Đạo đức học

Sự nói dối

SỰ NÓI DỐI

 

THOMAS AQUINO (1225-1274)

 


Thomas Aquino, Tổng luận thần học, Quyển II, Phần 2, Tập 5: "Nhân đức xã hội và đức can đảm", Câu hỏi 110, “Sự nói dối”. Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính. tr. 15-29. Phiên bản tiếng Việt: triethoc.edu.vn


 

SỰ NÓI DỐI

(4 tiết)

1. Sự nói dối luôn luôn đối lập với nhân đức chân lý vì chứa đựng điều giả?

2. Các loại của sự nói dối.

3. Sự nói dối luôn luôn có tội?

4. Phải chăng sự nói dối là trọng tội?

 

Tiết 1

SỰ NÓI DỐI LUÔN LUÔN ĐỐI LẬP VỚI NHÂN ĐỨC CHÂN LÝ VÌ CHỨA ĐỰNG ĐIỂU GIẢ?

VẤN NẠN: Xem ra không phải như vậy.

1. Các tương phản hữu không thể đồng hiện hữu. Mà sự nói dối có thể đồng hiện hữu với nhân đức chân lý, bởi vì kẻ nói sự thật trong khi tin tưởng đó là điều giả, thì người đó nói dối như thánh Augustinô xác định (De Mendac. 3, 40). Vậy sự nói dối không đối lập với nhân đức chân lý.

2. Nhân đức chân lý không chỉ cốt tại lời nói, nhưng còn cốt tại các hành động, bởi vì theo Triết gia (Eth. 4, 7), nhân đức này làm cho người ta nói sự thật trong lời nói và trong đời sống. Mà sự nói dối chỉ cốt tại lời nói mà thôi, bởi vì người ta định nghĩa nó là lời nói có ý nghĩa sai. Vậy xem ra sự nói dối không đối lập cách trực tiếp với nhân đức chân lý.

3. Thánh Augustinô (De Mendac. 3, 40) đã viết: “Điều gây nên tội cho người nói dối, đó là ý muốn khải hoàn của họ.” Mà điều đó đối lập với lòng tốt hoặc nhân đức công bình hơn là đối lập với nhân đức chân lý.

TRÁI LẠI: Thánh Augustinô (Ibid. 4, 40) đã viết: “Tất cả mọi người đồng ý gọi người nói dối là kẻ thốt ra điều giả với ý định đánh lừa. Vậy sự nói dối đối lập với nhân đức chân lý.

TRẢ LỜI: Hai điều phân loại hành vi đạo đức: đối tượng của nó và mục đích của nó. Mục đích là đối tượng của ý chí, có yếu tính về chủ động trong các hành vi đạo đức. Các năng lực bị động do ý chí thì mỗi năng lực trong các năng lực này có đối tượng của mình, và đối tượng này là đối tượng gần của hành vi do ý chí và trong hành vi của ý chí đối với mục đích, nó nhắm cũng một vai trò như chất thể đối với mô thể mà chúng ta minh chứng ở trước (Q. 109, a.2), nhân đức chân lý và do đó các tật xấu tương phản, cốt tại biểu lộ một cái gì nhờ một số dấu hiệu, điều đó là hành động của trí năng đem dấu hiệu về sự vật được biểu thị. Quả thế, mọi biểu tượng đòi phải có sự đối chiếu, công việc riêng của trí năng; như vậy, các thú vật thực sự biểu lộ một cái gì, nhưng chúng không có ý định biểu lộ điều đó; bản năng của chúng nó thúc đẩy chúng nó đến một số hành động và các hành động này thực sự có tính cách biểu lộ rõ ràng. Tuy nhiên, sự biểu lộ hay sự phát biểu chỉ là hành động đạo đức do ý chí và có ý hướng, và đối tượng riêng của nó, đó là sự thật hoặc sự giả. Mà, ý chí mất trật tự có thể có hai ý hướng: trước hết biểu lộ điều giả, và do sự biểu lộ này đánh lừa một người nào. Vậy nếu ba điều kiện này phối hợp với nhau: sự giả về điều được nói ra, ý muốn biểu lộ điều giả này, ý định đánh lừa, thì hiệu quả cũng có ba: sự giả về chất thể, bởi vì người ta nói ra cái gì giả; sự giả mô thể bởi vì người ta muốn nói điều đó; sự giả tác thành, bởi vì người ta có ý định làm cho kẻ khác tin tưởng điều đó. Nhưng chính sự giả mô thể tạo nên yếu tính của sự nói dối, nghĩa là ý muốn biểu lộ điều giả. Do đó, người ta gọi sự nói dối, mendacium, là điều người ta nói trái ngược tư tưởng của mình, contra mentem.

Như vậy, việc nói điều giả mà tin tưởng là điều thật, đó là sự giả chất thể, chứ không phải sự giả mô thể, bởi vì ở ngoài ý định. Đó không phải là sự nói dối theo nghĩa đen của từ ngữ, bởi vì cái gì không thuộc về ý định thì có tính cách tùy thể và không thể tạo nên sự dị biệt loại thuộc. Sự giả mô thể cốt tại điều nói điều giả với ý muốn nói điều đó; cho dù điều đó có thực đi nữa, một hành động như vậy được xem xét về phương diện ý chí và đạo đức tính, chứa đựng sự giả theo cách nguyên thường, và chân lý chỉ gặp được ở đó bằng các ngẫu trừ. Vậy điều đó ở trong loại nói dối. Việc muốn đánh lừa người nào làm cho họ tin điều giả, điều đó một cách loại thuộc không thuộc về sự nói dối, nhưng thuộc về một sự hoàn hảo của sự nói dối, như hữu thể vật lý lãnh nhận loại của mình, mặc dù hiệu quả của mô thể này vắng mặt; thí dụ, một vật thể năng được giữ ở trong không khí bởi một sức lực cưỡng bức tác động đến nó và ngăn trở nó không tuân theo sự đòi hỏi của mô thể của nó, vì mô thể của nó kéo nó xuống thấp.

Vậy rõ ràng sự nói dối đối lập một cách trực tiếp và mô thể với nhân đức chân lý.

GIẢI ĐÁP:

1. Người ta phải luôn luôn phán đoán về một sự vật nào theo điều ở trong nó cách mô thể và do bản tính của nó, hơn là theo cái gì gặp được ở đó cách chất thể và cách ngẫu trừ. Việc nói điều thật đang khi người ta có ý định nói điều giả thì đối lập với nhân đức chân lý trong tư cách là một luân đức, hơn việc nói điều giả với ý định nói điều thật.

2. Theo thánh Augustinô (De Doctr. Chryst. 2, 3), các từ ngữ chiếm chỗ thứ nhất trong các dấu hiệu. Cho nên, khi người ta định nghĩa sự nói dối là lời nói có ý nghĩa giả, người ta hiểu ở đó tất cả mọi dấu hiệu. Như vậy, kẻ có ý định biểu lộ một cái gì giả bằng bộ điệu, không phải là vô tội đối với sự nói dối.

3. Sự ước muốn đánh lừa thuộc về hiệu quả cuối cùng của sự nói dối, chứ không thuộc về một loại nói dối, cũng như không hiệu quả nào thuộc về loại của cái là nguyên nhân.

 

Tiết 2

CÁC LOẠI NÓI DỐI

VẤN NẠN: Sự phân chia sự nói dối thành ra sự nói dối hảo ý (có ý giúp ai), sự nói dối vui vẻ và sự nói dối tai hại, thì không hợp lý.

1. Sự phân chia phải do ở điều một cách thuộc yếu tính thích hợp với thực tại mà người ta đang đề cập đến như Triết gia đã minh chứng (Metaph. 7, 6). Mà ý định của kết quả không thuộc về loại hành vi duy nhất. Mà sự phân chia này phát xuất do ý định nhắm kết quả, bởi vì sự nói dối vui vẻ thể hiện do trò vui, sự nói dối hảo ý để giúp đỡ, và sự nói dối tai hại để làm hại. Vậy sự phân chia sự nói dối đây không đầy đủ.

2. Thánh Augustinô (De Mendac. 14, 40) phân chia sự nói dối ra tám loại: thứ nhất, học lý và tôn giáo; thứ hai, vô ích cho người này mà hại cho một người nào; thứ ba, có ích cho người này mà hại cho người kia; thứ bốn, được thể hiện chỉ vì vui thú đánh lừa; thứ năm, được thể hiện do sự ước muốn làm đẹp lòng; thứ sáu, không làm hại ai và giúp đỡ người nào để giữ gìn tiền bạc của họ; thứ bảy, giúp đỡ để tránh khỏi sự chết; thứ tám, giúp đỡ để tránh khỏi điều ô uế. Vậy sự phân chia thứ nhất về sự nói dối không đầy đủ.

3. Triết gia (eth. 4, 7) phân chia sự nói dối ra sự khoe khoang phóng đại chân lý và sự mỉa mai giảm bớt chân lý. Hai loại nói dối này không gặp thấy trong sự phân chia người ta đề nghị cho chúng ta. Vậy sự phân chia này không thích nghi.

TRÁI LẠI: Có lời của thánh vịnh (5, 7): “Hạng người láo khoét, Người để diệt vong.” Sách chú giải cắt nghĩa: “Có ba loại nói dối: ‘Sự nói dối nhắm sự cứu rỗi hoặc sự lợi ích của người nào; sự nói dối nhắm trò đùa giỡn cợt; sự nói dối được gây nên bởi sự hung ác.” Đó là sự phân chia sự nói dối ra sự nói dối hảo ý, vui vẻ, tai hại. Sự phân chia này được biện minh.

TRẢ LỜI: Có ba sự phân chia về sự nói dối. Thứ nhất, sự phân chia thứ nhất rút lấy từ chính yếu tính của sự nói dối; vậy nó đích thực và thuộc về yếu tính. Ở phương diện này, sự nói dối chia ra hai loại: sự khoe khoang đi qua bên kia chân lý, mà chân lý là sự bằng nhau và sự thái quá và sự khiếm khuyết đối lập trực tiếp với nó như chúng ta đã nói đến ở Tiết trước. Thứ đến, sự phân chia thứ hai xem xét sự nói dối trong tư cách nó là yếu tính của tội lỗi, hơn kém nặng tùy theo mục đích người ta nhắm tới khi nói dối. Tội lỗi nặng hơn nếu người ta muốn hại kẻ đồng loại; đó là sự nói dối tai hại. Tội lỗi ít nặng hơn, nếu người ta nhắm một sự tốt nào đó: sự vui thú, đó là sự nói dối vui vẻ; một sự lợi ích, đó là sự nói dối hảo ý khi nó nhắm trợ giúp người nào hay bênh vực họ. Đó là sự phân chia được đưa ra ở đầu Tiết này. Thứ ba, sự phân chia thứ ba tổng quát hơn và chỉ cứu xét mục đích của sự nói dối, mà không xét cho biết điều đó thêm lên hoặc giảm bớt sự trọng đại của mình. Đó là sự phân chia ra tám loại ở vấn nạn 2. Ba loại nói dối đầu tiên được bao gồm trong sự nói dối tai hại, trước tiên chống lại với Thiên Chúa, đó là sự nói dối học lý và tôn giáo; và sau đó chống lại kẻ đồng loại, hoặc chỉ có ý định có ích cho người này mà làm hại người kia. Sự nói dối thứ nhất trong ba loại nói dối này thì nặng nhất, như luôn luôn khi tội lỗi chống lại với Thiên Chúa mà chúng ta đã nói ở trước (Q.94, a.3); sự nói dối thứ hai nặng hơn sự nói dối thứ ba, vì sự nói dối thứ ba được giảm bớt do ý định đem lại sự ích lợi; loại nói dối thứ bốn, trái ngược hẳn với các sự nói dối trước, làm nặng thêm sự nói dối, không làm nặng thêm cũng không giảm bớt sự nói dối: đó là sự nói dối để đem lại sự vui thú nói dối mà thôi, và Triết gia (Eth. 4,7) lưu ý điểm này là sự nói dối này và sự vui thú mà người ta gặp thấy ở đó xuất phát từ điều người ta có tập quán nói dối. Bốn lại nói dối sau giảm bớt tội nói dối. Quả thế, loại nói dối thứ năm là sự nói dối vui vẻ được thực hiện do sự ước muốn làm đẹp lòng. Các loại nói dối thứ sáu, thứ bảy và thứ tám quy về sự nói dối hảo ý giúp người nào giữ gìn tiền bạn của họ, hoặc có lợi ích cho thân thể của họ: cứu mạng sống của họ; hoặc hữu ích cho nhân đức của họ: giữ họ khỏi tội lỗi làm ô uế thân thể. Cuối cùng, rõ ràng là sự tốt mà ý định liên hệ đến càng to lớn, tội lỗi càng được giảm bớt. Do đó, nếu người ta cứu xét kỹ lưỡng bốn loại nói dối sau được sắp đặt một cách thích hợp theo trật tự của sự trọng đại giảm bớt dần, bởi vì cái hữu ích hơn cái vui thú, sự sống của thân thể đáng được quý chuộng hơn của cải giàu có, nhưng sự sống đi theo sau danh dự và nhân đức.

GIẢI ĐÁP: Tất cả những điều vừa trình bày ở trên giải quyết xong vấn nạn.

 

Tiết 3

SỰ NÓI DỐI LUÔN LUÔN CÓ TỘI?

VẤN NẠN: Xem ra sự nói dối không luôn luôn có tội.

1. Các thánh sử đã không phạm tội khi viết ra Phúc âm. Mà xem ra các ngài đã nói điều giả, bởi vì các lời nói của Chúa Kitô, các lời nói của nhân vật khác, đã được các ngài thuật lại một cách khác nhau, do đó xem ra hoặc đấng này hoặc đấng kia đã nói ra điều giả.

2. Không ai được Thiên Chúa ban thưởng vì tội lỗi. Mà các cô đỡ nước Ai Cập được Thiên Chúa ban thưởng vì sự nói dối của mình, bởi vì người ta đọc thấy trong sách Xuất hành (1, 21): “Thiên Chúa ban cho họ miêu duệ đông đảo”.

3. Kinh thánh thuật lại các hành động của các nhân vật thánh để nêu gương. Mà chúng ta đọc thấy một số nhân vật thánh đã nói dối. Như Abraham quả quyết người vợ của mình là em gái của mình (Kn 12, 13.19; 20, 2.5). Giacóp đã nói dối khi cho mình là Esau, tuy nhiên, ông đã lãnh nhận việc chúc phúc (Kn 27). Người ta còn khoe khoang với chúng ta bà Giuđích nói dối với vua Holophelnô.

4. Người ta phải lựa chọn sự dữ nhỏ hơn để tránh sự dữ xấu hơn; chính như vậy mà thầy thuốc cưa cắt một chi thể để tránh sự nhiễm độc của cả thân thể. Mà người ta làm một điều gì ít xấu bằng cách thông cho biết một tin giả hơn phạm tội giết người hoặc để xảy ra tội giết người.

5. Có sự nói dối khi người ta không hoàn thành một lời hứa. Mà người ta không phải hoàn thành tất cả mọi lời hứa, vì thánh Isiđôrô truyền dạy (Synon. 2, 58): “Nếu người đã hứa điều xấu, ngươi hãy hủy bỏ điều ngươi đã cam kết.

6. Sự nói dối được coi là tội bởi vì nó được dùng để đánh lừa người đồng loại, điều đó đã khiến thánh Augustinô lên tiếng (De Mendac 21, 40): “Nếu người ta tưởng nghĩ có một loại nói dối không có tội, người ta lầm lạc một cách dốt nát mà nghĩ rằng người ta có thể đánh lừa các kẻ khác một cách lương thiện.” Mọi loại nói dối không phải là nguyên nhân đánh lừa, vì sự nói dối vui vẻ không đánh lừa ai. Quả thế, người ta không sử dụng loại nói dối này để được tin, nhưng chỉ vì sự vui thú; như vậy người ta gặp đôi khi những cách nói quá đáng trong Kinh thánh.

TRÁI LẠI: Người ta đọc thấy trong sách Huấn ca (7, 13): “Ngươi hãy giữ mình đừng nói dối chi cả.”

TRẢ LỜI: Một điều xấu do bản tính không bao giờ có thể trở nên tốt và hợp pháp; bởi vì, cho được nó trở nên tốt, thì một cách tất yếu mọi yếu tố phải góp phần vào đó; quả thế, sự tốt được sản xuất bởi nguyên nhân hoàn hảo, trong khi sự xấu phát xuất bởi bất cứ khuyết điểm nào như Denys minh chứng (De Div. Nom. 40, 39). Mà, sự nói dối xấu do bản tính; đó là một hành động mà chất thể không phải là điều nó phải có; bởi vì các từ ngữ là các dấu hiệu tự nhiên của các tư tưởng, cho nên việc người ta làm cho biểu thị điều mình không tư tưởng, thì trái ngược với bản tính và đáng ghét cách nguyên thường, trong khi sự thật tốt lành và đáng ca ngợi. Vậy mọi sự nói dối có tội theo lời khẳng định của thánh Augustinô (De Mendac. 5, 40).

GIẢI ĐÁP:

1. Điều này là phạm thánh vì tưởng nghĩ Phúc âm hoặc một phần Kinh thánh nào khẳng định sự sai lầm, hoặc tác giả của chúng đã nói dối; điều đó hẳn phá hủy sự chắc chắn của đức tin trên thế giá của Kinh thánh. Sự kiện này là trong Phúc âm hay trong phần Kinh thánh nào, các lời nói của một số nhân vật được thuật lại cách khác nhau, không tạo nên sự nói dối. Thánh Augustinô (DE Con. Evang. 2, 12) đã nói: “Vấn đề này không làm cho bận tâm chút nào kẻ một cách khôn ngoan phán đoán rằng sự hiểu biết chân lý phát xuất bởi các tư tưởng, bất cứ các tư tưởng này được biểu lộ bất cứ cách nào. Do đó, người ta trông thấy rằng chúng ta không nên cho là sự nói dối câu chuyện mà nhiều người có thể thuật lại về điều họ đã trông thấy và nghe chung với nhau, mặc dù hình thức và lời nói có khác nhau.

2. Các bà mụ đã không lãnh nhận phần thưởng do sự nói dối của mình, nhưng do dự kính sợ Thiên Chúa và thiện chí đã thúc đẩy họ nói dối. Đó là điều được nói lên rõ ràng trong sách Xuất hành: “Bởi vì họ đã kính sợ Thiên Chúa, Thiên Chúa ban cho họ một miêu duệ.”

3. Kinh thánh theo sự nhận xét của thánh Augustinô (De Mendac. 5, 40), đưa ra cho chúng ta một số nhân vật làm kiểu mẫu nhân đức hoàn hảo; vậy chúng ta không nên tin các ngài đã nói dối nếu một ít lời nói của các ngài xem ra nói dối, chúng ta phải trông thấy ở đó các hình ảnh tượng trưng và các lời tiên tri. Chúng ta phải tin rằng các nhân vật như thế đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ các tiên tri, đã nói và đã làm theo một thể cách tiên tri tất cả những gì Kinh thánh chỉ về cho các ngài.

Abraham, làm cho người ta coi bà Sara là em gái của mình, chỉ muốn giấu sự thật chứ không nói dối, và chính ông đã giải thích: “Bà này thật sự là em của tôi: Bà là con gái của cha tôi, dầu mà bà không phải là con gái của mẹ tôi” (Kn 20, 12). Chính bằng cách tượng trưng mà Giacóp đã nói mình là Esau, con trai đầu lòng của Issac, bởi vì quyền trưởng nam đã thuộc về ông một cách hợp pháp. Ông tuyên bố điều này do tinh thần tiên tri, ngõ hầu biểu lộ mầu nhiệm: dân con thứ, dân ngoại, sẽ thay thế con trai đầu lòng, nghĩa là dân Do Thái.

Kinh thánh ca tụng một số nhân vật không phải trong tư cách họ là các gương mẫu nhân đức hoàn hảo, nhưng vì những tình cảm tốt tại sự, đã làm cho họ vi phạm các hành động đáng khiển trách. Chính như vậy mà bà Giuđích lãnh nhận các sự ca ngợi, không phải vì bà đã đánh lừa tướng Holophelnô, nhưng vì lòng ái quốc đã khiến bà xông pha nguy hiểm. Song người ta cũng có thể nói rằng các lời nói của nữ anh hùng này là thật theo ý nghĩa thiêng liêng.

4. Sự nói dối có yếu tính của tội, không những vì sự thiệt hại gây nên cho người đồng loại, mà còn vì sự mất trật tự thuộc về yếu tính của nó như người ta mới nói tới. Mà, không bao giờ người ta được phép sử dụng phương tiện mất trật tự, tức là bị cấm đoán, để mưu ích lợi cho người đồng loại, thí dụ trộm cắp để bố thí ngoài trường hợp khẩn cấp mà mọi sự trở nên của chung. Vậy người ta không bao giờ được phép nói dối để giải thoát ai khỏi bất cứ sự nguy hiểm nào; dầu mà người ta được phép che giấu sự thật một cách khôn ngoan như thánh Augustinô xác nhận (Contra Mendac 10, 40).

5. Kẻ có ý định giữ lời mình hứa không phải là kẻ nói dối, bởi vì họ không nói trái ngược với tư tưởng của mình. Nếu thực sự họ không giữ lời hứa, họ thiếu trung thành vì đã thay đổi dự định của mình. Tuy nhiên, họ có thể thứ miễn trong hai trường hợp. Thứ nhất, nếu họ đã hứa một điều xấu xa một cách rõ ràng, họ đã phạm tội trong lúc hứa, họ đã hành động tốt khi thay đổi ý kiến. Thứ đến, nếu các con người hoặc các công việc đã thay đổi. Như Sênêca (De Benef. 4, 35) đã nói, người ta để cho được bị bắt giữ lời hứa, cần phải có không cái gì thay đổi; nếu cách khác, người ta hẳn không đã là kẻ nói dối khi đưa ra lời hứa, bởi vì người ta đã hứa với một số điều kiện; người ta không phải là không trung thành khi không giữ lời hứa, bởi vì các điều kiện này không còn hiện hữu nữa. Như vậy thánh Phaolô đã không nói dối khi ngài không đi thành Côrintô như ngài đã hứa (2Cr 1, 15), bởi vì các sự trở ngại đã xảy ra.

6. Trong một hành động người ta có thể phân biệt điều được làm và kẻ làm điều đó. Sự nói dối vui vẻ có tính cách đánh lừa theo bản tính mình, dầu mà nó không đánh lừa trong ý định kẻ của kẻ nói và trong thể cách họ nói điều đó. Không phải như vậy đối với phép khoa trương và các từ hoa mỹ khác trong lời nói như người ta đọc thấy chúng trong Kinh thánh. Như thánh Augustinô (De Mendac. 17, 40) đã nói: “Tất cả những gì đã làm hoặc đã nói theo ý nghĩa tượng trưng không phải là sự nói dối. Tất cả điều gì người ta phát biểu phải được hiểu về đối tượng mà nó quy về đó. Mà, tất cả cái gì đã làm, tất cả cái gì đã nói theo thể cách tượng trưng, biểu thị điều nó tượng trưng đối với những kẻ phải hiểu biết ý nghĩa của nó.

 

Tiết 4

PHẢI CHĂNG SỰ NÓI DỐI LUÔN LUÔN LÀ TRỌNG TỘI?

VẤN NẠN: Xem ra có như vậy.

1. Người ta đọc thấy trong Thánh vịnh (5, 7): “Hạng người láo khoét, Người để diệt vong”; và trong sách Khôn ngoan (1, 11) nói: Vậy miệng lưỡi nói dối đem lại sự chết cho linh hồn”. Mà sự diệt vong và sự chết của linh hồn chỉ có thể phát xuất do trọng tội. Vậy mọi sự nói dối là trọng tội.

2. Mọi cái gì vi phạm giới mệnh của Mười điều răn Đức Chúa Trời đều là trọng tội. Mà sự nói dối vi phạm giới mệnh này: “Ngươi chớ làm chứng dối”.

3. Thánh Augustinô đã viết (De Doctr. Chrys. 1, 36): “Không người nói dối nào, do sự nói dối của mình, tôn trọng lòng tin, vì họ một cách đích thực muốn kẻ mà mình nói dối cho mình lòng tin này mà chính mình không tôn trọng khi nói dối. Mà mọi kẻ vi phạm đức tin làm điều gian ác. Mà người ta không thể nói như thế về một tội nhẹ.

4. Người ta chỉ có thể mất phần thưởng đời đời do một trọng tội. Mà, vì sự nói dối, người ta mất phần thưởng đời đời để đổi lại phần thưởng trần gian. Quả thế, theo thánh Grêgôriô (Moral. 18, 3), trong sự thưởng các bà mụ, người ta khám phá ra điều mà tội nói dối đáng được. Vì phần thưởng lòng tốt của họ có thể là sự sống đời đời, đã bị làm hư hại, vì sự nói dối trước, trở thành phần thưởng trần gian.” Vậy, ngay sự nói dối hảo ý như sự nói dối của các bà mụ này, xem ra nhẹ nhất trong sự nói dối, vẫn là trọng tội.

5. Thánh Augustinô (De Mendac. 17, 40) đã nói với chúng ta: Đối với các người trọn lành, giới mệnh không phải chỉ là không được nói dối một cách nào cả, mà còn không được muốn nói dối.” Mà việc hành động trái ngược với giới mệnh này là trọng tội. Vậy mọi sự nói dối của những kẻ trọn lành là trọng tội. Và, theo cũng một tư cách, đối với mọi kẻ khác: giả như cách khác, hẳn họ bị thân phận xấu hơn.

TRÁI LẠI: Theo thánh Augustinô (Enarr, in Ps. 5, 7): “Có hai loại nói dối không phải là trọng tội, tuy nhiên vẫn là có tội: sự nói dối mà chúng ta thực hiện vì vui chơi giỡn cợt, và sự nói dối mà chúng ta thực hiện vì lợi ích của người đồng loại.” Mà mọi tội chết là trọng tội. Vậy sự nói dối vui vẻ và sự nói dối hảo ý không phải là trọng tội.

TRẢ LỜI: Trọng tội một cách đích xác đối lập với đức mến, và đức mến làm cho linh hồn được kết hợp với Thiên Chúa như chúng ta đã nói ở trước (Q. 12, a.12). Mà nói dối có thể đối lập với đức mến theo ba thể cách: cách nguyên thường, do mục đích được tìm kiếm, do các hoàn cảnh xảy ra ở đó.

Thứ nhất, các nguyên thường, sự nói dối đối lập với đức mến bởi vì nó biểu thị điều giả. Nếu đối với vấn đề thuộc về Thiên Chúa, nó đối lập với đức mến đối với Thiên Chúa mà do sự nói dối như thế người ta che giấu hoặc biến đổi chân lý của Ngài. Như vậy, sự nói dối như thế không những đối lập với nhân đức chân lý, mà còn đối lập với nhân đức tin và nhân đức đạo đức. Do sự nói dối này là nặng nhất trong tất cả mọi sự nói dối; và nó là trọng tội nếu ý nghĩa giả dối của nó liên hệ với sự hiểu biết hữu ích đối với sự tốt của nhân loại, thí dụ sự tiến bộ trong sự hiểu biết và trong sự đào tạo đạo đức của họ, sự nói dối này trong tư cách làm thiệt hại người đồng loại do sự thông tin giả dối, đối lập với đức mến của người đồng loại đến nỗi nó là trọng tội. Còn nếu sự nói dối được biểu lộ do sự nói dối, liên hệ đến điều trung lập, đến nỗi người đồng loại không do đó bị một sự thiệt hại nào, dường như nó đánh lừa trong các chi tiết bất tất không liên hệ đến họ, một sự nói dối như thế theo cách nguyên thường không phải là trọng tội.

Thứ đến, vì mục đích được tìm kiếm, một số sự nói dối đối lập với đức mến, thí dụ, nếu điều người ta nó xúc phạm Thiên Chúa, điều đó luôn luôn là trọng tội vì trái ngược với nhân đức đạo đức; hoặc nếu điều đó là thiệt hại kẻ đồng loại trong bản thân con người của họ, trong của cải hoặc thanh danh của họ. Và điều đó cũng là trọng tội, và người ta phạm trọng tội chỉ do ý định phạm trọng tội. Còn nếu mục đích được ước muốn không phải trái ngược với đức mến, sự nói dối không là trọng tội vì lý do này, như người ta trông thấy điều đó trong sự nói dối vui vẻ mà ở đó người ta tìm kiếm chút ít vui thú, và trong tội hảo ý mà ở đó người ta còn tìm kiếm sự lợi ích cho người đồng loại.

Thứ ba, sự nói dối có thể là trọng tội bởi nó đối lập với đức mến theo các hoàn cảnh tùy thể, như gương xấu, hoặc sự tai hại mà sự nói dối gây nên. Trong trường hợp này cũng có trọng tội, bởi vì một người nào không bị ngăn trở do sự sợ đem lại gương xấu bằng cách nói dối công khai.

GIẢI ĐÁP:

1. Các đoạn văn này được hiểu về sự nói dối tai hại như sách Chú giải trình bày về Thánh vịnh (5).

2. Bởi vì tất cả mọi giới mệnh của Mười điều răn Đức Chúa Trời được sắp đặt đến đức mến Chúa yêu người như chúng ta đã đề cập đến ở trước (Q.44, a.1, sol.3; I-II, Q.100, a.5, sol.1), sự nói dối đối lập với giới mệnh này theo mức độ nó đối lập với tình yêu này. Như vậy, giới mệnh cấm cách rõ ràng sự làm chứng dối cống lại người đồng loại (Xh. 20,16; Đnl 1,20).

3. Chính tội nhẹ có thể được gọi là sự gian ác theo nghĩa rộng, trong tư cách nó thiếu sự bằng nhau mà đức công bình đòi phải có, điều đó khiến thánh Gioan (1Ga 3,4) lên tiếng: “Mọi tội là điều gian ác.” Thánh Augustinô cũng nói như vậy.

4. Người ta có thể cứu xét sự nói dối của các cô mụ về hai phương diện: trước hết về hiệu quả lương thiện đối với dân Do Thái, và về sự kính sợ Thiên Chúa. Về phương diện này nhân đức của họ đáng ca ngợi và họ đáng được phần thưởng đời đời. Như vậy thánh Giêrônimô (In Issaiam 18, 64) giải thích rằng Thiên Chúa đã ban cho họ miêu duệ thiêng liêng.

Người ta cũng có thể cứu xét sự nói dối của họ về hành động bên ngoài của nó và do đó họ không thể đáng được phần thưởng đời đời, nhưng có thể đáng được phần thưởng trần gian, và phần thưởng trần gian này không đối lập với sự xấu xa của sự nói dối này. Chính như vậy mà người ta phải hiểu các lời nói của thánh Giêrônimô, không phải dường như sự nói dối của họ làm cho họ phải mất phần thưởng đời đời đáng được do ý định mạnh mẽ của họ như người ta đã chủ trương trong vấn nạn.

5. Một số người nói rằng đối với những người hoàn hảo, mọi sự nói dối là trọng tội. Mà điều đó phi lý. Quả thế, không hoàn cảnh nào làm cho tội thêm nặng đến vô cùng trừ khi bằng cách làm cho nó thay đổi loại. Mà chủ thể là một hoàn cảnh không thay đổi loại tội, trừ phi do một lý do xen vào đó, như sự vi phạm lời khấn, điều đó không thể là sự nói dối hảo ý hoặc vui vẻ. Do đó, những sự nói dối như thế không phải là những trọng tội đối với những con người hoàn hảo, trừ phi bằng cách ngẫu niên, do gương xấu. Và người ta có thể quy về đó lời nói của thánh Augustinô (De Mendac. 17, 40): “Đối với những người hoàn hảo, giới mệnh không những cấm không được nói dối, mà còn không được nói dối.” Dầu mà thánh Augustinô chỉ nói lên một cách nghi ngờ, vì ngài bắt đầu nói: “trừ phi, có lẽ…”

Chỉ có sự ngăn trở chính với kẻ đã được đặt làm kẻ bảo vệ giữ gìn chân lý trong chức năng quan tòa hay tiến sĩ, nếu họ thiếu sót đối với chức vụ của mình thì phạm trọng tội do sự nói dối. Trong các trường hợp khác của sự nói dối, họ không phạm trọng tội cách tất nhiên.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt