liên hệ với các sự ham muốn đối với các sự vui thú xác thịt. Mà sự ham muốn và sự vui thú về tiền bạc không lệ thuộc vào thân thể, nhưng đúng hơn là lệ thuộc vào linh hồn. Như vậy, nhân đức hào phóng một cách đích xác, không quy về nhân đức tiết độ. 3. Vật tặng của con người từ thiện và hay nhân từ phát xuất từ điều người ta hơn kém yêu thương đối với kẻ mà người ta tưởng lệ, do đó, vật tặng như thế quy về đức mến hoặc nhân đức tình bằng hữu; còn ân huệ được thực hiện bởi nhân đức hào phóng phát xuất từ điều người tặng, là cái gì bám dính vào tiền bạc bằng một cách thực sự không ham muốn cũng không yêu mến nó. Như vậy, người ta khi phải cho, thì cho những người mình không biết, chứ không phải cho các kẻ bạn hữu mà thôi. Như vậy, nó không lệ thuộc vào nhân đức mến, nhưng đúng hơn là vào nhân đức công bình liên hệ với các của cải bên ngoài.
Tiết 6 PHẢI CHĂNG NHÂN ĐỨC HÀO PHÓNG LÀ NHÂN ĐỨC LỚN NHẤT? VẤN NẠN: Xem ra nhân đức hào phóng thì lớn nhất trong các nhân đức. 1. Mọi nhân đức của nhân loại là sự tương tự với nhân đức Thiên Chúa. Mà chính do nhân đức hào phóng mà con người tương tự nhất với Thiên Chúa là Đấng ban cho mọi người các hào phóng mà không sỉ vả lại (Gc 1,5). Vậy nhân đức hào phóng là nhân đức lớn nhất. 2. Theo thánh Augustinô (De Trin. 6,8), trong các sự vật mà độ lớn không căn cứ vào khối, thì việc to lớn hơn tức là tốt lành hơn. Mà yếu tính của thiện tính xem ra có tương quan tuyệt tác với nhân đức hào phóng, bởi vì Denys (De Div. Nom. 4,20) chứng tỏ sự tốt có khuynh hướng lan tràn ra. Như vậy, thánh Ambrôxiô (De Off. 1,28) còn nói: "Nhân đức công bình xem xét sự yên tĩnh, nhân đức hào phóng thi hành thiện tính." Vậy nhân đức hào phóng lớn nhất trong các nhân đức. 3. Chính nhân đức làm cho con người được vinh danh và làm cho họ yêu mến. Mà Boèce (De Consol. 2,5) đã nói: "Nhân đức hào phóng nhất là làm cho người ta vinh danh", và Triết gia (Eth. 4,1) đã nói: "Trong các nhân đức, chính nhân đức hào phóng được yêu mến nhất." TRÁI LẠI: Thánh Ambrôxiô (De Off. 1,28) đã nói với chúng ta: "Nhân đức công bình cao thượng hơn nhân đức hào phóng, nhưng nhân đức hào phóng đáng yêu mến hơn." Và Triết gia (Rhet. 1,9) cũng đã nói: "Vinh dự lớn nhất được ban cho nhân đức hùng dũng và nhân đức công bình, sau hai nhân đức này, được ban cho nhân đức hào phóng." TRẢ LỜI: Mọi nhân đức đều hướng về điều tốt. Như vậy, theo mức độ nhân đức hướng về điều tốt hơn, chính nó tốt hơn. Mà nhân đức hào phóng hướng về điều tốt theo hai thể cách. Trước hết, bằng thể cách thứ nhất và thuộc yếu tính, sau đó theo đường lối hậu kết. Thể cách thứ nhất và nguyên thường, nó hướng đến việc sắp đặt tình yêu của chủ thể mình liên hệ với sự chiếm hữu và sự sử dụng tiền bạc. Ở phương diện này, nhân đức hào phóng đi sau nhân đức tiết độ là nhân đức điều hòa sự ham muốn và các sự vui thú liên hệ với thân thể của chủ thể. Nó cũng đi sau nhân đức sức mạnh và nhân đức công bình, vì hai nhân đức này được sắp đặt hơn kém đến sự tốt công cộng, nhân đức kia trong thời chiến, nhân đức trong thời bình. Và tất cả các nhân đức này đi theo sau các nhân đức sắp đặt đến sự tốt của Thiên Chúa. Vì sự tốt của Thiên Chúa đi trước mọi sự tốt nhân loại, trong các sự tốt nhân loại, sự tốt công cộng đi trước sự tốt riêng tư, và ở đó, sự tốt của thân thể hơn các sự tốt bên ngoài. Đàng khác, nhân đức hào phóng được sắp đặt đến với một sự tốt nào đó theo đường lối hậu kết. Ở phương diện này, nhân đức hào phóng được sắp đặt đến với tất cả các sự tốt chúng ta mới kể ra: do sự kiện mà con người không dính bám vào tiền bạc, họ sử dụng tiền bạc một cách dễ dàng cho chính mình, vì sự ích lợi các kẻ khác và vì sự danh dự cho Thiên Chúa. Với tư cách này, nhân đức hào phóng là một sự tuyệt hảo, vì nó đem lại một ích lợi lớn lao. Song, bởi vì mọi hữu thể được phán đoán trước hết về điều thích hợp cho nó theo thể cách thứ nhất và thuộc yếu tính hơn là vì các hiệu quả gián tiếp của nó, người ta phải nói nhân đức hào phóng không lớn nhất trong các nhân đức. GIẢI ĐÁP: 1. Vật tặng của Thiên Chúa phát xuất từ điều Thiên Chúa yêu mến nhân loại mà Người ban cho họ bằng cách Ngài không bám dính vào điều Ngài ban cho họ. Do đó, các vật tặng của Ngài lệ thuộc nhiều vào đức mến là nhân đức lớn nhất trong các nhân đức, hơn là vào nhân đức hào phóng. 2. Mọi nhân đức tham dự vào yếu tính của sự tốt về phía hành động riêng được nó sản xuất. Mà các hành động của một số nhân đức khác có giá trị nhiều hơn tiền bạc do nhân đức hào phóng đưa ra. 3. Người ta yêu mến nhất là những con người hào phóng, không phải bằng tình bằng hữu vinh dự dường như họ có giá trị tốt hơn các kẻ khác, nhưng bằng tình bằng hữu có ích lợi bởi vị họ đem lại nhiều sự phục vụ liên hệ với những của cải bên ngoài : hơn là những con người ước muốn một cách bình thường cho tới mức tối đa. Và danh tiếng của họ có cũng một nguyên nhân.
Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC